ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2414/KH-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 7 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA THỰC HIỆN CHỈNH TRANG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thực hiện Quyết định số 3837/QĐ-UBND
ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch tổ
chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Ủy ban nhân dân Thành phố phát động
phong trào thi đua thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Phong trào thi đua) với các nội dung cụ
thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của
các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền
địa phương và thủ trưởng các cơ quan từ Thành phố đến cơ sở; các đơn vị chủ đầu
tư, nhà thầu, thi công, giám sát thực hiện các Dự án chỉnh trang và phát triển
đô thị tại Thành phố (gọi tắt là các Dự án) đảm bảo đúng hoặc vượt tiến
độ, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống
chính trị, tinh thần sáng tạo của các cấp, các ngành, các sở, ban, ngành, đoàn
thể Thành phố, thành phố Thủ Đức, quận, huyện, các cơ quan, đơn vị, tổng
công ty, công ty thuộc Thành phố (gọi tắt là các cơ quan, đơn
vị, địa phương) và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn
Thành phố, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về thực hiện có hiệu quả các Dự
án chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021 -
2025 và các năm tiếp theo.
- Phát hiện, biểu dương, khen thưởng
kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất
sắc trong phong trào thi đua để tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các gương
điển hình tiên tiến, những mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay làm cho phong
trào thi đua trở nên thiết thực, hiệu quả tác động tích cực, mạnh mẽ đến chất
lượng, hiệu quả của công tác chuyên môn từng đơn vị.
2. Yêu cầu
- Phong trào thi đua phải được triển
khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt đến tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng
viên và người dân trên địa bàn Thành phố với nội dung đa dạng, hình thức phong
phú, đảm đảm tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của các
cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Việc triển khai thực hiện phong
trào thi đua phải thường xuyên, liên tục, có theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá
định kỳ hằng năm, sơ kết, tổng kết; công tác khen thưởng đảm
bảo kịp thời, dân chủ, chính xác, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng
thành tích.
II. THỜI GIAN, ĐỐI
TƯỢNG THI ĐUA
1. Thời gian thi đua
- Từ ngày ban hành Kế hoạch đến ngày
31 tháng 12 năm 2025.
- Tổ chức sơ kết trong năm 2023.
- Tổ chức tổng kết trong năm 2025.
2. Đối tượng thi đua
- Tập thể: Các sở, ban, ngành, đoàn
thể Thành phố, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, cơ quan, đơn vị, tổng công
ty, công ty thuộc Thành phố; các cơ quan, doanh nghiệp, phường, xã, thị trấn,
khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, hộ gia đình; các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, thi công,
giám sát tham gia thực hiện các Dự án.
- Cá nhân: Cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn Thành phố; đội ngũ kỹ sư,
công nhân, người lao động thuộc các đơn vị nhà thầu, thi công, giám sát tham
gia thực hiện các Dự án.
III. NỘI DUNG THI
ĐUA
1. Thực
hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban
nhân dân Thành phố về thực hiện các dự án Chỉnh trang và phát triển đô thị trên
địa bàn Thành phố.
2. Triển
khai thực hiện tốt, đảm bảo đúng tiến độ và vượt thời gian; hoàn thành đúng hoặc
vượt tỷ lệ % hàng năm theo kế hoạch đã đặt ra về thực hiện chỉnh trang, phát
triển đô thị Thành phố và giải ngân số vốn được cấp đối với các Dự án, cụ thể:
2.1. Phấn đấu hoàn thành bồi thường, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho
người dân đang sống trên và ven kênh, rạch
- Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa
giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven
kênh rạch để chỉnh trang đô thị.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các Dự
án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã được phê duyệt chủ trương đầu tư công và
dự án bồi thường (thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020).
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước
chuẩn bị đầu tư các Dự án còn lại như: xác định ranh dự án, điều tra khảo sát,
lập đề xuất trình phê duyệt chủ trương đầu tư công, phê duyệt dự án bồi thường...
- Tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn
bị để sớm tổ chức thực hiện các Dự án vốn ngoài ngân sách.
2.2. Phấn đấu thực hiện cải tạo, sửa chữa hoặc tháo gỡ, đầu tư xây dựng mới
thay thế chung cư cũ trên địa bàn Thành phố
- Đầu tư xây dựng mới các chung cư cấp
D đã thực hiện di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2016 -
2020.
- Di dời, tháo dỡ đối với các chung
cư cấp D chưa thực hiện di dời hoặc di dời dở dang trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Cải tạo, sửa chữa các chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn vốn
ngân sách.
2.3. Tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu
- Chỉnh trang đô thị thông qua đầu tư
cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường,
hẻm, gồm: nâng cấp hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước mưa và
nước thải, đèn chiếu sáng công cộng cho hẻm, trụ cứu hỏa, phòng cháy chữa
cháy, thu gom rác thải.
2.4. Tiếp tục xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện
đại
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển
và xây dựng đồng bộ Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Nam
Thành phố theo đúng quy hoạch.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công
tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để tiến hành đầu tư xây dựng đồng
bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
3. Giải
quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm có cơ chế để thực hiện công tác giải
phóng mặt bằng, công tác tái định cư cho các hộ gia đình trong từng Dự án phù hợp
với yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác xác minh giá trị đất và tài sản trên đất đối với các gia đình
tự nguyện góp quyền sử dụng đất (hiến đất), gia đình thực hiện di dời, bàn giao
mặt bằng trước thời gian quy định để tuyên truyền, biểu
dương khen thưởng.
4. Thực
hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; chống tiêu cực, lãng phí trong giải ngân vốn đầu
tư công; tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo,
rà soát việc phân bổ vốn cho các Dự án phù hợp với tiến độ
thực hiện, khả năng giải ngân vốn, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, an toàn tuyệt
đối trong thi công; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và nắm
tình hình có liên quan; kịp thời xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong tổ
chức thực hiện; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
III. CÔNG TÁC
KHEN THƯỞNG
1. Danh hiệu thi đua và hình thức
khen thưởng
- Cờ Thi đua của Thành phố: Xem xét,
tặng thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc,
tiêu biểu nhân dịp tổng kết phong trào thi đua.
- Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành
phố: Xem xét, tặng thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc,
tiêu biểu nhân dịp sơ kết, tổng kết phong trào thi đua.
- Giấy khen của các cơ quan, đơn vị,
địa phương: Xem xét, tặng thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất
sắc nhân dịp tổng kết phong trào thi đua yêu nước hằng năm
(theo tiêu chí của từng cơ quan, đơn vị, địa phương quy định tùy vào tình
hình thực tiễn).
2. Tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp
Thành phố
2.1. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc Thành phố và các đơn vị
trực thuộc tham gia cụm, khối thi đua thuộc Thành phố
- Xây dựng kế hoạch phát động phong
trào thi đua với các nội dung, mục tiêu, đối tượng thi đua cụ thể; phổ biến, tuyên truyền, vận động Nhân dân tại các
địa phương có Dự án được triển khai tích cực hưởng ứng thi đua đạt hiệu quả.
- Nghiên cứu, kịp thời đề xuất cấp có
thẩm quyền điều chỉnh có cơ chế hoặc ban hành các văn bản để triển khai các Dự án được thuận lợi; hoàn thành có chất lượng, đúng và
vượt tiến độ các hạng mục của các Dự án.
- Có sáng kiến,
giải pháp hiệu quả trong tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc, thúc đẩy hoàn thành các Dự án.
- Quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân
sách Nhà nước và từ nguồn kinh phí khác đúng quy định; giải ngân đảm bảo đúng
thời gian theo kế hoạch.
- Đảm bảo công tác an ninh - trật tự
an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân (nếu
có); thực hiện chế độ thông tin báo cáo đầy đủ, đúng thời
gian quy định.
2.2. Đối với các tập thể không tham gia cụm, khối thi
đua và hộ gia đình
- Chấp hành tốt các chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nội quy quy định
của cơ quan, đơn vị và địa phương.
- Có thành tích xuất sắc, hoàn thành
vượt mức các chỉ tiêu thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương và có sáng kiến,
giải pháp áp dụng trong phong trào thi đua góp phần tăng năng suất, chất lượng,
hiệu quả trong thực hiện các Dự án.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền,
vận động Nhân dân tham gia công tác giải phóng mặt bằng; tự nguyện hiến đất,
tài sản trên đất để triển khai thực hiện các Dự án; gương mẫu thực hiện tốt việc
di dời, bàn giao mặt bằng trước thời gian quy định.
2.3. Đối với các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, thi công, giám sát tham gia thực
hiện các Dự án
- Chấp hành tốt chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
- Có phương pháp, giải pháp sáng tạo
được áp dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ triển khai các Dự án; triển khai
thực hiện hoàn thành vượt tiến độ các hạng mục của các Dự án.
- Đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh
môi trường trong triển khai thực hiện các Dự án.
2.4. Đối với cá nhân
- Chấp hành tốt các chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nội quy quy định
của cơ quan, đơn vị và địa phương.
- Có thành tích xuất sắc, tiêu biểu
trong triển khai thực hiện phong trào thi đua; có sáng kiến, kinh nghiệm, giải
pháp sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các Dự án; trực tiếp
tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách,
hướng dẫn hoặc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đạt hiệu quả rõ rệt, thúc đẩy nhanh tiến
độ thực hiện các Dự án.
- Đối với cá nhân là người đứng đầu
cơ quan, đơn vị, địa phương: ngoài đạt các tiêu chí nêu trên thì tập thể do cá
nhân lãnh đạo phải có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện phong trào
thi đua; trực tiếp chỉ đạo thực hiện hoàn thành đúng và vượt tiến độ các hạng mục
của các Dự án.
- Đối với cá nhân là thành viên Ban Chỉ
đạo các cấp: tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền nhằm tạo sự đồng
thuận cao của toàn xã hội để huy động sự tham gia tích cực
của mọi tầng lớp nhân dân vào việc hoàn thành thực hiện các Dự án; tổ chức theo
dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các Dự án theo tiến
trình.
- Đối với cá nhân là đội ngũ kỹ sư,
công nhân, người lao động thuộc các đơn vị nhà thầu, thi công, giám sát tham
gia thực hiện các Dự án: có thành tích xuất sắc tiêu biểu,
có giải pháp sáng tạo được áp dụng hiệu quả trong thực hiện các Dự án.
- Đối với cá nhân khác: có nhiều đóng
góp về công sức, trí tuệ, vật chất, đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả
vào triển khai thực hiện các Dự án.
3. Quy trình, thủ tục hồ sơ đề nghị
khen thưởng cấp Thành phố
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương
bình xét, đề xuất danh sách khen thưởng gửi về Sở Xây dựng tổng hợp, xem xét đề
nghị Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng nhân dịp sơ kết, tổng kết Phong trào
thi đua.
- Thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng thực
hiện theo quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Xây dựng là cơ quan thường
trực của Phong trào thi đua
- Tuyên truyền, triển khai các nội
dung Kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám
sát các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Kế hoạch, báo
cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo định kỳ.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ
(Ban Thi đua - Khen thưởng) tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân Thành phố về kết quả thực hiện phong trào thi đua nhân dịp sơ kết, tổng kết;
tham mưu sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua để đánh giá kết quả thực hiện nhằm
đề ra các giải pháp triển khai thực hiện giai đoạn tiếp
theo.
2. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng)
- Thẩm định, tham mưu trình Ủy ban
nhân dân Thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc,
tiêu biểu trong triển khai, thực hiện Phong trào thi đua
nhân dịp sơ kết, tổng kết.
- Phối hợp với Sở Xây dựng thường
xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào thi đua.
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy,
Sở Thông tin và Truyền thông, các Báo, Đài thuộc Thành phố đẩy mạnh công tác
tuyên truyền và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc
tham gia, hưởng ứng Phong trào thi đua.
3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương
thuộc Thành phố
- Căn cứ chức năng quản lý nhà nước về
ngành, lĩnh vực, nhiệm vụ chính trị được giao và điều kiện cụ thể để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và triển khai tổ chức thực hiện Phong
trào thi đua đảm bảo nội dung, chất lượng và tiến độ.
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền trên
Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng phát hiện,
bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua.
- Hằng năm, khi sơ kết, tổng kết phong
trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng cần gắn với kết quả triển khai thực
hiện Phong trào thi đua; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua
về Sở Xây dựng và Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) tổng hợp, theo dõi; tổ
chức bình xét, khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố
khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu theo quy định.
4. Đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố
phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân về các chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của
Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện các dự án chỉnh trang và phát
triển đô thị trên địa bàn Thành phố; đồng thời, tích cực tham gia hưởng ứng
Phong trào thi đua đạt hiệu quả, thiết thực.
Trên đây là Kế hoạch phát động phong
trào thi đua thực hiện Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các
cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) để xem xét, điều chỉnh,
bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn./.
Nơi nhận:
- Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng TW;
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Thành viên Hội đồng TĐKT Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố;
- Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố;
- UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức;
- Các tổng công ty, công ty thuộc Thành phố;
- Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ);
- VPUB: CPVP, các Phòng CV;
- Lưu: VT, (VX/Ng.T).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Hoan
|