BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-BCT
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 8 năm 2023
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, PHÁT TRIỂN THỊ
TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO VÀ BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực
toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố: i)
lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); ii) hiện tượng
El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực;
iii) diễn biến địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa
thuận ngũ cốc Biển Đen), v.v... đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất,
kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Trước bối cảnh đó, để công tác điều hành xuất khẩu
gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng
lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu
theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả; đồng thời triển khai thực hiện chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm
2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất
khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính
phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất,
xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu
các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương
các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và
thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ
và giải pháp cụ thể sau đây:
1. Tổng cục Quản lý thị trường
a) Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa
phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo
dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối
bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm
soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu
cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra,
ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý
nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
b) Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu triển khai kiểm
tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định
số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu
gạo.
2. Cục Xuất nhập khẩu
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để
khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số
107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo,
trình Chính phủ trong Quý III năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
tại Chỉ thị số 24/CT-TTg và của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 491/VPCP-KTTH
ngày 31 tháng 01 năm 2023.
b) Chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt
Nam, các Vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại
các quốc gia, vùng lãnh thổ theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; phối
hợp theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường
thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành
xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương,
các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ và Hiệp hội Lương thực Việt
Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy
định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP .
d) Chủ trì phối hợp với các Vụ thị trường nước
ngoài tổng hợp thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về tình hình thị
trường, thương mại gạo thế giới, động thái cơ chế chính sách của các nước sản
xuất, xuất khẩu gạo, để báo cáo Lãnh đạo Bộ và thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp
hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều
tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.
đ) Chủ trì thực hiện các công tác triển khai Chiến
lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm
2023.
e) Chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại,
các Vụ Thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các
quốc gia, vùng lãnh thổ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tích cực triển khai
công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố, mở rộng thị trường.
g) Chủ trì làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt
Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt thông tin, hỗ trợ hướng
dẫn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện
hợp đồng xuất khẩu, kịp thời cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương
nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
h) Tiếp tục đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và
các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại
Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về: i) thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về
lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; ii)
thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa;
iii) duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá
thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.
3. Cục Xúc tiến thương mại
a) Bố trí kinh phí cho các chương trình xúc tiến
thương mại gạo trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại hàng năm,
nhất là các chương trình xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tín hiệu thị trường
và tạo điều kiện để thương nhân khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định
thương mại tự do (FTA) mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh
các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt
Nam.
b) Chủ trì, phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị
trường ngoài nước và các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy mạnh hoạt động quảng
bá, giới thiệu sản phẩm gạo của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đến các
nhà phân phối trong nước và ngoài nước.
4. Cục Phòng vệ thương mại
Triển khai các hoạt động cảnh báo nguy cơ bị điều
tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và trợ
giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp
dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
5. Vụ Chính sách thương mại đa
biên
a) Trong quá trình đàm phán tại các diễn đàn song
phương, đa phương, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài
nước đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt
hàng gạo để gỡ bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đồng
thời, tận dụng tiến trình rà soát các Hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề
nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch thuế quan dành cho sản phẩm gạo
của Việt Nam.
b) Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ ngành gạo tận dụng
hiệu quả các FTA; kịp thời thông tin về những thuận lợi, khó khăn và các vấn đề
cần lưu ý đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các thị trường mà Việt Nam đã
ký kết, tham gia các Hiệp định song phương và đa phương.
6. Vụ Pháp chế
a) Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu hoàn thiện dự thảo
Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018
của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ theo đúng chỉ đạo của
Lãnh đạo Chính phủ.
b) Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu trong công tác
triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định
tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP .
7. Vụ Thị trường châu Á - châu
Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ
a) Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi
sát thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu,
nhập khẩu khẩu gạo của nước sở tại; đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện
tử của Bộ Công Thương và thông báo tới Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, đơn vị
liên quan để kịp thời phối hợp, triển khai các công tác điều tiết, điều hành, hỗ
trợ cần thiết. Riêng đối với các thị trường sản xuất, xuất khẩu gạo (như: thị
trường Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia, Hoa Kỳ,...), Thương vụ Việt Nam tại
nước sở tại tăng cường chủ động cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo
tiêu thụ tại thị trường sở tại, tình hình xuất khẩu và các động thái chính sách
liên quan đến bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu nhiều biến động; thông
tin thường xuyên hoặc đột xuất về Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài
nước.
b) Theo dõi tình hình thực hiện và kịp thời xúc tiến
đàm phán gia hạn các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã ký; tăng cường tìm kiếm
cơ hội ký kết thỏa thuận về thương mại gạo với các thị trường mới, thị trường
tiềm năng. Chủ trì theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện
Bản Ghi nhớ thương mại gạo và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khác tìm
kiếm cơ hội đế thúc đẩy xuất khẩu gạo tại các thị trường.
c) Chỉ đạo Thương vụ tại các quốc gia và vùng lãnh
thổ phối hợp với các Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm
Việt Nam; giới thiệu sản phẩm Việt Nam tăng cường tiếp thị mặt hàng gạo, triển
khai các hoạt động quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường nước ngoài; đặc
biệt với các loại gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao để thâm nhập các
thị trường khó tính, thị trường ngách.
d) Chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các
cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản
phẩm gạo của Việt Nam và năng lực xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam; đồng
thời, triển khai các công tác phối hợp khác có liên quan nhằm kịp thời điều tiết,
điều hành, xử lý vướng mắc, hỗ trợ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu gạo của
thương nhân trong trường hợp cần thiết.
8. Vụ Thị trường trong nước
Theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo
Sở Công Thương địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng
và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước, đáp ứng đầy đủ, kịp
thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực
nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
9. Các đơn vị thuộc Bộ có liên
quan
Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động phối
hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên.
10. Sở Công Thương các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn địa phương rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo tại địa phương thông tin tới
Bộ Công Thương về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến
năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn.
b) Đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình
Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo
cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; xử lý nghiêm các trường hợp đầu
cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị
trường trong nước.
c) Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa
bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng
cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
d) Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công
Thương thông tin tình huống phát sinh tại địa phương đề xuất giải pháp liên
quan để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực.
đ) Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ có liên quan
theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị
số 24/CT-TTg về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu
thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối
thiểu của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các
trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây
bất ổn thị trường trong nước, ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam trên thị trường
quốc tế.
11. Hiệp hội Lương thực Việt
Nam
a) Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường gạo
thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; diễn biến tình hình thị
trường trong nước (giá thóc, gạo nội địa, lượng gạo tồn kho,...) , chủ động phối
hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đề xuất các biện pháp xử lý đảm bảo
an ninh lương thực và hiệu quả trong xuất khẩu gạo.
b) Chú trọng tăng cường công tác thông tin diễn biến
tình hình thị trường gạo thế giới đến các hội viên xuất khẩu và các địa phương
liên quan, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần tạo cơ sở định
hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân và của người sản xuất.
c) Chỉ đạo hội viên Hiệp hội thực hiện nghiêm túc
chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và các quy định tại Nghị định số
107/2018/NĐ-CP .
d) Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương các chương
trình xúc tiến thương mại vào các thị trường và cách tiếp cận đối với từng thị
trường cụ thể. Căn cứ đặc điểm thị trường, phương thức kinh doanh, nhập khẩu của
các đối tác, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ, điều phối các thương nhân xuất
khẩu gạo tiếp cận phù hợp đối với từng thị trường.
12. Các thương nhân kinh doanh
xuất khẩu gạo
a) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột
xuất và duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số
107/2018/NĐ-CP .
b) Chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo
thế giới, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập
khẩu, trao đổi cùng Hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch,
đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
c) Tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường
trên địa bàn sở tại, góp phần bình ổn giá thóc, gạo nội địa, đảm bảo an ninh
lương thực quốc gia.
d) Xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng
lực sản xuất, kinh doanh; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm
nghiệp vụ xuất nhập khẩu, công tác thị trường, marketing theo hướng chuyên nghiệp;
chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nắm bắt, khai thác thông tin thị
trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.
13. Thực hiện chế độ báo cáo
a) Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo Bộ định
kỳ trước ngày 25 hàng tháng (thông qua Cục Xuất nhập khẩu) để tổng hợp, báo cáo
Lãnh đạo Bộ hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức
năng được giao chủ trì thực hiện công việc, trách nhiệm tại Chỉ thị này.
b) Giao Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối chủ trì,
theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp
tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ. Trong trường hợp các đơn vị được giao chủ trì thực
hiện các trách nhiệm, công việc cần báo cáo trực tiếp Lãnh đạo Bộ các vấn đề
phát sinh để giải quyết thì sao gửi báo cáo để Cục Xuất nhập khẩu theo dõi, tổng
hợp chung.
14. Hiệu lực thực hiện và
trách nhiệm thi hành
a) Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.
b) Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản
lý thị trường, Cục trưởng các Cục: Phòng vệ thương mại, Xuất nhập khẩu, Xúc tiến
thương mại, Vụ trưởng các Vụ: Chính sách thương mại đa biên, Pháp chế, Thị trường
châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Thị trường trong nước và Sở
Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt
Nam, Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị
này.
c) Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu có vướng
mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan có báo cáo, phản ánh bằng
văn bản gửi về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) để tổng hợp, xử lý./.
Nơi nhận:
- Như Điểm b Khoản 14;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: NN&PTNT, TC;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, XNK (2).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Diên
|