Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 14/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện đầu tư hình thức đối tác công tư nông nghiệp

Số hiệu: 14/2017/TT-BNNPTNT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Hoàng Văn Thắng
Ngày ban hành: 05/07/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thúc đẩy bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 14/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ ngày 22/8/2017.

Theo đó, đối với hợp đồng dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gọi tắt là hợp đồng DVC) thì nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án DVC phải đảm bảo yêu cầu:

- Tổ chức cung cấp dịch vụ; thực hiện liên kết với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp; và

- Được quyền quản lý, vận hành dự án; thu phí dịch vụ từ người hưởng dịch vụ (nếu có) nhưng phải bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo thỏa thuận.

Dự án DVC bao gồm ít nhất 2 dịch vụ trong 3 nhóm dịch vụ sau (trong đó phải có dịch vụ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp):

- Nhóm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp;

- Nhóm dịch vụ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp;

- Nhóm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nội dung hướng dẫn đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án DVC được quy định tại Phụ lục hành kèm theo Thông tư 14/2017/TT-BNNPTNT ngày 05/7/2017.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2017/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2017

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Thực hiện văn bản số 10126/VPCP-KTN ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung hợp đồng PPP tương tự theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP trong lĩnh vực nông nghiệp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chi tiết về lĩnh vực đầu tư; nội dung đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Nông nghiệp bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và thủy lợi.

2. Sản phẩm nông nghiệp bao gồm: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi; lâm sản; thủy sản và muối.

3. Nông dân bao gồm: Người làm nghề trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, khai thác và nuôi trồng thủy sản, làm muối.

4. Dự án Dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gọi tắt là dự án DVC) là dự án cung cấp các dịch vụ để hình thành liên kết giữa nông dân, hợp tác xã nông nghiệp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

5. Dịch vụ để hình thành liên kết giữa nông dân, hợp tác xã nông nghiệp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án gồm 3 nhóm:

a) Nhóm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gồm các dịch vụ: Cung cấp vật tư đầu vào, tài chính, tín dụng, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, tư vấn khoa học công nghệ và chính sách, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, thú y, bảo vệ thực vật;

b) Nhóm dịch vụ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp gồm các dịch vụ: Bảo quản (dự trữ, làm lạnh, sấy khô, xông hơi, khử trùng, chiếu xạ), sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp;

c) Nhóm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gồm các dịch vụ: Bao tiêu sản phẩm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng, đánh giá sự phù hợp, xây dựng thương hiệu nông sản và các dịch vụ hậu cần.

6. Hợp đồng Dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gọi tắt là hợp đồng DVC) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để thực hiện dự án Dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm tổ chức cung cấp dịch vụ, thực hiện liên kết với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và được quyền quản lý, vận hành dự án, thu phí dịch vụ từ người hưởng dịch vụ (nếu có) nhưng phải bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo thỏa thuận; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia vào dự án bằng tiền hoặc bằng hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật; sau khi kết thúc hợp đồng dự án, nhà đầu tư chuyển giao lại tài sản, công trình dự án (nếu có) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thỏa thuận.

7. Hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là hợp đồng dự án) bao gồm các loại hợp đồng quy định tại Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 3 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và hợp đồng quy định tại Khoản 6 Điều này.

Điều 4. Lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong nông nghiệp, nông thôn

1. Dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gồm:

a) Công trình hoặc hạng mục công trình thuộc hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc kết hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đời sống dân sinh;

b) Công trình hoặc hạng mục công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn;

c) Công trình hoặc hạng mục công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và hạ tầng nghề cá khác;

d) Công trình hoặc hạng mục công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi;

đ) Công trình hoặc hạng mục công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng;

e) Công trình hoặc hạng mục công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến muối;

g) Công trình kho dự trữ, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;

h) Công trình hoặc hạng mục công trình kết cấu hạ tầng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

i) Công trình hoặc hạng mục công trình thuộc cơ sở kiểm dịch, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định và chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản;

k) Công trình thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải, ô nhiễm môi trường nông thôn.

2. Dự án DVC gồm ít nhất 2 dịch vụ trong các nhóm dịch vụ quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư này, trong đó phải có dịch vụ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Điều 5. Hướng dẫn nội dung đề xuất dự án

1. Nội dung đề xuất dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục I Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Nội dung đề xuất dự án DVC được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này.

Điều 6. Hướng dẫn nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

1. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án DVC được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục II của Thông tư này.

Điều 7. Hướng dẫn nội dung hợp đồng dự án

1. Nội dung hợp đồng dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được lập theo hướng dẫn tại Điều 10, Chương III và Phụ lục I Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Nội dung hợp đồng dự án DVC được lập theo hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục III của Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các quy định tại Điều 69 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư này.

b) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý như sau:

- Vụ Kế hoạch

Chủ trì tham mưu, trình Bộ trưởng kế hoạch đầu tư công các dự án PPP.

Chủ trì tổng hợp, thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt đề xuất dự án PPP; công bố danh mục dự án sau khi đề xuất dự án được phê duyệt.

Chủ trì tham mưu, trình Bộ trưởng quyết định chủ trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP.

Chủ trì tổng hợp, thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án DVC (trừ dự án DVC có cấu phần xây dựng) sau khi lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan.

Chủ trì tổ chức đàm phán hợp đồng dự án; tham mưu trình Bộ trưởng việc ký kết thỏa thuận đầu tư, ký kết và ủy quyền thực hiện hợp đồng dự án đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là đối tác đầu tư trong nước.

Giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là đối tác đầu tư trong nước theo quy định của pháp luật.

- Vụ Hợp tác quốc tế

Chủ trì tổ chức đàm phán hợp đồng dự án; tham mưu trình Bộ trưởng ký kết thỏa thuận đầu tư, ký kết và ủy quyền thực hiện hợp đồng dự án đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là đối tác đầu tư nước ngoài.

Giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là đối tác đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Vụ Tài chính

Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng xác định giá trị vốn đầu tư là tài sản của nhà nước tham gia thực hiện dự án (bao gồm cả đất đai) theo quy định.

Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quyết toán phần vốn đầu tư của nhà nước tham gia dự án theo quy định của pháp luật.

- Cục Quản lý xây dựng công trình

Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án PPP xây dựng công trình kết cấu hạ tầng được Bộ giao quản lý và dự án DVC có cấu phần xây dựng.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; giám sát chất lượng công trình và việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản.

- Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành

Tổ chức lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP thuộc lĩnh vực chuyên ngành được phân công quản lý theo quy định.

Tham gia thẩm định đối với đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP do đơn vị khác lập thuộc lĩnh vực chuyên ngành được phân công quản lý theo quy định.

Chủ trì đàm phán nội dung hợp đồng dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành được phân công quản lý theo quy định.

Ký kết, thực hiện hợp đồng dự án nhóm B và C theo quy định khi được Bộ trưởng ủy quyền.

Thực hiện quyền nhận chuyển giao tài sản dự án (nếu có) sau khi dự án kết thúc.

2. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo các quy định tại Điều 70 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 8 năm 2017.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng thực hiện theo quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời xem xét, xử lý./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư Pháp);
- Website Chính phủ, công báo Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN và PTNT;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT;
- Website Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Lưu: VT, KH.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

PHỤ LỤC I

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐỀ XUẤT DỰ ÁN DVC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 14/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Căn cứ tính chất, quy mô, lĩnh vực của dự án, đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư lập đề xuất dự án (ĐXDA) theo các nội dung dưới đây:

A. THÔNG TIN CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN

Trên cơ sở các nội dung được phân tích chi tiết tại các phần sau, tóm tắt một số thông tin cơ bản của dự án tại phần này, bao gồm:

- Tên dự án;

- Mục tiêu của dự án;

- Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư;

- Tên đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án;

- Địa điểm, phạm vi thực hiện dự án;

- Quy mô, công suất, năng lực dự án;

- Nhu cầu sử dụng đất (nếu có);

- Yêu cầu về kỹ thuật;

- Dự kiến tổng vốn đầu tư;

- Vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có);

- Loại hợp đồng dự án;

- Phương án tài chính sơ bộ (phương án tài chính đối với dự án nhóm C);

- Thời gian hợp đồng dự án;

- Ưu đãi và đảm bảo đầu tư;

- Các nội dung liên quan khác (nếu có).

B. CÁC CĂN CỨ LẬP ĐỀ XUẤT DỰ ÁN

Liệt kê các văn bản pháp lý làm căn cứ lập đề xuất dự án, bao gồm:

- Các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP;

- Các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan đến ngành, lĩnh vực đầu tư của dự án;

- Các quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực của quốc gia, địa phương liên quan đến dự án;

- Các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền trong các bước lựa chọn sơ bộ dự án và các văn bản pháp lý khác có liên quan.

C. NỘI DUNG ĐỀ XUẤT DỰ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT ĐẦU TƯ DỰ ÁN

Thuyết minh sự cần thiết đầu tư dự án thông qua các nội dung dưới đây:

1. Bối cảnh chung

Thuyết minh sơ bộ bối cảnh chung về kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương trong giai đoạn dự án được triển khai, nhận định các lợi ích dự kiến dự án sẽ đóng góp cho quốc gia, vùng, địa phương. Đánh giá tổng quan về ngành, lĩnh vực mà dự án đề xuất, những ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và ảnh hưởng dự án đến nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Phân tích sự phù hợp của dự án đối với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn của quốc gia, vùng, địa phương và các quy định khác tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP .

2. Hiện trạng của dự án

Thuyết minh về hiện trạng, thực trạng tổ chức sản xuất nông nghiệp; tình hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của khu vực, phạm vi triển khai dự án; đánh giá tình hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn theo mô hình Cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ (nếu có)... để làm rõ sự cần thiết, nhu cầu đầu tư của dự án.

3. Các dự án có liên quan (nếu có)

Nêu những thông tin cơ bản về dự án và ảnh hưởng (tích cực, tiêu cực) của các dự án đó đối với dự án được đề xuất (nếu có).

4. Lợi thế của việc đầu tư theo hình thức PPP

Phân tích sơ bộ lợi thế của dự án khi đầu tư theo hình thức PPP so với hình thức đầu tư khác trên cơ sở các nội dung: Nhu cầu và lợi thế của việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; khả năng thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân; khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng và các nội dung khác (nếu có) để khẳng định việc thực hiện dự án theo hình thức PPP là cần thiết, phù hợp trong bối cảnh cụ thể của dự án.

II. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

Thuyết minh sơ bộ các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của dự án. Trong đó, lưu ý làm rõ các mục tiêu liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất và thu nhập của các đối tác tham gia liên kết sản xuất; bảo đảm ổn định vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa và các mục tiêu khác có liên quan.

III. THUYẾT MINH VỀ KỸ THUẬT CỦA DỰ ÁN

Thuyết minh sơ bộ yêu cầu kỹ thuật của dự án theo những nội dung dưới đây:

1. Quy mô, công suất, năng lực của dự án

Trên cơ sở quy hoạch, dữ liệu khảo sát thực tiễn hoặc số liệu dự báo phân tích sơ bộ nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, năng lực sản xuất hoặc sản lượng nông sản hàng hóa có khả năng cung cấp theo yêu cầu; nhu cầu sử dụng các dịch vụ của dự án (ví dụ như dịch vụ hỗ trợ sản xuất: Cung ứng giống, vật tư đầu vào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa...; dịch vụ bảo quản, chế biến: Bảo quản lạnh, sơ chế, chế biến...; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm: Bao tiêu sản phẩm, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng nông sản...); thuyết minh làm rõ quy mô liên kết sản xuất, năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của dự án...

2. Địa điểm, phạm vi thực hiện dự án

Mô tả địa điểm và phạm vi triển khai dự án; các công trình, nhà máy chế biến nông sản... đang hoặc sắp được triển khai trong vùng lân cận có liên quan đến dự án (nếu có).

3. Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên

Thuyết minh nhu cầu sử dụng đất và nhu cầu sử dụng các tài nguyên thiên nhiên khác (nếu có) phục vụ cho hoạt động của dự án.

4. Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Trường hợp dự án được đề xuất phải thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ĐXDA trình bày phạm vi giải phóng mặt bằng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thuyết minh sơ bộ phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định hiện hành.

5. Yêu cầu về kỹ thuậtchất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp

Căn cứ quy mô, công suất, năng lực của dự án; tiêu chuẩn, định mức của ngành; tính sẵn có và khả năng ứng dụng thực tiễn của các kỹ thuật, công nghệ, ĐXDA nêu các yêu cầu về quy trình, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp dự kiến được áp dụng (ví dụ như quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGap, Global Gap...); tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp (ví dụ như tiêu chuẩn về chất lượng vật tư, về an toàn thực phẩm...); phương thức kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm cung cấp... Phân tích một số phương án có thể áp dụng và đề xuất phương án phù hợp nhất với yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp.

Trường hợp dự án có công trình phụ trợ, thuyết minh bổ sung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình dự án và đề xuất phương án áp dụng phù hợp.

Lưu ý: Các yêu cầu kỹ thuật trên là cơ sở để tính toán tổng vốn đầu tư của dự án. Do vậy, ĐXDA cần nêu rõ việc Nhà đầu tư có thể đề xuất phương án kỹ thuật, công nghệ khác đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp và mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án.

6. Các hạng mục, hợp phần, công trình của dự án

Thuyết minh sơ bộ các hạng mục, hợp phần của dự án và các dịch vụ được cung cấp trong dự án.

Trường hợp dự án có các công trình xây dựng kèm theo, thuyết minh bổ sung các hạng mục công trình xây dựng (nếu có).

7. Thiết kế sơ bộ (thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm C)

- Đối với dự án DVC có cấu phần xây dựng (ví dụ xây dựng công trình phụ trợ), nội dung thiết kế sơ bộ (hoặc thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm C theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP) hợp phần xây dựng trong ĐXDA được lập theo quy định của pháp luật xây dựng.

- Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, ĐXDA thuyết minh, mô tả sơ bộ (hoặc chi tiết đối với dự án nhóm C) mô hình hoạt động của dự án (kèm theo bản vẽ mô tả); các hình thức, hoạt động liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (ví dụ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, tổ chức của nông dân; liên kết giữa nông dân với tổ chức của nông dân thông qua hình thức hợp tác xã...); cách thức thực hiện liên kết (ví dụ thông qua hợp đồng, thỏa thuận...); các loại dịch vụ được cung cấp (sắp xếp thứ tự theo các công đoạn trong chuỗi liên kết sản xuất), trong đó mô tả sơ bộ (chi tiết đối với dự án nhóm C) từng loại dịch vụ, nội dung của dịch vụ, công đoạn thực hiện (ví dụ công đoạn sản xuất sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất, gồm: Tập huấn, đào tạo, chuyển giao quy trình, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, cung ứng giống, vật tư đầu vào theo phẩm cấp được thỏa thuận...; công đoạn chế biến, cung cấp dịch vụ bảo quản, hướng dẫn kỹ thuật sơ chế, chế biến...; công đoạn tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá cả, phẩm cấp sản phẩm đã thỏa thuận)...

IV. TÁC ĐỘNG VỀ MÔI TRƯỜNG, XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH

Đánh giá sơ bộ tác động của dự án đối với các vấn đề môi trường, xã hội, quốc phòng, an ninh và các tác động khác (nếu có).

V. DỰ BÁO NHU CẦU

Phân tích, tính toán sơ bộ nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án tại thời điểm hiện tại và dự báo nhu cầu trong tương lai, làm cơ sở xem xét hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và phương án tài chính của dự án.

VI. PHÂN TÍCH SƠ BỘ HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DỰ ÁN

Phân tích và thuyết minh sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án theo các nội dung sau:

1. Xác định yếu tố chi phí và lợi ích về mặt kinh tế - xã hội

Xác định sơ bộ các yếu tố chi phí và lợi ích về mặt kinh tế - xã hội của dự án theo các nhóm yếu tố dưới đây:

(i) Nhóm yếu tố có thể định lượng và quy đổi được thành tiền (được sử dụng để tính toán tỷ suất lợi ích và chi phí về kinh tế theo hướng dẫn lại Mục VI.2 Phụ lục này).

(ii) Nhóm yếu tố có thể định lượng nhưng không quy đổi được thành tiền.

(iii) Nhóm yếu tố chỉ có thể định tính.

2. Sơ bộ phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án thông qua tỷ suất li ích và chi phí về kinh tế (BCR - Benefit Cost Ratio)

Việc tính toán tỷ suất li ích và chi phí về kinh tế (BCR) thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Kết luận sơ bộ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án

Trên cơ sở phân tích các nhóm yếu tố (i, ii, iii) theo hướng dẫn tại Mục VI.1 Phụ lục này và kết quả tính toán tỷ suất lợi ích và chi phí về kinh tế (BCR), ĐXDA nêu kết luận sơ bộ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Trường hợp dự án không có đủ điều kiện xác định các yếu tố thuộc nhóm (i) theo hướng dẫn tại Mục VI.1 để tính toán các chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội (BCR), ĐXDA phân tích và nêu kết luận sơ bộ về hiệu quả kinh tế đối với các bên tham gia liên kết sản xuất (doanh nghiệp, nông dân…) và cả dự án, kết luận sơ bộ về hiệu quả xã hội của dự án đối với cộng đồng dân cư, địa phương trong phạm vi dự án trên cơ sở phân tích các nhóm yếu tố còn lại (ii, iii) tại Mục VI.1 Phụ lục này.

VII. PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH DỰ ÁN

Phân tích và thuyết minh sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án; cơ cấu nguồn vốn; phương án huy động vốn và phân tích phương án tài chính của dự án theo những nội dung dưới đây:

1. Tổng vốn đầu tư của dự án

Trên cơ sở các thuyết minh về kỹ thuật được lựa chọn, ĐXDA xác định sơ bộ tổng vốn đầu tư của dự án, gồm: Tổng mức đầu tư và vốn lưu động ban đầu để khai thác, vận hành dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư được xác định theo pháp luật về xây dựng đối với hạng mục, hợp phần dự án có cấu phần xây dựng hoặc xác định theo pháp luật chuyên ngành đối với hạng mục, hợp phần dự án không có cấu phần xây dựng. Vốn lưu động ban đầu để khai thác, vận hành dự án bằng tổng chi phí cố định và chi phí biến đổi trong quá trình vận hành và bảo dưỡng ban đầu theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

2. Cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động

Trên cơ sở tổng vốn đầu tư của dự án, ĐXDA thuyết minh sơ bộ cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn để thực hiện dự án.

3. Phân tích tài chính của dự án

Đề xuất dự án phân tích và thuyết minh sơ bộ phương án tài chính của dự án (hoặc phân tích và thuyết minh chi tiết đối với dự án nhóm C) để làm rõ tính khả thi và xác định phần vốn tham gia của Nhà nước (nếu có) thông qua các thông số, chỉ tiêu tài chính sau:

3.1. Các thông số đầu vào sử dụng trong mô hình tài chính

- Luận chứng sơ bộ cơ sở xác định các thông số đầu vào của mô hình tài chính dự án (như tổng chi phí dự án; doanh thu của dự án; các thông số đầu vào khác như lãi vay, thời gian vay, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá, tỷ lệ khấu hao…) để trên cơ sở đó tính toán, đánh giá tính khả thi về mặt tài chính.

- Thuyết minh các khoản chi trong mô hình tài chính dự án, tính toán tổng chi phí trong vòng đời dự án gồm tổng mức đầu tư và chi phí khai thác, vận hành trong suốt vòng đời dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư của các hạng mục, hợp phần dự án có cấu phần xây dựng được xác định theo pháp luật về xây dựng; các hạng mục, hợp phần dự án không có cấu phần xây dựng xác định theo pháp luật chuyên ngành.

- Thuyết minh về nguồn thu của dự án: Xác định các nguồn thu; mức giá, phí hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ dự kiến áp dụng phù hợp với loại hợp đồng dự án, mặt bằng chung và các quy định của pháp luật hiện hành; các khoản thu khác của dự án; dự kiến lộ trình tăng giá, phí (nếu có)... Đồng thời, căn cứ kết quả dự báo nhu cầu (đã được phân tích tại Mục V Phụ lục này) thuyết minh, tính toán các kịch bản khác nhau về nguồn thu, tính toán tổng doanh thu của dự án (ở mức căn bản, mức tối đa và mức tối thiểu) và doanh thu qua từng năm.

Lưu ý khi phân tích chi phí, doanh thu của dự án cần phân tích chi phí, doanh thu của các bên tham gia liên kết sản xuất (doanh nghiệp, nông dân...) để làm rõ lợi ích kinh tế của các bên khi tham gia dự án nhằm bảo đảm tính khả thi về tài chính của dự án và sự bền vững của liên kết.

3.2. Các chỉ tiêu tài chính để xem xét tính khả thi của dự án

Căn cứ các thông số đầu vào nêu trên, phương án tài chính của dự án cần được tính toán, phân tích dựa trên các chỉ tiêu chính sau đây:

- Giá trị hiện tại thuần tài chính (NPV - Net Present Value);

- Tỷ suất nội hoàn tài chính (IRR - Internal Rate of Return).

Việc tính toán các chỉ tiêu tài chính nêu trên và đánh giá tính khả thi về mặt tài chính của dự án thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có)

Căn cứ kết quả phân tích kinh tế - xã hội; phân tích tài chính của dự án và loại hợp đồng dự án được lựa chọn, thuyết minh về sự cần thiết phải có vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án và các nội dung liên quan bao gồm: Giá trị phần vốn; dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối; nội dung đầu tư, cách thức, kế hoạch và tiến độ giải ngân.

5. Kết luận về phương án tài chính của dự án

Trên cơ sở nội dung phương án tài chính, kết quả phân tích tài chính nêu trên, ĐXDA nêu kết luận về tính khả thi tài chính của dự án.

Trường hợp dự án không đủ cơ sở để tính toán chi tiết các chỉ tiêu tài chính nêu trên, ĐXDA phải giải trình cụ thể những khó khăn, vướng mắc; đưa ra kết luận về phương án tài chính của dự án thông qua việc đánh giá theo các yếu tố trong nhóm yếu tố (ii), (iii) tại Mục VI.1 Phụ lục này.

VIII. LOẠI HỢP ĐỒNG DỰ ÁN

Đối với dự án dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp loại hợp đồng được đề xuất ký kết và thực hiện là hợp đồng DVC.

Trên cơ sở quy định của hợp đồng DVC, ĐXDA cần thuyết minh vai trò, trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc quản lý, vận hành dự án, cung cấp các dịch vụ và bao tiêu sản phẩm theo giá cả, phẩm cấp đã thỏa thuận...; trách nhiệm của nông dân, tổ chức của nông dân (hợp tác xã, nếu có) triển khai sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, bán sản phẩm đầu ra theo số lượng, chất lượng và giá cả thỏa thuận...; trách nhiệm của nhà nước trong việc hỗ trợ, triển khai dự án và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan khác (nếu có).

IX. PHÂN TÍCH RỦI RO TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

Thuyết minh sơ bộ những rủi ro chính có thể phát sinh trong suốt vòng đời dự án, bao gồm: Rủi ro về chính trị và pháp lý, rủi ro về quyền sử dụng đất, rủi ro về thời tiết, khí hậu và môi trường, rủi ro về sản xuất, liên kết sản xuất, rủi ro về kỹ thuật, công nghệ được lựa chọn, rủi ro về thiết kế và xây dựng công trình (nếu có), rủi ro về tài chính, rủi ro về nhu cầu của thị trường, rủi ro vận hành...

Phân tích cơ chế phân chia, quản lý rủi ro và trách nhiệm của các bên trong việc quản lý rủi ro, xác định biện pháp giảm thiểu rủi ro.

X. CÁC HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Về ưu đãi, đảm bảo đầu tư

Báo cáo ĐXDA nêu đề xuất và thuyết minh về các ưu đãi đầu tư được đề nghị (bao gồm ưu đãi đặc thù của ngành, lĩnh vực hoặc của địa phương), các loại hình bảo lãnh, bảo đảm của Chính phủ và điều kiện kèm theo cũng như các nghĩa vụ dự phòng cần thiết trong thời gian thực hiện hợp đồng dự án (nếu có).

2. Các hỗ trợ khác (nếu có): Thuyết minh về đề nghị hỗ trợ.

XI. Kế hoạch thực hiện dự án

Dự kiến thời gian chuẩn bị dự án (bao gồm các giai đoạn chuẩn bị đề xuất dự án, đấu thầu chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án); thời gian thực hiện dự án (bao gồm cả thời gian tổ chức lại sản xuất, trong đó có xây dựng tổ chức của nông dân, đào tạo, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất cho nông dân; kế hoạch cung ứng hàng hóa, dịch vụ, vật tư đầu vào (hỗ trợ sản xuất như giống, phân bón...), bao tiêu sản phẩm đầu ra (kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, thu mua...)... và thời điểm kết thúc dự án.

XII. QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN

Thuyết minh sơ bộ về phương thức tổ chức, quản lý thực hiện dự án theo các nội dung hướng dẫn dưới đây:

1. Yêu cầu về phương thức tổ chức quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ, sản phẩm dự án

Thuyết minh phương thức tổ chức quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ, sản phẩm của dự án, bao gồm các nội dung về: Phương thức để các bên tham gia dự án phối hợp trong quá trình vận hành, cung cấp dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm của dự án; phương thức giám sát và phương thức quản lý quá trình nhà đầu tư cung cấp dịch vụ, thu phí người sử dụng theo mức phí đã quy định trong hợp đồng dự án (nếu có); phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cung ứng.

2. Quản lý thực hiện dự án

Xác định sơ bộ năng lực và dự kiến cơ cấu tổ chức quản lý thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đối với từng giai đoạn cụ thể của dự án.

D. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Trình bày các kết luận và kiến nghị cụ thể đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan (nếu có).

PHỤ LỤC II

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN DVC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 14/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Căn cứ tính chất, quy mô, lĩnh vực của dự án, đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) theo các nội dung dưới đây:

A. THÔNG TIN CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN

Trên cơ sở các nội dung được phân tích chi tiết tại các phần sau, tóm tắt một số thông tin cơ bản của dự án tại phần này, bao gồm:

- Tên dự án;

- Mục tiêu của dự án;

- Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư;

- Tên đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư được giao lập BCNCKT;

- Địa điểm, phạm vi thực hiện dự án;

- Quy mô, công suất, năng lực dự án;

- Nhu cầu sử dụng đất (nếu có);

- Yêu cầu kỹ thuật;

- Tổng vốn đầu tư;

- Vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có);

- Loại hợp đồng dự án;

- Phương án tài chính;

- Thời gian hợp đồng dự án;

- Ưu đãi và đảm bảo đầu tư;

- Các nội dung liên quan khác (nếu có).

B. CÁC CĂN CỨ LẬP BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI

Liệt kê các văn bản pháp lý có liên quan làm căn cứ lập BCNCKT, bao gồm:

- Các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP;

- Các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan đến ngành, lĩnh vực đầu tư của dự án;

- Các quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực của quốc gia, địa phương liên quan đến dự án;

- Các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền trong các bước lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án;

- Các văn bản pháp lý khác có liên quan.

C. NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI

I. SỰ CẦN THIẾT ĐẦU TƯ DỰ ÁN

Thuyết minh sự cần thiết đầu tư dự án thông qua các nội dung dưới đây:

1. Bối cảnh chung

Thuyết minh bối cảnh chung về kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương trong giai đoạn dự án được triển khai; các điều kiện, môi trường tnhiên tác động đến dự án; tổng quan về ngành, lĩnh vực mà dự án đề xuất, các ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến việc triển khai dự án và ảnh hưởng của dự án đến nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Phân tích sự phù hợp của dự án đối với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn của quốc gia, vùng, địa phương và các quy định khác tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 15/2015/NĐ-CP .

Nhận định các lợi ích dự kiến dự án sẽ đóng góp cho quốc gia, vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực.

2. Hiện trạng của dự án

Thuyết minh chi tiết về hiện trạng, thực trạng sản xuất (trong đó có các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất); tình hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của khu vực, phạm vi triển khai dự án; đánh giá tình hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với dự án trước đây đã triển khai theo mô hình Cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ (nếu có)... để làm rõ sự cần thiết, nhu cầu đầu tư của dự án.

Nếu hiện trạng khu vực có các dự án liên quan có thể tác động đến hoạt động, doanh thu, lợi nhuận, chi phí... của dự án được đề xuất; nêu những thông tin cơ bản về các dự án và thuyết minh các tác động tích cực, tiêu cực của các dự án đó đối với dự án được đề xuất.

3. Lợi thế của việc đầu tư theo hình thức PPP

Thuyết minh, phân tích chi tiết lợi thế của dự án khi đầu tư theo hình thức PPP so với hình thức đầu tư khác trên cơ sở các nội dung: Nhu cầu và lợi thế của việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; khả năng thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư; khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng; kết quả khảo sát thực tiễn và khả năng triển khai dự án của nhà đầu tư; khả năng phân chia rủi ro giữa các bên có liên quan và các nội dung khác (nếu có).

Căn cứ các phân tích nêu trên, BCNCKT khẳng định việc thực hiện dự án theo hình thức PPP là cần thiết, phù hợp trong bối cảnh cụ thể của dự án.

II. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Thuyết minh mục tiêu tổng quát của dự án, có thể bao gồm: Sự đóng góp của dự án vào việc thực hiện các mục tiêu chung của quốc gia, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các lĩnh vực thuộc ngành và địa phương; những lợi ích dự án mang lại cho nền kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

Thuyết minh mục tiêu cụ thể của dự án như: Những vấn đề, thực trạng được giải quyết; số lượng đối tượng được đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mà dự án cung cấp đảm bảo chất lượng tốt và lâu dài; quy mô, công suất, năng lực dự án cần đạt được để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; số lượng sản phẩm được cung cấp phục vụ chế biến, tiêu thụ; các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường cơ bản cần đạt được; mức độ tác động của dự án tới cộng đồng, địa phương… và các mục tiêu cụ thể khác (nếu có). Trong đó lưu ý làm rõ các mục tiêu liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất và thu nhập của các đối tác tham gia liên kết sản xuất; bảo đảm ổn định vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa và các mục tiêu khác có liên quan.

III. THUYẾT MINH VỀ KỸ THUẬT CỦA DỰ ÁN

Thuyết minh chi tiết các nội dung về kỹ thuật của dự án theo những nội dung dưới đây:

1. Quy mô, công suất, năng lực của dự án

Trên cơ sở quy hoạch, dữ liệu khảo sát thực tiễn hoặc số liệu dự báo phân tích nhu cầu sử dụng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, năng lực sản xuất hoặc sản lượng nông sản hàng hóa có khả năng cung cấp theo yêu cầu; nhu cầu sử dụng các dịch vụ của dự án (ví dụ như dịch vụ hỗ trợ sản xuất: Cung ứng giống, vật tư đầu vào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa...; dịch vụ bảo quản, chế biến: Bảo quản lạnh, sơ chế, chế biến...; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm: Bao tiêu sản phẩm, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng nông sản...); thuyết minh làm rõ quy mô liên kết sản xuất, năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của dự án, công suất cơ sở chế biến... Trường hợp cần phân kỳ đầu tư, BCNCKT nêu rõ quy mô, công suất, năng lực của từng giai đoạn, thời kỳ cho phù hợp với dự báo về tăng trưởng nhu cầu (trong tương lai).

2. Địa điểm, phạm vi thực hiện dự án

- Thuyết minh về lý do lựa chọn địa điểm để thực hiện dự án thông qua việc phân tích các lợi thế của khu vực, địa điểm đó (gắn với các yếu tố đầu vào và yêu cầu đầu ra của dự án). Trường hợp cần thiết, đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư có thể tổ chức khảo sát địa điểm thực hiện dự án và nêu chi tiết kết quả khảo sát tại mục này.

- Mô tả cụ thể về địa điểm và phạm vi triển khai dự án trên cơ sở các nội dung: Phạm vi diện tích triển khai dự án, hiện trạng sử dụng đất, lợi thế về điều kiện sản xuất đối với việc triển khai dự án...Trường hợp xung quanh hoặc trong phạm vi, địa bàn thực hiện dự án có các công trình, nhà máy chế biến nông sản, các dự án liên kết sản xuất cùng đối tượng sản phẩm, BCNCKT cần bổ sung phân tích về mức độ ảnh hưởng của các dự án đó đối với dự án đang được đề xuất.

3. Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên

Thuyết minh chi tiết nhu cầu sử dụng đất và nhu cầu sử dụng các tài nguyên thiên nhiên khác (nếu có) phục vụ cho hoạt động của dự án.

4. Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Trường hợp dự án được đề xuất phải thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, BCNCKT trình bày nhu cầu sử dụng đất, phạm vi giải phóng mặt bằng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thuyết minh cụ thể phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định hiện hành.

5. Yêu cầu về kỹ thuậtchất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp

- Xác định các phương án kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp của dự án, khả năng ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ đó vào thực tiễn sản xuất, trên cơ sở đó đề xuất và nêu chi tiết phương án kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm được lựa chọn; các yêu cầu về quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm dự kiến áp dụng (ví dụ như quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGap, Global Gap...); tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp (ví dụ như tiêu chuẩn về chất lượng vật tư, về an toàn thực phẩm...); phương thức kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm cung cấp; yêu cầu về đầu vào, đầu ra của dự án và các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng khác có liên quan (nếu có).

Trường hợp dự án có công trình phụ trợ, thuyết minh bổ sung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình dự án và đề xuất phương án áp dụng phù hợp.

- Thuyết minh năng lực của nhà đầu tư trong việc quản lý, vận hành dự án; rủi ro trong quản lý, vận hành, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ được lựa chọn (nếu có).

Lưu ý: Các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ là cơ sở để tính toán tổng vốn đầu tư của dự án. Do vậy, BCNCKT cần nêu rõ việc nhà đầu tư có thể đề xuất phương án kỹ thuật, công nghệ khác đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án.

6. Các hạng mục, hợp phần, công trình của dự án

Thuyết minh chi tiết các hạng mục, hợp phần của dự án và các dịch vụ được cung cấp trong dự án.

Trường hợp dự án có các công trình phụ trợ kèm theo, thuyết minh bổ sung các hạng mục công trình phụ trợ (nếu có).

7. Thiết kế cơ sở

- Đối với dự án DVC có cấu phần xây dựng (ví dụ công trình xây dựng phụ trợ), nội dung thiết kế cơ sở hợp phần xây dựng trong BCNCKT được lập theo quy định của pháp luật xây dựng.

- Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, BCNCKT thuyết minh, mô tả chi tiết mô hình hoạt động của dự án (kèm theo bản vẽ mô tả); các hình thức, hoạt động liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (ví dụ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, tổ chức của nông dân; liên kết giữa nông dân với tổ chức của nông dân thông qua hình thức hợp tác xã...); cách thức thực hiện liên kết (ví dụ thông qua hợp đồng, thỏa thuận...); các loại dịch vụ được cung cấp (sắp xếp thứ tự theo các công đoạn trong chuỗi liên kết sản xuất), trong đó mô tả chi tiết từng loại dịch vụ, nội dung của dịch vụ, công đoạn thực hiện (ví dụ công đoạn sản xuất, sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất, gồm: Tập huấn, đào tạo, chuyển giao quy trình, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, cung ứng giống, vật tư đầu vào theo phẩm cấp được thỏa thuận...; công đoạn chế biến, cung cấp dịch vụ bảo quản, hướng dẫn kỹ thuật sơ chế, chế biến...; công đoạn tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá cả, phẩm cấp sản phẩm đã thỏa thuận); các thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn chủ yếu dự kiến áp dụng...

IV. TÁC ĐỘNG VỀ MÔI TRƯỜNG, XÃ HỘI VÀ QUỐC PHÒNG, AN NINH

Thuyết minh chi tiết tác động về môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh của dự án theo những nội dung dưới đây:

1. Tác động về môi trường của dự án

Lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường. Trường hợp dự án sử dụng tài nguyên thiên nhiên làm yếu tố đầu vào chính (như tài nguyên đất, nước, rừng, biển...), phân tích chi tiết về tác động của dự án đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.

2. Tác động về xã hội của dự án

Thuyết minh yếu tố tác động đến xã hội trong quá trình thực hiện dự án như lao động, tạo việc làm, bình đẳng giới... và các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.

3. Tác động về quốc phòng, an ninh

Trường hợp dự án có tác động về quốc phòng, an ninh, phân tích chi tiết nội dung này và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.

V. DỰ BÁO NHU CẦU

Thuyết minh cụ thể về phương pháp đo lường, tính toán nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án tại thời điểm hiện tại và phương pháp dự báo nhu cầu trong tương lai.

Phân tích nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án tại thi điểm hiện tại và dự báo nhu cầu trong tương lai, làm cơ sở xem xét hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và phương án tài chính của dự án, cụ thể:

- Phân tích nhu cầu hiện tại: Căn cứ hiện trạng, quy mô, công suất, năng lực dự án; đối tượng sử dụng hoặc hưởng lợi từ dự án; nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng... phân tích nhu cầu tại thời điểm hiện tại.

- Dự báo nhu cầu trong tương lai: Trên cơ sở các phương pháp và nội dung dự báo, xây dựng các kịch bản về nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án (tối đa, trung bình, tối thiểu) trong suốt vòng đời dự án.

VI. PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DỰ ÁN

Phân tích và thuyết minh chi tiết hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án theo các nội dung sau:

1. Xác định các yếu tố chi phí và lợi ích về mặt kinh tế - xã hội

Xác định chi tiết các yếu tố chi phí và lợi ích về mặt kinh tế - xã hội của dự án theo các nhóm yếu tố dưới đây:

(i) Nhóm yếu tố có thể định lượng và quy đổi được thành tiền (được sử dụng để tính toán các chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án theo hướng dẫn lại Mục VI.2 Phụ lục này).

(ii) Nhóm yếu tố có thể định lượng nhưng không quy đổi được thành tiền.

(iii) Nhóm yếu tố chỉ có thể định tính.

2. Các chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án

Tính toán các chỉ tiêu để phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án gồm:

- Giá trị hiện tại ròng kinh tế (ENPV - Economic Net Present Value);

- Tỷ suất lợi ích và chi phí về kinh tế (BCR - Benefit Cost Ratio);

- Tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR - Ecomomic Internal Rate of Return).

Việc tính toán các chỉ tiêu trên thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Kết luận về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án

Trên cơ sở phân tích các nhóm yếu tố tại Mục VI.1 Phụ lục này và kết quả tính toán các chỉ tiêu phân tích kinh tế - xã hội theo hướng dẫn tại Mục VI.2, BCNCKT nêu kết luận về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Trường hợp dự án không có đủ điều kiện xác định cụ thể các yếu tố thuộc nhóm (i) theo hướng dẫn tại Mục VI.1 để tính toán chi tiết các chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội nêu trên, BCNCKT nêu kết luận cụ thể về hiệu quả kinh tế đối với các bên tham gia liên kết sản xuất (doanh nghiệp, nông dân…) và của toàn bộ dự án, kết luận về hiệu quả xã hội của dự án đối với cộng đồng dân cư, địa phương trong phạm vi dự án trên cơ sở phân tích chi tiết các nhóm yếu tố còn lại (ii, iii) tại Mục VI.1 Phụ lục này.

VII. PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH CỦA DỰ ÁN

Phân tích và thuyết minh chi tiết tổng mức đầu tư của dự án; cơ cấu nguồn vốn; phương án huy động vốn và phân tích phương án tài chính của dự án theo những nội dung dưới đây:

1. Tổng vốn đầu tư của dự án

Trên cơ sở các thuyết minh về kỹ thuật được lựa chọn, BCNCKT xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án, gồm: Tổng mức đầu tư và vốn lưu động ban đầu để khai thác, vận hành dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư được xác định theo pháp luật về xây dựng đối với hạng mục, hợp phần dự án có cấu phần xây dựng hoặc xác định theo pháp luật chuyên ngành đối với hạng mục, hợp phần dự án không có cấu phần xây dựng. Vốn lưu động ban đầu để khai thác, vận hành dự án bằng tổng chi phí cố định và chi phí biến đổi trong quá trình vận hành và bảo dưỡng ban đầu theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

2. Cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động

Trên cơ sở tổng vốn đầu tư của dự án, BCNCKT thuyết minh chi tiết cơ cấu nguồn vốn; đánh giá khả năng huy động vốn và đề xuất phương án huy động vốn để thực hiện dự án.

3. Phân tích tài chính của dự án

Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án phân tích và thuyết minh chi tiết phương án tài chính của dự án để làm rõ tính khả thi và xác định phần vốn tham gia của Nhà nước (nếu có) thông qua các thông số, chỉ tiêu tài chính sau:

3.1. Các thông số đầu vào sử dụng trong mô hình tài chính

- Luận chứng cơ sở xác định các thông số đầu vào của mô hình tài chính dự án (như tổng chi phí dự án; doanh thu của dự án; các thông số đầu vào khác như lãi vay, thời gian vay, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá, tỷ lệ khấu hao…) để trên cơ sở đó tính toán, đánh giá tính khả thi về mặt tài chính.

- Thuyết minh chi tiết các khoản chi trong mô hình tài chính dự án, tính toán tổng chi phí trong vòng đời dự án gồm tổng mức đầu tư và chi phí khai thác, vận hành trong suốt vòng đời dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư của các hạng mục, hợp phần dự án có cấu phần xây dựng được xác định theo pháp luật về xây dựng; các hạng mục, hợp phần dự án không có cấu phần xây dựng xác định theo pháp luật chuyên ngành; chi phí khai thác, vận hành trong suốt vòng đời dự án bằng các chi phí liên quan đến vận hành và bảo dưỡng công trình, dự án; các chi phí nhân lực để vận hành và bảo dưỡng công trình dự án (nếu có); chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn giám sát, dự phòng...

- Thuyết minh chi tiết về nguồn thu của dự án: Xác định các nguồn thu; mức giá, phí hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ dự kiến áp dụng phù hợp với loại hợp đồng dự án, mặt bằng chung và các quy định của pháp luật hiện hành; các khoản thu khác của dự án; dự kiến lộ trình tăng giá, phí... Đồng thời, căn cứ kết quả dự báo nhu cầu (đã được phân tích tại Mục V Phụ lục này) thuyết minh, tính toán các kịch bản khác nhau về nguồn thu, tính toán tổng doanh thu của dự án (ở mức căn bản, mức tối đa và mức tối thiểu) và doanh thu qua từng năm.

Lưu ý khi phân tích chi phí, doanh thu của dự án cần phân tích chi tiết chi phí, doanh thu của các bên tham gia liên kết sản xuất (doanh nghiệp, nông dân,...) để làm rõ lợi ích kinh tế của các bên khi tham gia dự án nhằm bảo đảm tính khả thi về tài chính của dự án và sự bền vững của liên kết.

3.2. Các chỉ tiêu tài chính để xem xét tính khả thi của dự án

Căn cứ các thông số đầu vào nêu trên, phương án tài chính của dự án cần được tính toán, phân tích dựa trên các chỉ tiêu chính sau đây:

- Giá trị hiện tại thuần tài chính (NPV - Net Present Value);

- Tỷ suất nội hoàn tài chính (IRR - Internal Rate of Return).

Ngoài các chỉ tiêu NPV và IRR, BCNCKT có thể phân tích thêm các chỉ tiêu: Thời gian hoàn vốn (PP - Payback Period); Tỷ suất hoàn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (ROE - Return on Equity); Tỷ suất khả năng trả nợ (DSCR - Debt Service Coverage Ratio) để đánh giá tổng thể tính khả thi về tài chính của dự án.

Việc tính toán các chỉ tiêu tài chính nêu trên và đánh giá tính khả thi về mặt tài chính của dự án thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có)

Trường hợp dự án cần sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, căn cứ kết quả phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án, loại hợp đồng dự án được lựa chọn và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đối với dự án đã được phê duyệt, BCNCKT thuyết minh chi tiết về sự cần thiết phải có vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án và các nội dung liên quan bao gồm: Giá trị phần vốn; khả năng cân đối và bố trí vốn; nội dung đầu tư, cách thức, kế hoạch và tiến độ giải ngân cho nhà đầu tư và các nội dung khác (nếu có).

5. Kết luận về phương án tài chính của dự án

Trên cơ sở nội dung phương án tài chính, kết quả phân tích tài chính theo hướng dẫn tại Điểm 3.1, 3.2 Mục VII, BCNCKT nêu kết luận về tính khả thi tài chính của dự án.

Trường hợp dự án không đủ cơ sở để tính toán chi tiết các chỉ tiêu tài chính nêu tại Điểm 3.2 Mục VII, BCNCKT giải trình cụ thể những khó khăn, vướng mắc dẫn tới việc không tính toán được các chỉ tiêu tài chính nêu trên; đưa ra kết luận về phương án tài chính của dự án thông qua việc đánh giá theo các yếu tố trong nhóm yếu tố (ii), (iii) tại Mục VI.1 Phụ lục này.

VIII. LOẠI HỢP ĐỒNG DỰ ÁN

1. Loại hợp đồng và phân chia trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng dự án

Đối với dự án dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp loại hợp đồng được đề xuất ký kết và thực hiện là hợp đồng DVC.

Trên cơ sở quy định của hợp đồng DVC, BCNCKT thuyết minh chi tiết vai trò, trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc quản lý, vận hành dự án, cung cấp các dịch vụ liên kết và bao tiêu sản phẩm theo giá cả, phẩm cấp đã thỏa thuận...; trách nhiệm của nông dân, tổ chức của nông dân (nếu có) trong tổ chức, triển khai sản xuất theo quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng được quy định, bán sản phẩm đầu ra theo số lượng, chất lượng, giá cả đã thỏa thuận...; trách nhiệm của nhà nước trong việc hỗ trợ, triển khai dự án và vai trò, trách nhiệm của các bên khác (nếu có) về những nội dung có liên quan.

2. Một số nội dung cơ bản của hợp đồng dự án

Căn cứ mục tiêu, nội dung dự án và quy định của hợp đồng DVC, BCNCKT dự kiến một số nội dung cơ bản của hợp đồng dự án theo nội dung hợp đồng dự án quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư này.

IX. PHÂN TÍCH RỦI RO TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

Báo cáo nghiên cứu khả thi phân tích các rủi ro chính của dự án, trách nhiệm của các bên trong quản lý rủi ro và cơ chế quản lý rủi ro theo các nội dung sau:

1. Phân tích các rủi ro chính của dự án

Mô tả và đánh giá các rủi ro chính trong suốt vòng đời dự án như: Rủi ro về chính trị và pháp lý, rủi ro về tình hình kinh tế vĩ mô, rủi ro xã hội, rủi ro về quyền sử dụng đất, rủi ro về môi trường, rủi ro về nhu cầu của thị trường, rủi ro về thiết kế - xây dựng công trình (nếu có), rủi ro về sản xuất và liên kết sản xuất, rủi ro về chi phí sản xuất và hoàn thiện công trình (nếu có), rủi ro về tài chính, rủi ro vận hành, rủi ro về kết thúc hợp đồng. Phân tích xác suất xảy ra và mức độ ảnh hưởng của các rủi ro đối với dự án.

2. Trách nhiệm của các bên trong quản lý rủi ro

Xác định rủi ro và trách nhiệm của đối tác tư nhân (nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, hợp tác xã...) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện dự án. Kiến nghị cụ thể cơ chế chia sẻ rủi ro giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đối tác tư nhân.

3. Cơ chế quản lý rủi ro

Thuyết minh các biện pháp giảm thiểu rủi ro có thể thực hiện.

X. CÁC HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Ưu đãi, bảo đảm đầu tư

Trên cơ sở các ưu đãi và bảo đảm đầu tư quy định tại Chương IX Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ và các ưu đãi đầu tư khác theo quy định của pháp luật. Báo cáo nghiên cứu khả thi nêu đề xuất và thuyết minh chi tiết về các ưu đãi đầu tư được đề nghị (bao gồm ưu đãi đặc thù của ngành, lĩnh vực hoặc của địa phương), các loại hình bảo lãnh, bảo đảm của Chính phủ và điều kiện kèm theo cũng như các nghĩa vụ dự phòng cần thiết trong thời gian thực hiện hợp đồng dự án (nếu có).

2. Các hỗ trợ khác (nếu có): Thuyết minh chi tiết về đề nghị hỗ trợ.

XI. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN DỰ ÁN

Thuyết minh chi tiết kế hoạch thực hiện dự án theo giai đoạn và các nội dung sau:

1. Chuẩn bị dự án

Xác định thời gian tổng thể để chuẩn bị dự án, bao gồm:

- Giai đoạn lập, thẩm định và phê duyệt ĐXDA (đã hoàn thành);

- Giai đoạn lập, thẩm định và phê duyệt BCNCKT;

- Giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (sơ tuyển, đấu thầu, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án; đóng tài chính của dự án và hợp đồng dự án bắt đầu có hiệu lực).

2. Thực hiện dự án

Xác định cụ thể thời gian thực hiện các nội dung, công việc chính của dự án dự kiến triển khai {bao gồm cả thời gian tổ chức lại sản xuất, trong đó có xây dựng tổ chức của nông dân, đào tạo, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và quy trình sản xuất cho nông dân; cung ứng hàng hóa, dịch vụ, vật tư đầu vào (hỗ trợ sản xuất như giống, phân bón...); bao tiêu sản phẩm đầu ra (kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, thu mua...)...} và thời điểm kết thúc dự án.

Trường hợp dự án có công trình xây dựng, cần xác định cụ thể cả thời gian xây dựng công trình, thời gian vận hành và chuyển giao công trình.

Trường hợp dự án phải phân kỳ để giảm sự phức tạp của việc đầu tư hoặc tăng tính khả thi về tài chính và sự hấp dẫn của dự án, BCNCKT cần phân tích nguyên nhân, dự kiến kế hoạch phân kỳ và trình bày các phương pháp thực hiện.

XII. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VÀ QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN

Thuyết minh chi tiết nội dung giám sát đánh giá dự án, quản lý thực hiện dự án theo các nội dung dưới đây:

1. Giám sát đánh giá dự án

Xác định các chỉ số đánh giá chất lượng thực hiện dự án làm cơ sở xây dựng hợp đồng dự án và giám sát chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án.

2. Yêu cầu về phương thức tổ chức quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ, sản phẩm dự án

Thuyết minh phương thức tổ chức quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ, sản phẩm của dự án, bao gồm các nội dung về: Phương thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với nhà đầu tư trong quá trình vận hành, cung cấp dịch vụ, sản phẩm của dự án; phương thức giám sát để đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ ổn định, liên tục, đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của người sử dụng và phương thức quản lý quá trình nhà đầu tư cung cấp dịch vụ, thu phí người sử dụng theo mức phí đã quy định trong hợp đồng dự án (nếu có); phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trên cơ sở chất lượng hàng hóa, dịch vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cung ứng.

3. Quản lý thực hiện dự án

Xác định cụ thể năng lực và dự kiến cơ cấu tổ chức quản lý thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đối với từng giai đoạn cụ thể của dự án.

D. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Trình bày các kết luận và kiến nghị cụ thể đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan (nếu có).

PHỤ LỤC III

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG HỢP ĐỒNG DỰ ÁN DVC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 14 /TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Căn cứ tính chất, quy mô, lĩnh vực dự án, trên cơ sở hướng dẫn nội dung hợp đồng dự án dưới đây, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nghiên cứu, thỏa thuận cụ thể nội dung hợp đồng phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP .

Hợp đồng dự án bao gồm những nội dung cơ bản dưới đây:

1. Căn cứ ký kết hợp đồng dự án

Liệt kê các văn bản pháp lý có liên quan làm căn cứ ký kết hợp đồng dự án:

a) Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP , Thông tư 06/2016/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

b) Văn bản phê duyệt đề xuất dự án, văn bản phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và văn bản lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án;

c) Văn bản ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án (nếu có);

d) Các văn bản cần thiết khác theo thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng dự án (gọi tắt là các Bên).

2. Các Bên ký kết hợp đồng dự án

Liệt kê chi tiết về các Bên tham gia ký kết hợp đồng:

a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án nhóm B và nhóm C theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP).

- Địa chỉ:........................................................................................................

- Điện thoại: …………………… fax………………………………………

- Người đại diện theo pháp luật (họ và tên, chức vụ)

b) Nhà đầu tư

- Tên ………………………(tên tiếng Việt, tiếng Anh và tên viết tắt, nếu có)

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với dự án nhóm A và B) số ……. do Sở Kế hoạch và Đầu tư/Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ………….. cấp ngày ……………. (đối với trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam).

- Địa chỉ: …………………………………………………...............................

- Điện thoại: …………………… fax……………………...............................

Người đại diện (họ và tên, chức vụ)

(Trường hợp một Bên ký kết là nhà đầu tư nước ngoài, ghi tên, quốc tịch của nhà đầu tư; số giấy phép thành lập hoặc số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu có; địa chỉ, điện thoại, fax, họ và tên, chức vụ của người đại diện được ủy quyền).

c) Doanh nghiệp dự án (trường hợp doanh nghiệp dự án cùng với nhà đầu tư hợp thành một Bên tham gia hợp đồng dự án, sau khi nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật, đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng dự án; nếu có).

3. Giải thích từ ngữ

Giải thích các thuật ngữ, khái niệm cơ bản được sử dụng trong hợp đồng phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP , pháp luật hiện hành và ngữ cảnh cụ thể của hợp đồng dự án.

Trường hợp hợp đồng dự án có nhiều từ ngữ cần giải thích có thể lập thành phụ lục kèm theo.

4. Mục đích của hợp đồng dự án

Nêu rõ mục đích của hợp đồng dự án theo thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án về việc thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP , Thông tư này và các thỏa thuận cụ thể tại hợp đồng này.

5. Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện dự án

Nêu rõ mục tiêu, quy mô, năng lực, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện dự án, bao gồm:

a) Mô tả mục tiêu, quy mô, năng lực dự án {bao gồm: quy mô, năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ, số người hưởng lợi, số lượng tác nhân tham gia liên kết; quy mô, năng lực các hạng mục xây dựng, trang thiết bị và các hoạt động của dự án (nếu có)}.

b) Địa điểm thực hiện dự án, phạm vi, diện tích đất dự kiến sử dụng của dự án và các công trình phụ trợ (nếu có).

c) Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án.

6. Yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ được cung cấp

Nêu cụ thể yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp, bao gồm:

a) Yêu cầu về cách thức tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (hình thức liên kết giữa các đối tác…; cách thức thực hiện liên kết: Thông qua ký hợp đồng, hợp đồng phụ giữa các đối tác trong liên kết (ví dụ giữa nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án với hợp tác xã nông nghiệp/nông dân, giữa nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác...); các dịch vụ liên kết và sản phẩm được cung cấp; các yêu cầu về khảo sát, thiết kế, thi công đối với dự án có hợp phần hoặc hạng mục xây dựng công trình (nếu có); thủ tục lập, phê duyệt.

b) Yêu cầu kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp.

c) Các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ khác có liên quan.

d) Quyền, nghĩa vụ của mỗi Bên trong việc thực hiện các thủ tục, yêu cầu nêu tại các Điểm a, b, c Mục này.

7. Vốn đầu tư và phương án tài chính của dự án

Nêu cụ thể các nội dung sau:

a) Tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động, trong đó:

- Vốn chủ sở hữu và tiến độ huy động;

- Vốn vay và tiến độ huy động;

- Điều kiện, tỷ lệ và tiến độ giải ngân vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có).

b) Nghĩa vụ của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và phân kỳ đầu tư.

c) Cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng vốn nhà nước để tham gia thực hiện dự án (nếu có).

d) Các điều kiện được phép điều chỉnh tổng vốn đầu tư, vốn chủ sở hữu và biện pháp xử lý.

đ) Phương án vận hành dự án để hoàn vốn và thu lợi nhuận {xác định các sản phẩm/dịch vụ được cung cấp; nguồn thu và giá, phí hàng hóa, dịch vụ; phương pháp xác định giá, phí, thời gian cung cấp dịch vụ; nguyên tắc điều chỉnh giá, phí; chi phí vận hành, quản lý, bảo dưỡng dự án, công trình phụ trợ (nếu có)}.

e) Phương án tài chính của dự án, bao gồm: Tổng vốn đầu tư; các khoản chi; nguồn thu của dự án và của các bên tham gia liên kết; thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận...

8. Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các điều kiện về sử dụng đất và công trình có liên quan

Nêu cụ thể phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các điều kiện về sử dụng đất và công trình có liên quan (nếu có), bao gồm:

a) Thời điểm, tiến độ giao đất theo thỏa thuận cụ thể giữa các Bên phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.

b) Nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giải phóng mặt bằng và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.

c) Nghĩa vụ của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án trong việc bảo đảm thu xếp nguồn vốn để thanh toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

d) Quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án trong việc sử dụng, quản lý diện tích đất đã được giao; quyền, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và sử dụng đất của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

đ) Các điều kiện về sử dụng đất, sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình phụ trợ cần thiết cho việc vận hành dự án (nếu có).

e) Các quy định về khai quật và xử lý các vật hóa thạch, cổ vật, công trình kiến trúc hoặc các hiện vật khác trong khu vực dự án và quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án đối với các hiện vật này.

g) Các quyền, nghĩa vụ khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án theo thỏa thuận cụ thể giữa các Bên phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

h) Trách nhiệm của mỗi Bên trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ đã cam kết tại mục này.

9. Các quy định về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường

Nêu rõ các nghĩa vụ trong việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn (về sản xuất, thực phẩm,...) trong quá trình thực hiện dự án; đánh giá tác động môi trường của dự án và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường theo các quy định có liên quan của Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật An toàn thực phẩm.

10. Thời gian và tiến độ triển khai cung cấp dịch vụ, xây dựng công trình (nếu có) của dự án

Nêu cụ thể thời gian và tiến độ triển khai cung cấp dịch vụ, xây dựng công trình (nếu có) của dự án, bao gồm:

a) Đối với dự án DVC không có cấu phần xây dựng:

Thời gian chuẩn bị, thời điểm triển khai dự án, tiến độ từng nội dung/hợp phần của dự án, thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ (cần có phụ lục cụ thể để cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra tiến độ từng nội dung/hợp phần từ khi bắt đầu triển khai đến khi cung cấp dịch vụ).

b) Đối với dự án DVC có cấu phần xây dựng:

- Thời gian thực hiện công tác chuẩn bị xây dựng, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thời điểm khởi công xây dựng và tiến độ thực hiện từng hạng mục; thời điểm hoàn thành hạng mục, công trình (kèm theo Phụ lục quy định cụ thể tiến độ và thời gian thực hiện từng hạng mục và Báo cáo của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án về tiến độ xây dựng nhằm đảm bảo để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra tiến độ xây dựng công trình từ khi khởi công cho đến khi đưa vào hoạt động).

- Thời gian triển khai tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như hướng dẫn tại Điểm a, Mục này.

c) Các trường hợp và điều kiện được phép điều chỉnh thời gian, tiến độ cung cấp dịch vụ, xây dựng công trình (nếu có).

d) Quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên và biện pháp xử lý trong trường hợp một trong các Bên vi phạm nghĩa vụ đã cam kết nêu tại Mục này, bao gồm các trường hợp làm phát sinh hoặc phải trì hoãn phần công việc phải hoàn thành và trách nhiệm bồi thường của Bên vi phạm.

11. Các quy định về triển khai dự án, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng, nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư các hợp phần/hạng mục của dự án trước khi hoàn thành và đưa vào sử dụng

Nêu rõ các quy định về triển khai dự án, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng, nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư các hợp phần/hạng mục của dự án trước khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm:

a) Quyền, nghĩa vụ của các Bên trong việc thực hiện các thủ tục, yêu cầu về triển khai dự án (ví dụ: thành lập doanh nghiệp dự án (nếu có); xây dựng tổ chức của nông dân; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chế biến; mua sắm trang thiết bị phục vụ dự án…) phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

b) Lựa chọn các nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa phục vụ dự án (nếu có) phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

c) Chế độ quản lý chất lượng và giám sát, nghiệm thu các hợp phần/ hạng mục dự án phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

d) Thủ tục kiểm toán và quyết toán vốn đầu tư các hợp phần, hạng mục của dự án và toàn bộ dự án trước khi hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ hoạt động của dự án phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các quy định hiện hành.

12. Các quy định về thi công xây dựng, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng, nghiệm thu, quyết toán công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng (nếu có)

Nêu rõ các quy định về thi công, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng, nghiệm thu, quyết toán công trình, bao gồm:

a) Quyền, nghĩa vụ của các Bên trong việc thực hiện các thủ tục, yêu cầu về thi công xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

b) Lựa chọn các nhà thầu trong quá trình xây dựng công trình (nếu có) phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

c) Chế độ quản lý chất lượng và giám sát, nghiệm thu công trình phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

d) Thủ tục kiểm toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình trước khi hoàn thành và đưa vào sử dụng phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các quy định hiện hành.

13. Các quy định về giám định, vận hành, bảo dưỡng và hoạt động cung cấp dịch vụ của dự án

Nêu rõ các quy định về giám định, vận hành, bảo dưỡng và hoạt động cung cấp dịch vụ của dự án, bao gồm:

a) Quyền và nghĩa vụ của các Bên trong việc thực hiện các quy định về giám định {giám định và kiểm định chất lượng dịch vụ, thi công xây dựng; giám định thiết bị… (nếu có)} phù hợp với quy định của pháp luật và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

b) Quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án trong việc tổ chức quản lý, vận hành, duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ của dự án và bảo đảm các dịch vụ được cung cấp liên tục và ổn định trong suốt vòng đời dự án; quyền và nghĩa vụ trong việc hoàn thiện lại dịch vụ, bảo dưỡng công trình (nếu có); điều kiện, biện pháp giải quyết khi tạm ngừng cung cấp hàng hóa, dịch vụ do sự cố kỹ thuật, sự kiện bất khả kháng và các trường hợp khác phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

c) Nghĩa vụ của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án trong việc mua bảo hiểm và bảo hành công trình, dịch vụ phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, văn bản pháp luật có liên quan và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

d) Quyền, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát và phối hợp với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án thực hiện các nghĩa vụ nêu tại Mục này.

14. Quy định về chuyển giao dự án (nếu có)

Nêu rõ các quy định về chuyển giao dự án, bao gồm:

a) Điều kiện kỹ thuật, tình trạng hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, công trình (nếu có) khi chuyển giao (cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn để giám định chất lượng trước khi chuyển giao).

b) Danh sách các hạng mục công trình, máy móc, thiết bị, tài sản (nếu có) và toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, vận hành, cung cấp dịch vụ của dự án.

c) Nghĩa vụ của mỗi Bên trong việc bảo dưỡng, sửa chữa các hư hại (nếu có) để duy trì hoạt động bình thường của dự án sau khi chuyển giao.

d) Nghĩa vụ của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án trong việc chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ năng quản lý, kỹ thuật để vận hành dự án sau khi chuyển giao.

đ) Trình tự, thủ tục chuyển giao sản phẩm, dịch vụ, công trình (nếu có) của dự án.

e) Cơ quan tiếp nhận và quản lý dự án sau khi chuyển giao.

15. Quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên

Nêu rõ các quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên trong việc thực hiện các quy định nêu tại hợp đồng dự án (bao gồm cả các quyền, nghĩa vụ được quy định cụ thể trong từng điều khoản của hợp đồng), quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP , Thông tư này và văn bản pháp luật có liên quan.

16. Các ưu đãi, hỗ trợ và bảo đảm đầu tư (nếu có)

Nêu cụ thể các ưu đãi, hỗ trợ và bảo đảm đầu tư, bao gồm:

a) Thủ tục hưởng ưu đãi đối với thuế, nghĩa vụ tài chính, ưu đãi đầu tư (nếu có) áp dụng đối với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án theo quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

b) Các biện pháp bảo đảm đầu tư phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP .

c) Cam kết bảo lãnh của Chính phủ (nếu có) theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP .

d) Các hỗ trợ hoặc cam kết khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án theo thỏa thuận cụ thể giữa các Bên (nếu có).

17. Sửa đổi, bổ sung Hợp đồng dự án

Nêu rõ các trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án, bao gồm:

a) Các trường hợp và điều kiện được phép điều chỉnh quy định của hợp đồng dự án phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan (ví dụ: thay đổi về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất, tổng vốn đầu tư, thay đổi về nguồn thu, thời gian vận hành, khai thác dự án; thay đổi do sự kiện bất khả kháng và các trường hợp khác theo thỏa thuận giữa các Bên).

b) Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

18. Quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay

Nêu rõ các điều kiện, thủ tục tiếp nhận dự án của Bên cho vay được thỏa thuận phù hợp với hợp đồng vay, quy định tại Điều 33 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP .

19. Chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng dự án

Nêu rõ các nội dung sau:

a) Các điều kiện, trình tự, thủ tục cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án; quyền, nghĩa vụ của Bên nhận chuyển nhượng phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

b) Các điều kiện, trình tự, thủ tục xác lập, thực thi và đảm bảo thực hiện hợp đồng vay vốn, thỏa thuận bảo lãnh và các quyền tiếp nhận dự án theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP .

20. Thời hạn và kết thúc Hợp đồng dự án

Nêu cụ thể các nội dung về:

a) Thời hạn của Hợp đồng dự án và các điều kiện để gia hạn hoặc rút ngắn thời hạn của dự án hoặc hợp đồng dự án theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và thỏa thuận cụ thể giữa các Bên.

b) Các trường hợp và điều kiện kết thúc hợp đồng dự án theo thỏa thuận hoặc chấm dứt trước thời hạn phù hợp với quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP .

c) Quyền, nghĩa vụ của mỗi Bên khi kết thúc hợp đồng dự án theo đúng thời hạn đã thỏa thuận.

d) Quyền, nghĩa vụ của mỗi Bên trong trường hợp chấm dứt trước thời hạn đã thỏa thuận; giá trị và phương pháp tính toán giá trị bồi thường thiệt hại do lỗi của một Bên.

đ) Trình tự, thủ tục thanh lý hợp đồng trong các trường hợp kết thúc hợp đồng dự án nêu tại Mục này.

21. Các sự kiện bất khả kháng và nguyên tắc xử lý

Nêu rõ các nội dung về:

a) Các trường hợp bất khả kháng và nguyên tắc xác định sự kiện bất khả kháng.

b) Quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi Bên khi xảy ra sự kiện bất khả kháng theo nguyên tắc: các Bên được miễn trách nhiệm theo hợp đồng dự án khi xảy ra sự kiện bất khả kháng phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư.

22. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan

Nêu rõ pháp luật được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan đến việc thực hiện dự án phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

23. Giải quyết tranh chấp

Nêu rõ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các Bên tham gia hợp đồng dự án và tranh chấp giữa nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án với các bên có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

24. Hiệu lực Hợp đồng dự án

Cần nêu rõ các nội dung sau:

a) Thời điểm bắt đầu có hiệu lực và kết thúc hợp đồng DVC.

b) Thời gian, địa điểm ký kết, số bản hợp đồng và giá trị pháp lý của mỗi bản.

25. Điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án

Nêu cụ thể về các điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án.

26. Những nội dung khác

Nêu cụ thể các nội dung khác do các Bên thỏa thuận tùy thuộc vào lĩnh vực, quy mô, tính chất và yêu cầu thực hiện dự án với điều kiện không trái với quy định của pháp luật (ví dụ: quy định về đồng tiền thanh toán, chế độ báo cáo, bảo mật thông tin và các vấn đề khác).

27. Các phụ lục và tài liệu kèm theo

Các phụ lục, văn bản, tài liệu kèm theo do các Bên thỏa thuận phù hợp với lĩnh vực, quy mô, tính chất và yêu cầu thực hiện dự án.

Đại diện cơ quan nhà nước
có thẩm quyền

Đại diện theo pháp luật
của nhà đầu tư

Đại diện theo pháp luật của
doanh nghiệp dự án (nếu có)

MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
----------------

No. 14/2017/TT-BNNPTNT

Hanoi, July 05, 2017

 

CIRCULAR

GUIDANCE ON PUBLIC PRIVATE PARTNERSHIP FOR INVESTMENT IN AGRICULTURE AND RURAL AREAS

Pursuant to Law on public investment dated June 18, 2014;

Pursuant to Law on investment dated November 26, 2014;

Pursuant to the Government's Decree No. 15/2015/ND-CP dated February 14, 2015 on investment via Public Private Partnership;

Pursuant to the Government’s Decree No. 15/2017/ND-CP date February 17, 2017 on functions, duties, powers and organizational structure of Ministry of Agriculture and Rural Development;

To implement the document No. 10126/VPCP-KTN of Office of the Government dated November 24, 2016 on additions of PPP contract related to agriculture in accordance with regulations of Decree No. 15/2015/ND-CP;

At the request Director General of Department of Planning,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope

This Circular provides detailed guidance on investment areas, contents of project proposals, feasibility study reports and contracts for projects on Public Private Partnership for investment in agriculture and rural areas (hereinafter referred to as “PPP projects”).

Article 2. Regulated entities

This Circular applies to competent authorities, investors, project management enterprise and organizations and individuals related to the execution of PPP projects.

Article 3. Definitions

For the purpose of this Circular, the terms below shall be construed as follows:

1. "agriculture” includes farming, breeding, forestry, salt production, aquaculture and irrigation.

2. "agricultural products” includes products of farming, breeding, forestry and aquaculture and salt production.

3. “farmers” includes people who cultivate plants, breed animals, plant and take care of trees and forest, breed and plant aquatic organisms and produce salt.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. “Services to establish the connection between farmers or agricultural cooperatives and investors or project management enterprises” include 3 groups as follows:

a) Group of services related to assistance in agricultural production includes provision of input materials, finance, credit, training in and supply of human resources, infrastructure, provision of consultancy related to science, technology and policy, encouragement of agriculture, transfer of advanced techniques, mechanization, veterinary and plant protection;

b) Group of services related to preservation and processing of agricultural products includes preservation (storage, refrigeration, drying, steaming sterilization, irradiation), preliminary processing and processing of agricultural products;

c) Group of services related to the sale of agricultural products includes product sale, testing, analysis, verification, quality certification, conformity assessment, creation of trade name of agricultural products and logistic services.

6. “contract for connection service” means a contract that is signed by the competent authority and an investor to carry out a connection service project. In which, the investor or project management enterprise shall provide services and cooperate with farmers and agricultural cooperatives, may manage and operate the project and collect fees from people using the services (if any). However, the investor shall provide insurance for agricultural product sale as prescribed in the contract. The competent authority may invest in the project in money or other forms in accordance with regulations of law. After the project contract finishes, the investor shall transfer the property and works of the project (if any) to the competent authority according to their agreement.

7. “PPP project contracts" includes contracts prescribed in Clause 3, 4, 5, 6, 7, 8 and 9 Article 3 of Decree No. 15/2015/ND-CP and contracts mentioned in Clause 6 of this Article.

Article 4. Areas of PPP for investment in agriculture and rural areas

1. Construction, renovation, operation and management of agricultural and rural infrastructure works, including:

a) Works or work items in the irrigational system serving the agricultural production or serving both agricultural production, industry, service and daily life;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Infrastructure works or work items serving aquaculture, commercial fishing and other fishery infrastructure;

d) Infrastructure works or work items serving farming and breeding;

dd) Infrastructure works or work items serving forest protection and development;

e) Infrastructure works or work items serving salt production and processing;

g) Warehouses serving storage and preservation of agricultural products;

h) Infrastructure works or work items of hi-tech agricultural zones or areas;

i) Works or work items of quarantine establishments, establishments testing and certifying agricultural product quality;

k) Works for water drainage, collection and treatment of waste water, wastes and prevention of rural environmental pollution.

2. A connection service project shall include at least 2 services included in groups of services prescribed in Clause 5 Article 3 of this Circular. In which, the service of agricultural product sale is compulsory.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A proposal for a project on construction, renovation, operation or management of agricultural and rural infrastructure shall be made in accordance with instructions in Appendix I of Circular No. 02/2016/TT-BKHDT of the Minister of Planning and Investment dated March 01, 2016.

2. The proposal for a connection service project shall be made in accordance with instructions in Appendix I of this Circular.

Article 6. Contents of feasibility study reports on projects

1. The feasibility study report on a project on construction, renovation, operation or management of agricultural and rural infrastructure shall be made in accordance with instructions in Appendix III of Circular No. 02/2016/TT-BKHDT of the Minister of Planning and Investment dated March 01, 2016.

2. The feasibility study report on a connection service project shall be made in accordance with instructions in Appendix II of this Circular.

Article 7. Contents of PPP project contracts

1. A contract for a PPP project on construction, renovation, operation or management of agricultural and rural infrastructure shall be made in accordance with Article 10 Chapter III and Appendix I of Circular No. 06/2016/TT-BKHDT of the Minister of Planning and Investment dated June 28, 2016.

2. A contract for a connection service project shall be made in accordance with instruction in Appendix III of this Circular.

Article 8. Responsibility for state administration related to PPP for investment in agriculture and rural areas

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Take charge of state administration related to PPP for investment in agriculture and rural areas within its jurisdiction as prescribed in Article 69 of Decree No. 15/2015/ND-CP and other regulations of this Circular.

b) Assign its affiliated entities to manage PPP projects funded by the state budget managed by the Ministry of Agriculture and Rural Development. To be specific:

- Department of Planning shall:

Take charge of consultancy and submit the plan for public investment in PPP projects to the Minister of Agriculture and Rural Development (hereinafter referred to as “Minister”) .

Take charge, consolidate, verify and submit PPP project proposals to the Minister for the approval and publish the list of projects after the projects proposals are approved.

Take charge of consultancy and request the Minister to decide the guidelines for making feasibility study reports on PPP projects.

Take charge, consolidate, verify and submit feasibility study reports on connection service projects (except for the projects related to construction) to the Minister for approval after offering opinions of relevant authorities.

Take charge of the negotiation of PPP project contracts; request the Minister to sign the investment agreement and authorize the execution of the PPP project contracts in case of domestic investor or project management enterprise.

Supervise the fulfillment of obligations by the domestic investor or project management enterprise in accordance with regulations of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Take charge of the negotiation of PPP project contracts; request the Minister to sign the investment agreement and authorize the execution of the contract in case of foreign investor or project management enterprise.

Supervise the compliance with obligations by the foreign investor or project management enterprise in accordance with regulations of law.

- Department of Finance

Take charge of the assessment and request the Minister to determine the value the state property invested in the project (including land) in accordance with regulations of law.

Provide the instruction on and carry out the inspection of statement of the state investments in accordance with regulations of law.

- Department of Construction Management

Take charge of the assessment and request the Minister to approve the feasibility study report or approve adjustments to this report on the PPP project on construction of infrastructure within its power assigned by the Ministry of Agriculture and Rural Development and connection service project related to construction.

Take charge and cooperate with relevant authorities and organizations to perform the state administration in term of the quality of construction works, supervise the quality of construction works and the compliance with regulations of law on investment in capital construction.

- General Department, departments of specialized management

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Assess the proposal for and feasibility study report on a PPP project made by another authority within their assigned power in accordance with regulations of law.

Take charge of the negotiation of project contracts within their assigned power in accordance with regulations of law.

Sign and execute PPP projects contracts included in group B and C as prescribed in case of authorized by the Minister.

Receive the property of the project (if any) after the project finishes.

2. The People's Committees of provinces shall take charge of state administration related to PPP for investment in agriculture and rural areas as prescribed in Article 70 of Decree No. 15/2015/ND-CP and other regulations of this Circular.

Article 9. Effect

1. This Circular comes into force from August 22, 2017.

2. If legislative documents mentioned in this Circular are amended or replaced, the new regulations of amended legislative documents or new legislative documents will be applied.

3. Any problem arising during the implementation of this Circular should be reported in writing to the Ministry of Agriculture and Rural Development for timely solutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

P.P MINISTER
DEPUTY MINISTER




Hoang Van Thang

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 14/2017/TT-BNNPTNT ngày 05/07/2017 hướng dẫn thực hiện về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.808

DMCA.com Protection Status
IP: 3.140.195.249
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!