VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 394/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 11 năm 2019
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH
LẠNG SƠN
Ngày 30 tháng 9 năm 2019 tại tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn về
tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XVI đến nay. Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến
Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải Nguyễn Văn Thể và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công
Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế, Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi nghe Lãnh đạo Tỉnh báo cáo, ý kiến của các Bộ,
cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và thành quả
mà Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân
tỉnh Lạng Sơn và kết quả phát triển kinh tế - xã hội rất tích cực trong thời
gian qua. Kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng đều, toàn diện, tổng sản phẩm
trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7,76%. Chỉ số
sản xuất công nghiệp đều tăng bình quân trên 8% (9 tháng đầu năm 2019 tăng
6,9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông
nghiệp. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2019 ước tăng 37% so cùng kỳ; kinh tế
cửa khẩu trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Xuất nhập khẩu giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 5,8%/năm. Hoạt động thương
mại, kinh tế biên mậu phát triển mạnh; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ bình
quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 8,4%/năm (9 tháng đầu năm 2019 tăng 10,6%). Du
lịch bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 6,1%/năm (9 tháng đầu năm 2019 tăng
8,4%). Tập trung đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, nâng cao kết
cấu hạ tầng, năng lực thông quan, tạo môi trường thuận lợi cho xuất nhập khẩu
và thu hút đầu tư.
Khai thác lợi thế từ kinh tế đồi rừng, nông nghiệp,
Lạng Sơn đã trở thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp lớn; tạo dựng được thương
hiệu và vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 62,8%. Xây dựng nông thôn mới
được chỉ đạo quyết liệt, hết năm 2018 đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phối hợp tốt với Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu
tư hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tạo điều kiện quan trọng thu
hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng
được cải thiện, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt kết
quả tích cực; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, đời sống vật chất và
tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm
y tế đạt 95,5% (bình quân cả nước là 88,7%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (bình
quân giảm 3,25%/năm). Công tác khám chữa bệnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Tích cực thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ
cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã, thôn, khối phố (đã nhập 537 thôn, khối phố thành 249 thôn, khối
phố; đang thực hiện nhập 51 đơn vị hành chính cấp xã).
Công tác đối ngoại được mở rộng, tăng cường quan hệ
hợp tác với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thương mại,
kinh tế cửa khẩu, tạo thuận lợi cho thông quan, quản lý biên giới, phòng, chống
tội phạm... Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định
chính trị, chủ quyền, an ninh biên giới. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc,
quản lý chặt chẽ địa bàn biên giới. Tai nạn giao thông đều giảm cả 3 tiêu chí.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, Lạng Sơn còn một số khó khăn, hạn chế cần
nhanh chóng khắc phục: Quy mô kinh tế còn nhỏ, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn
(kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch) chưa tương xứng với tiềm năng,
lợi thế; xuất nhập khẩu tăng trưởng thiếu ổn định. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao
động chuyển dịch còn chậm; thu ngân sách chưa bền vững; kết cấu hạ tầng còn yếu
kém. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán và chưa khai thác hết tiềm năng, lợi
thế; năng lực sản xuất, năng suất lao động thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn
hạn chế; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2025 USD (thấp hơn mức bình
quân của cả nước 2.587 USD). Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm, tỷ lệ xã
đạt chuẩn nông thôn mới là 48/207 xã đạt 23,2% (chưa bằng 1/2 bình quân cả nước
50,8%).
Kinh tế tư nhân phát triển chậm, số lượng doanh
nghiệp còn ít, bình quân 221 người dân/doanh nghiệp (thấp hơn nhiều so với bình
quân cả nước là 134 người dân/doanh nghiệp). Xóa đói, giảm nghèo chưa vững chắc,
tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 15,83%, số hộ nghèo xếp thứ 10 trong cả nước
(30.583 hộ). Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân còn khó khăn nhất là đồng
bào dân tộc ít người, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%
hộ nghèo trong tỉnh. Chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng; dạy nghề, giải
quyết việc làm còn nhiều bất cập. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp nhiều
khó khăn, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở còn hạn chế.
Năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm
vụ của một số cơ quan Nhà nước có mặt còn hạn chế, tính chủ động chưa cao. Môi
trường đầu tư, năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và
hành chính công còn hạn chế (Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 50/63, vẫn ở thứ hạng
thấp).
II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN
TỚI
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lạng Sơn tiếp
tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện
tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phấn đấu hoàn thành vượt
mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019. Khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn
chế, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt
để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cần tập trung thực hiện tốt
những nội dung chủ yếu sau:
1. Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã
hội dựa trên ba trụ cột, đó là: Kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững, nông nghiệp
thông minh gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm.
- Đẩy mạnh phát triển khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng
Đăng - Lạng Sơn, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, logistics, trở
thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của các địa phương trong cả nước. Chú trọng
phát triển kinh tế biên mậu, du lịch gắn với giữ vững an ninh quốc phòng, có
chính sách ưu đãi thu hút người dân đến làm việc tại khu vực kinh tế cửa khẩu,
biên giới. Đồng thời hợp tác chặt chẽ, hài hòa với các địa phương của Trung Quốc,
tạo một nền tảng kinh tế - xã hội bền vững cho khu vực, tạo điều kiện vững chắc
cho nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn biên cương.
- Phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh
tế mũi nhọn, khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, bản
sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm du lịch
đặc thù mang dấu ấn địa phương nhất là các sản phẩm ẩm thực đặc sắc của các dân
tộc vùng cao, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa vùng
biên ải, quảng bá vẻ đẹp mảnh đất, con người xứ Lạng. Huy động nguồn lực đầu tư
các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, trong đó đẩy nhanh việc xây dựng
và phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn thành trung tâm du lịch sinh thái
nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa vùng trung du miền núi Bắc Bộ,
là một điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
theo hướng sản xuất hiện đại, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến sâu để
nâng cao giá trị hàng hóa. Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa;
xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, đưa Lạng
Sơn trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đặc sản
như rau, hoa quả... Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, nhất là xử
lý nước thải và bảo vệ môi trường rừng.
2. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở
cả đô thị và nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ
tầng giao thông, tăng tính kết nối liên vùng. Phát triển đô thị Lạng Sơn theo
hướng thành phố bản sắc văn hóa vùng biên, thành phố xanh, sạch, đẹp cùng với
đó là hệ thống thị trấn, thị tứ hiện đại, đồng bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu vực cửa khẩu biên
giới.
3. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới
hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động; phát triển công nghiệp
theo hướng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao; hình thành và phát triển các
ngành công nghiệp mới. Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông
thôn mới. Sắp xếp lại hiệu quả các nông, lâm trường gắn với bảo vệ và phát triển
rừng. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh thực hiện và giải
ngân vốn đầu tư công, quản lý chặt chẽ và sử dụng ngân sách bảo đảm tiết kiệm,
hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước. Đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác
công - tư và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước để huy động tối đa
nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
4. Đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, tăng cường
thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch. Thường xuyên đối
thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân,
nhất là ở cấp cơ sở. Đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức
theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để nâng
cao niềm tin của xã hội, của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
5. Cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh,
nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút phát triển, phấn đấu trong 5 năm tới,
chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn trong nhóm khá các tỉnh,
thành phố cả nước. Khuyến khích người dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là
trong lớp trẻ để có nhiều doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân địa
phương; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn; tập
trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Coi kinh tế tư nhân là
động lực chính thúc đẩy phát triển địa phương. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng
công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực, từ xuất xứ hàng hóa đến thanh toán điện tử,
thương mại....và thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân thuận lợi nhất.
6. Các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Lạng Sơn nghiên
cứu, xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới, tạo ra hành lang kinh tế phát
triển mạnh, dọc tuyến biên giới; hỗ trợ Tỉnh hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị -
Chi Lăng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu
và kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước.
7. Tập trung phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong ngành lợi thế như
thương mại, dịch vụ, du lịch... Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách
an sinh xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo,
công tác dân tộc. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng,
lãng phí.
8. Chủ động tiếp cận và tích cực mở rộng thị trường
xuất khẩu cho hàng hóa trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương
tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang
Trung Quốc. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại
tội phạm thường xảy ra tại khu vực biên giới, bảo đảm giữ gìn quốc phòng an
ninh, bảo vệ đường biên, cột mốc; phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong công
tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, tội phạm mua
bán người, buôn bán ma túy...
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Về Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (khoảng
43km):
- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy
ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư rà soát, xây dựng phương án thiết kế
và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng thu xếp nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trong tháng 10 tháng 2019.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính, các cơ quan liên quan đề xuất phương án hỗ trợ dự án từ ngân sách
nhà nước, trong đó tỉnh Lạng Sơn cam kết hỗ trợ dự án khoảng 1.000 tỷ đồng từ
nguồn vốn ngân sách địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10
tháng 2019.
- Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân
hàng BIDV, Ngân hàng Vietinbank và các ngân hàng thương mại khẩn trương xem xét
việc thu xếp tín dụng cho dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo quy định
của pháp luật để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2020.
2. Về việc ứng trước 170 tỷ đồng kế hoạch vốn dự
phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương giai
đoạn 2016-2020 để bổ sung cho Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường (giai đoạn
1): Đồng ý về chủ trương; Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn căn cứ Khoản
4 Điều 1 Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội
về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các quy định
pháp luật có liên quan, chủ động triển khai, thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài chính hướng dẫn Tỉnh thực hiện.
3. Về đề nghị hỗ trợ 200 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu
tư xây dựng công trình để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
dự án Hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1: Đồng ý với ý kiến của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại văn bản số 7180/BNN-KH ngày 27 tháng 9 năm 2019; giao
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án
và bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và
các quy định có liên quan.
4. Về hỗ trợ từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu
tư công trung hạn 2016 - 2020 thuộc ngân sách Trung ương để nâng cấp, cải tạo dự
án đoạn Km3+700 - Km18, Quốc lộ 4B: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, tổng hợp vào phương án phân
bổ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7105/VPCP-KTTH ngày
9/8/2019; trước mắt xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí để chuẩn bị thủ tục đầu
tư dự án; đối với số kinh phí còn thiếu sẽ rà soát trong quá trình xây dựng kế
hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
5. Về việc mở đường chuyên dụng vận tải hàng hóa
khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị
Quan (Trung Quốc): Thực hiện theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 9 năm
2019.
6. Về việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma
- Ái Điểm tỉnh Lạng Sơn: Thực hiện theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 9
năm 2019.
7. Về đề nghị của Bộ Quốc phòng về đầu tư xây dựng
đường tuần tra biên giới; rà phá bom mìn:
- Về đường tuần tra biên giới: Bộ Quốc phòng làm việc
với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29 tháng 7
năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021 -2025.
- Về rà phá bom mìn: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan nghiên cứu
đề xuất nguồn vốn phù hợp, nhất là nguồn vốn ODA.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh
Lạng Sơn và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư,
Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải,
Ngân hàng Nhà nước VN, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân
hàng TMCP Công thương VN;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn;
- Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN,
TKBT, CN, KGVX, NC, QHQT;
- Lưu: VT, QHĐP (3) Huyền
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|