BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2336/BNN-KN
V/v đẩy mạnh công tác khuyến nông
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 4 năm 2023
|
Kính
gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trước yêu cầu khách quan của thực
tiễn sản xuất nông nghiệp trong tiến trình “Đổi mới”, ngày 02/03/1993, Chính phủ
ban hành Nghị định số 13/CP Quy định về công tác khuyến nông, đặt nền móng cho
sự ra đời và phát triển của hệ thống khuyến nông Việt Nam. Trải qua 30 năm hoạt
động, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương
và cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương; sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ của
các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, Hệ thống Khuyến nông Việt Nam đã
không ngừng phát triển, lớn mạnh và trưởng thành.
Hệ thống khuyến nông các cấp đã
đóng góp vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng
và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần tạo ra
sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu sản xuất và trình độ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
trên phạm vi rộng theo hướng sản xuất hàng hóa. Lực lượng khuyến nông cũng đã
góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai,
dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng
nông thôn mới.
Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW
ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày
28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp
và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đảng và Nhà
nước đã có những chủ trương, định hướng về phát triển khuyến nông trong giai đoạn
tới: “Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, phát triển
khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số”
nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh
thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Căn cứ Nghị định số
105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; căn cứ kết quả
01 năm triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến
nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” (Quyết định số
1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn); để tiếp tục phát triển lực lượng khuyến nông trong thời gian tới, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo đẩy
mạnh công tác khuyến nông, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Củng cố và phát triển
các mô hình khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông
nghiệp ở cơ sở gắn với phát triển các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản quy mô
lớn, đạt chuẩn. Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để các tổ khuyến nông cộng
đồng hoạt động có hiệu quả, tập trung vào các nội dung nhiệm vụ chính sau:
- Nắm bắt tình hình sản xuất
nông nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho nông dân, đồng hành với nông
dân.
- Hỗ trợ công tác quản lý nhà
nước về nông nghiệp ở địa phương (bao gồm cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn).
- Tư vấn, dịch vụ, thương mại
nông sản, kết nối thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho nông
dân.
- Tư vấn tổ chức lại sản xuất,
đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị,
sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
- Tư vấn về chính sách, trực tiếp
chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống.
2. Đối với 13 tỉnh thuộc
Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện
toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực
hiện theo nội dung Đề án đã phê duyệt. Đối với những tỉnh không thuộc Đề án,
trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm 01 năm triển khai Đề án thí điểm để vận dụng,
áp dụng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp với điều kiện của địa phương.
3. Đa dạng hóa các hình
thức hoạt động khuyến nông, phát triển hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở
cơ sở, mở rộng hệ thống khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông hợp tác xã, khuyến
nông cộng đồng,… đáp ứng nhu cầu của sản xuất, thị trường.
4. Quan tâm đào tạo, bồi
dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức thị trường, tổ chức sản xuất, công nghệ số,…
cho lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng. Trung tâm Khuyến
nông Quốc gia là đầu mối tham mưu, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp ở địa phương, từng bước chuẩn
hóa cán bộ khuyến nông.
5. Quan tâm đời sống vật
chất và tinh thần cán bộ khuyến nông cơ sở, hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp,
tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề.
6. Tăng cường kết nối hệ
thống khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
Giao Trung tâm Khuyến nông Quốc
gia nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về công tác
khuyến nông để chuyển tải trong phạm vi cả nước; phối hợp với một số trường của
Bộ đào tạo thí điểm một số lớp cán bộ khuyến nông có trình độ trung cấp trở
lên.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất mong nhận được sự quan tâm, phối
hợp chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Các Tổng cục: LN, TS;
- Các Cục: TT, CN, KTHT;
- TTKNQG (để t/h);
- Sở NN&PTNT các tỉnh, Tp;
- Trung tâm KN các tỉnh, Tp;
- Lưu VT, KNQG.
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Minh Hoan
|