TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3248/QĐ-TLĐ
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT DỰ ÁN TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG MA TÚY CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC KHU
CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật Công đoàn;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3
năm 2021;
Căn cứ Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm
2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và
kiểm soát ma túy;
Căn cứ Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8
năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy
giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-TLĐLĐVN
ngày 12 tháng 9 năm 2017 giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
Xét đề nghị của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Dự án tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại
các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Ban Tuyên giáo Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn
ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên
đoàn, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch TLĐ (để b/c);
- Bộ Tài chính;
- Bộ Công an;
- Như điều 3;
- Lưu: VT,TG.
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngọ Duy Hiểu
|
DỰ ÁN
TĂNG
CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG MA TÚY CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU
CHẾ XUẤT GIAI ĐOẠN 2021 -2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3248/QĐ-TLĐ ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam)
I. CƠ SỞ BAN HÀNH
1. Cơ sở chính trị, pháp lý
- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;
- Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12 tháng 6 năm 2021 của
Bộ Chính trị về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình
hình mới;
- Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của
Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát
ma túy;
- Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm
2021;
- Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm
2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn
2021 - 2025;
- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2021 của
Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện
điều kiện làm việc của công nhân lao động;
- Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-TLĐLĐVN ngày 12
tháng 9 năm 2017 giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công
tác bảo đảm an ninh, trật tự;
2. Cơ sở thực tiễn
- Hiện nay, nước ta có số người làm công, hưởng
lương khoảng 23,9 triệu người; số công nhân lao động trong các loại hình doanh
nghiệp là trên 16 triệu người. Công nhân chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số dân
cư, tập trung đông ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, là lực lượng quan trọng
trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, phát triển kinh tế, đi đầu trong
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nhân lao động vì vậy, cần
được pháp luật và các thiết chế chính trị, xã hội bảo vệ, tránh khỏi nguy cơ bị
tác động bởi các tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.
- Công nhân lao động hầu hết ở độ tuổi thanh niên,
xa gia đình, sống khá tập trung ở các khu nhà trọ, ký túc xá, đời sống tinh thần
còn nghèo nàn, thiếu thốn, có nguy cơ rất cao bị lôi kéo, hấp dẫn bởi tệ nạn ma
túy. Thanh niên công nhân ở nhiêu nơi được tội phạm ma túy coi là đối tượng mục
tiêu để tấn công, lôi kéo. Vì vậy, bảo vệ công nhân khỏi tệ nạn ma túy là nhiệm
vụ quan trọng được đặt ra cho các cấp công đoàn và toàn xã hội, nhất là trong
giai đoạn hiện nay.
- Phần lớn công nhân có trình độ học vấn không cao,
hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thu nhập, đời sống khó khăn; một bộ phận thiếu
tu dưỡng, dễ bị lôi kéo, tác động, đây là lý do mà tội phạm ma túy luôn tìm
cách lợi dụng công nhân lao động để gieo rắc ma túy. Những tác động tiêu cực
kéo dài, trên diện rộng do ảnh hưởng bởi Covid -19 tiếp tục làm cho khó khăn
trong công nhân gay gắt hơn, nguy cơ công nhân lâm vào tệ nạn xã hội cao hơn.
- Thực tiễn nhiều địa phương cho thấy tội phạm ma
túy luôn luôn tìm cách tiếp cận, tác động tới công nhân lao động, biến khu nhà
trọ, cổng xí nghiệp thành nơi mua bán trái phép ma túy, đã có những công nhân
lao động trở thành tội phạm ma túy, người nghiện ma túy. Môi trường công nhân
(nơi ở, nơi làm việc) đã không còn an toàn, gây hoang mang lo lắng cho không ít
công nhân, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và an ninh trật tự.
Vì vậy, nhiệm vụ phòng, chống ma túy đảm bảo cuộc sống
bình yên cho công nhân lao động nói riêng, cho cộng đồng xã hội nói chung là
nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp,
các ngành và phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong hệ thống chính trị. Việc
tiếp tục tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công
nghiệp, khu chế xuất là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cần thiết trong những
năm tới được tổ chức công đoàn coi trọng.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là ở
các khu công nghiệp, khu chế xuất trong công tác chăm lo, bảo vệ, vì cuộc sống
bình yên và sức khỏe của người lao động, tăng cường công tác phòng chống ma túy
và tệ nạn xã hội. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp giữa tổ chức
Công đoàn và lực lượng công an trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an
ninh trật tự, phòng chống ma túy; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội
phạm và ma túy từ xa, từ sớm để bảo vệ công nhân lao động, tạo môi trường lao động,
sản xuất an toàn và lành mạnh, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
- 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Công
đoàn ngành, tổng công ty liên quan triển khai công tác phòng, chống ma túy đến
tận công đoàn cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của các cấp công đoàn và công chức,
viên chức, công nhân lao động, chủ động phòng ngừa ma túy ngay từ gia đình, cơ
quan, đơn vị, nâng cao nhận thức, cảnh báo về hiểm họa ma túy.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến
thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp tại
100% khu công nghiệp, khu chế xuất. Nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm truyền
thông hữu ích và thiết thực với công nhân lao động về phòng, chống ma túy tăng
hàng năm.
- Phấn đấu 90% đơn vị, doanh nghiệp tại các khu công
nghiệp, khu chế xuất phối hợp với lực lượng công an xây dựng mô hình an toàn về
an ninh trật tự; phát huy hiệu quả của mô hình tổ công nhân tự quản để giúp
công nhân, người lao động chủ động tham gia phòng, chống ma túy.
III. NHIỆM VỤ
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai thực
hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong công chức, viên chức, công nhân lao động,
quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả yêu cầu nội dung Chỉ thị so
36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu
quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21
tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện
Chỉ thị số 36-CT/TW.
2. Tập trung làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm,
tệ nạn ma túy, xác định đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài. Tăng cường công
tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo trong công nhân lao động, nhất là
các đối tượng đặc thù, có nguy cơ cao về hiểm hoạ của ma túy đối với việc làm,
đời sống, sức khoẻ và hạnh phúc gia đình, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như
phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, kỹ năng cần thiết để mỗi người lao động
nâng cao nhận thức, khả năng tự phòng ngừa.
3. Tổ chức phát động phong trào “công nhân, viên chức,
lao động tham gia phòng, chống ma túy” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ
an ninh Tổ quốc” và các phong trào thi đua khác của tổ chức Công đoàn để xây dựng
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân an toàn, không có tệ nạn
xã hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân,
viên chức, lao động trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, người thân thực
hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
4. Xây dựng chương trình tuyên truyền chuyên biệt
cho đối tượng công nhân lao động khu nhà trọ, khu công nghiệp, khu chế xuất,
ngành nghề đặc thù... Xây dựng và cung cấp các sản phẩm truyền thông phòng, chống
ma túy phù hợp và thiết thực tới công nhân lao động.
5. Đánh giá tình hình tội phạm ma túy và các tệ nạn
xã hội trong công nhân, viên chức, lao động, nhất là tại các địa bàn, khu vực
nhà máy, xí nghiệp, nhà xưởng... nơi các đối tượng có thể lợi dụng sản xuất, điều
chế và tàng trữ trái phép chất ma túy, kịp thời phát hiện người sử dụng trái
phép chất ma túy, nhằm ngăn chặn người nghiện trong các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp.
6. Tiếp tục xây dựng, củng cố, duy trì và nhân rộng
các mô hình tổ công nhân tự quản, điển hình công nhân, viên chức, lao động
trong việc đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống ma túy, tội phạm ở cơ sở.
7. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung,
nhiệm vụ của Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Quan tâm biểu dương khen thưởng
các điển hình tiên tiến giữ gìn an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu chế
xuất, nơi có đông công nhân lao động.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác chỉ đạo
thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
- Hàng năm đưa vào chương trình công tác nội dung
phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội để chỉ đạo toàn hệ thống triển
khai, chú trọng ở các khu công nghiệp. Phân công một đồng chí lãnh đạo các cấp
công đoàn chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nội dung công tác này.
- Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của các
doanh nghiệp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn công nhân lao động thuộc quyền
quản lý vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; huy động sức mạnh của cộng đồng,
doanh nghiệp và vận động người sử dụng lao động, người lao động tham gia hoạt động
phòng, chống ma túy và thực hiện các phong trào phòng, chống ma túy; lấy hiệu
quả công tác phòng, chống ma túy tại cơ quan, đơn vị là một chỉ tiêu đánh giá,
xếp loại thi đua.
- Triển khai các biện pháp phòng, chống ma túy; kết
hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
2. Nâng cao hiệu quả công tác
tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục phòng, chống ma túy
- Đẩy mạnh và không ngừng đa dạng hóa các nội dung,
hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Tập
trung vào phòng ngừa xã hội, trong đó coi trọng phòng ngừa ngay tại cơ sở, nhóm
đối tượng người lao động có nguy cơ cao. Phát huy tốt vai trò của các phương tiện
truyền thông tại cơ sở, các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook), tuyên
truyền với nội dung, thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Tổ chức các chiến
dịch truyền thông phòng, chống ma túy, nhất là tại các địa bàn khu công nghiệp,
khu chế xuất, nơi tập trung đông CNLĐ.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy. Thường
xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho công nhân lao động về tác hại của ma
túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội
phạm ma túy, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh ma túy thâm nhập vào đời
sống người lao động, đặc biệt là nhận thức đúng về tính nguy hiểm và tác hại của
các loại ma túy tổng hợp.
- Luôn chủ động nắm chắc tình hình trong công nhân
lao động từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề
phức tạp về an ninh, trật tự, về tệ nạn ma túy tác động tới đời sống công nhân
lao động... để kịp thời có biện pháp bảo vệ người lao động. Vận động các doanh
nghiệp tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy trong công nhân lao
động.
3. Phát động phong trào “Công
nhân, viên chức, người lao động tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn
xã hội”
Phát động phong trào “công chức, viên chức, người
lao động tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội”, nêu cao tinh
thần cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm và tệ nạn xã hội. Đôn
đốc, nhắc nhở cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động
phát hiện, tố giác với chính quyền, Công an về đối tượng hoạt động phạm tội,
các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; vận động người
lao động, nhất là tại các địa bàn miền núi, khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu
số không trồng cây có chứa chất ma túy, không tham gia mua bán, vận chuyển trái
phép chất ma túy.
- Tập trung xây dựng, phát động phong trào ở các địa
bàn trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất, phức tạp về ANTT, thành phố lớn,
tuyến biên giới, khu vực tập trung đông người lao động nhập cư. Phát triển
phong trào theo hướng xã hội hoá với phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ đến
từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân lao động.
- Hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động
phòng, chống ma túy; nhân dịp Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6),
Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (ngày
26/6) tổ chức phát động Chương trình phòng, chống ma túy trong công chức, viên
chức, công nhân lao động bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ
thể của từng lĩnh vực, địa bàn, tạo điểm nhấn có sức lan tỏa trong cộng đồng và
lôi cuốn đông đảo người lao động trực tiếp tham gia.
- Gắn kết chặt chẽ phong trào “Công nhân, viên chức,
người lao động tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội” với thực
hiện các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động và
các hoạt động bảo vệ, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động. Huy động hiệu
quả mọi nguồn lực hỗ trợ công tác an sinh xã hội, chăm lo thiết thực đời sống
người lao động; hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, giới thiệu việc làm; cảm
hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.
4. Xây dựng, củng cố, nhân rộng
các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã
hội.
- Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển
hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp công đoàn và công
nhân, viên chức, lao động trong công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn
xã hội phù hợp với từng địa bàn, địa phương và nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp.
- Chú trọng xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng,
tự bảo vệ về an ninh, trật tự ngay từ gia đình, khu nhà trọ công nhân, trong từng
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên
chức, người lao động ký cam kết xây dựng khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp “An toàn về an ninh, trật tự”, không có tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội.
- Xây dựng các mô hình truyền thông, an ninh trật tự
tại khu công nghiệp tập trung; củng cố các thiết chế về hoạt động văn hóa, thể
thao tạo sân chơi giúp công nhân lao động tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội
5. Thường xuyên phối hợp với
ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác phòng, chống ma
túy và tệ nạn xã hội
- Tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan như
Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội để triển khai công tác phòng, chống
ma túy, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong công nhân lao
động.
- Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Công An trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.
- Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá công tác
phòng, chống, tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội trong công nhân lao động tại
các khu công nghiệp.
V. ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, ĐỊA BÀN
TRIỂN KHAI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng thụ hưởng
Công nhân lao động trong các doanh nghiệp thuộc khu
công nghiệp, khu chế xuất; các đối tượng công chức, viên chức, người lao động ở
các khu vực khác được tác động khi triển khai chung
2. Địa bàn triển khai
Dự án được triển khai trên phạm vi cả nước, trọng
tâm là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa phương phức tạp về ma
túy.
3. Thời gian thực hiện
Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến hết
năm 2025.
VI. KINH PHÍ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DỰ
ÁN
1. Kinh phí thực hiện Dự án do ngân sách nhà nước bảo
đảm theo khả năng cân đối, được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước
hàng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và các
Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu và các nguồn hợp pháp
khác. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện
theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo,
kinh phí thực hiện Dự án còn bao gồm kinh phí huy động của các Liên đoàn Lao động
tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công
ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, hỗ trợ của các địa phương và các nguồn hỗ trợ hợp
pháp khác.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn triển
khai Dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu
công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021 - 2025”.
- Chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai thực hiện Dự
án, gắn với triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của ngành, địa
phương, đơn vị.
- Định kỳ (6 tháng và hằng năm), sơ kết giữa kỳ
(năm 2023) và tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công
đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng
Liên đoàn
- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn
ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên
đoàn căn cứ vào nội dung chủ yếu trên và tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị,
xây dựng Chương trình, Kế hoạch phòng, chống ma túy trong công chức, viên chức,
công nhân lao động tại địa phương trình UBND tỉnh, thành phố, Lãnh đạo bộ,
ngành, tổng công ty phê duyệt.
- Tổ chức lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ
phòng, chống ma túy với các Chương trình, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
- Hàng năm tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực
hiện gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tổng hợp trình Chính phủ.