TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 47390/CT-TTHT
V/v chính
sách thuế GTGT và thuế TNDN
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm
2019
|
Kính gửi: Công ty cổ phần Pole To Win Việt Nam
(Đ/c: Phòng
07, tầng 7, Tòa nhà Việt Á, số 9 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội. MST: 0108431298)
Trả lời công văn số 02/CV/2019/PTW đề ngày 28/05/2019
của Công ty cổ phần Pole To Win Việt Nam (sau đây gọi là "Công ty") hỏi
về chính sách thuế GTGT và thuế TNDN, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013
Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP
ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
Luật Thuế giá trị gia tăng:
+ Tại Điều 9 quy định:
“Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất
khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi
thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT
khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại
khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được
bản, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ
cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
…
b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp
cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực
tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế
quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.
…
Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại
Việt Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam.
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
...b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở
nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua
ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
…”
- Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công
nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;
- Căn cứ
Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử;
- Căn cứ Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 18/11/2014
của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản
phẩm phần mềm:
+ Tại Khoản 3 Điều 3 quy định về hoạt động sản xuất sản
phẩm phần mềm:
“3. Hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng đúng
quy trình là hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có tư cách pháp nhân theo quy định
pháp luật, tham gia thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất
sản phẩm phần mềm nhằm tạo mới hoặc nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm phần
mềm.”
+ Tại Điều 5 quy định về quy trình sản xuất sản phẩm
phần mềm:
“Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm 07 công
đoạn sau:
1. Xác định yêu cầu, bao gồm một trong những tác nghiệp
như: khảo sát yêu cầu của khách hàng, phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây dựng
yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu.
2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một trong những tác
nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình hóa dữ liệu;
mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm;
thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm.
3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một trong những
tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm;
chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp
hệ thống phần mềm.
4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một trong
những tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô
đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức
năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; xác định
thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.
5. Hoàn thiện, đóng gói phần mềm, bao gồm một trong
những tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài
đặt, sử dụng phần mềm; đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí
tuệ.
6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì,
bảo hành phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: hướng dẫn cài đặt phần
mềm; triển khai cài đặt phần mềm; đào tạo, hướng dẫn người sử dụng; kiểm tra phần
mềm sau khi bàn giao; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao; hỗ trợ sau bàn giao, bảo
hành phần mềm; bảo trì phần mềm.
7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một
trong những tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, phân phối sản phẩm phần mềm;
phát hành sản phẩm phần mềm.
+ Tại Điều 6 quy định về xác định hoạt động sản xuất
sản phẩm phần mềm:
“1. Yêu cầu chung đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá
nhân sản xuất sản phẩm phần mềm:
a) Đối với tổ chức, doanh nghiệp: có giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, hoặc văn bản quy định về chức
năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp. Đối với cá nhân: có mã số thuế cá
nhân; có kê khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất phần
mềm;
b) Sản phẩm phần mềm do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
sản xuất thuộc một trong các loại sản phẩm phần mềm được quy định trong Danh mục
sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08 tháng 4
năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được
xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình khi tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân đáp ứng được yêu cầu ở Khoản 1 Điều này, và hoạt động đó
thuộc một hoặc nhiều trường hợp trong số các trường hợp sau:
a) Hoạt động thuộc một hoặc nhiều công đoạn trong các
công đoạn từ 2 đến 4 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại các
Khoản 2, 3, 4 Điều 5 Thông tư này đối với sản phẩm phần mềm nêu tại Điểm b, Khoản
1 Điều này.
b) Hoạt động nêu tại công đoạn 1, công đoạn 5 của quy
trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 5 Thông
tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có hoạt động thỏa mãn quy định tại
Điểm a, Khoản này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.
c) Hoạt động thuộc công đoạn 6 của quy trình sản xuất
sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh
nghiệp, cá nhân đó có các hoạt động thuộc đầy đủ cả 5 công đoạn từ 1 đến 5 của
quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều 5
Thông tư này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.”
- Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013
của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp:
+ Tại Điều 15 quy định về thuế suất ưu đãi:
“1. Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng
đối với:
…
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu
tư mới thuộc các lĩnh vực: ... sản xuất sản phẩm phần mềm; ...
Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại
Điểm này là dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phần mềm thuộc danh mục sản phẩm phần
mềm và đáp ứng quy trình về sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của pháp
luật;
…
6. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại Điều
này được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh
nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư mới;... ”
+ Tại Điều 16 quy định về miễn thuế, giảm thuế:
“1. Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong
9 năm tiếp theo đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu
tư mới quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định này;
…
4. Thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều
này được tính liên tục từ năm đầu tiên có thu nhập
chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế
trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư
mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư...”
- Căn cứ Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP
ngày 12/02/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 1 Điều 16 Nghị định
số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính Phủ:
“a) Thu nhập của doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều
15 Nghị định này.”
- Căn cứ Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC
ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chỉnh sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 18 Thông tư số
78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 5 Thông tư số
151/2014/TT-BTC):
“5. Về dự án đầu tư mới:
a) Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập
doanh nghiệp quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP là:
...- Dự án đầu tư trong nước gắn với việc thành lập
doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục
lĩnh vực đầu tư có điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ
ngày 01/01/2014.
…”
- Căn cứ Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài
chính quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:
“1. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng
đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế
thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
2. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập
doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh
thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được
hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn
thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi
thuế để kê khai nộp thuế riêng.
…”
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn
nguyên tắc như sau:
1. Về thuế GTGT:
Trường hợp Công ty cổ phần Pole To Win Việt Nam ký hợp
đồng với Công ty cổ phần QAAS (là công ty Nhật Bản) để cung cấp dịch vụ kiểm thử
phần mềm quản lý nội bộ Zacro được sử dụng trong nội bộ Công ty Bandai Namco
Entertainment tại Nhật Bản, nếu đáp ứng điều kiện về hợp đồng, chứng từ thanh
toán quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì được áp dụng
thuế suất 0%.
2. Về thuế TNDN:
Trường hợp Công ty cổ phần Pole To Win Việt Nam được
UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 9849801861 ngày
06/09/2018 trong lĩnh vực: biên dịch, lập trình máy vi tính, dịch vụ phân tích
hệ thống, dịch vụ khắc phục sự cố máy vi tính và cài đặt phần mềm, dịch vụ thực
hiện phần mềm, sản xuất phần mềm, tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy
vi tính thì:
- Đối với hoạt động lập trình máy tính (CPC 8424) và
sản xuất phần mềm (CPC 842) nếu đáp ứng là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm
theo đúng quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 18/11/2014 của Bộ
Thông tin và Truyền thông thì thu nhập phát sinh từ các hoạt động này được áp dụng
thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu; miễn
thuế TNDN trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số
thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế
trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời
gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
- Đối với hoạt động biên dịch, dịch vụ phân tích hệ
thống (CPC 8422), dịch vụ khắc phục sự cố máy vi tính và cài đặt phần mềm (CPC
8499), dịch vụ thực hiện phần mềm (CPC 842), tư vấn máy vi tính và quản trị hệ
thống máy vi tính (CPC 8410) không phải là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm
theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT thì thu nhập phát sinh từ các hoạt
động này không được ưu đãi thuế TNDN.
Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ
Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 2 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty cổ phần Pole To
Win Việt Nam được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Phòng TKT2;
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|