Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2147/QĐ-UBND 2020 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Hưng Yên

Số hiệu: 2147/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Bùi Thế Cử
Ngày ban hành: 15/09/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2147/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 15 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015;

Căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 191/TTr-SNN ngày 08/9/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải; Cục Thống kê tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh
- Lưu: VT, KT2TTuấn.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Thế Cử

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2147/QĐ-UBND ngày 15/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và phù hợp với điều kiện canh tác, thế mạnh của từng địa phương góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

2. Yêu cầu

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi (thủy sản, thủy cầm) cho chuyển đổi phải bám sát nhu cầu của thị trường và định hướng của tỉnh; phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh của mỗi địa phương.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng; không để xảy ra tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sai quy định, nhất là việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

II. Quy định, trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng

1. Các quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Tại Điều 56, Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như sau:

- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;

- Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;

- Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;

- Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

Và các quy định tại khoản 1, 2, Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ như sau:

- Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể:

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn tỉnh.

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ nhu cầu chuyển đổi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn và kế hoạch chuyển đổi của cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn xã.

- Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

- Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng.

Ngoài các quy định nêu trên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải tuân thủ các quy định của tỉnh như sau:

- Không được tự ý chuyển đổi hoặc chuyển đổi ngoài kế hoạch chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không được xây các công trình trên đất chuyển đổi.

- Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải được công khai, minh bạch tới từng địa phương, thôn, xóm.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo tập trung về cả qui mô diện tích lẫn loại cây trồng nhằm hình thành các khu, vùng sản xuất tập trung; khuyến khích việc dồn ruộng, đổi ruộng và các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất (góp, chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất) tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và khoa học công nghệ vào sản xuất.

2. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ. Cụ thể:

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã (theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này).

- Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.

- Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.

- Trường hợp không đồng ý, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản (theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này).

III. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

1. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025

- Giao kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025 là 4.770 ha, trong đó: chuyển từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 1.093 ha, trồng cây ăn quả lâu năm là 3.167 ha và nuôi trồng thủy sản, kết hợp trồng lúa là 510 ha.

- Định hướng đến năm 2030: tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 2.100 ha.

(Chi tiết kế hoạch chuyển đổi của các huyện, thị xã, thành phố tại Phụ lục 03 kèm theo).

2. Một số định hướng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025

Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ưu tiên chuyển đổi trước đối với những diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp và những diện tích trồng cây hàng năm (ngô, đậu, đỗ...) ở ngoài bãi sông Hồng, sông Luộc, trong đó trọng tâm chuyển đổi gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như sau:

a) Nhóm cây ăn quả lâu năm: đến năm 2025, dự kiến diện tích cây ăn quả toàn tỉnh là 17.500 ha. Trong đó:

- Cây vải: mở rộng diện tích trồng giống Vải trứng Hưng Yên khoảng 800-1.000 ha, ngoài ra ghép cải tạo giống vải trứng Hưng Yên trên gốc cây Vải lai để nâng cao chất lượng, phấn đấu đến năm 2025 diện tích vải đạt khoảng 2.000 ha. Tập trung tại các huyện Phù Cừ và Ân Thi.

- Cây ổi: phát triển, mở rộng diện tích thêm khoảng 700-800 ha, đến năm 2025 diện tích ổi toàn tỉnh khoảng 1.500 ha, tập trung phát triển tại các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, ...

- Cây có múi:

+ Cây bưởi: ưu tiên chuyển đổi sang trồng các loại bưởi với diện tích mở rộng khoảng 400-500 ha, phấn đấu đến năm 2025 diện tích bưởi đạt khoảng 2.000 ha, tập trung tại các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, Thành phố Hưng Yên.

+ Cây cam, quýt: không phát triển thêm diện tích, ổn định diện tích tối đa đến năm 2025 là 2.500 ha. Tập trung cải tạo giống hiện có, chỉ phát triển các giống cam không hạt, cam Bố Hạ... có thời gian thu hoạch, bảo quản dài và những giống có tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu cho chế biến sâu.

- Cây nhãn: không phát triển thêm diện tích mới, tập trung ghép cải tạo bằng những giống nhãn chín sớm, giống nhãn cổ (cùi cổ, đường phèn...) đặc sản hoặc những giống nhãn đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Diện tích ổn định đến năm 2025 tối đa là 5.000 ha.

- Chuối: giữ diện tích ổn định đến năm 2025 là 3.000 ha.

b) Nhóm hoa, cây cảnh, sản xuất cây giống:

Mở rộng diện tích trồng hoa khoảng 700-800 ha, cây cảnh khoảng 200-300 ha, chuyển đổi ở những chân ruộng cao, chất đất từ khá đến tốt tập trung tại các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ và thành phố Hung Yên... Dự kiến diện tích hoa đến năm 2025 là 1.500 ha; cây cảnh là 1.000 ha.

Diện tích đất ngoài bãi, diện tích chân đất cao trồng rau màu có thể chuyển đổi sang sản xuất cây giống cây ăn quả, cây giống rau màu... để cung cấp nguồn giống cho chuyển đổi trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nâng cao giá trị thu nhập.

c) Nhóm cây dược liệu:

Mở rộng khoảng 200-300 ha, chuyển đổi ở những chân ruộng cao, chất đất tốt tập trung tại các huyện Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động... diện tích đến năm 2025 khoảng 800 ha.

d) Nhóm cây rau, quả thực phẩm và cây ăn quả hàng năm:

Ưu tiên chuyển đổi ở chân ruộng có chất đất khá, thuận lợi tiêu, thoát nước tập trung tại các huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ...

e) Về trồng lúa kết hợp nuôi thả thủy sản, thủy cầm

Bố trí chuyển đổi những chân ruộng trũng, khó thoát nước nhưng có nguồn nước tốt chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp nuôi thả thủy cầm, trồng rau màu, cây ăn quả hàng năm trên bờ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tập trung phát triển mô hình này tại các huyện Văn Lâm, Kim Động, Mỹ Hào, Ân Thi, Phù Cừ, Yên Mỹ và Tiên Lữ... dự kiến mỗi năm chuyển khoảng 100 ha sang nuôi trồng thủy sản (trong đó: huyện Khoái Châu 15ha/năm; huyện Kim Động 20 ha/năm; huyện Ân Thi 15ha/năm; huyện Phù Cừ 20ha/năm; huyện Tiên Lữ 20 ha/năm; Văn Lâm 15 ha/năm). Đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Hưng Yên khoảng 6.100 ha; sản lượng đạt 65.000 tấn thủy sản.

IV. Một số giải pháp chủ yếu

1. Thông tin, tuyên truyền

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương; hướng dẫn nông dân tổ chức thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật mới để thâm canh cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất.

2. Quản lý nhà nước về đất đai

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về pháp luật đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh;

Tổ chức quán triệt, giao trách nhiệm đối với các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trách nhiệm của lãnh đạo cấp thôn trong việc quản lý, vận động, hướng dẫn nông dân tại địa phương về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân thực hiện chuyển đổi đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.

3. Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu (Viện nghiên cứu, Trường, Học viện, Trung tâm....) và các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu để phục vụ chuyển đổi.

Đẩy mạnh việc ứng dụng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo quản, chế biến... sản phẩm nông sản. Tiếp tục lựa chọn lựa, thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu để phát triển, mở rộng sản xuất.

Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng đối với một số cây trồng thế mạnh, chủ lực của tỉnh như: nhãn đặc sản, vải trứng Hưng Yên, bưởi các loại, hoa cây cảnh....; mở rộng diện tích nuôi, trồng thủy sản áp dụng tiến bộ mới như: nuôi cá ao bán nổi, nuôi cá sông trong ao nước tĩnh... để người dân nắm được, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.

4. Cơ chế chính sách và thu hút đầu tư

Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; huy động, gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các kế hoạch, Chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực tư nhân đầu tư hoặc tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện tốt Nghị quyết số 214/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

5. Về liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm

Duy trì, đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, công khai các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh có tính cạnh tranh cao trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là trên Hệ thống thông tin điện tử (hy.check.net.vn) để các doanh nghiệp, thương lái, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nắm được phục vụ liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc...từng bước tiếp cận với thị trường ngoài nước.

Phối hợp hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể mới tiếp tục duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể đã được bảo hộ cho một số nông sản khác của tỉnh.

Gắn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo với các đề án, dự án của tỉnh đã được phê duyệt; đẩy mạnh việc đăng ký, chứng nhận và cấp chứng nhận mới cho các sản phẩm nông sản theo OPCOP tại các vùng mới chuyển đổi.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công nhiệm vụ

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh;

Chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các địa phương kỹ thuật, cách thức chuyển đổi, kỹ thuật canh tác những cây trồng chủ lực, giới thiệu kinh nghiệm của các mô hình chuyển đổi cho hiệu quả cao...;

Phối hợp với các sở, ngành hữu quan tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ thương mại... tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các loại nông sản cho nông dân;

Tổng hợp kết quả chuyển đổi báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

1.2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh; quản lý, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai nói chung và về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói riêng.

1.3. Sở Khoa học và Công nghệ

Tăng cường phổ biến về kết quả nghiên cứu của những đề tài, dự án liên quan phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; gắn việc xây dựng với bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh.

1.4. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu, Hội chợ, Hội thảo... nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch Đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với các tổ chức, cá nhân có năng lực xây dựng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

1.5. Cục Thống kê tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo các Chi cục Thống kê các huyện, thị xã, thành phố cập nhật số liệu các loại cây trồng đã chuyển đổi để thống kê chính xác năng suất, sản lượng, giá trị của sản xuất nông nghiệp.

1.6. Các sở, ngành, đoàn thể liên quan:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch có hiệu quả, đúng quy định.

1.7. UBND huyện, thị xã, thành phố

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa bàn huyện. Tăng cường, kiểm tra, rà soát, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xử lý trường hợp vi phạm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nói riêng và đất nông nghiệp nói chung theo Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh và các quy định khác liên quan.

Phân bổ kế hoạch chuyển đổi được giao trong Kế hoạch này đến từng địa phương, từng cánh đồng, gắn trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, lơ là trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyển đổi tại địa phương.

Chỉ đạo các phòng chuyên môn thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch chuyển đổi của cấp xã; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện ở các địa phương, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định, tuyệt đối không để nông dân chuyển đổi tự phát, ngoài kế hoạch nhất là vi phạm xây dựng trên đất chuyển đổi.

Khuyến khích ban hành các chính sách hỗ trợ người dân mua giống mới, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật áp dụng phục vụ chuyển đổi.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn tới người dân về chủ trương của nhà nước và các thủ tục khi thực hiện chuyển đổi, kỹ thuật thâm canh... để người dân kịp thời nắm bắt áp dụng.

1.8. UBND các xã, phường, thị trấn

Thực hiện xử lý trường hợp vi phạm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nói riêng và đất nông nghiệp nói chung theo Kế hoạch số 93aKH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh và các văn bản khác liên quan.

Tổ chức xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở diện tích đã được UBND huyện, thị xã, thành phố phân bổ. Tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi tại trụ sở UBND xã vào quý IV của năm trước trong thời hạn 60 ngày. Giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho lãnh đạo cấp thôn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi.

Tiếp nhận, xử lý Bản đăng kí chuyển đổi; lập sổ theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định.

Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; hướng dẫn các nhóm cây trồng, thủy sản chuyển đổi theo kế hoạch của tỉnh, huyện để nông dân thực hiện tập trung, hiệu quả, bảo đảm đúng kế hoạch; giao trách nhiệm cho từng cá nhân liên quan trong việc chỉ đạo, thực hiện kế hoạch chuyển đổi; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi, không để người dân chuyển đổi ngoài vùng quy hoạch hoặc lợi dụng chuyển đổi để thực hiện hoạt động trái phép trên đất chuyển đổi.

2. Chế độ báo cáo

UBND cấp xã tổng hợp kết quả chuyển đổi và định kỳ báo cáo UBND cấp huyện trước 30 tháng 11 hàng năm.

UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo kết quả chuyển đổi của UBND cấp xã báo cáo tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo kết quả chuyển đổi của tỉnh báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo./.

 

Mẫu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…, ngày ... tháng ... năm ...

BẢN ĐĂNG KÝ

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn): ………………………………

1. Tên tổ chức hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình: …………………….

2. Chức vụ người đại diện tổ chức: ……………………………………………………………...

3. Số CMND/Thẻ căn cước ……………… Ngày cấp: ……………… Nơi cấp ……………….

Hoặc Giấy chứng nhận ĐKKD (tổ chức) ……… Ngày cấp: .... Nơi cấp ……………………..

4. Địa chỉ: ……………………………………… Số điện thoại: ………………………………….

5. Diện tích chuyển đổi ... (m2, ha), thuộc thửa đất số ..., tờ bản đồ số …… khu vực, cánh đồng ……………………………………

6. Mục đích

a) Trồng cây hàng năm:

- Chuyển đổi từ đất 1 vụ lúa/năm: tên cây trồng …………, vụ ………………………………..

- Chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa/năm: tên cây trồng …………, vụ ………………………………..

b) Trồng cây lâu năm:

- Chuyển đổi từ đất 1 vụ lúa/năm: tên cây trồng …………, năm ……………………………..

- Chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa/năm: tên cây trồng …………, năm ……………………………..

c) Trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

- Chuyển đổi từ đất 1 vụ lúa/năm: Loại thủy sản …………, năm ……………………………..

- Chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa/năm: Loại thủy sản …………, năm ……………………………..

7. Cam kết thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi của địa phương; trường hợp làm hư hỏng hệ thống giao thông thủy lợi, giao thông nội đồng sẽ có biện pháp khắc phục kịp thời và bồi thường nếu ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa./.

 

UBND CẤP XÃ TIẾP NHẬN
(Ký, họ tên và đóng dấu)

NGƯỜI ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/HỘ GIA ĐÌNH/CÁ NHÂN
(Ký, họ tên và đóng dấu (nếu có))

 

Mẫu số 02

ỦY BAN NHÂN DÂN
(Cấp xã, phường, thị trấn)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ….

..., ngày ... tháng ... năm ...

 

THÔNG BÁO

Về việc không tiếp nhận Bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Căn cứ quy định tại Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) ………….. thông báo:

Không tiếp nhận đơn đăng ký chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa của …………………… (họ, tên người đại diện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ chức);

Địa chỉ ………………………………………………………………………………………………

Lý do không tiếp nhận: ……………………………………………………………………………

Yêu cầu ông/bà/tổ chức ……………… thực hiện Thông báo này và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa./.

 


Nơi nhận:
- Người sử dụng đất;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ
(Ký, họ tên và đóng dấu)

 

Phụ lục 03

KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 2147/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2020 của UBND tỉnh)

 ĐVT: Ha

TT

Đơn vị

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

GĐ 2021 - 2025

Định hướng đến 2030

CHN

CLN

LTS

Tổng

CHN

CLN

LTS

Tổng

CHN

CLN

LTS

Tổng

CHN

CLN

LTS

Tổng

CHN

CLN

LTS

Tổng

1

TP Hưng Yên

5

50

5

60

5

40

5

50

5

40

 

45

5

40

 

45

5

35

 

40

240

50

2

TX Mỹ Hào

5

 

5

10

5

 

5

10

5

 

5

10

5

 

5

10

5

 

5

10

50

50

3

Phù Cừ

20

150

10

180

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

780

300

4

Yên Mỹ

25

30

5

60

25

30

5

60

25

30

5

60

25

30

5

60

25

30

5

60

300

200

5

Tiên Lữ

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

750

300

6

Kim Đng

20

120

10

150

10

130

10

150

20

120

15

155

20

120

15

155

20

120

10

150

760

350

7

Ân Thi

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

30

100

20

150

750

250

8

Khoái Châu

30

50

 

80

30

60

 

90

30

60

 

90

40

70

 

110

50

80

 

130

500

300

9

Văn Lâm

30

40

20

90

30

40

20

90

30

50

20

100

30

40

20

90

30

50

20

100

470

300

10

Văn Giang

16

24

 

40

12

28

 

40

10

20

 

30

10

20

 

30

10

20

 

30

170

-

 

Tổng

211

664

95

970

207

628

105

940

215

620

105

940

225

620

105

950

235

635

100

970

4,770

2,100

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2147/QĐ-UBND ngày 15/09/2020 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


707

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.50.71
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!