ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 87/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 10
tháng 5 năm 2019
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI TUYÊN BỐ ASEAN VỀ VAI TRÒ CỦA NỀN CÔNG VỤ LÀM CHẤT XÚC
TÁC TRONG VIỆC ĐẠT ĐƯỢC TẦM NHÌN CỘNG ĐỒNG ASEAN 2025
Thực hiện Quyết định số 1439/QĐ-TTg
ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai “Tuyên bố
ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn
cộng đồng ASEAN 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án 1439), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch
hành động thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Phát huy vai trò của nền công vụ
trong việc thúc đẩy các chương trình cải cách toàn diện theo hướng tập trung
vào mục tiêu của “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”. Quán triệt mục tiêu của “Tầm
nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” vào các nội dung cải cách, đổi mới nền công vụ, kế
hoạch, chương trình, nhiệm vụ của tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về Cộng đồng ASEAN;
tập trung vào chất lượng và kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo
đảm yêu cầu hội nhập ASEAN.
2. Yêu cầu
- Gắn việc thực hiện các mục tiêu
ASEAN của Đề án 1439 với các nhiệm vụ, chương trình công tác của tỉnh đến năm
2025.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của các
cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở các cấp chính quyền,
phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, vai trò của các tổ chức chính trị -
xã hội trong việc nghiên cứu, đề xuất và thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm
đạt được các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đã đề ra đúng lộ trình, đảm bảo
tiến độ và đạt kết quả thực chất.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Thúc đẩy thực hiện có hiệu quả nhiệm
vụ được giao tại Đề án 1439 và các mục tiêu của “Tuyên bố ASEAN về vai trò của
nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”
nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào
người dân, lấy người dân làm trung tâm trong mục tiêu và tiến trình phát triển
của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Năm 2019
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh,
UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch triển khai nội dung của Kế hoạch
này.
b) Từ năm 2019 đến năm 2025
- 100% công chức được tập huấn, trang
bị kiến thức đầy đủ về Cộng đồng ASEAN; 80% công chức được tập huấn về kỹ năng
hành chính, quản lý nhà nước đáp ứng các tiêu chuẩn và giá trị chung của nền
công vụ các nước ASEAN.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng để
nâng cao tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và đạo đức công vụ của đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Thúc đẩy hợp tác trong việc phát
triển và chia sẻ kinh nghiệm đối với các lĩnh vực quan trọng.
- Bảo đảm tiếp thu những nguyên tắc
quản trị hiệu quả của nền công vụ các nước ASEAN.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về mục tiêu của “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” đối
với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
a) Tổ chức các chương trình hội nghị,
tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các
giá trị chung của Cộng đồng ASEAN và nền công vụ các nước ASEAN.
b) Tuyên truyền, quán triệt, nâng cao
nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các đổi mới, sáng tạo của
nền công vụ, sự khát vọng tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, tạo đột phá
trong xây dựng chính sách và cung cấp dịch vụ công; xây dựng hệ thống các dịch
vụ công nhằm thực hiện hiệu quả quá trình phục vụ người dân.
c) Tổ chức sưu tầm, trưng bày triển
lãm những thành tựu đã đạt được của hoạt động hợp tác ASEAN về lĩnh vực công vụ,
công chức.
2. Tiếp thu các nguyên tắc quản trị
hiệu quả của ASEAN vào chương trình cải cách công vụ, hướng tới người dân và lấy
người dân làm trung tâm, xây dựng tổ chức hành chính các cấp minh bạch, trách
nhiệm, hiệu quả, có khả năng giải quyết những thách thức mới
a) Rà soát hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật, bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
tiếp thu các nguyên tắc quản trị hiệu quả của ASEAN, minh bạch hoá quá trình soạn
thảo, trình, ban hành chính sách, pháp luật; quá trình chuẩn bị, trình, ban
hành quyết định, văn bản hành chính gắn liền với việc cải cách thủ tục hành
chính.
b) Xây dựng chính quyền điện tử, đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng công tác quản
lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đẩy mạnh cung cấp dịch
vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
c) Các cơ quan, tổ chức nghiên cứu và
lựa chọn các biện pháp chiến lược để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với ưu
tiên trong lĩnh vực phụ trách của mình.
d) Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo đảm
quyền tiếp cận thông tin của người dân về hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức
ở các cấp; có chế tài đối với người vi phạm quyền tiếp cận thông tin của người
dân. Thực hiện việc đảm bảo lợi ích của người dân trong triển khai các chính
sách và quyết định hành chính trên các lĩnh vực.
đ) Thực hiện kiểm tra, giám sát việc
thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện
pháp luật, trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp.
e) Tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ
cương hành chính đối với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
3. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng để
nâng cao tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, trình độ ngoại ngữ và phẩm
chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chung
của nền công vụ các nước ASEAN
Tăng cường tập huấn về kỹ năng hành
chính, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu, lồng ghép việc nâng cao nhận
thức về ASEAN vào các chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng; triển khai thực
hiện chính sách về thu hút, bồi dưỡng nhân tài theo tinh thần của Nghị quyết Hội
nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 khoá XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
4. Thúc đẩy vận động, thu hút nguồn
lực
Đẩy mạnh việc vận động nguồn lực từ
các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các quỹ của ASEAN
và các đối tác của ASEAN cho việc thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch.
(Có Danh mục các nhiệm vụ thực hiện
Đề án gửi kèm theo).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Kế hoạch đã đề ra.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng
hợp và báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch này.
- Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức sơ kết
giữa kỳ vào năm 2022 và tổng kết cuối kỳ vào năm 2025 hoặc theo các văn bản chỉ
đạo của cấp trên về kết quả thực hiện Kế hoạch.
2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh
và UBND các huyện, thành phố
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, tập trung chỉ đạo, quán triệt, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện,
hoàn thành trước quý IV năm 2019. Định kỳ trước ngày 10/12 hằng năm, báo cáo tiến
độ và kết quả thực hiện về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ và
các cơ quan liên quan để thực hiện đánh giá giữa kỳ vào năm 2022 và cuối kỳ vào
năm 2025 về kết quả thực hiện Kế hoạch.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể
tỉnh, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch
này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C ,PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, HC-QT, TH-CB;
- Lưu: VT, NC (PVD).
|
CHỦ TỊCH
Phạm Ngọc Thưởng
|