ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 140/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
16 tháng 8 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TRUYỀN THÔNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN
VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Thông tư số
06/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực
hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu
quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 650/QĐ-LĐTBXH
ngày 21/7/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Kế hoạch truyền
thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch
truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tuyên truyền, phổ biến chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực
hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững.
b) Nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu
giảm nghèo, các chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo sự đồng thuận, ủng
hộ của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền
vững.
c) Tuyên truyền, truyền thông
cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình giảm nghèo về các tấm gương điển
hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong
toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của
người dân và cộng đồng.
2. Yêu cầu
a) Xác định công tác giảm nghèo
bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống
chính trị và toàn xã hội; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội
của Tỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc.
b) Truyền thông, thông tin về
công tác giảm nghèo phải kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật, nội
dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện
thực tế của mỗi địa phương.
c) Truyền thông, thông tin về
công tác giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, từng
ngành phải nắm vững, hiểu rõ các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách giảm
nghèo để thực hiện đúng, kịp thời và hiệu quả.
II. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng truyền thông,
thông tin
Người dân, cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội. Trong đó, chú trọng truyền
thông cho nhóm người, gia đình được thụ hưởng chính sách giảm nghèo như người
nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
2. Phạm vi và thời gian thực
hiện
a) Phạm vi thực hiện: Trên phạm
vi toàn tỉnh.
b) Thời gian thực hiện: Từ năm
2022 đến hết năm 2025.
III. NỘI
DUNG, HÌNH THỨC
1. Nội dung
a) Tập trung tuyên truyền những
mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại
hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư
Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trong đó, chú trọng các nội dung sau:
- Tập trung đầu tư vào con người,
nâng cao năng lực phát triển của người dân. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo
việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu
cầu thị trường lao động.
- Thực hiện mục tiêu giảm nghèo
đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hướng đến giải quyết
các vấn đề thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
- Lấy phát triển kinh tế là trọng
tâm để giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống,
tăng thu nhập cho người dân nói chung, người nghèo nói riêng.
b) Tuyên truyền thực hiện phong
trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí
tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm
no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
c) Tuyên truyền, giáo dục, nâng
cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người
lao động, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ
truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta đối với
người nghèo. Truyền thông hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh
nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ,
ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.
d) Truyền thông, thông tin về
các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự
lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền
vững.
2. Hình thức
- Truyền thông, thông tin trên
các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tổ chức các hoạt động, phong
trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương,
khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành
tích trong lĩnh vực giảm nghèo.
- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ
về công tác giảm nghèo nói chung, nâng cao kỹ năng truyền thông, thông tin về
giảm nghèo nói riêng đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người
làm công tác giảm nghèo.
- Tổ chức đối thoại về chính
sách giảm nghèo với cán bộ và người dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao
trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo.
- In ấn, phát hành tờ rơi, tài
liệu, băng rôn giới thiệu các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về
công tác giảm nghèo; tổ chức nói chuyện chuyên đề đến các địa phương tại các buổi
sinh hoạt cộng đồng.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Kinh phí thông tin, truyền
thông, tuyên truyền được ngân sách bố trí cho các cơ quan, đơn vị và địa phương
thực hiện tiểu dự án Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được giao hàng năm và các
nguồn hợp pháp khác.
2. Khuyến khích các doanh nghiệp,
đơn vị sự nghiệp công lập, báo chí, phát thanh, truyền hình tham gia các hoạt động
truyền thông, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
- Chủ trì tham mưu, tổ chức thực
hiện các nội dung truyền thông, thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo.
- Cung cấp các thông tin cơ bản
về công tác giảm nghèo của tỉnh cho các cơ quan liên quan theo quy định.
- Tổ chức triển khai, theo dõi,
đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp,
báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ
quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng,
xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các sản phẩm báo chí, xuất bản phẩm và sản
phẩm truyền thông khác để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực hiện chính sách,
pháp luật về giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp,
các ngành và toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và
công tác huy động nguồn lực đóng góp cho công tác giảm nghèo bền vững.
- Xây dựng, phát hành các tài
liệu, ấn phẩm, video clip, chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ công
tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững trên báo chí và hệ thống
thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cấp, duy trì hoạt động thường
xuyên trang thông tin điện tử Giảm nghèo về thông tin Ninh Bình.
- Lồng ghép hoạt động truyền
thông về Chương trình giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
- Triển khai hiệu quả các giải
pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả công
tác truyền thông.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện công tác giảm nghèo.
- Tăng cường tuyên truyền, vận
động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, đóng
góp nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp
giúp đỡ giảm nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng
các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.
- Tiếp tục tổ chức hiệu quả các
cuộc vận động xã hội, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, khu đô thị văn minh” và phong trào
thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
4. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức
triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về công tác
giảm nghèo của địa phương và của tỉnh.
- Hằng năm, tổng hợp, báo cáo kết
quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trên đây là Kế hoạch truyền
thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh;
- Lưu VT, VP2, VP3, VP5, VP6.
NP_VP6_KHLĐ
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|