ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
20 tháng 02 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
NĂM 2024
Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của
hiện tượng El Nino, thời tiết ngày càng bất thường, theo nhận định của Trung
tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024 tại khu vực miền
Trung có thể xảy ra hạn hán. Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng
cháy, chữa cháy rừng (viết tắt là PCCCR), giảm thiểu đến mức thấp nhất những
thiệt hại do cháy rừng gây ra; theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Công văn số 524/SNNPTNT-KL ngày 05/02/2024, UBND tỉnh ban
hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa
bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024, với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai công tác PCCCR thống nhất trên địa bàn
toàn tỉnh với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, chủ động
phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng.
- Chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang
thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp
của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.
- Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng,
được thông báo nhanh chóng, kịp thời đến chủ rừng, chính quyền địa phương và
các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng.
- Huy động lực lượng triển khai phương án chữa cháy
an toàn, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, số vụ
và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính
quyền, các ngành, đơn vị và chủ rừng đối với công tác PCCCR.
2. Yêu cầu
- Xác định nội dung công việc phải gắn với trách
nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của từng cơ quan, đơn vị, địa phương,
đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành.
- UBND các cấp phải đặt nhiệm vụ phòng cháy, chữa
cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, tổ chức huy động
sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể
chính trị - xã hội để thực nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản
lý.
- Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị chức
năng, nghiệp vụ trong tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn
nghiệp vụ ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và
viễn thám để dự báo sớm, phát hiện sớm và giám sát nâng cao khả năng thường trực
ứng phó các tình huống cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực hợp
pháp để đầu tư cho công tác PCCCR.
- Các chủ rừng có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh
(hoặc xây dựng mới) và thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR trên diện tích rừng
quản lý.
- Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ
các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Khi chữa cháy rừng cần thực hiện phương
châm 4 tại chỗ, bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ
và hậu cần tại chỗ. Kết hợp 05 sẵn sàng bao gồm: thông tin, chỉ huy, lực lượng,
phương tiện và hậu cần. Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ
tự ưu tiên: Người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa
cháy rừng.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Công tác phòng cháy
a) Tuyên truyền pháp luật về PCCCR
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng
Ngãi và các cơ quan Báo chí đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT (Chi cục Kiểm lâm) xây dựng các chuyên mục, tin bài và thường
xuyên đưa tin về tình hình quản lý bảo vệ rừng và PCCCR; nêu gương các tổ chức,
cá nhân điển hình làm tốt công tác PCCCR.
- Các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp
chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng
cháy và chữa cháy rừng tới nhân dân, chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
- Các đơn vị Kiểm lâm, UBND xã, phường, thị trấn và
cộng đồng thôn bản tổ chức thực hiện sửa chữa các biến tuyên truyền, biển cấp dự
báo cháy rừng bị hỏng để thực hiện tốt việc tuyên truyền, thông tin cảnh báo kịp
thời về cấp độ cảnh báo cháy rừng.
- Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm
tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về công tác phòng cháy và
chữa cháy rừng cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, công nhân viên, học
sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân.
b) Kiện toàn lực lượng, bổ sung phương án, xây dựng
kế hoạch PCCCR, xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong PCCCR
- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và các tổ,
đội PCCCR tại chỗ ở các thôn, làng. Bổ sung phương án, xây dựng kế hoạch PCCCR
năm 2024 phù hợp với đặc điểm, tình hình, khả năng và nguồn lực của địa phương
để phát huy hiệu quả PCCCR.
- Các chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh,
Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ba Tô, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ba Tơ, đơn vị vũ
trang, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân được giao rừng, cho thuê rừng)
thực hiện xây dựng phương án PCCCR quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP
ngày 16/11/2018 của Chính phủ; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy, tổ, đội và rà
soát xác định diện tích những khu rừng có nguy cơ cháy cao, bao gồm cả việc nắm
chắc các tuyến đường dẫn đến khu rừng, các nguồn nước gần nhất có khả năng phục
vụ công tác chữa cháy, các phương tiện, trang thiết bị, hậu cần cần thiết để
thực hiện hiệu quả PCCCR. Tiếp tục rà soát, bổ sung vùng trọng điểm cháy rừng
ngoài thực địa vào bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn quản lý.
- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch phối hợp
số 66/KHPH-PCCC-KL ngày 09/4/2021 giữa Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu
nạn cứu hộ và Cục Kiểm lâm trong công tác PCCCR, Kế hoạch số 31/KH-KL-CSPCCC
ngày 05/01/2022 giữa Chi cục Kiểm lâm và Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và
Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh.
- Các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm các cấp
chủ động thực hiện và tham mưu giúp chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng,
phương tiện, thiết bị chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; duy trì công tác phối
hợp theo các quy chế phối hợp đã ký kết trong công tác quản lý bảo vệ rừng,
PCCCR.
c) Thực hiện các biện pháp lâm sinh phòng cháy rừng
- Chủ rừng trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện các
biện pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy trên diện tích rừng trồng thuộc phạm vi
quản lý, làm đường băng cản lửa ngay từ khi trồng rừng, thường xuyên phát dọn,
vệ sinh đường băng đã có, đảm bảo khả năng cản lửa khi xảy ra cháy rừng.
- Lực lượng Kiểm lâm tuyên truyền, hướng dẫn các chủ
rừng thực hiện tốt việc xử lý thực bì trồng rừng, vệ sinh rừng sau khai thác,
chăm sóc rừng trồng làm giảm vật liệu cháy trong rừng. Kiểm tra, giám sát việc
tuần tra, kiểm tra rừng đối với các chủ rừng, cộng đồng dân cư được giao quản
lý rừng.
- Các chủ rừng khi xử lý thực bì trồng rừng cần
nghiêm túc thực hiện:
+ Trước khi đốt: Chủ động, sẵn sàng các biện pháp
phòng cháy rừng, đồng thời cần thông báo cho trưởng thôn, làng, tổ đội phòng
cháy, chữa cháy rừng chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm gần nhất biết để
chủ động PCCCR.
+ Tiến hành đốt vào thời điểm thích hợp (không đốt
vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V, những ngày gió to,
gió tạt) khi đốt bố trí người canh gác, đảm bảo đến khi đám cháy tắt hoàn
toàn mới được ra về, tuyệt đối không để cháy lan vào rừng.
d) Trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa
cháy rừng
- Ban Chỉ đạo các cấp phải tự kiểm tra và thành lập
đoàn kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ đạo cấp dưới, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ
rừng triển khai, thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR, đảm bảo các điều kiện
cần thiết cho công tác PCCCR để công tác PCCCR ở địa phương, cơ sở thực hiện
đúng quy định theo phương án PCCCR đã xây dựng và phê duyệt.
Sau 10 ngày làm việc kể từ khi có kết quả từng đợt
kiểm tra, các địa phương phải thực hiện khắc phục kịp thời những nội dung chưa
hoàn thành theo kiến nghị.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND
các cấp, chủ rừng trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm
tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng theo chế độ định kỳ và đột xuất.
- Tăng cường Kiểm lâm xuống các khu vực được xác định
là trọng điểm cháy để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác
PCCCR, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hộ gia đình trên địa bàn thông báo hoặc
đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì với trưởng thôn, tổ.
- Cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn cứu hộ có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCCR theo quy định.
đ) Thông tin dự báo cháy rừng
Việc tiếp nhận, xử lý thông tin cấp dự báo cháy rừng
và xử lý thông tin cháy rừng thực hiện theo Quyết định số 47/2021/QĐ-UBND ngày
21/9/2021 của UBND tỉnh.
Vào mùa khô (từ tháng 3-8) khi dự báo cháy rừng từ
cấp cao trở lên (cấp III, IV, V), lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND
cấp xã phải phân công trực PCCCR 24/24 giờ trong ngày tại các trọng điểm cháy rừng
và cơ quan. Hàng ngày phải báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (Chi cục
Kiểm lâm tỉnh) trước 16 giờ 30 phút qua số điện thoại 02553 828375 để tổng hợp,
báo cáo lên cấp trên và thông báo trên các thông tin đại chúng để cảnh báo, chủ
động phòng ngừa.
2. Chữa cháy rừng
a) Thông tin báo cháy
- Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo
cháy ngay cho người xung quanh, chủ rừng, đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi
gần nhất, cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn
cứu hộ nơi gần nhất, chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội
nơi gần nhất.
- Chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm thông
báo nhanh, ngay khi phát hiện vụ cháy rừng tới Hạt Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm cập
nhật, thông báo nhanh tới Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm cập nhật, báo cáo
Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Cục Kiểm lâm theo quy định.
b) Tổ chức chữa cháy rừng
b.1) Trường hợp đám cháy mới phát sinh (cháy nhỏ)
- Đám cháy mới phát sinh, quy mô đám cháy dưới 01
ha và không có nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận; có thể kiểm soát được
bởi lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ của chủ rừng hoặc của cấp xã.
- Khi phát hiện cháy rừng, chủ rừng phải huy động
ngay lực lượng, công cụ để chữa cháy:
+ Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì trưởng
thôn, làng nơi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện cần thiết
của thôn, bản để chữa cháy; đồng thời với việc tổ chức chữa cháy phải báo cáo
ngay cho Kiểm lâm địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khẩn trương đến hiện trường đám cháy, trực tiếp
chỉ đạo chữa cháy rừng và huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức,
cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng.
+ Đối với chủ rừng là tổ chức, khi phát hiện đám
cháy, chủ rừng phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện thiết bị để chữa
cháy rừng; chủ rừng trực tiếp là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng; đồng thời
với việc tổ chức chữa cháy phải báo cáo ngay cho Kiểm lâm địa bàn, Ủy ban nhân
dân cấp xã để có phương án hỗ trợ kịp thời. Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm báo
cáo ngay cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm diễn biến vụ cháy rừng, tình hình tổ chức
cứu chữa, để có phương án hỗ trợ kịp thời và trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.
- Trong trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của
cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban
Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để huy động lực lượng
hỗ trợ chữa cháy rừng (khi báo cáo cần nói rõ địa điểm, đường đi và hướng lan
tràn của đám cháy).
b.2) Trường hợp đám cháy phát hiện chậm, có nguy
cơ lan rộng sang các khu vực xung quanh (đám cháy trung bình).
- Đám cháy có quy mô từ 01 ha đến < 03 ha, nhung
chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã chưa kiểm soát, dập tắt được, có nguy cơ cháy
lan sang các khu vực lân cận; cần huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng
của cấp huyện.
- Sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện một mặt huy động ngay lực
lượng của huyện (Hạt Kiểm lâm; Công an huyện và Quân sự huyện,...) khẩn trương
tiếp cận hiện trường để chỉ đạo chữa cháy rừng; mặt khác, huy động lực lượng
phương tiện trên địa bàn các xã lân cận để tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có mặt tại hiện
trường là người trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng. Lực lượng Kiểm lâm hướng dẫn
chữa cháy, chỉ đường cho các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.
- Khi có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng,
người chỉ huy chữa cháy của từng lực lượng chịu sự chỉ đạo chung của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện; người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng như
sau:
+ Đối với lực lượng Quân đội, Cảnh sát phòng cháy
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy chữa cháy rừng.
+ Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ
chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa
cháy rừng.
+ Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng
thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
- Khi triển khai chữa cháy hoặc phân tích, đánh giá
vụ cháy xảy ra tại những nơi giao thông khó khăn, địa hình phức tạp và các lực
lượng trên địa bàn huyện không tự giải quyết được, vượt quá khả năng kiểm soát
của cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để
huy động chữa cháy rừng.
b.3) Trường hợp đám cháy bùng phát trên quy mô lớn
và nguy cơ cháy lan nhanh trên diện rộng (cháy lớn).
Đám cháy có quy mô từ 03 ha đến dưới <15 ha, chủ
rừng, UBND cấp huyện không kiểm soát, dập tắt được, có nguy cơ cháy lan sang
các khu vực lân cận; cần huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng của cấp
tỉnh.
Sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức huy động tối đa lực lượng,
phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng;
khẩn trương tiếp cận đám cháy để chỉ đạo chữa cháy rừng, cụ thể:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo
Chi cục Kiểm lâm huy động tối đa lực lượng, phương tiện đến khu vực xảy ra cháy
rừng để hướng dẫn các lực lượng và tham gia chữa cháy rừng.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Huy động đơn vị quân đội
của địa phương, các đơn vị quân đội khác đóng trên địa bàn tỉnh tham gia chữa
cháy rừng theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chương trình phát
triển lâm nghiệp bền vững tỉnh.
- Công an tỉnh: Điều động lực lượng, phương tiện của
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tham gia chữa cháy rừng (bao
gồm cả xe chữa cháy ở những nơi có thể tiếp cận được mục tiêu); nhanh chóng triển
khai phương án bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tại
các khu vực xảy ra cháy rừng và triển khai các phương án bảo vệ các công trình
trọng điểm.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Bảo đảm thông tin
liên lạc thông suốt tại các khu vực xảy ra cháy rừng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo
tỉnh; quy định chế độ ưu tiên về thông tin, truyền tin, các dịch vụ bưu chính
phục vụ chữa cháy rừng đảm bảo nhanh chóng, an toàn, chính xác, thông suốt
trong mọi tình huống.
- Sở Y tế: Cơ động các tổ y tế đến các địa bàn xảy
ra cháy rừng theo sự phân công của Ban Chỉ đạo, để sẵn sàng cấp cứu người bị nạn
trong quá trình chữa cháy.
- Sở Giao thông vận tải: sẵn sàng các xe chuyên chở
để chở người và thiết bị khi có yêu cầu. Triển khai ngay lực lượng sửa chữa, khắc
phục các đoạn đường bị hư hại, tìm đường vòng vượt (khi cần thiết) bảo đảm
thông suốt giao thông để cơ động lực lượng đến khu vực xảy ra cháy rừng; phối hợp
với Công an để ứng cứu, giải tỏa ách tắc giao thông.
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan,
tùy theo chức năng của mình cơ động lực lượng tham gia chữa cháy, sẵn sàng chi
viện cho các đơn vị khác khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh.
- Khi có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng,
thì người đứng đầu của mỗi lực lượng là người chỉ huy chữa cháy rừng, chịu sự
chỉ đạo chung của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; người chỉ huy chữa cháy rừng của
từng lực lượng như sau:
+ Đối với lực lượng Quân đội, Cảnh sát phòng cháy
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy chữa cháy rừng.
+ Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ
chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa
cháy rừng.
+ Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng
thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
b.4) Trường hợp đám cháy lớn vượt quá khả năng kiểm
soát của tỉnh hoặc đám cháy quy mô không lớn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến người
dân, đến an ninh quốc phòng cần hỗ trợ của Trung ương.
Đám cháy có diện tích từ 15 ha trở lên, vượt quá khả
năng kiểm soát của tỉnh, hoặc đám cháy quy mô không lớn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng
đến người dân, đến an ninh quốc phòng, sự an toàn của các công trình quan trọng,
các công trình, vật kiến trúc có nguy cơ gây cháy nổ lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để huy động chữa cháy rừng.
3. Phương pháp chữa cháy rừng
Công tác chữa cháy rừng phải được tổ chức thực hiện
nghiêm túc theo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin cháy rừng các cấp; phối hợp
huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi ban hành kèm theo Quyết định số 47/2021/QĐ-UBND ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn ngân sách theo quy định tại Điều 22 Nghị định
số 30/2017/NĐ-CP và Điều 48 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Chính sách đầu tư theo quy định tại Điều 87,
chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP
của Chính phủ.
3. Các nguồn ngân sách khác theo quy định của pháp
luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công thực hiện nhiệm
vụ
a) Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp
bền vững cấp tỉnh
- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra định kỳ, đột xuất các
địa phương, các cơ quan quản lý về lâm nghiệp và các chủ rừng trong việc xây dựng
và triển khai thực hiện Kế hoạch, Phương án PCCCR trên địa bàn toàn tỉnh.
- Cập nhật và thông tin kịp thời về cấp dự báo cháy
rừng cho các địa phương và chủ rừng biết để sẵn sàng có phương án chữa cháy rừng
kịp thời.
- Huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để kịp thời
ứng cứu khi xảy ra cháy rừng lớn trên diện rộng vượt quá tầm kiểm soát của cơ sở.
Chỉ đạo thực hiện khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.
- Phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh
xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các địa phương (cấp
huyện, xã), đơn vị và chủ rừng lớn trong việc chấp hành các quy định của pháp
luật về PCCCR trên địa bàn quản lý đối với các chủ rừng là tổ chức.
- Mọi thông tin, báo cáo về công tác PCCCR cấp tỉnh
báo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (qua cơ quan thường trực Chi
cục Kiểm lâm - Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững
cấp tỉnh), hẻm 173 Ngô Sỹ Liên, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng
Ngãi; số điện thoại: 02553 828375/02553 825514; Di động: 0989391325 (ông Hưng),
0983447282 (ông Ngọc).
b) UBND cấp huyện (Ban Chỉ đạo Chương trình phát
triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện)
- Thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR, sự
chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chủ động rà soát xác định các khu vực có nguy
cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn quản lý để xây dựng Kế hoạch, Phương án
PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể
cho các thành viên trong Ban.
- Thường xuyên chỉ đạo cơ quan thường trực PCCCR cấp
huyện rà soát và tham mưu cho UBND cấp huyện kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo,
Ban Chỉ huy PCCCR khi có sự thay đổi về nhân sự hoặc xét thấy cần thiết để đảm
bảo công tác PCCCR tại địa phương.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các xã và
các chủ rừng xây dựng, thực hiện Kế hoạch, Phương án PCCCR.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện tham mưu tổ
chức diễn tập, tập luyện PCCCR, định kỳ bảo quản, bảo dưỡng, thực hành thao tác
sử dụng các loại phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR được cấp. Để chủ động
trong công tác phòng ngừa và phát huy hiệu quả cao nhất khi có cháy rừng xảy
ra.
- Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến
các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, tỉnh và ngành về công tác quản
lý, bảo vệ và phát triển rừng cho mọi người dân trên địa bàn biết để thực hiện.
- Huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để
dập tắt, chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Nếu đám cháy lớn trên diện rộng,
vượt tầm kiểm soát của địa phương phải lập tức báo cáo về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
và đề nghị chi viện thêm về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để nhanh
chóng dập tắt đám cháy. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức khắc phục hậu quả do cháy rừng
gây ra.
- Chỉ đạo các lực lượng tiến hành điều tra, xác minh
các đối tượng gây ra cháy rừng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
c) UBND cấp xã (Ban Chỉ đạo Chương trình phát
triển lâm nghiệp bền vững cấp xã)
- Thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh,
cấp huyện, tổ chức xây dựng Kế hoạch, Phương án PCCCR của địa phương theo quy định.
Phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban Chỉ đạo phụ trách đến từng địa bàn
thôn, làng cụ thể.
- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của
pháp luật về công tác PCCCR tại địa phương; xử lý các hành vi vi phạm quy định
về công tác PCCCR theo thẩm quyền.
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công
tác quản lý bảo vệ rừng, hướng dẫn kiến thức cơ bản về PCCCR cho nhân dân; xây
dựng phong trào quần chúng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
- Thành lập các tổ, đội PCCCR tại các thôn, làng;
huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa kịp thời khi xảy ra cháy
rừng. Nếu đám cháy trên diện rộng vượt tầm kiểm soát của địa phương thì báo cáo
Ban Chỉ đạo cấp huyện và đề nghị chi viện thêm về lực lượng, phương tiện để dập
tắt đám cháy.
- Chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng tiến hành
điều tra, xác minh các đối tượng gây ra cháy rừng và xử lý nghiêm theo quy định
của pháp luật.
- Giải quyết, đề xuất, kiến nghị kịp thời các chế độ
cho những người tự nguyện hoặc được huy động tham gia chữa cháy theo đúng quy định
hiện hành; giải quyết và khắc phục hậu quả vụ cháy gây ra trong thời gian sớm
nhất.
d) Chủ rừng
d.1) Chủ rừng là tổ chức
- Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện
pháp về phòng cháy và chữa cháy, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng
cháy và chữa cháy trong phạm vi rừng thuộc quyền quản lý; tổ chức thực hiện các
quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng
theo quy định của pháp luật;
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng
cháy và chữa cháy rừng; chủ động huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng;
thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng;
- Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng;
đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy
rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về
phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền;
- Đầu tư xây dựng công trình, trang bị phương tiện,
dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng; bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động
phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;
- Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác phòng
cháy và chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và cơ quan quản lý trực tiếp
những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng
thuộc phạm vi quản lý;
- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại,
cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa
cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ
gia đình lân cận;
- Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng
khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ
quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.
d.2) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng
dân cư
- Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện
an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng và thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR
trên diện tích rừng quản lý; chủ động đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ
phòng cháy và chữa cháy rừng.
- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền Sở tại,
cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa
cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ
gia đình lân cận;
- Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy
khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ
quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.
2. Thời gian thực hiện
a) Kế hoạch này được thực hiện kể từ ngày ký ban
hành đến hết ngày 31/12/2024, yêu cầu các lực lượng từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp
xã, thôn, làng và các chủ rừng phải duy trì công tác PCCCR, tổ chức lực lượng
kiểm tra nhằm phát hiện sớm các điểm cháy, huy động lực lượng tổ chức chữa cháy
kịp thời.
b) Tổng kết công tác PCCCR năm 2024:
- Đối với cấp huyện, cấp xã: Hoàn thành trước ngày
15/11/2024.
- Đối với cấp tỉnh: Hoàn thành trước ngày
15/12/2024.
3. Khen thưởng, kỷ luật
Trong quá trình tổ chức thực hiện, những tổ chức,
cá nhân có thành tích trong công tác PCCCR sẽ được xem xét khen thưởng kịp thời
theo quy định. Thực hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ
chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCCR; xem xét trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chủ rừng trong phạm vi trách nhiệm
và quyền hạn của mình không có biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR và khi có cháy rừng
xảy ra không tổ chức chữa cháy kịp thời.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp
huyện, cấp xã và các chủ rừng nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong
quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa
phương báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -
Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cấp tỉnh)
đê điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT. PCT UBND tỉnh;
- Các Tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh;
- Các Sở: Tài chính, NN và PTNT, Nội vụ, Y tế, Giao thông vận tải, Thông tin
và Truyền thông;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Thành viên BCĐ CTPTLNBV tỉnh theo Quyết định số 1758/QĐ-UBND ngày
16/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các chủ rừng (giao Sở NN và PTNT sao gửi);
- VPUB: CVP, PCVP. CBTH;
- Lưu: VT. KTN.ph65
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Phước Hiền
|