HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 36/NQ-HĐND
|
Hà
Tĩnh, ngày 15 tháng 12 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN
NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp
năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP,
ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP,
ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập,
phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số
07/2006/QĐ-BLĐTBXH, ngày 02 tháng 10 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường
cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy
nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 ”;
Thực hiện Nghị quyết phiên họp thường
kỳ tháng 8 năm 2016 số 76/NQ-CP, ngày 03 tháng 9
năm 2016 của Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số
430/TTr-UBND, ngày 03 tháng 12 năm 2016 về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục
nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội
và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ sở
giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với các
nội dung chủ yếu sau:
Điều 1. Mục tiêu
chung
1. Phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở
giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo hướng đồng bộ, tập trung,
tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo; tạo điều kiện thuận
lợi cho người học; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường
lao động; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Chất lượng đào tạo một số ngành
nghề tương đồng với các địa phương phát triển trong nước và các nước
phát triển trong khu vực phổ cập đào tạo nghề cho người lao động,
hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh,
chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội.
Điều 2. Mục tiêu
cụ thể
1. Đến năm 2020:
a) Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực qua đào tạo của thị trường lao động cả về
số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; tổng số cơ sở giáo dục
nghề nghiệp là 24 đơn vị;
b) Đào tạo mới và đào tạo lại cho khoảng
100.000 người; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 35%, trình độ
sơ cấp và đào tạo thường xuyên chiếm 65%; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào
tạo đạt trên 70% vào năm 2020.
2. Định hướng tới năm 2030:
a) Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển đồng
bộ và tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào
các trường cao đẳng đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề;
tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 23 đơn vị (chưa kể các cơ sở tư thục được
thành lập mới);
b) Phổ cập nghề cho người lao động;
tăng tỷ lệ người học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp lên khoảng 40%; chất lượng
đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế
giới; hình thành độ ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh
tranh của tỉnh.
Điều 3. Phạm vi,
đối tượng
1. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục
nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;
2. Các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng,
trung cấp và sơ cấp thuộc sự quản lý trực tiếp của tỉnh Hà
Tĩnh.
3. Các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng,
trung cấp và sơ cấp không thuộc sự quản lý trực tiếp của tỉnh Hà Tĩnh nhưng
đóng trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Các chỉ
tiêu quy hoạch
1. Quy mô và cơ cấu cấp trình độ đào
tạo
a) Quy mô tuyển sinh đến năm 2020: Tập
trung tăng nhanh quy mô đào tạo; mở rộng ngành nghề đào tạo trên một số lĩnh vực
và các cụm ngành chủ yếu thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh trong giai đoạn
tới như: sắt thép; sản phẩm từ thép; chế biến thực phẩm; công nghiệp và dịch vụ
hỗ trợ; dệt may; xây dựng... Tổng quy mô tuyển sinh 25.000
người/năm. Trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng 2.200
người, chiếm 8,8%; trung cấp 6.000 người, chiếm 24,0%; trình độ sơ cấp và đào tạo
theo chương trình giáo dục nghề nghiệp khác 16.800 người, chiếm 67,2%.
b) Quy mô tuyển sinh đến năm 2030: Tổng
quy mô tuyển sinh 27.000 người/năm. Trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng
3.000 người, chiếm 11,1%; trung cấp 7.000 người, chiếm 25,9%; trình độ sơ cấp
và đào tạo theo chương trình giáo dục nghề nghiệp khác 17.000 người, chiếm
63,0%.
(Chi
tiết tại Phụ lục 01 đính
kèm)
2. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
a) Giai đoạn 2016-2020:
Tiếp tục duy trì, củng cố các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp hoạt động hiệu quả; nâng cấp, sáp nhập một số đơn vị để
giảm đầu mối, tăng hiệu
quả quản lý; giải thể các đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả.
Đến năm 2020, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 24 đơn vị, gồm: 05 Trường cao đẳng, 04 Trường trung cấp, 04
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 09 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục
thường xuyên, 01 phân hiệu của Trường cao đẳng và 01 Trường đại học có hoạt động
giáo dục nghề nghiệp. Phương án cụ thể
như sau: Thành lập Trường cao đẳng trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề Hà
Tĩnh; sáp nhập Trung tâm Dạy chữ, Dạy nghề Hội người mù vào Trung tâm Dạy nghề
- Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh; sáp nhập Trung
tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Hồng Lĩnh vào Trường Trung cấp Kỹ nghệ; chấm dứt hoạt động dạy nghề tại
Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên thành phố Hà Tĩnh và sáp nhập vào Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và Giáo dục
thường xuyên tỉnh; giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường
xuyên Đức Thọ; đầu tư, phát triển Trường Cao đẳng Việt Đức, Trường Cao đẳng
Công nghệ Hà Tĩnh đạt các tiêu chí của trường chất lượng
cao; có 03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ.
b) Giai đoạn 2021-2030:
Tập trung phát triển các trường cao đẳng
đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề; thu hút đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề
có yếu tố nước ngoài; nâng cấp trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại một số địa
phương có khu kinh tế trọng điểm của tỉnh; tiếp tục sáp nhập một số trung tâm cấp
huyện. Đến năm 2030, tổng số cơ sở
giáo dục nghề nghiệp là 23 đơn vị, gồm: 06 Trường cao đẳng, 05 Trường trung cấp,
10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 06 Trung tâm cấp huyện), 01 phân
hiệu của Trường cao đẳng và 01 Trường đại học có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Phương án cụ thể như sau: Thu hút đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề có yếu tố nước
ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng; thành lập Trường trung cấp tại huyện Hương Sơn
trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên
Hương Sơn; sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Vũ
Quang, chuyển thành cơ sở 2 của Trường trung cấp tại huyện Hương Sơn; sáp nhập
Trường Trung cấp Lý Tự Trọng vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường
xuyên Can Lộc; 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự
chủ; phát triển Trường Cao đẳng nghề Việt Đức đạt chuẩn quốc tế; 50% số ngành
nghề của Trường Cao đẳng Công nghệ đạt chuẩn quốc tế; nâng cấp từ Trường Trung
cấp nghề Hà Tĩnh thành Trường Cao đẳng và đầu tư để đạt các tiêu chí trường chất
lượng cao.
(Chi
tiết tại Phụ lục 02 đính kèm)
3. Đội ngũ giáo viên, giảng viên
a) Đến năm 2020: Tổng số giảng viên,
giáo viên cơ hữu là 827 người; trong đó: Trình độ sau đại học chiếm 22,8%, đại
học và cao đẳng 74,5%; trình độ khác 2,7%. Có 80% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ
chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tin học.
b) Đến năm 2030: Tổng số giảng viên,
giáo viên cơ hữu là 933 người; trong đó: Trình độ sau đại học chiếm 27,5%, đại
học và cao đẳng 71,5%; trình độ khác 1,0%. Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn về
trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tin học.
(Chi
tiết tại Phụ lục 03 đính kèm)
4. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo
a) Giai đoạn 2016-2020: Tổng diện
tích đất quy hoạch khoảng 638.280 m2. Tổng diện tích xây dựng
125.108 m2. Trong đó: diện tích phòng học lý thuyết và phòng, xưởng
thực hành 111.876 m2; thư viện, phòng làm việc và nhà hiệu bộ 13.232
m2. 80% các nghề đào tạo theo chuẩn quốc tế, 50% các nghề đào tạo
trình độ cao đẳng và trung cấp có đủ hạng mục, số lượng thiết bị theo quy mô và
cấp trình độ đào tạo tương ứng theo quy định.
b) Giai đoạn từ 2021-2030: Tổng diện
tích đất quy hoạch khoảng 758.700 m2. Tổng diện tích xây dựng
151.606 m2. Trong đó: Diện tích phòng học lý thuyết và phòng, xưởng
thực hành 136.190 m2; thư viện, phòng làm việc và nhà hiệu bộ 15.416
m2. 100% các nghề đào tạo theo chuẩn quốc tế, 80% các nghề đào tạo
trình độ cao đẳng và trung cấp có đủ hạng mục, số lượng thiết bị theo quy mô và
cấp trình độ đào tạo tương ứng theo quy định.
(Chi
tiết tại Phụ lục 04 đính kèm)
Điều 5. Kinh phí
thực hiện
1. Tổng kinh phí thực hiện 649.574
triệu đồng. Trong đó: Xây dựng cơ sở vật chất 263.474 triệu đồng; mua sắm trang
thiết bị, xây dựng chương trình, giáo trình 385.000 triệu đồng; bồi dưỡng giáo
viên 1.100 triệu đồng.
2. Nguồn huy động vốn, bao gồm: Ngân
sách trung ương 140.000 triệu đồng, ngân sách địa phương 90.000 triệu đồng, nguồn
vốn tự huy động của các cơ sở đào tạo 91.100 triệu đồng, nguồn vốn vay và xã hội
hoá 328.474 triệu đồng.
3. Phân kỳ đầu tư: Giai đoạn từ năm
2016-2020, kinh phí 287.582 triệu đồng; giai đoạn từ năm 2021-2030, kinh phí
361.992 triệu đồng.
(Chi
tiết tại các phụ lục 05a, 05b, 05c đính kèm)
Điều 6. Một số giải
pháp chủ yếu
1. Đổi mới việc quản lý, tổ chức thực
hiện:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo
và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp
và xã hội về đào tạo nghề nghiệp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản
lý nhà nước; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, tiến đến giao
quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Tăng cường, đảm bảo các điều kiện
nâng cao chất lượng:
a) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thực hiện tốt các chính sách đối với nhà giáo;
huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân... tham gia giảng dạy
trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
b) Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả
các bộ chương trình chuyển giao từ nước
ngoài; xây dựng và ban hành, chương trình, giáo trình đào tạo trên cơ sở tiêu
chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và yêu cầu của thị trường lao động; doanh nghiệp
cùng tham gia xây dựng, phê duyệt chương trình tại các cơ sở đào tạo;
c) Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và
thiết bị theo ngành, nghề đào tạo, đảm bảo có đủ thiết bị theo danh mục tối thiểu
quy định; đối với các ngành, nghề trọng điểm các cấp độ,
thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn đầu ra do cơ quan
quản lý nhà nước ở trung ương quy định.
3. Tăng cường quản lý chất lượng: Quản
lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề
nghiệp; thường xuyên thực hiện tự kiểm định và mời các trung tâm kiểm định cơ sở
giáo dục nghề nghiệp thực hiện kiểm định tại các đơn vị.
4. Đẩy mạnh xã hội hóa; xây dựng cơ chế,
chính sách huy động nguồn lực phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp:
a) Xây dựng các chính sách tạo điều
kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
khuyến khích, huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp
dưới các hình thức; khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí đào tạo khi tiếp
nhận lao động đã qua đào tạo;
b) Từng bước thực hiện tính đúng,
tính đủ chi phí đào tạo theo lộ trình; thực hiện việc chuyển từ cơ chế cấp kinh
phí theo dự toán cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế đấu thầu,
đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo.
5. Tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở
giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp:
a) Xây dựng hệ thống thông tin thị
trường lao động để gắn kết đào tạo với sử dụng lao động; thành lập bộ phận quan
hệ doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên
sau khi học nghề;
b) Huy động các chuyên gia giỏi tại
doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn thực
hành, thực tập cho học sinh, sinh viên; tham gia đánh giá năng lực, kỹ năng nghề
cũng như thái độ của học sinh, sinh viên.
6. Giải pháp về hợp tác quốc tế: Đẩy
mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, liên kết đào tạo với nước
ngoài trong giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tham quan học hỏi các mô hình đào tạo
tiên tiến trong và ngoài nước.
Điều 7. Điều khoản
thi hành
Bãi bỏ Quyết định 2142/QĐ-UBND, ngày
02 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch mạng
lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030.
Điều 8. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, nếu
có thay đổi Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực
Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi quyết định.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc
thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15
tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu IV;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư
pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm T.Tin VP HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học VP UBND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu.
|
CHỦ
TỊCH
Lê Đình Sơn
|