ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1250/QĐ-UBND
|
Trà
Vinh, ngày 24 tháng 7 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2024 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN NĂM 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số
01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước
năm 2024;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Công Thương tại Tờ trình số 38/TTr-SCT ngày 18 tháng 7 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường
trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024 và Tết Nguyên đán năm 2025.
Điều 2. Giao
Sở Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Kế
hoạch này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải;
Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Trà Vinh; Trưởng
Ban Quản lý Khu kinh tế; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trà Vinh; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Hoàng
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TRÀ VINH NĂM 2024 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số: 1250/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh)
Thực hiện Nghị quyết số
01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước
năm 2024;
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu
hàng hóa, giá cả thị trường không tăng cao vào những dịp cao điểm như Tết, đáp ứng
nhu cầu của Nhân dân, nhất là những mặt hàng thiết yếu; từ đó, góp phần hạn chế
tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kích cầu
tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, Ủy ban nhân dân
tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đảm bảo cân đối cung cầu hàng
hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời,
gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Chương trình triển khai thực
hiện theo hướng tăng cường xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn
lực xã hội, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết cùng nhau để tăng hiệu quả
thực hiện, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng
và phát triển kinh tế bền vững.
2. Yêu cầu
- Hàng hóa tham gia bình ổn là
sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt
tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, đảm bảo cân đối
cung cầu và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong trường
hợp xảy ra biến động thị trường.
- Thực hiện kết nối doanh nghiệp
với ngân hàng thương mại để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường;
khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp
tại các tỉnh, thành phố để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao
năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của
Nhân dân trên địa bàn tỉnh và mở rộng thị trường.
- Thúc đẩy phát triển mạng lưới
và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được
phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; chú trọng phát
triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công
nhân, các bếp ăn tập thể.
- Thực hiện kết nối các hợp tác
xã với các đơn vị phân phối, các khách hàng có nhu cầu nhằm góp phần giải quyết
đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và cung ứng hàng hóa ngày càng dồi dào cho thị
trường trong tỉnh.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN
1. Các
nhóm hàng và lượng hàng tham gia
1.1. Nhóm hàng
- Nhóm hàng lương thực, thực phẩm
thiết yếu: Gạo, sản phẩm chế biến (mì ăn liền, cháo ăn liền,…), đường (RE, RS),
dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ
quả, thủy hải sản.
- Mặt hàng sữa: Thực hiện đối với
tất cả sản phẩm sữa nước và sữa bột.
- Nhóm chất đốt: Khí dầu mỏ hóa
lỏng (gas).
1.2. Lượng hàng
Từ tình hình thực tế cung cầu
thị trường và số lượng hàng hóa tham gia dự trữ qua các năm, tính bình quân cho
01 tháng, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường, gồm:
a) Nhóm hàng lương thực, thực
phẩm
- Dự kiến nhu cầu 01 người/01
ngày[1], cụ thể như sau:
STT
|
MẶT HÀNG
|
ĐVT
|
Nhu cầu
01 người/01 ngày
|
1
|
Gạo
|
kg
|
0,6
|
2
|
Thịt gia súc
|
kg
|
0,045
|
3
|
Trứng gia cầm (trứng gà, vịt)
|
quả
|
0,5
|
4
|
Đường
|
kg
|
0,033
|
5
|
Thủy hải sản
|
kg
|
0,052
|
6
|
Thực phẩm chế biến
|
kg
|
0,045
|
7
|
Sản phẩm chế biến (mì ăn liền,
cháo ăn liền,…)
|
gói
|
2
|
8
|
Rau củ quả
|
kg
|
0,32
|
9
|
Dầu ăn
|
lít
|
0,03
|
10
|
Thịt gia cầm
|
kg
|
0,05
|
- Dự kiến lượng hàng hóa dự trữ
01 tháng, cụ thể như sau:
STT
|
MẶT HÀNG
|
ĐVT
|
Nhu cầu 01 người/30 ngày
|
Tổng nhu cầu
(dân số tính tròn: 1.010.000 dân)
|
Tỷ lệ dự trữ từ 03- 30,2%
|
Tổng lượng hàng hóa dự trữ năm 2024- 2025/tháng
|
1
|
Gạo
|
tấn
|
0,018
|
18.180
|
0,03
|
545
|
2
|
Thịt heo
|
tấn
|
0,00135
|
1.364
|
0,1
|
136
|
3
|
Trứng gia cầm (trứng gà, vịt)
|
1.000 quả
|
0,015
|
15.150
|
0,05
|
758
|
4
|
Đường
|
tấn
|
0,001
|
1.010
|
0,05
|
51
|
5
|
Thủy hải sản
|
tấn
|
0,00156
|
1.576
|
0,19
|
299
|
6
|
Thực phẩm chế biến
|
tấn
|
0,00135
|
1.364
|
0,05
|
68
|
7
|
Sản phẩm chế biến (mì ăn liền,
cháo ăn liền,…)
|
thùng
|
2
|
2.020.000
|
0,07
|
141.400
|
8
|
Rau củ quả
|
tấn
|
0,0096
|
9.696
|
0,05
|
485
|
9
|
Dầu ăn
|
tấn
|
0,0009
|
909
|
0,302
|
275
|
10
|
Thịt gia cầm
|
tấn
|
0,0015
|
1.515
|
0,05
|
76
|
b) Mặt hàng sữa các loại:
1.071.540 lon, bịch, hộp/tháng.
c) Nhóm chất đốt (khí dầu mỏ
hóa lỏng - gas): 1.200 tấn/tháng.
2. Đối tượng
và điều kiện tham gia
2.1. Đối tượng
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần
kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và
các quy định pháp luật khác có liên quan (gọi chung là doanh nghiệp), đáp ứng đầy
đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.
- Tổ chức tín dụng hoạt động
theo Luật các Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp
hành các quy định của Chương trình.
2.2. Điều kiện
a) Đối với các doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh
- Doanh nghiệp đăng ký tham gia
phải có chức năng sản xuất, kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong Chương
trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt
hàng trong Chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn,
ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.
- Có trụ sở chính, văn phòng,
chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh; phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ
phân phối và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình; có hệ thống nhà
xưởng, kho bãi, trang thiết bị - công nghệ sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn chất
lượng.
- Có địa chỉ các điểm bán hàng
bình ổn thị trường trong thời gian thực hiện Chương trình.
- Cam kết sản xuất, cung ứng
hàng hóa tham gia Chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu
chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, niêm yết và bán đúng giá đăng ký.
- Có kế hoạch sản xuất, kinh
doanh, tạo nguồn hàng khả thi; có năng lực tài chính. Ưu tiên chọn những doanh
nghiệp đã tham gia tích cực và chấp hành tốt các quy định của Chương trình
trong những năm trước.
b) Đối với các tổ chức tín dụng
- Căn cứ nhu cầu, khả năng và
các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện việc đăng ký hạn mức tín dụng
cho vay với lãi suất phù hợp và các sản phẩm dịch vụ khác (nếu có) dành cho
doanh nghiệp tham gia Chương trình.
- Xây dựng phương án cho vay và
quy trình thẩm định cụ thể, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện
thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời giải quyết thủ tục cho vay và giải ngân vốn
vay theo quy định cho doanh nghiệp tham gia Chương trình và thực hiện các chương
trình hỗ trợ cho doanh nghiệp (nếu có).
- Chịu trách nhiệm xét duyệt,
quyết định cho vay theo quy định pháp luật, theo nội dung đăng ký tham gia và
các quy định khác có liên quan.
3. Quyền
lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia
3.1. Quyền lợi
- Được kết nối với các tổ chức
tín dụng tham gia Chương trình để vay vốn với lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn
nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng
hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh xuyên suốt thời gian
thực hiện.
- Được hỗ trợ truyền thông, giới
thiệu, quảng bá trên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh; được ưu tiên
giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội nghị,
hội chợ, triển lãm,... liên quan đến Chương trình bình ổn thị trường, Chương
trình hợp tác thương mại.
- Được giới thiệu mặt bằng để đầu
tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường
trên địa bàn tỉnh; được ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường
vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của Chương trình và được kết nối để cung ứng
hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh
viện, trường học, bếp ăn tập thể,...
- Được ưu tiên tham gia các hoạt
động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ chương trình hợp tác thương mại giữa tỉnh
Trà Vinh với các tỉnh, thành.
3.2. Nghĩa vụ
- Thực hiện đăng ký chủng loại,
số lượng, chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình gửi Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố.
- Tổ chức sản xuất, kinh doanh
theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký; đảm
bảo hàng hóa tham gia Chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán
đúng giá.
- Tích cực phát triển hệ thống
phân phối và tăng số điểm bán hàng bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm
bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, trường học,
bệnh viện, bếp ăn tập thể.
- Thông tin công khai, rộng rãi
địa chỉ các điểm bán; treo băng rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá,... trưng bày
hàng hóa tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ
nhận biết và mua sắm.
- Sử dụng vốn vay đúng mục
đích, hoàn trả vốn vay và lãi vay đúng quy định theo hợp đồng đã ký với tổ chức
tín dụng tham gia Chương trình. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay không
đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng hàng hóa theo Chương
trình, doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ phần vốn vay và chịu phạt lãi suất
theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Thực hiện đúng các cam kết của
doanh nghiệp và các quy định của Chương trình này.
4. Cơ chế
thực hiện
4.1. Thời gian: 05 tháng
(Từ tháng 10 năm 2024 đến tháng 02 năm 2025 - thực hiện trước, trong và sau Tết).
4.2. Nguồn vốn
- Doanh nghiệp chủ động sử dụng
nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia Chương
trình với hạn mức và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới
công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng hàng
hóa phục vụ bình ổn thị trường trong tỉnh.
- Doanh nghiệp thực hiện các thủ
tục vay vốn và giải ngân vốn vay theo quy trình, thủ tục do các tổ chức tín dụng
tham gia Chương trình công bố, hướng dẫn và theo đúng quy định của pháp luật hiện
hành. Lịch trả nợ vay, hạn mức vay và lãi suất cụ thể sẽ do các tổ chức tín dụng
và doanh nghiệp tham gia thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm trong hợp đồng vay vốn.
4.3. Giá bán bình ổn thị trường
- Doanh nghiệp tham gia Chương
trình xây dựng giá bán đảm bảo đúng với giá thị trường của từng mặt hàng cụ thể
thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường.
- Trường hợp thị trường có biến
động ảo do có hiện tượng nâng giá, gây khan hiếm giả, doanh nghiệp tham gia
Chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa theo sự điều phối của
Sở Công Thương.
4.4. Phát triển mạng lưới
Khuyến khích doanh nghiệp tham
gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị,
cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu
công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các huyện vùng sâu; tích cực tổ chức thực
hiện các chuyến bán hàng lưu động; chủ động tổ chức thực hiện các chương trình
khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố công khai thông tin đăng ký tham gia
Chương trình đến mọi đối tượng doanh nghiệp và vận động tham gia; tiếp nhận, hướng
dẫn thủ tục các đơn vị đủ điều kiện để tham gia Chương trình; xây dựng Kế hoạch
cụ thể xác định lượng hàng hóa đăng ký của từng doanh nghiệp và triển khai thực
hiện.
- Tổ chức triển khai thực hiện
Kế hoạch theo đúng tiến độ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của
doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường
xuyên theo dõi diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, thực hiện kiểm tra,
giám sát công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị
trường, xử lý vi phạm (nếu có).
- Phối hợp với các cơ quan
thông tin truyền thông, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về Chương trình
và tình hình cung cầu hàng hóa đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Tài chính và
các đơn vị có liên quan theo dõi, đánh giá và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen
thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện
Chương trình.
- Kịp thời nắm bắt những khó
khăn, vướng mắc (nếu có) của các đơn vị tham gia Chương trình, đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh các biện pháp giải quyết và xử lý những trường hợp vi phạm; kết
thúc Chương trình phải có báo cáo tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để triển
khai thực hiện Kế hoạch cho năm tiếp theo.
2. Sở Tài chính
- Phối hợp các Sở, ngành tỉnh
có liên quan kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đơn vị
tham gia Chương trình.
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt
diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng tham gia bình ổn thị trường theo
đúng quy định; tổ chức kiểm tra trong các trường hợp biến động giá (nếu có); tổng
hợp, báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý.
3. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Xây dựng kế hoạch phát triển
đàn giống gia súc, gia cầm đạt chuẩn và phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm
an toàn tham gia Chương trình và triển khai thực hiện kế hoạch.
- Giới thiệu các đơn vị chăn
nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và có nguồn hàng ổn định (ưu tiên
các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP,...), tham gia hoặc cung ứng
các sản phẩm nông nghiệp sạch vào thực hiện Chương trình.
- Định hướng tạo điều kiện liên
kết giữa các doanh nghiệp tham gia Chương trình trong việc đầu tư phát triển
chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm (con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến,…).
4. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chỉ đạo, định hướng các cơ
quan báo chí, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ
biến chương trình/kế hoạch bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường sử
dụng các hình thức thông tin, tuyên truyền trực quan như treo băng rôn, panô,
áp phích,…
- Kiểm tra việc thực hiện công
tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chương trình/kế hoạch bình ổn thị trường
theo quy định.
5. Sở Giao thông vận tải
Phối hợp với Sở Công Thương triển
khai thực hiện Kế hoạch này và tạo điều kiện thuận lợi về lưu thông hàng hóa
cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình này theo quy định.
6. Công an tỉnh
Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và
Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị
trường kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên; áp dụng các biện pháp nghiệp
vụ xác minh, điều tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi tung tin đồn thất thiệt,
gây hoang mang trong Nhân dân; tham gia kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện
Chương trình.
7. Ngân hàng Nhà nước Chi
nhánh tỉnh Trà Vinh
- Triển khai Chương trình và chỉ
đạo các ngân hàng thương mại tích cực tiếp cận doanh nghiệp, chủ động cân đối
nguồn vốn, xem xét cho vay kịp thời các nhu cầu vốn của doanh nghiệp tham gia
Chương trình.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra
các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình thực hiện việc cho vay theo quy
định pháp luật và quy định của từng hệ thống các ngân hàng thương mại, theo nội
dung ký kết khi tham gia Chương trình và các quy định khác có liên quan.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương
mại tham gia Chương trình thực hiện việc giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp
tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo việc giải ngân được thực hiện nhanh chóng,
thuận lợi, đúng quy trình, quy định hướng dẫn theo từng hệ thống ngân hàng
thương mại.
8. Ban Quản lý Khu kinh tế
- Phối hợp với Sở Công Thương
và các doanh nghiệp tham gia Chương trình đưa sản phẩm vào các khu công nghiệp,
khu kinh tế trên địa bàn tỉnh phục vụ công nhân, người lao động.
- Sắp xếp, bố trí các địa điểm
và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thực hiện
đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán hàng bình ổn thị trường tại các khu
công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
9. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Trà Vinh
- Xây dựng và triển khai kế hoạch
kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy
định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng,
sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không có hóa
đơn, chứng từ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng không có nhãn mác, hàng
không đảm bảo an toàn thực phẩm,...
- Phối hợp với các cơ quan có
liên quan kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định pháp luật về giá.
- Kiểm tra, phát hiện, xử lý
theo thẩm quyền, theo quy định pháp luật đối với các trường hợp lợi dụng thương
hiệu của Chương trình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm ảnh hưởng uy tín
của Chương trình.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Phối hợp với Sở Công Thương
triển khai cho các doanh nghiệp trên địa bàn biết và vận động các doanh nghiệp
đăng ký tham gia Chương trình; tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục cho các đơn vị đủ
điều kiện để tham gia Chương trình; tổng hợp danh sách doanh nghiệp tham gia gửi
Sở Công Thương tổng hợp để xây dựng Kế hoạch cụ thể xác định lượng hàng hóa
đăng ký của từng doanh nghiệp.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền
về danh sách điểm bán hàng bình ổn thị trường của doanh nghiệp tham gia Chương
trình để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm.
- Rà soát, bố trí mặt bằng để
thực hiện Chương trình; giới thiệu các doanh nghiệp tham gia Chương trình phát
triển cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn.
- Phối hợp với các đơn vị có
liên quan kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của Chương trình tại các
điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn; thực hiện công tác quản lý giá,
kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn quản
lý. Theo dõi sát, chủ động thông tin và phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài
chính xử lý kịp thời những bất ổn trong diễn biến cung cầu hàng hóa và các trường
hợp biến động giá trên địa bàn (nếu có).
- Chỉ đạo các phòng, ban và cơ
quan, đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp, hỗ trợ các sở, ngành có liên quan và
doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, hỗ trợ
cho hoạt động của các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa bình ổn thị trường
và các điểm bán trên địa bàn.
- Tổng hợp, báo cáo diễn biến
tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường các mặt hàng bình ổn trên địa
bàn gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính vào ngày 25 hàng tháng.
11. Doanh nghiệp tham gia
Chương trình
- Xây dựng kế hoạch sản xuất,
kinh doanh mặt hàng tham gia bình ổn thị trường và điểm bán hàng bình ổn của từng
địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
- Báo cáo đột xuất, định kỳ
quý, 06 tháng, năm kết quả thực hiện tham gia Chương trình và những thuận lợi,
khó khăn trong quá trình thực hiện.
Căn cứ Kế hoạch này, các Sở,
ban, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và
các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được
giao, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh./.
[1] Cơ sở để tính: Theo hướng dẫn của Bộ
Công Thương tại Công văn số 1998/BCT-TTTN ngày 20 tháng 3 năm 2020 về báo cáo
Phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu để ứng phó diễn biến mới của dịch
Covid-19 (Định mức nhu cầu 01 người/14 ngày được hướng dẫn tại Phụ lục 01) và
tình hình thực tế dự trữ qua các năm.