BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 139/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng
Nai trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 01 năm 2025
|
Kính gửi: Đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày
06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời
kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có
một số kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến
lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri phản ánh hiện nay tình trạng sử dụng
hóa chất trong bảo quản thực phẩm ăn uống chưa được các cơ quan quản lý chặt chẽ
gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Cử tri kiến nghị tăng cường
kiểm tra các đơn vị quản lý để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức
khoẻ cho nhân dân.
Việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm là chất bảo
quản đã được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP
ngày 02/02/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật
An toàn thực phẩm, Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định
về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm và Điều 1, Thông tư số
17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số
văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành. Theo đó,
các phụ gia thực phẩm được sử dụng với chức năng làm chất bảo quản thực phẩm phải
đảm bảo không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép, đúng đối tượng thực phẩm,
đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý và yêu cầu kỹ thuật đối với phụ gia thực phẩm.
Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP , phụ
gia thực phẩm phải thực hiện tự công bố sản phẩm tại địa phương (đối với phụ
gia thực phẩm thuộc danh mục, không có công dụng mới và sử dụng đúng đối tượng
do Bộ Y tế quy định) hoặc thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục An
toàn thực phẩm - Bộ Y tế (đối với phụ gia thực phẩm có công dụng mới, không thuộc
trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng
sử dụng do Bộ Y tế quy định).
Đối với các sản phẩm phụ gia thực phẩm thực hiện
đăng ký bản công bố sản phẩm, hàng năm Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đều triển
khai công tác hậu kiểm đối với các cơ sở đăng ký bản công bố sản phẩm. Đối với
các sản phẩm phụ gia thực phẩm thực hiện tự công bố sản phẩm, theo quy định tại
Điều 65, Luật An toàn thực phẩm, Điều 40, Nghị
định số 15/2018/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý an
toàn thực phẩm trên địa bàn; chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra,
giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Như vậy, các cơ quan quản lý tại
địa phương phải tăng cường kiểm tra, thanh tra; nếu có vi phạm xử lý theo quy định
của pháp luật.
Thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra về An toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp với các Bộ,
ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai hiệu quả quản lý nhà nước về An toàn
thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP .
2. Thực hiện Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày
30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công
chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là
2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại. Theo đó,
khi người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện mức đóng cũng tăng theo trong
khi thu nhập người dân còn khó khăn (cụ thể đối với các đối tượng từ trên 60 tuổi
đến dưới 79 tuổi không có nguồn thu nhập ổn định). Cử tri kiến nghị cần nghiên
cứu và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự
nguyện để bảo đảm chính sách an sinh xã hội.
3. Cử tri phản ánh hiện nay thực hiện Nghị định
số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng
đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 01/7/2024,
mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như
hiện tại. Theo đó, khi người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện và BHXH mức
đóng cũng tăng theo trong khi thu nhập người dân còn khó khăn do không có nguồn
thu nhập ổn định. Vì vậy, cử tri kiến nghị cần nghiên cứu và có chính sách hỗ
trợ phù hợp đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện và mức đóng BHXH
đối với người lao động tự do để bảo đảm chính sách an sinh xã hội và giảm áp lực
cho các đối tượng này.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, Quốc hội và
Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức tiền lương hoặc lương
hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở dựa
trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của
nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm
y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP
ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi
hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng
bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người
sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm,
ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình[1].
Tại điểm e, khoản 1, Điều 7, Nghị định
số 146/2018/NĐ-CP và khoản 11, Điều 1, Luật số 51/2024/QH15
sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế cũng đã quy
định mức đóng bảo hiểm y tế đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia
đình như sau: (1) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ
hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
(3) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Nghị
định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương
và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo
hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo
hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[2].
Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng
tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp
so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ
Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà
nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
4. Cử tri đề nghị Bộ Y tế xem xét có mô hình bệnh
viện đặc thù để chăm sóc sức khỏe người dân vào cả thứ bảy và chủ nhật, nhất là
sức khỏe của đối tượng là công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp.
Theo quy định tại khoản 10, Điều 27,
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 18/10/2018 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định
số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
biện pháp thi hành Luật bảo hiểm y tế:
“10. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối
với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào
ngày nghỉ, ngày lễ:
a) Người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa
bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo
hiểm y tế;
b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo
đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh
phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế và phải thông
báo trước cho người bệnh; thông báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để
bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh,
chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán. ”
Để tổ chức triển khai khám bệnh chữa bệnh ngày nghỉ,
ngày lễ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào các quy định của Pháp luật về Bảo
hiểm y tế và Luật Lao động tổ chức thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo quyền
lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
5. Cử tri phản ánh hiện nay bệnh nhân đi khám,
chữa bệnh tuyến trên phải làm thủ tục chuyển tuyến gây ra khó khăn cho bệnh
nhân, bệnh nhân phải lấy giấy chuyển viện từ trung tâm y tế huyện lên Bệnh viện
Đa khoa tỉnh, làm giấy chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương, việc xin thủ tục
chuyển tuyến còn phức tạp và mất nhiều thời gian. Vì vậy cử tri kiến nghị cần
xem xét bỏ quy định về chuyển tuyến khi tham gia khám, chữa bệnh bằng Bảo hiểm
y tế để đảm bảo người dân được lựa chọn tuyến bệnh viện phù hợp với nhu cầu.
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế đã được
thông tuyến huyện và tuyến tỉnh trên toàn quốc, việc kiến nghị được mở rộng
thông tuyến bảo hiểm y tế đối với tuyến Trung ương (được chi trả 100% chi phí
khám chữa bệnh khi đi khám chữa bệnh trái tuyến) để mở rộng thành thông tuyến
trên cả nước cần được nghiên cứu, xem xét cẩn trọng để tránh quá tải cho tuyến
Trung ương (hiện tại chỉ có chưa đến 100 bệnh viện tuyến Trung ương trong tổng
số gần 14.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc). Các cơ sở y tế tuyến Trung
ương chủ yếu tập trung vào điều trị các trường hợp bệnh nặng và phát triển các
kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo thực hành các kỹ thuật cao. Do đó, cần tăng cường
khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến cơ sở (theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số
20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 23/11/2023 và Chỉ thị 25-
CT/TW ngày 25/10/2023 là đến năm 2030 trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm
sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả), góp phần bảo đảm và cân
đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ngày 01/01/2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số
01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo
hiểm y tế, trong đó có (1) danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy
chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế; (2) quy định
đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, quy định chuyển người bệnh
về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của
cử tri tỉnh Đồng Nai liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: ATTP, BH;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
[1]
a) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo
đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
b) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối
với đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định này
[2]
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách
của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hình hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quyết định:
a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng
cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định
này;
b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng
không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả
chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi
đi khám bệnh, chữa bệnh.