BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1876/BKHCN-CĐSQG
V/v hướng dẫn xác định hạ tầng số, phần mềm,
ứng dụng dùng chung (cấp trung ương, tỉnh, xã) để tránh đầu tư trùng lặp, chồng
chéo, lãng phí.
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 5 năm 2025
|
Kính
gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo Ban
Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số tại Thông báo số 19-TB/TGV ngày 09 tháng 5 năm 2025, Bộ Khoa học và Công
nghệ ban hành hướng dẫn về việc xác định và triển khai hạ tầng số, phần mềm, ứng
dụng dùng chung (áp dụng cho các cơ quan từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp xã) nhằm
tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, cụ thể như sau:
1. Về hạ tầng
số dùng chung
a) Hạ tầng mạng truyền số liệu
chuyên dùng dùng chung
Hạ tầng mạng truyền số liệu
chuyên dùng dùng chung được Chính phủ triển khai thống nhất phục vụ các cơ quan
nhà nước từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp xã.
- Phạm vi phục vụ: Mạng
truyền số liệu chuyên dùng có phạm vi kết nối toàn bộ các cơ quan thuộc hệ thống
chính trị từ Trung ương đến cấp xã trên toàn quốc. Toàn bộ các ứng dụng, nền tảng
dùng chung gồm Nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung của bộ, ngành triển
khai xuống địa phương và các nền tảng, ứng dụng do địa phương triển khai được kết
nối trên mạng truyền số liệu chuyên dùng để liên thông, đồng bộ dữ liệu với
nhau. Địa phương chủ động triển khai kênh truyền riêng để kết nối cơ quan, tổ
chức không thuộc đối tượng kết nối và phục vụ truyền tải các phần mềm, hệ thống
thông tin dùng riêng do địa phương triển khai (ngoài danh mục ứng dụng, nền tảng
dùng chung nói trên).
- Tính phù hợp và đồng bộ: Việc
xây dựng và triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng phải phù hợp với Kiến
trúc Chính quyền điện tử/Chính quyền số cấp tỉnh, đồng thời thống nhất với kế
hoạch chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, kế hoạch chuyển đổi số của bộ,
ngành, địa phương đã được phê duyệt và Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đảm bảo tính liên thông, đồng bộ,
bí mật nhà nước cho hoạt động chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị.
b) Hạ tầng trung tâm dữ liệu
dùng chung tại địa phương
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có
trách nhiệm chủ động rà soát, xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng
trung tâm dữ liệu trong phạm vi quản lý của địa phương mình, tuân thủ các
nguyên tắc cơ bản sau:
- Phạm vi phục vụ: Ưu
tiên sử dụng các hạ tầng trung tâm dữ liệu đã được xây dựng và có khả năng dùng
chung cho toàn bộ hoặc nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn (bao gồm cả việc triển
khai đến cấp xã nếu có nghiệp vụ liên quan).
- Tính phù hợp và đồng bộ: Việc
lựa chọn và triển khai phải đảm bảo phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử/Chính
quyền số của địa phương, đồng thời thống nhất với các kế hoạch, chiến lược về
chuyển đổi số đã được cấp có thẩm quyền tại địa phương phê duyệt.
- Thống nhất đối với ứng dụng
chuyên ngành: Trước khi xây mới hạ tầng trung tâm dữ liệu tại địa phương,
phải trao đổi, thống nhất với Bộ quản lý chuyên ngành ở Trung ương để đảm bảo
tương thích, tránh trùng lặp.
c) Hạ tầng vật lý - số dùng
chung
Bao gồm hệ thống camera, giám
sát thông minh, cảm biến đo môi trường, và các nền tảng dùng chung cho phép thu
thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu từ nhiều nguồn, phục vụ cho các ứng dụng IoT
(ví dụ: Nền tảng lưu trữ dữ liệu dùng chung IoT).
- Phạm vi phục vụ: Hạ tầng
vật lý - số dùng chung tại địa phương ưu tiên phục vụ cho toàn bộ hoặc đa số
các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh, thành phố, bao gồm
cả cấp xã khi có liên quan đến nghiệp vụ. Địa phương không đầu tư xây dựng, mở
rộng hoặc nâng cấp các hạ tầng vật lý - số có chức năng, phạm vi tương tự hoặc
trùng lặp với các nền tảng số và hệ thống hạ tầng vật lý - số do Trung ương triển
khai.
- Tính phù hợp và đồng bộ:
Việc xây dựng, lựa chọn và triển khai hạ tầng vật lý - số dùng chung phải đảm bảo
phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử, Chính quyền số của địa phương đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích xây dựng các nền tảng quản lý hạ tầng
dùng chung cho phép thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu từ nhiều nguồn, phục vụ
cho các ứng dụng IoT tại địa phương hỗ trợ chia sẻ tài nguyên (máy chủ, lưu trữ,
mạng) và dịch vụ (đám mây công cộng, bảo mật, sao lưu, khôi phục).
d) Hạ tầng Tiện ích số và
Công nghệ số như dịch vụ dùng chung
Hạ tầng tiện ích số bao gồm:
(i) Các nền tảng cung cấp dịch vụ công thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc,
cần sự thống nhất, đồng bộ để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên cả nước
(ví dụ: Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống định danh điện tử VneID, thanh
toán số, chữ ký số, bản đồ số...) và (ii) Các nền tảng chuyên ngành dùng chung,
như: nền tảng quản lý y tế, nền tảng giáo dục số, nền tảng du lịch thông
minh... được xây dựng để nhiều đơn vị trong cùng ngành hoặc liên ngành có thể
cùng khai thác.
Hạ tầng cung cấp công nghệ số
như dịch vụ bao gồm: các nền tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ như: Nền tảng
điện toán đám mây, Nền tảng Trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng ngôn ngữ lớn...
- Phạm vi phục vụ: Hạ tầng
Tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ dùng chung tại địa phương ưu tiên phục
vụ cho toàn bộ hoặc đa số các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa
bàn tỉnh, thành phố, bao gồm cả cấp xã khi có liên quan đến nghiệp vụ. Địa
phương không đầu tư xây dựng, mở rộng hoặc nâng cấp các hạ tầng Tiện ích số và
Công nghệ số như dịch vụ có chức năng, phạm vi tương tự hoặc trùng lặp với các
nền tảng số và hệ thống hạ tầng vật lý do Trung ương triển khai.
- Tính phù hợp và đồng bộ:
Việc xây dựng, lựa chọn và triển khai hạ tầng Tiện ích số và Công nghệ số như dịch
vụ dùng chung phải đảm bảo phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử, Chính quyền
số của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên sử dụng các hạ tầng
Tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ đã được triển khai tại trung ương và tại
các Bộ, ngành và có khả năng dùng chung cho toàn bộ hoặc nhiều cơ quan, đơn vị
trên địa bàn.
2. Về phần mềm, ứng dụng
dùng chung
a) Đối với phần mềm, ứng dụng
dùng chung giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương (do Trung ương chủ
trì, triển khai):
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết
số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính
phủ tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 về đột phá phát triển khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ
đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Danh mục và kế
hoạch triển khai các nền tảng số quốc gia, cùng các nền tảng số dùng chung
chuyên ngành, lĩnh vực, vùng (sau đây gọi chung là "Nền tảng số do Trung
ương triển khai").
- Phương thức và lợi ích: Các
Nền tảng số này sẽ được Trung ương đầu tư, xây dựng và triển khai đồng bộ, xuyên
suốt đến tận cấp cơ sở (bao gồm cấp tỉnh và cấp xã). Cán bộ, công chức, viên chức
tại địa phương sẽ được cấp tài khoản để trực tiếp sử dụng, thực hiện các nghiệp
vụ chuyên ngành trên các nền tảng dùng chung này mà không cần địa phương phải tự
đầu tư xây dựng các phần mềm, ứng dụng riêng lẻ có chức năng tương tự.
- Lộ trình: Dự kiến,
Danh mục và kế hoạch triển khai các Nền tảng số do Trung ương triển khai sẽ được
ban hành trong tháng 6/2025. Đề nghị các địa phương chủ động theo dõi để
nắm bắt thông tin và phối hợp triển khai hiệu quả.
- Hướng dẫn cho địa phương: Đối
với các nghiệp vụ quản lý nhà nước đã được các Nền tảng số do Trung ương triển
khai hỗ trợ, các địa phương không thực hiện đầu tư mới hoặc nâng cấp các phần
mềm, ứng dụng riêng lẻ có tính năng tương tự nhằm tránh trùng lặp, chồng
chéo và lãng phí ngân sách.
b) Đối với phần mềm, ứng dụng
dùng chung trong nội bộ các cơ quan nhà nước tại địa phương (do địa phương chủ
trì, triển khai):
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có
trách nhiệm chủ động rà soát, xây dựng và ban hành Danh mục cùng kế hoạch triển
khai các phần mềm, ứng dụng dùng chung trong phạm vi quản lý của địa phương
mình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
- Phạm vi phục vụ: Ưu
tiên các phần mềm, ứng dụng có khả năng dùng chung cho toàn bộ hoặc nhiều cơ
quan, đơn vị trên địa bàn (bao gồm cả việc triển khai đến cấp xã nếu có nghiệp
vụ liên quan). Cấp xã không tự xây dựng các phần mềm, ứng dụng riêng lẻ khi đã
có giải pháp dùng chung của tỉnh hoặc Trung ương.
- Tính phù hợp và đồng bộ: Việc
lựa chọn và triển khai phải đảm bảo phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử/Chính
quyền số của địa phương, đồng thời thống nhất với các kế hoạch, chiến lược về
chuyển đổi số đã được cấp có thẩm quyền tại địa phương phê duyệt.
- Không trùng lặp với Trung
ương: Không đầu tư các phần mềm, ứng dụng có chức năng và phạm vi tương tự
như các Nền tảng số do Trung ương triển khai.
- Thống nhất đối với ứng dụng
chuyên ngành: Trước khi xây mới ứng dụng chuyên ngành đặc thù, phải trao đổi,
thống nhất với Bộ quản lý chuyên ngành ở Trung ương để đảm bảo tương thích,
tránh trùng lặp.
- Thời hạn ban hành: Địa
phương ban hành và gửi Danh mục, kế hoạch triển khai phần mềm, ứng dụng dùng
chung về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, theo dõi toàn quốc; thời hạn ban
hành chậm nhất là tháng 7/2025 (trong vòng 01 tháng sau khi Trung ương công bố
Danh mục Nền tảng số). Trong quá trình triển khai, mỗi khi có sự cập nhật hoặc điều
chỉnh Danh mục và kế hoạch nói trên, địa phương cũng cần kịp thời gửi phiên bản
mới về Bộ Khoa học và Công nghệ để theo dõi, tổng hợp.
Trân trọng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi
mới sáng tạo và chuyển đổi số;
- Đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- Sở KHCN các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Lưu: VT, CĐSQG (NTDLS).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Đức Long
|