BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4819/TCT-PC
V/v chuyển lỗ và xử phạt hành vi trốn thuế
qua thanh tra thuế
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 11 năm 2020
|
Kính gửi: Cục
Thuế tỉnh Bình Thuận
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 7152/CT-TTKT3 đề
ngày 07/08/2020 của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận về xử lý vướng mắc về chuyển lỗ và
xử phạt hành vi trốn thuế qua thanh tra thuế khi tham gia tố tụng trong vụ án hành
chính về thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc chuyển hành vi trốn thuế sang hành vi
khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn
khi xử phạt vi phạm hành chính.
Điểm c, d khoản 1 Điều 10 Nghị định
số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định:
“Điều 10. Xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến
thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn
1.Các trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền
thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, bao gồm:
c) Hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm
số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm
đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế
xác định là có hành vi khai man trốn thuế, nhưng người nộp thuế vi phạm lần đầu,
có tình tiết giảm nhẹ và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước
trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì cơ quan thuế lập
biên bản ghi nhận để xác định lại hành vi khai thiếu thuế.
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch
toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm
tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế
kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn bất hợp
pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.”
Khoản 7 Điều 67 Thông tư số
156/TT-BTC ngày 06/11/2013 quy định việc chuyển hồ sơ thanh tra thuế sang
cơ quan điều tra như sau:
“Điều 66. Trình tự, thủ tục thanh tra thuế tại
trụ sở người nộp thuế
7. Trường hợp qua thanh tra thuế mà phát hiện
hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì đoàn thanh tra lập biên bản tạm dừng
thanh tra tại đơn vị và có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra để
trình người ban hành quyết định thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
theo quy định của pháp luật.”
Điều 24 Thông tư số 166/2013/TT-BTC
quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế ngày 15/11/2013 quy định:
“1. Trong quá trình xử phạt vi phạm hành
chính về thuế, nếu xét thấy tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế có dấu
hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ
quan tiến hành tố tụng hình sự.
2. Trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt đã ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, đang trong thời gian thi hành
quyết định xử phạt, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà
chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đã ra quyết định xử
phạt vi phạm hành chính về thuế phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết
định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ phải
chuyển hồ sơ xử lý vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền
để xử lý; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền
đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm
cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý.
Hồ sơ chuyển giao bao gồm: quyết định chuyển hồ
sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xử lý; bản sao biên bản về hành vi vi
phạm hành chính về thuế hoặc biên bản kiểm tra, thanh tra thuế; bản sao kết quả
giám định, xác minh (nếu có); bản sao tài liệu khác có liên quan; bản sao quyết
định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có); quyết định tạm đình chỉ thi
hành quyết định xử phạt đối với trường hợp chưa thi hành quyết định xử phạt. Việc
chuyển giao hồ sơ phải được lập thành biên bản.
3. Theo quy định tại Điều 62 Luật
xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã nhận hồ
sơ vụ việc theo Khoản 1, 2 Điều này có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và
thông báo kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ
sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không
khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định
không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc
cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có
quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuế
phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuế và chuyển tài liệu về việc
thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
4. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội
phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo cho cá nhân vi phạm.
5. Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt đã
chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, nhưng quá thời hạn 03 ngày,
kể từ ngày hết hạn ra quyết định khởi tố hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án
hình sự theo quy định của pháp luật về luật tố tụng hình sự mà người có thẩm
quyền xử phạt chưa nhận được thông báo của cơ quan tiến hành tố tụng về việc khởi
tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính về thuế, có văn bản đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã nhận
hồ sơ, chuyển trả lại hồ sơ vụ vi phạm đề người có thẩm quyền xử phạt ra quyết
định xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc tiếp tục thi hành quyết định xử phạt
đối với trường hợp khi chuyển hồ sơ người có thẩm quyền xử phạt đã ban hành quyết
định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.”
Điều 25 Thông tư số 166/2013/TT-BTC
quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế ngày 15/11/2013 quy định:
“1. Theo quy định tại Điều 63 Luật
xử lý vi phạm hành chính thì đối với những vụ việc do cơ quan tiến hành tố
tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ
án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình
chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu vi
phạm hành chính về thuế, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định,
cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ
sơ, tang vật của vụ vi phạm và để nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có
thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Trường hợp, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan
thanh tra, thanh tra, kiểm tra theo chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm
tra phát hiện các hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế nhưng
không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì sau thời hạn 03
ngày, kể từ ngày có kết luận về hành vi vi phạm hành chính về thuế phải chuyển
hồ sơ và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền để xử phạt
vi phạm hành chính về thuế.
Trường hợp, cơ quan thanh tra tiến hành thanh
tra theo chức năng nhiệm vụ, trong quá trình thanh tra phát hiện hành vi vi phạm
hành chính về thuế mà có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải ra quyết
định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp, cơ quan thanh tra cấp
dưới vượt thẩm quyền xử phạt thì chuyển hồ sơ lên cơ quan quản lý cấp trên trực
tiếp để xử lý theo quy định.
Trong trường hợp vi phạm hành chính về thuế thuộc
thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì vụ xử phạt vi phạm hành chính do người
thụ lý đầu tiên thực hiện.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành
chính về thuế căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan nêu trên chuyển đến để ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trường hợp cần thiết, người có
thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định
xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
3. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính về thuế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định tại Khoản
1, 2 Điều này kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trường hợp cần xác minh thêm theo quy
định tại Khoản 2 Điều này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa không quá
45 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định nêu trên.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp chuyển hành vi
trốn thuế để xử phạt như đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải
nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thuộc điểm c khoản 1 Điều
10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 nêu trên chỉ áp dụng khi đáp
ứng đồng thời ba điều kiện: vi phạm lần đầu; có tình tiết giảm nhẹ và đã tự
giác nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan
có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Việc chuyển hành vi này phải được các cơ
quan có thẩm quyền thanh tra thuế, kiểm tra thuế ghi nhận tại biên bản thanh
tra, kiểm tra thuế.
Đối với hành vi trốn thuế do sử dụng hóa đơn, chứng
từ bất hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền
thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm
để được chuyển sang xử lý theo điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định
số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 nêu trên thì người mua hàng hóa, dịch vụ
phải chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thuộc về bên bán
hàng, bên cung cấp dịch vụ và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
Theo báo cáo của Cục Thuế, doanh nghiệp có hành vi
trốn thuế nhưng chưa nêu cụ thể, rõ ràng từng hành vi vi phạm và các tình tiết
liên quan nên đề nghị Cục Thuế căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và tình hình thực tế
tại doanh nghiệp để xem xét, quyết định việc chuyển hành vi theo đúng quy định.
Trường hợp hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm. Cục thuế thực hiện việc
chuyển hồ sơ sang cơ quan công an yêu cầu cơ quan công an điều tra, xử lý vụ việc
theo quy định.
2. Về việc chuyển lỗ khi bị cơ quan thuế ấn định
thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại Điều 36, 37 Luật
Quản lý thuế 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 33; khoản 1,
2, 3 và 5 Điều 34 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 quy định về việc
ấn định thuế:
“Điều 33. Ấn định số tiền thuế
1. Người nộp thuế bị cơ quan thuế ấn định số tiền
thuế phải nộp trong các trường hợp sau:
a) Không đăng ký thuế theo quy định tại Điều 22 Luật quản lý thuế;
b) Không nộp hồ sơ khai thuế trong thời hạn mười
ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn
nộp hồ sơ khai thuế theo quy định;
c) Không bổ sung hồ sơ khai thuế theo yêu cầu của
cơ quan quản lý thuế hoặc đã bổ sung hồ sơ khai thuế nhưng không đầy đủ, trung
thực, chính xác các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp;
d) Không xuất trình tài liệu kế toán, hóa đơn,
chứng từ và các tài liệu liên quan đến việc xác định các yếu tố làm căn cứ tính
thuế khi đã hết thời hạn kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp
thuế;
đ) Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế, có
căn cứ chứng minh người nộp thuế hạch toán kế toán không đúng quy định, số liệu
trên sổ kế toán không đầy đủ, không chính xác, trung thực dẫn đến không xác định
đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp;
e) Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để
không thực hiện nghĩa vụ thuế;
g) Đã nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan quản lý
thuế nhưng không tự tính được số thuế phải nộp.
2. Đối với một số ngành nghề, hoạt động kinh
doanh qua kiểm tra, thanh tra phát hiện có sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ
không đầy đủ hoặc kê khai, tính thuế không đúng với thực tế thì cơ quan thuế ấn
định tỷ lệ giá trị gia tăng, tỷ lệ thu nhập tính trên doanh thu theo quy định của
pháp luật.”
“Điều 34. Ấn định từng yếu tố liên quan đến
việc xác định số tiền thuế phải nộp
Người nộp thuế bị ấn định từng yếu tố liên quan
đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong các trường hợp sau;
1. Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan quản lý
thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đủ hoặc chưa đúng các yếu tố
làm cơ sở xác định số thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuê khai bổ sung
nhưng người nộp thuế không khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
2. Qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ
liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp, cơ quan quản lý thuế có cơ sở chứng
minh người nộp thuế hạch toán không đúng, không trung thực các yếu tố liên quan
đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
3. Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không
đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế hoặc hạch toán giá
mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá
thực tế thanh toán phù hợp thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế giá trị gia
tăng được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.
5. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhưng
không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác
định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được
số thuế phải nộp.”
Căn cứ Điều 16 Luật thuế thu nhập
2008 và khoản 10 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa
đổi năm 2013:
“Điều 16. Chuyển lỗ
1. Doanh nghiệp có lỗ được chuyển số lỗ sang năm
sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không
quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
2. Doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng
bất động sản chỉ được chuyển số lỗ vào thu nhập tính thuế của hoạt động này.”
Khoản 10 Điều 1 Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 quy định:
“Điều 16. Chuyển lỗ
1. Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm
sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không
quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
2. Doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng
bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu
tư sau khi đã thực hiện bù trừ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này nếu
còn lỗ và doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền thăm dò, khai
thác khoáng sản được chuyển lỗ sang năm sau vào thu nhập tính thuế của hoạt động
đó. Thời gian chuyển lỗ theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế
vi phạm pháp luật thuế thuộc trường hợp ấn định thuế sẽ bị cơ quan thuế có thẩm
quyền ấn định số thuế phải nộp hoặc ấn định các yếu tố liên quan đến việc xác định
số tiền thuế phải nộp. Việc ấn định thuế là phương pháp xác định số thuế phải nộp
hoặc xác định các yếu tố liên quan để xác định số thuế phải nộp.
Liên quan đến vấn đề chuyển lỗ đối với trường hợp
người nộp thuế bị ấn định thuế, theo quy định về pháp luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, trường hợp khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế có
số lỗ của các năm trước còn trong thời gian được chuyển lỗ theo quy định thì được
chuyển lỗ sang những năm sau cho đến khi hết thời hạn được chuyển lỗ. Pháp luật
về thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế chưa có quy định không được chuyển
lỗ trong trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế.
Đề nghị Cục Thuế căn cứ quy định của pháp luật nêu
trên, hồ sơ, tài liệu thực tế và hướng dẫn tại Quy trình tham gia tố tụng hành
chính về thuế ban hành kèm Quyết định số 695/QĐ-TCT ngày 06/06/2019 của Tổng cục
Trưởng Tổng cục Thuế đê xây dựng phương án tố tụng phù hợp khi tham gia tranh tụng.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Phi Vân Tuấn (để b/c);
- Vụ CST, PC, Thanh tra BTC;
- Vụ TTKTT, KK-KTT, DNL, CS;
- Lưu: VT, PC(2b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Bùi Công Minh
|