Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 494/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Nguyễn Thị Minh Thúy
Ngày ban hành: 14/04/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 494/QĐ-UBND

An Giang, ngày 14 tháng 4 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ LONG XUYÊN, TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2035

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 29/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 24/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành danh mục cây xanh cấm và hạn chế trồng trong phạm vi đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 2575/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035;

Căn cứ Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt đề cương lập Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 5139/SXD-QLN&HTKT ngày 30 tháng 12 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035, với các nội dung sau:

1. Mục tiêu lập đề án phát triển cây xanh thành phố Long Xuyên

1.1. Mục tiêu chung: xây dựng thành phố Long Xuyên trở thành “Thành phố xanh, sinh thái” trong tương lai, với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị phù hợp, có bản sắc riêng, đặc trưng vùng miền và thích ứng với điều kiện tự nhiên, góp phần vào công cuộc phát triển chung của toàn thành phố. Chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo không gian đô thị hấp dẫn đối với du khách. Ngoài ra, đề án còn đưa ra những định hướng phát triển mạng lưới cây xanh nhằm đảm bảo chỉ tiêu cây xanh đô thị phù hợp với các quy định, quy phạm hiện hành, góp phần cải thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án đầu tư về cây xanh đô thị, các kế hoạch phát triển cây xanh chi tiết tại các khu vực quan trọng trên địa bàn thành phố.

- Từng bước tăng tỷ lệ diện tích cây xanh/người đạt tiêu chuẩn đô thị loại I bằng nhiều hình thức.

- Cụ thể hóa các Đồ án quy hoạch phần không gian cây xanh trên địa bàn thành phố Long Xuyên.

- Cải tạo, trồng bổ sung hệ thống cây xanh công viên, đường phố; lựa chọn thiết kế và đầu tư các tuyến trục cảnh quan, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị.

2. Chiến lược tổng thể

- Phát huy những không gian xanh lớn, không gian nông nghiệp bên ngoài thành phố bằng cách cải tạo cảnh quan, bố trí các loại hình dịch vụ, để biến khu vực này thành những không gian có giá trị khai thác và bổ trợ cho thành phố. Có thể là các khu vực công viên sinh thái nông nghiệp có thiết kế đường đi xe đạp, đi bộ, dừng chân ngắm cảnh và một vài công trình dịch vụ; các farmstay (trang trại) gắn với du lịch trải nghiệm...

- Phát huy các không gian ven sông Hậu: đa dạng cảnh quan cây xanh ven sông bằng sự thay đổi thiết kế không gian, khu vực kè cứng, khu vực trung tâm nhộn nhịp nhà hàng, khách sạn, khu vực cảnh quan tự nhiên với các công trình nhà ven sông,...

- Kết nối hành lang xanh giữa sông Hậu và các không gian xanh lớn phía Tây. Các hành lang được xác định gồm: hệ thống đường giao thông kết nối hướng Đông Tây và hệ thống kênh rạch nối từ phía Tây thành phố đổ ra sông Hậu (Rạch Cần Xây, rạch Trà Ôn, kênh Rạch Giá – Long Xuyên, rạch Cái Sơn, rạch Tầm Bót, sông Cái Sao, rạch Cái Dung, rạch Cái Sắn Sâu...).

- Tận dụng mọi không gian xanh ít ỏi trong thành phố, tích hợp nhiều công năng: cảnh quan, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, che bóng v.v... Đặc biệt nên kết hợp các không gian xanh trong khu vực trung tâm đô thị hiện hữu thành không gian giáo dục đào tạo cho trẻ em về nông nghiệp, các cây cối bản địa.

- Tổ chức và thiết kế những không gian xanh quan trọng trong thành phố thành ví dụ thực tiễn, mô hình về giải pháp thiết kế cây xanh thông minh cho người dân trải nghiệm, để họ có thể học tập và nhân rộng ở gia đình.

- Phát huy tính đa dạng của hệ thống cây xanh và mối liên hệ hữu cơ giữa từng cây xanh đô thị và người dân, xã hội hoá một phần việc trồng và chăm sóc cây đô thị.

- Trồng một số cây bóng mát thật to, ấn tượng làm điểm nhấn cho hàng trăm, hàng ngàn năm sau. Không nên trồng cây quá to thành hàng.

- Xác định một số loài cây đặc thù của thành phố: trên cơ sở thực trạng tình hình sinh trưởng, phát triển của cây xanh trên địa bàn thành phố và những tiêu chí chọn loại cây trồng được đề xuất, một số loài cây xanh đô thị có thể phù hợp với thành phố Long Xuyên được đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí cây xanh đô thị. Những loài cây đạt điểm cao nhất được lựa chọn trồng rộng rãi trên các tuyến đường và các khu cây xanh tập trung, các công viên, vườn hoa của thành phố, sau khi đã xét đến những đặc điểm của từng cây. Nhìn chung, các tiêu chí về bản sắc, bóng mát, thích nghi khí hậu cần được quan tâm hơn là những đặc điểm như hoa đẹp. Một vài khu vực đặc biệt có thể trồng hoa với màu sắc rực rỡ để tạo điểm nhấn nhưng cũng không quá nhiều để phù hợp hơn với khí hậu nhiệt đới, nắng nóng nơi đây.

- Gắn liền việc trồng cây với các công năng kỹ thuật như: thông gió, che bóng v.v... Với mỗi khu vực sẽ lựa chọn các loại cây trồng khác nhau.

3. Đề xuất giải pháp thiết kế chi tiết

3.1. Đối với cây xanh tập trung (các công viên tập trung, các vùng cây xanh lớn trong đô thị)

- Phát triển hệ cây xanh đa dạng, nhiều tầng tán, dạng vườn thực vật ở những khu cây xanh tập trung, để tạo cảnh quan đa dạng và hệ sinh thái. Đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dục đào tạo về hệ thực vật bản địa.

- Đặc biệt chú trọng những cây to, cao, gây ấn tượng như: sao đen, me tây, đan xen với cây hoa bốn mùa.

- Ở những tầng dưới, sát với hệ thống chỗ ngồi, ưu tiên trồng cây nông nghiệp, cây sử dụng kiểu nông nghiệp đô thị, để tăng mối liên hệ tinh thần giữa con người với nông nghiệp.

- Đối với công viên vườn hoa, chủ yếu thuộc các dự án quy hoạch chi tiết cần được chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân. Kiểm soát việc thực hiện các dự án xây dựng đô thị hoặc khu chức năng, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các công viên sang mục đích thương mại. Cần có một tầm nhìn xa hơn cho đô thị và vì mục tiêu chung của cộng đồng. Thiết kế công viên hạn chế sử dụng ô cỏ trang trí, ưu tiên trồng cây bóng mát kết hợp với sân trống, khu vực vui chơi, ngồi nghỉ và giao lưu cộng đồng. Tối ưu hóa các không gian dừng chân, để người dân luyện tập thể thao, trò chuyện, nghỉ ngơi và thư giãn. Không gian công viên thường được chia làm nhiều chủ đề, phù hợp với hoạt động như: không gian tĩnh, động, không gian cho người già, khu vui chơi cho trẻ em, khu dành cho thanh thiếu niên... và cây xanh cũng cần được thiết kế phù hợp với tính chất của mỗi không gian.

- Vườn trên mái: có thể áp dụng đối với các công trình công cộng cũng như khuyến khích doanh nghiệp, người dân áp dụng tại công trình mình sở hữu. Vừa làm không gian thư giãn, lại đóng góp vào không gian xanh chung của thành phố.

- Phát huy các giải pháp tường đứng, giàn leo,... đối với những đường phố không có vỉa hè rộng, mang tính độc đáo, như một bức tranh bằng cây, hoa tươi đóng góp vào mỹ quan đô thị. Giải pháp tường đứng còn áp dụng cho các hàng rào quanh các công trình công cộng như: trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, công trình cơ quan, trụ sở...

- Bảo vệ dải đất xanh ven mặt nước, bao gồm ven sông lớn và các kênh rạch, để tạo những công viên nước dạng dải, có thể đi bằng đường thuỷ và đường bộ, nhất là cho người đi bộ, đi xe đạp, xe máy. Kết nối giữa sông Hậu ở phía đông và hệ thống không gian xanh nông nghiệp phía Tây của thành phố. Hệ thống cây xanh này nên đa dạng.

- Về quy hoạch, phải lùi những đường giao thông cơ giới chính về phía sau, không chạy ven kênh, nhằm tạo khoảng không gian đệm, như một quảng trường dạng dải theo dọc kênh, có bố trí các tiện ích công cộng đô thị, đan xen dịch vụ cho người dân đô thị được tiếp cận và sử dụng dễ dàng mà không bị giao thông cơ giới chia cắt.

- Tạo những điểm nhấn công viên cây xanh với dịch vụ trong lòng khu vực đồng ruộng phía Tây, để làm điểm đến trải nghiệm, du lịch ngắm cảnh, nhất là ở đầu những hành lang xanh. Hệ thống này phục vụ cả du khách lẫn người dân đô thị.

3.2. Đối với cây xanh vỉa hè đường phố

- Trong các mục đích phát triển cây xanh đường phố, có các mục đích chính là: che bóng, ra hoa đẹp, có mùi hương, có tác dụng thanh lọc, diệt khuẩn, tác dụng biểu tượng, triết lý v.v. Trong các loại tiêu chí thì rõ ràng việc che bóng là tiêu chí hàng đầu, vì ấn tượng đầu tiên về vùng đất An Giang nói chung và thành phố Long Xuyên nói riêng là nắng nóng vào ban ngày. Cây bóng mát đường phố chủ yếu phải là cây to, lâu năm, tán dày, đẹp. Màu cây, màu lá càng xanh sẫm càng tạo cảm giác mát. Cây bóng mát có thể chia thành 02 dạng chính: loại tán cao, xoè rộng như cái ô để che nắng từ trên xuống và loại tán hình dài, từ thấp lên cao có tác dụng che nắng xiên ngang cho các mặt tiền.

- Nếu có hoa thì phải là những màu hoa từ trắng, vàng rất nhạt, xanh tím v.v. là những màu tạo cảm giác mát. Những loài cây có hoa rực rỡ thường trồng đường phố như: Phượng vĩ, bằng lăng, muồng hoàng yến, chuông vàng v.v. đều tạo cảm giác nóng nực, do đó không nên trồng hàng loạt và trồng trên tuyến quá dài. Nếu những loài này rất thích hợp với điều kiện khí hậu địa phương thì có thể trồng trong các công viên, trong các phố nhỏ, có thể hướng dẫn, khuyến khích người dân tự trồng và chăm sóc.

- Về việc lựa chọn trồng một loài hay nhiều loài trên một tuyến phố, nguyên tắc chung như sau: những đường lớn, nhất là các dải giữa thì nên trồng một loài. Ngược lại những đường nhỏ, ngóc ngách, vỉa hè chỗ hẹp thì nên để người dân tự trồng và chăm sóc, khi đó, có thể mỗi nhà sẽ trồng một loài cây khác nhau. Như vậy, người dân có trách nhiệm với cây đường phố hơn và cũng giảm thiểu được chi phí trồng, chăm sóc cây. Cần có sự tư vấn về kỹ thuật trồng cũng như chọn trong một số loài cây nhất định để không ảnh hưởng đến cảnh quan hoặc an toàn đô thị. Những loài cây trồng đồng nhất thì chỉ nên tập trung vào 3-5 loài để tạo ra được bản sắc rõ rệt. Còn những đường cho trồng tự do thì càng đa dạng càng tốt.

- Các tuyến phố ở thành phố Long Xuyên chia làm hai loại chính, loại dọc theo hướng Bắc - Nam và loại ngang theo hướng Đông - Tây. Hai loại này ảnh hưởng chiếu nắng rất khác nhau. Các tuyến ngang Đông – Tây sẽ bị chiếu sáng cả ngày, nhưng bản thân các toà nhà thì gần như không bị nắng. Vì vậy, mục tiêu là phải che bóng từ trên xuống cho các tuyến đường chứ không cần che cho các mặt tiền nhà. Vì thế, nhìn chung, cây trồng phải có dạng tán tròn rộng, tốt nhất là trồng ở giữa đường, giải phân cách, nếu không có giải phân cách thì trồng hai bên đường, gần như phải khép tán ở giữa đường. Các cây nên có hình thái tán tự nhiên, thân không quá nặng, quá cao. Ngược lại, các tuyến dọc theo hướng Bắc - Nam thì bản thân nhà hai bên sẽ che bóng phần nào. Đối với những đường hẹp, độ che bóng hai bên có thể coi như tạm đủ, không cần trồng thêm cây xanh. Đối với những đường rộng thì chủ yếu mặt tiền hướng về phía Tây của các nhà sẽ bị chiếu nắng về buổi chiều. Cần phải trồng những cây có dáng cao, tán hình dài để che bóng cho mặt tiền nhà. Còn mặt đường hướng về phía Đông chỉ chịu ánh nắng buổi sáng, có thể không cần trồng cây.

- Ở những đoạn đường cong, nơi nhiều đường giáp nhau, hai bên đầu cầu, cần dành khoảng trống, không trồng cây tại đầu mối đường giao nhau, để đảm bảo tầm nhìn cho lái xe và người đi đường nhìn đường dễ dàng, khoảng cách an toàn đó rộng hẹp tùy tình hình từng nơi. Nếu đường tốt, mặt đường rộng, xe chạy nhanh thì cần để khoảng cách rộng 100 –150 m. Nếu đường xấu hẹp, tốc độ xe chạy chậm thì khoảng cách đó độ 30 – 50 m. Trên khoảng cách an toàn đó có thể trồng cây hàng rào xén, cây bụi thấp có chiều cao dưới 0,6 m.

- Trên các đường phố chạy từ ngoại ô vào nội thành cần nghiên cứu cách bố trí mỹ thuật và chọn giống cây đẹp để gây ấn tượng đối với khách các nơi đến đô thị.

- Trong việc trồng cây đường phố lưu ý phải trồng thẳng hàng, song song theo lề đường, không có cây nào chệch ra khỏi hàng để đề phòng tai nạn giao thông. Khoảng cách giữa các cây tùy theo loài cây, mặt đường, thường từ 4 - 6 m.

- Đối với cây xanh đường phố cũ, nguyên tắc là đa dạng cây xanh và tham gia cộng đồng, hỗ trợ và tư vấn cho người dân tự trồng cây. Đa phần thành phố Long Xuyên là đô thị cũ, vỉa hè không đủ chuẩn hoặc không đồng đều, nhà cửa cũng cao thấp rộng hẹp, phong cách khác nhau nên việc cây xanh đa dạng là hợp lý. Việc người dân tham gia trồng cây sẽ tạo nhiều gắn kết về tình cảm, văn hoá xã hội hơn, vì mỗi người sẽ trồng cây mình thích, mỗi nhà có điểm nhấn khác biệt. Tuy nhiên, do tự phát nên kỹ thuật không đảm bảo, nhiều cây bệnh tật, không phù hợp vẫn cần được rà soát, cải tạo, thay thế.

- Đối với những đường phố vỉa hè hẹp, phát huy hình thức giàn leo tạo bóng mát. Như vậy vừa dễ khống chế quy mô, tạo hình, cần ít đất và nhanh đạt hiệu quả thẩm mỹ, che bóng.

3.2.1. Các trục giao thông chính

- Đoạn chạy xuyên qua trung tâm thành phố Long Xuyên từ phà Vàm Cống đến cầu Trà Ôn có chiều dài khoảng 15,4km (lòng đường xe chạy rộng 14m – 18m, hè mỗi bên 5m), các đoạn có dải phân cách trồng thêm 1 hàng cây to, cao, thân thẳng.

- Vỉa hè ưu tiên trồng cây bóng mát có lá quanh năm, tán rộng và tương đối đồng nhất để tạo điểm nhấn. Trong khu vực trung tâm mật độ đông đúc, ưu tiên việc che bóng và đem lại cảm giác thư giãn bằng cách trồng cây xanh đơn thuần, tán rộng và đồng nhất, thỉnh thoảng điểm thêm một vài cây có sắc màu làm điểm nhấn. Duy trì các cây hiện có nếu cây đang sinh trưởng tốt, cải tạo, bổ sung thêm cây và lưu ý kích thước cây cần đạt tương đối về kích cỡ tại vườn ươm để cây trồng vỉa hè nhanh đạt được hiệu quả, tác dụng che bóng, tạo cảnh quan như mong muốn.

- Đối với tuyến đường tránh Long Xuyên là tuyến vành đai ngoài dài khoảng 16,8km, chọn cây trồng phải đáp ứng các tiêu chí hợp điều kiện địa lý, dễ trồng và chịu được gió nhằm giảm thiểu tiếng ồn đối với người tham gia giao thông và người dân hai bên đường, đồng thời giảm thiểu được khói bụi. Bên cạnh đó, trồng cây trên dải đường phân cách tạo cảnh quan môi trường và làm cho lái xe khi lưu thông trên cao tốc có cảm giác thư thái, dễ chịu, đồng thời chắn, giảm các luồng ánh sáng bức xạ hai bên đường cao tốc đối với người tham gia giao thông. Sự thay đổi của hàng cây trên cao tốc cũng góp phần quan trọng làm thay đổi ấn tượng thị giác - một yếu tố rất quan trọng đối với người lái xe. Khi triển khai dự án liên quan đến tuyến đường, cần xin ý kiến thống nhất của Cục đường bộ Việt Nam.

3.2.2. Đối với các trục đường đôi

- Các trục đường đôi Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Tất Thành, Thục Phán, Lạc Long Quân... có lộ giới lớn, tạo cho không gian thành phố thoáng mát, khang trang. Các đường phố khác có chiều rộng mặt đường trung bình 7-15m, hệ thống đường phố đã đáp ứng được nhu cầu giao thông của thành phố.

- Tùy vào mặt cắt của từng tuyến, mà sẽ áp dụng các phương án trồng cây khác nhau theo bề rộng vỉa hè và bề rộng dải phân cách. Tuy nhiên, khu vực sát vỉa hè và dải phân cách, không trồng các loại cây tán quá to, chiều cao ngang tầm giao thông cơ giới, tránh cản trở giao thông và người tham gia giao thông.

- Các tuyến đường có giải phân cách giữa lớn lên bố trí các cây lớn hai bên để đảm bảo được bóng mát ở hai bên để tạo thành một sân chơi cho các hoạt động ngoài trời ở khu vực này.

- Khu vực sát vỉa hè và dải phân cách, không trồng các loại chiều cao ngang tầm giao thông cơ giới, cây tán quá to, tránh cản trở giao thông và người tham gia giao thông.

3.2.3. Đối với đường đô thị có vỉa hè còn lại

- Hệ thống đường đô thị thành phố Long Xuyên có tổng chiều dài khoảng 301,5km, trong đó đường giao thông từ cấp khu vực với tổng chiều dài khoảng 120,5km. Mật độ đường giao thông chính khu vực nội thị đạt 6,05 km/km2.

- Về cơ bản, cây xanh vỉa hè nên hạn chế cây quá cao như họ dầu, vừa nguy hiểm, lâu đẹp mà hiệu quả che bóng không cao. Nên trồng những loại cây tầm trung, có khả năng cắt tỉa tạo tán tốt.

- Các loại cây trồng cụ thể sẽ được xác định theo bề rộng vỉa hè cũng như lòng đường của từng tuyến.

3.2.4. Đối với các tuyến đường ven sông, kênh

- Một đô thị có bản sắc riêng, cấu trúc của một đô thị sông nước, thành phố Long Xuyên được bao bọc bởi các mạng kênh rạch, sông Hậu. Do đó cần giữ gìn và khai thác có hiệu quả các tuyến cảnh quan chính này. Để đảm bảo vẻ mỹ quan và tạo sự khác biệt cho đô thị Long Xuyên.

- Mở tuyến song song với tuyến đường ven sông, kênh để hỗ trợ giảm tải áp lực giao thông. Tuyến mới mở sẽ là giao thông cơ giới chính, tuyến ven sông trở thành giao thông thứ yếu và ưu tiên phát triển, thiết kế cảnh quan. Trở thành không gian công cộng, phát triển dịch vụ sầm uất ven sông.

3.2.5. Đối với các tuyến đường vỉa hè lớn: đối với những vỉa hè tương đối lớn, có những công trình công cộng lớn, ít bị giao thông từ nhà cắt qua, nên phát huy ý tưởng chủ đạo tổ chức các khu vực này thành dải vườn hoa nhỏ, trồng các loại cây hữu ích, có tác dụng giáo dục, như những vườn trường cho trẻ nhỏ.

3.2.6. Đối với các tuyến đường không có vỉa hè

- Tổng chiều dài tuyến đường không có vỉa hè trên địa bàn thành phố khoảng 58,8km, trong đó đường láng nhựa và bê tông xi măng đạt khoảng 46,3km (chiếm tỷ lệ 78,7%), các tuyến đường đất và đường cấp phối có chiều dài khoảng 12,5km (chiếm tỷ lệ 21,2%).

- Đối với các trục đường không có vỉa hè, khuyến khích người dân xây dựng công trình có khoảng lùi và trồng cây trong sân nhà, vừa tạo khoảng đệm giữa công trình và đường như hiện tại rất nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đã làm được, vừa đóng góp vào hệ thống không gian xanh toàn đô thị.

- Những khu vực có công trình xây sát đường, khuyến khích triển khai hệ giàn đứng với cây leo, giàn hoa.

3.2.7. Đối với đường nông thôn ngõ nhỏ: đối với những đường nông thôn, đường ngõ, không phải đường thương mại chính, khuyến khích người dân tự trang trí cây xanh và tạo thành chỗ ngồi chơi trước cửa như ở nhiều khu vực trong thành phố Long Xuyên hiện nay.

3.3. Đối với khu vực khác

3.3.1. Khu vực góc phố đèn báo tín hiệu

- Cần chú trọng giải pháp cây xanh ở các góc phố, điểm đèn xanh đèn đỏ, chỗ qua đường cho người đi bộ, đây là những điểm nhấn quan trọng.

- Cây xanh được trồng cách các góc phố 5m - 8m tính từ điểm lề đường giao nhau gần nhất, không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông; cách các họng cứu hoả trên đường 2m - 3m; cách cột đèn chiếu sáng và miệng hố ga 1m - 2m; cách mạng lưới đường dây, đường ống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cáp ngầm) từ 1m - 2m.

3.3.2. Chỗ đỗ và điểm sử dụng công cộng

- Không phải mặt đường lớn luôn tốt, một số đường nên giảm mặt đường và tăng vỉa hè, bãi đỗ. Giải pháp tiên tiến: làm rõ chỗ đỗ ven đường, có thể kết hợp với những chỗ ngồi, cây xanh để tăng độ sinh động, cảnh quan cho đường phố, và cũng tạo những chỗ đỗ an toàn, tốt hơn.

- Các khu vực đỗ xe ngoài trời thường rất ít cây xanh do tận dụng triệt để diện tích. Tuy nhiên, cần tăng diện tích cây xanh, hạn chế tác động tiêu cực của bê tông hóa và đảm bảo thẩm mỹ cho đô thị hiện đại, các bãi đỗ xe cần được thiết kế cảnh quan, cây xanh bố trí che chắn theo hướng nắng cho xe. Cây trồng nên lựa chọn loài cây ổn định, thân và rễ cỡ nhỏ đến trung bình, thân thắng, cho bóng mát và hạn chế rụng lá, hoa, quả… nếu có.

3.3.3. Đối với các khu vực nút giao thông lớn, cửa ngõ vào đô thị của thành Phố

- Các khu vực này có không gian và quỹ đất tương đối rộng, lại là điểm nhấn của thành phố đối với du khách. Do đó, cần có những thiết kế cụ thể, chi tiết riêng cho từng điểm giao cắt cửa ngõ nhằm khai thác hiệu quả các tầng bậc không gian của nút giao thông này, tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đẹp, trở thành một điểm đón có tính thẩm mỹ và gây ấn tượng với người dân cũng như du khách khi đi qua.

- Đối với thành phố Long Xuyên, giải pháp cây xanh khu vực này cần tạo ấn tượng khoáng đạt, nhấn mạnh vẻ đẹp của các cung đường giao thông hiện đại với đường nét mạnh mẽ, uyển chuyển, cảnh quan thiết kế cần đường nét đơn giản, hiện đại. Là một không gian chào đón của thành phố, mang lại cảm giác nhiên nhiên xanh mát, trong lành. Cây xanh thiết kế một cách tự nhiên gắn kết với một số thiết kế về ánh sáng. Mỗi nút giao, điểm cửa ngõ quan trọng nên thiết kế có những nét đặc trưng riêng để tạo dấu ấn cho từng địa điểm, giúp cảnh quan đô thị phong phú hơn.

3.3.4. Đối với cây xanh dải phân cách: đối với những dải phân cách, chủ yếu trồng cây to bóng mát thay vì cây hoa cỏ trang trí, vừa tốn kém tiền bảo trì duy tu, vừa không hiệu quả về che bóng, kể cả hiệu quả thẩm mỹ cũng khó đạt, vì dải phân cách ít được chăm sóc, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, dinh dưỡng...cơ bản là khắc nghiệt nhất. Cây trồng lựa chọn cần là những loài cây dễ sống, phát triển tự nhiên để hạn chế phải cắt tỉa, thân thẳng, tán rộng.

- Dải phân cách nhỏ:

+ Đối với những dải phân cách nhỏ, chủ yếu trồng cây to bóng mát thay vì cây hoa cỏ trang trí, vừa tốn kém tiền bảo trì duy tu, vừa không hiệu quả về che bóng, kể cả hiệu quả thẩm mỹ cũng khó đạt, vì dải phân cách ít được chăm sóc. Về cơ bản, dải phân cách không phải là yếu tố có lợi cho sinh hoạt đô thị. Vì thế cần kết hợp cây xanh bóng mát ở dải này với khả năng kết nối hai bên.

+ Điều kiện về thổ nhưỡng, dinh dưỡng và chế độ chăm sóc, cây ở dải phân cách là hạn chế và khó khăn, do vậy, cây lựa chọn trồng thường là những loài cây dễ sống, tự sinh trưởng, cành lá gọn gàng ít phải cắt tỉa, chăm sóc. Đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến đường.

- Dải phân cách lớn:

+ Đối với những dải phân cách lớn, có thể dùng làm không gian sinh hoạt cho người dân, thành phố đi bộ v.v.. Nguyên tắc trồng toàn cây to bóng mát, phía dưới tán cây có thể kết hợp tổ chức các sân nhỏ, ghế ngồi để có thể sử dụng thêm các chức năng khác. Không trồng cỏ và cây bụi với diện tích quá lớn

+ Vỉa hè có nhiều tác dụng trong tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sống.

3.3.5. Đối với các khu vực cầu, bên hông thân cầu, trụ cầu...

Tại các trụ cầu, cầu vượt, bờ tường chân cầu: nghiên cứu thiết kế trồng cây dây leo để tạo thêm nhiều mảng xanh cho đô thị hoặc các dải cây xanh cắt tỉa gọn gàng, có khung giàn và chất liệu phù hợp để vẫn đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ công trình cầu. Tại các nút giao thông quan trọng, ngoài việc phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn giao thông thì phải tổ chức trồng cỏ, cây bụi, hoa tạo thành mảng xanh tăng mỹ quan cho đô thị.

4. Đề xuất loài cây ưu tiên trồng đường phố tại thành phố Long Xuyên

Trên cơ sở thực trạng tình hình sinh trưởng, phát triển của cây xanh trên địa bàn thành phố và những tiêu chí chọn loại cây trồng được đề xuất, một số loài cây xanh đô thị có thể phù hợp với thành phố:

- Năm loài hàng đầu ưu tiên trồng là: Các loại Muồng, Lát Hoa, Bằng Lăng, Me chua, Sao Đen.

- Năm loài tiếp theo là: Chà là, Sakê, Sứ, Chuông vàng, Phượng Vĩ.

- Năm loài tiếp là: Thàn Mát, Cau Dừa, Dầu, Giáng Hương, Sộp.

- Thực tế, mỗi đô thị chỉ cần có khoảng 5 loài cây đường phố chính, tạo bản sắc, số lượng có thể chiếm tới 60-70% tổng cây đường phố. 5 loài tiếp theo có thể có tỷ trọng từ 20-25%. 5 loài tiếp nữa chiếm khoảng 5-10%. Vì thế, quan trọng nhất là việc xác định 5 loài cây chủ đạo. Những loài cây khác có tầm quan trọng thứ yếu.

5. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư

(Đính kèm phục lục)

6. Giải pháp về huy động vốn đầu tư

6.1. Vốn ngân sách nhà nước

Ưu tiên bố trí vốn ngân sách hằng năm cho việc quy hoạch, thiết kế, chỉnh trang và bảo dưỡng hệ thống cây xanh. Nguồn vốn ngân sách nhà nước 100% dự kiến áp dụng cho các dự án đang được quản lý, vận hành bởi các tổ chức, đơn vị trực thuộc nhà nước và sử dụng vốn ngân sách nhà nước như: cây xanh đường phố các tuyến chính, quan trọng, các khu vực cửa ngõ, công viên trung tâm, quảng trường công cộng, các không gian cảnh quan công cộng hoặc đặc thù trong đô thị; Các chương trình đầu tư, phát động phong trào trồng cây, tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong công tác phát triển cây xanh. Hình thức áp dụng như sau:

- Triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

- Lập kế hoạch triển khai chi tiết theo kế hoạch vốn được giao, đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng;

- Ưu điểm: được cơ quan nhà nước quản lý và thực hiện, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, tiến độ; đầu tư đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, thiết kế được phê duyệt;

- Nhược điểm: nguồn vốn nhà nước hạn chế, phụ thuộc vào kế hoạch sử dụng vốn từng năm.

6.2. Vốn nhà đầu tư 100% hoặc theo hình thức đối tác công tư, lựa chọn hình thức hợp đồng BT, BOT, BTO

Ngoài nguồn vốn ngân sách cố định, cần xây dựng cơ chế chuyên biệt để tạo dựng và đa dạng hóa các nguồn quỹ và nguồn lực đầu tư phát triển. Có thể áp dụng một số giải pháp sau:

- Khuyến khích triển khai mô hình đối tác Công – Tư, trong đó cân đối tỷ trọng đóng góp vốn đầu tư giữa khối nhà nước và tư nhân với cơ chế sinh lời hợp lý cho các Nhà đầu tư tư nhân. Có thể áp dụng mô hình cho phép tư nhân khai thác một phần của dự án công viên chuyên đề, chủ đầu tư xây dựng vườn sinh thái ... được giảm thuế.

- Tích cực xã hội hóa các nguồn đóng góp cho hạ tầng xanh: xây dựng các Quỹ và chương trình đóng góp từ thiện từ các thành phần trong xã hội như các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và hoạt động xã hội, người dân. Bên cạnh việc đóng góp bằng tài chính, có thể huy động đóng góp công sức của cộng đồng bằng việc tạo ra các công viên cộng đồng có sự tham gia xây dựng của người dân.

- Đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng thiết kế, quy hoạch được phê duyệt, phát triển cây xanh dự án và các khu vực công cộng có liên quan cần song song và cùng tiến độ với dự án.

6.3. Huy động vốn tài trợ từ nước ngoài, vốn vay và các nguồn vốn khác

- Trong quá trình thực hiện cần tận dụng, nắm bắt nguồn vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài, vốn thực hiện các chương trình tăng trưởng xanh hoặc nhiều nguồn vốn khác để đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch. Ngoài ra, tiến hành đôn đốc, chấn chỉnh quá trình thực hiện các dự án đang trong quá trình đầu tư thực hiện sử dụng vốn ngoài ngân sách.

- Đối với các khu vực có mức đầu tư lớn, có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP để tiết kiệm chi phí ngân sách và đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện đề án. Đối với hình thức đầu tư PPP, cần thực hiện theo quy trình, quy định hiện hành của Pháp luật và nhà nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên, tùy theo chức năng và nhiệm vụ, cần tăng cường công tác quản lý, đảm bảo sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị nói chung và phát triển hệ thống cây xanh nói riêng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển cây xanh đô thị thành phố theo nội dung Đề án phát triển cây xanh đô thị đã đề xuất.

2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên tổ chức công bố Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035 để các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết để thực hiện.

3. Giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, P.KTN, KGVX và TTCBTH;
- Cổng thông tin điện tử;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Minh Thúy

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

(Đính kèm Công văn số 494/QĐ-UBND ngày 14/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Đối với cây xanh đường phố

STT

Tên dự án

GĐ 2021-2025

GĐ 2025-2030

GĐ 2030-2035

Loài cây ưu tiên

I

Các trục đường đối ngoại

1

Tuyến tránh Long Xuyên

X

X

Trồng cây keo lá tràm, keo tai tượng hoặc những cây dễ chăm bón ở 2 bên đường, cần đảm bảo mật độ đủ dày để tăng tác dụng cản gió.

2

Đường Trần Hưng Đạo

2.1

Đường Trần Hưng Đạo

(đoạn rạch Cái sắn – rạch Cái Sơn) có dãy phân cách.

X

- Dải phân cách: Cây Chà là, trồng cây bóng mát kết hợp cây bụi, cây hoa hay tham cỏ

- Vỉa hè trồng cây: cây Chuông Vàng, Cây Giáng hương, Lim sẹt

2.2

Đường Trần Hưng Đạo

(đoạn rạch Cái Sơn – rạch Long Xuyên) không phân cách.

X

- Vỉa hè trồng cây: Giáng hương, me chua

2.3

Đường Trần Hưng Đạo

(đoạn rạch rạch Long Xuyên – rạch Trà Ôn) có dãy phân cách

X

- Trồng cây ở dải phân cách: Bàng đài loan, thàn mát, có thể kết hợp thêm cây bụi, cây hoa ít cắt tỉa.

- Vỉa hè trồng cây: cây Chuông Vàng, Cây Giáng hương, Lim sẹt

3

Đường Hà Hoàng Hổ (đoạn Phường Mỹ Xuyên và Phường Đông Xuyên)

X

Cây Chuông, cây Me, cây Bằng Lăng ổi. Có thể điểm xuyết một số loại cây có hoa như: cây Bằng Lăng tím, cây Ban, cây Muồng hoa yến, cây Chuông Vàng.

4

Đường Thành Thái

X

Giáng hương, me chua

5

Đường Hàm Nghi

X

Cây Lát hoa, cây Sao đen

6

Trục cảnh quan ven sông Hậu (Bao gồm các tuyến đường ven sông khu vực các phường trung tâm: Đường chùa Ông, bờ kè Nguyễn Du; Khu vực nào thuộc dự án đang triển khai sẽ thực hiện theo thiết kế chi tiết của dự án).

X

Bằng Lăng, Chuông Vàng, Phượng Vỹ.

6

Trục cảnh quan, công viên ven rạch Long Xuyên

X

Bằng Lăng, Chuông Vàng, Phượng Vỹ, hoa bụi, thảm cỏ...

7

Tuyến đường ven rạch Cái Sơn (toàn tuyến)

2023

Bằng Lăng tím, Giáng Hương, Hồng Lộc

(Dự án nâng cấp đô thị - tiểu dự án thành phố Long Xuyên)

8

Tuyến đường ven rạch Bà Bầu (toàn tuyến).

2023

Bằng Lăng tím, Giáng Hương, Hồng Lộc

(Dự án nâng cấp đô thị - tiểu dự án thành phố Long Xuyên)

9

Tuyến đường ven rạch Ông Mạnh (toàn tuyến)

2023

Bằng Lăng tím, Giáng Hương, Hồng Lộc

(Dự án nâng cấp đô thị - tiểu dự án thành phố Long Xuyên)

10

Trục cảnh quan, công viên ven rạch Tầm Bót

X

Theo định hướng thiết kế mục 4.2.2.d trong đề án.

11

Trục cảnh quan, công viên ven rạch Cái Sao

X

Theo định hướng thiết kế mục 4.2.2.d trong đề án.

12

Các vị trí cửa ngõ đô thị

X

X

X

II

Các trục đường cấp chính khu vực trở lên (đường chính đô thị, đường liên khu vực, đường chính khu vực)

1

Đường Hùng Vương

X

Ưu tiên trồng các loại cây bóng mát: muồng hoa vàng, muồng hoa đào, giáng hương, đuôi công, bằng lăng ổi, cây ban, cây Me, Sứ.

Ngoài ra, có thể bổ sung các loại cây bụi, mảng hoa, thảm cỏ. Giàn leo: Mai xanh, Đai vàng, Hoa giấy, hoa giun, tigon.

2

Điện Biên Phủ

X

3

Tôn Đức Thắng

X

4

Lý Thường Kiệt

X

5

Nguyễn Thái Học

X

6

Các tuyến đường khu đô thị Sao Mai Bình Khánh 3

X

7

Đường Bùi Thị Xuân

X

8

Đường Phạm Cự Lượng

X

9

Đường Trần Quang Khải

X

11

Đường Nguyễn Văn Linh

(đoạn hiện hữu – đường tránh Long Xuyên

X

- Vỉa hè: Giáng Hương

(Chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án ĐTXD KV TPLX)

12

Đường Vành Đai Trong

(Thực hiện theo tiến độ của dự án)

12.1

Đường Vành Đai Trong

(đoạn cầu sắt Tiến Đạt – đường Phạm Cự Lượng)

2023

- Dải phân cách: Cau bụng

- Vỉa hè: Cây dầu

(Chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án ĐTXD KV TPLX)

12.2

Đường Vành Đai Trong (hiện hữu – đường

Nguyễn Hữu Tiến)

2023

- Dải phân cách: Giáng Hương

- Vỉa hè: Giáng Hương

(Chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án ĐTXD KV TPLX)

13

Trục đường đôi-công viên quảng trường trong dải phân cách đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ

X

Theo định hướng thiết kế mục 4.2.2.a trong đề án.

III

Các khu vực cửa ngõ, điểm nhấn đô thị được xác định trong QHC đã phê duyệt (Quảng trường trung tâm thành phố, Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên, chợ Long Xuyên, Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang; Tổ hợp trung tâm hội nghị-triển lãm tại mỏm đất gần cửa rạch Long Xuyên; Một số cầu đi bộ trên rạch Long Xuyên (tại vị trí cửa rạch Long Xuyên và điểm nối giữa KĐT Sao Mai-Bình Khánh và KĐT Golden city)

X

X

X

Trồng cây điểm nhấn hoặc trồng đồng bộ một loại cây, có thể sử dụng cây có hoa để tạo cảm giác chào đón, sức sống sôi động của đô thị. Cần lập thiết kế đô thị, hoặc thiết kế cảnh quan chi tiết các khu vực này, phần thiết kế cây xanh thường tích hợp trong mỗi dự án đã có thiết kế chi tiết.

IV

Các trục đường khu vực còn lại

Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang theo hướng dẫn của đề án và các quy hoạch, dự án liên quan.

Ưu tiên trông đa dạng nhiều loại cây trên mỗi tuyến phố đã có cây xanh. Đảm bảo khoảng cách giữa các cây để có tác dụng che nắng, chắn gió.

II. Đối với cây xanh công viên (trong đó bao gồm công viên công cộng và công viên chuyên đề)

STT

Tên dự án

Vị trí

Quy mô (ha)

Giai đoạn thực hiện

Nguồn vốn

1

Kêu gọi đầu tư cây xanh công viên cấp đô thị quy hoạch mới (quy mô 1ha – 5ha) – kèm bản vẽ A3 thu nhỏ đính kèm thuyết minh phần phụ lục

1.1

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 1

Phường Bình Đức

3,00

2025 -2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.2

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 2

Phường Bình Đức

2,50

2022-2025

Ngân sách, Xã hội hóa

1.3

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 3

Phường Mỹ Hoà

2,20

2025-2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.4

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 4

Phường Mỹ Hoà

5,90

2030-2035

Ngân sách, Xã hội hóa

1.4

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 5

Phường Mỹ Phước

4,11

2022 - 2025

Ngân sách, Xã hội hóa

1.5

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 6

Phường Mỹ Phước

6,33

2025 - 2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.6

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 7

Phường Mỹ Thới

16,75

2022 - 2025

Ngân sách, Xã hội hóa

1.7

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 8

Phường Mỹ Thới

12,25

2025 - 2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.8

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 9

Phường Mỹ Thới

5,10

2025 - 2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.9

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 10

Phường Mỹ Thới

7,47

2025 - 2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.10

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 11

Phường Mỹ Thạnh

10,40

2025 - 2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.11

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 4 – công viên chuyên đề

Phường Mỹ Hoà

6,00

2025 - 2030

Ngân sách, Xã hội hóa

1.12

Cây xanh công viên quy hoạch mới số 12 – công viên chuyên đề

Xã Mỹ Hoà Hưng

65,00

2025 - 2030

Ngân sách, Xã hội hóa

2

Cây xanh công viên quy hoạch mới quy mô dưới 1ha

2022 - 2025

Ngân sách, Xã hội hóa

3

Đối với các công viên hiện hữu định hướng mở rộng và cải tạo, có quy mô trên 3.000m2

3.1

Công viên Ung Văn Khiêm

Đường Ung Văn Khiêm - phường Đông Xuyên

0,44

2022

Ngân sách

3.2

Công viên Bình Khánh 3

Đường Thục Phán + Lạc Long Quân - Phường Bình Khánh

0,88

2022 - 2024

Ngân sách

3.3

Công viên dưới dạ cầu Nguyễn Trung Trực

Phường Mỹ Bình

0,31

2022

Ngân sách

3.4

Công Viên Xẻo Trôm V

Đường Nguyễn Lương Bằng, P.Mỹ Phước

0,97

2022 - 2024

Ngân sách

3.5

Công viên Lê Văn Tám

Xã Mỹ Khánh

0,29

2022 - 2025

Ngân sách

3.6

Chỉnh trang khuôn viên khu hành chính Tp. Long Xuyên

Phường Mỹ Hòa

1,4

2022

Ngân sách

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 494/QĐ-UBND ngày 14/04/2023 phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


774

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.134.31
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!