HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/NQ-HĐND
|
Cà Mau, ngày
10 tháng 7 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ
GIÁM SÁT VIỆC CUNG CẤP NƯỚC SẠCH SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019);
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội
và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-HĐND, ngày 12
tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau về Chương trình giám sát của
Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2020 và Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7
năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau về việc thành lập Đoàn giám sát việc
cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau;
Xét Báo cáo số 21/BC-ĐGS ngày 25 tháng 6 năm
2020 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc cung cấp
nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Tờ trình số 01/TTr-HĐND ngày 29
tháng 6 năm 2020 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị
quyết về kết quả giám sát việc cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
Cà Mau;
Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Khoá IX, Kỳ họp
thứ 12 đã thảo luận và thống nhất.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá tình hình
1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với nội
dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về việc
cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đồng thời nhấn mạnh một
số nội dung chủ yếu sau:
Trong thời gian qua, với nhiều nỗ lực của các
cấp, các ngành, hoạt động quản lý, vận hành và cấp nước sạch sinh hoạt trên địa
bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, nâng cao chất lượng nguồn nước và tỷ lệ
người dân được sử dụng nước sạch; nhiều hộ dân đặc biệt là đồng bào dân tộc
thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi tập quán sử dụng nước sinh hoạt
từ nước sông, hồ, kênh, rạch sang dùng nguồn nước ngầm từ các giếng khoan và
công trình cấp nước tập trung. Nước sạch về vùng nông thôn góp phần ổn định đời
sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới
của các xã trên địa bàn tỉnh.
Công tác cung cấp nước sạch
sinh hoạt cho nhân dân được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đầu tư phát
triển hệ thống cung cấp nước bằng nhiều nguồn lực. Kết quả, trên địa bàn tỉnh có
tổng số 286 công trình cấp nước tập trung, với tổng công suất khai thác thiết
kế khoảng 144.000 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, còn có 137.590 giếng khoan
nhỏ lẻ hộ gia đình; tổng lưu lượng khai thác khoảng 275.180 m3/ngày đêm;
cấp nước cho 174.170 hộ dân (không kể các giếng nước của các cơ sở sản xuất
kinh doanh lớn được phép khai thác).
Các cơ sở cung cấp nước sạch
sinh hoạt tập trung phân theo đơn vị quản lý như sau: Công ty Cổ phần cấp nước
Cà Mau trực tiếp quản lý 46 công trình, với tổng công suất khai thác thiết kế
là 89.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 76.051 hộ dân; Trung tâm
Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trực tiếp quản lý, vận hành 18 công
trình, với tổng công suất khai thác 14.000 m3/ngày đêm, cung cấp
nước cho khoảng 16.000 hộ dân; UBND các xã quản lý, vận hành 220 công trình,
với tổng công suất khai thác thiết kế 41.000 m3/ngày đêm; cung cấp
nước cho khoảng 22.000 hộ dân; 02 công trình cấp nước theo phương thức xã hội
hoá của chủ đầu tư Phan Văn Hiền, huyện Cái Nước với tổng công suất khai thác
thiết kế 240 m3/ngày đêm.
Nhìn chung, với sự nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo
thực hiện của các ngành các cấp, đến nay nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Cuối năm 2019, tại khu vực đô thị có
76.051 hộ được cung cấp nước sạch sinh hoạt, đạt tỷ lệ 95%; khu vực nông thôn
212.402 hộ, đạt tỷ lệ 92%; hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ dân cư được cung cấp
nước sạch đến năm 2020 (theo Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn
giai đoạn 2016 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ).
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cung
cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ
yếu sau:
Việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn
còn dàn trải, tạm thời, quy mô đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp, chưa đảm bảo
tính bền vững lâu dài, cụ thể như sau: Công trình cấp nước tập trung nông thôn
hầu hết không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không đảm bảo phạm vi vùng
bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước theo quy định. Chỉ 80/238 công trình có giấy
phép khai thác, sử dụng nước ngầm. Các công trình chưa thực hiện công tác quan
trắc, giám sát tài nguyên nước theo quy định. Hiện nay, chỉ có 59 công trình hoạt
động có hiệu quả, 105 công trình hoạt động trung bình, 73 công trình hoạt động
kém hiệu quả, ngưng hoạt động, xuống cấp trầm trọng, chờ thanh lý, tháo dỡ.
Mô hình, cơ chế quản lý, vận hành các công trình
cấp nước tập trung nông thôn chưa phù hợp, cụ thể là: Trung tâm Nước sạch và Vệ
sinh môi trường nông thôn được giao quản lý, khai thác 18 công trình cấp nước
sau đầu tư để kinh doanh là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị,
không hạch toán đầy đủ, không trích được khấu hao tài sản. Ủy ban nhân dân các
xã được giao quản lý, vận hành khai thác 220 công trình, nhưng không được bàn
giao về tài sản, không tính khấu hao tài sản hàng năm, không có người quản lý
chuyên nghiệp, không thực hiện các nghĩa vụ về thuế tài nguyên nước. Hầu hết
các công trình đều xuống cấp, thiếu vốn, đang chờ ngân sách nhà nước hỗ trợ để
nâng cấp, sửa chữa. Riêng 02 công trình cấp nước nông thôn Trạm khóm 9, thị
trấn Thới Bình và Trạm trung tâm xã Việt Thắng tạm giao cho Công ty Cổ phần cấp
nước Cà Mau quản lý, vận hành từ năm 2016 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm
về vốn và tài sản.
Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước chưa
chặt chẽ, chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật nước sạch sinh hoạt của tỉnh. Các
công trình cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau và Trung tâm Nước sạch
và Vệ sinh môi trường nông thôn tuy có thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng còn
hình thức, không đảm bảo các chỉ tiêu theo yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát
chất lượng nước các công trình có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm
hoặc quy mô dưới 500 hộ được phân cấp cho Trung tâm Y tế huyện, thành phố ngoại
kiểm mỗi năm 01 lần, nhưng nhiều năm qua chưa thực hiện. Hầu hết các công trình
cấp nước nông thôn được vận hành bơm trực tiếp từ giếng đến người tiêu dùng.
Hệ thống công trình cấp nước tập trung của tỉnh
với tổng công suất thiết kế khai thác là 144.000 m3/ngày đêm, có khả
năng cung cấp nước sinh hoạt cho 1,1 triệu người, nhưng chưa phát huy hết công
suất khai thác. Đến nay, vùng đô thị phân phối nước sạch sinh hoạt đạt 95% dân
số, vùng nông thôn chỉ đạt 18% dân số sử dụng hệ thống cấp nước tập trung, 74%
dân cư nông thôn sử dụng nước từ giếng khoan gia đình. Tình trạng sử dụng giếng
khoan nhỏ lẻ còn nhiều, quản lý chưa chặt chẽ.
Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh
môi trường nông thôn, tỷ lệ thất thoát nước của các công trình do Trung tâm
quản lý khá cao (khoảng 33,9%). Hệ thống cấp nước nông thôn giao cho Ủy ban
nhân dân các xã quản lý, vận hành chỉ có 02/220 công trình có đồng hồ tổng nên
không xác định được tỷ lệ nước thất thoát sau khai thác.
Một số địa phương áp dụng giá nước chưa đúng
theo quy định. Nhiều công trình giao Ủy ban nhân dân xã quản lý áp dụng giá
nước tự thoả thuận hoặc theo khả năng đóng góp của người dân. Giá nước được
tính theo giá lũy tiến là chưa hợp lý, giá nước ở khu vực nông thôn thấp hơn
khu vực thành thị, trong khi suất đầu tư lại cao hơn nên không khuyến khích nhà
đầu tư. Chưa có cơ chế bù giá bán nước đối với hộ nghèo, cơ cấu giá nước chưa
tính thuế tài nguyên, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác kiểm tra
đồng hồ nước tại hộ gia đình theo định kỳ chưa được đảm bảo.
Số hộ không chủ động được nguồn nước, thiếu nước
sinh hoạt đến cuối năm 2019 còn 18.470 hộ (chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và
hộ đặc biệt khó khăn). Trên địa bàn tỉnh còn 14 khu vực không khoan được nước
ngầm mà chưa được cung cấp nước sinh hoạt; người dân tự trữ nước mưa, mua nước
đóng bình, vận chuyển nước sạch từ nơi khác để sinh hoạt.
Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các đơn
vị quản lý công trình cấp nước với chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân có
liên quan chưa chặt chẽ. Ý thức bảo vệ cơ sở hạ tầng các công trình cấp nước
tập trung, bảo vệ môi trường nước và tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên nước
của phần lớn người dân chưa cao.
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp
1. Đối với những đề xuất, kiến nghị đến
các cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh tổng hợp, báo cáo, kiến nghị Trung ương xem xét, giải
quyết.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân
dân tỉnh chỉ đạo khắc phục những hạn chế nêu trong Báo cáo số 21/BC-ĐGS ngày 25
tháng 6 năm 2020 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời, tập trung
thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:
a) Chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tập
trung rà soát, phân loại các công trình cấp nước tập trung do nhà nước trực
tiếp quản lý đang còn hoạt động tốt hoặc hư hỏng, xuống cấp, gắn với quy hoạch,
quyền sử dụng đất, công suất khai thác để xử lý:
Công trình cấp nước có công suất khai thác nhỏ
(từ khoảng 200 đến 300 m3/ngày đêm trở xuống); hoạt động không có
hiệu quả; đang xuống cấp, hư hỏng; không phù hợp với quy hoạch; đất đai không
thuộc sở hữu của nhà nước thì nên thanh lý, bàn giao tài sản cho người đang
quản lý, sử dụng tiếp tục hoạt động theo phương thức tự quản để phục vụ trong
khu vực như cách làm hiện nay.
Công trình cấp nước có công suất lớn, phù hợp
với quy hoạch của tỉnh tiếp tục bổ sung các điều kiện cần thiết như: đất đai,
giấy phép khai thác nước, đăng ký chất lượng nước khai thác để đảm bảo quản lý
chặt chẽ, đúng quy định.
b) Chỉ đạo việc tổ chức quản lý các công trình
cấp nước tập trung nông thôn đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật.
c) Có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp áp
dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác, xử lý và phân phối nước sạch
sinh hoạt.
d) Sớm ban hành giá nước mới, phù hợp với quy
định của pháp luật và tương đồng với giá nước sạch của các tỉnh lân cận trong
khu vực; có cơ chế, chính sách bù giá nước đối với khu vực nông thôn.
đ) Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa
phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tăng cường chỉ
đạo công tác kiểm tra chất lượng nước sạch sinh hoạt theo đúng quy định và công
khai kết quả kiểm tra chất lượng nước.
e) Chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt việc
quản lý đăng ký giấy phép khai thác tài nguyên nước; tăng cường xử lý việc khai
thác nước ngầm trái phép, đồng thời gắn với việc rà soát, xử lý trám lấp các
giếng nước hư hỏng, không còn sử dụng đúng theo quy định; đẩy mạnh công tác
thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn, đo lường đồng hồ nước; kê khai, đóng thuế khai
thác tài nguyên nước hàng năm.
g) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, vận động tăng cường
dự trữ, sử dụng nguồn nước mưa; khuyến khích người dân sử dụng nước từ các công
trình cấp nước tập trung, tiết kiệm trong sử dụng nước, hạn chế tình trạng
khoan giếng nhỏ lẻ.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Ủy
ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực
hiện Nghị quyết này. Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết
quả thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội
đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội
đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Khóa IX, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày
10 tháng 7 năm 2020./.