KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU
GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Thực hiện Nghị quyết số
115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát
triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm
2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công
nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03
tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28
tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng
kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban
hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
I. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
Hậu Giang có 02 Khu công
nghiệp với tổng diện tích là 490,85ha tỷ lệ lắp đầy 81,7%, 04 Cụm công nghiệp
tập trung và 06 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 744,94ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%, thu hút được 110 dự án, đã có 69 dự án đi vào hoạt động, với tổng mức thu hút đầu tư là 77.531 tỷ đồng và 3.802,5
triệu USD. Đến nay, ngành công nghiệp Hậu
Giang có 186 doanh nghiệp và 4.967 cơ sở
hoạt động lĩnh vực công nghiệp, trong
đó tổng số doanh nghiệp FDI đăng ký
kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 30 doanh nghiệp (trong đó có 16 doanh
nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, 14 doanh nghiệp liên doanh), giải quyết
việc làm cho 36.322 lao động. GRDP lĩnh vực công nghiệp tăng 12,22%/năm, giá trị
sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 9,51%/năm.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã tăng từ 13,87% năm 2015 lên 20,24% năm 2020; Chỉ số
phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân giai đoạn 2015-2020 là
8%/năm (5 năm trước là 7,1%). Nhìn chung, các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển
tương đối ổn định. Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành như: sản xuất giấy,
thủy sản, giày dép; may mặc, hóa chất, dược liệu, đồ uống,… quy mô nhà máy được
mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm đã đóng góp cao vào giá trị công nghiệp toàn tỉnh;
Cơ cấu lao động khu vực công nghiệp chiếm 14,25% trong tổng số lao động của
toàn tỉnh và chiếm 84% lao động khu vực II. Năng suất lao động khu vực công
nghiệp đến năm 2020 là 129,1 triệu đồng/lao động/năm. Bên cạnh kết kết quả đạt
được trong thời gian qua Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh
nghiệp vừa và nhỏ như: Nghị quyết số
21/2019/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang
về quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Quyết định
số 27/2018/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc
ban hành quy chế quản lý, sử dụng kinh phí và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt
động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND
ngày 13 tháng 4 năm 2017 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc Ban hành Quy chế xây dựng,
quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang,...
Từ những kết quả
đạt được nêu trên, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trong thời gian qua
phát triển còn chậm; các doanh nghiệp tham gia chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Công ty TNHH MTV Giáp Quán Thăng, Công ty cổ phần May Nhật Thành, Công ty Cổ
phần may Nhà Bè - Hậu Giang và Công ty TNHH MTV Bao bì Vemedim, Công ty TNHH
Bao bì Đông Âu, Công ty TNHH King Group,...) có tiềm lực về vốn và trình độ sản
xuất, quản lý còn hạn chế, chưa tạo ra sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được sản xuất
của chính cơ sở. Hiện tại, có một vài doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) đầu tư vào Hậu Giang về sản xuất Giày thể thao, giấy cứng bao bì
(Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam và Công ty
TNHH JIA ZHI,...) đa phần doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu và phụ liệu
hoặc mua của các tỉnh, thành phố khác trong nước.
Nhìn chung, lĩnh
vực công nghiệp hỗ trợ về khả năng tham gia thị trường của những doanh nghiệp
công nghiệp hỗ trợ ở Hậu Giang còn yếu, do không có đủ công nghệ, năng lực sản
xuất yếu kém và khả năng quản lý còn hạn chế, nên chủ yếu tập trung vào các sản
phẩm đơn giản như bao bì, nhãn mác, giày da,...
II.
MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG
1.
Mục tiêu chung
Đẩy mạnh thu hút đầu
tư vào công nghiệp hỗ trợ từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ các doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa;
Ưu tiên phát triển
các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa với công nghệ tiên tiến,
thân thiện môi trường;
Tạo điều kiện thuận
lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Xây dựng và hình thành
các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liên ngành phục vụ cho các ngành công nghiệp
hỗ trợ.
2.
Mục tiêu cụ thể
Căn cứ vào mục tiêu
chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và trên cơ sở những tiềm
năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển của ngành công
nghiệp, Hậu Giang xác định mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn
tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
a) Lĩnh vực linh kiện phụ tùng
Hình
thành và phát triển các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại,
linh kiện phụ tùng nhựa - cao su, điện - điện tử, trong đó tập trung lĩnh vực sản
xuất linh kiện phụ tùng cho các máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất
nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến lương thực, thực phẩm,
sản xuất thiết bị y tế,...
Đến
năm 2025, phát triển 01 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cung ứng
nhu cầu trong tỉnh và ngoài tỉnh.
b) Công nghiệp hỗ
trợ ngành dệt may - da giày
Duy trì, tăng cường
năng lực các cơ sở sản xuất hiện có, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị
vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may, đặc biệt khâu dệt, nhuộm và
hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Đầu
tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ ngành da giày nhằm
tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của ngành. Nâng cao năng lực
tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới đáp ứng
nhu cầu xuất khẩu. Ưu tiên sản xuất giày, dép da thời trang và cặp, túi
ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội
địa.
Tăng cường đào tạo
nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của
ngành dệt may - da giày.
c) Lĩnh vực công
nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao
Phát triển sản xuất
vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành
công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ngành
điện tử để có thể từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện
cho thị trường trong nước, khu vực.
Ngành công nghiệp hỗ
trợ ngành điện tử như: Linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản (Transistor, mạch
tích hợp, cảm biến, điện trở, tụ, điôt, ăng ten, thyristor); linh kiện thạch
anh; vi mạch điện tử; vật liệu sản xuất linh kiện điện tử (Chất bán dẫn, vật liệu
từ cứng, vật liệu mềm, chất cách điện tích cực); linh kiện phục vụ công nghiệp
lắp ráp điện tử (Linh kiện nhựa, linh kiện cao su, chi tiết cơ - điện tử, linh
kiện kính).
d) Công nghiệp hỗ trợ ngành
chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, chế biến thủy sản: Công nghiệp sản xuất
nguyên liệu, phụ liệu, phụ gia, bao bì, hóa chất,…
3. Đối tượng
a) Đơn vị chủ
trì: Sở Công Thương là cơ
quan quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ của tỉnh; tiếp nhận kinh phí từ nguồn
vốn sự nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các đề án,
kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và quyết toán kinh phí
theo quy định của pháp luật.
b) Đơn vị phối
hợp và thực hiện: Các cơ quan, tổ
chức được giao nhiệm vụ theo Kế hoạch này.
c) Đơn vị thụ
hưởng: Các tổ chức, cá nhân tham
gia hoạt động công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Kết nối, hỗ
trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản
phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài
vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
a) Mục tiêu: Xúc tiến và hỗ trợ mở rộng
thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ
trên địa bàn tỉnh. Tạo mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
với các công ty sản xuất, lắp ráp.
b) Hoạt động chính:
- Đánh giá, xác nhận năng lực doanh
nghiệp công nghiệp hỗ trợ;
- Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh
nghiệp công nghiệp hỗ trợ;
- Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư
vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá,
đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
- Tuyên truyền, quảng bá trên các
phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ.
2. Hỗ trợ đào tạo
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản
phẩm công nghiệp hỗ trợ
a) Mục tiêu: Dự kiến khoảng 10 lượt doanh nghiệp được
hỗ trợ đào tạo lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao trình
độ cán bộ quản lý nhà nước về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
b) Hoạt động
chính:
- Đánh giá nhu cầu
về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;
- Tổ chức bồi dưỡng,
đào tạo nâng cao trình độ công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất các sản
phẩm công nghiệp hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về chính sách, quản
lý, công nghệ, thương mại. Dự kiến có khoảng 150 lượt công nhân, cán bộ quản lý
được bồi dưỡng, tập huấn.
3. Hỗ trợ
nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất
thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu
- Hỗ trợ doanh nghiệp thuê chuyên gia
trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong nước.
- Hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản
xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên
cứu trong lĩnh vực công nghiệp.
- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ
trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển
giao công nghệ.
4. Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ
a) Mục tiêu: xây dựng
cơ sở dữ liệu, cập nhật và cung cấp thông tin thường xuyên về công nghiệp hỗ trợ,
phục vụ nhu cầu theo dõi, quản lý và tìm kiếm thông tin của các cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp trên địa bàn. Mở chuyên mục công nghiệp hỗ trợ trên website của Sở
Công Thương;
b) Hoạt động
chính:
- Khảo sát, xây dựng
và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ;
- Tổ chức hội thảo
hàng năm công bố thông tin về năng lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ quốc gia;
- Xuất bản các ấn
phẩm về công nghiệp hỗ trợ.
5. Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của
chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất
- Đánh giá khả
năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất.
- Đánh giá, công
nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất.
6. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách
- Đẩy mạnh
tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, tín dụng,
đào tạo nguồn nhân lực…đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có cơ hội
mở rộng quy mô đầu tư, phát triển mạnh, làm đầu tàu và trở thành động lực quan
trọng cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
- Xây dựng,
hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách về công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ
khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công
nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
IV.
KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn vốn
* Tổng kinh
phí thực hiện Kế hoạch đến năm 2025 là: 3.659.000.000 đồng (Ba
tỷ sáu trăm năm mươi chín triệu đồng), trong
đó:
- Nguồn kinh phí
ngân sách địa phương: 962.800.000 đồng.
- Nguồn kinh phí
đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương:
1.600.000.000 đồng.
- Nguồn vốn khác
(tài trợ; đóng góp tổ chức, cá nhân; nguồn vốn hợp pháp khác,...):
1.096.200.000 đồng.
(Đính kèm Phụ lục)
2. Giải pháp về
nguồn kinh phí thực hiện
- Tập trung các nguồn vốn ngân sách địa
phương (lồng phép thêm các nguồn vốn ngân sách khác: chương trình xúc tiến đầu
tư, nguồn khuyến công, xúc tiến thương mại,...) và nguồn kinh phí hỗ trợ từ
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương để triển khai thực hiện
có hiệu quả các nội dung Kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
trên địa bàn tỉnh.
- Về nguồn vốn khác:
+ Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ
chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;
+ Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ
chức, cá nhân trong, ngoài nước và nguồn vốn ODA;
+ Các nguồn vốn hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật.
- Khuyến khích việc huy động các nguồn
kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước để triển khai các nội dung của kế hoạch.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công
Thương
- Công bố, phổ biến Kế hoạch này đến
các cơ quan, đơn vị, các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành
liên quan triển khai các nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển
công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy chế
quản lý, sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ địa phương, trình
UBND tỉnh; xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án
trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện
Kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hàng năm, trình UBND tỉnh
xem xét, quyết định theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và
các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Kế hoạch, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí Kế hoạch đúng mục đích, tiết
kiệm, hiệu quả. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương kết
quả thực hiện Kế hoạch.
- Làm đầu mối phối hợp với Cục Công
nghiệp - Bộ Công Thương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình
phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của các tổ chức,
doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch
để giải quyết kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đề xuất ý kiến tham
mưu xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh và các bộ ngành Trung ương
theo đúng quy định.
- Chủ trì đôn đốc, giám sát, kiểm tra
hoạt động triển khai, kết quả thực hiện của Kế hoạch; báo cáo đánh giá kết quả
thực hiện Kế hoạch từng năm và cả giai đoạn; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ
sáu tháng, một năm và theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Công Thương; thường xuyên
theo dõi, rà soát cơ chế, chính sách đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban
hành cho phù hợp.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc
tổng hợp, cân đối kế hoạch vốn đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
và địa phương có liên quan xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Tỉnh.
- Nghiên cứu, đề xuất những cơ chế,
chính sách thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp
hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
- Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,
hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Thẩm định, đề xuất
về kinh phí thực hiện Kế hoạch, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
4. Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội
- Lồng ghép vào
các chương trình đào tạo nghề, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với
doanh nghiệp trong công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh
nghiệp.
- Làm đầu mối liên hệ với các cơ sở
đào tạo trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực
phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Tỉnh.
5. Sở Khoa học
và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến
hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Phối hợp với các ngành liên quan
xây dựng và triển khai các cơ chế, giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực doanh
nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn các
doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, đăng ký kiểu dáng công nghiệp, công bố chất lượng
sản phẩm.
6. Sở Nội vụ
Hỗ
trợ, phối hợp với Sở Công Thương xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ
cán bộ quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, tổ chức các khóa đào tạo cán bộ
quản lý nhà nước về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại.