ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Hà Nam, ngày 31 tháng 7 năm 2017
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH
Trong những năm qua, ngành Y tế đã
tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát tình trạng mất cân
bằng giới tính khi sinh, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên,
tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh còn ở mức cao và xu hướng tăng nhanh trong
những năm gần đây (năm 2007 là 108 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2016 là 112,7 trẻ
trai/100 trẻ gái), sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định, bền vững.
Mất cân bằng giới tính khi sinh có
nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh
tế và là một vấn đề liên quan đến phong tục tập quán lâu đời của người dân, bên
cạnh đó tình trạng lạm dụng kỹ thuật, công nghệ trong việc chẩn đoán và can
thiệp lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn khá phổ biến nên việc kiềm chế tình
trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đạt hiệu quả cao và còn nhiều thách
thức.
Để kiểm soát có
hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tình trạng mất cân bằng
giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp các Sở xác định
chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh hằng năm và nhiệm vụ, giải pháp
thực hiện.
- Tập trung thực hiện hiệu quả công
tác truyền thông giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và những ảnh hưởng của
tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và quy định của pháp luật về nghiêm
cấm lựa chọn giới tính thai nhi; Phối hợp với các ngành liên quan chú trọng
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới; Phòng, chống bạo
lực gia đình; Hôn nhân và gia đình ..., phổ biến các văn bản pháp luật nêu cao
vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.
- Tập huấn bắt buộc các quy định của
pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho cán bộ y tế cung cấp
các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi.
- Tăng cường phối hợp liên ngành,
tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ liên
quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi và phá thai vì lý do giới tính; các cơ sở
sản xuất, kinh doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông có nội dung liên
quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; Kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy
định của pháp luật liên quan đến hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính
khi sinh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
- Theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết
quả thực hiện Chỉ thị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế trước ngày 05/12
hằng năm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Cân đối nguồn lực thực hiện nhiệm vụ
kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
3. Sở Tài chính:
Bố trí kinh phí triển khai hoạt động
giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Hướng dẫn lập dự toán, quản lý sử
dụng và quyết toán kinh phí theo quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hà Nam:
Phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền,
tăng cường cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh,
nguyên nhân, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính; Công khai các tổ
chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi
trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo
các đơn vị xuất bản tuyệt đối không đưa tin, đăng tải bài viết, sản xuất, kinh
doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến lựa chọn
giới tính thai nhi; Phối hợp với Sở Y tế thanh, kiểm tra việc kinh doanh các
loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến lựa chọn giới
tính thai nhi.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Lồng
ghép triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi
sinh với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, sinh hoạt cộng đồng, hướng tới
mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh
phúc và bền vững
5. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ
biến pháp luật liên quan đến mất cân bằng giới tính khi sinh; Tập trung tư vấn
trực tiếp về quy định của pháp luật cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi
hình thức cho đối tượng chuẩn bị kết hôn và các tổ chức cá nhân, người cung cấp
dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi.
6. Sở Lao
động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo:
Đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Lồng ghép
nội dung giáo dục về giới, giới tính dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới
vào chương trình giáo dục trong các trường học và các cơ sở dạy nghề.
7. Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức, triển khai,
thực hiện Chỉ thị và lồng ghép các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính
khi sinh trong các Chương trình, Đề án, Kế hoạch của cơ quan, đơn vị.
8. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng công
tác truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường
truyền thông tại các hội nghị báo cáo viên của tỉnh.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
tỉnh, Hội LH Phụ nữ, Tỉnh đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên
đoàn Lao động tỉnh:
Tăng cường tuyên truyền, vận động
đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về
nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, thực hiện bình đẳng giới.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
- Đưa chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi
sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm của địa phương. Đảm bảo
kinh phí theo phân cấp ngân sách của địa phương để đầu tư hỗ trợ cho các hoạt
động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
- Tăng cường công tác truyền thông,
đẩy mạnh thực hiện các giải pháp can thiệp và xây dựng, ban hành các chính sách
nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các
cơ sở y tế trên địa bàn có cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính
thai nhi và phá thai vì lý do giới tính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
theo quy định của pháp luật.
- Hằng năm tổ chức đánh giá kết quả
thực hiện Chỉ thị.
Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở,
ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân
có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, kết
quả thực hiện qua Sở Y tế để tổng hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế (để b/c);
- Tổng cục DS-KHHGĐ(để b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: LĐVP, các CV;
- Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đông
|