ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 127/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 4 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
HẠ NGẦM ĐƯỜNG DÂY,
CÁP VIỄN THÔNG, ĐIỆN LỰC TẠI CÁC TUYẾN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI
ĐOẠN 2021-2025
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật Quản lý,
sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017, Luật Viễn thông ngày 29/6/2018;
Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010
của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị; Nghị định số 25/2011/NĐ-CP
ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Viễn thông; Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về
quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật; Nghị định số
06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung
về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thi công xây dựng công trình và bảo
trì công trình xây dựng;
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021
của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị
thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số 05-CTr/TU ngày
17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy
hoạch; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi
trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu
trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của
UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô
thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 43/TTr-SXD(HT)
ngày 07/3/2023 về việc đề nghị ban hành Kế hoạch Hạ ngầm đường dây, cáp viễn
thông, điện lực tại các tuyến phố giai đoạn 2021 - 2025.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch
Hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn
thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Phát triển đô thị bền vững, xây dựng đồng bộ kết
cấu hạ tầng đô thị trong đó có xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử
dụng chung và nâng cao chất lượng dịch vụ công ích đô thị góp phần xây dựng
cảnh quan Thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, từng bước đáp ứng yêu cầu
phát triển của Thành phố.
- Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày
17/3/2021 của Thành ủy, tiếp tục hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại
các tuyến phố giai đoạn 2021 - 2025; quản lý tốt các hệ thống cáp điện, viễn
thông và các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
- Triển khai xây dựng hệ thống công trình ngầm hạ tầng
kỹ thuật sử dụng chung để lắp đặt các đường dây, cáp; đường ống an toàn, tiến
độ và hiệu quả. Tập trung huy động các nguồn vốn doanh nghiệp (xã hội hoá) và
các nguồn vốn hợp pháp trong việc hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông, điện
lực.
- Tiếp tục tạo mọi điều kiện để các nguồn lực xã
hội tham gia đầu tư xây dựng công trình phát triển lưới điện.
2. Yêu cầu:
- Xác định rõ các tồn tại, vướng mắc trong quá
trình triển khai thực hiện đầu tư hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực
giai đoạn 2016 - 2021 và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục và hoàn thiện;
- Giai đoạn 2022 - 2025: Công tác hạ ngầm khi triển
khai phải đồng bộ với các kế hoạch khác (Kế hoạch chỉnh trang hè, đường phố; Kế
hoạch phát triển điện lực) đảm bảo hiệu quả và khả thi; đề xuất rõ giải pháp thực
hiện về cơ chế đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư, cơ chế quản lý, khai thác sau
đầu tư (bao gồm cả công trình từ vốn xã hội hoá và vốn ngân sách) theo đúng quy
định của pháp luật;
- Tập trung nguồn lực để hoàn thành hạ ngầm đồng bộ
đường dây, cáp viễn thông và điện lực treo nổi tại các tuyến phố còn lại trong khu
vực 04 quận nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); đề xuất
giải pháp, nguồn vốn hoàn thành các tuyến còn lại; các quận, huyện, thị xã còn
lại thực hiện giai đoạn 2022-2025, bao gồm các tuyến đã có nhà đầu tư đề xuất,
các tuyến chưa có nhà đầu tư đề xuất (để đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư với cơ
chế đầu tư, hình thức quản lý sau đầu tư tương ứng với từng loại hình đầu tư);
- Đối với các tuyến có quy hoạch và tuyến đủ điều kiện
mặt bằng phải đề xuất xây dựng hào, tuynel kỹ thuật phù hợp với hiện trạng, quy
mô từng tuyến đường; lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn từ công tác hạ ngầm
đến công tác chỉnh trang tuyến phố, lát hè, bó vỉa đảm bảo đồng bộ, an toàn và
hiệu quả.
II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ
1. Hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông
tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới;
2. Tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn
thông, điện lực tại khoảng 300 tuyến phố. Trong đó:
- Tập trung nguồn lực trong đó ưu tiên huy động
nguồn vốn doanh nghiệp (xã hội hoá) để hoàn thành hạ ngầm đồng bộ các đường dây,
cáp viễn thông và điện lực treo tại 45 tuyến phố còn lại trong khu vực 04 quận
nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).
- Đối với 08 quận (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ,
Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), thị xã Sơn Tây: Xây
dựng danh mục tổng thể các tuyến phố sẽ hạ ngầm theo quy hoạch; lựa chọn danh
mục ưu tiên thực hiện giai đoạn năm 2022 - 2025 bằng nhiều nguồn vốn hợp pháp;
có hình thức quản lý, khai thác sau đầu tư hiệu quả và theo đúng các quy định
pháp luật.
- Về điện lực: Phát triển lưới điện từ vành đai 3
trở vào trung tâm được hạ ngầm toàn bộ; lưới điện từ vành đai 3 đến vành đai 4
ưu tiên phương án hạ ngầm, còn những nơi chưa thể thực hiện hạ ngầm ngay sẽ được
thực hiện hạ ngầm phù hợp với tốc độ đô thị hóa, hướng tuyến phù hợp với quy
hoạch xây dựng.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp chung
1.1. Công tác tổ chức
Kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban
chỉ đạo triển khai công tác hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông và đường
dây điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025;
xây dựng quy trình triển khai công tác hạ ngầm, trong đó cần phân công rõ
người, rõ việc, rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
1.2. Hoàn thiện văn bản quy định quản lý:
Rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ
đạo, điều hành do UBND Thành phố ban hành liên quan công tác quản lý, bảo trì,
thu hồi vốn đầu tư công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung, đường
dây cáp đi nổi để đề xuất UBND Thành phố kịp thời điều chỉnh đảm bảo phù hợp
với tình hình thực tế và quy định của Trung ương, Thành phố.
1.3. Tăng cường công tác cải cách hành chính
- Các Sở, ngành Thành phố tiếp tục cải cách thủ tục
hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến công tác hạ ngầm.
- Các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí vốn, nghiên
cứu rút ngắn thời gian thực hiện các bước, các công đoạn để trình duyệt về đầu
tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ triển khai như: khảo sát, thiết kế, đề xuất
hướng tuyến, dung lượng (đối với viễn thông); phối hợp triển khai thiết kế, lập
biện pháp thi công chung và thi công đồng bộ viễn thông, điện lực.
- Tuyên truyền rộng rãi đến tổ chức, cá nhân trên
địa bàn Thành phố về chủ trương hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông tại phố,
ngõ trên địa bàn Thành phố để tạo sự đồng thuận, hợp tác của người dân trên địa
bàn.
1.4. Triển khai xây dựng theo quy hoạch và xây
dựng các quy hoạch chi tiết liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng
chung:
- Triển khai thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ
thuật ngầm dạng tuyến theo Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị
trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tại Quyết
định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của UBND Thành phố) đối với các khu vực (nội
đô lịch sử, nội đô mở rộng và khu mở rộng phía Nam sông Hồng, mở rộng phía Bắc
sông Hồng), các tuyến đường sắt đô thị ngầm và các tuyến đường quy hoạch xây
dựng mới quy mô B ≥ 30m nghiên cứu xây dựng hệ thống tuynen kỹ thuật để bố trí
hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy
hoạch không gian xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý
liên quan đã ban hành trước đây phù hợp với đồ án Quy hoạch chung không gian
xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội được duyệt.
2. Giải pháp cụ thể
2.1. Về cơ chế đầu tư:
- Về trách nhiệm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật
ngầm: Thực hiện theo Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về
quản lý không gian ngầm đô thị; trong đó quy định việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ
thuật ngầm là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Khuyến khích các thành phần
kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực này.
- Việc hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực, viễn
thông vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm; ký hợp đồng thuê và thanh toán chi
phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung là trách nhiệm của chủ sở hữu các đường
dây, cáp này.
2.2. Về phương án thực hiện:
- Tiếp tục huy động các doanh nghiệp viễn thông,
điện lực, nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật
đô thị sử dụng chung để hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông theo Bản ghi
nhớ hợp tác giữa UBND Thành phố và các doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn
Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Viễn
thông Mobifone, Công ty CP hạ tầng Viễn thông CMC, Công ty CP đầu tư thương mại
và xây dựng đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, Công ty
CP Viễn thông Hà Nội) ngày 27/6/2020 về đầu tư trong lĩnh vực viễn thông trên
địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 và thống nhất của Tổng công ty
Điện lực Hà Nội về việc bố trí vốn thực hiện hạ ngầm đồng bộ tại Văn bản số
4692/EVNHANOI-KH ngày 13/7/2022.
- UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, chủ động
xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm cho giai đoạn năm 2022 - 2025 gồm: chỉnh
trang đô thị, hạ ngầm các đường dây cáp chiếu sáng đi nổi, kết hợp chỉnh trang,
thay mới đèn LED và hệ thống cột thép (nếu cần thiết); Chủ trì phối hợp với các
Sở, ngành Thành phố, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát đề xuất với UBND Thành
phố xây dựng hào, tuy nen kỹ thuật (tại các tuyến phố có quy hoạch và tuyến có
đủ điều kiện mặt bằng) phù hợp với hiện trạng, quy mô từng tuyến đường trước
khi chỉnh trang đô thị, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả bằng nguồn ngân sách quận.
- Tại các tuyến phố mới, các tuyến đường mới đầu tư
xây dựng, các chủ đầu tư bắt buộc phải xây dựng hệ thống tuy nen, hào kỹ thuật
sử dụng chung cho cấp nước, chiếu sáng, điện lực và thông tin theo quy hoạch và
theo quy định.
2.3. Về nguồn vốn, phương án
tài chính
- Các Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa hạ ngầm phải
thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt và trách nhiệm của doanh nghiệp tại Bản ghi
nhớ hợp tác đã ký với UBND Thành phố; bố trí, kiện toàn bộ máy để thực hiện các
dự án hạ ngầm; Chủ động bố trí vốn, xây dựng kế hoạch triển khai cho từng năm
trong giai đoạn 2021 - 2025 và đăng ký vốn với cơ quan quản lý cấp trên (nếu
cần).
- UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, chủ động bố
trí nguồn vốn thực hiện kế hoạch từng năm cho giai đoạn năm 2021 - 2025. Trường
hợp có khả năng cân đối nguồn vốn hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực cần có
thỏa thuận bằng văn bản với Tổng công ty Điện lực Hà Nội về danh mục công trình
thực hiện và cơ chế tài chính theo quy định hiện hành.
2.4. Quản lý, khai thác sau đầu tư
- Đối với hệ thống cống bể do các doanh nghiệp đầu
tư xây dựng, các chủ đầu tư có quyền sở hữu tài sản đầu tư, tự quản lý vận
hành, sử dụng hoặc cho thuê theo đơn giá thỏa thuận. Trường hợp không thỏa
thuận được đơn giá cần báo cáo các cơ quan chức năng để được hướng dẫn thực
hiện theo quy định.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp quản lý, duy trì và
vận hành công trình theo quy định của pháp luật, ký hợp đồng cho thuê công trình
ngầm hạ tầng kỹ thuật theo đơn giá cho thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đã
thỏa thuận; xây dựng phương án tài chính báo cáo UBND Thành phố theo quy định
về Quy chế thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị
sử dụng chung (cống cáp, hào và tuy nen kỹ thuật) trên địa bàn thành phố Hà Nội
và nộp tiền sử dụng đất xây dựng công trình hạ tầng sử dụng chung theo quy định
(sau thời gian hoàn vốn đầu tư).
- Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm để hạ ngầm
các đường dây, cáp điện lực, thông tin (tuy nen, hào kỹ thuật, cống bể) được
đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc được bàn giao cho Thành phố quản lý sau
đầu tư việc quản lý, bảo trì, khai thác thu hồi vốn theo quy định của Luật Quản
lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và các văn bản pháp
luật khác liên quan; giao cho một đầu mối thống nhất quản lý theo đúng quy định
chức năng nhiệm vụ và phân cấp.
Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ngành
Thành phố và đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) Quyết định số
17/2020/QĐ-UBND ngày 04/9/2020 của UBND Thành phố về “Quy định về quản lý, xây
dựng, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp
đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp trên địa bàn thành phố Hà
Nội”; căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với các Sở, ngành Thành
phố liên quan nghiên cứu báo cáo UBND Thành phố về cơ chế quản lý, bảo trì,
khai thác thu hồi vốn theo quy định.
2.5. Hoàn thành hạ
ngầm 123 tuyến phố đã được UBND Thành phố chấp thuận danh mục (255 tuyến phố)
- Các đơn vị viễn thông đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm các
đường dây, cáp viễn thông; đảm bảo cắt hạ toàn bộ hệ thống cột cũ, dây cáp cũ.
- Sở Xây dựng và UBND các quận đẩy nhanh tiến độ
tiếp tục đầu tư triển khai thi công một số công trình hạ ngầm, chỉnh trang hệ
thống chiếu sáng công cộng tại các tuyến phố trên.
- Tổng công ty Điện lực Hà Nội tập trung bố trí
nguồn vốn hạ ngầm hệ thống điện trung và hạ áp.
(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo).
2.6. Hoàn thành hạ ngầm đồng bộ các đường dây,
cáp viễn thông và điện lực tại 45 tuyến phố trong khu vực 04 quận nội đô lịch
sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng);
(Chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo).
2.7. Hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông, điện
lực, chiếu sáng tại 73 tuyến phố chỉnh trang đô thị đồng bộ; trong đó xây
dựng hệ thống hào, tuy nen kỹ thuật tại các tuyến phố có quy hoạch và tuyến có
đủ điều kiện mặt bằng đồng bộ với chỉnh trang đô thị.
(Chi tiết tại Phụ lục 3 kèm theo).
2.8. Hạ ngầm theo quy hoạch tại 59 tuyến phố trên
địa bàn 08 quận (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai,
Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), thị xã Sơn Tây - thực hiện giai đoạn 2021-2025.
Danh mục các tuyến phố tại 08 quận và thị xã Sơn
Tây có nhu cầu hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực - thực hiện giai
đoạn sau năm 2025; xây dựng hệ thống hào, tuynel kỹ thuật tại các tuyến phố có
quy hoạch và tuyến có đủ điều kiện mặt bằng đồng bộ với chỉnh trang đô thị.
(Chi tiết tại Phụ lục 4 kèm theo).
2.9. Các yêu cầu kỹ thuật khi
triển khai công tác hạ ngầm
- Về thiết kế hạ ngầm viễn thông, điện lực:
Các doanh nghiệp viễn thông, điện lực giao cho đơn
vị khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, tuân thủ theo quy hoạch đô thị, đảm bảo tối đa
việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật và tuân theo quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật với từng loại công trình và các quy định hiện hành khác, cụ thể:
+ Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn
thông tuân thủ theo Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành: QCVN
33:2019/BTTTT về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông và QCVN 07-8:2016/BXD về
các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông; Đối với các các tuyến hạ ngầm điện
lực tuân thủ theo Quy chuẩn QCVN QTĐ 08:2010/BCT về kỹ thuật điện, Quyết định
số 769/QĐ-SXD ngày 10/7/2017 của Sở Xây dựng về việc phê duyệt mẫu thiết kế tủ
Pilar, tủ phân dây đối với các công trình hạ ngầm hệ thống đường dây nổi trên
địa bàn Thành phố; Vị trí đặt tủ đấu dây (đối với viễn thông), tủ Pilar (đối
với điện lực) các chủ đầu tư chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã
(cơ quan quản lý vỉa hè theo phân cấp) để thống nhất vị trí lắp đặt đảm bảo an
toàn và cảnh quan đô thị.
+ Thiết kế hạ ngầm tại tuyến phố: các doanh nghiệp
phải lập kế hoạch triển khai đồng bộ theo khu vực, hạ ngầm các phố và các tuyến
đường liên thông với các ngõ có đủ mặt bằng; thanh thải sắp xếp lại các đường
dây, cáp điện lực, viễn thông tại các ngõ, ngách không đủ mặt bằng hạ ngầm để
đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị.
+ Thiết kế hoàn trả hè đường tuân theo quy định
hiện hành: Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-4: 2016/BXD “Các công trình hạ
tầng kỹ thuật. Công trình giao thông”.
+ Các Chủ đầu tư thẩm định hồ sơ thiết kế (hoặc
thuê đơn vị có năng lực), phê duyệt hồ sơ thiết kế, ký hợp đồng với đơn vị tư
vấn giám sát và các chủ sở hữu công trình ngầm để cung cấp thông tin, giám sát,
bảo vệ theo quy định.
- Về thi công:
+ Các doanh nghiệp phải lập, phê duyệt biện pháp
thi công theo quy định; Đối với các tuyến hạ ngầm đồng bộ điện lực, viễn thông,
chiếu sáng (nếu có), Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu lập biện pháp thi công
chung, đồng thời (chỉ cấp 01 giấy phép chung thi công điện lực, viễn thông) để hạn
chế ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan môi trường (theo thông báo số
315/TB-UBND ngày 30/3/2018 của UBND Thành phố); Giấy phép đào hè đường thi công
hạ ngầm do Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp (thành phần hồ sơ, thời hạn trả kết
quả xem tại trang website của Sở Giao thông vận tải Hà Nội:
sogtvt.hanoi.gov.vn).
+ Các doanh nghiệp viễn thông, điện lực thi công
tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công, hoàn trả hè đường (gồm: lấp
hố đào, yêu cầu nghiệm thu từng lớp kết cấu đúng quy trình quy định, đạt yêu
cầu kỹ thuật mới được thi công lớp tiếp theo) đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô
thị và bảo hành theo quy định. Công tác đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi
trường tuân thủ theo Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 09/10/2015 của UBND
thành phố Hà Nội; UBND các quận và đơn vị quản lý đường bàn giao hè đường, kiểm
tra, nghiệm thu bàn giao công tác hoàn trả hè đường theo quy định.
2.10. Phối hợp kiểm tra, giải
quyết vướng mắc và xử lý vi phạm:
- Liên ngành Xây dựng - Thông tin và Truyền thông
và các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật tình hình triển khai, các văn bản có
liên quan và các tồn tại, vướng mắc tại hiện trường thi công để phối hợp xử lý
nhanh đảm bảo an toàn giao thông, tiến độ.
- Các Sở ngành Thành phố, đơn vị quản lý hè đường
và các đơn vị có liên quan kiểm tra hiện trường, khắc phục các tồn tại, tháo gỡ
khó khăn cho Nhà đầu tư và các vấn đề khác có liên quan đảm bảo tiến độ đã cam
kết.
- Các Nhà đầu tư, nhà thầu thi công báo cáo ngay
các khó khăn vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, bàn giao mặt bằng,
thi công tại hiện trường đề xuất về Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở,
ngành Thành phố, đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường để thống nhất phương án
giải quyết.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ngành Thành phố
a) Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành Thành phố, UBND
các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai chỉ đạo của UBND
Thành phố về công tác xã hội hoá xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng
chung, đảm bảo hạ ngầm đồng bộ đường dây, cáp viễn thông, điện lực; tổng hợp
tình hình triển khai và tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng công trình hạ
tầng kỹ thuật sử dụng chung trên địa bàn Thành phố.
- Chủ trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông,
UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan đề xuất danh mục tuyến đường,
phố triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để hạ ngầm
theo hình thức xã hội hóa trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành Thành phố và các đơn
vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng công trình xây dựng, công tác
bảo trì công trình xây dựng của chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công
trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố. Thường xuyên cập nhật tiến độ,
kiểm tra hiện trường, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh
tiến độ thi công.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông và các Sở, ngành Thành phố đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy định
quản lý công trình ngầm sử dụng chung; quy trình, định mức công tác quản lý,
bảo trì và văn bản chỉ đạo điều hành của Thành phố liên quan đến xã hội hóa
công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung hạ ngầm đồng bộ viễn thông,
điện lực; báo cáo, đề xuất UBND Thành phố điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực
tế quản lý và quy định hiện hành.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các
Sở, ngành Thành phố liên quan điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới quy hoạch
hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, định
hướng đến năm 2050.
- Đối với các tuyến phố hạ ngầm đồng thời điện lực,
viễn thông, Sở Xây dựng kiểm tra hướng dẫn các doanh nghiệp lập biện pháp thi
công đồng bộ điện lực, viễn thông (Sở Giao thông vận tải cấp 01 giấy phép) để
hạn chế thấp nhất ảnh hưởng giao thông và cảnh quan đô thị.
- Có văn bản thông báo thời gian phối hợp thanh
thải, cắt bỏ dây cáp cũ, cột cũ và thu gom xử lý theo quy định sau khi hoàn
thành hạ ngầm dây cáp đảm bảo an toàn (sau thông báo hạ ngầm của Sở Thông tin
và Truyền thông).
- Định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện hạ
ngầm, báo cáo UBND Thành phố và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất (nếu có).
- Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trong
việc xây dựng kế hoạch hạ ngầm hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn theo
Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị,
phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.
b) Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Xây dựng rà soát các văn bản quy
định quản lý, các văn bản chỉ đạo điều hành của Thành phố về quản lý, xây dựng,
sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây
đi nổi trên cột treo cáp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quy trình, định mức
công tác quản lý duy trì hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng
chung được đầu tư bằng ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố; báo cáo, đề xuất
UBND Thành phố kịp thời điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tế quản lý và quy
định hiện hành.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế
hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật
nghiên cứu báo cáo UBND Thành phố về cơ chế quản lý, bảo trì, khai thác thu hồi
vốn theo quy định đối với các dự án, công trình đã đầu tư bằng nguồn ngân sách
nhà nước.
- Cho ý kiến thỏa thuận, hướng dẫn kiểm tra việc
tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thông tin và truyền thông đối
với công tác thiết kế, thi công công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung
theo đề nghị của các Chủ đầu tư; Thông báo thời gian hạ ngầm hệ thống đường
dây, viễn thông vào hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã
hoàn thành.
- Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc tiến
độ và tháo gỡ khó khăn tại hiện trường; hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông
trong việc thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
- Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế -
xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các Sở ngành Thành phố
liên quan nghiên cứu tích hợp Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động
trên địa bàn thành phố Hà Nội vào Quy hoạch thủ đô Hà Nội theo Quyết định số
313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định của Luật Quy
hoạch 2017 và các quy định của pháp luật có liên quan; cập nhật, khớp nối Kế
hoạch hạ ngầm các đường dây cáp điện lực, viễn thông với các đồ án quy hoạch đô
thị, quy hoạch xây dựng có liên quan: Quy hoạch không gian ngầm đô thị trung
tâm thành phố Hà Nội; Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội; các đồ án quy
hoạch phân khu đô thị, Quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị ...
- Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị
xã, các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền phổ biến đầy đủ nội dung kế
hoạch này trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin cơ sở để các tổ
chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.
c) Sở Công Thương
- Chủ trì, đôn đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội
thực hiện công tác rà soát danh mục các tuyến phố đăng ký hạ ngầm các đường dây
cáp viễn thông, điện lực giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với các Quy hoạch phát
triển điện lực đã được phê duyệt trên địa bàn Thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, đôn
đốc tiến độ và tháo gỡ khó khăn tại hiện trường; hướng dẫn các doanh nghiệp
điện lực trong việc thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
chuyên ngành.
d) Sở Giao thông vận tải
- Kiểm tra, cấp giấy phép thi công cho các doanh
nghiệp viễn thông, điện lực theo quy định (Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày
24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ; Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 29/3/2015 của Bộ Giao thông vận tải
về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày
24/02/2010).
- Chỉ đạo các Phòng, Ban, đơn vị liên quan bàn giao
mặt bằng tuyến đường cho các doanh nghiệp được cấp phép thi công hạ ngầm; kiểm
tra công tác đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan môi trường và chất lượng
hoàn trả mặt đường và các nội dung khác theo quy định.
đ) Sở Quy hoạch - Kiến trúc
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung
quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý
liên quan đã ban hành trước đây phù hợp với đồ án Quy hoạch chung không gian
xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội được duyệt.
- Phối hợp tham gia ý kiến về quy hoạch đối với đề
xuất hạ ngầm các đường dây cáp viễn thông, điện lực theo yêu cầu.
- Phối hợp Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các
đơn vị liên quan cập nhật, khớp nối Kế hoạch hạ ngầm các đường dây cáp điện
lực, viễn thông với các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng có liên
quan: Quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội; Điều chỉnh
Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội; các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, Quy hoạch
chi tiết, thiết kế đô thị...
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề
xuất với UBND Thành phố về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án
đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định của
pháp luật.
g) Sở Tài chính
Thực hiện các nhiệm vụ được UBND Thành phố giao tại
quy định về Quy chế thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ
thuật đô thị sử dụng chung (cống cáp, hào và tuy nen kỹ thuật) trên địa bàn
Thành phố.
h) Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành Thành phố có
liên quan, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia xã hội hoá hạ ngầm xác định mức thu
tiền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm hạ tầng sử dụng chung theo quy định
(sau thời gian hoàn vốn đầu tư); phối hợp với các Sở, ngành Thành phố có liên
quan và nhà đầu tư đề xuất với UBND Thành phố và cơ quan thuế mức miễn giảm
tiền thuê đất xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
2. UBND các quận, huyện và thị
xã
- UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây Chủ trì phối
hợp với các Sở, ngành Thành phố, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát đề xuất
với UBND Thành phố (tại các tuyến phố có quy hoạch và tuyến có đủ điều kiện mặt
bằng) phù hợp với hiện trạng, quy mô từng tuyến đường trước khi chỉnh trang đô
thị, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả bằng nguồn ngân sách quận; lập kế hoạch, thực
hiện công tác ngầm hóa, cải tạo chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng kết
hợp dự án cải tạo chỉnh trang đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, vỉa
hè, cây xanh) phù hợp với quá trình hạ ngầm đường dây viễn thông, điện lực trên
các tuyến phố trên địa bàn quận.
- Bàn giao mặt bằng (phần hè và ngõ do quận, thị xã
quản lý) cho Chủ đầu tư, Nhà thầu triển khai thi công; thống nhất vị trí đặt tủ
Pilar (tủ đấu dây đối với điện lực), tủ đấu cáp đối với viễn thông trên hè đảm
bảo an toàn và cảnh quan đô thị (lưu ý ưu tiên lựa chọn đặt tại vị trí cột cũ
đã cắt hạ nếu thấy phù hợp). Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra
đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo chất lượng công tác hoàn trả hè, yêu cầu Chủ
đầu tư, Nhà thầu khắc phục các tồn tại (nếu có); chủ trì phối hợp với các Sở,
ngành Thành phố có liên quan kiểm tra xử lý tình trạng tái treo dây cáp điện
lực sau hạ ngầm, đặc biệt là dây điện (phần sau công tơ điện) để kinh doanh,
buôn bán trên hè, trang trí trước nhà, trên cây gây nguy cơ cháy nổ, mất an
toàn và cảnh quan đô thị.
- Tuyên truyền cho nhân dân các tuyến phố nêu trên
biết; yêu cầu chủ động tháo dỡ các dây điện tự treo; chủ động tháo dỡ dây truyền
thanh, loa trên các cột cũ và cử cán bộ địa phương thuộc UBND các phường phối
hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai
cắt dây, hạ cột treo nổi tại các tuyến phố hạ ngầm.
- Trên cơ sở Chương trình số 03-CTr/TU ngày
17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô
thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động
xây dựng kế hoạch hạ ngầm hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn để đồng bộ
với công tác hạ ngầm các đường dây đi nổi và công tác cải tạo chỉnh trang hè,
phố. Phối hợp với Sở Xây dựng trong quá trình thực hiện.
- Căn cứ vào thẩm quyền về đầu tư hệ thống chiếu
sáng công cộng được UBND Thành phố phân cấp thực hiện tại Nghị quyết số
21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã
chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện và đề xuất
báo cáo UBND Thành phố, Sở Xây dựng các vấn đề khó khăn vướng mắc.
- Tăng cường vận động, chủ động phối hợp với Công
ty điện lực trên địa bàn và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện ngầm hóa
đường dây, cáp điện lực, viễn thông trên địa bàn.
3. Các doanh nghiệp
xã hội hoá, các nhà thầu thi công
- Các chủ đầu tư, các nhà thầu viễn thông, điện lực
thi công xây dựng công trình ngầm có trách nhiệm: Tuân thủ quy định của giấy
phép thi công và hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt; bảo đảm an toàn giao thông,
an toàn lao động, an toàn điện trong mọi điều kiện và chịu hoàn toàn trách
nhiệm về quản lý, xử lý sự cố trên đường trong phạm vi công trình.
- Các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương bố trí đủ
vốn, bộ máy nhân sự để triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ quy hoạch đô thị,
quy hoạch xây dựng liên quan và quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị được
cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); tuân thủ các quy định về các quy chuẩn,
tiêu chuẩn kỹ thuật với từng loại công trình và các quy định hiện hành khác.
- Đối với các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa hạ
ngầm phải nộp tiền sử dụng đất xây dựng công trình hạ tầng sử dụng chung theo
quy định (sau thời gian hoàn vốn đầu tư); liên hệ với cơ quan thuế để được
hướng dẫn, xem xét mức miễn giảm tiền thuê hoặc thời gian thuê đất xây dựng
công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung bằng nguồn vốn của doanh nghiệp theo
quy định.
- Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (trực tiếp là các
Công ty Điện lực) khẩn trương phối hợp với các Nhà đầu tư hạ ngầm viễn thông
tại các tuyến phố có hạ ngầm điện lực để khớp nối về thiết kế, lập biện pháp
thi công chung gửi Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải thống nhất cấp 01 giấy
phép đào đường, đào hè; thực hiện việc thiết kế, thi công mẫu tủ Pilar tại
Quyết định số 769/QĐ-SXD ngày 10/7/2017 của Sở Xây dựng về việc phê duyệt mẫu
thiết kế tủ Pilar, tủ phân dây đối với các công trình hạ ngầm hệ thống đường dây
nổi trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục bố trí vốn hạ ngầm dây cáp điện lực trung
áp, hạ áp tại các tuyến phố dự kiến hạ ngầm giai đoạn 2022-2025 (đặc biệt là
địa bàn 4 quận nội đô lịch sử) để đảm bảo đồng bộ, an toàn và cảnh quan đô thị;
Lập kế hoạch triển khai thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp viễn thông tại
các tuyến phố, ngõ theo khu vực trên địa bàn Thành phố; đảm bảo thống nhất,
đồng bộ giữa các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
4. Các doanh nghiệp quản lý
- Các đơn vị sở hữu đường dây, cáp: Lập kế hoạch
đầu tư, phát triển hệ thống đường dây, cáp viễn thông theo hướng nâng cấp dung
lượng, giảm số sợi cáp phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành. Phối
hợp các đơn vị sở hữu, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong
công tác hạ ngầm và kiểm đếm các đường dây, cáp đã lắp đặt vào công trình hạ
tầng kỹ thuật sử dụng chung.
- Tổ chức kiểm tra, bảo trì thường xuyên; kịp thời
sửa chữa, thay thế đường dây, cáp hư hỏng, xuống cấp thuộc sở hữu của đơn vị
mình để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Trước khi thực hiện bảo
trì, thay thế, sắp xếp đường dây, cáp phải thông báo (bằng văn bản) cho đơn vị
quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung để phối hợp, giám sát
và phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan khắc
phục sự cố về đường dây, cáp kịp thời, an toàn.
- Thực hiện trách nhiệm theo quy định của UBND
Thành phố về ban hành quy chế thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng
kỹ thuật đô thị sử dụng chung (cống cáp, hào và tuy nen kỹ thuật) trên địa bàn
thành phố Hà Nội.
- Cập nhật, thống kê vị trí, hướng tuyến, chủng
loại, số lượng đường dây, cáp đang khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ
thuật sử dụng chung; báo cáo định kỳ 1 năm/1 lần (trước ngày 15/12) gửi Sở Thông
tin và Truyền thông và Sở Xây dựng để thống nhất quản lý.
- Đối với các doanh nghiệp được giao quản lý, thu
hồi vốn công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được đầu tư bằng nguồn
vốn ngân sách (cống bể, tuy nen, hào kỹ thuật): Thực hiện theo quy định Luật
Quản lý sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 (Chương IV: Chế độ quản lý, sử
dụng tài sản kết cấu hạ tầng) và các quy định của pháp luật liên quan; Đánh giá
tình hình quản lý, duy trì các công trình được bàn giao và xây dựng phương án
thu hồi vốn đầu tư cho Thành phố; lập hồ sơ chi tiết liên quan đến doanh thu từ
cho thuê các công trình đã được UBND Thành phố giao quản lý; chi phí quản lý,
bảo trì và các chi phí khác theo đúng quy định.
5. Chế độ thông tin, báo cáo
- Các Sở, ban, ngành Thành phố, các nhà đầu tư và
các đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này;
hướng dẫn các Nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ ngầm được giao đảm bảo an toàn,
tiến độ, chất lượng đúng quy định; Định kỳ ngày 20 tháng cuối quý báo cáo quý,
15/6 báo cáo 6 tháng, 10/12 báo cáo năm về tình hình thực hiện, khó khăn vướng
mắc, kiến nghị đề xuất gửi Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông để tổng
hợp báo cáo UBND Thành phố.
Sở Xây dựng theo dõi, tổng hợp, định kỳ ngày 25
tháng cuối quý báo cáo quý, 20/6 báo cáo 6 tháng và 20/12 báo cáo năm báo cáo
UBND Thành phố tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.
Trên đây là kế hoạch Hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông,
điện lực tại các tuyến phố giai đoạn 2021-2025, yêu cầu các sở, ban, ngành,
UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp viễn thông, điện lực tổ chức
triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Trong quá trình
thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp
báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Các Bộ: Xây dựng, TT&TT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Các Ban đảng, Văn phòng Thành ủy;
- Các Ban HĐND TP;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND TP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các doanh nghiệp XHH hạ ngầm (Sở XD gửi);
- VPUBTP: CVP, các PCVP, các phòng: TH, KTTH, KT, KGVX, ĐT;
- Lưu: VT, ĐT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Đức Tuấn
|
DANH MỤC 123 PHỐ
HOÀN THÀNH HẠ NGẦM (TRONG DANH MỤC 255 TUYẾN PHỐ ĐÃ ĐƯỢC UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHẤP THUẬN)
(Kèm theo Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 20/4/2023 của UBND thành phố Hà Nội)
DANH MỤC 59 TUYẾN
PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN 8 QUẬN VÀ THỊ XÃ SƠN TÂY HẠ NGẦM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 (TRONG
ĐÓ CÓ 52 TUYẾN PHỐ ĐÃ CÓ DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ); DANH MỤC 58 TUYẾN PHỐ HẠ
NGẦM TRÊN ĐỊA BÀN 8 QUẬN VÀ THỊ XÃ SƠN TÂY CÓ NHU CẦU (THỰC HIỆN SAU NĂM 2025)
(Kèm theo Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 20/4/2023 của UBND thành phố Hà Nội)