ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 442/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 23
tháng 8 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG
DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
569/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần
hoàn ở Việt Nam;
Căn cứ Chương trình
hành động số 41-CTr/TU ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
ban hành về triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày
16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân,
nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định số
123/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2023 của UBND tỉnh ban hành Chương trình phát
triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm
2030;
Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ
trình số 45/SKHCN-TTr ngày 15 tháng 4 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
“Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc
Ninh đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các sở,
ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&CN (b/c);
- TT Tỉnh uỷ; TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Báo BN, Đài PT&TH tỉnh, Cổng TTĐT;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, XDCB, KTTH, NNTN;
- Lưu: VT..
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Tân Phượng
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT
NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 23/8/2024 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
Phần mở đầu
ĐẶT VẤN ĐỀ
I. SỰ CẦN THIẾT
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Kinh tế tuần hoàn là
một mô hình khép kín, từ khâu khai thác tài nguyên - sản xuất - phân phối -
tiêu dùng - khôi phục,… luôn có sự gắn kết với nhau. Trong đó, chất thải trong
quá trình sản xuất - tiêu dùng được xử lý hoặc tái sử dụng một cách triệt để, dẫn
đến việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Kinh tế tuần hoàn
trong nông nghiệp được hiểu là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông
qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ
hóa lý vào việc tái chế các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào
cho quá trình sản xuất, chế biến nông - lâm - ngư nghiệp. Trong điều kiện
kinh tế xã hội ngày nay, đòi hỏi của con người đối với nông nghiệp ngày càng lớn.
Các nhu cầu, yêu cầu về nông sản an toàn và dinh dưỡng, nông nghiệp hữu cơ,
nông nghiệp sinh thái, kinh tế chất thải, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm
tài nguyên, bảo tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, … góp phần quan trọng vào
sự phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế - xã hội và môi trường của các quốc
gia. Do đó, phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu để phục hồi và tái tạo tài
nguyên, sử dụng hiệu quả phụ phẩm cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp đa
giá trị, giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp
then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) giải quyết các
thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tiến bộ của khoa học công nghệ
như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ
cảm biến, tự động hóa, công nghệ phân tích không gian đa chỉ tiêu, ILWIS, GIS,
công nghệ thế giới số,... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng
năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt
khác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất,
cung cấp những yếu tố đủ và vừa cho từng đối tượng nông sản, tùy theo yêu cầu sản
xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng
nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Trong những năm qua, thực hiện
Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh Bắc
Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, kế hoạch để hỗ trợ
phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực, đời sống của dân
cư nông thôn đã được cải thiện; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn
2009 - 2018 bình quân trên 3,5%/năm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được,
hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc
lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất,
nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn
và kéo dài trong khi điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai chưa thực sự thuận lợi,
điều này dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro. Mặt khác, chi phí đầu tư cho sản
xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị
trường; việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản
xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức sản xuất và trình độ
nhất định. Đồng thời, thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không
ổn định, xu hướng biến động giảm lớn nên người nông dân rất khó khăn trong ứng
dụng KHCN vào sản xuất, nhất là sản xuất quy mô hàng hóa.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh
lần thứ XX đã đề ra phương hướng phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng
nông thôn mới. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng
hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Tăng cường ứng dụng
KH&CN vào sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ kết nối cung -
cầu trong tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường
tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gần đây nhất, Nghị quyết số 19-NQ/TW
ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu quan điểm
“Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp
hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng,
năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến,...; bảo
đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh
thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh
tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu
cầu thị trường.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát
triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các
vùng sinh thái; thúc đẩy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao; chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao,
khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại
tăng cường ứng dụng KH&CN và phát huy nội lực để nâng cao năng suất chất lượng
và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản của Bắc Ninh - Kinh Bắc, khẳng định
thương hiệu và quy mô sản xuất để phát triển thị phần trong nước và xuất khẩu,...
việc xây dựng “Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công
nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần
hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030” là rất cần thiết.
II. CĂN CỨ
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật KH&CN ngày 18 tháng 6 năm 2013;
- Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
- Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày
17/11/2020) đã có những quy định cụ thể liên quan đến kinh tế tuần hoàn;
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính
trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư;
- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ
Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy
kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; đề ra các giải pháp phát triển năng
lượng tái tạo;
- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (họp từ ngày
25/01/2021 đến ngày 01/02/2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn
2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh
tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”;
- Nghị quyết số
19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành TW Đảng khóa
XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ
Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng
bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị quyết số 14/NQ-CP
ngày 8/02/2023 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện
Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế -
xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045;
- Nghị định số
57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Nghị định số
98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển
hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
- Quyết định số
130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương
trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030;
- Quyết định số
150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược
phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050;
- Quyết định số
575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng
thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030;
- Quyết định số
66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định về tiêu
chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao;
- Thông tư số
348/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực
hiện “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát
triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016
- 2025”;
- Quyết định số
738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêu chí xác định
chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh
mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp;
- Nghị quyết Đại
hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày
11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;
- Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày
07/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế
tuần hoàn ở Việt Nam;
- Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày
02/8/2022 về phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2021-2025;
- Chương trình hành động số
41-CTr/TU, ngày 25/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh ban hành về
triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp
hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh;
- Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày
05/4/2023 của UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và
đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Phần thứ nhất
KẾT QUẢ ỨNG
DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH BẮC NINH
I. KẾT QUẢ
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
1. Những kết quả đạt
được
1.1. Lĩnh vực trồng trọt
Sản xuất trồng trọt tiếp tục
phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Cơ cấu cây trồng đã được
chuyển biến rõ nét theo hướng giảm diện tích gieo cấy lúa hiệu quả thấp, tăng
diện tích cây rau màu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Mở rộng các mô
hình sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt để nâng cao chất lượng sản
phẩm. Một số kết quả cụ thể:
Trong những năm qua, Lúa vẫn là
cây trồng chủ lực với diện tích gieo trồng hàng năm chiếm trên 84% tổng diện tích
gieo trồng; năng suất bình quân các năm 2020-2022 lần lượt là 64,1 tạ/ha, 64,9
tạ/ha và 65,2 tạ/ha; cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng
diện tích lúa chất lượng cao (như các giống lúa năng suất cao GS9, Q.ưu số 1,
B-TE1, giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7, nếp N87, N97,..), giảm tỷ lệ diện
tích lúa năng suất cao và lúa tẻ thường, lúa năng suất, chất lượng cao năm 2020
đạt 40.426,5 ha, chiếm 65% diện tích lúa, năm 2021 đạt 41.251,6 ha, chiếm 66,7%
diện tích lúa, tăng 2,0% so với năm 2020 2022 đạt 42.678,5 ha, chiếm 70,9% diện
tích lúa, tăng 4,2% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm diện tích lúa xuân đạt
29.586,71 ha, bằng 97,33% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó diện tích lúa năng
suất, chất lượng cao: 20.685,3 ha, chiếm 69,9% tổng diện tích lúa, tương đương
so với cùng kỳ vụ xuân năm 2022.
Hàng năm duy trì trên 10.400 ha cây thực phẩm với
các cây rau màu ngắn ngày cho năng suất và chất lượng cao (khoai tây, cà rốt,
hành tỏi, rau xanh các loại...); các giống mới, chất lượng cao được khảo nghiệm
và đưa vào sản xuất đại trà như giống ngô NK4300, NK6654, HN88; Cà rốt Ti103,
VL444; giống cây trồng nuôi cấy mô như: hoa Phong lan, khoai tây,...
Một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được
tích cực chuyển đổi sang trồng rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả (chuối, ổi, bưởi,
cam...) hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản (lúa - cá) đã góp phần nâng
cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, diện
tích cây lâu năm tiếp tục tăng, năm 2022 đã trồng 2.615,7 ha, bằng 101,5% so với
cùng kỳ năm trước, trong đó cây ăn quả là 2.429,6 ha, chiếm 92,8% diện tích cây
lâu năm, bằng 101,2% năm 2021. Năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng
ước đạt 70.567,9 ha lúa, rau màu và cây công nghiệp các loại, giảm 1.947,2 ha
so với năm 2022. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được ứng dụng
trong sản xuất trồng trọt như: nhà kính, nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới
phun mưa, tưới nhỏ giọt tự động, ... trong sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh
đã góp phần tạo diện mạo mới và nâng cao giá trị cho sản xuất trồng trọt. Đến
nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển 2.441 vùng sản xuất lúa hàng
hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy
mô từ 2 ha trở lên tập trung ở vùng đất chuyên màu và đất bãi, với các sản phẩm
chủ lực như: Cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại,...;
94 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1 ha trở lên. Toàn tỉnh có 50
cơ sở sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 59 cơ sở sản xuất
rau, hoa trong nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 39,6 ha, cho thu nhập hàng
tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện
tích.
1.2. Lĩnh vực chăn nuôi
Chăn nuôi gia súc, gia cầm, tiếp
tục duy trì ổn định đàn vật nuôi chủ lực, các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo đáp ứng
nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và một phần ra các tỉnh lân cận.
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt
65.551,4 tấn, năm 2021 đạt 78.287,4 tấn, tăng 19,4% so với năm 2020 và năm 2022
là 82.130 tấn, tăng 4,9% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng
thịt hơi xuất chuồng đạt 40.575 tấn, bằng 93,6% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng
thịt gia cầm tăng từ 19.688 tấn năm 2020 lên 20.646 tấn năm 2021 và 22.577 tấn
năm 2022; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9.980 tấn, bằng 82% so với cùng kỳ năm
2022. Sản lượng thịt trâu bò năm 2020 là 2.227,4 tấn và tăng lên 2.232,8 tấn
năm 2021, sơ bộ đạt 2.276 tấn năm 2022; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 975 tấn, bằng
92,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực
từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập
trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá. Toàn tỉnh hiện có 671 trang
trại theo quy định của Luật Chăn nuôi (45 trang trại quy mô lớn, 118 trang trại
quy mô vừa và 508 trang trại quy mô nhỏ); có 16 doanh nghiệp chăn nuôi (09
doanh nghiệp chăn nuôi lợn, 05 doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, 02 doanh nghiệp
chăn nuôi hỗn hợp).
Các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng phổ biến trong sản
xuất chăn nuôi của tỉnh hiện nay như: công nghệ chuồng kín với hệ thống làm
mát, điều khiển tự động trong các khâu chăn nuôi; các tiến bộ kỹ thuật trong
lai tạo giống vật nuôi, công nghệ sinh học cũng được tăng cường ứng dụng trong
sản xuất chăn nuôi, điển hình như: ứng dụng công nghệ di truyền trong việc chọn
lọc gen gà Hồ phục vụ cho công tác bảo tồn, chọn giống,... Ngoài ra, hiện đa số
các cơ sở chăn nuôi tập trung đã đưa công nghệ xử lý chất thải DEWATS, công nghệ
thông tin (phần mềm), công nghệ tự động hóa vào các khâu sản xuất. Hiện, trên địa
bàn tỉnh có 72 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước
uống tự động, trong đó có 02 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ
quá trình sản xuất (Công ty TNHH MTV gà giống Dabaco, Công ty Delco), 04 cơ sở
chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống (thuộc tập đoàn
Dabaco Việt Nam).
Công tác cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống vật
nuôi được đẩy mạnh như giống lợn siêu nạc cao sản 3-4 máu ngoại; giống gà, vịt,
ngan siêu thịt, siêu trứng, kiêm dụng; các giống vật nuôi bản địa như gà Mía,
gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Chọi, gà ri, lợn rừng... được lưu giữ, phục tráng và
nhân giống đưa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo tồn nguồn
gen động vật quý hiếm.
1.3. Lĩnh vực thủy sản
Sản xuất thuỷ sản tiếp tục tăng
cả về quy mô, năng suất, sản lượng đặc biệt là nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống,
sông Thái Bình.
Năm 2023, diện tích thuỷ sản nuôi trong ao đạt
4.787,8 ha, đạt 99,7% so với kế hoạch 2023, tương đương so với cùng kỳ năm
2022. Số lượng lồng nuôi trên sông 2.629 lồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm
2022 (tăng 144 lồng). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 40.500 tấn, đạt 100% so với
kế hoạch năm và tăng 0,87% so cùng kỳ năm 2022. Sản xuất giống ước đạt 230,9
triệu con giống các loại, đạt 100,4% kế hoạch năm, bằng 100,2% so với cùng kỳ
năm 2022.
Về nuôi cá trong ao đất: Toàn tỉnh hiện có 72 vùng
nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung với diện tích 1.036,7 ha (mỗi vùng có diện
tích từ 10 ha trở lên), chiếm 22% diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Diện
tích NTTS tập trung ở các địa phương: Lương tài, Gia Bình, Quế Võ...
- Về nuôi cá lồng trên sông: Toàn tỉnh hiện có 168
hộ nuôi cá lồng ở 29 thôn thuộc 21 xã nằm trong 6 huyện, thị xã. Năng suất
trung bình cho 1 lồng 108m3 đạt 4,5-5 tấn/lồng/lứa nuôi.
- Hiện nay, toàn tỉnh có 44 cơ sở, hộ nuôi thủy sản
áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 8,5 ha (trong đó: 42 cơ sở, hộ
nuôi ao đất, năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/ha/năm; 02 cơ sở, hộ nuôi lồng
trên sông, năng suất bình quân đạt 4,5-5 tấn/lồng); 01 cơ sở nuôi cá lồng được
cấp Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
1.4. Lĩnh vực lâm nghiệp
Tiếp tục triển khai tốt các dự án về quy hoạch bảo
vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, chương trình đầu tư nâng cấp rừng
phòng hộ tỉnh Bắc Ninh theo mô hình phát triển rừng bền vững giai đoạn
2015-2020. Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2022, diện
tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 597,14 ha, trong đó diện tích thành rừng
là 544,13 ha và diện tích chưa thành rừng là 53,01 ha với 12,07 ha diện tích đã
trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng và 40,94 ha diện tích khác) được quy hoạch
toàn bộ cho trồng rừng phòng hộ, các hoạt động lâm nghiệp của tỉnh chủ yếu tập
trung nâng cao chất lượng và giá trị của rừng.
Năm 2023, triển khai trồng được 321.407 cây phân
tán các loại (bằng 107,1% kế hoạch năm) thuộc Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai
đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc
Ninh; khoán bảo vệ rừng được 460 ha, đạt 100% kế hoạch giao; Thực hiện tốt công
tác dõi diễn biến rừng cấp tỉnh năm 2022 và phòng trừ sinh vật hại rừng.
1.5. Chương trình MTQG xây dựng
nông thôn mới
Với mục tiêu trở
thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bắc Ninh tiếp tục chủ trương huy động tối đa nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ cho các
địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình. Đến hết năm 2020, 100%
số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành
xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu đến năm 2020 đạt
80% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).
Tỷ lệ dân cư nông
thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,52% số
dân nông thôn, trong đó 67,49% được sử dụng nước sạch đạt
tiêu chuẩn của Bộ Y tế; tỷ lệ người nghèo nông thôn được sử dụng nước hợp vệ
sinh đạt 86,7%; số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 86,2%; tỷ lệ trường học và trạm
y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%. Đến nay, Bắc
Ninh là một trong 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được
công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
II. KẾT QUẢ
ỨNG DỤNG KH&CN VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO Ở TỈNH BẮC
NINH
1. Lợi thế
và khó khăn
1.1. Lợi thế
cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Về vị trí địa lý: Tỉnh Bắc Ninh
nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, phía Bắc giáp tỉnh Bắc
Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên,
phía Đông giáp tỉnh Hải Dương.
Thành phố Bắc Ninh cách trung tâm
Thủ đô Hà Nội 30km, cách sân bay quốc tế Nội bài 30km, cách Hải Phòng 110km. Bắc
Ninh là địa bàn gắn với phát triển của thủ đô Hà Nội, theo định hướng xây dựng
các thành phố vệ tinh của thủ đô trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với vị trí như trên tỉnh Bắc Ninh
có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và thuận lợi
cho việc liên kết, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KHKT để phục vụ cho sản xuất.
- Về khoa học - đào tạo: Trên địa
bàn tỉnh có nhiều trường Đại học, cao đẳng, trường nghề,... với nhiều lĩnh vực
đào tạo khác nhau. Tỉnh có rất nhiều chủ trương phát triển khoa học công nghệ,
nhiều ưu tiên, ưu đãi với người có trình độ, có sáng kiến khoa học công nghệ.
Các chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp, công trình ứng
dụng khoa học công nghệ,... luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các sở ban
ngành và lãnh đạo tỉnh.
- Về môi trường kinh doanh: Đối mặt
với dịch bệnh và sự suy giảm kinh tế chung của cả thế giới, Bắc Ninh từ vị trí
PCI thứ 4 cả nước, đã giảm đáng kể chỉ số này đứng thứ 10 năm 2020, nhưng 2021
đã khôi phục nhanh chiếm lĩnh vị trí thứ 7. Với chủ trương đón sóng kinh tế và
phát triển bền vững, năm 2022 tỉnh Bắc Ninh có những thay đổi đáng kể trong cơ
cấu kinh tế tỉnh, tuy vậy, môi trường kinh doanh vẫn luôn được đánh giá cao, chỉ
số PCI vẫn được giữ ổn định ở vị trí đầu toàn quốc.
- Về văn hóa: Tỉnh Bắc Ninh là
trung tâm văn hóa lớn, nhiều di tích, di sản được công nhận ở cấp quốc gia và cấp
thế giới.
- Về du lịch: Có nhiều di tích,
thắng cảnh. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh còn có rất nhiều làng nghề có thể là các điểm
tham quan và mua sắm của du khách trong nước và quốc tế.
- Về ẩm thực: Tỉnh Bắc Ninh nổi
tiếng với nhiều sản phẩm ẩm thực phong phú, có danh tiếng. Các đặc sản Bắc Ninh
thường là những món ăn gia truyền đã truyền lại từ đời nay sang đời khác. Mỗi
món đặc sản tuy mang hương vị khác nhau, song vẫn sở hữu một đặc điểm chung đó
là sắc thái đặc trưng của ẩm thực đất Bắc Ninh.
1.2. Khó
khăn trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Về khí hậu, thời tiết: Tỉnh Bắc
Ninh có điều kiện khí hậu ôn hòa, ít bị thiên tai, bão, lũ lụt và khô hạn gần
như không bị ảnh hưởng cực đoan. Tuy nhiên, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới
gió mùa, Bắc Ninh cũng chịu những ảnh hưởng xấu chung của đặc trưng vùng. Kết hợp
với hiện tượng thời tiết thế giới ngày càng xấu đi, vài năm gần đây, ảnh hưởng
từ khí hậu đến năng suất và chất lượng nông thủy sản càng nhiều. Đòi hỏi các cấp
lãnh đạo cùng người nông dân phải có những thay đổi trong cơ cấu sản xuất để tồn
tại và phát triển.
- Về đất đai: Tỉnh Bắc Ninh có tổng
diện tích tự nhiên không lớn;
+ Tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm
nghiệp, thủy sản bình năm 2023 (giá so sánh năm 2010) khu vực nông, lâm nghiệp
và thủy sản đạt khoảng 3.910 tỷ đồng, giảm 2,31% so với năm 2022; chiếm 2,88%
trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó: Giá trị sản phẩm thu được trên một ha
đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng, năm 2023 ước đạt 153,1 triệu
đồng, tăng 4,8 triệu đồng/ha so với năm 2022.
+ Cơ cấu nội ngành kinh tế nông nghiệp:
Năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng ước đạt 70.567,9 ha lúa, rau màu và cây công
nghiệp các loại, bằng 97,31%, giảm 2,69% tức giảm 1.947,2 ha so với năm 2022.
Cây lâu năm đạt 2.589,1 ha tăng 2,33%, tương ứng tăng 58,97 ha so với năm trước,
trong đó cây ăn quả là 2.402,5 ha, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2022;
+ Chăn nuôi trong 06 tháng đầu năm
2023, tốc độ tăng trưởng đàn vật nuôi chậm hơn so với cùng kỳ năm 2022: Tổng sản
lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 81.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
+ Diện tích thuỷ sản nuôi trong ao đạt
4.787,8 ha, đạt 99,7% so với kế hoạch 2023, tương đương so với cùng kỳ năm
2022. Số lượng lồng nuôi trên sông 2.629 lồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm
2022 (tăng 144 lồng). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 40.500 tấn, đạt 100% so với
kế hoạch năm và tăng 0,87% so cùng kỳ năm 2022. Sản xuất giống ước đạt 230,9
triệu con giống các loại, đạt 100,4% kế hoạch năm, bằng 100,2% so với cùng kỳ
năm 2022.
+ Diện tích rừng hiện có trên diện
tích đất tự nhiên toàn tỉnh duy trì 556,2 ha tỷ lệ che phủ đạt 0,67% tương
đương so với cùng kỳ năm 2022.
- Về quy hoạch sản xuất nông nghiệp:
Trong những năm qua, công tác quy hoạch vùng sản xuất
nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần
hoàn chưa thật sự bài bản và chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp
đầu tư để hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
làm cơ sở, tiền đề để mở rộng, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công
nghệ cao trên toàn tỉnh.
2. Tình
hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở trên
địa bàn tỉnh Bắc Ninh
2.1. Kết quả nghiên cứu, chuyển
giao, ứng dụng công nghệ cao
Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Tỉnh Bắc Ninh chưa có các vùng nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ
cao vào sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương của tỉnh đang từng bước hình
thành.
a) Kết quả hỗ trợ các tổ chức,
cá nhân, nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Thực hiện Đề án Phát triển sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, trong những năm
qua ngành khoa học và công nghệ đã phối hợp với ngành nông nghiệp và các đơn vị
liên quan triển khai xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản
xuất các loại hoa cao cấp, rau an toàn. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã
có trên 20 mô hình ứng dụng công nghệ cao triển khai tại 8/8 huyện, thị xã,
thành phố với hơn 7.000 m2 nhà lưới hiện đại trồng hoa lan Hồ Điệp, 70.000m2
nhà lưới cấp II và hơn 71.000m2 ngoài tự nhiên để sản xuất các loại hoa cao cấp
(lan Hồ điệp, Lily, hồng, loa kèn, cúc các loại, lay ơn,…). Một số mô
hình, dự án đạt hiệu quả cao như mô hình sản xuất hoa chất lượng cao tại Đình Bảng,
Từ Sơn, mô hình sản xuất hoa lan Hồ điệp theo quy mô công nghiệp tại Từ
Sơn và Tiên Du, cụ thể: đã xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao, ứng dụng
công nghệ tiên tiến trong việc trồng, xử lý củ giống, bảo quản và tiêu thụ
hoa,… theo quy mô công nghiệp trong nhà lưới và ngoài tự nhiên với tổng diện
tích trên 20.000 m2 mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt 600-700 triệu đồng/ha/năm
đối với mô hình sản xuất trong nhà lưới và 300-500 triệu đồng/ha/năm đối với mô
hình sản xuất ngoài tự nhiên. Thông qua mô hình, người dân đã nắm vững các quy
trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản các loại hoa, chủ động trong sản xuất,
nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trên cơ sở thành công của các mô
hình, các ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh tập trung đầu tư cho một số mô
hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn như:
- Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lạc Vệ,
huyện Tiên Du, quy mô diện tích 25ha, do Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ
cao, thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam làm chủ đầu tư với mục
tiêu xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến
sản xuất, sơ chế và bảo quản rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và
cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời xây dựng mô hình quản lý sản
xuất mới có ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí nhân công và
giá thành sản phẩm, từ đó hình thành kênh tiêu thụ rau an toàn ổn
định trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã được Bộ Khoa
học và công nghệ hỗ trợ 03 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng,
chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025, cụ thể: “Ứng
dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất với
tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGAP tại tỉnh Bắc Ninh” triển khai tại
huyện Tiên Du và TX. Thuận Thành quy mô 25ha do Hội Nông dân tỉnh chủ trì với
mục tiêu áp dụng thành công các quy trình công nghệ tiên tiến trong
sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, bảo đảm cho năng suất cao, chất
lượng tốt, hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với trồng đại trà và
phát triển bền vững cho chuỗi sản xuất rau an toàn tại tỉnh; “Xây dựng
mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lily
quanh năm tại Bắc Ninh”, mô hình được triển khai với quy mô 2.000m2 nhà lưới hiện
đại trồng hoa lan hồ điệp và 10.000m2 nhà lưới cấp I trồng hoa lily đáp ứng kỹ
thuật điều khiển nở hoa theo mong muốn, chất lượng hoa cao, đồng đều (lãi thuần
300-500 triệu đồng/1.000m2 đối với hoa lan hồ điệp và 150 - 200 triệu đồng/10.000m2
đối với hoa lily); “Xây dựng mô hình công nghệ khí canh sản xuất củ giống khoai
tây sạch bệnh tại thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh”, đến nay đã triển khai thực hiện
04 mô hình sản xuất, cụ thể: 800 m2 nhân giống; 4.000m2 nhà màng sản xuất
giống siêu nguyên chủng;10 ha sản xuất giống nguyên chủng; 30 ha sản xuất
giống xác nhận,…
Đồng thời, trong những năm qua, Ngành khoa học đã
tích cực chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố/
các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhiều tiến bộ
KHKT trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản đóng góp không nhỏ vào thành
tích chung cả về kinh tế, xã hội và môi trường trong những lĩnh vực này, cụ thể:
Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới chủ yếu đã và đang được ứng dụng nhiều
trong sản xuất như: Công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt
độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; các tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo
giống vật nuôi như: giống lợn siêu nạc cao sản 3-4 máu ngoại, giống gà, vịt
siêu trứng,...; xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể bioga, chế phẩm vi
sinh; công nghệ tự động hóa trong nuôi gà đẻ trứng,…; lĩnh vực thủy sản được
quan tâm và mở rộng diện tích hàng năm thông qua cải tạo ruộng trũng, nâng cao
hiệu quả nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh tăng năng suất, ứng dụng kỹ
thuật mới trong nuôi lồng, bè; tính đến hết tháng 12 năm 2023 diện tích thuỷ sản
nuôi trong ao đạt 4.787,8 ha, đạt 99,7% so với kế hoạch 2023, tương đương so với
cùng kỳ năm 2022. Số lượng lồng nuôi trên sông 2.629 lồng, tăng 5,8% so với
cùng kỳ năm 2022 (tăng 144 lồng). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 40.500 tấn, đạt
100% so với kế hoạch năm và tăng 0,87% so cùng kỳ năm 2022. Sản xuất giống ước
đạt 230,9 triệu con giống các loại, đạt 100,4% kế hoạch năm, bằng 100,2% so với
cùng kỳ năm 2022, việc đưa máy móc cơ giới hóa vào các khâu phối, trộn thức ăn,
bơm nước, tạo ô xy trong các ao nuôi cá thâm canh, ấp trứng cá nhân tạo,… từng
bước được áp dụng và cho hiệu quả cao.
b) Kết quả hoạt động “Khu thực nghiệm sản xuất
nông nghiệp công nghệ cao”
- Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ
cao tại xã Việt Đoàn - huyện Tiên Du, với diện tích 17ha (được chia thành 2
khu: Khu vực điều hành, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao
với diện tích 37.500m2 và Khu vực sản xuất rau an toàn, hoa cao
cấp với diện tích 131.724m2) do Trung tâm Thông tin và ứng dụng
tiến bộ khoa học công nghệ (Nay là Trung tâm Ứng dụng và Dịch
vụ KHCN) làm chủ đầu tư với mục đích khảo nghiệm, chọn tạo, sản xuất
các giống cây, con bằng áp dụng công nghệ sinh học; thử nghiệm, trình diễn những
thành tựu mới về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, là cơ sở để áp dụng rộng
rãi vào thực tiễn sản xuất, thu hút đầu tư, hợp tác, liên kết phát triển nông
nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Trong nhưng năm qua, một số mô hình ứng dụng
công nghệ cao được triển khai bước đầu đã cho kết quả tốt, cụ thể:
mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống nấm mới và chế biến một số
loại nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng quy mô công nghiệp. Hỗ trợ chuyển giao
quy trình sản xuất các loại nấm thương phẩm cho trên 200 hộ nông dân tại các
huyện Yên Phong, TX. Quế Võ, Tiên Du và Thành phố Bắc Ninh; xây dựng được chuỗi
liên kết sản xuất gồm 1 mô hình trung tâm tại Khu thực nghiệm sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao, 3 mô hình vệ tinh và 45 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân
giống và sản xuất hoa lan Hồ điệp đã chủ động xử lý phân hóa mầm
hoa cho 20.000 cây/năm góp phần giảm 30-40 triệu đồng chi phí xử lý phân hóa mầm
hoa; hoàn thiện được quy trình sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế
bào thực vật, quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa tại chỗ. Phối hợp
với các doanh nghiệp xây dựng một số mô hình sản xuất thử nghiệm hoa
lily quanh năm (quy mô trên 5 ha, sản xuất thử nghiệm trên 50 giống hoa
lily, cung ứng trên 1 triệu cành/năm); thử nghiệm, hoàn thiện quy trình sản
xuất các giống lan Hồ Điệp, Hoàng Thảo mới, lan vũ nữ để chuyển giao, ứng dụng
vào sản xuất.
- Hoạt động liên kết sản xuất: Trong những năm qua,
Trung tâm đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu
trong và ngoài tỉnh xây dựng các chương trình liên kết nhằm ứng dụng, chuyển
giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tại khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp
công nghệ cao, cụ thể: liên kết với doanh nghiệp sản xuất rau
an toàn theo hướng VietGAP (quy mô 7,5ha: 5ha trong nhà lưới và 2,5ha
ngoài trời; cung cấp 1-1,5 tấn/ngày rau các loại cho các bếp ăn tại
một số trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh và Hà Nội); ứng dụng
tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa lan Hồ điệp và hoa Lily với quy mô 1.400 m2
nhà lưới hiện đại trồng hoa lan Hồ điệp, 3.000 m2 nhà kính và 03ha
trồng hoa Lily; tổ chức sản xuất thử nghiệm tảo xoắn Spirulina (thử nghiệm
khép kín quy mô 1.000m2). Thông qua việc triển khai xây dựng các
mô hình liên kết sản xuất tại Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ
cao đã chuyển giao được nhiều quy trình ứng dụng TBKHCN vào phục vụ sản xuất và
đời sống tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đã giải
quyết được hàng trăm việc làm cho lao động nông thôn tại huyện Tiên Du nói
riêng và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
III. NHẬN
XÉT ĐÁNH GIÁ
1. Kết quả
đạt được
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao đã thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ
quan, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân qua đó đã thúc đẩy, mở ra một
hướng đi phù hợp cho sản xuất nông nghiệp bền vững của địa phương.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 25
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 10 doanh nghiệp hoạt
động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 40%; 10 doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 40%, 05 doanh nghiệp hoạt động trong
lĩnh vực thủy sản, chiếm tỷ lệ 20%.
Nổi bật nhất ngành nông nghiệp
trong thời gian qua là sản xuất lúa, tổng sản lượng lúa bình quân mỗi năm đạt
trên 30,7 vạn tấn (năm 2017 đạt 32,74 vạn tấn), đã hình thành sự liên kết, hợp
đồng của các doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản với diện
tích lúa là 1.077 ha. Bước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp
ứng dụng khoa học kỹ thuật như: xây dựng hệ thống tưới tự động ở vùng rau an
toàn, tiếp tục triển khai nhân rộng các giống lúa chất
lượng cao, mở rộng diện tích trồng rau trái vụ, hoa, cây cảnh ở một số vùng có
lợi thế nhằm mang lại giá trị kinh tế cao.
Các mô hình ứng dụng theo tiêu
chuẩn VietGAP vẫn được tiếp tục phát triển mở rộng ở các địa phương: lúa 1.204
ha, rau các loại 88 ha; sản xuất lúa hữu cơ 301 ha. Diện tích cây công nghiệp,
cây thực phẩm phát triển tốt. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng
kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Tồn tại
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ
có Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thuộc Trung tâm ứng dụng
và DVKHCN - Sở KH&CN được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công
nghệ quan tâm đầu tư bài bản với quy mô 17ha tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao với cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo (giao thông, thủy lợi, điện, …) để
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ cùng tham
gia đầu tư để từ đó hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã được các
ngành, các cấp chỉ đạo triển khai đồng bộ. Song, các chương trình khuyến nông,
hỗ trợ ứng dụng KH&CN từ trước đến nay do nguồn lực còn hạn chế, bố trí
manh mún, thiếu tập trung, thiếu sự liên kết, chưa tập trung vào các sản phẩm
chủ lực của địa phương.
Việc triển khai các mô hình ứng dụng
KH&CN chưa hướng trọng tâm vào doanh nghiệp có năng lực, có quy mô; chưa tạo
được điểm nhấn bằng các mô hình hiệu quả nên chưa có sản phẩm nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao.
Trong tổ chức sản xuất, chưa có sự
tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã vào mối liên kết giữa
nghiên cứu KH&CN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa nhà khoa học -
doanh nghiệp - nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong
nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và
các nhà đầu tư còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp thường có độ rủi ro cao về thời
tiết, về thị trường và giá cả nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Việc hỗ trợ của nhà nước cho nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa có chính sách, Chương trình cụ thể.
Công tác nghiên cứu, chuyển giao
và ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển sản xuất chưa có nhiều đổi mới,
Chưa xây dựng được mô hình sản xuất chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả
về: nông – lâm – thủy sản, các mô hình sản xuất tiên tiến, tuần hoàn khép kín
chưa có hiệu quả để nhân rộng, việc ứng dụng công nghệ cao vào các khâu thu hoạch,
bảo quản và chế biến, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu và thương mại hóa
sản phẩm,... còn hạn chế dẫn đến quá trình chăn nuôi, sản xuất gặp khó khăn,
chưa tìm được phương hướng bứt phá để phát triển.
3. Nguyên
nhân
Xuất phát điểm nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bắc Ninh thấp, trong khi nguồn lực đầu tư của nhà nước và
nhân dân còn nhiều hạn chế. Đồng thời, Cơ chế chính sách tuy nhiều ưu đãi nhưng rời rạc. Sự kết hợp giữa
các sở, ban, ngành/ các huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế.
Mặt khác, đất đai manh mún, quỹ đất
cho trồng trọt của nông hộ rất ít, chưa hình thành được các vùng chuyên canh lớn
cũng là một trong những hạn chế lớn cho việc phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao.
Nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua đã có
nhiều tiến bộ, nhưng nhìn chung vẫn còn mang nặng tính chất của một nền sản xuất
tiểu nông, nhỏ lẻ, phân tán; công nghệ, kết cấu hạ tầng lạc hậu; nhân lực được
đào tạo, có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp.
Quy hoạch tỉnh còn hạn chế trong
quy hoạch nông nghiệp. Mỗi xã, huyện, thị xã, thành phố cần có những quy hoạch
tập trung về vùng trồng trọt, chăn nuôi. Trồng cây nào, chăn nuôi con gì cần phải
được các sở ban ngành có chuyên môn tham gia tư vấn, phối hợp giúp đỡ kỹ thuật,
xây dựng vùng để có sự chung tay giúp đỡ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng
thương hiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Vùng chăn nuôi, trồng trọt đồng thời
giúp giải quyết bài toán rác thải nông nghiệp.
Người nông dân chưa đổi mới tư duy, còn mang tính sản
xuất nhỏ, phong tục tập quán lạc hậu.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, so với
vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển, hiệu quả đầu tư chưa cao.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng và
chuyển giao KH&CN còn chậm, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất,
chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao còn hạn chế.
Chưa có chính sách hỗ trợ và chế
tài đủ mạnh để ràng buộc đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong
liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU,
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân
rộng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục
vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
b). Nâng cao năng lực của các tổ
chức, cá nhân trong việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, tạo sự chuyển
biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh
thông qua việc ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng các kết quả về KH&CN; từng
bước tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp
đổi mới sáng tạo (trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), góp phần
xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất
hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, nâng cao giá
trị gia tăng và phát triển bền vững.
c). Chuyển giao các tiến bộ về ứng
dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đi đôi với
việc đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực ứng dụng KH&CN của người
dân, doanh nghiệp
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn đến năm 2025
- Xây dựng được ít nhất 03-05 mô
hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao có hiệu quả, quy mô phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau
trên địa bàn tỉnh; ít nhất có 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN vào sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế
cho người dân;
- Hỗ trợ ít nhất 03-05 doanh nghiệp/tổ
chức KH&CN triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình, dự án nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ các cấp
đã được đánh giá, ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất;
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
năng lực quản lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng KH&CN vào sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho ít nhất từ 60-70 lượt cán bộ quản
lý, từ 65-75 lượt kỹ thuật viên cơ sở, 450 lượt nông dân tham gia;
- Phấn đấu 20 - 30% hộ nông dân,
30 - 40% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ
thuật mang tính ứng dụng công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ
sau thu hoạch; cơ giới hoá, tự động hoá trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất
thải; các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất nuôi trồng
các đối tượng thuỷ sản chủ yếu.
2.2. Giai đoạn 2026-2030
- Xây dựng được ít nhất 20-25 mô
hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao có hiệu quả, quy mô phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau
trên địa bàn tỉnh; phấn đấu có 30% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN vào sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo thành
chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm ổn định. Phát triển ứng dụng các phương pháp bảo
quản chế biến sản phẩm, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao hoặc đạt các tiêu
chuẩn xuất khẩu, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, kích cầu sản xuất. Xây dựng
thành các chuỗi liên kết sản xuất tuần hoàn. Tạo tiền đề xây dựng vùng nông
nghiệp tập trung có quy mô sản xuất phù hợp, gắn sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao với công nghiệp chế biến;
- Hỗ trợ 10-15 doanh nghiệp/tổ chức,
tổ chức KH&CN triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình, dự án nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ các cấp
đã được đánh giá, ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất;
- Phấn đấu 30 - 40% hộ nông dân,
50 - 60% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ
thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu
hoạch; cơ giới hoá, tự động hoá trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải; các
kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất nuôi trồng các đối
tượng thuỷ sản chủ yếu;
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
năng lực quản lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng KH&CN vào sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho ít nhất 100 lượt cán bộ quản lý,
100 lượt kỹ thuật viên cơ sở, 750 lượt nông dân tham gia, giúp người nông dân nắm
vững lý thuyết và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với từng mô hình sản xuất.
Tạo đà thay đổi phương thức sản xuất, đưa tiến bộ mới phù hợp nhu cầu sản xuất
vào từng hộ dân, từng mạng lưới sản xuất. Lấy nhà khoa học và công nghệ làm nền
tảng phát triển;
- Hỗ trợ cho việc hình thành và
hoạt động có hiệu quả 06-08 doanh nghiệp trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao (doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong lĩnh vực cây trồng, chăn
nuôi và thủy sản);
- Hình thành quy hoạch khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh;
- Hoàn thiện số hóa ngành nông
nghiệp trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý, ứng dụng, chuyển giao
khoa học kỹ thuật, cơ sở dữ liệu vào lĩnh vực nông nghiệp; chuyển từ nền nông
nghiệp năng suất, sản lượng sang nền kinh tế nông nghiệp.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường
công tác quản lý nhà nước và một số chính sách nhằm thúc đẩy chuyển giao khoa học
và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1.1. Công tác truyền thông
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
kiến thức về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thúc đẩy phát
triển kinh tế tuần hoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông
tin điện tử của các đơn vị liên quan qua các chuyên đề, chuyên mục: thực hiện
03-04 chuyên đề/năm để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phát triển nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch
truyền thông (Hội thảo, hội nghị,...), nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người
dân, doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy
phát triển kinh tế tuần hoàn (dự kiến 02-03 cuộc/năm);
- Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức
các lớp tập huấn, đào tạo cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức
khác trên địa bàn tỉnh về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
thông qua 2 hình thức: (1) Tập huấn tại chỗ; (2) Cử cán bộ quản lý KH&CN của
các sở, ngành và các địa phương và doanh nghiệp đi đào tạo về sản xuất nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Tổ chức các hoạt động trao đổi
kinh nghiệm quản lý, hình thành và phát triển các mô hình ứng dụng KH&CN
vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa các địa phương trong và
ngoài tỉnh;
1.2. Công tác quy hoạch khu,
vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Đánh giá thực trạng và khả năng
ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của
tỉnh;
- Ứng dụng khoa học công nghệ
phân tích đánh giá các chỉ tiêu thổ nhưỡng từng huyện, thị xã, thành phố. Kết hợp
các sở, ban, ngành/ huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ rà soát điều chỉnh quy hoạch
theo hướng sử dụng lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo các vùng sản xuất
hàng hóa quy mô lớn, xây dựng các mô hình trung tâm, theo hướng nông lâm ngư
nghiệp tuần hoàn, đảm bảo môi trường;
- Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao trong tỉnh phù hợp với điều kiện sẵn có và các đối tượng sản
xuất phù hợp;
- Hình thành quy hoạch khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của tỉnh, với thiết kế và chức năng phù hợp nhu
cầu sử dụng thực tế. Kết hợp hình thành quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao. Phát triển song song nông nghiệp – công nghiệp ứng dụng công nghệ
cao theo hướng bền vững.
1.3. Xây dựng, lồng ghép áp dụng
một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng khoa học và
công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần
hoàn của tỉnh
- Chính sách hỗ trợ phát triển thị
trường, xây dựng thương hiệu, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chính sách
về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển ứng dụng KH&CN vào sản
xuất nông nghiệp tuần hoàn;
- Chính sách hỗ trợ phát triển và
nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị
cho các sản phẩm nông sản chủ lực, trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham
gia, nhất là doanh nghiệp với nông dân; vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc
tiếp cận vừa ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật;
- Thu hút đầu tư, hình thành phát
triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuần hoàn, trong đó, tập
trung thu hút, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh
nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn, tạo
tiền đề, cơ sở để phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao cho toàn xã hội;
- Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ
KH&CN ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất,
chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh thúc đẩy kinh tế tuần
hoàn trên địa bàn tỉnh; xây dựng, phát triển thương hiệu và tham gia hiệu quả
vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước;
- Tạo cơ chế khuyến khích doanh
nghiệp và người dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Lấy
doanh nghiệp làm trung tâm để hình thành nên sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà
khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao với các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp
vừa là đơn vị ứng dụng KH&CN, vừa là đơn vị tiếp nhận những sản phẩm đầu ra
của sản xuất tuần hoàn;
1.4. Tăng cường công tác quản
lý nhà nước
- Gắn Đề án “Phát triển vùng
nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở
tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030” với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của tỉnh;
- Kết nối và tranh thủ các dự án
cấp quốc gia thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số
giai đoạn 2016-2025”;
- Tiếp tục hoàn thiện về tổ chức,
chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi theo hướng tuần
hoàn; đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu theo mô hình liên kết chuỗi giá
trị hàng hóa để phát huy lợi thế về sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao;
- Tiến hành xây dựng các mô hình ứng
dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN để có thể đưa vào phục vụ sản xuất nông
nghiệp tuần hoàn. Phối hợp với các sở, ban, ngành, viện, trường, các tổ chức
KH&CN, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tập hợp các dữ liệu, tài liệu,
mô hình đã có;
- Tổ chức và hoàn thiện các mô
hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có và hiện đang triển khai trên thực
tế thông qua việc gắn kết với các viện, trường, các tổ chức KH&CN, từ đó lựa
chọn mô hình phù hợp với từng huyện, thị xã, thành phố để chuyển giao thông qua
mạng lưới liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông);
- Hỗ trợ kinh phí hàng năm thực
hiện các đề tài/dự án, nhiệm vụ KH&CN phát triển kinh tế tuần hoàn trong
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN;
- Hỗ trợ các mô hình sản xuất thử
nghiệm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân hàng năm theo
hình thức hợp tác công tư (nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, xây dựng quy
trình, kỹ thuật, đào tạo, quảng bá,... doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác,
nông dân chủ động thực hiện);
- Xây dựng số hóa ngành nông nghiệp
trên địa bàn tỉnh để mọi đối tượng dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng phục vụ
cho công tác quản lý, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai thực hiện hiệu quả phát
triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Các hoạt
động phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông
nghiệp CNC thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh
2.1. Nghiên cứu ứng dụng, chuyển
giao TBKT trong sản xuất thử nghiệm và chọn tạo, nhân giống
a) Đối với giống cây trồng
Tập trung nghiên cứu ứng dụng về
ưu thế lai và công nghệ gen, công nghệ nhân giống, vi nhân giống để chọn tạo
các giống cây trồng có các đặc tính nông học ưu việt, phù hợp với điều kiện sản
xuất của tỉnh Bắc Ninh và yêu cầu của thị trường. Tập trung nghiên cứu ứng dụng,
chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm đối với các đối tượng giống cây trồng
như: giống lúa, hoa màu (rau an toàn, hoa, dưa, khoai…), nấm ăn, nấm dược liệu,
cây ăn quả (bưởi, thanh trà, cam, chuối, …), cây dược liệu. Trong đó, đặc biệt
chú trọng phát triển giống hoa, lúa, rau, nấm ăn, nấm dược liệu và các giống
cây dược liệu quý.
b) Đối với giống vật nuôi
Nghiên cứu ứng dụng, cải tiến
công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh,
phôi và cấy chuyển hợp tử; áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử, ứng dụng công
nghệ gây động dục chủ động để thụ tinh nhân tạo ... Tập trung vào các đối tượng
nuôi có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hướng
an toàn sinh học.
c) Đối với giống thủy sản
Kết hợp phương pháp truyền thống
với công nghệ gen để nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử
nghiệm một số loài đặc sản của địa phương. Tập trung vào các đối tượng thủy sản
có giá trị kinh tế cao, triển vọng và khai thác hiệu quả các khu vực sông.
Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giống và thương mại hóa cho một
số đối tượng đặc sản của địa phương.
2.2. Nghiên cứu phòng, trừ
dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản
Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao
và phát triển công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein để sản xuất quy mô
công nghiệp các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng; Nghiên cứu ứng dụng,
chuyển giao công nghệ và phát triển các kit để chẩn đoán, giám định bệnh cây trồng;
Một số loại kit chẩn đoán nhanh bệnh ở thủy sản; Nghiên cứu ứng dụng sinh học
phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh
nguy hiểm đối với thủy sản; Ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán bệnh vật
nuôi ở mức độ phân tử; Nghiên cứu tạo ra các giống có khả năng kháng bệnh cao,…
2.3. Nghiên cứu ứng dụng,
chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các quy trình công nghệ mới có hiệu
quả và phù hợp trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với sản xuất nông
nghiệp
a) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển
giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm quy trình công nghệ tổng hợp, công nghệ tự
động hóa, công nghệ số của quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại cây trồng
trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính, như: giá thể, công nghệ thủy canh, tưới nước
tiết kiệm, công nghệ trữ nước, tuần hoàn nước, điều tiết tự động dinh dưỡng,
ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch, tái chế, xử lý phụ phẩm. Nghiên cứu ứng dụng,
phát triển quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp, tuần
hoàn; quản lý nước (canh tác tiết kiệm); ứng dụng công nghệ mới trong quản lý
dinh dưỡng, dịch bệnh; quy trình công nghệ sản xuất, tạo sản phẩm an toàn đáp ứng
các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu.
b) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển
giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các quy trình công nghệ tổng hợp và tự động
hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp; Các quy trình công nghệ nuôi thâm
canh, nuôi siêu thâm canh, tự động hóa, kiểm soát môi trường trong nuôi trồng
thủy sản…
2.4. Nghiên cứu ứng dụng,
chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo các loại vật tư, máy
móc, thiết bị sử dụng phù hợp trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với
sản xuất nông nghiệp
a) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển
giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo các loại vật tư, máy móc, thiết
bị, vật liệu mới phục vụ trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là cây trồng trong
nhà kính, nhà màng, nhà lưới, như: phân bón chuyên dụng, giá thể, chế phẩm sinh
học, khung nhà,vật liệu che phủ, hệ thống tưới, thiết bị chăm sóc, thu hoạch, hệ
thống thông thoáng khí…
b) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển
giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo các loại vật tư, máy móc, thiết
bị phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, như: thức ăn chăn nuôi, chế phẩm
sinh học; khung nhà, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phân phối thức ăn, thu hoạch
trong chăn nuôi; hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, hệ thống điều tiết
nước tuần hoàn, hệ thống ao nhân tạo trong nuôi trồng thủy sản…
2.5. Nghiên cứu ứng dụng,
chuyển giao công nghệ trong bảo quản, chế biến thực phẩm nông nghiệp, sản xuất
dược liệu và năng lượng sinh học
a) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển
giao công nghệ đối với công nghệ chiếu xạ; công nghệ sấy nhanh, công nghệ xung
điện trường, công nghệ chế biến áp suất cao, công nghệ xác định độ chín trái
cây bằng quang phổ gần hồng ngoại, công nghệ cô đặc bằng phương pháp kết tinh
dung môi, công nghệ sử dụng các chất kháng ethylene trong thu hoạch, bảo quản,
chế biến nông sản; công nghệ sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ bao
gói khí quyển kiểm soát; bảo quản lạnh nhanh; tạo màng trong bảo quản sản phẩm;
công nghệ lên men; chế biến sâu; công nghệ chiết suất dược liệu, sản xuất sản
phẩm chức năng; sản xuất chế phẩm sinh học; công nghệ sản xuất các chất màu, chất
phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông thủy sản; công nghệ sản xuất
nhiên liệu, vật liệu mới từ các phụ phẩm của quá trình sản xuất nông thủy sản
và từ sinh khối.
b) Nghiên cứu ứng dụng internet vạn
vật và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quản lý quy trình sản xuất, tự động hóa trong
canh tác; công nghệ nano trong quy trình sản xuất; công nghệ quản lý chất lượng
cho tất cả các sản phẩm nông sản hàng hóa chính theo tiêu chuẩn mà thị trường cần
gắn với việc truy xuất nguồn gốc…
2.6. Nghiên cứu lựa chọn và
nhập CNC trong phát triển kinh tế tuần hoàn đối với sản xuất nông nghiệp
Hỗ trợ nghiên cứu lựa chọn và nhập
một số công nghệ cao trong nông nghiệp từ nước ngoài mà trong nước chưa có; tiến
hành thử nghiệm, làm chủ và thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài vào điều
kiện sinh thái và thực tế sản xuất của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần
hoàn trong sản xuất nông nghiệp.
3. Hình
thành và phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất
nông nghiệp CNC thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh
3.1. Hỗ trợ hình thành và
phát triển các mô hình doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy
kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh
a) Giai đoạn đến năm 2025
Bước đầu hình thành và công nhận
ít nhất từ 01-02 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh
trong lĩnh vực sản xuất cây giống (trước nhất là giống lúa, cây rau màu, giống
hoa, giống dược liệu) theo hướng tuần hoàn; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu hoặc
sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp; sản xuất giống và các
sản phẩm dược liệu, trong đó ưu tiên lĩnh vực sản xuất cây giống quy mô công
nghiệp.
b) Giai đoạn 2026 - 2030
Đẩy mạnh phát triển các mô hình
doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh. Đến năm
2030, hình thành và công nhận ít nhất từ 06-08 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao thuộc các lĩnh vực như: trồng hoa, trồng rau màu an toàn trong
nhà lưới, nhà màng theo hướng tuần hoàn; Sản xuất cây giống, con giống quy mô
công nghiệp; Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp; Nuôi thâm và siêu
thâm canh thủy sản; Sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp; Sản
xuất giống và sản phẩm từ cây dược liệu; Sản xuất giống và sản phẩm từ nấm ăn,
nấm dược liệu; Sản xuất nhiên liệu, vật liệu mới từ phụ phẩm của quá trình sản
xuất nông nghiệp, thủy sản và từ sinh khối…
3.2. Hình thành và phát triển
khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng tuần hoàn
a) Hỗ trợ hình thành các mô hình
mẫu do các tổ chức KH&CN thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Đây
là cầu nối, nơi thực nghiệm - trình diễn - chuyển giao và ươm tạo, ứng dụng các
thành tựu KH&CN vào phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, tạo ra nông thủy sản
có hàm lượng tri thức cao góp phần chuyển nhanh nông nghiệp truyền thống sang
nông nghiệp tuần hoàn hiện đại. Trong đó, chú trọng các hoạt động chuyển giao
công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất thử nghiệm
các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
b) Tập trung thu hút đầu tư để
xây dựng và phát huy hiệu quả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy
kinh tế tuần hoàn tại địa bàn xã Việt Đoàn huyện Tiên Du với trọng tâm là các tổ
chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu nhằm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao
các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong
đó, bước đầu tập trung các hoạt động trình diễn, sản xuất thử nghiệm một số sản
phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuần hoàn nhằm tạo ra các sản phẩm nông
nghiệp có hàm lượng KHCN và giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất
khẩu.
3.3. Xây dựng các mô hình
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh
- Mô hình ứng dụng tiến bộ
KH&CN trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản,
giống nấm; áp dụng các công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch,
bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản
xuất các chế phẩm sinh học để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân vi
sinh, phân sinh học đa chức năng, xử lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh; Mô
hình sản xuất lúa, sản xuất rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu theo tiêu chuẩn
VietGAP, GlobalGAP,…; Mô hình nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ: sản xuất
rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính; cây lúa, cây ăn quả,…;
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ
cao xây dựng mô hình trong chăn nuôi: quản lý sinh sản, ứng dụng thẻ tai, hệ thống
quản lý dữ liệu để quản lý trên quy mô trang trại lớn và vừa, ứng dụng phần mềm
quản lý chăn nuôi, dịch bệnh thông qua chíp điện tử trên từng cá thể, công nghệ
chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước
uống tự động. Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể bioga, chế phẩm sinh
học, mô hình dọn, tách phân tự động, chế biến phân an toàn, cơ giới hóa trong
chế biến thức ăn, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đàn giống,...;
- Áp dụng TBKT công nghệ cao
trong thủy sản: áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị
sản phẩm với việc thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC; hạn chế tối đa sử
dụng hóa chất, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, hướng tới không sử dụng
thuốc kháng sinh cấm trong nuôi thủy sản,...;
- Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển
giao đồng bộ các tiến bộ KH&CN, công nghệ cao, tổ chức quản lý, phát triển
thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa có sự tham gia, liên kết giữa nhà khoa học,
doanh nghiệp và người dân, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt;
4. Hỗ trợ,
phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ công nghệ cao phục vụ sản
xuất nông nghiệp tuần hoàn
4.1. Hình thành và phát triển các hình thức giao dịch và hệ thống các
cơ sở, dịch vụ về cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao, cụ thể như: bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ cung ứng vật
tư, máy móc, thiết bị; dịch vụ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông
nghiệp.
4.2. Phát triển và nhân rộng các mô hình, hình thức tổ chức sản xuất,
kinh doanh trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản hàng
hóa chính, trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham gia.
4.3. Tổ chức nâng cao năng lực và quảng bá, phát triển thương hiệu của
các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh,
trên cơ sở phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,
các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn chất
lượng quốc tế và gắn với truy xuất nguồn gốc. Từng bước hình thành và phát triển
các thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa từ hoạt động
sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
4.4. Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua kết nối du lịch,
như du lịch sinh thái, ẩm thực, làng nghề sẽ gia tăng giá trị của sản xuất nông
nghiệp.
(chi tiết các nhiệm vụ Khoa học
và Công nghệ theo Phụ lục kèm theo)
III.
KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Kinh phí thực hiện Đề án được đảm
bảo từ nguồn sự nghiệp Khoa học công nghệ tỉnh hằng năm và các nguồn vốn hợp
pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ
vào nhiệm vụ cụ thể của Đề án lập dự toán ngân sách hằng
năm và quản lý kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định
hiện hành của pháp luật về ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật liên
quan.
IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
1. Hiệu quả kinh tế
- Tiết kiệm tài nguyên, tăng
hiệu quả sản xuất hướng tới phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Phát
triển kinh tế tuần hoàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhấn mạnh việc áp dụng
mô hình sản xuất khép kín, tận dụng phụ phẩm và chất thải trong khẩu sản xuất để
làm nguyên liệu cho các khâu sản xuất tiếp theo. Việc tận dụng được các phế phụ
phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản sẽ mang lại giá trị kinh tế cho người sản
xuất, tăng hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững.
- Góp phần phát triển mô
hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông, lâm, thủy sản: Các mô hình
nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao TBKT trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần thúc đẩy
kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh và trở thành các mô
hình điểm để triển khai nhân rộng đến các địa phương trong và ngoài tỉnh,
hỗ trợ thực hiện tái cấu trúc nền nông nghiệp, tạo điều
kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tiết
kiệm chi phí, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả
kinh tế.
2. Hiệu quả xã hội
- Kiểm soát quy trình sản xuất,
đảm bảo an toàn cho người lao động: Việc triển khai
áp dụng quy trình sản xuất khép kín, sử dụng đầu vào đảm bảo chất lượng có ý
nghĩa rất quan trọng trong cải thiện điều kiện lao động để đảm bảo sức khỏe của
người lao động, đặc biệt là những người tham gia sản xuất trực tiếp.
- Nâng cao kỹ năng, tạo sinh
kế bền vững cho nông dân: Tham gia các mô hình kinh tế tuần hoàn, nông
dân sẽ được tiếp cận với các quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng khoa học công
nghệ vào sản xuất từ đó nâng cao trình độ và kỹ năng của bản thân, góp phần
thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương và hướng tới
phát triển bền vững.
3. Hiệu quả môi trường
- Áp dụng quy trình sản xuất
khép kín, tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ, các chế phẩm sinh học giúp giảm
ô nhiễm môi trường đất và nước: Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản
xuất chú trọng việc áp dụng quy trình sản xuất khép kín, chuyển từ sử dụng phân
bón hóa học sang phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Việc này sẽ khắc phục
được tình trạng ô nhiễm môi trường do lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV
trong sản xuất nông nghiệp. Trong dài hạn, chất lượng đất và môi trường nước sẽ
được cải thiện đáng kể và sử dụng một cách bền vững.
- Hỗ trợ quản lý chất thải,
tận dụng phế phụ phẩm nhằm giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp:
Hiện nay, chỉ một lượng nhỏ phụ phẩm và chất thải trong sản xuất nông, lâm, thủy
sản được sử dụng; còn lại chủ yếu thành phế thải ra môi trường. Thực hiện phát
triển kinh tế tuần hoàn giúp quản lý chất thải nông nghiệp, sử dụng hợp lý phế,
phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì cho đất, xử lý an toàn chất thải
động vật, tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, giảm ô
nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính.
Phần
thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa
học và Công nghệ
- Là cơ quan Thường trực theo dõi
tổng hợp quá trình thực hiện Đề án;
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp, cá
nhân có liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Đề án;
- Hàng năm, phối hợp với các
ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án;
- Thực hiện nhiệm vụ quản lý kinh
phí của Đề án theo các quy định về quản lý tài chính hiện hành của nhà nước;
- Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng
hợp kết quả thực hiện, những kiến nghị, đề xuất hằng năm trong quá trình tổ chức
thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án, báo cáo UBND tỉnh;
- Phối hợp với các cơ quan liên
quan trong hoạt động thực hiện Đề án theo chức năng nhiệm vụ được phân công; tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia thực hiện và nhận hỗ trợ từ các
nguồn, Đề án, Chương trình của tỉnh và của Quốc gia theo quy định;
- Tham mưu việc thực hiện các nhiệm
vụ KH&CN về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thúc đẩy phát triển
kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu thực hiện việc sơ kết,
tổng kết và đề xuất thực hiện Đề án giai đoạn tiếp theo.
2. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối
hợp với Sở KH&CN và các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức đánh giá
thực trạng và khả năng nghiên cứu, ứng dụng TBKHKT trong sản xuất nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh; rà soát điều
chỉnh quy hoạch theo hướng sử dụng lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo
vùng hàng hóa có quy mô lớn, đảm bảo môi trường.
- Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và phù hợp với điều
kiện sản xuất của tỉnh.
- Tham mưu hình thành quy hoạch
khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất
nông nghiệp tuần hoàn của tỉnh Bắc Ninh.
3. Sở Tài
chính
- Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ rà soát dự toán kinh phí thực hiện Đề án hằng năm;
- Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện
Đề án.
4. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở
KH&CN và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế,
chính sách nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.
- Tích hợp quy hoạch tổng thể
vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn
2024 - 2030 vào quy hoạch chung của tỉnh.
- Chủ trì bố trí nguồn vốn đầu tư
công trung hạn để thực hiện Đề án.
5. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất,
giao, cho thuê đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân tham gia vào đầu tư các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao.
6. Sở Công
Thương
Chủ trì tổ chức các hoạt động xúc
tiến thương mại, phát triển thị trường thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
7. Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh
Phối hợp với Sở KH&CN và các
sở, ngành, địa phương xây dựng các chuyên mục thông tin, tuyên truyền theo nội
dung của Đề án.
8. UBND các
huyện, thị xã, thành phố Bắc Ninh
- Tuyên truyền phổ biến Đề án và
các quy định pháp luật về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến các
tổ chức, cá nhân trên địa bàn; chủ động đề xuất, xây dựng các nhiệm vụ thuộc Đề
án; bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án trên địa bàn;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để
phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc quy hoạch vùng sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên bố trí giao đất, giao rừng cho các
dự án, đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương.
9. Các tổ chức,
cá nhân, doanh nghiệp, HTX có liên quan
Có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch
thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo
đúng quy định hiện hành; sử dụng kinh phí được hỗ trợ (nếu có) đúng mục đích.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về
Sở khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết
định./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ/MÔ HÌNH THUỘC ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA
HỌC VÀ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG
NGHỆ CAO THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2024 của UBND tỉnh)
STT
|
Tên nhiệm vụ/
mô hình
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Thời gian thực
hiện
|
I
|
Truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực thực
hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp CNC
|
|
|
|
1
|
Xây dựng chương trình, kế hoạch truyền thông, nâng
cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp,
cộng đồng doanh nghiệp và người dân về phát triển, ứng dụng và chuyển giao
KHCN trong sản xuất nông nghiệp CNC thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
trên địa bàn tỉnh (dự kiến mỗi năm xây dựng khoảng 1.250 tin bài, từ 6-8
video tuyên truyền KHCN).
|
Sở Khoa học và Công nghệ
|
Các Sở, ban, ngành/UBND các huyện, thị xã, TP.
|
Hằng năm
|
2
|
Tổ chức các hội nghị đầu bờ nhằm nhân rộng các mô
hình KHCN ứng dụng nông nghiệp thông minh và nông nghiệp tuần hoàn; các buổi
tập huấn về những tiến bộ KHCN mới hàng năm,… (dự kiến triển khai trên địa
bàn mỗi huyện 1-2 hội nghị, tập huấn/ năm), hội thảo khoa học (dự kiến trung
tâm tổ chức 1-2 hội thảo/ năm), …; xây dựng các trang thông tin điện tử về
nông nghiệp tuần hoàn để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông
tin, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình, mô hình sản xuất nông nghiệp
theo chu trình tuần hoàn khép kín, phụ phẩm được tái sử dụng tại chỗ, không
thải ra môi trường, ...
|
Sở Khoa học và Công nghệ
|
Các Sở, ban, ngành/UBND các huyện, thị xã, TP.
|
Hằng năm
|
II
|
Các nhiệm vụ/ mô hình triển khai thực hiện tại
Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ
cao
|
|
|
|
1
|
Các nhiệm vụ/ mô hình triển khai thực hiện tại
Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sử dụng kinh phí NSNN
|
|
|
|
1.1
|
Xây dựng mô hình: trồng nấm
Đông trùng hạ thảo invitro trên cơ chất tổng hợp; trồng một số loại lan hồ điệp
có giá trị kinh tế cao ứng dụng công nghệ tưới bán tự động, …
|
Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KHCN - Sở KH&CN
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN/
các huyện, thị xã, TP
|
2024
|
1.2
|
Xây dựng mô hình: trồng thử nghiệm
dưa lê Hàn Quốc Super 007 honey sử dụng phân bón hữu cơ; mô hình sử dụng
giá thể gieo và trồng cây trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ phế phụ
phẩm sau sản xuất nấm thương phẩm; ...
|
Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KHCN - Sở KH&CN
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN/
các huyện, thị xã, TP
|
2025
|
1.3
|
Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
xây dựng mô hình: trồng, bảo quản, chế biến hành tím (Allium ascalonium); thử
nghiệm, phát triển chế phẩm vi sinh phục vụ cải tạo đất trồng rau, mầu bị
thoái hóa trên địa bàn tỉnh; áp dụng TBKT trồng nấm bụng dê (Morchella –
morel) trong điều kiện nhà màng đơn giản; mô hình trồng nấm luân canh ứng dụng
4.0, đánh giá khả năng gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất
nông nghiệp; Nghiên cứu bổ sung một số dung dịch hữu cơ nhằm cải tiến chất lượng
rau ăn lá trồng thuỷ canh; mô hình trồng thử nghiệm nấm Thượng Hoàng
(Phellinus linteus); trồng nấm lim xanh trên nguyên liệu phế phẩm gỗ; ứng dụng
chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi cho chuồng trại trong chăn nuôi, …
|
Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KHCN - Sở KH&CN
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN/
các huyện, thị xã, TP
|
2026-2030
|
2
|
Các nhiệm vụ/ mô hình triển khai thực hiện
tại Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huy động nguồn vốn xã
hội hoá
|
|
|
|
2.1
|
Xây dựng mô hình sản xuất một số loại rau, quả,
thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp góp phần thúc đẩy
kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh
|
|
|
|
2.1.1
|
Xây dựng mô hình: Phát triển trồng sản xuất dòng
dưa chuột Nhật Bản KICHI; Phát triển sản xuất Bí Vua Hàn Quốc; Phát triển sản
xuất dòng dưa lê Hàn Quốc; Phát triển sản xuất dưa Bạch Ngọc; mô hình chăn
nuôi 5000 gà sinh sản an toàn sinh học theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định,
thiết kế lắp đặt các thiết bị tự động hoá ở các khâu chăn nuôi: quản lý chăm
sóc nuôi dưỡng; thu gom và xử lý chất thải; thu gom và khử khuẩn đảm bảo an
toàn thực phẩm sản phẩm trứng, quy trình khép kín và đảm bảo an toàn sinh học
và hướng tới nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
|
Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KHCN - Sở KH&CN
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN/
các huyện, thị xã, TP
|
2024-2025
|
2.1.2
|
Xây dựng, phát triển mô hình: sản xuất dòng ớt
chuông đỏ hà Lan; sản xuất ớt Palermo; sản xuất dưa lưới Huỳnh Long; Phát triển
rau bắp cải tím; sản xuất rau cải xoăn kale; sản xuất súp lơ tím; sản xuất giống
dưa lưới Saket; sản xuất giống cà chua bạch tuộc; sản xuất ớt chuông ngọt
baby; sản xuất và nhân giống cà chua trái cây; sản xuất giống cà chua beef;
phát triển dòng dưa hấu baby Hàn Quốc; Phát triển giống dưa chuột Maya của
israel; thử nghiệm giống dưa lưới Ichiba; phát triển giống dâu tây chịu nhiệt
NewZealand;
sản xuất giống súp lơ san hô.
|
Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KHCN - Sở KH&CN
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN/
các huyện, thị xã, TP
|
2026-2030
|
2.2
|
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng các sản phẩm chuyên biệt
về măng tây xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận.
|
Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KHCN - Sở KH&CN
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN
|
2024-2028
|
2.3
|
Ứng dụng tiến bộ
KHCN xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số giống hoa lan hồ điệp có
giá trị kinh tế cao theo hướng tuần hoàn (mini cam HDT1, mini hồng thơm, vàng
thơm, vàng kẻ thơm, …); mô hình sản xuất hẹ theo hướng hữu cơ phục vụ tiêu
dùng và xuất khẩu, …
|
Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KHCN - Sở KH&CN
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN
|
2024-2030
|
III
|
Các nhiệm vụ/ mô hình triển khai thực hiện tại
các huyện, thị xã, thành phố
|
|
|
|
|
Xây dựng các mô
hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững,
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Các hoạt động xây dựng
mô hình chuyển giao kỹ thuật, tập huấn phổ biến KHKT, điều tra khảo
sát, tổng kết thực tiễn, … các vấn đề về kinh tế - xã hội của
tỉnh.
|
Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN/
các huyện, thị xã, thành phố đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KHCN.
|
Giao các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các tổ
chức, cơ quan, đơn vị thực hiện
|
Hằng năm
|