Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 3725/KH-UBND 2018 về Dinh dưỡng Ninh Thuận 2020

Số hiệu: 3725/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lê Văn Bình
Ngày ban hành: 30/08/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3725/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 30 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ DINH DƯỠNG CỦA TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới;

Thực hiện Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 29/01/2018 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2020;

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện công tác Dinh dưỡng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 như sau:

A. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011-2017

I. Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động

1. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em

Mặc dù kinh phí còn hạn chế, Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em vẫn được triển khai thực hiện thường xuyên tại 65 xã phường, các hoạt động chủ yếu là: Thực hành dinh dưỡng kết hợp với truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai qua các buổi sinh hoạt nhóm và thăm hộ gia đình, tổ chức cân, đo cho trẻ dưới 5 tuổi, giám sát dinh dưỡng.v.v...Kết quả tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) từ 22,1% năm 2011 giảm xuống còn 16% vào năm 2017, trung bình giảm 1%/năm; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi (chiều cao/tuổi) từ 29,7% năm 2011 giảm còn 26% năm 2017, trung bình giảm 0,5%/năm; bữa ăn của người dân cũng như trẻ em được đảm bảo hơn về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Dự án Bạn hữu trẻ em đã xây dựng các mô hình và triển khai một số hoạt động can thiệp dinh dưỡng như:

- Mô hình lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực tại 4 xã: Phước Chính, Phước Thành - huyện Bác Ái; Bắc Sơn, Công Hải - huyện Thuận Bắc.

- Mô hình quản lý lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính nặng (IMAM) tại 9 xã của huyện Bác Ái.

- Thực hành mới về chăm sóc bà mẹ và sơ sinh thiết yếu, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ đã được thực hành tốt tại khoa Sản, khoa Nhi của bệnh viện tỉnh và huyện.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 3 lần/3 kỳ, phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế và phụ nữ đẻ được nhân viên y tế qua đào tạo đỡ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

- Hỗ trợ gói dinh dưỡng khẩn cấp: Từ năm 2013 được sự quan tâm hỗ trợ của Unicef thông qua Dự án Bạn hữu trẻ em tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ kinh phí để mua sản phẩm dinh dưỡng cấp cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng huyện Bác Ái. Đặc biệt năm 2016 do hạn hán nặng nề đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của bà mẹ, trẻ em, được sự tài trợ của Unicef, Sở Y tế tiếp nhận gói dinh dưỡng khẩn cấp và đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai tại 286 thôn thuộc 49 xã; tổ chức cân, đo sàng lọc cho trẻ < 5 tuổi đạt 96,4% tổng số trẻ, trong đó có 623 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng và 1.314 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vừa được điều trị bằng sản phẩm HEBI và RUFT; có 8.047 phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 1 tuổi được uống viên đa vi chất và 12.225 trẻ từ 6-23 tháng tuổi sử dụng gói đa vi chất. Đến cuối tháng 2/2017 còn 216 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng và 1.105 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vừa đang tiếp tục điều trị bằng sản phẩm RUTF.

- Phối hợp liên ngành tổ chức các đợt giám sát thực hiện công tác nước sạch vệ sinh môi trường, sức khoẻ và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em tại 15 xã của 2 huyện Thuận Bắc và Bác Ái nhằm đánh giá và kêu gọi sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và nước sạch, vệ sinh môi trường.

2. Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

- Chương trình phòng chống thiếu Vitamin A trong những năm qua được triển khai rất hiệu quả, hàng năm tổ chức 2 đợt (đợt 1 từ ngày 1-2/6; đợt 2 từ ngày 1-2/12) bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6-60 tháng tuổi đạt trên 95%, bà mẹ sau sinh trong tháng uống Vitamin A đạt trên 90%.

- Tất cả phụ nữ có thai đều được cấp viên sắt hoặc viên đa vi chất tại các cơ sở khám chữa bệnh và những năm gần đây viên sắt đã được đưa vào chương trình bảo hiểm y tế. Tỷ lệ phụ nữ có thai sử dụng viên sắt, viên đa vi chất đều đặn đạt trên 80%.

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối Iốt trong bữa ăn hàng ngày qua các năm đạt 95%.

3. Cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân

Qua các cuộc điều tra dinh dưỡng 30 cụm hàng năm cho thấy kiến thức của các bà mẹ về dinh dưỡng gia đình ngày càng được nâng cao, 4 nhóm thức ăn được áp dụng phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày; các bà mẹ không còn kiêng khem cho ăn khi trẻ bị bệnh mà đã thực hiện bổ sung đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ. Việc thực hành chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong các gia đình ngày càng được chú trọng; bữa ăn của người dân cũng như trẻ em được đảm bảo hơn về số lượng và chất lượng.

4. Kết quả triển khai thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế của các bệnh viện

Hiện nay, các bệnh viện đã thay đổi nhận thức về ứng dụng dinh dưỡng trong điều trị; cán bộ dinh dưỡng đã có nhiều cố gắng với các hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện; người bệnh được hướng dẫn, tư vấn và cung cấp chế độ ăn phù hợp với bệnh lý, được đánh giá, theo dõi tình trạng dinh dưỡng trong thời gian nằm viện. Toàn tỉnh Ninh Thuận có 08 bệnh viện, trong đó có 04 bệnh viện tuyến tỉnh (01 bệnh viện đa khoa và 03 bệnh viện chuyên khoa) và 04 bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Có 03 bệnh viện đã thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y Dược cổ truyền); các bệnh viện còn lại tuy chưa thành lập khoa/tổ dinh dưỡng để triển khai các hoạt động dinh dưỡng, tiết chế nhưng trong quá trình khám bệnh và điều trị đã hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp với bệnh lý cho người bệnh hoặc người thân của người bệnh.

II. Những thuận lợi, khó khăn và thách thức

1. Thuận lợi

- Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể.

- Sự tài trợ của các tổ chức Quốc tế: Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Quỹ toàn cầu, các tổ chức Phi Chính phủ... về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.

- Nhận thức của chị em phụ nữ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ có chuyển biến tốt.

- Trong những tháng hạn hán được sự tài trợ của tổ chức UNICEF cấp sản phẩm dinh dưỡng đến trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính và trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng kịp thời, đã góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

2. Khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ninh Thuận vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, thách thức về dinh dưỡng:

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao 26,5% so với toàn quốc là 24,6%. Đặc biệt trong những năm vừa qua, do biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho thời tiết thay đổi, tỉnh Ninh Thuận chịu đợt hạn hán kéo dài và trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sức khỏe của người dân cũng như tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ đang mang thai, bà mẹ đang nuôi con bú, trẻ em dưới 5 tuổi và nhất là trẻ em ở độ tuổi 6 - 23 tháng tuổi có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực, thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, do đó tình trạng suy dinh dưỡng nặng cấp tính và thiếu vi chất dinh dưỡng cùng ốm đau bệnh tật.v.v... xảy ra ở đối tượng này.

- Tầm vóc của trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh chậm cải thiện và thấp hơn trung bình cả nước, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn rất cao, chiếm 8,6% (năm 2016) và có sự khác biệt khá lớn ở các vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc.

- Đời sống kinh tế gia đình, nhận thức về dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh gia đình và phòng chống dịch bệnh ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thấp nên tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao ở những vùng này.

- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, cho người lao động, người bệnh, người cao tuổi và người dân nói chung chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người dân của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền và phần lớn là nhân dân còn chưa đầy đủ; nhiều ban, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đầu tư cho công tác dinh dưỡng; công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng chưa đạt hiệu quả cao.

- Công tác dinh dưỡng tiết chế tại bệnh viện còn hạn chế, hiện còn 05 bệnh viện chưa thành lập được khoa/tổ dinh dưỡng để triển khai công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện là do cơ sở vật chất của bệnh viện chưa đảm bảo, thiếu nhân lực được đào tạo chính quy về dinh dưỡng... Các nhiệm vụ chuyên môn về dinh dưỡng, tiết chế đã được triển khai nhưng chưa thực hiện đầy đủ.

- Kinh phí Trung ương cấp cho Dự án cải thiện dinh dưỡng trẻ em rất hạn chế, từ năm 2014 trở về sau cắt giảm 70 - 80% không đủ kinh phí để triển khai các hoạt động tại cộng đồng.

- Không còn thù lao cho cộng tác viên dinh dưỡng, vì vậy khi triển khai cân, đo và mời các bà mẹ có con nhỏ và phụ nữ có thai đến điểm thực hiện thì việc huy động các bà mẹ gặp nhiều khó khăn.

- Vật dụng chuyên dùng như: Cân, thước đo bị hỏng trong khi đó nguồn kinh phí không đủ nên không đáp ứng kịp thời cân, thước đo thay thế.

B. Kế hoạch hành động dinh dưỡng đến năm 2020 tỉnh Ninh Thuận

I. Mục tiêu, chỉ tiêu

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; đẩy mạnh giảm suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người dân Ninh thuận; kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Mục tiêu 1: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 13%.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 23%.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 8,2%.

- Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2500 gam) xuống dưới 4%.

- Tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 30%.

- Tỷ lệ bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng đạt 90%.

b) Mục tiêu 2: Giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.

- Tỷ lệ trẻ em từ 6 - 60 tháng được uống vitamin A đạt >95%.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai uống viên sắt/viên đa vi chất đều đặn đạt >80%.

- Tỷ lệ bà mẹ sau sinh trong tháng uống Vitamin A đạt >90%.

- Bảo đảm tỷ lệ hộ gia đình dùng muối Iốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh (>20 - <40ppm) đạt >90%.

c) Mục tiêu 3: Cải thiện tầm vóc của người Việt Nam.

- Tăng chiều cao của trẻ em trai và trẻ em gái 5 tuổi từ 1,5 cm - 2,0 cm so với năm 2010.

- Tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới 1,0 - 1,5 cm so với năm 2010.

d) Mục tiêu 4: Cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân, từng bước kiểm soát tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành.

- Tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal giảm xuống còn 7%.

- Kiểm soát tình trạng béo phì ở người trưởng thành mức dưới 15%.

- Khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% đối với vùng nông thôn và dưới 15% đối với thành thị.

- Khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 15%.

- Giảm mức tiêu thụ muối trung bình ở người trưởng thành xuống dưới 7gam/người/ngày.

đ) Mục tiêu 5: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ sở y tế và mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng.

- 100% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh và tuyến huyện được đào tạo, tập huấn về dinh dưỡng cộng đồng.

- Trên 90% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến xã, nhân viên y tế, cô đỡ thôn được tập huấn cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng.

- Trên 70% bệnh viện tuyến tỉnh và 50% bệnh viện tuyến huyện có cán bộ dinh dưỡng tiết chế và thực hiện tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với bệnh lý cho người bệnh hoặc người thân của người bệnh.

- Thực hiện giám sát dinh dưỡng định kỳ và đột xuất tại các địa phương có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

II. Nội dung hoạt động

1. Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động dinh dưỡng

a) Phổ biến, triển khai thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về dinh dưỡng và thực phẩm:

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất vào thực phẩm.

- Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; Các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện có liên quan đến dinh dưỡng; Chương trình sữa học đường; Đề án nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

b) Nâng cao năng lực cán bộ dinh dưỡng thực hiện các chính sách liên quan đến dinh dưỡng:

- Tập huấn nâng cao kỹ năng vận động chính sách đầu tư cho dinh dưỡng tại các cấp.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo theo chuyên đề để tăng cường vận động chính sách đầu tư về dinh dưỡng.

c) Cơ chế phối hợp liên ngành và xã hội hóa để đẩy mạnh và tăng cường đầu tư cho hoạt động dinh dưỡng:

- Tăng cường lồng ghép, phối hợp liên ngành để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về dinh dưỡng theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

- Tăng cường hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp để triển khai thực hiện kế hoạch.

- Tổ chức họp định kỳ và chia sẻ thông tin dinh dưỡng giữa các cán bộ làm công tác dinh dưỡng.

- Tăng cường sự chủ động của người dân về việc tự chi trả các dịch vụ liên quan đến chăm sóc, tư vấn dinh dưỡng.

- Tổ chức truyền thông, vận động để tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.

- Tăng cường sự hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, cứu trợ trong thực hiện việc giảm đói nghèo, giảm suy dinh dưỡng tại các vùng nghèo, vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

2. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em

a) Hoàn thiện mạng lưới, đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống suy dinh dưỡng:

- Kiện toàn đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng các tuyến.

- Hướng dẫn thực hiện tiêu chí chuyên môn, kỹ thuật về dinh dưỡng và phòng chống bệnh không lây nhiễm cho mạng lưới y tế các cấp.

- Tập huấn cho các cán bộ làm công tác dinh dưỡng của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ làm công tác y tế trường học về kiến thức dinh dưỡng, các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng (bao gồm đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bữa ăn học đường, hoạt động thể lực, phòng chống thừa cân béo phì và bệnh không lây nhiễm), kỹ năng truyền thông dinh dưỡng và công tác triển khai các hoạt động can thiệp dinh dưỡng.

- Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật về dinh dưỡng cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã và đội ngũ y tế thôn bản.

b) Can thiệp dinh dưỡng cho những đối tượng nguy cơ cao:

- Bổ sung Vitamin A cho trẻ em 6 - 60 tháng tuổi và phụ nữ trong vòng 1 tháng sau sinh.

- Bổ sung viên sắt/đa vi chất cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ theo quy định.

- Bổ sung đa vi chất cho trẻ em < 2 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc trẻ em thuộc gia đình khó khăn.

- Bổ sung kẽm cho trẻ em bị tiêu chảy theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

- Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em và hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em suy dinh dưỡng vùng thiên tai, mất an ninh lương thực:

+ Tổ chức sàng lọc phát hiện trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng vào các đợt cân trẻ theo định kỳ.

+ Những trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được cung cấp gói điều trị theo Quyết định số 4487/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 18/8/2016 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SDD cấp tính ở trẻ em từ 0 -72 tháng tuổi.

+ Cung cấp sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho các đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và các trẻ có nguy cơ tại các vùng thiên tai, vùng mất an ninh lương thực.

c) Theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ:

- Cung cấp trang thiết bị theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ gồm cân, thước đo (chiều cao đứng/chiều dài nằm), thước đo vòng cánh tay...

- Cung cấp biểu đồ phát triển cho trẻ dưới 2 tuổi.

- Theo dõi cân nặng của trẻ sơ sinh: 100% trẻ sơ sinh được cân sau khi sinh.

- Theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ dưới 2 tuổi: thực hiện hàng tháng đối với trẻ suy dinh dưỡng và hàng quý đối với trẻ dưới 2 tuổi không suy dinh dưỡng.

- Theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ dưới 5 tuổi: Thực hiện định kỳ vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm.

d) Truyền thông nâng cao nhận thức của bà mẹ và người chăm sóc trẻ:

- Triển khai chiến dịch truyền thông “Ngày vi chất dinh dưỡng, 1-2/6”; “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển, 16-23/10”; “Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, 1-7/8”.

- Triển khai các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với các loại hình, phương thức và nội dung phù hợp với từng vùng, miền và từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên gia đình có trẻ suy dinh dưỡng nhằm nâng cao hiểu biết về thực hành dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi, khống chế thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng.

- Tổ chức các buổi truyền thông nhóm, tư vấn dinh dưỡng, thực hành dinh dưỡng, hướng dẫn chế biến thức ăn cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, cho bà mẹ (người chăm sóc trẻ) có con dưới 2 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, trẻ béo phì tại xã phường/thôn bản.

- Tổ chức hoạt động phòng khám tư vấn dinh dưỡng.

- Xây dựng các mô hình phòng chống dinh dưỡng trẻ em đặc thù; các câu lạc bộ truyền thông về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em khi có hướng dẫn của Trung ương.

- Phối hợp liên ngành như Liên đoàn Lao động Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo... để triển khai các can thiệp dinh dưỡng đặc thù.

e) Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi học đường:

- Tổ chức truyền thông trong trường học, tư vấn phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, thiếu máu dinh dưỡng cho học sinh và cha mẹ học sinh.

- Tổ chức các cuộc thi, hội thi, các diễn đàn tìm hiểu nâng cao nhận thức cho học sinh về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình Sữa học đường.

- Duy trì và hướng dẫn tăng cường hoạt động thể lực trong trường học.

- Tổ chức cân đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh.

- Tẩy giun định kỳ cho trẻ học đường ở vùng nhiễm giun cao.

3. Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

a) Tăng cường các dịch vụ dự phòng và điều trị thiếu vi chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng:

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức trong và ngoài nước để vận động sự ủng hộ, huy động nguồn lực cho phòng chống thiếu máu và thiếu vi chất dinh dưỡng.

- Triển khai các hoạt động để bổ sung vi chất cho các đối tượng có nguy cơ.

- Truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng về phòng chống thiếu máu và vi chất dinh dưỡng ở địa phương.

- Bảo đảm cung cấp cho hộ gia đình dùng muối Iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh.

- Kiểm tra giám sát nội kiểm, ngoại kiểm việc sản xuất và cung ứng tại các cơ sở sản xuất muối Iốt theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ y tế và tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống các rối loạn thiếu Iốt.

b) Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm:

- Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên xét nghiệm; nâng cấp trang thiết bị, bảo dưỡng máy móc định kỳ Labo xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để thực hiện xét nghiệm sản phẩm có tăng cường vi chất (định lượng Iốt trong muối) theo quy chuẩn kỹ thuật.

- Lồng ghép trong công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng các thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng.

c) Tăng cường hoạt động đa dạng hóa bữa ăn:

- Triển khai lồng ghép các chiến lược truyền thông đa phương tiện và các hoạt động tiếp thị xã hội nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng (tập trung vào đa dạng hóa thực phẩm phù hợp cho các nhóm tuổi và tình trạng thể lực) có liên quan tới 1000 ngày đầu đời.

- Phổ biến các tài liệu truyền thông về hướng dẫn đa dạng hóa bữa ăn và sử dụng thực phẩm sẵn có để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

4. Cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân

a) Bảo đảm an ninh thực phẩm tại hộ gia đình:

- Hướng dẫn bảo đảm an ninh thực phẩm, an ninh dinh dưỡng tại các khu vực khó khăn và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

- Phát triển và triển khai hướng dẫn sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao để cung cấp lương thực thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng.

- Thúc đẩy mô hình sản xuất, hướng dẫn cách tạo nguồn thực phẩm sẵn có và đa dạng tại hộ gia đình cho các đối tượng người dân đặc biệt những gia đình có con dưới 5 tuổi.

- Hướng dẫn và hỗ trợ hộ nghèo tự sản xuất lương thực thực phẩm cung cấp cho bữa ăn đủ thành phần dinh dưỡng, đảm bảo tính cân đối.

- Triển khai các hoạt động đảm bảo an ninh dinh dưỡng hộ gia đình thông qua mô hình VAC; tập huấn cho người dân về tăng cường an ninh thực phẩm hộ gia đình.

b) Phổ biến, hướng dẫn người dân về chế độ dinh dưỡng hợp lý:

- Phổ biến hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn khuyến nghị và hoạt động thể lực cho người Việt Nam (theo nhóm tuổi, loại hình lao động, tình trạng sinh lý và sức khỏe).

- Tổ chức phổ biến Tháp dinh dưỡng hợp lý 2016 - 2020 cho các cấp huyện, xã và các ngành liên quan.

5. Kiểm soát tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng

a) Nâng cao nhận thức của người dân về sự gia tăng của tình trạng thừa cân - béo phì ở trẻ em và các nguy cơ:

- Lồng ghép truyền thông phòng chống thừa cân - béo phì ở trẻ em vào các hoạt động truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng và các chiến dịch truyền thông hàng năm.

- Hướng dẫn về chế độ ăn và tư vấn phòng chống thừa cân - béo phì ở trẻ em và kiểm soát thừa cân/béo phì cho trẻ thừa cân - béo phì.

b) Thực hiện một số hoạt động trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm:

- Hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý (dinh dưỡng chất béo, tăng cường ăn rau quả, trái cây, tiêu thụ đường, muối, rượu bia và đồ uống) và hoạt động thể lực phù hợp với các nhóm đối tượng để phòng chống thừa cân - béo phì và bệnh không lây nhiễm cho người dân.

- Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực để điều trị béo phì và bệnh không lây nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng.

- Tập huấn cho cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và nhân viên y tế các tuyến về tư vấn chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực để phòng chống và quản lý bệnh không lây nhiễm ở cộng đồng và cơ sở y tế.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng về dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực phòng chống thừa cân - béo phì và bệnh không lây nhiễm, ưu tiên truyền thông giảm tiêu thụ muối.

- Triển khai tư vấn dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm tại phòng khám của các Bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động các tuyến về dinh dưỡng và các bệnh không lây nhiễm.

c) Triển khai công cụ hỗ trợ tư vấn và điều trị bệnh liên quan đến dinh dưỡng

- Triển khai các nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực để phòng chống bệnh mạn tính.

- Triển khai các hướng dẫn về tư vấn dinh dưỡng và hoạt động thể lực ở cộng đồng và trường học.

d) Nâng cao năng lực hoạt động của khoa Dinh dưỡng - Tiết chế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến tỉnh, huyện

- Triển khai các Thông tư hướng dẫn hoạt động của khoa Dinh dưỡng - Tiết chế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Triển khai phác đồ, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng điều trị, hướng dẫn sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh, và các hướng dẫn về bảo đảm dinh dưỡng, thực phẩm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Đào tạo, tập huấn ngắn hạn về dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ khoa Dinh dưỡng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

6. Theo dõi, giám sát và đánh giá

- Triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá định kỳ hàng năm, đột xuất và giám sát điểm tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở.

- Nâng cao năng lực giám sát dinh dưỡng. Lồng ghép các dự án với các hoạt động của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng nhằm thực hiện các mục tiêu của chiến lược.

- Thực hiện các đợt giám sát hỗ trợ kỹ thuật, giám sát thu thập số liệu, phối hợp với các đoàn giám sát liên ngành tiến hành giám sát các hoạt động dinh dưỡng tại địa phương.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết kế hoạch đúng tiến độ.

III. Giải pháp thực hiện

1. Chủ trương về chính sách

a) Triển khai thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về dinh dưỡng và thực phẩm:

- Quán triệt, triển khai thực hiện Luật trẻ em, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất vào thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến dinh dưỡng và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

- Triển khai thực hiện các chính sách, quy định để kiểm soát việc quảng cáo tiếp cận các thực phẩm, sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em và phụ nữ có thai; chính sách để giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, hạn chế tiêu thụ đồ uống ngọt có ga và thực phẩm chế biến sẵn; quy định về ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm và cảnh báo những ảnh hưởng đến sức khỏe đối với các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

- Triển khai chính sách hỗ trợ, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho vùng nghèo, vùng thường xuyên bị thiên tai; chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Thực hiện chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân. Cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, mở rộng diện dân số tiếp cận với nước sạch, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu vực.

b) Đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Tập trung chỉ đạo thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng.

c) Tăng cường hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp. Phối hợp liên ngành và xã hội hóa để đẩy mạnh và tăng cường đầu tư cho hoạt động dinh dưỡng. Có chính sách, giải pháp huy động, khuyến khích các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tham gia thực hiện Kế hoạch.

2. Giải pháp về truyền thông và vận động xã hội

a) Sử dụng mạng lưới truyền thông từ tỉnh đến cơ sở để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về dinh dưỡng.

b) Cung cấp các tài liệu, chương trình truyền thông, tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡng phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng, chú trọng nâng cao hiểu biết và thực hành dinh dưỡng hợp lý của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người chăm sóc, học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, người lao động và người bệnh.

c) Tăng cường truyền thông trực tiếp đến các đối tượng, vùng miền có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao như vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, hộ nông dân nghèo và cận nghèo.

d) Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong giáo dục truyền thông dinh dưỡng cho trẻ em.

đ) Thực hiện có hiệu quả truyền thông tiếp thị xã hội để phòng chống thiếu vi chất cho người dân.

e) Vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn.

3. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật

a) Tập trung chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; thực hiện theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

b) Can thiệp dinh dưỡng cho những đối tượng có nguy cơ cao:

- Bổ sung viên nang Vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh; đa vi chất cho trẻ em; viên sắt đa vi chất cho trẻ gái vị thành niên, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và cho con bú; kẽm cho trẻ tiêu chảy.

- Thực hiện điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em và hỗ trợ dinh dưỡng vùng có thiên tai, thảm họa.

c) Triển khai các chương trình, dự án và các giải pháp can thiệp đặc hiệu góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể lực và thể chất của người dân, ưu tiên những vùng nghèo, khó khăn, dân tộc thiểu số, hộ nông dân nghèo, cận nghèo và các nhóm đối tượng có nguy cơ khác.

d) Khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

đ) Triển khai các hoạt động dinh dưỡng hợp lý tại trường học:

- Giáo dục, truyền thông, tư vấn thay đổi hành vi cho học sinh và cha mẹ học sinh về nhu cầu dinh dưỡng, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực để phát triển tốt về tầm vóc và thể chất.

- Hướng dẫn, tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho học sinh bán trú, nội trú trong trường học. Có các quy định để hạn chế tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm không có lợi cho sức khỏe học sinh.

- Hướng dẫn tăng cường hoạt động thể lực, duy trì thường xuyên, hiệu quả các hoạt động thể chất trong chương trình chính khóa và ngoại khóa, tăng cường vận động thể lực thông qua các sinh hoạt, vui chơi giải trí có tính chất vận động ở trường và hạn chế thời gian ngồi lâu tại chỗ.

- Theo dõi tình trạng dinh dưỡng học sinh, hướng dẫn tẩy giun định kỳ.

e) Cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân:

- Xây dựng các kế hoạch và hướng dẫn bảo đảm an ninh thực phẩm, đặc biệt ở những địa bàn dễ bị ảnh hưởng; thúc đẩy mô hình sản xuất để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, đảm bảo chất lượng cho bữa ăn tại hộ gia đình.

- Phổ biến các hướng dẫn cho người dân và những đối tượng đặc thù về chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý.

g) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn và phục hồi dinh dưỡng, phòng chống thừa cân - béo phì và các bệnh không lây nhiễm tại các tuyến.

h) Triển khai các hướng dẫn chuyên môn về dinh dưỡng điều trị, dinh dưỡng lâm sàng tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

i) Nâng cao năng lực của hệ thống giám sát dinh dưỡng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin phục vụ xây dựng và triển khai Kế hoạch; tăng cường năng lực giám sát trong tình huống khẩn cấp.

k) Theo dõi, giám sát hỗ trợ các hoạt động triển khai tại tuyến huyện, thành phố; xã, phường để nâng cao chất lượng hoạt động. Tiếp tục tổ chức điều tra đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em hàng năm (điều tra 30 cụm).

4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng, đặc biệt là mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở tuyến cơ sở.

- Nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý điều hành các chương trình, hoạt động dinh dưỡng cho cán bộ ở các cấp từ tỉnh đến xã, phường và các Sở, ngành liên quan. Huy động sự tham gia của cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

- Đào tạo cán bộ dinh dưỡng chuyên sâu, cán bộ dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện; triển khai khoa dinh dưỡng lâm sàng tại các bệnh viện.

- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác thông tin, giáo dục, truyền thông tại các tuyến để nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và các hoạt động thực hiện Kế hoạch đến các tầng lớp nhân dân.

5. Giải pháp về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế

a) Tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai các phong trào và sáng kiến dinh dưỡng.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và thực phẩm.

d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và cung cấp thông tin về dinh dưỡng và thực phẩm.

IV. Nguồn kinh phí hoạt động

1. Nguồn ngân sách Nhà nước tại Trung ương và địa phương.

2. Huy động cộng đồng, tổ chức trong nước.

3. Huy động nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế

a) Chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Kế hoạch hành động về dinh dưỡng của tỉnh.

b) Hàng năm, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết các hoạt động trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai các hoạt động chuyên môn về dinh dưỡng đạt hiệu quả.

d) Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng.

đ) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng ở từng địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

e) Huy động mọi nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động tại địa phương; theo dõi, giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ tình hình cân đối ngân sách địa phương và kế hoạch hành động được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Tài chính tham mưu bố trí trong dự toán chi ngân sách của Sở Y tế; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế căn cứ vào kinh phí được cấp của Trung ương và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh hàng năm bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch.

- Vận động, huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho các hoạt động dinh dưỡng.

- Tham mưu đưa các chỉ tiêu về dinh dưỡng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng các chỉ tiêu về dinh dưỡng của địa phương vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tăng cường lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh trong trường học vì mục đích phát triển trẻ thơ toàn diện.

b) Chỉ đạo các trường học tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho học sinh bán trú, nội trú trong trường, thường xuyên kiểm tra, giám sát các trường học trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường và tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh.

c) Tăng cường phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, các can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì triển khai thực hiện các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật, chú trọng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã miền núi và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền và quan tâm chỉ đạo việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, lao động tại các khu công nghiệp.

c) Tổ chức thực hiện các quy định nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, hỗ trợ chăm sóc và phát triển toàn diện cho trẻ em liên quan đến dinh dưỡng.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo thực hiện các hoạt động dinh dưỡng trong chương trình “Không còn nạn đói” và hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

b) Lồng ghép hoạt động ứng phó dinh dưỡng trong Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Phối hợp với Sở Y tế thực hiện các hoạt động dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

c) Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung về các can thiệp dinh dưỡng giảm thấp còi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

7. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan để thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; quy định về kiểm soát đồ uống ngọt có ga, thực phẩm chế biến sẵn và ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm; chính sách, quy định liên quan đến nhập khẩu các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn mắc các bệnh hiếm.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan để triển khai chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách để thúc đẩy xã hội hóa trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng.

- Tăng cường quản lý về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tăng cường chỉ đạo lồng ghép hoạt động vận động thể lực và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý với phong trào quần chúng và hoạt động thể thao, văn hóa tại cộng đồng; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của hoạt động thể dục thể thao quần chúng đối với sức khỏe, hạn chế quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng không có lợi cho sức khỏe theo quy định.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

a) Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo Đài truyền thanh cơ sở dành thời lượng thích đáng, phù hợp để tuyên truyền các nội dung về dinh dưỡng; quản lý quảng cáo các sản phẩm thực phẩm.

b) Tăng cường thời lượng, tin bài tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng về đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn của các hộ gia đình, đặc biệt chú trọng về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, bà mẹ mang thai, người cao tuổi.

10. Ban Dân tộc

a) Phối hợp với Sở Y tế thực hiện các hoạt động dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Tăng cường phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân vùng dân tộc thiểu số thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em người dân tộc.

11. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

a) Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tại địa phương, tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí để giải quyết các vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng trong phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng đối với các nhóm có nguy cơ cao.

b) Đề xuất với Hội đồng nhân dân huyện, thành phố đưa các chỉ tiêu về dinh dưỡng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

c) Tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực và phối hợp liên ngành nhằm thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng ở địa phương.

e) Kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định.

12. Các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể

a) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, các Hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác: Tổ chức phổ biến các kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, cải thiện bữa ăn gia đình cho các thành viên, hội viên; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện xã hội hóa công tác dinh dưỡng và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.

b) Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và Ủy ban nhân dân các cấp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho các hội viên, các bà mẹ; vận động hội viên và cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng, đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và bữa ăn gia đình bảo đảm dinh dưỡng hợp lý.

Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương có trách nhiệm triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công; gửi báo cáo kết quả về Sở Y tế để tổng hợp. Giao Sở Y tế hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện nội dung Kế hoạch này, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế;
- CT và PCT UBND tỉnh LVB;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PVP (HXN);
- Lưu: VT, KGVX, NNN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Bình

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 3725/KH-UBND ngày 30/08/2018 về Dinh dưỡng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.396

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.7.140
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!