ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 129/KH-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
17 tháng 4 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TUYÊN
TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO, CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm
pháp luật có sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường,
gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân từ vài triệu đến hàng tỷ đồng với các
đối tượng hướng đến không chỉ là những người có thu nhập thấp, thất nghiệp,...
mà cả những người có trình độ, công việc ổn định cũng bị các đối tượng lôi kéo,
lừa đảo; gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, tình hình an ninh, trật tự;
gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt
tài sản trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn
mới, tinh vi, xảo quyệt như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội
(Facebook, zalo...), mạo danh người thân mượn tiền giải quyết việc gấp; giả
danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng,
nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo
chiếm đoạt tài sản; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các
trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; hay gần đây
nhất là thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deep fake (“Deepfake” là công nghệ ứng dụng
trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video
làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao) làm giả cuộc gọi
video nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo thống kê, trong Quý I/2023, lực lượng phòng,
chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố 18 vụ án = 28 bị can liên quan
đến tội phạm sử dụng Công nghệ cao với số tài sản thiệt hại lên đến hàng chục tỷ
đồng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều cá nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài
sản, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do chưa có nhận thức đầy đủ, không đủ khả
năng phát hiện các hành vi lừa đảo của các đối tượng. Để tiếp tục nâng cao nhận
thức cho quần chúng Nhân dân và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội
phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
trên không gian mạng với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về các quy định của pháp luật
trong phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
trên không gian mạng nói riêng; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo
chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác phòng ngừa xã hội, tiến tới hạn chế và loại bỏ các nguyên nhân, điều
kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội trên không
gian mạng.
2. Hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng,
dễ tiếp cận; nội dung tuyên truyền phải bám sát quy định của pháp luật và phù hợp
với đối tượng cũng như tình hình thực tế tại địa bàn.
3. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thống
nhất từ tỉnh đến cơ sở; huy động được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính
quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; chấp hành nghiêm túc quy định về bảo vệ
bí mật Nhà nước.
4. Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức
và trách nhiệm phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian
mạng phải được thực hiện thường xuyên, tần suất phù hợp; đảm bảo có trọng tâm,
trọng điểm với nội dung, hình thức phù hợp; gắn với việc tuyên truyền các nhiệm
vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi, đối tượng
- Phạm vi: Tuyên truyền trên toàn tỉnh.
- Đối tượng: Cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh
viên, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng Nhân dân trên địa bàn
tỉnh.
2. Nội dung tuyên truyền
- Các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm
lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhất là: Luật An ninh mạng, Luật
Hình sự,...
- Những phương thức, thủ đoạn, đặc điểm nhận biết
và cách phòng tránh đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không
gian mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền về: Thủ đoạn gọi điện giả danh cán
bộ Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thủ đoạn lợi dụng lòng tham của các
cá nhân thông báo trúng thưởng lớn để chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản
ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền; thủ đoạn chiếm quyền sử dụng tài khoản (mạng xã
hội Facebook, Zalo...), lập tài khoản mạo danh người khác, tuyển cộng tác viên
làm việc online, thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video...
để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Tầm quan trọng của việc bảo vệ các thông tin dữ
liệu cá nhân; nâng cao ý thức cảnh giác trong việc cung cấp các thông tin cá
nhân cũng như việc xác thực con người trước khi thực hiện việc chuyển tiền bằng
hình thức internet banking; hậu quả, tác hại của việc: bán, cho thuê, cho mượn
tài khoản ngân hàng, để các đối tượng xấu sử dụng tài khoản ngân hàng của mình
phục vụ việc chuyển, nhận tiền, làm đầu ra cho tài sản chiếm đoạt được.
- Kết quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu
tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
trên không gian mạng.
Trong đó, trọng tâm tuyên truyền theo khẩu hiệu “4
không, 2 phải”. Gồm:
- “4 không” là: (1) Không sợ
(không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt
gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân); (2) Không
tham (khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng
thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời
các đối tượng); 3) Không kết bạn với người lạ (khi có
người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, mục đích thì
không nên kết bạn, bắt chuyện, nhất là không được cung cấp các thông tin cá
nhân để đối tượng có thể lợi dụng); (4) Không làm (khi
các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu
chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo).
- “2 phải” là: (1) Phải
thường xuyên cảnh giác (chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là
các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài
khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...); (2) Phải
tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ (khi nhận được các
cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không
có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan pháp luật
để được hướng dẫn xử lý).
3. Phương pháp thực hiện
Phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các ban, ngành,
đoàn thể, sử dụng tối đa các phương tiện, điều kiện thông tin tuyên truyền hiện
có và các hình thức tuyên truyền truyền thống, nghiên cứu, áp dụng các hình thức,
phương pháp, phương tiện thông tin tuyên truyền mới, phong phú, đa dạng về hình
thức phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương. Chú trọng việc phát huy vai
trò của người có uy tín, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền. Cụ thể:
- Tuyên truyền trên không gian mạng: Thường
xuyên tổng hợp thông tin, tạo các bài viết, phóng sự ngắn gọn, dễ hiểu... vận dụng
các ứng dụng điện tử, các Fanpage, Zalo... nhanh chóng đưa thông tin về phương
thức, thủ đoạn của các đối tượng, các phương pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo,
chiếm đoạt tài sản trên một cách nhanh nhất đến với các cá nhân tham gia không
gian mạng.
- Tuyên truyền trực tiếp: Tổ chức hội nghị tập
huấn, tuyên truyền hoặc lồng ghép nội dung trong các hội nghị, lớp học, trong
các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị,... nhằm truyền thông tin về phương thức,
thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và
các biện pháp phòng, chống.
- Tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại
chúng: Báo, đài truyền thanh - truyền hình của trung ương, địa phương và lực
lượng Công an nhân dân, hệ thống phát thanh cơ sở để đăng tải, phát sóng các
tin, bài, phóng sự, video clip...
- Tuyên truyền bằng các hình thức cổ động: Tổ
chức kẻ vẽ khẩu hiệu, băng zôn tạo hình ảnh trực quan sinh động dễ hiểu, dễ nhận
biết và dễ ghi nhớ, hướng tới đông đảo các cá nhân ít có điều kiện tiếp nhận
thông tin bằng các hình thức khác.
- Tuyên truyền thông qua các Tổ liên gia tự quản:
Riêng với Tổ liên gia tự quản thông qua sinh hoạt, lực lượng Cảnh sát khu vực
tuyên truyền trực tiếp và phát tờ rơi đến 100% các Tổ liên gia tự quản; phát
huy vai trò của các cá nhân có uy tín để thông báo rộng rãi các nội dung cần
truyền tải đến từng hộ gia đình, cá nhân trong các Tổ liên gia tự quản.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an tỉnh
- Thực hiện vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực
hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, tham mưu
Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả phong
trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là trong công tác phòng, chống tội
phạm trên không gian mạng.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện,
thành phố hướng dẫn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức,
ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trong phòng, chống
tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
- Chủ trì, triển khai các biện pháp công tác nhằm kịp
thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật
về bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Quyết tâm làm giảm và tiến tới hạn chế thấp
nhất số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
- Tổ chức in ấn; cấp phát tờ rơi thông điệp “4
không” (Không sợ, không tham, không làm và không kết bạn với người lạ trên
không gian mạng), “2 phải” (Phải thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác;
phải kịp thời báo cáo với cơ quan pháp luật khi phát hiệu dấu hiệu nghi vấn lừa
đảo, chiếm đoạt tài sản) đến 100% các hộ gia đình, các Tổ liên gia tự quản, các
cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh
tuyên truyền, vận động và tổ chức bằng các hình thức, biện pháp hiệu quả cho hội
viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm
lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Chủ trì việc củng cố, phát
huy vai trò hoạt động của các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
trong công tác tuyên truyền. Tổ chức sơ kết, tổng kết các mô hình, điển hình
tiên tiến; nhân rộng các mô hình hay, hoạt động hiệu quả.
- Chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tiếp
tục phát huy vai trò của 10.762 Tổ liên gia tự quản, nhất là sử dụng các
nhóm zalo do Cảnh sát khu vực chủ trì (thành viên là các Bí thư Chi bộ, Trưởng
thôn, Tổ trưởng dân phố, Tổ trưởng Tổ liên gia tự quản...) tuyên truyền về các
phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không
gian mạng; chủ động tiếp nhận thông tin, cảnh báo và hướng dẫn quần chúng nhân
dân xử lý tình huống khi các đối tượng liên lạc đến thực hiện hành vi lừa đảo.
- Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập
thể, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền, phòng, chống tội phạm lừa
đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
- Thông báo đến các sở, ban, ngành, cơ quan trung
ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn về
những phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để
các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người lao động, người dân nắm được,
phòng ngừa, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Chỉ đạo và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp
luật các đối tượng lợi dụng không gian mạng, mạng truyền thông để lừa đảo, chiếm
đoạt tài sản.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Tham mưu, triển khai việc áp dụng các giải pháp
công nghệ thông tin trong phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
trên không gian mạng. Phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các nội dung
tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền về nội dung “4 không”, “2 phải”.
- Thường xuyên chỉ đạo Cổng thông tin điện tử tỉnh
đăng tải các thông tin liên quan đến: Luật An ninh mạng; các phương thức thủ đoạn
lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng trên không gian mạng; kết quả
công tác đấu tranh với các đối tượng phạm tội trên không gian mạng...
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các trường Đại học, Cao
đẳng, Trung học chuyên nghiệp và trường phổ thông tuyên truyền về các phương thức,
thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; hướng
dẫn giáo viên, cán bộ, học sinh, sinh viên xử lý tính huống khi các đối tượng
liên lạc đến thực hiện hành vi lừa đảo.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu đưa các
nội dung phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
vào các chương trình văn hóa, văn nghệ; đa dạng hoá hình thức tuyên truyền nhằm
đưa các nội dung cần truyền tải đi vào cuộc sống thật dễ hiểu, dễ nhớ.
5. Sở Tài chính
Phối hợp với Công an tỉnh lập dự trù và trình UBND
tỉnh duyệt kinh phí triển khai Kế hoạch này.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh
Phúc
Phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên
truyền để người dân nắm rõ phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường xuyên tiến
hành để lừa đảo trên không gian mạng và phương pháp xử lý tình huống khi gặp
các đối tượng trên.
7. Yêu cầu các sở, ban, ngành khác, đề nghị các cơ
quan Trung ương đóng trên địa bàn triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh trong cơ
quan, đơn vị và theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình.
8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ
chức thành viên
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn
viên và các tầng lớp Nhân dân tự trang bị kiến thức, nâng cao ý thức cảnh giác
trước các thủ đoạn của đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng; các biện
pháp phòng, tránh không để bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
- Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam đẩy mạnh tuyên truyền “4 không”, “2 phải” đến 100% các đoàn viên, hội
viên.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai
thực hiện ở địa phương, đơn vị mình. Phải xác định, công tác tuyên truyền là
công tác quan trọng, then chốt trong nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác để
phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh
nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyên truyền đến 100% cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân về nội dung
“4 không” “2 phải”.
- Phải thường xuyên đa dạng hoá các hình thức tuyên
truyền, trong đó cần chú ý đến các trường hợp ít được tiếp cận thông tin, các
trường hợp nhẹ dạ, người có hoàn cảnh khó khăn, người có trình độ nhận thức chưa
cao... để tổ chức tuyên truyền. Chú trọng đến các cá nhân là người có uy tín
trong đồng bào dân tộc thiểu số, người đứng đầu tổ chức, người có ảnh hưởng đến
nhiều người để tuyên truyền một cách hiệu quả.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch: Giao Công
an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự trù báo cáo UBND tỉnh theo
quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ kế hoạch này các sở, ban, ngành liên
quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai
thực hiện nghiêm túc, các đơn vị gửi Kế hoạch về Công an tỉnh (Phòng Xây dựng
phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc) trước ngày 25/4/2023.
2. Giao Công an tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra,
đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp tình hình, kết quả báo
cáo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- BCSĐ UBND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh;
- BCH Quân sự tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên;
- Cơ quan Trung ương đón trên địa bàn tỉnh;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP; NCTH; HCQT;
- Lưu: VT, NC1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Chí Giang
|