ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3497/QĐ-UBND
|
Quảng
Nam, ngày 28 tháng 9 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ NGƯỜI
NGHIỆN MA TÚY KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH VÀO CƠ SỞ XÃ HỘI TRONG THỜI GIAN LẬP
HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT
BUỘC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết
số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng,
chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị định
số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện
pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số
136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị
định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Quyết định
số 1507/QĐ-UBND ngày 26/4/2016 của UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp lập hồ
sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định
số 2166/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 của UBND tỉnh về việc thành lập Cơ sở cai nghiện
ma túy Quảng Nam trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Quảng
Nam;
Theo đề nghị của
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 177/TTr-LĐTBXH ngày
07/8/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời quản lý người nghiện ma túy không
có nơi cư trú ổn định vào Cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Cơ
sở cai nghiện ma túy Quảng Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐ-TB&XH;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (Nguyên).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Thanh
|
QUY CHẾ
TẠM THỜI QUẢN LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY KHÔNG
CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH VÀO CƠ SỞ XÃ HỘI TRONG THỜI GIAN LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG
BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3497/QĐ-UBND ngày 28/9/2017 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế tạm thời
này quy định về tổ chức quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định
(gọi tắt là học viên) vào Cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án
nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng
đối với viên chức và nhân viên hợp đồng tại Cơ sở xã hội và Người nghiện ma túy
từ đủ 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn tỉnh do cơ quan,
tổ chức phát hiện, lập hồ sơ ban đầu đưa vào Cơ sở xã hội tiếp nhận để quản lý,
cắt cơn, giải độc, phục hồi, tư vấn tâm lý, điều trị các chứng rối loạn tâm thần,
ổn định sức khỏe và quản lý trong thời gian hoàn chỉnh hồ sơ để Tòa án nhân dân
cấp huyện mở phiên họp xem xét, quyết định xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc và các tổ chức, cá nhân có quan hệ phối hợp với Cơ sở.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy chế này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người không có
nơi cư trú ổn định là người không xác định được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú
hoặc nơi đăng ký tạm trú; người có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng
ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó mà thường xuyên đi lang thang, không có
nơi ở cố định.
2. Người nghiện ma
túy là người sử dụng trái phép chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
và bị lệ thuộc vào các chất này.
3. Cơ quan lập hồ
sơ là Công an cấp xã; Công an cấp huyện; lực lượng cảnh sát phòng, chống ma túy
Công an tỉnh.
Điều 4. Nguyên tắc áp dụng
1. Việc đưa người
nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào Cơ sở xã hội tiếp nhận phải được
thực hiện nhanh chóng để kịp thời chữa bệnh cắt cơn giải độc phục hồi, tư vấn
tâm lý, điều trị các chứng rối loạn về tâm thần, ổn định sức khỏe và quản lý
trong thời gian chờ cơ quan chức năng làm hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp xử
lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Việc khám và điều
trị thực hiện theo quy định phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
3. Đảm bảo kịp thời,
đồng bộ, hiệu quả trong công tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các cơ
quan: UBND cấp xã, Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và xã hội, Tòa án
nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, hoàn chỉnh hồ sơ để Tòa án nhân dân mở phiên
họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc.
4. Nghiêm cấm mọi
hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người nghiện ma túy
không có nơi cư trú ổn định bị đưa vào và đang quản lý tại Cơ sở xã hội.
Điều 5. Nhiệm vụ của Cơ sở xã hội
1. Tổ chức tiếp nhận,
bàn giao người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ
sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở xã hội thực
hiện công tác quản lý, đảm bảo điều kiện ăn ở, điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn
tâm lý, phục hồi, giáo dục, cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho
người nghiện ma túy, liên thông xét nghiệm, điều trị ARV cho người nghiện ma
túy nhiễm HIV/AIDS, rà soát, phân loại, xác minh nơi cư trú để chuyển gửi điều
trị theo quy định; phòng, chống thẩm lậu ma túy và giữ gìn an ninh trật tự tại
cơ sở.
3. Thông báo kịp
thời với các cơ quan chức năng và địa phương các trường hợp người nghiện ma túy
không có nơi cư trú ổn định bỏ trốn để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Hằng năm, lập kế
hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ quản lý, chuyên
môn điều trị cắt cơn nghiện ma túy.
5. Định kỳ 6
tháng, năm, thực hiện báo cáo UBND tỉnh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
thông tin đến các Sở, ngành, địa phương liên quan về tình hình, kết quả hoạt động
của Cơ sở xã hội.
Điều 6. Thẩm quyền xác định người nghiện ma túy
Người có thẩm quyền
xác định tình trạng nghiện mà túy là bác sỹ, y sĩ, được cấp chứng nhận hoặc chứng
chỉ tập huấn về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy do các cơ quan, tổ chức
được Bộ Y tế giao tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ, đang làm việc tại: Các cơ
sở y tế quân y, y tế quân dân y; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của ngành công
an; phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc; phòng y tế của các cơ sở có chức
năng tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, trong
thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc; trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; bệnh
viện cấp huyện trở lên và bệnh viện thuộc các bộ, ngành khác.
Điều 7. Thẩm quyền ban hành quyết định đưa người nghiện ma túy vào
Cơ sở xã hội tiếp nhận
Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa
người vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền ban hành quyết định giao cho
Cơ sở xã hội tiếp nhận quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện
ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ hoàn chỉnh để Tòa
án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 8. Thời hạn người nghiện được quản lý chữa bệnh tại Cơ sở xã hội
Thời hạn người nghiện
được quản lý chữa bệnh tại Cơ sở xã hội được tính từ ngày có Quyết định giao
người nghiện cho Cơ sở xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cho đến khi
Tòa án nhân dân cấp huyện ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành
chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng không quá 37 ngày (ngày làm việc).
Chương II
TỔ CHỨC QUẢN
LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY
Điều 9. Thủ tục tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định
trong thời gian xác minh làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Cơ sở
xã hội
Khi có quyết định
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc giao người nghiện ma
túy cho Cơ sở xã hội tiếp nhận quản lý, cơ quan công an lập hồ sơ tiến hành bàn
giao người nghiện cho Cơ sở xã hội, Cơ sở xã hội thực hiện các việc sau:
1. Tiếp nhận, kiểm
tra đối chiếu người và quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn cùng các tài liệu, hồ sơ hợp lệ theo quy định.
2. Lập biên bản
giao, nhận hồ sơ và người bị đưa vào quản lý tại Cơ sở xã hội, biên bản xác định
tình trạng sức khỏe của người được đưa vào Cơ sở xã hội.
3. Vào sổ theo dõi
danh sách người được đưa vào quản lý tại Cơ sở xã hội.
Điều 10. Quy trình thực hiện các công việc tại Cơ sở xã hội
Sau khi tiếp nhận
người nghiện, Cơ sở xã hội tiến hành thực hiện các bước:
1. Phân loại và tư
vấn về phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy cho người nghiện.
2. Kiểm tra tình
trạng sức khỏe, hội chứng cai,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế để xác định tình trạng
nghiện.
3. Lập hồ sơ bệnh
án theo quy định, xây dựng phác đồ điều trị cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe,
tư vấn tâm lý.
4. Hướng dẫn chấp
hành nội quy, quy định về khám chữa bệnh; các nội quy sinh hoạt của người bệnh
trong thời gian ở Cơ sở xã hội.
5. Kiểm tra quản
lý tài sản, tư trang cá nhân, bảo quản trong thời gian người nghiện điều trị tại
Cơ sở xã hội và hoàn trả đầy đủ khi người nghiện được ra khỏi Cơ sở xã hội.
6. Tổ chức cắt cơn
giải độc, phục hồi sức khỏe cho người nghiện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế
quy định.
7. Thực hiện các
biện pháp vật lý trị liệu, tư vấn tâm lý, giúp người nghiện ma túy ổn định sức
khỏe, giảm hội chứng cai. Đồng thời, hướng dẫn lập kế hoạch điều trị cho từng
người nghiện ma túy.
8. Tổ chức điều trị
các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị HIV (nếu có).
9. Tiến hành phân
khu quản lý người nghiện theo giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe; tình trạng
nghiện ma túy, đối tượng có tiền án, tiền sự.
10. Bố trí nơi ăn ở,
sinh hoạt theo yêu cầu điều trị tình trạng sức khỏe của người nghiện, đảm bảo
an ninh trật tự, an toàn cho người nghiện trong thời gian được quản lý chữa bệnh
tại Cơ sở xã hội.
Chương III
CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI
NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TRONG THỜI GIAN CHỮA BỆNH TẠI CƠ SỞ XÃ HỘI
Điều 11. Chế độ chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe
1. Học viên được
điều trị cắt cơn, giải độc; điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh nhiễm
trùng cơ hội. Việc điều trị phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về khám bệnh,
chữa bệnh.
2. Học viên được
sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng và thực hiện kế hoạch cai nghiện
phù hợp; được tư vấn, được tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp họ thay đổi hành
vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá
trình cai nghiện và kỹ năng phòng chống tái nghiện.
3. Học viên được lập
hồ sơ theo dõi sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, việc khám sức khỏe định kỳ phải được
lập thành phiếu khám sức khỏe và được lưu trong hồ sơ theo dõi sức khỏe.
4. Học viên bị suy
giảm sức khỏe hoặc mắc bệnh vượt quá khả năng điều trị của Cơ sở xã hội thì được
chuyển đến cơ sở y tế cấp huyện trở lên để chữa trị, chăm sóc. Trường hợp gia
đình có nguyện vọng đưa về gia đình để chăm sóc và điều trị thì phải có xác nhận
rõ tình trạng bệnh nặng của cơ sở y tế cấp huyện trở lên và đơn đề nghị của gia
đình có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú.
Điều 12. Chế độ ăn, mặc và sinh hoạt
1. Học viên trong
thời gian chữa bệnh tại Cơ sở xã hội được hưởng như tiêu chuẩn định lượng ăn của
người đang chấp hành áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Ngày lễ, Tết dương
lịch, ngày Tết nguyên đán học viên được ăn thêm ngoài tiêu chuẩn ngày thường.
2. Học viên được
trang bị quần áo và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.
3. Học viên chữa bệnh
tại Cơ sở xã hội được sắp xếp phòng ở tập thể. Tùy vào lứa tuổi, tính chất, giới
tính và tình hình sức khỏe được sắp xếp chỗ ở phù hợp. Phòng ở phải đảm bảo
thoáng mát, hợp vệ sinh.
4. Tổ chức tiếp
sóng các chương trình thời sự trên hệ thống truyền thanh, truyền hình để học
viên được tiếp cận các thông tin cần thiết hàng ngày; tổ chức cho học viên tham
gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền
hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian chữa bệnh.
Điều 13. Giải quyết chế độ chịu tang
1. Khi có bố, mẹ,
vợ hoặc chồng, con chết thì học viên được phép về để chịu tang. Thời gian về chịu
tang tối đa không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường và được tính vào thời
hạn chấp hành quyết định.
2. Gia đình học
viên phải làm đơn đề nghị cho học viên về chịu tang có xác nhận của Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn nơi học viên cư trú gửi Giám đốc Cơ sở xem xét quyết định.
Việc giao và nhận học viên giữa Cơ sở với gia đình phải được lập thành biên bản
ghi rõ họ tên học viên, thời gian, họ tên người giao, họ tên người nhận, biên bản
lập thành 02 bản mỗi bên giữ một bản và thông báo cho UBND cấp xã biết thời
gian học viên về chịu tang.
Điều 14. Giải quyết trường hợp học viên chết trong thời gian quản lý
tại Cơ sở xã hội
1. Trong thời gian
đang chấp hành quyết định, nếu học viên bị chết thì Giám đốc Cơ sở phải báo
ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan y tế
gần nhất để lập biên bản xác nhận nguyên nhân chết; việc lập biên bản phải có học
viên làm chứng. Trong trường hợp cần thiết thì trưng cầu giám định pháp y.
2. Cơ sở có trách
nhiệm thông báo ngay cho thân nhân học viên chết biết để nhận về mai táng. Trường
hợp không có thân nhân hoặc thân nhân không đến trong vòng 24 giờ thì Giám đốc
Cơ sở có trách nhiệm tổ chức mai táng.
Điều 15. Kinh phí thực hiện
Kinh phí để thực
hiện các chế độ đối với người nghiện ma túy trong thời gian lập hồ sơ đề nghị
áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở
xã hội được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước giao hằng năm cho Cơ sở theo
Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành
quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người chưa thành
niên, người tự nguyện chữa trị cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã
hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Mọi hoạt động của
Cơ sở xã hội phải thực hiện theo đúng nội dung quy định của Quy chế này và các
quy định của pháp luật có liên quan.
2. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý và kiểm tra việc
thực hiện Quy chế này đối với Cơ sở xã hội.
3. Giám đốc Cơ sở
cai nghiện ma túy Quảng Nam chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các
hoạt động của Cơ sở xã hội theo quy định của Quy chế và các quy định của pháp
luật có liên quan.
Điều 17. Trong
quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh; Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma
túy có trách nhiệm báo cáo, đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình
UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.