ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HẢI
PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
246/KH-UBND
|
Hải Phòng, ngày 13 tháng 10 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
HỢP
TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM
2030
Thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTg
ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế
về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, Ủy ban nhân dân
thành phố ban hành Kế hoạch hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển
thành phố Hải Phòng đến năm 2030, với các nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU
- Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế,
đặc biệt là duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị đối với các đối
tác truyền thống, láng giềng với phương châm hợp tác để giữ vững an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới, biển và hải đảo để xây dựng
và phát triển kinh tế, xã hội thành phố.
- Thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng
điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy
động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa
sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác; đóng góp tích cực
và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương.
II. NHIỆM VỤ
1. Quản trị biển và đại
dương, quản lý tổng hợp vùng bờ
- Tăng cường năng lực cho đội ngũ làm
công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo của thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu
cầu hội nhập quốc tế.
- Định kỳ rà soát, đánh giá các cơ chế,
chính sách, pháp luật về biển, hải đảo trong phạm vi quản lý của thành phố phù
hợp với chuẩn mực quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc
biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
- Tham gia trong quá trình Trung ương
xây dựng các cơ chế hợp tác trong quản trị khu vực và toàn cầu đối với các hệ
sinh thái biển lớn và bờ biển; quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường
biển; thực hiện quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng
bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ.
- Đa dạng hoá hình thức và nội dung
tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về
biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; chủ trương, đường lối của Đảng và
chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học
sinh, sinh viên, người dân, khách du lịch trong và ngoài nước., về chủ quyền biển,
đảo của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; vị trí, vai trò, tiềm
năng của biển, đảo đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc
phòng của Việt Nam; cùng chung tay bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ;
bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển. Hợp tác, chia sẻ thông tin, dữ
liệu về sinh thái biển theo quy định.
2. Phát triển kinh tế
biển, ven biển
a) Kinh tế hàng hải
- Tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển
hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm
2030 trong đó tập trung hoàn thiện đầu tư xây dựng các trung tâm logistics đạt
tầm cỡ quốc gia và quốc tế (Lạch Huyện, Nam Đình Vũ, VSIP, Tràng Duệ, Tiên
Lãng, chuyên dùng hàng không tại sân bay Cát Bi).
- Phát triển đội tàu vận tải biển theo
hướng hiện đại với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, an toàn, giảm thiểu
ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh để chủ động hội
nhập trong khu vực và thế giới.
- Thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các cảng
biển tại Hải Phòng với các cảng biển trong nước và quốc tế, hiện đại hóa cảng
biển, xây dựng các thương hiệu cảng biển địa phương, thu hút đầu tư trực tiếp của
nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển...
- Đầu tư hệ thống cảng biển quốc tế và
phát triển dịch vụ vận tải biển. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng
biển để khai thác lợi thế về dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ có liên
quan.
- Đào tạo và huấn luyện sỹ quan, thuyền
viên, nhân viên làm việc trong lĩnh vực hàng hải; đẩy mạnh hợp tác
tìm kiếm thị trường xuất khẩu thuyền viên, sỹ quan hàng hải.
- Tuân thủ thực hiện các hiệp định,
nghị định thư và các thỏa thuận liên quan đến hàng hải của Việt Nam ký kết
trong khu vực và quốc tế và các thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn hàng
hải với các nước.
b) Du lịch và dịch vụ
biển
- Phát triển du lịch chất lượng cao
theo hướng chuyên nghiệp, có trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu để
đảm bảo chất lượng và tính cạnh tranh. Trong đó đặc biệt coi trọng phát triển
du lịch biển, đảo; lấy du lịch biển, đảo làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại
hình du lịch khác. Xây dựng du lịch biển có quy mô, tầm cỡ quốc gia, khu vực,
có chất lượng; hình thành cơ sở và dịch vụ cho các sản phẩm du lịch thể thao và
sinh thái biển, các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với biển, đảo.
- Phát triển du lịch tàu biển và hệ thống
cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; Phát triển
các tuyến du lịch ra đảo Bạch Long Vĩ và vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển
khác. Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm,
thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học,
phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của thành phố, kết
nối với các tuyến du lịch quốc tế. Tổ chức các lễ hội tôn vinh văn hóa biển, ẩm
thực biển, tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với thành phố.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi
để người dân ven biển chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm, sử
dụng đất đa mục đích, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động
du lịch. Hỗ trợ về giá, thuế cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản
phẩm du lịch sinh thái biển, đảo, các tuyến du lịch ra đảo Bạch Long Vĩ. Xây dựng
cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ cứu hộ, cứu nạn; phát huy vai trò của các
tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch và dịch
vụ biển.
c) Công nghiệp ven biển
Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu
hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình
khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và
ngoài nước, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực
chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng
cuộc sống người dân. Không thu hút đầu tư những dự án gây ô nhiễm môi trường,
công nghệ lạc hậu và giá trị gia tăng thấp, chỉ cấp phép đầu tư mới đối với các
dự án phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, chứng minh được nguồn nguyên liệu
phục vụ cho sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.
d) Nuôi trồng và khai
thác hải sản bền vững
- Ưu tiên khai thác hải sản tại các
vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và
phát triển nguồn lợi thủy sản; điều chỉnh sản lượng khai thác và số lượng tàu
cá khai thác gần bờ phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản,
xóa bỏ hoàn toàn hình thức khai thác tận diệt.
- Tiếp tục hình thành hệ thống cơ sở hạ
tầng thủy sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần
nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực
khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và tiêu thụ.
- Tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi
thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng;
Tham gia các hiệp định nghề cá khu vực và thế giới; Phát triển nuôi trồng hải sản
trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, ứng dụng công nghệ
cao phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản.
- Tuyên truyền vận động ngư dân đánh bắt
cá theo ngư trường quy định, không xâm phạm chủ quyền quốc gia khác. Tiếp tục
chống xâm phạm ngư trường nước ta của phương tiện nước ngoài.
e) Năng lượng tái tạo
và các ngành kinh tế biển mới
Hướng tới phát triển một số ngành kinh
tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như rừng ngập mặn, dược
liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển... Phát triển một số ngành
công nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của thế giới phục vụ phát triển kinh
tế biển, công nghiệp dịch vụ cảng biển - logictics, vật liệu mới, công nghiệp
giải trí...
g) Phát triển các
vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên
- Xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc
biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các đảo.
- Bảo tồn, phát huy các giá trị văn
hóa, sinh thái và bản sắc biển, không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên
nhiên ở vùng ven biển và hải đảo.
3. Điều tra cơ bản,
nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển
- Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ
của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực,
cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào
các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và thích ứng với
biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Đào tạo phát triển nhân lực biển chất
lượng cao, chú trọng các lĩnh vực kinh tế hàng hải, du lịch biển, thủy hải sản,
y học biển; xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng
cao trong nước và quốc tế; đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên
gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có
trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển.
4. Bảo vệ môi trường
biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- Chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng
cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi trong các hoạt động hợp tác quốc
tế về môi trường biển. Tăng cường đầu tư cho hợp tác quốc tế; bố trí kinh phí để
thực hiện các sáng kiến, các sự kiện liên quan đến môi trường biển. Tham gia
thúc đẩy và thực hiện các chương trình hợp tác trong khu vực, quốc tế về phòng,
chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại thành phố Hải Phòng.
- Hợp tác với các quốc gia và các tổ
chức quốc tế trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao
năng lực cảnh báo, dự báo, đánh giá rủi ro thiên tai; hỗ trợ nguồn lực cho ứng
phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tăng cường hợp tác về đào tạo và nâng cao
năng lực về quản lý - điều hành phòng chống thiên tai; năng lực cán bộ hoạt động
trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; mở rộng thực hiện các dự án hợp tác chung trong
các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý nước và nước thải, bảo tồn
đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác trong công tác tìm kiếm, cứu nạn tàu thuyền
trên biển trên cơ sở các quy định của Công ước SAR 79.
5. Bảo đảm quốc
phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền
- Thực hiện nghiêm túc các điều ước,
thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; tích
cực tham gia vào quá trình đàm phán, xây dựng các điều ước quốc tế; ký kết các
thỏa thuận hợp tác mới, mở rộng tham gia vào các tổ chức quốc tế đa phương về
các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, địa
phương và các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng
biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển.
- Cử cán bộ tham gia học tập, trao đổi
kinh nghiệm tại các quốc gia có nền quốc phòng phát triển theo kế hoạch của Bộ
Quốc phòng; Tạo điều kiện cho các tàu quân sự các nước đến thành phố tham quan,
giao lưu, hợp tác quốc phòng; Tuân thủ nguyên tắc trao đổi thông tin về an toàn
và an ninh, kiểm soát biên giới, hải quan, kiểm soát đánh bắt cá, bảo vệ môi
trường, phòng thủ và thực thi pháp luật trên biển.
- Chủ động, tích cực tham gia đề xuất,
thực hiện các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác biển tại các diễn đàn khu vực
và quốc tế; Thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố và ứng xử của các bên ở Biển
Đông (DOC).
- Triển khai các giải pháp nhằm nâng
cao hiệu quả hợp tác quốc tế về biển, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ
tiên tiến, hiệu quả trên thế giới vào phát triển bền vững kinh tế biển; Giới
thiệu, hỗ trợ lựa chọn các nhà khoa học, đối tác quốc tế có uy tín, năng lực
tham gia các dự án hợp tác quốc tế; Vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước,
các tổ chức quốc tế và nhân dân tiến bộ trên thế giới trong phát triển bền vững
kinh tế biển của thành phố.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược
phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của
thành phố Hải Phòng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) chỉ đạo toàn diện và tổ chức thực
hiện Kế hoạch này.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ
quan thường trực, chủ trì đề xuất các nội dung hợp tác quốc tế về phát triển bền
vững kinh tế biển; có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình
hình và định kỳ báo cáo, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn,
thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí thực hiện các
chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ về hợp tác quốc tế phát triển bền vững
kinh tế biển.
4. Sở Ngoại vụ phối hợp với Bộ Chỉ huy
Bộ đội biên phòng thành phố thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc
gia trên biển và giải quyết công việc liên quan đến hai bên biên giới; chủ trì,
điều phối công tác thông tin đối ngoại, điều ước, thỏa thuận quốc tế, dự báo
chiến lược các vấn đề quốc tế liên quan đến chính sách phát triển các vùng biển
Việt Nam và thành phố Hải Phòng; đẩy mạnh việc tham gia hiệu quả của thành phố
tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến phát triển kinh tế biển.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt các quy định về
chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ
huy Quân sự và Công an thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ trì thực hiện
các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; xử lý tốt các tình huống,
giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc
gia trên biển; kiên quyết, kiên trì xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn
định và trật tự pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững kinh tế
biển; đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để
chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
7. Các Sở, ban, ngành, đơn vị và địa
phương ven biển triển khai thực hiện theo các nhiệm vụ của Kế hoạch này; có
trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững
kinh tế biển hàng năm của cơ quan, đơn vị mình và gửi về Sở Tài nguyên và Môi
trường để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế
hoạch, nếu có vướng mắc, các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương kịp thời báo
cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất với Ban Chỉ đạo xem
xét, quyết định./.
Nơi nhận:
-
Bộ TNMT;
- TTTU, TTHĐND TP;
- CT, các Phó CT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện;
- CVP, PCVP Trần Huy Kiên;
- Các phòng: NNTNMT, NCKTGS;
- CV: MT;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Chuyến
|
DANH
MỤC
NHIỆM
VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
KINH TẾ BIỂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2030.
(Kèm
theo Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 13/10/2020 của UBND
thành phố)
TT
|
Tên nhiệm vụ,
dự án
|
Cơ quan chủ
trì
|
Cơ quan phối
hợp
|
Thời gian
thực hiện
|
Quản trị biển và đại dương, quản
lý tổng hợp vùng
bờ
|
1
|
Kết nối với các đối tác nước ngoài
(các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu...) triển khai các chương trình
giáo dục về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với BĐKH, nước biển
dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh ở các cấp học; giáo dục nâng cao nhận
thức cho cộng đồng dân cư tại các quận, huyện có biển.
|
Sở Ngoại vụ
|
Các Sở,
ngành, địa phương, đơn vị
|
2020 - 2030
|
2
|
Tiếp tục hỗ trợ kết nối ký kết, triển
khai các dự án hợp tác giữa thành phố Hải Phòng và các đối tác nước ngoài trong
lĩnh vực quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển,
bảo vệ các nguồn tài nguyên biển.
|
Sở Ngoại vụ
|
Sở Tài
nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố và các cơ
quan của Trung ương
|
2020 - 2030
|
Phát triển kinh tế
biển, ven biển
|
3
|
Đẩy mạnh kết nối hợp tác giữa thành
phố với các đối tác nước ngoài (các đối tác hiện đã có quan hệ với thành phố
và tiếp tục hợp tác với các đối tác mới) để triển khai các chương trình, dự
án trong lĩnh vực kinh tế biển, du lịch, dịch vụ biển,...
|
|
|
|
3.1
|
Tiếp tục phối hợp với Văn phòng Ban
Quản lý di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà chủ trì, triển khai ý kiến chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với tỉnh
Quảng Ninh xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh
Hạ Long - quần đảo Cát Bà, chuẩn bị trình UNESCO công nhận.
|
Sở Ngoại vụ
|
Sở Du lịch,
Ban quản lý di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà
|
2020 - 2030
|
3.2
|
Tiếp tục kết nối, theo dõi các dự án
hợp tác với thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) về tăng trưởng xanh.
|
Sở Ngoại vụ
|
Các Sở,
ngành, địa phương, đơn vị
|
2020 - 2030
|
3.3
|
Tích cực phát huy vai trò thành viên
trong các tổ chức du lịch quốc tế (Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới, TPO,..)
và các tổ chức quốc tế khác (CityNet,...) mà Hải Phòng là thành viên để quảng
bá du lịch biển.
|
Sở Ngoại vụ
|
Các Sở,
ngành, địa phương, đơn vị
|
2020 - 2030
|
3.4
|
Thúc đẩy hợp tác logistics giữa Hải
Phòng với các địa phương trong hành lang kinh tế 5 tỉnh Việt Nam - Trung Quốc,
hợp tác "Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc",
đặc biệt chú trọng vào phát triển liên kết giao thông đường bộ, đường sắt và
đường hàng không nhằm phát huy lợi thế Cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hướng
tới trở thành trung tâm logistics, kho bãi, vận tải hàng hóa khu vực miền Bắc
và vùng Tây Nam và các địa phương lân cận của Trung Quốc.
|
Sở Ngoại vụ
|
Các Sở:
Giao thông vận tải; Công Thương
|
2020 - 2030
|
Điều tra cơ bản,
nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển
nguồn nhân lực biển
|
4
|
Đẩy mạnh kết nối với các tổ chức, đối
tác quốc tế có thể mạnh và kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ
tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành
kinh tế biển, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu,
nước biển dâng.
|
Sở Ngoại vụ
|
Các Sở,
ngành, địa phương, đơn vị, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam có liên
quan
|
2020 - 2030
|
5
|
Tiếp tục thúc đẩy kết nối các dự án
hợp tác về nghiên cứu tài nguyên môi trường biển.
|
Sở Ngoại vụ
|
Sở Tài
nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, đơn vị liên quan
|
2020 - 2030
|
Bảo vệ môi trường, ứng
phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước
biển dâng
|
6
|
Thúc đẩy hợp tác trong khu vực, quốc
tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
|
Sở Ngoại vụ
|
Các Sở,
ngành, địa phương, đơn vị
|
2020 - 2030
|
7
|
Hợp tác với các tổ chức quốc tế
trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực cảnh
báo, dự báo, đánh giá rủi ro thiên tai.
|
Sở Ngoại vụ
|
Các Sở,
ngành, địa phương, đơn vị
|
2020 - 2030
|
8
|
Đẩy mạnh công tác vận động viện trợ
phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ phòng chống và khắc phục ảnh hưởng nước biển
dâng, thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến người dân vùng ven biển, hải
đảo thuộc địa bàn thành phố.
|
Sở Ngoại vụ
|
Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành, đơn vị liên quan
|
2020 - 2025
|