BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4196/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 10 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy
định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục
Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 190/TTr-KTHT-VP ngày
17/3/2023; số 904/KTHT-VP ngày 08/9/2023;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí và chức năng
1. Cục Kinh tế hợp tác và Phát
triển nông thôn là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực
hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi
pháp luật về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kinh tế hộ, trang trại
và liên kết sản xuất trong nông nghiệp; chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp,
nông thôn; cơ điện nông nghiệp, nông thôn; diêm nghiệp; bố trí ổn định dân cư,
di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện, định canh; phát triển
ngành nghề nông thôn, làng nghề; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông
thôn, an sinh xã hội nông thôn và phát triển nông thôn thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
2. Cục Kinh tế hợp tác và Phát
triển nông thôn có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh
phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Cục đặt tại thành
phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm
vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn:
a) Các dự thảo: luật, nghị quyết
của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị định,
nghị quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; văn bản
quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về lĩnh vực kinh tế hợp tác, kinh tế tập
thể, hợp tác xã; kinh tế hộ, trang trại và liên kết sản xuất trong nông nghiệp;
chính sách phát triển cơ điện nông nghiệp, nông thôn; diêm nghiệp; bố trí ổn định
dân cư, di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện, định canh; phát
triển ngành nghề nông thôn; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; an
sinh xã hội nông thôn và phát triển nông thôn; một số nhiệm vụ khác thuộc phạm
vi quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, cơ chế, chính sách và các chương trình,
đề án, dự án, kế hoạch hành động và công trình quan trọng quốc gia thuộc phạm
vi quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng.
2. Tổ chức xây dựng quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; tiêu chuẩn quốc gia về
quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của
Bộ trưởng và quy định của pháp luật; hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện sau khi
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Ban hành các văn bản cá biệt
và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.
4. Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp,
báo cáo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch chương trình, đề án, dự án; tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
5. Về kinh tế hợp tác, kinh tế
tập thể, hợp tác xã; kinh tế hộ, trang trại và liên kết sản xuất trong nông
nghiệp:
a) Trình Bộ trưởng cơ chế,
chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược phát triển dài hạn,
trung hạn, hàng năm về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kinh tế hộ,
trang trại và liên kết sản xuất trong nông nghiệp thuộc nhiệm vụ quản lý của Cục;
b) Chủ trì thực hiện các nhiệm
vụ về phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kinh tế hộ,
trang trại và liên kết sản xuất trong nông nghiệp; chính sách phát triển kinh tế
nông nghiệp, nông thôn thuộc phạm vi quản lý của Cục;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa
phương chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến trong sản
xuất, kinh doanh của hộ nông dân, trang trại và các tổ chức kinh tế tập thể (tổ
hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) trong nông nghiệp thuộc lĩnh vực quản
lý của Cục;
d) Hỗ trợ tổ chức xúc tiến
thương mại, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, logistics, ứng dụng công
nghệ số và quảng bá sản phẩm của các hộ nông dân, trang trại và các tổ chức
kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp theo phân công của Bộ trưởng;
đ) Phối hợp với các cơ quan,
đơn vị chức năng thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các Bộ, ngành có liên
quan nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế hộ,
trang trại; kinh tế tập thể, hợp tác xã; liên kết sản xuất trong nông nghiệp;
e) Chủ trì xây dựng kế hoạch, nội
dung, phối hợp tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và các nội dung
có liên quan về: Kinh tế nông nghiệp, kinh tế hộ, trang trại; kinh tế tập thể,
hợp tác xã trong nông nghiệp; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông
nghiệp; tổ chức sản xuất phát triển vùng nguyên liệu, chuyên canh nông nghiệp.
Hướng dẫn các địa phương và các cơ sở đào tạo thực hiện việc bồi dưỡng, đào tạo,
tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước; chủ trang trại; cán bộ,
thành viên và người lao động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong
nông nghiệp và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của nông dân theo phân
công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật;
g) Chủ trì, chỉ đạo, đôn đốc,
hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng các mô hình thí điểm về kinh tế hộ, trang trại,
kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp; mô hình liên kết sản xuất và
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng
nông thôn mới theo phân công của Bộ trưởng.
6. Về phát triển nông thôn:
a) Thẩm định, trình Bộ trưởng
cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phát triển nông
thôn theo phân công của Bộ trưởng;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức
hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp và đa dạng sinh kế
cho đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng nghèo ở nông thôn thuộc phạm vi quản
lý của Bộ theo phân công của Bộ trưởng;
c) Chủ trì tham mưu trình Bộ tổ
chức triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia không còn nạn đói ở
Việt Nam theo quy định;
d) Phối hợp thực hiện các nhiệm
vụ về phát triển nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông
thôn mới theo phân công của Bộ trưởng;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính
sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật; triển khai thực
hiện về bảo hiểm nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo phân công của Bộ
trưởng;
e) Tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ: Dân tộc; trẻ em; người cao tuổi; phòng, chống ma túy; phòng chống tác hại
thuốc lá và các chương trình, dự án khác theo phân công của Bộ trưởng và quy định
pháp luật;
f) Tổ chức thực hiện các nội
dung có liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi, các chương trình, dự án an sinh xã hội khác theo phân
công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
7. Về bố trí dân cư và di dân,
tái định cư:
a) Trình Bộ trưởng cơ chế,
chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược phát triển dài hạn,
trung hạn, hàng năm về bố trí dân cư, di dân tái định cư các công trình thủy lợi,
thủy điện; bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới,
hải đảo, vùng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, di cư tự do,
vùng xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; công tác định
canh, bố trí dân cư trong nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm
ổn định đời sống, sản xuất và an toàn cho các hộ dân thuộc nhiệm vụ quản lý của
Bộ;
b) Chủ trì tổng hợp các dự án bố
trí ổn định dân cư cấp bách và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định. Xây dựng nội dung, tổ chức triển khai đào tạo,
bồi dưỡng, tập huấn về công tác bố trí dân cư; Phối hợp tham mưu xây dựng cụm,
tuyến dân cư các xã đảo, vùng giáp biên giới đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững
theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ
phát triển sản xuất vùng dự án bố trí ổn định dân cư và ổn định đời sống, sản
xuất cho người dân sau tái định cư các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện theo quy
định;
d) Chủ trì theo dõi, đôn đốc,
hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Bộ về bố trí ổn định dân cư, di dân
tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện, định canh theo phân công của Bộ
trưởng.
8. Về diêm nghiệp:
a) Trình Bộ trưởng cơ chế,
chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược phát triển dài hạn,
trung hạn, hàng năm về phát triển diêm nghiệp; b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản; tổng kết,
đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất muối hàng năm; Tổng hợp báo cáo Bộ diện
tích đất làm muối, sản xuất, kinh doanh muối theo quy định;
c) Trình Bộ trưởng ban hành và
kiểm tra thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình về sản xuất, chế biến
bảo quản muối và các sản phẩm của muối (không bao gồm muối dùng trong lĩnh vực
y tế) theo quy định;
d) Xử lý rào cản kỹ thuật về xuất
khẩu, nhập khẩu sản phẩm muối theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp
luật;
đ) Quản lý an toàn thực phẩm từ
công đoạn sản xuất ban đầu đến sơ chế, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, chế biến,
xuất khẩu, nhập khẩu muối (không bao gồm muối dùng trong lĩnh vực y tế); Chỉ đạo,
phối hợp với địa phương xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị ngành muối theo
phân công của Bộ trưởng;
e) Thẩm định, đánh giá, chỉ định,
công nhận và quản lý hoạt động của phòng, đơn vị thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp
trong lĩnh vực diêm nghiệp theo quy định;
f) Đề xuất chủ trương đầu tư dự
án nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối, kinh doanh, dịch vụ liên quan
đến sản xuất, tiêu thụ muối theo quy định;
g) Tổ chức thực hiện các chương
trình, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, áp dụng khoa
học công nghệ, phát triển sản xuất, chế biến, đa dạng các sản phẩm muối; bảo tồn
và phát triển nghề muối truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn và bảo
vệ môi trường sinh thái theo phân công của Bộ trưởng;
h) Chủ trì theo dõi, đôn đốc,
hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Bộ về lĩnh vực diêm nghiệp thuộc lĩnh
vực quản lý nhà nước của Cục.
9. Về cơ điện nông nghiệp:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện quy hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách phát triển cơ điện
nông nghiệp;
b) Kiểm định kỹ thuật an toàn
máy, thiết bị, vật tư đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản
lý của Bộ theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn thực hiện và tổ chức
kiểm tra công tác an toàn lao động trong sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp thuộc
phạm vi quản lý của Bộ; tổ chức kiểm tra an toàn lao động đối với các đơn vị
thuộc Bộ theo quy định.
10. Về ngành nghề, làng nghề
nông thôn:
a) Xây dựng trình Bộ trưởng cơ
chế, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông
thôn; bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ theo phân
công của Bộ trưởng;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án phát
triển ngành nghề, làng nghề nông thôn;
c) Đầu mối phối hợp với Bộ,
ngành, địa phương và cơ quan có liên quan để giải quyết những nội dung về phát
triển làng nghề, ngành nghề nông thôn;
d) Tổ chức các hoạt động cung cấp
thông tin, triển lãm, hội chợ và quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, cơ sở
ngành nghề nông thôn theo phân công của Bộ trưởng.
11. Về đào tạo nghề nông nghiệp
cho lao động nông thôn:
a) Trình Bộ trưởng cơ chế,
chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược phát triển dài hạn,
trung hạn, hàng năm về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; tổ chức
thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
b) Tham mưu cho Bộ đặt hàng,
giao nhiệm vụ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng các chương trình, giáo
trình đào tạo, chuẩn đầu ra các nghề nông nghiệp; xây dựng tài liệu hướng dẫn
đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo phân công của Bộ trưởng và
quy định của pháp luật;
c) Kiểm tra, giám sát, tổng hợp
báo cáo Bộ và các Bộ, ngành có liên quan về kết quả đào tạo nghề nông nghiệp
cho lao động nông thôn theo quy định.
12. Đề xuất, tổ chức thực hiện
điều tra cơ bản, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý của Cục.
13. Đề xuất, thực hiện quản lý
nhà nước và tổ chức các chương trình, dự án đầu tư, đề án, mô hình, đề tài
chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng và quy
định của pháp luật.
14. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc,
tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá các cơ chế chính sách, các chương trình,
đề án, dự án, đề tài, kế hoạch, mô hình và tổng hợp báo cáo thuộc lĩnh vực quản
lý nhà nước của Cục.
15. Thực hiện hợp tác quốc tế,
hội nhập kinh tế quốc tế và các chương trình, dự án quốc tế; đề xuất, tổ chức
thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, kinh tế hợp tác và
phát triển nông thôn theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng và quy định của
pháp luật.
16. Thực hiện cải cách hành
chính, chuyển đổi số theo chương trình, kế hoạch, đề án cải cải cách hành
chính, chuyển đổi số của Bộ và quy định của pháp luật.
17. Về quản lý tổ chức, hoạt động
dịch vụ công:
a) Trình Bộ cơ chế, chính sách
về cung ứng dịch vụ công; thực hiện xã hộ i hoá các hoạt động cung ứng dịch vụ
công; định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, quốc gia, cơ chế
giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và các quy định về dịch vụ sự nghiệp
công thuộc phạm vi quản lý của Cục.
b) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ
chức thực hiện dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
18. Phối hợp, tổ chức các hoạt
động của các Hội, Hiệp hội, tổ chức phi chính phủ đối với các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý của Cục.
19. Quản lý tổ chức bộ máy,
biên chế, cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, hợp đồng
lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ. Thực hiện chế độ,
chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp
vụ đối với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của Cục theo quy định.
20. Quản lý tài chính, tài sản,
đất đai và nguồn lực khác được giao; tổ chức quản lý việc thu, sử dụng phí, lệ
phí thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật.
21. Giúp Bộ trưởng thực hiện
nhiệm vụ thường trực các Ban Chỉ đạo: Quốc gia Chương trình hành động “Không
còn nạn đói” ở Việt Nam; phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông
Cửu Long; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; và các Ban Chỉ đạo,
Tổ chức phối hợp liên ngành khác theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng.
22. Thực hiện tiếp công dân; giải
quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí theo thẩm quyền.
23. Thực hiện nhiệm vụ khác
theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
Điều 3. Cơ
cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Cục:
a) Cục Kinh tế hợp tác và Phát
triển nông thôn có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
b) Cục trưởng điều hành hoạt động
của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Cục.
Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự
phân công của Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật
về nhiệm vụ được phân công.
c) Cục trưởng có trách nhiệm
trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục;
ban hành Quy chế làm việc của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của
các tổ chức tham mưu thuộc Cục; các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Cục sau
khi có văn bản chấp thuận của Bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo,
quản lý thuộc Cục theo phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức tham mưu:
a) Văn phòng Cục (có bộ phận
phía Nam);
b) Phòng Kinh tế hợp tác và
Trang trại;
c) Phòng Ngành nghề nông thôn;
d) Phòng Bố trí dân cư nông
thôn;
đ) Phòng Chính sách phát triển
nông thôn;
e) Phòng Cơ điện nông nghiệp,
nông thôn; g) Phòng Diêm nghiệp.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập :
Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết b ị nông nghiệp; Trụ sở của
Trung tâm đặt tại thành phố Hà Nội; Trung tâm có con dấu, tài khoản riêng và
kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác
và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại các Phòng, Văn
phòng, Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Văn
phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn
2020 - 2025 đặt tại Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, thực hiện nhiệm
vụ giúp việc Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông
Cửu Long theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
Điều 5. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực từ
ngày ký ban hành, thay thế các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn: số 1119/QĐ-BNN- TCCB ngày 31/3/2017 về quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông
thôn; số 4771/QĐ-BNN- TCCB ngày 21/11/2017 về sửa đổi khoản 2, Điều 3, Quyết định
số 1119/QĐ- BNN-TCCB ngày 31/3/2017.
Điều 6.
Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng (để c/đ);
- Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, Lao động TB&XH, UBDT,
Liên minh HTXVN;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW (để p/h);
- Đảng ủy Bộ, Công đoàn NN&PTNT Việt Nam;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Đoàn Thanh niên CQ Bộ; Công đoàn CQ Bộ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ;
- Lưu: VT, TCCB (NTN).
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Minh Hoan
|