HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 173/NQ-HĐND
|
Tây Ninh, ngày 12
tháng 7 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
KỲ
HỌP THỨ 14 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội
đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ kết quả Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân
tỉnh từ ngày 11 tháng 7 năm 2024 đến ngày 12 tháng 7 năm 2024;
Theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Kỳ họp thứ 14, Hội đồng
nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã xem xét, thông qua 12 Nghị
quyết, gồm 04 Nghị quyết quy phạm pháp luật và 08 Nghị quyết cá biệt.
(Có danh mục kèm
theo tại phụ lục 01).
2. Hội đồng nhân dân tỉnh
đã xem xét, thảo luận và cơ bản thống nhất với các báo cáo của Ủy ban nhân dân
tỉnh trình tại kỳ họp. Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được về tình
hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, các đại
biểu cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, hạn chế, cần
có giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh
tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm
2024, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu
phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024, chỉ đạo các cơ quan chức
năng có liên quan xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại buổi thảo luận (chi tiết tại phụ lục 02 đính kèm) và
báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả, tiến độ thực hiện (trước
ngày 30 tháng 10 năm 2024).
Tập trung chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện
các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ và hiệu
quả, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống (hiện có 26 Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh đang triển khai chưa có kết quả thực hiện); chỉ đạo các cơ
quan chức năng tích cực giải quyết thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri;
khẩn trương triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị qua giám sát, giải
trình, chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh
và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh còn tồn đọng (được nêu tại Báo cáo số
670/BC-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về
tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết, kết luận, kiến nghị qua giám sát, giải
trình, chất vấn của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban
Hội đồng nhân dân tỉnh); kịp thời chỉ đạo xây dựng, trình Hội đồng nhân dân
tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật
Nhà ở năm 2023 và các Nghị quyết về chính sách thu hút các nguồn lực phát triển
trên các lĩnh vực, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho hỗ trợ đầu tư kết nối hạ
tầng liên vùng, liên huyện, hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư khu, điểm du lịch,
cơ chế đặc thù về công tác giải phóng mặt bằng, rà soát các động lực, tiềm năng
để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ
ra trong 6 tháng đầu năm 2024; tập trung đánh giá khả năng hoàn thành 21 chỉ
tiêu chủ yếu và 11 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 119/NQ-HĐND ngày 08
tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội năm 2024; đề xuất giải pháp cụ thể với quyết tâm phấn đấu đạt và vượt
các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả kế hoạch thực
hiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các
nhiệm vụ trọng tâm, dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án chào mừng
Đại hội Đảng toàn quốc và Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ
2025 - 2030. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư; thúc đẩy, tạo
điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển. Tập trung giải
phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân ngay khi khối
lượng hoàn thành được nghiệm thu, đồng thời gắn với bảo đảm chất lượng công
trình, dự án.
Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng
đất, chống thất thu ngân sách, nhất là nguồn thu từ khai thác tài nguyên đất;
triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế; tập trung chỉ đạo giải
quyết những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai; đưa vào vận
hành, khai thác Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh. Hoàn
thành việc thực hiện phương án sắp xếp đất các công ty nông nghiệp; rà soát, có
kế hoạch khai thác các khu đất nông nghiệp quy mô lớn hết hạn, sắp hết hạn. Kiểm
soát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản; chủ động chuẩn bị đảm bảo
nguồn vật liệu cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; tăng cường quản
lý, xử lý chất thải từ sản xuất công nghiệp và dân sinh, không để xảy ra sự cố
môi trường nghiêm trọng; triển khai các chính sách, biện pháp tái sử dụng, giảm
phát thải; ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.
Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa
bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm. Phát triển
hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thuốc,
thiếu vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng
hiệu quả trang thiết bị y tế đã trang bị. Chú trọng thực hiện giải pháp phát
triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nhân lực ngành y tế và ngành giáo
dục. Tăng cường liên kết trong đào tạo giáo dục, dạy nghề.
Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy mạnh
thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi
số; cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số
SIPAS, PAPI, PAR INDEX, DTI.
3. Hội đồng nhân dân tỉnh
thống nhất với các báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của Viện Kiểm sát
nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Trong triển
khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, đề nghị các cơ quan tư pháp quyết liệt
trong chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá của
ngành; xây dựng kế hoạch khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã được
kháng nghị, kiến nghị qua kiểm sát, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức
năng. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều
tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự nhằm hạn chế trường hợp án phải trả hồ
sơ để điều tra bổ sung. Cơ quan Thi hành án dân sự đẩy nhanh tiến độ thi hành
án, giảm án chuyển kỳ sau (năm 2023 chuyển sang năm 2024: 11.749 việc).
Kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền có giải pháp cụ thể nhằm kịp thời tháo gỡ
những khó khăn vướng mắc: đấu giá tài sản, nhất là đấu giá tài sản về quyền sử
dụng đất; án phức tạp, kéo dài.
4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này.
5. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền và tham
gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây
Ninh Khóa X, Kỳ họp thứ 14 thông qua và có hiệu lực từ ngày 12 tháng 7 năm
2024.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- TT HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Tây Ninh; Đài PT - TH Tây Ninh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Tâm
|
PHỤ LỤC 01
DANH MỤC CÁC NGHỊ QUYẾT THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 14 CỦA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA X
* 04 Nghị quyết quy phạm pháp luật
1. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy
định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên
địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số
34/2022/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.
2. Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi thực
hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải
ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
3. Nghị quyết quy định nội dung, mức chi thực hiện
Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
4. Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí
khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028.
* 08 Nghị quyết cá biệt:
1. Nghị quyết miễn nhiệm ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh
Tây Ninh, nhiệm kỳ 2021-2026.
2. Nghị quyết về dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm
2025 nguồn ngân sách nhà nước.
3. Nghị quyết về phê chuẩn điều chỉnh quyết toán
ngân sách địa phương năm 2022.
4. Nghị quyết thông qua số lượng xe ô tô bán tải,
xe ô tô từ 12 - 16 chỗ ngồi phục vụ công tác chung đặc thù cho các cơ quan, tổ
chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
5. Nghị quyết thông qua Kế hoạch sử dụng đất 5 năm
(2021-2025) tỉnh Tây Ninh.
6. Nghị quyết về kết quả giám sát công tác cải cách
thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh.
7. Nghị quyết về Chương trình giám sát của Hội đồng
nhân dân tỉnh năm 2025.
8. Nghị quyết về kết quả kỳ họp thứ 14 Hội đồng
nhân dân tỉnh Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
PHỤ LỤC 02
TỔNG HỢP Ý KIẾN THẢO LUẬN CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN TỈNH TẠI KỲ HỌP THỨ 14
I. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ
HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Lĩnh vực kinh tế, xây dựng cơ bản, ngân sách
nhà nước
(1) Hiện nay, vấn đề cung cấp nước sạch cho 200 hộ
dân ở khu phố An Thới, phường An Hòa và 300 hộ dân ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng
Bàng chưa được giải quyết mặc dù đã kiến nghị nhiều lần. Đề nghị ngành chức
năng quan tâm đầu tư để người dân có nước sạch sử dụng.
(2) Đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác kiểm
tra năng lực tài chính của các nhà đầu tư khi giao thực hiện các dự án của tỉnh
để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân.
(3) Cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải
phóng mặt bằng thực hiện dự án khu đô thị dịch vụ (400 ha) thuộc khu liên hợp
Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời giai đoạn 3 để người dân
trong khu vực dự án được yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
(4) Dự án Đại An - Sài Gòn đã quy hoạch từ lâu
nhưng chưa thực hiện thu hồi đất, đề nghị ngành chức năng quan tâm thực hiện dự
án này.
(5) Theo Quyết định số 170/QĐ-UB ngày 20 tháng 01
năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật, về
đầu tư, đất đai, xây dựng thực hiện nghĩa vụ thuế và các nhóm vấn đề khác có
liên quan đến 11 dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Trong Quyết định có
nêu thời gian thanh tra 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định, tuy nhiên đến
nay chưa có kết luận thanh tra, đề nghị sớm quan tâm vấn đề này.
(6) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành chức
năng thực hiện thủ tục xác nhận việc cấp đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang
căn cước công dân trong 01 ngày để người dân thuận tiện trong việc giao dịch với
ngân hàng.
(7) Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông
vào đầu mùa mưa vẫn xảy ra, đề nghị ngành chức năng quan tâm có đánh giá, khảo
sát, xử lý vấn đề này.
(8) Công tác giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu
năm 2024 đạt thấp (30,2% so với kế hoạch), do đó việc giải ngân vốn đầu tư công
sẽ tập trung dồn vào 6 tháng cuối năm 2024. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần có
giải pháp hiệu quả hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
(9) Tiến độ sắp xếp quản lý đất đai của các công ty
nông - lâm nghiệp còn chậm, dẫn đến thiếu quỹ đất để thu hút, phát triển các dự
án nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc sắp xếp quản lý đất đai của các
công ty nông - lâm nghiệp gây bức xúc đối với một bộ phận người dân bị ảnh hưởng
lớn, đời sống khó khăn. Đề nghị cần quan tâm chỉ đạo có các giải pháp đẩy nhanh
tiến độ thu hút triển khai các dự án từ nguồn đất thu hồi, hạn chế việc để đất
trống trong thời gian dài gây thêm bức xúc; tổ chức phân loại các trường hợp
theo nhóm, thống nhất cách thức tuyên truyền ra dân từ tỉnh đến huyện, xã; xem
xét tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề để giải quyết rốt ráo các kiến nghị
khiếu nại liên quan.
(10) Cần có giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát
tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là các mặt hàng phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật.
(11) Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024
của Ủy ban nhân dân tỉnh và Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng
nhân dân tỉnh đã xác định rõ nguyên nhân hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề nghị Ủy
ban nhân dân tỉnh có giải pháp khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế đã
chỉ ra trong 6 tháng đầu năm.
(12) Công tác quản lý, khai thác khoáng sản (tận
thu) tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng không đóng thuế vẫn còn diễn
ra. Đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường có giải pháp quản lý tốt hơn, không
làm thất thu ngân sách.
(13) Công tác quản lý nhà, đất công thời gian qua
chưa chặt chẽ, còn tình trạng để lãng phí, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan
tâm, triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách từ đấu
giá quyền sử dụng đất.
(14) Đề nghị đánh giá sát thực tế đối với hạn chế “sản
xuất nông nghiệp còn đối mặt khó khăn như thời tiết nắng nóng kéo dài, giá vật
tư nông nghiệp đầu vào, công lao động tăng, chi phí sản xuất nông sản tăng cao;
thị trường tiêu thụ, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, giá cả một
số sản phẩm nông nghiệp thay đổi liên tục phụ thuộc vào thương lái”. Lý do:
thực tế nông dân được mùa, không bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và không lệ
thuộc vào thương lái.
2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
(1) Cơ sở vật chất tại một số cơ sở khám chữa bệnh
xuống cấp nhưng chưa được đầu tư (Trung tâm y tế huyện Dương Minh Châu), đề nghị
quan tâm bố trí nguồn đầu tư để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
(2) Tình trạng nhân viên y tế công lập nghỉ việc bỏ
việc chuyển sang tư nhân nhiều; chất lượng khám chữa bệnh y tế công lập giảm. Đề
nghị ngành quan tâm có giải pháp đồng bộ kéo giảm những hạn chế trên.
(3) Lượng khách du lịch đến Tây Ninh khá lớn tuy
nhiên doanh thu du lịch bình quân/người không nhiều.
(4) Đề nghị các địa phương đánh giá lại tình hình
lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2024, vì theo đánh giá tại Báo cáo của Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thì “tình trạng việc làm gặp khó khăn”.
(5) Hiện nay tình trạng các trang thiết bị y tế tại
các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh chua được sử dụng hiệu quả, gây lãng
phí. Đề nghị xác định nguyên nhân của tình trạng trên để có giải pháp xử lý triệt
để vấn đề này.
3. Lĩnh vực pháp chế
(1) Tình trạng thiếu biên chế của các cơ quan tư
pháp vẫn còn xảy ra, đề nghị có giải pháp hạn chế tình trạng trên.
(2) Trong 6 tháng đầu năm 2024, các loại tội phạm
công nghệ cao, tội trộm cắp, tội phạm trên tuyến biên giới, tội về an ninh trật
tự, an toàn giao thông tăng, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp đồng bộ,
quyết liệt đế đấu tranh ngăn ngừa các tội phạm này.
II. VỀ CÔNG TÁC ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
(1) Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành
chính sách hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với người
không hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; người trực tiếp tham gia hoạt
động ở ấp, khu phố được cấp có thẩm quyền cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
(2) Tuyến đường ĐT 782 - ĐT 784, cử tri xã Phước
Đông kiến nghị làm vỉa hè, tuy nhiên trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Báo
cáo số 293/BC-UBND ngày 04/7/2024 ngành chức năng chỉ trả lời dự án không có đầu
tư hạng mục hệ thống vỉa hè mà chưa đề ra giải pháp hoặc phương hướng giải quyết
kiến nghị của cử tri.
(3) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cử ngành chuyên
môn tham gia tiếp xúc cử tri ở những địa bàn có dự án trọng điểm, dự án còn khó
khăn, vướng mắc, dự án có liên quan đến đời sống dân sinh để kịp thời cung cấp
thông tin cho cử tri biết.