Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 49/2024/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Võ Thành Hưng
Ngày ban hành: 16/07/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Hướng dẫn xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 49/2024/TT-BTC ngày 16/7/2024 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027.

Nguyên tắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025

Theo đó, nguyên tắc chung khi xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 như sau:

- Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý thuế 2019, các Luật về thuế, phí, lệ phí, các văn bản pháp luật khác có liên quan và Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách nhà nước, phù hợp với tình hình thực hiện các năm trước và thực hiện cao nhất các mục tiêu về thu ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025.

- Xây dựng dự toán thu năm 2025 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực, việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài, việc thực hiện quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

- Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

- Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Xem thêm tại Thông tư 49/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 30/8/2024.

 

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2024/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2024

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM 2025 - 2027

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025 - 2027.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung trong đánh giá thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và các năm 2021 - 2024; xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được NSNN hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

3. Các đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến NSNN.

Chương II

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024 VÀ CÁC NĂM 2021 - 2024

Điều 3. Căn cứ đánh giá

1. Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, văn bản điều hành của cấp có thẩm quyền về dự toán NSNN năm 2024:

a) Các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 gồm: số 16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; số 31/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

b) Các Nghị quyết của Quốc hội: số 103/2023/QH15 ngày 09 tháng 11 năm 2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 về dự toán NSNN năm 2024; số 105/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 về phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2024; số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

c) Các Nghị quyết: số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024 (Nghị quyết số 01/NQ-CP) các Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ hàng tháng.

d) Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về giao dự toán NSNN, kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN và giao bổ sung ngân sách trong quá trình điều hành NSNN năm 2024 (nếu có).

đ) Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân, Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2024; kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm của địa phương.

e) Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024 (Thông tư số 76/2023/TT-BTC).

2. Văn bản khác:

a) Các văn bản của cấp có thẩm quyền về chế độ thu, chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác và các giải pháp về thu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; các quy định về cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024.

b) Các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, công tác cải cách thủ tục hành chính, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng có liên quan đến hoạt động thu, chi NSNN.

Điều 4. Đánh giá tình hình nhiệm vụ thu NSNN năm 2024

1. Nguyên tắc đánh giá:

Thực hiện đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật về thu ngân sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền; đánh giá đầy đủ mọi khoản thu thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác của NSNN; không tổng hợp vào cân đối NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thực hiện thu NSNN 6 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện 6 tháng cuối năm 2024, trong đó tập trung làm rõ những thuận lợi, khó khăn; kiến nghị giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và Hội đồng nhân dân các cấp quyết định.

2. Nội dung đánh giá:

a) Đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động tăng, giảm thu NSNN năm 2024, chú ý làm rõ kết quả đạt được, các nguyên nhân khách quan, chủ quan đối với từng chỉ tiêu thu có sự tăng/giảm đột biến; cụ thể như sau:

- Các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong từng lĩnh vực; sản lượng sản xuất và tiêu thụ, giá bán, lợi nhuận của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ yếu trên địa bàn; tác động của biến động giá dầu thô, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, biến động trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; đánh giá, phân tích tác động từ việc điều chỉnh lộ trình tăng giá dịch vụ công, các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá; các dự án đã hết thời gian ưu đãi thuế và khả năng triển khai các dự án đầu tư mở rộng, đầu tư mới.

- Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật ảnh hưởng đến số thu trong năm 2024; tác động từ thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Công tác đôn đốc, thu hồi và xử lý nợ thuế trong 6 tháng đầu năm 2024; dự kiến kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế trong các tháng cuối năm 2024 (so với chỉ tiêu, kế hoạch được giao - nếu có)ước tổng số tiền thuế nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2024. Kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra và quyết định truy thu của cơ quan thuế các cấp khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế.

c) Tình hình hoàn thuế giá trị gia tăng (trừ hoàn thuế giá trị gia tăng nộp thừa) và dự kiến số kinh phí hoàn thuế thực hiện trong năm 2024 trên cơ sở đúng chính sách chế độ và phù hợp với thực tế phát sinh; báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung nguồn kinh phí hoàn thuế (nếu có) để chi hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế đầy đủ, kịp thời, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế, xử lý thu hồi kịp thời tiền hoàn thuế giá trị gia tăng sai quy định; các kiến nghị (nếu có).

d) Đánh giá thực hiện hoàn trả các khoản thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt mà người nộp thuế đã nộp thừa theo quy định của pháp luật theo các tiêu chí: số hồ sơ đã xử lý/ra quyết định hoàn trả, số tiền hoàn trả. Đồng thời nêu những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị giải pháp về cơ chế chính sách, công nghệ quản lý, tổ chức phối hợp trong quá trình triển khai, thực hiện (nếu có).

đ) Tình hình thu ngân sách từ đất đai (trong đó có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) theo pháp luật về đất đai và Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (Nghị quyết số 132/2020/QH14), Nghị định số 26/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ hướng dẫn Nghị quyết số 132/2020/QH14;

e) Tình hình thu ngân sách từ xử lý, sắp xếp nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ (Nghị định số 167/2017/NĐ-CP) quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ (Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan;

g) Tình hình thu ngân sách từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, thu NSNN từ giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan);

h) Đánh giá tình hình thực hiện thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp (Nghị định số 148/2021/NĐ-CP); báo cáo cụ thể số tiền đã nộp ngân sách, số tiền đã phát sinh nhưng đến nay chưa nộp ngân sách (nếu có), kiến nghị giải pháp đối với nguồn thu này (nếu có).

i) Kết quả phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong công tác quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thu NSNN, bán đấu giá tài sản Nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ thuế, chống thất thu, chống chuyển giá; tồn tại, vướng mắc và giải pháp khắc phục.

k) Tình hình thu phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí (đánh giá số thu phí, lệ phí theo quy định; số nộp NSNN); thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt, tịch thu, thu tiền đấu giá biển số xe và các khoản nộp NSNN khác trong năm 2024 theo quy định.

l) Tình hình thực hiện thu viện trợ 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2024.

m) Đánh giá tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc về công tác dự toán, đánh giá thực hiện thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị (nếu có).

Điều 5. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN các năm 2021 - 2024

Trên cơ sở quyết toán năm 2021, quyết toán năm 2022, thực hiện năm 2023 và ước thực hiện cả năm 2024, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 04 năm 2021 - 2024 so với mục tiêu, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chi tiết từng nguồn thu từ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, thu nội địa còn lại (ngoài tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; thu viện trợ (nếu có); làm rõ kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan (trong đó, đánh giá cụ thể tác động của dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và các điều chỉnh chính sách thu…); bài học kinh nghiệm; bối cảnh và kiến nghị giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý thu NSNN trong thời gian tới.

Điều 6. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2024

1. Đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) năm 2024 (không bao gồm nhiệm vụ tín dụng, chương trình mục tiêu quốc gia)

a) Đối với dự toán chi ĐTPT hằng năm thuộc phạm vi Luật Đầu tư công

- Chi ĐTPT các chương trình, dự án

+ Tình hình phân bổ và giao, điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN năm 2024 (nếu có), chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực chi, theo các chỉ tiêu: thời hạn phân bổ và giao kế hoạch cho chủ đầu tư; kết quả bố trí dự toán để thu hồi vốn ngân sách ứng trước và thanh toán nợ xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 thuộc nguồn NSNN theo quy định tại Khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công; khó khăn, vướng mắc, kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện.

+ Tình hình thực hiện dự toán chi ĐTPT chương trình, dự án nguồn NSNN năm 2024 (bao gồm cả chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2024 theo quy định; đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân nếu có), chi tiết theo từng lĩnh vực chi, gồm:

Các chương trình, dự án đầu tư công (cụ thể từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững): Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đến hết tháng 6 năm 2024, báo cáo dự kiến khả năng thực hiện đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2025; chi tiết theo từng nguồn vốn (trong đó: đối với chi ĐTPT của NSĐP có phụ biểu chi tiết theo từng nhóm dự án thuộc ngành, lĩnh vực; vốn NSTW hỗ trợ có mục tiêu từ vốn nước ngoài, vốn trong nước); có biểu phụ lục chi tiết từng dự án, số liệu về tổng mức đầu tư được duyệt, vốn thanh toán lũy kế đến hết năm 2023, kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang năm 2024, kế hoạch vốn năm 2024 - kể cả vốn bổ sung, điều chỉnh và ước thực hiện năm 2024 (kèm theo thuyết minh nguyên nhân). Đối với chi ĐTPT từ nguồn tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền và chuyển mục đích sử dụng đất: tình hình thu, nộp ngân sách và việc thực hiện dự toán chi ĐTPT năm 2024 từ nguồn thu này.

Đánh giá việc thực hiện năm 2024 đối với các nhiệm vụ chi đầu tư được giao từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi các năm 2021 - 2023 được quyết định thực hiện trong năm 2024 và nguồn dự phòng ngân sách các cấp năm 2024 (nếu có).

Đánh giá toàn bộ các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn theo đúng quy định, đặc biệt là các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã nộp hồ sơ quyết toán. Đánh giá tình hình thu hồi vốn ứng trước (kế hoạch vốn đã bố trí để thu hồi ứng năm 2024; số vốn ứng còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đánh giá tình hình chi ĐTPT theo phương thức đối tác công tư, trong đó có đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

- Tác động đến NSNN của việc chuyển đổi các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang phương thức đầu tư công và tác động đến NSNN (nếu có), việc bổ sung dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN năm 2024 (nếu có).

- Tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, trong đó nêu rõ: số dự án đã được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành và số vốn chưa được bố trí để thanh toán so với giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; số vốn đầu tư công đã thanh toán vượt giá trị quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thu hồi nộp NSNN; số dự án sử dụng vốn đầu tư công đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán theo quy định đến hết tháng 6 năm 2024, dự kiến đến hết năm 2024; nguyên nhân.

b) Đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi ĐTPT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP (không bao gồm nhiệm vụ tín dụng) theo từng chương trình, dự án, từng lĩnh vực chi.

Tình hình phân bổ, giao, bổ sung dự toán (nếu có), tình hình thực hiện và giải ngân năm 2024 nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm cả nguồn hoàn trả cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội).

2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tín dụng nhà nước năm 2024

Tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước và tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2024 (huy động vốn, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tăng trưởng tín dụng, giải ngân, thu nợ gốc, dư nợ cho vay; NSNN cấp bù lãi suất và phí quản lý,…); việc cải cách hành chính trong thủ tục xét duyệt cho vay.

3. Đánh giá tình hình triển khai phân bổ, giao và thực hiện dự toán trong 6 tháng đầu năm, dự kiến khả năng thực hiện cả năm 2024 đối với các nhiệm vụ chi ĐTPT của NSNN năm 2024 ngoài phạm vi Luật đầu tư công (chi đầu tư theo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các nhiệm vụ theo các quyết định của cấp có thẩm quyền); tồn tại, khó khăn, nguyên nhân kiến nghị (nếu có).

4. Đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 và ước thực hiện năm 2024 về tổng nguồn lực huy động và cơ cấu nguồn lực xã hội hóa đầu tư theo ngành, lĩnh vực; số lượng các cơ sở được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa; kết quả đạt được; tồn tại, nguyên nhân, kiến nghị (nếu có).

Điều 7. Đánh giá tình hình thực hiện chi ĐTPT các năm 2021 - 2024

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện cả năm 2024, thực hiện đánh giá lũy kế tình hình kết quả triển khai các năm 2021 - 2024 so với mục tiêu, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, cần làm rõ:

1. Đối với nhiệm vụ chi ĐTPT hằng năm thuộc phạm vi Luật Đầu tư công (không bao gồm nhiệm vụ thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP):

a) Lũy kế dự toán chi đầu tư công được giao và tình hình phân bổ, thực hiện, giải ngân các năm 2021 - 2024 (bao gồm cả số giải ngân của kế hoạch được kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau) so với kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp thẩm quyền giao giai đoạn 2021 - 2025, chi tiết nguồn vốn ngoài nước (vốn vay, vốn viện trợ); đối với địa phương chi tiết nguồn cân đối NSĐP, nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu theo ngành, lĩnh vực, cụ thể nguồn vốn nước ngoài (bao gồm cả nguồn vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại), vốn trong nước - nếu có; vốn bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; vốn được giao từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi, dự phòng ngân sách các cấp các năm 2021 - 2024 (nếu có). Làm rõ mức vốn đầu tư công bố trí từ NSĐP các năm 2021 - 2024 so với kế hoạch 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền giao, nhu cầu đề xuất bổ sung kế hoạch trung hạn - nếu có. Số vốn đầu tư đã được bố trí, số vốn đầu tư đã giải ngân, số vốn được phép kéo dài, số vốn cần được bố trí tiếp để hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn.

b) Số dự án có nợ xây dựng cơ bản đã tổng hợp, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tình hình bố trí vốn các năm 2021 - 2024 để xử lý nợ xây dựng cơ bản, dự kiến bố trí số còn lại trong năm 2025.

c) Lũy kế số vốn ứng trước được bố trí để thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tình hình bố trí vốn các năm 2021 - 2024 để thu hồi vốn ứng, dự kiến bố trí số còn lại để thu hồi trong năm 2025. Số vốn ứng trước phát sinh đến nay chưa được bố trí để thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (chi tiết NSTW, NSĐP).

d) Đánh giá tình hình xử lý các khoản tạm ứng theo hợp đồng quá thời hạn thu hồi tính đến hết tháng 6 năm 2024 (đặc biệt là các khoản tạm ứng quá hạn kéo dài nhiều năm) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2024 về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

2. Đối với chi đầu tư chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo lũy kế dự toán kinh phí được giao và tình hình phân bổ, thực hiện, giải ngân đến hết năm 2024 cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm cả số được hoàn trả lại từ các chương trình, dự án nhiệm vụ đầu tư công kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) so với mục tiêu kế hoạch theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP; kết quả đạt được trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá việc thực hiện điều chỉnh nguồn vốn giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 - 2024.

3. Đối với nhiệm vụ tín dụng hằng năm (không bao gồm nhiệm vụ thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP)

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước và tín dụng chính sách các năm 2021 - 2024 (huy động vốn, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tăng trưởng tín dụng, giải ngân, thu nợ gốc, dư nợ cho vay; NSNN cấp bù lãi suất và phí quản lý.

4. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT của NSNN ngoài phạm vi Luật đầu tư công (chi đầu tư theo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các nhiệm vụ theo các quyết định của cấp có thẩm quyền):

Đánh giá tình hình triển khai và thực hiện trong các năm 2021 - 2024, trong đó làm rõ số kinh phí theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền; số kinh phí đã được bố trí; số kinh phí đã thực hiện; số còn phải bố trí trong năm 2025.

5. Tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách xã hội hóa các năm 2021 - 2024 so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được giao (chi tiết tổng nguồn lực, cơ cấu nguồn lực xã hội hóa theo ngành, lĩnh vực; số lượng các cơ sở được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa theo ngành, lĩnh vực).

6. Báo cáo cụ thể các kết quả đạt được, tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị (nếu có) đối với từng Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này. Trong đó làm rõ các bất cập về thể chế, về tổ chức thực hiện đầu tư công:

- Các giải pháp đã triển khai để thúc đẩy thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn theo các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

- Đánh giá, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng tới việc phân bổ và giải ngân, tập trung vào những nhóm vấn đề lớn như: cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, những vướng mắc đặc thù (nếu có).

- Những kiến nghị về pháp lý và về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT.

Điều 8. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2024 và các năm 2021 - 2024

1. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2024 các nội dung sau:

a) Tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán chi thường xuyên 6 tháng đầu năm, dự kiến khả năng thực hiện cả năm 2024 chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao. Đối với các nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư (mua sắm, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa) được áp dụng cơ chế sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 165/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 165/2016/NĐ-CP, đánh giá việc triển khai thực hiện, trong đó báo cáo tính chất đặc thù, tổng mức kinh phí theo phê duyệt, số đã bố trí đến hết năm 2024, số còn phải bố trí, những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị (nếu có).

Tình hình triển khai thực hiện việc cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên theo quy định tại tiết b điểm 2 Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm chi NSNN (riêng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền); cắt giảm dự toán chưa phân bổ sau ngày 30 tháng 6 năm 2024 theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, kiến nghị (nếu có).

b) Các cơ quan, đơn vị đánh giá tiến độ, khả năng hoàn thiện các điều kiện, thủ tục và khả năng thực hiện trong năm 2024 gửi Bộ Tài chính (nếu được bổ sung dự toán), đối với các nhiệm vụ dự kiến phát sinh trong năm 2024 (bao gồm cả việc đề xuất bổ sung dự toán để thực hiện các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thực hiện theo Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ) nhưng chưa được giao dự toán đầu năm theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2024.

c) Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, đề án, dự án lớn sử dụng nguồn chi thường xuyên của NSNN trong 6 tháng đầu năm, dự kiến cả năm 2024; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý về cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện, cụ thể:

- Rà soát, xác định các nhiệm vụ, chính sách chế độ kết thúc hoặc hết hiệu lực; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế các chế độ, chính sách không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành.

- Tình hình tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ước cả năm 2024, chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW), Kết luận số 28-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Kết luận số 28-KL/TW), Kết luận số 40-KL/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 (Kết luận số 40-KL/TW) và các văn bản liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập: Kết quả sắp xếp, đổi mới hệ thống, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong 6 tháng đầu năm, ước cả năm 2024 theo các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư số 56/2022/TT-BTC).

2. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên các năm 2021 - 2024 như sau:

a) Trên cơ sở quyết toán các năm 2021 2022, kết quả thực hiện năm 2023 và ước thực hiện cả năm 2024, đánh giá lũy kế tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên NSNN các năm 2021 - 2024 so với mục tiêu, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (nếu có); tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 hoặc trong nhiều năm - nếu có; các nhiệm vụ chủ yếu của ngành, lĩnh vực, địa phương; kết quả đạt được; tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị, giải pháp khắc phục (nếu có).

b) Đánh giá lũy kế việc triển khai tình hình tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; kết quả sắp xếp, đổi mới hệ thống, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong các năm 2021 - 2024 so với các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và các văn bản pháp luật có liên quan; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị.

c) Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu tự chủ và giảm chi từ NSNN sau khi giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập từ khi thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đến nay; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị.

d) Đánh giá việc thực hiện xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở đặt hàng, đấu thầu liên quan đến dịch vụ công của bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, kiến nghị.

Điều 9. Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở trung ương được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quy định tại Nghị quyết số 104/2023/QH15, Nghị quyết số 142/2024/QH15:

1. Căn cứ Nghị quyết số 104/2023/QH15, Nghị quyết số 142/2024/QH15, các Quyết định giao dự toán năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện việc rà soát, trình cấp có thẩm quyền về cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan, đơn vị.

2. Các cơ quan, đơn vị báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện và sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị năm 2024; việc quản lý, sử dụng các quỹ của đơn vị, số dư các quỹ đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2023, thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2024 và thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Riêng đối với số chi từ nguồn thu phí được để lại theo dự toán năm 2024 được cấp có thẩm quyền quyền giao: Báo cáo rõ nội dung chi trực tiếp phục vụ công tác thu phí theo quy định của Luật phí và lệ phí và nội dung chi đặc thù theo quy định của cấp có thẩm quyền.

3. Về chi quỹ lương: Báo cáo quỹ lương theo chế độ của cơ quan, đơn vị theo lương quy định chung đối với cán bộ, công chức (Chi lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp theo lương theo quy định chung) và các khoản chi thu nhập cá nhân theo cơ chế đặc thù từ ngày 30 tháng 6 năm 2024 trở về trước và cơ chế áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.

4. Đối với các nhiệm vụ chi ngoài lương, thu nhập:

a) Các nhiệm vụ thường xuyên:

- Đánh giá thực hiện 6 tháng đầu năm theo cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù từ ngày 30 tháng 6 năm 2024 trở về trước.

- Đối với 6 tháng cuối năm 2024, dự kiến việc thực hiện theo cơ chế như các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg, chi tiết các khoản chi bộ máy trong định mức và các nhiệm vụ chi đặc thù (đặc thù chung, đặc thù riêng biệt), trong đó:

(i) Đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi chi trong định mức, rà soát, dự kiến thực hiện trong 6 tháng cuối năm (so sánh với số kinh phí thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 đối với các nhiệm vụ này).

(ii) Đối với các nhiệm vụ chi đặc thù ngoài phạm vi định mức, rà soát, phân loại thành 02 nhóm: (i) đặc thù chung và (ii) đặc thù riêng biệt theo các nhiệm vụ quy định chi tiết tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Quyết định số 30/2021/ QĐ-TTg, chi tiết từng nhiệm vụ, quyết định phê duyệt, tổng kinh phí theo phê duyệt, thời gian thực hiện, báo cáo số kinh phí thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 đối với các nhiệm vụ này và số dự kiến thực hiện trong 6 tháng cuối năm, số còn phải tiếp tục bố trí theo tổng mức được phê duyệt.

(iii) Đối với các nhiệm vụ đặc thù của cơ quan, đơn vị không có trong quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg, các cơ quan, đơn vị báo cáo chi tiết từng nhiệm vụ, trong đó nêu rõ sự cấp thiết, quy trình phê duyệt, quyết định phê duyệt, tổng kinh phí theo phê duyệt, thời gian thực hiện, số kinh phí bố trí thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 và lũy kế số đã bố trí đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024; phương án, tiến độ trình các cấp thẩm quyền về các nhiệm vụ này theo quy định tại tiết a Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 01/2021/ UBTVQH15 nếu có (các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên khác được cơ quan có thẩm quyền quyết định) và dự kiến việc thực hiện 6 tháng cuối năm; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).

b) Đối với các nhiệm vụ chi đầu tư:

Đánh giá thực hiện 6 tháng đầu năm theo cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù từ ngày 30 tháng 6 năm 2024 trở về trước.

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2024 theo cơ chế như các cơ quan quản lý nhà nước (phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát), báo cáo cụ thể từng nhiệm vụ, trong đó nêu rõ quy trình xây dựng, quyết định phê duyệt, tổng kinh phí và chi tiết các nguồn vốn thực hiện theo phê duyệt, thời gian thực hiện, số kinh phí bố trí thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 và lũy kế số đã bố trí đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024, số còn phải bố trí tiếp; các kiến nghị, giải pháp đối với các nhiệm vụ này.

5. Trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, cơ chế áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và/hoặc thời gian chuyển tiếp, cơ quan, đơn vị báo cáo cụ thể các thay đổi về cơ chế, chính sách và/hoặc thời gian chuyển tiếp; các tác động kinh phí; dự kiến việc thực hiện 6 tháng cuối năm.

Điều 10. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia, dự toán chi dự trữ quốc gia năm 2024 và các năm 2021 - 2024

Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia, dự toán chi dự trữ quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt 6 tháng đầu năm, khả năng thực hiện cả năm 2024; những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2024. Trên cơ sở ước thực hiện cả năm 2024, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia các năm 2021 - 2024 so với mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 11. Đánh giá tình hình thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án, đề án khác năm 2024 và các năm 2021 - 2024

1. Đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia

Trên cơ sở Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia; các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng; các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị dự toán NSNN, đơn vị sử dụng NSNN đánh giá tình hình thực hiện phân bổ, sử dụng dự toán NSNN năm 2024 (chi tiết phần dự toán các năm trước chuyển sang năm 2024 theo quy định để thực hiện và phần dự toán năm 2024 được giao - nếu có), khả năng sử dụng và giải ngân phần dự toán chưa giao năm 2024 của các chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2024; thuận lợi, khó khăn, kiến nghị (nếu có). Trong đó:

a) Cơ quan chủ chương trình chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần báo cáo việc ban hành/trình ban hành sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan (nếu có); đánh giá việc phân bổ, sử dụng NSNN, chi tiết theo các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, chi ĐTPT, chi thường xuyên, vốn trong nước, vốn nước ngoài (nếu có) và việc chấp hành quy định về cân đối, bố trí vốn đối ứng của địa phương.

b) Cơ quan chủ quản chương trình (các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đánh giá tình hình sửa đổi, bổ sung/trình sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan theo phân cấp (nếu có); phân bổ, sử dụng NSNN (trong đó, các địa phương báo cáo về dự toán được hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW, đối ứng của địa phương theo quy định), chi tiết theo các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, chi ĐTPT, chi thường xuyên, nguồn vốn trong nước, vốn nước ngoài (nếu có).

c) Cơ quan, đơn vị đánh giá về tình hình giao dự toán, phân bổ, sử dụng NSNN, chi tiết theo các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, chi ĐTPT, chi thường xuyên, vốn trong nước, vốn nước ngoài (nếu có) năm 2024, lũy kế năm 2021 - 2024; tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị, giải pháp khắc phục (nếu có).

2. Đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ được cấp thẩm quyền phê duyệt cho giai đoạn 2021 - 2025 hoặc đến năm 2030, đánh giá việc hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung thể chế (nếu có), việc phân bổ, thực hiện năm 2024. Trường hợp có sử dụng nguồn vốn nước ngoài, báo cáo riêng tình hình phân bổ, giải ngân đối với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, các đề xuất kiến nghị (nếu có). Trên cơ sở ước thực hiện năm 2024, đánh giá lũy kế dự toán kinh phí được giao, tình hình phân bổ và sử dụng NSNN đến hết năm 2024 so với tổng mức được phê duyệt cho giai đoạn 2021 - 2025 hoặc đến năm 2030; kết quả đạt được; tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị, giải pháp khắc phục (nếu có).

Điều 12. Đối với các nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn nước ngoài

1. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đánh giá tình hình phân bổ, giao dự toán năm 2024, việc điều chỉnh, bổ sung năm 2024 (nếu có) chi tiết theo dự án, nhà tài trợ, nguồn vốn: vốn vay (ODA và vay ưu đãi nước ngoài), vốn viện trợ (vốn ODA không hoàn lại, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức); cơ chế tài chính, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có). Đối với vốn viện trợ không hoàn lại, đánh giá về việc tiếp nhận các khoản viện trợ mới phát sinh, chưa có trong dự toán, tiến độ về thủ tục bổ sung dự toán; đánh giá khó khăn, vướng mắc khi giao dự toán vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm khi không tách rõ cơ cấu giữa vốn vay và vốn viện trợ và đề xuất giải pháp triển khai.

2. Đánh giá tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn nước ngoài, so sánh với dự toán được giao; vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn ODA (nếu có); làm rõ nguyên nhân của việc giải ngân chậm, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư, trách nhiệm của Ban Quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.

3. Trên cơ sở ước thực hiện chi năm 2024, đánh giá việc thực hiện 04 năm 2021 - 2024 so với mục tiêu, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được giao/hoặc kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 theo Hiệp định hoặc thỏa thuận đã ký kết (nếu có); những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

Điều 13. Đánh giá tình hình thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2024

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá việc thực hiện cơ chế tạo nguồn chi cải cách tiền lương năm 2024 gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

Điều 14. Đánh giá thực hiện nhiệm vụ NSNN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024 và các năm 2021 - 2024

Ngoài các yêu cầu quy định từ Điều 4 đến Điều 13 tại Thông tư này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá bổ sung một số nội dung sau:

1. Công tác huy động các nguồn lực tài chính ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có).

2. Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách miễn, giảm thu. Trường hợp có hụt thu, các địa phương thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 9 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán NSNN năm 2024, số 1602/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về giao chi tiết dự toán NSNN năm 2024 và Khoản 6 Điều 9 Thông tư số 76/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Khả năng thực hiện dự toán chi ĐTPT năm 2024, theo từng lĩnh vực chi (bao gồm cả việc điều chỉnh, bổ sung trong năm theo quy định), chi tiết: nguồn NSĐP (chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, chi đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP); nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP từ nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (gồm vốn vay và viện trợ không hoàn lại); trong đó tập trung đánh giá các nội dung:

a) Đối với nhiệm vụ chi ĐTPT hằng năm thuộc phạm vi Luật Đầu tư công (không bao gồm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15:

- Tình hình phân bổ, giao, bổ sung dự toán (nếu có); tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng năm 2024; dự kiến số còn lại đến hết năm 2024 (nếu có); kiến nghị xử lý.

- Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSĐP 6 tháng đầu năm và đánh giá cả năm 2024.

- Tình hình giao, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn ĐTPT nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho địa phương 6 tháng đầu năm, đánh giá cả năm 2024.

- Bội chi NSĐP năm 2024 và tình hình đầu tư từ nguồn này (nếu có).

- Số tăng thu, tiết kiệm chi của NSĐP (nếu có).

- Tình hình phê duyệt, bố trí kinh phí, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ các nguồn thu được để lại theo chế độ: nguồn thu phí, thu sự nghiệp công được để lại và nguồn thu hợp pháp khác, chi tiết từng lĩnh vực chi.

- Tình hình phân bổ, giao dự toán chi NSNN từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các dự án, công trình của địa phương.

- Tình hình thu, chi, quản lý và sử dụng số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho ĐTPT của địa phương trong năm 2024.

b) Việc thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, bổ sung dự toán, phân bổ, tổ chức thực hiện, đánh giá khả năng giải ngân đến 31 tháng 01 năm 2025 đối với các chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình và việc bổ sung dự toán, giải ngân các chương trình, dự án, nhiệm vụ không thuộc Chương trình, được đẩy nhanh tiến độ; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).

c) Tình hình phân bổ, giao dự toán, giải ngân dự toán chi ĐTPT năm 2024 ngoài phạm vi Luật Đầu tư công (nếu có)

d) Tình hình chấp hành các quy định về đầu tư công, các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này;

đ) Kết quả dự kiến đạt được, tồn tại, nguyên nhân và các kiến nghị (nếu có).

4. Báo cáo tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành trên địa bàn năm 2024. Các địa phương báo cáo chi tiết số đối tượng thụ hưởng (căn cứ đối tượng thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 để rà soát, xác định số đối tượng ước thực hiện cả năm 2024), mức hỗ trợ, thời gian hưởng đối với từng chế độ, chính sách chi an sinh xã hội theo quy định để xác định cụ thể nhu cầu kinh phí NSNN hỗ trợ để thực hiện các nhóm chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành.

Căn cứ quy định tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022 - 2025, nguồn kinh phí đã bố trí trong dự toán chi NSĐP năm 2024 để xác định chính thức số kinh phí NSTW bổ sung cho địa phương.

(Biểu báo cáo chi tiết theo mẫu biểu số 01 đính kèm).

5. Báo cáo về tình hình thực hiện cải cách tiền lương năm 2024:

a) Quỹ lương, phụ cấp, trợ cấp ước thực hiện trong năm 2024.

b) Nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện cải cách tiền lương.

c) Việc sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện điều chỉnh mức lương, gồm: nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền giao; 70% tăng thu NSĐP thực hiện năm 2023 so với dự toán năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu NSĐP dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các khoản được loại trừ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022; số thu được để lại theo chế độ năm 2024; nguồn cải cách tiền lương năm 2023 còn dư chuyển sang (nếu có), dự kiến nguồn cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2024.

(Biểu báo cáo chi tiết theo mẫu biểu số 02a đính kèm).

6. Báo cáo tình hình sử dụng dự phòng NSĐP quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật NSNN, trong đó, số bố trí dự toán đầu năm, số đã sử dụng từ nguồn dự phòng NSĐP, quỹ dự trữ tài chính (nếu có) đến ngày 30 tháng 6 năm 2024, số dự kiến sử dụng trong 6 tháng cuối năm 2024.

7. Tình hình thực hiện vay và trả nợ các khoản vay của NSĐP, gồm:

a) Số dư nợ đầu năm 2024, số dư nợ đến ngày 30 tháng 6 năm 2024, ước dư nợ đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024, chi tiết theo nguồn dư nợ (nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo từng nhà tài trợ và chương trình, dự án; nguồn tín dụng ĐTPT của Nhà nước; vay khác).

b) Số huy động đến thời điểm 30 tháng 6 năm 2024 và ước thực hiện cả năm 2024, chi tiết theo mục đích huy động (trả nợ gốc, bù đắp bội chi) và theo từng nguồn vốn huy động (nguồn vốn ODA vay về cho vay lại, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các nguồn tài chính hợp pháp khác).

c) Tình hình thực hiện trả nợ (lãi, phí) đến ngày 30 tháng 6 năm 2024 và ước thực hiện cả năm 2024, chi tiết trả nợ lãi, phí các khoản vay trong nước, nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ chi tiết theo từng chương trình, dự án.

d) Tình hình trả nợ gốc các khoản vay đến ngày 30 tháng 6 năm 2024 và ước thực hiện cả năm 2024, chi tiết trả nợ gốc các khoản vay trong nước, trả nợ gốc nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ chi tiết theo từng chương trình, dự án; cụ thể theo từng nguồn trả nợ (vay mới trả nợ cũ, từ nguồn bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách).

(Biểu báo cáo chi tiết theo mẫu biểu số 03 đính kèm).

8. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù, đánh giá cụ thể kết quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù tại địa phương (bao gồm cả cơ chế, chính sách do địa phương ban hành); đánh giá tác động của cơ chế, chính sách đến kết quả thu, chi NSNN trên địa bàn.

9. Tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Điều 15. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách năm 2024 và các năm 2021 - 2024

Các bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đánh giá hiệu quả hoạt động; báo cáo việc rà soát, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thu - chi và các nhiệm vụ được giao 6 tháng và dự kiến cả năm 2024 gắn với hiệu quả hoạt động; lũy kế việc thực hiện đến hết năm 2024 so với mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (nếu có); các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị giải pháp xử lý.

Điều 16. Đối với nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được để lại không đưa vào cân đối NSNN (các trường hợp được chi theo cơ chế đặc thù, thì thực hiện theo Điều 9 Thông tư này)

1. Cơ quan, đơn vị báo cáo các khoản thu của đơn vị sự nghiệp công lập (ngoài nguồn NSNN), trên cơ sở đó xác định mức độ tự chủ của từng đơn vị; đánh giá các khoản thu phí được để lại năm 2024 và các năm 2021 - 2024 theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ bố trí từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được để lại không đưa vào cân đối NSNN trong năm 2024, chi tiết nhiệm vụ chi ĐTPT theo quy định (chi tiết nguồn phí và nguồn thu sự nghiệp được để lại, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị), nhiệm vụ chi thường xuyên, chi tiết theo từng lĩnh vực chi và lũy kế các năm 2021 - 2024.

3. Dự kiến nguồn thu hợp pháp còn lại cuối năm 2024; nhu cầu chi còn lại (từ năm 2025) đối với các nhiệm vụ đầu tư, thường xuyên từ nguồn này đã được phê duyệt đến nay - nếu có.

Chương III

XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

Điều 17. Yêu cầu

1. Dự toán NSNN năm 2025 được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN và các văn bản pháp luật khác có liên quan phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các mục tiêu theo các Nghị quyết của Trung ương; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan; có đầy đủ cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với đánh giá tình hình thực hiện năm 2024, các năm 2021 - 2024, khả năng thực hiện năm 2025 và thực hiện cao nhất các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

2. Các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát lồng ghép, bãi bỏ các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả; chỉ đề xuất ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cân đối được nguồn thực hiện; dự kiến đầy đủ nhu cầu NSNN theo phân cấp thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi NSNN đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật NSNNLuật Đầu tư công. Không bố trí dự toán chi cho các chính sách, chế độ chưa ban hành.

3. Tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết dứt điểm ngay từ khâu xây dựng dự toán những tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 18. Xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025

1. Nguyên tắc chung

a) Dự toán thu NSNN năm 2025 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế, các Luật về thuế, phí, lệ phí, các văn bản pháp luật khác có liên quan và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN, phù hợp với tình hình thực hiện các năm trước và thực hiện cao nhất các mục tiêu về thu NSNN 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

b) Xây dựng dự toán thu năm 2025 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực, việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài, việc thực hiện quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

c) Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

d) Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

2. Xây dựng dự toán thu nội địa:

a) Các địa phương xây dựng dự toán thu nội địa năm 2025 ngoài việc đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều này, phải dự kiến đầy đủ các nguồn thu NSNN phát sinh trên địa bàn, nhưng không tổng hợp vào cân đối NSNN các khoản không thuộc cân đối NSNN theo chế độ quy định, trên cơ sở đánh giá thực tế thực hiện các năm trước, những đặc thù của năm 2025 và số kiểm tra dự toán thu năm 2025 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.

b) Dự toán thu NSNN năm 2025 phải được xây dựng trên hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các dự án mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN; chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định; các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu NSNN năm 2025 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2025.

Riêng công tác lập dự toán thu đối với các khoản liên quan đến nhà, đất thực hiện theo đúng pháp luật về nhà, đất, bám sát vào quy hoạch, kế hoạch giao quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất tại địa phương, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để xây dựng dự toán thu tiền sử dụng đất sát với khả năng phát sinh nguồn thu trên địa bàn, khắc phục việc dự báo thu và lập dự toán thu các khoản liên quan đến đất đai không sát thực tế phát sinh trong những năm qua theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

c) Thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP; thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; thu NSNN từ giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật. Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ.

Thu từ tiền sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo pháp luật về đất đai và Điều 201, 260 Luật Đất đai năm 2024.

d) Dự toán các khoản thu phí, lệ phí (thuộc danh mục quy định của Luật Phí, lệ phí) chi tiết tổng số thu, số nộp ngân sách, số được khấu trừ và trích lại theo quy định của pháp luật, chi tiết từng loại phí, lệ phí và lập dự toán chi ngân sách của cơ quan, đơn vị được để lại theo lĩnh vực theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Mẫu biểu số 07 kèm theo Thông tư số 342/2016/TT-BTC.

Việc xây dựng dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại theo đúng các nội dung chi phục vụ công tác thu quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ, không vượt quá tỷ lệ được để lại theo quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Cơ quan, đơn vị không lập dự toán cho các nhiệm vụ chi theo cơ chế đặc thù đã bị bãi bỏ theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15.

đ) Dự toán các khoản thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt, tịch thu, thu tiền đấu giá biển số xe và các khoản nộp NSNN khác trong năm 2025 theo quy định.

e) Đối với các khoản thu không tổng hợp vào cân đối NSNN theo quy định (thu phí, thu dịch vụ sự nghiệp công, học phí, giá dịch vụ y tế, các khoản thu hợp pháp khác được để lại cho cơ quan, đơn vị sử dụng theo quy định), các cơ quan, đơn vị phải lập dự toán riêng, thuyết minh cơ sở tính toán và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan quản lý cấp trên, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.

3. Xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu:

a) Căn cứ vào dự báo tăng trưởng kim ngạch của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh.

b) Xét đến các yếu tố tác động như: dự kiến biến động giá trong nước và giá thị trường quốc tế của những mặt hàng có số thu NSNN lớn; biến động giá dầu thô trên thế giới; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2025; mức độ thuận lợi hóa thương mại và ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật; quy mô, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trọng điểm có nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị; kế hoạch sản xuất của các nhà máy lọc dầu trong nước.

4. Xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng:

Căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn; kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, tổng số dự án và vốn đầu tư được cấp phép mới, tiến độ đầu tư của các dự án đầu tư đang triển khai và dự án đầu tư mới, các dự án đầu tư kết thúc giai đoạn đầu tư và chuyển sang giai đoạn hoạt động kinh doanh tại địa bàn để tính đúng, tính đủ, kịp thời số hoàn thuế giá trị gia tăng dự kiến phát sinh trong năm 2025 theo các chính sách, chế độ hiện hành và chế độ chính sách mới có hiệu lực thi hành. Xây dựng dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng gắn liền với yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, giám sát, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng để đảm bảo đúng phát sinh thực tế, chính sách chế độ.

5. Dự toán thu NSNN (bao gồm cả thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) cần dự kiến phần hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa làm giảm thu NSNN theo quy định của pháp luật.

6. Xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại:

Việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cần căn cứ và bám sát vào tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2024 (số dự toán được giao, số vốn tiếp nhận từ nhà tài trợ, số vốn thực hiện); văn kiện của Chương trình, dự án, phi dự án hoặc khoản viện trợ đã được cấp có thẩm quyền Việt Nam phê duyệt; các văn bản về cam kết viện trợ, thư viện trợ hoặc văn bản về ý định viện trợ của nhà tài trợ; tiến độ triển khai thực tế, khả năng phát sinh và thực hiện mới trong năm, hạn chế tình trạng thiếu dự toán dẫn đến phải trình cấp thẩm quyền bổ sung hoặc thực hiện không hết dẫn đến phải hủy dự toán hoặc chuyển nguồn. Quá trình xây dựng dự toán thu/chi NSNN đối với vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, chủ chương trình/dự án/phi dự án và cơ quan dự toán cấp I (cơ quan chủ quản) cần xác định tính chất chi đầu tư và chi thường xuyên, chi tiết từng nội dung/lĩnh vực chi, phân định rõ nguồn vốn theo phân cấp theo quy định về quản lý NSNN (nếu có).

Đối với các khoản viện trợ đã tiếp nhận từ năm 2024 trở về trước chưa có trong dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập và tổng hợp vào dự toán năm 2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để thực hiện hạch toán, quyết toán theo quy định.

Điều 19. Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025

1. Nguyên tắc xây dựng

a) Đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật khác có liên quan; đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ĐTPT, chi thường xuyên NSNN; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị. Đảm bảo nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, lộ trình tinh giản biên chế theo các quy định.

b) Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán NSNN.

c) Sát khả năng thực hiện và nguồn đảm bảo, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau. Trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2024, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương rà soát các nhiệm vụ trùng lặp, nhiệm vụ kết thúc năm 2024; nhiệm vụ dở dang tiếp tục thực hiện năm 2025; sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ phát sinh mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và triển khai thực hiện ngay khi được giao kinh phí, dự toán NSNN thực hiện phù hợp với khả năng huy động, cân đối các nguồn lực (bao gồm cả nguồn hợp pháp khác theo quy định).

2. Xây dựng dự toán chi ĐTPT:

a) Dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN bao gồm cả nguồn vốn vay (ODA và ưu đãi nước ngoài), vốn viện trợ (vốn ODA không hoàn lại, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức), nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nguồn thu tiền sử dụng đất được xây dựng theo các quy định của pháp luật và khả năng cân đối của NSNN trong năm; phù hợp với kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và các Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung của Quốc hội, các nhiệm vụ chi ĐTPT theo quy định của Luật NSNN, các văn bản pháp luật khác có liên quan không thuộc phạm vi của Luật Đầu tư công.

Việc xây dựng dự toán cho đầu tư công năm 2025 phải đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công. Tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 973/2020/ UBTVQH14) và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025. Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2026, không kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang giai đoạn sau theo đúng quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công, bảo đảm phân bổ, giao chi tiết cho dự án trước ngày 31 tháng 12 năm 2024 theo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 61 Luật Đầu tư côngĐiều 44 Luật NSNN. Tập trung vốn bố trí hoàn trả cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được điều hòa từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội; các dự án được bố trí từ nguồn tăng thu hằng năm còn phải bố trí tiếp; bố trí thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng; vốn cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; vốn tham gia vào các dự án PPP; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; nhiệm vụ cấp bù lãi suất và phí quản lý theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và quy định của pháp luật, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Không bố trí vốn dàn trải, manh mún, kém hiệu quả.

Căn cứ chủ trương, định hướng được cấp thẩm quyền phê duyệt, Nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư (trường hợp được ban hành), Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán chi ĐTPT năm 2025 cho nhiệm vụ này (nếu dự kiến phát sinh trong năm 2025), kèm thuyết minh chi tiết (thể hiện cụ thể căn cứ pháp lý, cơ sở tính toán), gửi Bộ Tài chính tổng hợp.

Thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN về tổng mức hỗ trợ vốn ĐTPT hằng năm của NSTW cho NSĐP để thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSTW theo quy định.

b) Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải chi tiết theo nguồn vốn vay, vốn viện trợ theo ngành, lĩnh vực; phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021 - 2025, nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ, phù hợp với cơ chế tài chính của dự án và tiến độ thực hiện chương trình/dự án, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc Hiệp định, thỏa thuận vay, viện trợ nước ngoài trong năm 2025 và không có khả năng gia hạn.

Đối với các Hiệp định, thỏa thuận, cam kết mới (nếu có) phải đảm bảo trong phạm vi kế hoạch 300 nghìn tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài chi ĐTPT của cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 đã được phê duyệt.

c) Căn cứ số đã thu, đã chi ĐTPT từ nguồn quản lý, sử dụng, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa được quyết toán; số đã nộp NSNN các năm trước chưa sử dụng và dự toán thu NSNN từ nguồn quản lý, sử dụng, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước năm 2025, các bộ, cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương lập dự toán chi ĐTPT từ nguồn thu này theo quy định, trong đó, làm rõ các dự án đã hoàn thành chưa được quyết toán do chưa được bố trí dự toán ngân sách; các dự án được phê duyệt sử dụng từ nguồn tiền bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã nộp ngân sách nhưng chưa sử dụng và nguồn thu này phát sinh trong năm 2025; tổng hợp trong dự toán chi ĐTPT của bộ, cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương gửi cơ quan kế hoạch và đầu tư và cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp dự toán NSNN trình cấp có thẩm quyền quyết định.

 (Biểu báo cáo chi tiết theo mẫu biểu số 04-05 đính kèm)

Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương lập báo cáo riêng giải trình cụ thể về việc triển khai phương án quản lý, sử dụng, sắp xếp, xử lý nhà, đất, việc thu, nộp ngân sách và chi từ nguồn này đến năm 2024; cùng kế hoạch triển khai phương án quản lý, sử dụng, sắp xếp, xử lý nhà, đất năm 2025, dự toán số thu, nộp ngân sách năm 2025 và chi từ nguồn này theo các nội dung trên.

 Bộ Công an, Bộ Quốc phòng báo cáo cụ thể các nhiệm vụ thu, chi thực hiện theo Khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai năm 2024; trong đó chi tiết số thu đã nộp ngân sách đến hết năm 2024 chưa được bố trí dự toán; số thu dự kiến phát sinh trong năm 2025 - 2027 từ các phương án, đề án thuộc diện chuyển tiếp theo quy định và dự kiến các nhiệm vụ chi kèm hồ sơ thuyết minh chi tiết theo Nghị quyết số 132/2020/QH14, các văn bản hướng dẫn và pháp luật về NSNN, đầu tư công, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

d) Đối với dự toán chi cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý

Căn cứ quy định của pháp luật về cấp bù lãi suất và phí quản lý và tình hình thực hiện các chính sách tín dụng nhà nước năm 2024, dự kiến những thay đổi về đối tượng, chính sách, nhiệm vụ; dự kiến tăng trưởng tín dụng, dư nợ cho vay, huy động vốn, lãi suất huy động, lãi suất cho vay,... để xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025 theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

đ) Đối với dự toán cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vốn hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và văn bản hướng dẫn. Ủy thác vốn NSĐP qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách khác và hỗ trợ một số hoạt động theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội.

e) Đối với dự toán chi ĐTPT ngoài phạm vi Luật Đầu tư công (kèm thuyết minh chi tiết) thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ, các nhiệm vụ chi NSNN thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.

g) Đối với dự toán chi đối với nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư ngoài cân đối NSNN (trừ  các nhiệm vụ thực hiện theo cơ chế đặc thù đã bị bãi bỏ theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15), thực hiện theo quy định hiện hành (chi tiết nguồn thu phí, thu sự nghiệp được để lại, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị); gửi cơ quan quản lý cấp trên, tổng hợp báo cáo cơ quan đầu tư, tài chính cùng cấp.

3. Về xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia và dự toán chi mua hàng dự trữ quốc gia năm 2025:

Căn cứ quy định của Luật Dự trữ quốc gia, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch và dự toán chi mua hàng dự trữ quốc gia cho năm 2025 phù hợp với mục tiêu phát triển dự trữ quốc gia và quy hoạch kho dự trữ quốc gia, khả năng cân đối của NSNN. Thuyết minh chi tiết và phân tích nguyên nhân theo từng mặt hàng và giá trị tương ứng; lập biểu mẫu báo cáo theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về kế hoạch dự trữ quốc gia và NSNN chi cho dự trữ quốc gia và Điều 30 Thông tư này.

4. Xây dựng dự toán chi thường xuyên

a) Trên cơ sở Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp luật có liên quan; các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chính sách, chế độ, định mức chi NSNN; các đề án, nhiệm vụ theo phê duyệt của cấp thẩm quyền; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ; số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2025, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xây dựng dự toán chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội.

Đối với kinh phí trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng dự toán trên cơ sở quy định tại các Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản quy định về điều chỉnh năm 2024 (nếu có).

Đối với kinh phí chi trả đối tượng hưu do NSNN bảo đảm, dự toán trên cơ sở Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, chi tiết sự nghiệp bảo đảm xã hội, sự nghiệp y tế.

Đối với các nội dung sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên cơ sở vật chất, thực hiện theo Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; đối với các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thực hiện theo Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ.

b) Dự toán chi thường xuyên năm 2025 nguồn NSNN của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với việc triển khai các Kết luận 28-KL/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 của Bộ Chính trị; trong đó, xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương và chi hoạt động bộ máy năm 2025 so với năm 2024; đảm bảo triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm tài sản công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu.

c) Dự toán chi hoạt động năm 2025 nguồn NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 02 tháng 10 năm 2023 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTgThông tư số 56/2022/TT-BTC. Trong đó:

- Không xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN hỗ trợ cho các dịch vụ sự nghiệp công đã hoàn thành lộ trình giá, phí từ năm 2024 trở về trước hoặc dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2024 (không bao gồm quỹ lương và không bao gồm kinh phí cắt giảm, tiết kiệm 5% theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ), giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN theo đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW;

- Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2024 (không bao gồm quỹ lương và không bao gồm kinh phí cắt giảm, tiết kiệm 5% theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ), trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.

- Mức NSNN hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3, nhóm 4 năm 2025 bao gồm cả kinh phí NSNN hỗ trợ thực hiện chính sách, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, các chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 sau khi đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo quy định.

d) Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ, các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên khác của các lĩnh vực chi NSNN: các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập, tổng hợp dự toán theo quy định của pháp luật về NSNN và pháp luật khác có liên quan.

đ) Đối với các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện lập dự toán theo Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN, Nghị định hướng dẫn sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng (trong trường hợp được ban hành) và các pháp luật có liên quan kèm hồ sơ thuyết minh chi tiết căn cứ pháp lý, nhiệm vụ được giao, được cấp thẩm quyền phê duyệt, các chế độ, chính sách, định mức được cấp thẩm quyền quy định, hồ sơ, thủ tục khác theo quy định, gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.

Đối với chi lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán các nhiệm vụ chi mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới hạng mục công trình, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng nguồn chi thường xuyên NSNN theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP sửa Nghị định số 165/2016/NĐ-CP kèm thuyết minh chi tiết theo quy định (trong đó nêu rõ tính chất đặc thù; căn cứ pháp lý, thực tiễn; tổng nhu cầu kinh phí theo phê duyệt; nguồn thực hiện theo phê duyệt; thời gian thực hiện; số đã bố trí đến hết năm 2024; số đề xuất năm 2025).

e) Chi các hoạt động kinh tế

Căn cứ số thu phí sử dụng đường bộ ước thực hiện năm 2024, dự kiến số thu phí sử dụng đường bộ năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp NSTW cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương; nguyên tắc, tiêu chí phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ dành cho công tác quản lý, bảo trì đường địa phương cho từng địa phương, tổng hợp cùng báo cáo dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch 03 năm 2025 - 2027 gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

g) Chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể làm rõ:

- Số biên chế năm 2025 theo Quyết định giao biên chế của cấp có thẩm quyền (nếu có), số biên chế thực có mặt đến thời điểm 01 tháng 7 năm 2024, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu biên chế năm 2025 nêu trên. Trường hợp năm 2025 chưa có chỉ tiêu biên chế được phê duyệt, xây dựng dự toán năm 2025 theo biên chế mục tiêu năm 2026 đã được Bộ Chính trị giao tại các Quyết định số 71-QĐ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, số 72-QĐ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026, số 73-QĐ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 về biên chế của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị sự nghiệp, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022 - 2026, số 75-QĐ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị về biên chế của các Tòa án nhân dân giai đoạn 2022 - 2026, số 76-QĐ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 về biên chế của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2022 - 2026 và quyết định của cấp có thẩm quyền có liên quan.

- Xác định Quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định theo chỉ tiêu biên chế được giao năm 2025 xác định như trên và mức lương cơ sở theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ (tính đủ 12 tháng) do NSNN đảm bảo: bao gồm quỹ lương của số biên chế thực có mặt tính đến thời điểm 01 tháng 7 năm 2024, được xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ và quỹ lương của số biên chế chưa tuyển (nhưng vẫn trong tổng mức biên chế được giao), tính trên mức lương cơ sở năm 2024 và hệ số lương lương bậc 1 của công chức loại A1, các khoản phụ cấp theo lương cùng các khoản đóng góp theo quy định. Trường hợp các cơ quan, đơn vị có kế hoạch tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ hoặc tuyển dụng cán bộ, công chức, chuyên gia có kinh nghiệm theo Đề án hoặc kế hoạch được phê duyệt thì xác định quỹ lương tăng thêm của các đối tượng theo quy định.

- Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù năm 2025 (cơ sở pháp lý, nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nội dung chi, chính sách, chế độ, định mức chi theo quy định) theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 và các quy định khác có liên quan trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

- Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định (trong đó xác định rõ kinh phí bảo đảm xây dựng, hoàn thiện pháp luật là kinh phí đầu tư cơ bản cho hạ tầng pháp lý theo Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020) và ưu tiên bố trí trong phạm vi dự toán được giao để đảm bảo thực hiện công tác này.

- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, đề xuất dự toán kinh phí tổ chức Đại hội Đảng các cấp, kèm thuyết minh chi tiết.

h) Cơ quan, đơn vị xây dựng (kèm thuyết minh chi tiết), tổng hợp vào dự toán ngân sách các nhiệm vụ chi thường xuyên liên quan tới xử lý tài sản công, sắp xếp, xử lý nhà đất, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định (nếu có). Đối với kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CPThông tư số 57/2022/ TT-BTC ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP, tổng hợp vào dự toán chi các hoạt động kinh tế của NSNN.

i) Đối với chi thường xuyên các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay (ODA và vay ưu đãi nước ngoài), vốn viện trợ (vốn ODA không hoàn lại, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức):

Căn cứ các Hiệp định, thỏa thuận đã và sẽ ký với nhà tài trợ (đối với các Hiệp định sẽ ký, chỉ bao gồm nguồn viện trợ), tiến độ thực hiện văn kiện dự án hoặc khoản viện trợ, cơ chế tài chính (nếu có) được cấp thẩm quyền phê duyệt, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện lập dự toán từng chương trình, dự án, Hiệp định, vốn đối ứng (nếu có), chi tiết theo từng nguồn vốn vay, vốn viện trợ nước ngoài, theo lĩnh vực chi, cơ chế giải ngân (thực hiện ghi thu ghi chi hoặc giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước); đối với các địa phương, phân định cụ thể các nguồn vốn này thuộc NSĐP và nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

Đối với các chương trình, dự án hỗn hợp cả vốn cấp phát từ NSNN vốn cho vay lại (đối với các nhiệm vụ chuyển tiếp), cơ quan được giao quản lý chương trình, dự án hướng dẫn lập, tổng hợp dự toán cho từng phần vốn.

Các chương trình, dự án, do một số bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cùng tham gia, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập dự toán chi từ nguồn vốn nước ngoài và thuyết minh cơ sở phân bổ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định, đồng gửi cơ quan chủ quản chương trình, dự án tổng hợp, theo dõi.

5. Xây dựng dự toán chi viện trợ cho nước ngoài

Căn cứ vào cam kết viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ nước ngoài trong thời kỳ 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 (nếu có), cam kết viện trợ hàng năm với các nước nhận viện trợ, văn kiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tình hình thực hiện dự toán, khả năng giải ngân vốn viện trợ của các chương trình, dự án năm 2024, các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng kế hoạch vốn viện trợ xây dựng dự toán chi viện trợ cho từng chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ, chi tiết nhiệm vụ đầu tư, thường xuyên; số dự toán tổng hợp cho từng đối tác nhận viện trợ.

6. Đối với các tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp:

Việc hỗ trợ kinh phí đối với các hội thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và các văn bản bổ sung, sửa đổi, thay thế Nghị định.

7. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cùng với việc lập dự toán chi NSNN năm 2025 (phần bộ trực tiếp thực hiện), đồng thời chủ động yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có báo cáo đánh giá tình hình, nhu cầu thực hiện các cơ chế, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành và có hiệu lực trong năm 2025, trên cơ sở đó tổng hợp, xác định tổng nhu cầu kinh phí, kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán.

Đối với chi sự nghiệp lĩnh vực khoa học và công nghệ, lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ các văn bản pháp luật chuyên ngành chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương rà soát, đề xuất phương án phân bổ dự toán chi thường xuyên thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảo các nhiệm vụ, dự án, đề án có đủ căn cứ pháp lý, hồ sơ, thủ tục, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đúng tính chất nguồn vốn đầu tư/thường xuyên theo quy định của pháp luật, trong phạm vi tổng mức số kiểm tra chi sự nghiệp lĩnh vực khoa học và công nghệ, lĩnh vực bảo vệ môi trường của NSTW được thông báo (nếu có); căn cứ điều 42 Luật NSNN, không đề xuất các nhiệm vụ chưa đủ thủ tục và việc dành nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ này; chịu trách nhiệm toàn diện về phương án đề xuất; gửi Bộ Tài chính tổng hợp vào phương án phân bổ NSTW, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

8. Xây dựng dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 và các chương trình, dự án, đề án khác:

a) Căn cứ Luật NSNN, Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, việc thực hiện trong các năm 2021 - 2024, kế hoạch đầu tư công trung hạn, số kiểm tra được thông báo, các bộ, cơ quan trung ương là chủ chương trình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chủ quản chương trình, chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2025 theo từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương, chi tiết mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chi tiết theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, cơ cấu chi ĐTPT, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực chi, nguồn NSTW, NSĐP, nguồn lồng ghép các chương trình, đề án khác và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có), đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, hồ sơ, thủ tục, quyết định phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với báo cáo dự toán NSNN năm 2025.

b) Đối với các chương trình, dự án, đề án khác (do 01 bộ chủ trì, phân bổ cho nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện): Các bộ, cơ quan trung ương chủ chương trình, căn cứ quyết định phê duyệt, văn bản hướng dẫn, tình hình triển khai thực hiện năm 2024, các năm 2021 - 2024; đề xuất kinh phí thực hiện trong năm 2025, kèm thuyết minh chi tiết căn cứ pháp lý, hồ sơ, thủ tục, lý do tăng, giảm (nếu có) so với dự toán năm 2024, cụ thể theo từng mục tiêu, nhiệm vụ, lĩnh vực chi, gửi Bộ Tài chính cùng báo cáo dự toán năm 2025.

Căn cứ số thông báo của Bộ Tài chính, bộ, cơ quan trung ương chủ chương trình đề xuất nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và phương án phân bổ kinh phi chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương năm 2025 chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ, lĩnh vực chi theo quy định về quản lý NSNN, kèm thuyết minh cụ thể, đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, hồ sơ, thủ tục, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, được cấp thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, gửi Bộ Tài chính theo công văn thông báo kinh phí của Bộ Tài chính.

c) Các bộ, cơ quan trung ương chủ CTMTQG, chương trình, dự án, đề án chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ pháp lý, thực tiễn, đề xuất nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và phương án phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương đảm bảo đúng quy định, đầy đủ hồ sơ, thủ tục, quyết định phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đúng tính chất nguồn thường xuyên.

9. Dự toán nguồn, nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần NSNN đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công năm 2025:

a) Về nguồn cải cách tiền lương

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Thông tư số 56/2022/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan.

b) Về nhu cầu hỗ trợ kinh phí

Dự toán nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện năm 2025 trên cơ sở đảm bảo các chính sách, chế độ tiền lương và kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần NSNN đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo các Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, số 75/2024/NĐ-CP, số 76/2024/NĐ-CP, số 77/2024/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ sau khi đã sử dụng các nguồn thực hiện của cơ quan, đơn vị theo quy định.

10. Lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế:

Việc lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2025 theo quy định tại Kết luận số 28-KL/TW, Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị, các quy định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn thực hiện.

11. Đối với dự toán chi sự nghiệp từ nguồn thu được để lại theo chế độ: Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện lập dự toán chi từ nguồn thu được để lại báo cáo cấp có thẩm quyền theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, nhưng không tổng hợp vào dự toán chi NSNN của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.

12. Căn cứ số kiểm tra thu, chi ngân sách năm 2025, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương xây dựng dự toán chi chặt chẽ, theo quy định tại Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN và các văn bản pháp luật có liên quan; sau khi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từng bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai ngay công tác lập phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2025 của bộ, cơ quan, địa phương mình, để ngay sau khi Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán, thực hiện hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ theo từng lĩnh vực, giao dự toán ngân sách đến đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo trước ngày 31 tháng 12 năm 2024 theo đúng quy định của Luật NSNN.

Điều 20. Đối với các cơ quan, đơn vị đã bãi bỏ hoặc đang trình bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo Nghị quyết số 104/2023/QH15, Nghị quyết số 142/2024/QH15

1. Báo cáo số biên chế được phê duyệt năm 2024, số thực có mặt tại thời điểm 01 tháng 7 năm 2024; số lao động hợp đồng (nếu có); số biên chế phê duyệt hoặc theo Đề án năm 2025.

2. Quỹ lương dự toán theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ (chi tiết lương ngạch bậc, phụ cấp, thu nhập khác, các khoản đóng góp theo lương).

3. Đề xuất dự toán chi thường xuyên năm 2025

Cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí thường xuyên năm 2025 tương tự các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó:

a) Các nhiệm vụ chi theo định mức: tính toán trên cơ sở số biên chế năm 2025 và định mức chi tại Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15, Quyết định 30/2021/QĐ-TTg.

b) Về biên chế: Tính theo số biên chế hành chính năm 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp, cơ quan, đơn vị chưa được giao chỉ tiêu biên chế công chức năm 2025 thì tạm tính theo số biên chế có mặt tại thời điểm 01 tháng 7 năm 2024 không vượt quá số biên chế mà cơ quan, đơn vị đã báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền.

c) Các nhiệm vụ chi đặc thù: rà soát trên cơ sở các nhiệm vụ đặc thù chung, đặc thù riêng biệt quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg, kèm thuyết minh chi tiết về quyết định phê duyệt của cấp thẩm quyền, tổng mức kinh phí theo phê duyệt trên cơ sở chính sách, chế độ, định mức chi hiện hành; số đã bố trí đến hết 2024; số còn phải bố trí, số dự kiến bố trí năm 2025.

d) Đối với các nhiệm vụ đặc thù của cơ quan, đơn vị, không có trong nội dung quy định chi tiết về các nhiệm vụ đặc thù chung, đặc thù riêng biệt tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Quyết định 30/2021/QĐ-TTg (nếu có), đã được rà soát, trình và được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định về: Các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên khác được cơ quan có thẩm quyền quyết định tại tiết a Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15, các cơ quan, đơn vị đề xuất dự toán kèm hồ sơ chi tiết như các nhiệm vụ đặc thù quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg nêu trên.

Trường hợp đang trình, cơ quan, đơn vị báo cáo chi tiết căn cứ thực hiện các nhiệm vụ này từ trước tới nay; tính cấp thiết; quá trình phê duyệt, thực hiện đến nay chi tiết từng nhiệm vụ; nhu cầu trong năm 2025 và các năm tiếp theo (nếu có); quá trình trình cấp thẩm quyền đối với các nhiệm vụ này đến thời điểm gửi báo cáo dự toán cho Bộ Tài chính (kèm hồ sơ).

4. Đối với dự toán chi ĐTPT:

Đối với các nhiệm vụ mới phát sinh, đề nghị xây dựng dự toán tương tự các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với các dự án cần tiếp tục bố trí vốn NSNN để thực hiện, hoàn thành, đề nghị Bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có hướng dẫn về trình tự, thủ tục bố trí vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

5. Báo cáo cụ thể các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và kiến nghị (nếu có).

Điều 21. Xây dựng kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách dự kiến kế hoạch cơ cấu lại, sáp nhập, dừng, giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, chưa theo đúng quy định của pháp luật trong năm 2025; lập kế hoạch thu - chi tài chính năm 2025 đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn tiếp tục hoạt động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật NSNN và quy định của pháp luật có liên quan, gửi kèm báo cáo dự toán NSNN năm 2025 của cơ quan, đơn vị mình tới cơ quan tài chính cùng cấp (trong đó, thuyết minh chi tiết về số dư đầu năm; số phát sinh thu từ NSNN cấp, từ huy động, tài trợ,... trong năm; số chi cho các nhiệm vụ trong năm; tình hình biến động về vốn điều lệ, nguồn vốn hoạt động của các Quỹ này).

Điều 22. Xây dựng dự toán NSĐP

Ngoài các quy định hướng dẫn chung về công tác lập dự toán NSNN theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và quy định tại Thông tư này, việc lập, xây dựng dự toán NSĐP cần chú ý một số nội dung chủ yếu sau:

1. Xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn:

Các địa phương xây dựng dự toán trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 7 Luật NSNN và các quy định pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương chấp hành nghiêm việc lập dự toán thu NSNN và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng dự toán thu NSNN.

Yêu cầu lập dự toán thu NSNN đảm bảo tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu ngân sách, không dành dư địa để địa phương giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách; phân tích đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2025 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, khoản thu, sắc thuế, trong đó tập trung đánh giá ảnh hưởng nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, tác động ngân sách do thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế.

2. Về xây dựng dự toán chi cân đối NSĐP, Ủy ban nhân dân các cấp chủ động:

Năm 2025, tiếp tục ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP (nếu có) như năm 2024. Xây dựng dự toán chi NSĐP trên cơ sở dự toán thu NSĐP được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP xác định bằng số được giao dự toán năm 2024 (nếu có), số bổ sung từ NSTW cho NSĐP để thực hiện cải cách tiền lương năm 2025 (nếu có). Căn cứ mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025, trong đó bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của địa phương; ước thực hiện các nhiệm vụ thu - chi ngân sách của địa phương năm 2024 để xây dựng dự toán chi NSĐP chi tiết từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật NSNN, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách đã ban hành.

Đồng thời thực hiện những nội dung chủ yếu sau:

a) Bố trí dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn theo quy định (nếu có).

b) Về xây dựng dự toán chi ĐTPT nguồn cân đối NSĐP

- Căn cứ quy định của Luật NSNN; Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng dự toán chi ĐTPT năm 2025, chi tiết nguồn cân đối NSĐP (gồm chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước, chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, chi đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP (nếu có); dự toán chi các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài (vốn vay, vốn viện trợ).

- Bố trí đủ vốn đối ứng thuộc trách nhiệm của địa phương, kinh phí để thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ vay của NSĐP phải trả khi đến hạn. Bố trí đủ vốn triển khai các dự án liên kết vùng, quan trọng có tác động lan tỏa mà địa phương đã cam kết bố trí vốn đối ứng theo quy định; bố trí đủ vốn trả hết các khoản nợ phải trả trong kế hoạch 5 năm, thu hồi toàn bộ vốn ứng trước còn phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

- Ủy thác vốn NSĐP qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội.

- Bố trí dự toán chi ĐTPT từ nguồn thu tiền sử dụng đất, trong đó ưu tiên để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

- Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết: Các địa phương dự toán sát nguồn thu xổ số kiến thiết (bao gồm cả số thu được phân chia từ hoạt động xổ số điện toán) và tiếp tục sử dụng toàn bộ nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho ĐTPT, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề (bao gồm cả đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông) và lĩnh vực y tế; phần còn lại bố trí thực hiện các nhiệm vụ ĐTPT quan trọng, cấp bách thuộc đối tượng đầu tư của NSĐP, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

- Đối với sử dụng tiền thu vé tham gia chơi casino: Các địa phương được cơ quan có thẩm quyền thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại điểm kinh doanh casino, sử dụng nguồn thu từ tiền vé tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino để chi ĐTPT cho các mục tiêu phúc lợi xã hội, phục vụ cộng đồng, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, trong đó bố trí tối thiểu 60% cho các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 102/2017/TT-BTC ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh Casino.

c) Chi trả nợ lãi, phí và chi phí khác: Xây dựng dự toán thành một mục chi riêng trong chi cân đối NSĐP, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn; kèm theo thuyết minh mức chi trả chi tiết theo từng nguồn vốn vay (nếu có), gồm: nguồn vay nước ngoài Chính phủ vay về cho địa phương vay lại, tín dụng phát triển, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

d) Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của địa phương: xác định bằng số được giao trong dự toán năm 2024.

đ) Dự phòng NSĐP bố trí theo đúng quy định của Luật NSNN (từ 2 - 4% tổng chi cân đối NSĐP - không bao gồm số bội chi NSĐP).

e) Về xây dựng dự toán chi thường xuyên của NSĐP

Sau khi đã bố trí chi tạo nguồn cải cách tiền lương (nếu có); chi ĐTPT nguồn cân đối NSĐP; chi trả nợ lãi, phí và chi phí khác; bổ sung quỹ dự trữ tài chính; dự phòng NSĐP như trên; phần chi cân đối NSĐP còn lại sẽ bố trí chi thường xuyên. Các địa phương tổ chức thực hiện giảm dự toán đối với các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên cơ sở tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập năm 2025 được xác định căn cứ vào kết quả thực hiện lũy kế đến năm 2024, mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, riêng mức giảm biên chế được xác định theo quyết định giao biên chế của cấp thẩm quyền (nếu có).

3. Về xây dựng dự toán số bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành

Các địa phương xây dựng dự toán năm 2025 số bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành năm 2025; cách thức tương tự như hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 14 Thông tư này. Đối với từng chính sách, đề nghị thuyết minh chi tiết cơ sở xác định đối tượng, nhu cầu kinh phí (đối tượng xây dựng dự toán năm 2025 được xác định trên cơ sở số đối tượng ước thực hiện năm 2024 được hưởng theo chính sách.

4. Về xây dựng dự toán cải cách tiền lương

Năm 2025, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để cải cách tiền lương theo quy định. Trong đó: Các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; các khoản được loại trừ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022), bao gồm 70% tăng thu thực hiện năm 2024 so dự toán năm 2024, 50% tăng thu dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo phương án đề xuất của địa phương quy định tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 còn dư; số thu được để lại theo chế độ năm 2025.

(Biểu báo cáo chi tiết theo mẫu biểu số 02b đính kèm)

5. Xây dựng dự toán số bội chi/bội thu, kế hoạch vay, trả nợ gốc và trả nợ lãi, phí của NSĐP theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.

Chương IV

LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NSNN 03 NĂM 2025 - 2027

Điều 23. Căn cứ, yêu cầu lập kế hoạch 03 năm 2025 - 2027

Thực hiện quy định tại Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm (Thông tư số 69/2017/TT-BTC), các Luật về thuế, quản lý thuế, Luật phí, lệ phí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý tài sản công, các văn bản pháp luật có liên quan; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; các Nghị quyết Trung ương Khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập; các Nghị quyết và các Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, số 75/2024/NĐ-CP, số 76/2024/NĐ-CP, số 77/2024/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ; nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi ĐTPT giai đoạn 2021 - 2025 và nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên năm 2022; căn cứ kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2024 - 2026 đã được rà soát, cập nhật vào thời điểm 31 tháng 3 năm 2024; căn cứ các thỏa thuận, hiệp định vay nợ, viện trợ nguồn vốn nước ngoài đã và sẽ được ký kết, triển khai trong các năm 2025 - 2027; quy định về thời kỳ ổn định NSNN; căn cứ các trần chi tiêu giai đoạn 2025 - 2027 do cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư thông báo và dự toán ngân sách năm 2025 lập theo quy định tại Chương III Thông tư này, các chính sách, chế độ, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý giai đoạn 2021 - 2025 sẽ kết thúc từ năm 2026, các bộ, cơ quan, đơn vị ở trung ương và đơn vị cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027 theo quy định, trong đó lưu ý:

1. Giai đoạn 2025 - 2027 có 01 năm thực hiện thuộc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và 02 năm (2026 - 2027) thuộc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, việc xây dựng dự toán năm 2025 thực hiện theo quy định tại Thông tư này và mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; đối với 02 năm 2026 - 2027 được giả định tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách của thời kỳ ổn định 2022 - 2025 và các cơ chế, chính sách mới nếu đã xác định được dự kiến phát sinh.

2. Trường hợp nhu cầu chi của các bộ, cơ quan trung ương và đơn vị cấp tỉnh trong các năm 2025 - 2027 tăng hoặc giảm lớn so với dự toán năm 2025 và ước thực hiện chi năm 2024 (bao gồm cả dự toán bổ sung trong năm); các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị cấp tỉnh có thuyết minh, giải trình, có các giải pháp huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo các nhu cầu chi phải cân đối được nguồn lực thực hiện.

3. Dự toán chi năm 2025 - 2027 xây dựng căn cứ các quy định về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, các chính sách an sinh xã hội theo quy định tại các Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, số 75/2024/NĐ-CP, số 76/2024/NĐ-CP và số 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ và lộ trình các năm 2025 - 2027 đã được phê duyệt - nếu có.

Điều 24. Lập kế hoạch thu NSNN 03 năm 2025 - 2027

1. Kế hoạch thu NSNN 03 năm 2025 - 2027 được lập theo yêu cầu quy định tại Điều 23 Thông tư này, đồng thời:

a) Căn cứ khả năng phát triển kinh tế cả nước, từng ngành nghề, lĩnh vực và địa phương trong các năm 2025 - 2027 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; dự toán thu năm 2025; các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của từng năm; các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế và thay đổi chính sách của các nước trên thế giới như thuế tối thiểu toàn cầu.

b) Các yếu tố dự kiến làm tăng, giảm, dịch chuyển nguồn thu do điều chỉnh chính sách thu, bổ sung mở rộng cơ sở tính thuế, tăng cường quản lý thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW; Nghị quyết số 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập; thuế tối thiểu toàn cầu; một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; động viên từ khu vực kinh tế phi chính thức.

c) Tác động thu ngân sách từ việc điều chỉnh giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2026 - 2027, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) và tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không thấp hơn mức tăng các khoản thu này năm 2025 quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 18 Thông tư này. Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

2. Dự toán các khoản thu phí, lệ phí các năm 2025 - 2027 tích cực, chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định (số thu, số nộp NSNN) và chỉ tổng hợp vào dự toán thu NSNN phần phí, lệ phí nộp NSNN.

3. Đối với các khoản thu được để lại, học phí, giá dịch vụ y tế, thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ: thực hiện lập kế hoạch thu, chi riêng theo quy định gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định; gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.

Điều 25. Lập kế hoạch chi NSNN 03 năm 2025 - 2027 của các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh

1. Kế hoạch chi NSNN 03 năm 2025 - 2027 của các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh được lập theo hướng dẫn tại Điều 23dự toán năm 2025 được lập theo hướng dẫn tại Chương III Thông tư này; trong đó thuyết minh cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án, chính sách, chế độ đã hết thời gian thực hiện/mới được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt lưu ý việc triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 02 tháng 10 năm 2023, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kết luận số 28-KL/TW, Kết luận số 40-KL/TW và tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC, các chính sách tiền lương, lương hưu, trợ cấp người có công, các chính sách an sinh xã hội được ban hành năm 2024.

2. Trong quá trình xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025, các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh đồng thời xác định chi tiết chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới của bộ, cơ quan, đơn vị mình năm dự toán 2025 theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính để làm căn cứ xác định chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới và tổng hợp nhu cầu chi ĐTPT, nhu cầu chi bảo dưỡng, vận hành trong kế hoạch chi năm 2025 - 2027.

3. Đối với các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đồng thời với việc lập kế hoạch thu, chi NSNN từng năm của giai đoạn 2025 - 2027 (phần bộ, cơ quan trực tiếp thực hiện), cần tính toán xác định tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền ban hành/kết thúc từng năm của giai đoạn 2025 - 2027 trên phạm vi cả nước (kết thúc các CTMTQG, các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025), kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán (Bộ KHĐT đề xuất kinh phí đầu tư từ NSNN thực hiện nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ đầu tư).

Điều 26. Lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Bên cạnh các nội dung có liên quan về công tác lập kế hoạch thu, chi NSNN 03 năm 2025 - 2027 quy định tại Điều 24, Điều 25 Thông tư này, việc lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn phải chú ý một số nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn địa phương năm 2025 - 2027, gửi Sở Tài chính để làm căn cứ lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027.

2. Căn cứ số thu được giao, phạm vi thu NSNN theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, dự toán thu NSNN trên địa bàn địa phương năm 2025 được lập ở Chương III Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan địa phương và các cơ quan khác có liên quan ở địa phương lập kế hoạch thu NSNN năm 2025 - 2027, trong đó:

a) Phân tích, đánh giá cụ thể những tác động tăng, giảm, dịch chuyển nguồn thu do điều chỉnh chính sách thu gắn với mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá ảnh hưởng nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai; thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập; dự kiến triển khai các chính sách thu mới quy định tại Nghị quyết số 07-NQ/TW; yêu cầu chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng, chống chuyển giá, chống gian lận thuế.

b) Đối với nguồn thu phí, lệ phí, việc lập dự toán thực hiện theo quy định hiện hành; tổng hợp vào dự toán thu NSNN phần thu phí nộp NSNN năm 2025 - 2027; lập kế hoạch riêng nguồn thu được để lại, thu học phí, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ sự nghiệp công và các khoản thu khác (không có trong danh mục phí) để quản lý, giám sát và tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đối tượng này.

3. Trên cơ sở dự kiến nguồn thu trên địa bàn, nguồn thu của địa phương theo chế độ phân cấp được cấp có thẩm quyền quyết định, dự kiến số bổ sung từ NSTW cho NSĐP do cơ quan có thẩm quyền thông báo trong 03 năm 2025 - 2027; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương lập kế hoạch chi NSĐP năm 2025 - 2027, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ đã được ban hành và cam kết chi (bao gồm cả chính sách đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định); xác định nhu cầu bổ sung có mục tiêu từ NSTW đối với các chế độ, chính sách của trung ương cho từng năm của giai đoạn 2025 - 2027; đối với các nhiệm vụ chi mới của địa phương trong từng năm của giai đoạn 2025 - 2027, bố trí theo thứ tự ưu tiên để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng tâm của địa phương, trong phạm vi khả năng nguồn lực từng năm 2025 - 2027.

4. Lập kế hoạch nguồn thực hiện cải cách tiền lương: Thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 19 Thông tư này.

5. Việc lập kế hoạch số bội chi/bội thu, vay và trả nợ của NSĐP các năm 2024 - 2026 thực hiện theo quy định Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm, đảm bảo mức dư nợ vay của địa phương vào thời điểm cuối từng năm không vượt giới hạn theo quy định (trong đó làm rõ các nguồn: ODA vay về cho vay lại, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các nguồn tài chính hợp pháp khác).

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương

Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, quy định tại Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024.

Điều 28. Về biểu mẫu lập và báo cáo dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027

1. Đối với dự toán năm 2025, áp dụng mẫu biểu quy định tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP (trong đó lưu ý, các lĩnh vực sự nghiệp áp dụng mẫu biểu số 12.1 đến 12.5) và các mẫu biểu số 01, số 02a, số 02b, số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đối với dự toán thu, chi NSNN từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất được lập chi tiết theo các mẫu biểu số 04, 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027: áp dụng các mẫu biểu từ số 01 đến số 06mẫu biểu từ số 13 đến số 19 ban hành kèm theo Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm.

Điều 29. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 8 năm 2024 và áp dụng cho quá trình xây dựng dự toán NSNN năm 2025 kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027. Nội dung, quy trình và thời gian lập dự toán NSNN năm 2025 kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027 được thực hiện theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Trong quá trình xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2025 - 2027, nếu phát sinh vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời xử lý./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao;
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website: Chính phủ, Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ NSNN. (351b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Võ Thành Hưng

MINISTRY OF FINANCE OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 49/2024/TT-BTC

Hanoi, July 16, 2024

 

CIRCULAR

PROVIDING GUIDANCE ON FORMULATION OF STATE BUDGET ESTIMATE FOR THE YEAR 2025 AND THREE-YEAR STATE BUDGET - FINANCIAL PLAN FOR THE 2025 - 2027 PERIOD

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Public Investment dated June 13, 2019;

Pursuant to the Government's Decree No. 163/2016/ND-CP dated December 21, 2016 on elaboration and provision of guidelines for implementation of the Law on State Budget;

Pursuant to the Government's Decree No. 31/2017/ND-CP dated March 23, 2017 on promulgation of Regulations on preparation, evaluation and approval of the local government’s five-year financial plan, the local government’s five-year midterm public investment plan, the three-year state budget - financial plan of the local government, and estimation and allocation of the local government budget, and approval of the annual financial statement of the local government;

Pursuant to the Government's Decree No. 45/2017/ND-CP dated April 21, 2017 elaborating on the five-year financial planning and the three-year state budget - financial plan;

Pursuant to the Government’s Decree No. 14/2023/ND-CP dated April 20, 2023 on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



At the request of the Director of the State Budget Department;

The Minister of Finance hereby issues Circular providing guidance on formulation of state budget estimate for the year 2025 and three-year state budget - financial plan for the 2025 - 2027 period

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular provides guidance on some contents in review of performance of state budget tasks in 2024 and during the 2021 – 2024 period; and formulation of state budget estimate for the year 2025 and three-year state budget - financial plan for the 2025 - 2027 period.

Article 2. Regulated entities

1. Regulatory bodies, political organizations and socio-political organizations.

2. Socio-political-professional organizations, social organizations and socio-professional organizations supported by the state budget for fulfillment of tasks assigned by the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Other organizations and individuals related to state budget.

Chapter II

REVIEW OF PERFORMANCE OF STATE BUDGET TASKS IN 2024 AND DURING THE 2021 – 2024 PERIOD

Article 3. Bases for review

1. Resolutions of the National Assembly, the Government and all-level People’s Councils, and regulatory documents prepared by competent authorities on state budget estimate for the year 2024:

a) Resolutions of the National Assembly on five-year plan for the 2021-2025 period, including Resolution No. 16/2021/QH15 dated July 27, 2021 on five-year socio-economic development plan for the period of 2021 – 2025; Resolution No. 23/2021/QH15 dated July 28, 2021 on national financial, borrowing and public debt repayment plan for 2021 – 2025 period; Resolution No. 29/2021/QH15 dated July 28, 2021 on medium-term public investment plan for 2021 – 2025 period; and Resolution No. 31/2021/QH15 dated November 12, 2021 on economic restructuring plan for 2021 – 2025 period.

b) Resolutions of the National Assembly, including Resolution No. 103/2023/QH15 dated November 09, 2023 on five-year socio-economic development plan for the year 2024; Resolution No. 104/2023/QH15 dated November 10, 2023 on state budget estimate for the year 2024; Resolution No. 105/2023/QH15 dated November 10, 2023 on 2024 central government budget allocation; and Resolution No. 142/2024/QH15 dated June 29, 2024 on 7th session of the 15th National Assembly.

c) Government's Resolution No. 01/NQ-CP dated January 05, 2024 on key tasks and solutions to implementation of socio-economic development plan and state budget estimate in 2024 (Resolution No. 01/NQ-CP) and other Resolutions issued in the Government’s monthly regular meetings.

d) Decisions issued by the Prime Minister and Chairpersons of People’s Committees at all levels on allocation of state budget estimates, plans for state budget-sourced investment capital and additional budget allocation during administration of state budget in 2024 (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Circular No. 76/2023/TT-BTC dated December 29, 2023 of the Minister of Finance on implementation of state budget estimate for the year 2024 (Circular No. 76/2023/TT-BTC).

2. Other documents:

a) Documents prepared by competent authorities on regulations on collection, policies on extension, exemption and reduction in taxes, fees and charges and solutions to removal of obstacles to enterprises and people; regulations on reduction and saving on recurrent expenditures affecting performance of state budget collection –expenditure tasks in 2024.

b) Conclusions and recommendations of authorities regarding inspection, audit, reform of administrative procedures, management of use of public finance and property, resolution of claims or complaints, thrift practice, anti-extravagance and corruption prevention and control with respect to the state budget revenues and expenditures.

Article 4. Review of state budget revenue collection in 2024

1. Review principles:

Complying with regulations of the Law on State Budget and its guiding documents, laws on budget revenue collection and documents prepared by competent authorities on administration of state budget; fully reviewing all taxes, fees and charges collected and other state budget revenues; excluding the collected fees that have been converted into services charges according to the Law on Fees and Charges, deductibles of state regulatory authorities or withheld revenues generated from services rendered by public service providers and organizations assigned by state regulatory authorities from state budget balance.

Ministries and central and local authorities shall review and assess factors affecting capability of collecting state budget revenues for the first six months, and estimate capability of collecting state budget revenues in the last six months with a focus on clarification of advantages and difficulties; and propose solutions in order to achieve the most of estimated state budget revenue target decided by the National Assembly and People’s Councils at all levels and assigned by the Prime Minister.

2. Contents to be reviewed:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Factors affecting production, business, provision of services, import and export by enterprises and economic organizations in each field; production and consumption volume, selling prices and profits of key goods and services available within their operating areas; impacts of variations in prices of crude oil, raw materials and supplies, and fluctuations in securities market and real estate market; review and analysis of impacts of adjustments to roadmaps for increase in prices of public services and goods whose prices managed by the State; projects whose tax incentive periods have elapsed and capacity for carrying out extension projects and new projects.

- Measurement of specific factors causing any increase or decrease in state budget revenues due to possible changes in the law affecting revenues in 2024; impacts of implementation of policies included in socio-economic recovery and development programs; implementation of roadmaps for tax reduction for fulfillment of commitments on international economic integration.

b) Urge to collect and settle tax debts in the first 6 months of 2024; expected results of collection and settlement of tax debts in the last 6 months of 2024 (in comparison with targets and plans assigned – if any) and total tax debts estimated by December 31, 2024. Results of implementation of recommendations of the State Audit, the Inspectorate, and decisions on retrospective collection of tax issued by tax authorities at all levels upon performance of the tasks of inspection of compliance with tax laws.

c) VAT refund (except for overpaid VAT refund) and the amount of VAT refund estimated in 2024 in conformity with policies and reality; reports submitted to competent authorities on the additional amount of VAT refund (if any) for expenditure on VAT refund to payers in a manner that is sufficient, prompt and consistent with regulations of law; supervision, inspection and audit carried out after completion of VAT refund, prompt recovery of VAT refunds in contravention of regulations; and recommendations (if any). 

d) Assessment of refund of tax, late payment interests, and fines overpaid by payers according to regulations of law under criteria, including quantity of processed/granted applications for refund and amounts refunded. At the same time, identification of problems and difficulties and proposal for solutions to policies and technologies for management and cooperation during implementation (if any).

dd) Collection of state budget revenue from land (including collection of land use levies and land rents) according to the law on land and the Resolution No. 132/2020/QH14 dated November 17, 2020 of the National Assembly and the Government’s Decree No. 26/2021/ND-CP dated March 25, 2021;

e) Collection of state budget revenues from disposition and handling of real property in accordance with the Government's Decree No. 167/2017/ND-CP dated December 31, 2017 and the Government’s Decree No. 67/2021/ND-CP dated July 15, 2021 and other regulations of relevant laws;

g) Collection of budget revenues from lease of rights to utilize or transfer of rights to utilize infrastructure assets for specific terms, state budget revenues from assignment of management and use of infrastructure assets invested and managed by the State and not recorded as state capital in enterprises, and operation of land and water surface resources (after related costs are taken away);

h) Review of collection of revenues generated by transfer of ownership of enterprises and public service providers, revenues generated by transfer of state capital and equity amount that exceeds charter capital of enterprises according to regulations of the Government's Decree No. 148/2021/ND-CP dated December 31, 2021; detailed reports on amounts transferred to budget and additional amounts that have not yet been transferred to budget (if any), and proposal for solutions to such amounts and revenues (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Collection of fees and charges according to regulations of the Law on Fees and Charges (review of fees and charges collected according to regulations; and those remitted into the state budget; collection of administrative fines, monetary penalties and other confiscations, license plate auction price and other amounts remitted into the state budget in 2024 according to regulations.

l) Collection of grants or aids in the first 6 months and estimated grants or aids during 2024.

m) Review of collection of, and problems and difficulties in estimation and assessment of collection of the difference between revenues and expenses of the State Bank, recommendations (if any).

Article 5. Review of state budget revenue collection during the 2021-2024 period

On basis of the financial statement in 2021, the financial statement in 2022, the state budget revenue collection in 2023 and the estimation for the entire year 2024, reviewing state budget revenue collection during the 2021-2024 period in comparison to five-year plans and objectives during the 2021-2025 period according to Resolutions of the National Assembly and People's Councils, specifying each source of state budget revenue generated from collection of land use levies, lottery proceeds, dividends and after-tax profits, and other domestic revenues (exclusive of land use levies, lottery proceeds, dividends and after-tax profits), income from import and export activities, grants or aids (if any); clarifying results archived, limitations and objective and subjective causes (including specific assessment of impacts of COVID-19, Russia-Ukraine Conflict and adjustments to policies on collection of state budget revenues, etc.); assessing experience and circumstances and recommending regulatory solutions to administration of state budget revenues in the coming time

Article 6. Review of performance of investment and development expenditure tasks in 2024

1. Review of development and implementation of investment and development expenditure estimate in 2024 (excluding credit-related tasks and national target programs)

a) Regarding annual investment and development expenditure estimates under the Law on Public Investment

- Investment and development expenditures on programs and projects

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Implementation of investment and development expenditure estimates for programs and projects financed by the state budget in 2024 (including the amounts carried forward from the previous years to 2024 according to regulations; assessment, analysis and clarification of causes of late disbursement – if any) with specific categorization, to be specific:

Regarding public investment projects and programs (each project of national importance, key project, highway project, and project connecting regions and/or affecting multiple regions, and promoting rapid and sustainable socio-economic development), progress and capital disbursement by end of June 2024, feasibility report by the end of January 31, 2025; specific sources of funding (specific groups of project of each industry and sector for investment and development expenditures of local government budgets; foreign-funded central government budget funding, domestic capital); appendices containing specific data about each project, including: total investment approved, accrued capital disbursement at the end of 2023, capital plan of the previous years carried forward to 2024, capital plan of 2024 (including additional capital), adjustments and estimates of 2024 (including descriptions and explanations).Regarding investment and development expenditures covered by revenues from sale of land-attached property, transfer of land use rights and land repurposing, review of collection and transfer of revenues to the budget and implementation of estimates of investment and development expenditures covered by such revenues in 2024.

Review of performance of the 2024 assigned tasks of investment expenditures covered by increased revenues and decreased expenditures during the 2021-2023 period and budget reserves at all levels in 2024 (if any).

Review of all projects already completed and transferred for use and yet to obtain the adequate amount of allocated capital according to regulations, especially projects having their final statements approved and projects whose final statement documents have been submitted. Review of advanced capital recovery (advanced capital to be recovered in 2024; the remaining advanced capital to be recovered in the medium-term public investment plan for 2021-2025).

Review of investment and development expenditure in the public-private partnership form, including advantages, difficulties and problems and recommendations.

- Impacts of conversion of investment projects from the public-private partnership form into the public investment form on the state budget and other impacts on the state budget (if any), additional estimates of investment and development expenditures covered by the state budget in 2024 (if any).

- Finalization of public investments in completed projects (specifying the number of projects whose finalization of public investments in completed projects has been approved and the amount of capital not allocated in comparison to finalization value of completed projects approved by competent authorities; public investment capital paid and exceeding finalization value approved by a competent authority but not recovered and transferred to the state budget; the number of projects which use public investment capital, and have already completed without completion of full finalization according to regulations by the end of June 2014 and projects expected to be executed by end of 2024; causes.

b) Review of development and implementation of each investment and development expenditure estimate under the Resolution No. 43/2022/QH15 and the Resolution No. 11/NQ-CP (excluding credit tasks) according to each program/project/sector.

Allocation, assignment and addition of estimates (if any), progress and disbursement of capital provided for socio-economic development and recovery programs (including sources of payment for tasks and projects included in socio-economic development and recovery programs from projects under the medium-term public investment plan for the 2021-2025 period according to Resolution No. 93/2023/QH15 dated June 22, 2023 of the National Assembly).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Implementation of preferential investment credit plans prepared by the State and credit policies in the first 6 months and the implementation projection for the entire year 2024 (capital raise, issuance of government-guaranteed bonds; credit growth, disbursement, collection of principal debts, loan outstanding balance; state budget allocations for subsidies for offsetting costs incurred from the application of interest rates and management fees, etc.); administrative reform of loan approval procedures.

3. Allocation, assignment and implementation of estimates in the first 6 months and expected performance of tasks of investment and development expenditures covered by the state budget in 2024 for the entire year 2024 not regulated by the Law on Public Investment (investment expenditures under the Law on management and utilization of state capital invested in production and business at enterprises, and tasks according to decisions made by competent authorities); existing problems, difficulties, causes and proposals (if any).

4. Review of implementation of policies in the first 6 months of 2024 and projection in 2024 regarding total resource mobilized and structure of private sector resources for investment by sectors and domains; number of establishments developed by using private sector resources; results achieved; existing problems, causes and solutions (if any)

Article 7. Review of performance of investment and development expenditure tasks during the 2021-2024 period

On the basis of the review of implementation of expenditure tasks during the whole year 2024, the review of accumulation of the results of the implementation of tasks in 3 years from 2021 to 2024 compared with the objectives and the five-year plan for the 2021 - 2025 period shall be made; to be specific:

1. With regard to annual investment and development expenditure tasks under the Law on Public Investment (excluding tasks according to the Resolution No. 43/2022/QH15 and the Resolution No. 11/NQ-CP):

a) Cumulative allocation of public investment estimates and allocation, implementation and disbursement for the 2021-2024 period (including the amounts for which disbursement deadline is extended to the next year) in comparison with the medium-term public investment plan assigned by the competent authority for the 2021-2025 period, details of foreign capital (including loans and aids); details of expenditures from the local government budgets, foreign-funded central government budget funding of each industry and sector (including loans and grant aids), domestic capital(if any); capital provided for projects of national importance, key projects, highway projects, and projects connecting regions and/or affecting multiple regions, and promoting rapid and sustainable socio-economic development; capital raised by increased revenues and decreased expenditures and budget reserves at all levels for the 2021-2024 period (if any). Clarification of public investment capital covered by local government budgets for the 2021-2024 period in comparison with the 20212-2025 plan assigned by the competent authority, proposed additions to mid-term plans (if any)Investment capital allocated and disbursed, capital whose allocation and disbursement periods may be extended, and capital to be allocated for completion of the mid-term public investment capital plan.

b) The number of debt-incurring capital construction projects which has been consolidated and given budget allocations in the medium-term public investment plan for the 2021 – 2025 period, budget allocations for the years from 2021 to 2024 for settlement of capital construction debts, the proposed number of budget allocations in 2025.

c) The accumulated amount of advances to be recovered in the medium-term public investment plan for the 2021 – 2025 period, budget allocations for the 2021 – 2024 period for recovery of advanced capital, the estimation of the remaining amount of budget allocations expected to be recovered in 2025; the amount of advances arising till now which have not been recovered in the medium-term public investment plan for the 2021-2025 period (central government budget, local government budgets).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. With regard to investment expenditures on programs and projects under socio-economic development and recovery programs

Report on cumulative budget estimates assigned and allocation, implementation and disbursement until the end of 2024 for programs and projects under socio-economic development and recovery programs (including amounts reimbursed from programs and projects under the mid-term public investment plan for the 2021-2025 period) in comparison with objectives of the plans according to the Resolution No. 43/2022/QH15 and the Resolution No. 11/NQ-CP; achieved results during socio-economic development and recovery.

Assessment of adjustments to capital sources provided for tasks and projects using capital from the mid-term public investment plan and tasks and projects using capital from the socio-economic development and recovery program during development of the state budget investment plan for the 2022-2024 period.

3. With regard to annual credit tasks (excluding tasks according to the Resolution No. 43/2022/QH15 and the Resolution No. 11/NQ-CP)

Implementation of preferential investment credit plans prepared by the State and credit policies for the 2021-2024 period (capital raise, issuance of government-guaranteed bonds; credit growth, disbursement, collection of principal debts, loan outstanding balance; state budget allocations for subsidies for offsetting costs incurred from the application of interest rates and management fees. 

4. Performance of tasks in investment and development expenditures covered by the state budget, not regulated by the Law on Public Investment (investment expenditures under the Law on management and utilization of state capital invested in production and business at enterprises, and tasks according to decisions made by competent authorities):

Review of performance of tasks during the 2021-2024 period, including clarification of funding approved by competent authorities; granted funding; used funding; and funding to be granted in 2025.

5. Implementation of mechanisms and policies for calling for private sector involvements for the 2021-2024 period compared to the assigned mid-term plan for the 2021-2025 period (total resource and structure of private sector resources by sectors and domains; number of establishments developed by using private sector resources by sectors and domains).

6. Specific reports on achieved results, problems, causes and recommendations (if any) for each clause 1, 2, 3, 4, 5 of this Article. Inadequacies in institutions and organization of public investment shall be specified:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Assessment and clarification of difficulties, problems, shortcomings and limitations affecting the allocation and disbursement with a focus on major groups of issues, including policies and mechanisms, implementation organization and specific problems (if any).

- Recommendations for laws and performance of investment and development expenditure tasks.

Article 8. Review of performance of recurrent expenditure tasks in 2024 and during the 2021-2024 period

1. Ministries, central and local authorities shall focus on review of performance of recurrent expenditure tasks in 2024, including the following contents:

a) Allocation, assignment and implementation of recurrent expenditure estimates in the first 6 months and for the whole year 2024, corresponding to specific assigned sectors. Regarding mandatory investment-like expenditures (procurement, renovation, upgradation and modernization), recurrent expenditures shall be used according to regulations in the Decree No. 165/2016/ND-CP and the Decree No. 01/2021/ND-CP, assessment of expenditure, report on characteristics of these expenditures, total funding approved, expenditures planned until the end of 2024, expenditures to be planned, advantages, difficulties and recommendations (if any).

5% reduction of recurrent expenditure according to point 2.b of the Directive No. 01/CT-TTg dated January 04 of the Prime Minister (regarding the Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense, reduction shall be approved by competent authorities); reduction in estimated expenditures not allocated after June 30, 2024 according to the Government's Resolution No. 82/NQ-CP dated June 05, 2024. Difficulties that arise during the reduction and proposals (if any).

b) Written assessments of progress and capacity for fulfillment of conditions, completion of procedures and implementation in 2024 made by agencies and units and submitted to the Ministry of Finance (in case of additional estimates) with regard to tasks expected to be assigned in 2024 (including proposed additional estimates for outsourcing for information technology services according to the Government's Resolution No. 82/2024/ND-CP dated July 10, 2024) but not allocated estimates according to clause 10 Article 3 of the Resolution No. 105/2023/QH15 dated November 10, 2023 of the National Assembly.

c) Results of fulfillment of objectives and tasks and implementation of major programs, schemes and projects using recurrent expenditures covered by the state budget in the first 6 months, and for the whole year 2024; difficulties, problems and proposed solutions to mechanisms and policies on fulfillment and implementation, to be specific:

- Review and identification of tasks and policies that are complete or expired; proposed amendments, annulment or replacement of regimes and policies that are inconsistent with regulations of law and reality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Innovation in public service providers: results of development and innovation in systems, management, improvement of quality and efficiency in operations of public service providers in the first 6 months, and for the whole year 2024 according to the objectives and tasks in Resolution No. 19-NQ/TW dated October 25, 2017 of the 6th Central Conference of the Central Committee of the XIIth National Assembly (Resolution No. 19-NQ/TW), Decree No. 60/2021/ND-CP dated June 21, 2021 of the Government (Decree No. 60/2021/ND-CP) and Circular No. 56/2022/TT -BTC dated September 16, 2022 of the Minister of Finance (Circular No. 56/2022/TT-BTC).

2. Ministries, central and local authorities shall review performance of recurrent expenditure tasks during the 2021-2024 period as follows:

a) On basis of the financial statement in 2021, the financial statement in 2022, task performance results in 2023 and the projection for the entire year 2024, cumulative review of performance of tasks in recurrent expenditures covered by the state budget for the 2021-2024 period compared to five-year plans and objectives for the 2021-2025 period according to Resolutions of the National Assembly and People's Councils (if any); focus on specific objectives and tasks approved for fulfillment in the 2021 - 2025 period or for many years - if any; main tasks of industries, sectors and local authorities; results achieved; existing problems, causes and recommendations, remedial measures (if any).

b) Cumulative review of downsizing, improvement and restructuring of apparatus organization; results of development and innovation in systems, management, improvement of quality and efficiency in operations of public service providers for the 2021 - 2024 period compared to the objectives set out in the Resolution and Conclusion of the Central Committee and relevant legal documents; difficulties, problems, causes and recommendations.

c) Review of fulfillment of objectives of autonomy and reduction in expenditures covered by the state budget after delegation of autonomy to public services providers from the time of implementation of the Government's Decree No. 60/2021/ND-CP dated June 21, 2021 until now; difficulties, problems, causes and recommendations.

d) Review of establishment of economic and technical norms that serve as a basis for ordering and tendering related to public services provided by ministries, central and local authorities and difficulties, problems, causes and recommendations.

Article 9. Central state administrative authorities and units to which special financial and income mechanisms are applied according to Resolution No. 104/2023/QH15 and Resolution No. 142/2024/QH15

1. Pursuant to Resolution No. 104/2023/QH15, Resolution No. 142/2024/QH15, and Decisions on allocation of financial estimates in 2024 of the Prime Minister, authorities and units shall prepare reports on progress in review of their special financial and income mechanisms and submit such reports to competent authorities.

2. Authorities and units shall make detailed reports on collection, management and use of their lawful revenues in 2024; management and use of their funds and balance of funds until December 31, 2023, June 30, 2024 and December 31, 2024.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Regarding payroll expenditures, authorities and units shall report payroll under their regimes according to general salary regulations applicable to officials and public employees (expenditures on payment of salaries and salary equivalents, salary-based contributions) and personal income-based expenditures according to special mechanisms from June 30, 2024 and earlier and those applied from July 01, 2024 and approved by competent authorities.

4. Regarding expenditures other than salaries and income:

a) Recurrent expenditures:

- Review expenditures in the first 6 months according to special financial and income mechanisms from June 30, 2024 and earlier.

- Estimate expenditures in the last 6 months of 2024 according to mechanisms specified by regulatory bodies in the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15, the Decision No. 30/2021/QD-TTg, state management expenditures within set limits and general expenditures and sector-specific expenditures, to be specific:

(i) Regarding expenditures within set limits, review and estimate expenditures in the last 6 months (compared to those in the first 6 months of 2024)

(ii) Regarding special expenditures other than those within set limits, review and classify such expenditures into 02 groups: (i) general expenditures and (ii) sector-specific expenditures according to expenditures specified in the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15, the Decision No. 30/2021/QD-TTg, specify each expenditure, approval decision, total expenditure approved, period of expenditure, and report expenditures in the first 6 months, estimated expenditures in the last 6 months and expenditures to be allocated according to total expenditure approved.

(iii) Regarding special expenditures not regulated by the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15, the Decision No. 30/2021/QD-TTg, each authority/unit shall make a detailed report on each expenditure, specifying necessity, approval procedures and decision, total expenditure approved, period of expenditure, expenditures allocated in the first 6 months of 2024 and cumulative expenditures allocated until the end of June 30, 2024; send a plan and schedule of such expenditures to a competent authority according to clause 1a Article 4 of the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15 if any (special non-recurrent expenditures arising and decided by the competent authority) and estimate expenditures in the last 6 months; indicate difficulties, problems and proposals (if any).

b) Regarding investment expenditures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Estimate expenditures in the last 6 months of 2024 according to mechanisms specified by regulatory bodies (cooperate with the Ministry of Planning and Investment in review), and make a detailed report each expenditure, specifying expenditure procedures, approval decision, total expenditure, and expenditure sources approved, period of expenditure, expenditures allocated in the first 6 months of 2024 and cumulative expenditures allocated until the end of June 30, 2024, expenditures to be allocated; indicate proposals and solutions for such expenditures.

5. If competent authorities approve guidelines and mechanisms for application from July 01, 2024 and/or transition periods, authorities and units shall fully report adjustments to mechanisms and policies and/or transition periods; impacts on funds; expected implementation in the last 6 months.

Article 10. Review of implementation of national reserve plans and national reserve expenditure estimates in 2024 and during the 2021-2024 period

Ministries and sectoral administrations in charge of national reserve commodities shall review implementation of national reserve plans and national reserve expenditure estimates approved by competent authorities in the first 06 months and for the whole year 2024; advantages, difficulties and issues arising during implementation of plans in 2024. On the basis of the projection of implementation for the whole year of 2024, they shall review implementation of national reserve plans for the 2021-2024 period compared to objectives of the five-year plan for the 2021-2025 period.

Article 11. Review of implementation of 03 national target programs, and other programs, projects and schemes in 2024 and during the 2021-2024 period

1. Regarding 03 national target programs

According to the Law on State Budget, the Law on Public Investment, the Resolution of the National Assembly, the Resolution No. 111/2024/QH15 dated January 18, 2024 of the National Assembly, the Decree No. 27/2022/ND-CP dated April 19, 2022 of the Government, the Decree No. 38/2023/ND-CP dated June 24 2023 of the Government; the Prime Minister’s Decisions on approval for national target programs; guiding documents issued authorities, ministries, central authorities, People's Committees of provinces and central-affiliated cities and state budget-estimating agencies and units, state budget-using units shall review allocation and use of state budget estimates in 2024 (specifying estimates transferred from the previous years to 2024 according to regulations for implementation and estimates assigned in 2024 - if any), capacity for using and disbursing estimates that have not yet been assigned in 2024 of national target programs according to Resolution No. 105/2023/QH15 of the National Assembly; indicate advantages, disadvantages and recommendations (if any).To be specific:

a) Host authorities of programs shall preside over and cooperate the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, host authorities of projects, sub-projects and component contents shall report promulgation/submission of amendments to relevant mechanisms and policies (if any) for promulgation; review allocation and use of the state budget in a detailed manner for projects, subprojects, component contents, investment and expenditures, recurrent expenditures, domestic capital, foreign capital (if any) and compliance with regulations on balance and allocation of local counterpart funds.

b) Host authorities (ministries, central authorities, People's Committees of provinces and central-affiliated cities) shall review amendments to relevant mechanisms and policies and submit them according to within their jurisdiction (if any); allocation and use of the state budget (to be specific, local authorities shall report central government budget-funded funding estimates, local counterpart funds according to regulations), for projects, subprojects, component contents, investment and development expenditures, recurrent expenditures, domestic capital, foreign capital (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Regarding programs, projects and tasks approved by competent authorities for the 2021-2025 period or by 2030, authorities and units shall review completion of and amendments to institutions (if any), allocation and implementation in 2024. In case of programs, projects and tasks using foreign capital, they shall make reports on allocation and disbursement of capital for each specific objective and task and recommendations (if any). On the basis of the projection of implementation of 2024, authorities and units shall review cumulative budget estimates assigned, allocation and use of the state budget until the end of 2024 in comparison to total budget approved for the 2021-2025 period or by 2030; results achieved; existing problems, causes, proposals and solutions (if any).

Article 12. Foreign-funded objectives

1. Ministries, central and local authorities shall review allocation and assignment of estimates of 2024, amendments to such estimates (if any) in terms of projects, sponsors and capital sources, including loans (ODA loans and foreign concessional loans), aids (ODA grants and grant aids not in the form of official development assistance); financial mechanism; difficulties, problems and proposals (if any). Regarding grant aids, they shall assess receipt of new aids not mentioned in estimates, progress in procedures for supplementing estimates; review difficulties and problems upon assignment of annual and midterm public investment capital estimates if loans and aids are not separately recorded and propose solutions.

2. Reviewing disbursement and results of disbursement of foreign capital in comparison with estimates assigned; problems about procedures for disbursing ODA capital (if any); clarifying causes of late disbursement, responsibilities of ministries, central and local authorities that act as supervisory authorities in charge of investment, project management boards, and relevant agencies and units; and proposing solutions to remove difficulties during implementation of programs and projects.

3. According to the projection for provision of expenditures for 2024, it shall be necessary to make an assessment of provision of expenditures for the 2021 – 2024 period compared with the assigned midterm objectives and plan for the 2021 – 2025 period/the plan for provision for the 2021 - 2025 period in accordance with signed agreements or arrangements (if any), difficulties, unresolved issues and recommendations.

Article 13. Review of creation of budget for pay reform in 2024

Ministries, central and local authorities shall review implementation of mechanisms for creating budget for pay reform in 2024 in association with reorganization of operational apparatus, downsizing and increase in financial autonomy of public service providers according to regulations.

Article 14. Review of performance of state budget tasks of provinces and central-affiliated cities in 2024 and for the 2021 – 2024 period

In addition to requirements specified in Articles 4 thru 13 of this Circular, local governments over provinces and central-affiliated cities shall focus on:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Review of implementation of policies on exemption and reduction of contribution. In case of budget deficit, local governments shall comply with regulations in point b clause 9 Article 3 of the Decision No. 1600/QD-TTg dated December 10, 2023 of the Prime Minister, the Decision No. 1602/QD-TTg dated December 10, 2023 of the Prime Minister and clause 6 Article 9 of the Circular No. 76/2023/TT-BTC of the Minister of Finance.

3. Capacity for implementing of investment and development expenditure estimates of 2024 by each sector (including amendments to such estimates in 2024 according to regulations), to be specific: local government budgets (fundamental construction investment expenditures, investment expenditures covered by revenues from land use levies and lottery sales, investment expenditures covered by local government budget deficit); targeted additional funding from central government budget to local government budget from domestic and foreign sources (including loans and grant aids); to be specific:

a) With regard to annual investment and development expenditure tasks under the Law on Public Investment (excluding socio-economic development and recovery programs according to the Resolution No. 43/2022/QH15):

- Allocation, assignment of and addition to estimates (if any); settlement of outstanding capital construction debts and recovery of advanced capital in 2024; remaining amounts estimated by the end of 2024 (if any); and proposals.

- Performance of expenditure tasks and disbursement of public investment capital covered by local government budgets in the first 6 months and review thereof for the whole year 2024.

- Allocation, organization and disbursement of investment and development capital covered by targeted additional funding from central government budget to local government budget in the first 6 months and review thereof for the whole year 2024.

- Local government budget deficit in 2024 and investment from local government budget deficit (if any).

- Increased revenues and reduced expenditures covered by local government budgets (if any).

- Approval and allocation of funding, organization and disbursement of investment capital raised by retained revenues according to regimes, including revenues from collection of fees, revenues from provision of public services and other lawful revenues with detailed categorization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Collection, expenditure, management and use of revenues from lottery sales for investment and development in provinces and cities in 2024.

b) With regard to performance of investment and development expenditure tasks according to the Resolution No. 43/2022/QH15 dated January 11, 2022 of the National Assembly

Performance of expenditure tasks allocated additional estimates, distribution, organization, assessment of capacity for disbursement by January 31, 2025 with regard to programs, projects and tasks under the socio-economic development and recovery program and supplementation of estimates, disbursement regarding programs, projects and tasks that are not included in the socio-economic development and recovery program and have to be sped up; advantages, difficulties, unsolved issues and recommendations (if any).

c) Allocation and assignment of estimates, disbursement of estimates for investment and development expenditures in 2024 not regulated by the Law on Public Investment (if any).

d) Compliance with regulations on public investment, Directives and Official Telegrams of the Prime Ministers on investment and development expenditures;

dd) Results expected to be achieved, unresolved problems, causes and recommendations (if any).

4. Report on implementation of social welfare policies issued by central authorities in provinces and cities in 2024. Local authorities shall fully report beneficiaries of policies (review and determine estimated number of beneficiaries for the whole year 2024 on the basis of the report on beneficiaries in the first 6 months), subsidies, period of each benefit, social welfare expenditure policies according to regulations in order to clearly identify the demand for the state budget expenditures on implementation of social welfare policies issued by central authorities.

According to the Decision No. 127/QD-TTg dated January 24, 2022 of the Prime Minister and funding allocated and included in the local government budget expenditure estimate of 2024, determination of additional funding granted by the central government budget to local government budgets.

(The detailed report shall be made according to Form No. 01 enclosed with this Circular).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Payroll, allowances and benefits estimated in 2024.

b) Increased budget demand for pay reform.

c) Use of local resources for implementation of the pay reform, including10% of the saving on recurrent expenditure (excluding salaries, allowances, salary-based contributions, salary equivalents and other human-related costs) according to the 2024 estimate assigned by the competent authority; 70% of the increase in local government budget revenues in 2023 compared with the 2023 estimate assigned by the Prime Minister and 50% of the increase in local government budget revenues of the 2024 estimate in comparison with the 2023 estimate assigned by the Prime Minister (excluding revenues from land use levies, lottery sales, equitization and divestment from state-own enterprises managed by local authorities and excluded amounts according to clause 2 Article 3 of the Resolution No. 34/2021/QH15 dated November 13, 2021 of the National Assembly; the amount of revenues retained according to regulatory regimes in 2024; a surplus amount of funding for the pay reform transferred from 2023 (if any), and a surplus amount of funding estimated for the pay reform until the end of 2024.

(The detailed report shall be made according to Form No. 02a enclosed with this Circular).

6. Report on use of local government budget provisions according to clause 2 Article 10 of the Law on State Budget, including the budget estimate allocated in the beginning of the year, used budget covered by local government budget provisions, financial reserves (if any) until June 30, 2024, and budget expected to be used in the last 6 months of 2024.

7. Borrowing and loan repayment of the local government budget, to be specific:

a) Debt balance in the beginning of the year, debt balance until June 30, 2024, debt balance estimated until the end of December 31, 2024, classified by each debt balance source (issuance of local government bonds, the Government’s on-lending of foreign borrowed funds classified by specific sponsors, programs and projects; borrowing of state-owned capital credit funds; and borrowing of other funds).

b) Raised capital until June 30, 2024 and estimate capital for the whole year 2024, classified by objectives (loans used for repaying principal and compensating for deficit spending) and specific capital sources (ODA loans taken for on-lending, issuance of local government bonds, other lawful financial sources).

c) repayment of debts (including interest and fees) until June 30, 2024 and the projection of repayment for the whole year 2024, specific repayment of interest and fees with regard to domestic loans, the Government’s on-lending of foreign borrowed funds according to each program and project.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(The detailed report shall be made according to Form No. 03 enclosed with this Circular).

8. Regarding provinces and central-affiliated cities to which specific budget – financial mechanisms and policies are issued by competent authorities, review of implementation of such mechanisms and policies within such provinces and cities (including mechanisms and policies issued by local authorities); assessment of impacts of mechanisms and policies on state budget revenues and expenditures in these provinces and cities.

9. Implementation of conclusions and recommendations made by the State Audit Office and the Inspectorate.

Article 15. Review of implementation of financial plans of state off-budget financial funds in 2024 and during the 2021 – 2024 period

Ministries, central and local authorities and units assigned to manage state off-budget financial funds shall review efficiency in operations; report review, restructuring, merger, termination of operations of or dissolution of funds that operate ineffectively, for improper purposes, with overlapped objectives, tasks or regulated entities, or are incapable of financial independence, and have revenues and expenditures which overlap with those of the state budget; finally review and assess the implementation of revenue - expenditure plans and tasks assigned for 6 months and expected for the whole year 2024 associated with efficiency in operations; assess accumulation of implementation until the end of 2024 compared to objectives set for the 2021 - 2025 period (if any); indicate difficulties and unsolved problems arising and propose solutions.

Article 16. Lawful revenues retained and not included in state budget balance of regulatory bodies and public service providers (regarding expenditures according to specific mechanisms, Article 9 of this Circular shall be applied)

1. Authorities and units shall report revenues earned by public service providers (not included in the state budget), and on this basis, determine the autonomy level of each provider; and assess retained revenues in 2024 and during the 2021-2024 period according to regulations of law applicable to regulatory bodies and public service providers.

2. Reporting results of allocation of lawful revenues earned by regulatory bodies and public service providers, retained and not included in the state budget balance in 2024, specifying investment and development expenditure tasks according to regulations (fees and public service revenues retained, fund for development of provision of public services, loans and other legal sources), recurrent expenditures with detailed categorization and accrued amount of 2021 – 2024.

3. Estimating the remaining lawful revenues in the end of 2024; and the remaining expenditures (from 2025) on investment and recurrent tasks approved until now – if any.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



FORMULATION OF STATE BUDGET ESTIMATE FOR THE YEAR 2025

Article 17. Requirements

1. A state budget estimate for the year 2025 shall be formulated according to the Law on State Budget, its guiding documents and other relevant legal documents in conformity with the 10-year socio-economic development strategy for the 2021 - 2030 period, 5-year plans for the 2021 - 2025 period, objectives under Resolutions issued by the Central Committee; specific mechanisms and policies on the development of some provinces and cities according to regulations and Directive No. 17/CT-TTg dated May 22, 2024 of the Prime Minister, legal documents and directions of relevant competent authorities. The state budget estimate shall have full legal bases and grounds for calculation; conform to implementation reviews of2024 and the 2021 – 2024 period, be appropriate to capacity for implementation in 2025 and fulfill objectives of the 5-year plans for the 2021 – 2025 period to the maximum.

2. When formulating estimates, Ministries and central authorities in charge of sectors and industries shall consider reviewing mechanisms and policies (especially social welfare policies) that overlap each other, repeat, or are ineffective for integration and annulment; only propose new policies, projects and tasks for promulgation if implementation resources are balanced; estimate and provide the adequate state budget within their jurisdiction for implementation of new policies, projects and tasks decided by competent authorities. They shall allocate estimates in order to recover state budget advances to be recovered in the year according to regulations in Article 50 of the Law on State Budget and the Law on Public Investment and not allocate estimates for expenditures on mechanisms and policies that have not yet been promulgated.

3. Focus on direction of prompt resolution of existing problems and handling of violations against regulations on management of finances and budget detected and recommended by the State Audit Office and the Inspectorate according to regulations of laws from the process of formulation of state budget estimates.

Article 18. Formulation of state budget revenue estimate for the year 2025

1. General principles of formulation of a state budget revenue estimate

a) Complying with regulations of the Law on State Budget, the Law on Tax Administration, Laws on Taxes, Fees and Charges and other relevant legal documents and the Directive No. 17/CT-TTg dated May 22, 2024 of the Prime Minister, collecting state budget revenues in full and accurate manner, being appropriate for previous years' implementation and fulfilling objectives of state budget revenues for the 2021-2025 period to the maximum.

b) Closely following socio-economic and financial situations in Vietnam and foreign countries, and measuring specific factors causing any increase or decrease in and changes in sources of state budget revenues due to possible changes in policies and laws on collection of revenues, management of collection, especially policies on exemption and reduction of taxes, fees and charges and extension of payment deadline of taxes and land rents that have expired and implementation of roadmaps for reduction in taxes and tax incentives for implementation of the Government’s commitments during international economic integration with foreign investors and compliance with global anti-base erosion rules.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) It shall be projected that the national average domestic revenue (excluding revenues from land use levies, lottery sales, sale of state capital invested in enterprises, dividends, after-tax profits and difference between revenues and expenditures of the State Bank) in 2025 will rise by the minimum rate of 5-7% compared to that estimated in 2024 (exclusive of factors causing any increase or decrease in revenues due to possible changes in policies); the rate of growth in state budget revenues at each province/city shall be appropriate to the economic growth and revenues rising in such province/city on the basis of consideration of factors of management of revenues, prevention of revenue loss and collection of tax debts. It shall be projected that the average revenue from import and export in 2025 will rise by the rate of 4 - 6% compared to that estimated in 2024.

2. Formulation of domestic revenue estimates:

a) In addition to fulfillment of objectives and requirements specified in clause 1 of this Article, local authorities formulating their domestic revenue estimates in 2025 shall adequately estimate state budget revenues rising in their provinces/cities and exclude revenues not included in the state budget balance from the state budget balance according to prescribed regimes on the basis of practical review of previous years' implementation and the number of revenues determined after the audit of the state budget revenue estimate in 2025 and informed by competent authorities.

b) The state budget revenue estimate for 20125 shall be formulated on the basis of the national land and taxpayer data system; ensure accurate and sufficient determination of specific revenues, taxes and collection sectors for each province/city, specify revenues from projects newly put into operation that generate a large number of revenues in accordance with applicable regulations on taxes, fees, charges and other state budget revenues; clearly indicate revenues from fees and charges according to regulations; and comply with regulations on policy adjustments according to the specified schedule that may continue to affect state budget revenues in 2024, and regulations expected to be amended, supplemented or applied in 2025.

Estimates for land and housing revenues shall be formulated in a manner that conforms to laws on housing and land and strictly follow plannings and plans for transfer of use land rights, auction of land use rights, rights to lease land at provinces and cities, plans for reorganization and disposal of real property approved by competent authorities; People's Committees of provinces and cities shall direct local authorities to closely cooperate with tax authorities to formulate estimates for revenues from land use levies within the capacity of local sources of revenue, and avoid making impractical estimates for land-related revenues rising in recent years in accordance with the direction in Resolution No. 91/2023/QH15 dated June 19, 2023.

c) Revenues from reorganization and disposal of real property and public assets specified in the Decree No. 167/2017/ND-CP and the Decree No. 67/2021/ND-CP; revenues from lease of rights to utilize or transfer of rights to utilize infrastructure assets for specific terms, state budget revenues from assignment of management and use of infrastructure assets invested and managed by the State and not recorded as state capital in enterprises, and operation of land and water surface resources (after related costs are taken away) shall be adequately estimated and transferred to the state budget according to regulations of law. Estimates for revenues from transfer of ownership of enterprises and public service providers, transfer of state capital and equity amount that exceeds charter capital of enterprises shall be formulated according to regulations of the Government's Decree No. 148/2021/ND-CP dated December 31, 2021;

With regard to revenues from national defense and security land use levies for production and economic development purposes, the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall formulate estimates for such revenues according to the land law and Article 201 and Article 260 of the 2024 Law on Land.

d) Estimates for revenues from fees and charges (included in the list specified in the Law on Fees and Charges), total revenue, revenues transferred to the budget, retained and deducted revenues according to regulations of law, each type of fees/charges and estimates made by agencies and units for retained budget expenditures by sectors shall comply with regulations in clause 4 Article 11 of the Circular No. 342/2016/TT-BTC of the Minister of Finance and Form No. 07 enclosed with this Circular.

Estimates for expenditures covered by retained revenues from fees appropriate to expenditures serving collection shall be formulated according to regulations of the Government's Decree No. 120/2016/ND-CP dated August 23, 2016 amended by the Government's Decree No. 82/2023/ND-CP dated November 28, 2023. Do not exceed the rate of revenues retained according to regulations in Circulars of the Minister of Finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Estimates for revenues from administrative fines, monetary penalties and other confiscations, license plate auction price and other amounts remitted into the state budget in 2025 shall be formulated according to regulations. 

e) With regard to revenues not included in the state budget balance according to regulations (revenues from fee collection, provision of public services, tuition fees, medical service costs and other lawful revenues retained for use by authorities and units according to regulations), authorities and units shall formulate specific estimates for such revenues, explain calculation bases, make use plans to be submitted to superior authorities, and send reports to financial authorities of the same level according to regulations of law.

3. Formulation of estimate for state budget revenues from export and import:

a) The estimate for state budget revenues from export and import shall be formulated on the basis of the forecast about the growth in dutiable commodity and service export and import turnovers in the context of economic integration, enhancement of trade promotion, and the shift in the commodity structure, especially traditional commodities from which a large part of state budget revenues is obtained and other ones from which state budget revenues have been obtained recently.

b) The estimate shall be formulated by taking into consideration influencing factors, including the forecast about any fluctuation in domestic and international market prices of commodities generating a large amount of state budget revenues; fluctuation in crude oil price in the world; the exchange rate between Vietnamese dong and currencies of strategic trade partners; the reduction in revenues caused by implementation of the roadmap for tariff cuts under free trade agreements which have already been concluded and commitments entered into in 2025; the degree of trade facilitation and effects of technical barriers to trade; the scale and progress of implementation of key investment projects in which input materials and equipment, etc. are imported; production plans prepared by domestic oil refineries.

4. Formulation of estimate for the amount of VAT refunds arising under regulations of the VAT Law:

The estimate shall be formulated on the basis of socio-economic situation and objectives for socio-economic development in each province/city; production and business plans prepared by exporters, total quantity of projects and investment capital newly licensed, investment progress in investment projects that are being implemented and new investment projects, investment projects that have been fully invested in and put into operation in the province/city in order to ensure accurate, full and timely determination of VAT refunds to be generated in 2025 according to applicable policies and regulations, and those coming into effect recently. The estimate for VAT refunds shall stick to requirements concerning strengthening of management of tax refunds, supervision and inspection after payment of VAT refunds so as to ensure accurate refunds practically rising and conform to policies and regimes.

5. State budget revenue estimates (including domestic revenues and revenues from import and export) shall include refunded amounts of tax, late payment interests, and overpaid fines that cause reduction in state budget revenues according to regulation of law.

6. Formulation of estimate of state budget revenues from grant aids:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Regarding aids received from 2024 and earlier and not included in the assigned estimates, ministries, central and local authorities shall make and include such aids into their estimates in 2025 to submit them to competent authorities for consideration and decision, serving as a basis for accounting and finalization according to regulations.

Article 19. Formulation of state budget expenditure estimate for the year 2025

1. Principles

a) Comply with regulations of the Law on State Budget, the Law on Public Investment and other relevant laws; follow the Resolution of the National Assembly Standing Committee and the Decision of the Prime Minister on principles, standards and norms of allocation of the investment and development capital and the state budget’s recurrent expenditures; meet requirements for budget restructuring, adhere to guidelines for reorganization of operational apparatus and downsizing in the political system, and conform to regulations on improvement of quality and efficiency in operations of public services providers under Resolutions of the Central Committee and the Politburo. Maintain resources for pay reform and implementation of social insurance policies in association with promotion of organization of operational apparatus and roadmap for downsizing according to regulations.

b) Thoroughly follow principles of openness and transparency and requirements for thorough thrift and wastefulness prevention according to the Resolution No. 74/2022/QH15 dated November 15, 2022 of the National Assembly right from the stage of identification of tasks, thereby making sure that tasks are uniformly performed from the stage of formulation of estimates to stages of allocation, management, use and finalization of the state budget.

c) Maintain capacity for implementation and resources and cancellation of estimates or transfer of funding sources to the following year. On the basis of the implementation assessment in 2024, ministries, central and local authorities shall review tasks that overlap and are completely performed in 2024; tasks that continue to be performed in 2025; arrange the order of priority given to new tasks approved by competent authorities according to urgency and importance and immediately perform these tasks when assigned funding and state budget estimates within capacity for mobilizing and balancing resources (including other lawful sources according to regulations).

2. Formulation of investment and development expenditure estimates:

a) Estimates for investment and development expenditures covered by the state budget, including loans (ODA loans and foreign concessional loans), aids (ODA grants and grant aids not in the form of official development assistance), lottery income, revenues obtained from sale of state capital invested in certain enterprises and land use levies shall be formulated according to regulations of law and within the capacity for balancing the state budget in the year; in a manner that is conformable with the five-year public investment plan for the 2021-2025 period, the National Assembly’s Resolutions on adjustments, investment and development expenditure tasks according to regulations of the Law on State Budget, and other relevant legal documents not regulated by the Law on Public Investment.

The public investment estimate for the year 2025 shall be formulated in a manner that conforms to Article 51 of the Law on Public Investment and follows principles, standards and norms of allocation of the capital and the order of priority specified in the Law on Public Investment, the Resolution No. 29/2021/QH15 dated July 28, 2021 of the National Assembly, the Resolution No. 973/2020/UBTVQH14 dated July 08, 2020 of the National Assembly Standing Committee and the Decision No. 26/2020/QD-TTg dated September 14, 2020 of the Prime Minister. Funds shall be provided for each task/project according to the mid-term public investment plan for the 2021-2025 period and within capacity for implementation and disbursement of each project until the end of January 31, 2026. The period of implementation and disbursement shall not be extended to the following stage according to regulations in Article 68 of the Law on Public Investment. The funds shall be allocated and assigned in a detailed manner to each project before December 31, 2024 according to regulations in clause 5 Article 61 of the Law on Public Investment and Article 44 of the Law on State Budget. Reimbursement funds shall be provided for tasks and projects under the socio-economic development and recovery program from projects included in the mid-term public investment plan funded by the socio-economic development and recovery program according to Resolution No. 93/2023/QH15 dated June 22, 2023 of the National Assembly; projects allocated funds covered by annually increased revenues shall continue to be allocated funds; all advanced funds to be recovered in the mid-term public investment plan for the 2021-2025 period shall be recovered; it is required to prioritize allocation of funds for projects of national importance, programs and projects connecting regions and/or affecting multiple regions and projects using ODA and concessional loans granted by foreign donors (including counterpart funds); state capital invested in projects in the PPP form; funds for PPP projects, investment preparation tasks and provision of subsidies for offsetting costs incurred from the application of interest rates and management fees according to the Resolution No. 43/2022/QH15 and regulations of law, charter capital for policy banks and state off-budget financial funds. The funds shall not be allocated in a separate, fragmentary and ineffective manner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Complying with regulations of the Law on State Budget in order to ensure that total amount of the central budget’s annual subsidies granted as investment and develop expenditures to the local government budget for implementation of certain major and extremely important programs and projects that may have great effects on socio-economic development of a local area will not exceed 30% of total amount of the central budget’s basic construction investment expenditures according to regulations.

b) The allocation of foreign capital to each project shall be separately recorded by type (loans and grants) and by sector; and consistent with the mid-term public investment plan funded by the central government budget for the 2021-2025 period, contents of the Agreement and commitment with the sponsor, financial mechanism of the project and implementation progress of the program/project. Giving priority to allocation of adequate funds to projects upon termination of agreements, arrangements for loans, foreign aids in 2025 if such agreements and arrangements are ineligible for extension.

The capital provided for new agreements, arrangements and commitments (if any) shall not exceed 300 thousand billion VND of foreign capital for investment and development according to the approved plan for 2021 – 2025.

c) According to investment and development expenditures and revenues from management, use and reorganization and disposal of state-owned real property that have not been finalized; unused amounts transferred to the state budget in previous years and estimates for state budget revenues from management, use and reorganization and disposal of state-owned real property in 2025, ministries, central and local authorities shall formulate estimates for investment and development expenditures covered by these revenues according to regulations, specifying completed projects for which payments have not been settled due to unavailability of budget allocations; approved projects using revenues gained by sale of land-attached property and transfer of land use rights that have been transferred to the budget but have not been yet used and revenues rising in 2025; include them into their investment and development expenditure estimates and send such estimates to planning and investment, and finance agencies of the same level that will consolidate state budget estimates and submit them to competent authorities for decision.

(Detailed reports shall be made according to Form No. 04 and Form No. 05 enclosed with this Circular).

In addition, ministries and central authorities shall prepare reports to fully explain implementation of plans for management, use and reorganization and disposal of real property, collection and transfer of revenues to the budget and expenditures covered by these revenues by 2024; set up projects on implementation of plans for management, use and reorganization and disposal of real property in 2025, and estimate revenues collected and transferred to the budget in 2025 and expenditures covered by these revenues according to the above-mentioned contents.

The Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense shall make detailed reports on revenues and expenditures according to regulations in clause 4 Article 260 of the 2024 Law on Land, including revenues transferred to the budget until the end of 2024 without allocation of estimates for such revenues; revenues expected to be generated during the 2025-2027 period from plans and schemes eligible for transition and estimated expenditures, enclosed with written explanation according to the Resolution No. 132/2020/QH14, guiding documents and laws on state budget and public investment, and submit them to the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment for consolidation and report to competent authorities according to regulations.

d) Regarding estimates for expenditures on provision of subsidies for offsetting costs incurred from the application of preferential lending interest rates and management fees

Pursuant to regulations of law on provision of offsetting costs incurred from the application of interest rates and management fees and implementation of state credit policies in 2024 and the prediction about changes in spending subjects, policies and tasks, credit growth, outstanding loans, raised capital, deposit interest rates and lending rates, etc. the state budget expenditure estimate shall be formulated for the year 2025 according to regulations of the Law on State Budget, the Law on Public Investment and guiding documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Investment and development expenditure estimates not regulated by the Law on Public Investment (enclosed with specific explanations) that serve implementation of contents and tasks shall be conformable with regulations in the Law on management and utilization of state capital invested in the enterprise’s manufacturing and business activities and the Government's Decree No. 148/2021/ND-CP. State budget expenditure estimates shall be consistent with commitments between the Government and foreign investors that have been approved by competent authorities.

g) Estimates for expenditures covered by lawful revenues earned by regulatory bodies and public service providers for non-state-budget investment (except for tasks performed under specific mechanisms annulled by the Resolution No. 104/2023/QH15 and the Resolution No. 142/2024/QH15) shall be conformable to applicable regulations (specifying revenues from fee collection, provision of public services, fund for development of provision of public services, loans and other legal sources); and submitted to superior authorities that will consolidate and report such estimates to investment and finance agencies of the same level.

3. Formulation of national reserve plans and estimates for expenditures on national reserve goods for the year 2025:

Pursuant to regulations of the Law on National Defense, the Law on State Budget and guiding documents, ministries and central authorities assigned to manage national reserve goods shall set up plans and estimates for expenditures on national reserve goods for the year 2025 in conformity with objectives of developing national reserves and plannings for national reserve warehouses and within capacity for balancing the state budget. Clearly explain and analyze causes by each item and its corresponding value; and prepare reports according to regulations in Article 4 of the Circular No. 145/2013/TT-BTC dated October 21, 2013 of the Minister of Finance and Article 30 of this Circular.

4. Formulation of recurrent expenditure estimates

a) On the basis of the Law on State Budget, the Law on Management and Use of Public Property and relevant guiding and legal documents; Resolutions of the Central Committee, the Politburo and the National Assembly; principles, criteria and norms of allocation of estimates for recurrent expenditures covered by the state budget according to Resolution No. 01/2021/UBTVQH15 of the National Assembly Standing Committee and the Decision No. 30/2021/QD-TTg of the Prime Minister and policies, regimes, and norms of state budget expenditures; projects and tasks approved by competent authorities; the Directive No. 17/CT-TTg dated May 22, 2024 of the Prime Minister; Check number of budget revenue and expenditure estimates for 2025 and inspection of estimated budget revenues and expenditures in 2025, ministries, central and local authorities shall formulate recurrent expenditure estimates by each expenditure sector, fulfilling important political tasks and strictly complying with policies and regulations issued by the State, especially policies on human-related costs and social welfare expenditures.

Estimates for funding for provision of benefits for revolutionary contributors shall be formulated according to regulations in the Government’s Decree No. 77/2024/ND-CP dated July 1, 2024, the Government's Decree No. 75/2021/ND-CP dated July 24, 2021, the Government’s Decree No. 55/2023/ND-CP dated July 21, 2023, and the Government's Decree No. 131/2021/ND-CP dated December 31, 2021 of the Government and documents on adjustments in 2024 (if any).

Estimates for funding granted to pensioners and covered by the state budget shall be formulated according to the Decree No. 75/2024/ND-CP dated June 30, 2024 (detailed expenditures on social guarantees and healthcare

Estimates for funding for regular repair, improvement and maintenance of facilities shall be formulated according to the Circular No. 65/2021/TT-BTC dated July 29, 2021 of the Minister of Finance; estimates for funding for lease of information technology services shall be consistent with the Government’s Decree No. 82/2024/ND-CP dated July 10, 2024.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Estimates for state budget expenditures on activities of public service providers shall be formulated on the basis of objectives of improving public service providers according to the Conclusion No. 62-KL/TW of the Politburo, the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15, the Decree No. 60/2021/ND-CP, the Decision No. 30/2021/QD-TTg and the Circular No. 56/2022/TT-BTC. To be specific:

- Do not formulate estimates for state budget recurrent expenditures on support for public services for which the pricing roadmap has been completed or is expected to be completed in 2025.

- Public service providers self-covering a part of recurrent expenditures of ministers and central authorities shall formulate state budget expenditure estimates in 2025 in order to reduce at least 3% of direct state budget subsidies in comparison with estimates in 2024 (excluding payroll and 5% cost reduction according to the Directive No. 01/CT-TTg dated January 04, 2024 of the Prime Minister), and dismiss employees earned from the state budget according to the Resolution No. 19-NQ/TW;

- Public service providers whose recurrent expenditures covered by the state budget affiliated to ministers and central authorities shall continue to reduce at least 2% of direct state budget subsidies in comparison with estimates in 2024 (excluding payroll and 5% cost reduction according to the Directive No. 01/CT-TTg dated January 04, 2024 of the Prime Minister), except for basic and essential public services covered by the state budget.

- State budget subsidies on recurrent expenditures with regard to group-3 and group-4 public service providers in 2025 include state budget subsidies provided for implementation of policies and regimes on salaries and social insurance and social welfare policies approved by competent authorities from July 01, 2024 after funding for pay reform has been used according to regulations.

d) Regarding estimates for recurrent expenditures covered by funding which the autonomy to use is not delegated and other special non-recurrent expenditures arising in state budget expenditure sectors, Ministries, central and local authorities shall instruct their affiliates to formulate and consolidate such estimates according to regulations of the law on state budget and other relevant laws.

dd) Regarding expenditures on purchase of assets and equipment, repair, upgradation, expansion and construction of work items under investment projects, and application of information technology, estimates for such expenditures shall be formulated according to the Decree No. 82/2024/ND-CP dated July 10, 2024, Decrees on guidance on use of recurrent expenditures covered by the state budget for purchases of assets and equipment, repair, upgradation, expansion and construction of work items under investment projects (if promulgated) and other relevant laws and enclosed with dossiers on detailed explanation about legal bases and expenditure tasks assigned that have been approved by competent authorities, regimes, policies and norms regulated by competent authorities and other dossiers and procedures according to regulations. They shall be submitted to finance agencies of the same level for consolidation and report to competent authorities.

Regarding expenditures on national defense and security, ministries, central and local authorities shall formulate estimates for recurrent expenditures on purchase of assets and equipment, repair, upgradation, expansion and construction of work items, and application of information technology covered by the state budget according to the Decree No. 165/2016/ND-CP and the Decree No. 01/2021/ND-CP, enclosed with detailed explanations as prescribed (specifying specific nature; legal and practical bases; total funding required and approved; approved sources of funding; period; funding provided by 2024; funding proposed in 2025).

e) Expenditures on economic affairs

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Expenditures on operations of regulatory bodies, the Communist Party and mass organizations:

- Clarifying the number of staff members in 2025 according to a Decision on allocation of payrolls issued by a competent authority, the actual number of staff members available until July 01, 2024 and the number of employees which have yet to be recruited in comparison with the approved recruitment target set out in 2025. If the 2025’s recruitment target is not available, the 2025's estimate shall be developed according to the 2026's recruitment target assigned by the Politburo in the Decision No. 71-QD/TW dated July 18, 2022, the Decision No. 72-QD/TW dated July 18, 2022, the Decision No. 73-QD/TW dated July 18, 2022, the Decision No. 75-QD/TW dated July 18, 2022 of the Politburo, the Decision No. 76-QD/TW dated July 18, 2022 and a Decision of a relevant competent authority.

- Determining salary budget, salary-based allowances and contributions according to enforceable regulations on the basis of the 2025’s recruitment target assigned and statutory pay rate according to the Government’s Decree No. 73/2024/ND-CP dated June 30, 2024 (calculated for all 12 months), which shall be covered by the State budget, including the amount of salaries paid to the actual number of staff members on the payroll until July 01, 2024, which are calculated at the rate of pay specific to ranks, grades and positions; salary-based allowances and contributions according to enforceable regulations and the amount of salaries paid to staff members on the payroll that have not yet been recruited (within total payroll assigned), which are calculated according to the 2024’s statutory pay rate and level- 1 salary coefficient of officials of type A1, salary-based allowances and contributions according to regulations. In case authorities and units have recruitment plans according to the Government’s Decree No. 140/2017/ND-CP dated December 05, 2017 or recruit qualified officials, public employees and experts according to schemes or plans approved, they shall show increase in the salary budget for these people according to regulations.

- Explaining bases for formulation of estimates for specific expenditures in 2025 (legal bases, assigned tasks, tasks approved by competent authorities, expenditures, policies, regimes and norms according to regulations) under the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15 and other relevant regulations in a spirit of thrift and effectiveness.

- Ministries, central and local authorities shall direct authorities and units under their management to estimate funding for development and completion of laws, organization of enforcement of laws and supervision of such enforcement according to regulations (specifying that such funding is basic investment funding for legal infrastructure according to the Decision No. 04/QD-TTg dated January 07, 2021 of the Prime Minister) and prioritize allocation of funding within the scope of the assigned estimate for the above-mentioned tasks.

- Ministries, central and local authorities, within their functions and tasks, shall propose estimates of funding for organization of Communist Party Congresses at all levels, enclosed with detailed explanations.

h) Authorities and units shall formulate state budget estimates (enclosed with detailed explanations) and include recurrent expenditures on settlement of public assets, reorganization and disposal of real property, transfer of ownership of enterprises and public service providers into such estimates according to regulations (if any). Funding for recurrent expenditures on performance of tasks specified in the Decree No.  148/2021/ND-CP and the Circular No. 57/2022/ TT-BTC dated September 16, 2022 of the Minister of Finance shall be included into the estimate for expenditures on economic affairs covered by the state budget.

i) Regarding recurrent expenditures on programs and projects using loans (ODA loans and foreign concessional loans), aids (ODA grants and grant aids not in the form of official development assistance): 

Pursuant to Agreements and arrangements concluded and to be concluded with sponsors (in case of Agreements to be concluded, only aids), progress in fulfillment of commitments to projects or aids, financial mechanisms (if any) approved by competent authorities, each ministry, central/local authority shall formulate an estimate for every program/project/Agreement/counterpart funds (if any), specifying each source of loan/foreign aid with specific categorization and disbursement mechanisms (recording revenues and expenditures or implementing disbursement according to domestic financial mechanisms); with regard to each province/city, specially allocate funding covered by local government budget and targeted additional funding from central government budget to local government budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Regarding programs and projects in which several ministries, central and local authorities participate together, ministries, central and local authorities shall formulate estimates of expenditures financed by foreign funding sources enclosed with explanatory notes on bases for state budget allocations and submit them to the Ministry of Finance, and the Ministry of Planning and Investment that will consolidate such estimates and explanatory notes and send them to competent authorities for decision, and at the same time these estimates and explanatory notes shall be also submitted to host authorities of programs and projects for consolidation and monitoring.

5. Formulation of estimates of expenditures on aids provided for foreign countries

Pursuant to aid commitments between the Government of Vietnam and Governments of foreign countries during the 2021-2025 period (if any), annual aid commitments signed with countries receiving aids, commitments to projects approved by competent authorities, implementation of estimates and capacity for disbursing aids granted to programs and projects in 2024, authorities assigned by the Government to preside over making plans for aids shall formulate estimates for expenditures on aids granted to separate programs and projects using aids, investment and recurrent expenditures; and specify total estimated aid for each partner receiving aids.

6. Regarding socio-political-professional organizations, social organizations and socio-professional organizations:

The provision of funding for organizations shall comply with regulations in the Government’s Decree No. 45/2010/ND-CP and the Government’s Decree No. 33/2012/ND-CP and Documents amending/replacing the Decree.

7. Ministries in charge of sectors and industries shall, in addition to formulation of the state budget estimate for the year 2025 (directly carried out by ministries), proactively request ministries, central and local authorities to report implementation and demands for implementation of mechanisms and policies promulgated by competent authorities and effective in 2025, on this basis, make review, determine total funding required and provide detailed explanations about bases for calculation.

Regarding expenditures on science and technology and environmental protection, the Ministry of Science and Technology and the Ministry of Natural Resources and Environment shall, pursuant to legal documents, preside over and cooperate with ministries and central authorities in reviewing and proposing plans for allocation of estimates for recurrent expenditures under their management in order to ensure that tasks, projects and schemes have adequate legal bases and documents, and follow procedures, regimes, standards and norms of expenditures decided by regulatory bodies and used for intended purposes of capital for investment/recurrent expenditures according to regulations of law, not exceeding the total inspected expenditure on science and technology and environmental protection covered by central government budget announced (if any); pursuant to Article 42 of the Law on State Budget, not proposing objectives without completion of all procedures and funding for such objectives; taking full responsibilities for proposed plans; and sending them to the Ministry of Finance for inclusion in the plan to allocate central government budget and submission of reports to competent authorities according to regulations.

8. Formulation of estimates for expenditures on implementation of national target programs in 2024 and other programs, projects and schemes:

a) Pursuant to the Law on State Budget, the Law on Public Investment, Resolutions of the National Assembly, and on the basis of the Prime Minister’s Decisions approved, guiding documents issued by functional agencies, implementation of programs in the 2021-2024 period, mid-term public investment plans, the amount inspected and announced, ministries and central authorities that are host authorities of programs shall preside over and cooperate with authorities and units managing programs, host authorities of projects, sub-projects and component contents in formulating state budget expenditure estimates for the year 2025 relevant to ministries, central and local authorities, specifying objectives, expenditures and tasks approved by competent authorities, each project/sub-project/component content, investment and development, and recurrent expenditure structure with detailed categorization, central government budget, local government budgets, funds included in other programs and projects and other lawful funds raised (if any), make sure that there are adequate legal bases, documents, procedures and decisions approved, regimes, standards and norms of expenditures regulated by regulatory bodies, and send them enclosed with reports on state budget estimates for the year 2025 to the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



On the basis of the funds announced by the Ministry of Finance, ministries and central authorities (host authorities of programs) shall propose pimples, standards, norms and plans for allocation of funds relevant to ministries, central and local authorities in 2025, specific to expenditure objective, task and sector according to regulations on management of state budget, and enclosed with detailed explanations, ensure that there are adequate legal bases, documents and procedures on the basis of tasks assigned and approved by competent authorities, regimes, standards and norms regulated by regulatory bodies, and send them to the Ministry of Finance according to the official dispatch on funds issued by the Ministry of Finance.

c) Ministries and central authorities that are host authorities of national target programs, projects and schemes shall be entirely responsible for legal and practical bases, proposed principles, standards, norms and plans for allocation relevant to ministries, central and local authorities according to regulations and ensure that there are adequate documents and procedures, approved decisions, regimes, standards and norms regulated by regulatory bodies and funds for such target programs, projects and schemes are used for intended purposes of funds for recurrent expenditures.

9. Estimates of funding required for covering costs of pay reform, adjustment to retirement pensions, social insurance allowances and monthly benefits (covered by the state budget), and provision of benefits for revolutionary contributors in 2025in which funding sources for covering these demands must be also indicated:

a) With regard to funding provided for pay reform

Ministries, central and local authorities shall formulate estimates of expenditures on funding for pay reform according to regulations in the Resolution No. 27-NQ/TW, Resolutions of the National Assembly, the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15, the Resolution No. 60/2021/ND-CP, the Circular No. 56/2022/TT-BTC and relevant legal documents.

b) With regard to funding required

Estimates of funding required in 2025 shall be formulated on the basis of policies and regulations on salaries and funding for adjustment to retirement pensions, social insurance allowances and monthly benefits (covered by the state budget), and provision of benefits for revolutionary contributors and social support according to the Government’s Decree No. 73/2024/ND-CP, the Government’s Decree No. 75/2024/ND-CP, the Government’s Decree No. 76/2024/ND-CP, the Government’s Decree No. 77/2024/ND-CP in 2024 after the use of funding provided by authorities and units according to regulations.

10. Formulation of estimates for funding for implementation of downsizing policies:

Estimates for funding for implementation of downsizing policies in 2025 shall be formulated according to regulations in the Conclusion No. 28-KL/TW, the Conclusion No. 40-KL/TW of the Politburo, regulations issued by the Government and guiding documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12. Based on the audited amount of state budget revenues and expenditures, ministries, central and local authorities shall formulate coherent and detailed estimates of expenditures according to regulations in the Law on State Budget, its guiding documents and other relevant legal documents; after working with the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment, ministries, central authorities, and authorities in provinces and central-affiliated cities shall promptly establish plans for allocation of the estimated budget in 2025 of their own for implementation after obtaining the decision from the National Assembly and receiving the estimate assigned by the Prime Minister, and request competent authorities to make their decisions on budget allocations relevant to specific sectors, and assign the estimated budget to budgetary units ahead of December 31, 2018 in accordance with the Law on State Budget.

Article 20. Regarding authorities and units which have annulled or are proposing annulment of special financial and income mechanisms according to the Resolution No. 104/2023/QH15 and the Resolution No. 142/2024/QH15

1. Reporting the number of staff members approved in 2024 and the actual number of staff members available on July 01, 2024; the number of employees working under labor contracts (if any); the number of staff members approved or under the Project in 2025.

2. Estimating payroll according the Government’s Decree No. 73/2024/ND-CP in 2024 (specifying salary budget, allowances, other incomes and contributions based on salaries)

3. Proposing a recurrent expenditure estimate in 2025

Each authority/unit shall formulate a recurrent expenditure estimate for the year 2025 that is similar to the estimate made by a regulatory body. To be specific:

a) Calculate expenditures according to norms on the basis of the number of staff members of 2025 and expenditure norms in the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15 and the Decision No. 30/2021/QD-TTg.

b) Measure the number of staff members according to the 2025’s administrative employment target approved by the competent authority. In case, the authority/unit has not yet been assigned the official employment target in 2025, this number shall be temporally measured according to the actual number of staff members available on July 01, 2024 and not exceed the number of staff members reported by the authority/unit to the Ministry of Home Affairs for submission to the competent authority.

c) Review specific expenditures on the basis of general expenditures and sector-specific expenditures specified in the Resolution No. 01/2021/UBTVQH15, the Decision No. 30/2021/QD-TTg and clearly explain the approval decision issued by the competent authority, total funding approved according to applicable policies, regimes and norms; funding allocated by 2024; unallocated funding and funding to be allocated in 2025.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If specific expenditures are being proposed, the authority/unit shall fully report grounds for meeting such expenditures so far; urgency; procedures for approving and meeting each expenditure so far; demands in 2025 and the following years (if any); procedures for proposing expenditures to the competent authority at the time on which the estimate is sent to the Ministry of Finance (enclosed with the document).

4. Regarding investment and development expenditure estimate:

In case of new expenditures, it is required to formulate an estimate for such expenditures similar to the estimate made by the regulatory body.

With regard to projects requiring more state budget funding for implementation and completion, Ministries, central and local authorities are required to cooperate with the Ministry of Planning and Investment to provide guidance on procedures for allocating public investment capital according to regulations of law on public investment.

5. Fully reporting advantages, difficulties and existing problems during implementation and proposal (if any).

Article 21. Development of financial plans of state off-budget financial funds

On the basis of results of review and assessment of state off-budget financial funds, ministries, central and local authorities and units assigned to manage state off-budget financial funds shall restructure, merge, terminate operations of or dissolve funds that operate in a manner that is ineffective and contrary to regulations of law in 2025; develop financial plans for revenues and expenditures in 2025 regarding funds that still operate under their management according to regulations of the Law on State Budget and regulations of relevant laws, and send such plans enclosed with reports on their state budget estimates in 2025 to finance agencies of the same level (including detailed explanations about opening balance; revenues derived from the state budget; revenues raised, revenues from sponsors, etc. in the year; expenditures; fluctuations in charter capital and sources of funding for operations of such funds).

Article 22. Formulation of local government budget estimate

In addition to regulations on general guidelines for formulation of the state budget estimate according to legislative documents applicable and this Circular, the formulation of the local government budget estimate shall take into consideration the followings:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Each local authority shall formulate an estimate on the basis of aggregation of all revenues from taxes, charges, fees and other revenues within the province/city according to regulations in Article 7 of the Law on State Budget and relevant laws.

The provincial People’s Committee shall direct its subsidiary finance, taxation and customs agencies to cooperate with relevant local agencies in strictly complying with regulatory requirements concerning formulation of the state budget revenue estimate and shall be held accountable to the Government and the Prime Minister for such formulation.

The state budget revenue estimate shall be active and practical and include all new revenues arising in order to accurately and exactly calculate budget revenues and not to expect local government budget to make up for shortages in revenues; clearly analyze and assess impacts on the 2025’s state budget revenue estimate by each province/city/sector, specific revenues and taxes with a focus on assessment of impacts of epidemics and natural disasters on revenue sources, and effects on the budget due to implementation of policies on extension, exemption and reduction in taxes.

2. Regarding formulation of an expenditure estimate for balance of local government budget, the People’s Committee at each level shall proactively:

In 2025, continue to maintain a stable ratio of revenues, expenditures and additional funding from central government budget to local government budget. Formulate a local government budget expenditure estimate on the basis of the local government budget revenue estimate that it is granted within its jurisdiction, additional funding from central government budget to local government budget determined by the allocated funding in 2024, and additional funding from central government budget to local government budget for pay reform in 2025 (if any). Based on objectives defined in the socio-economic development plan for the period of 2021-2025 with a focus on objectives and tasks of local socio-economic development in 2025, estimate revenues and expenditures covered by local government budget in 2024 so as to formulate the local government budget expenditure estimate with detailed categorization according to regulations of the Law on State Budget and prioritize allocation of adequate funding estimated for implementation of projects and tasks as committed and under policies that have been issued.

And at the same time:

a) Allocate an estimate for expenditures on pay reform according to the Resolution No. 27-NQ/TW and its guiding documents according to regulations (if any).

b) Formulate an estimate for investment and development expenditures covered by funding sources allocated from the local government budget

- Pursuant to regulations of the Law on State Budget; the Resolution No. 973/2020/UBTVQH14 of the National Assembly Standing Committee, formulate the investment and development expenditure estimate, clearly specifying funding sources allocated from the local government budget (including expenditures on investment in concentrated domestic capital development, investment expenditures covered by revenues from land use levies, lottery sale and local government budget deficit (if any); and estimated expenditures on projects using foreign capital (loans/aids).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Provide funds from local government budget for Vietnam Bank for Social Policies under trust agreements to support some activities under national target programs according to clause 6 Article 4 of the Resolution No. 111/2024/QH15 dated January 18, 2024 of the National Assembly.

- Allocate an estimate for investment and development expenditures covered by land use levies, with priority given to investment in socio-economic infrastructure projects and national target programs for building new rural areas.

- Regarding expenditures covered by revenues from lottery sale: the local authority shall estimate these revenues (including revenues distributed from computer-generated lottery) and continue to use such revenues for investment and development, with priority given to investment in education-training, vocational education (including purchase of learning and teaching equipment serving the program for reforming general education textbooks) and healthcare; the remaining revenues shall be used for performance of important and urgent investment and development tasks funded by the local government budget and the national target program for building new rural areas.

- Regarding use of revenues from entrance tickets at casino, the local authority permitted by the competent authority to gamble at casino on a trial basis shall use revenues from entrance tickets at casino for investment and development expenditures for the purposes of social welfare, provision of services for the community and maintaince of social order and security, and allocate at least 60% of the revenues to education, training, vocational education and healthcare according to clause 3 Article 5 of the Circular No. 102/2017/TT-BTC dated October 05, 2017 of the Minister of Finance.

c) Formulate an estimate for expenditures on payment of outstanding interests, fees and other costs, arranging these expenditures as a separate portion of expenditures in the local government budget balance, thereby ensuring full and timely payment of outstanding debts due; and provide explanation about payment amounts corresponding to specific borrowed funds (if any), including foreign borrowed funds that the Government on-lends to local authorities, capital credit loans and local government bond issues.

d) Determine expenditures on additional contribution to the local financial reserve fund according to the allocated amount in the 2024’s estimate.

dd) Allocate an estimate for expenditures on local government budget provisions according to regulations of the Law on State Budget (2-4% of total expenditure on balancing local government budget - excluding local government budget deficit).

e) Formulate an estimate for recurrent expenditures covered by local government budget

After allocation of estimates for expenditures on pay reform (if any); investment and development expenditures covered by funding sources allocated from the local government budget; expenditures on payment of outstanding interests, fees and other costs; expenditures on additional contribution to the local financial reserve fund; and expenditures on local government budget provisions, the remainder of local government budget balance shall be used to cover recurrent expenditures. The local authority shall the expenditure budget for each regulatory body/public service provider on the basis of the tasks of downsizing, apparatus reorganization and reform of public service providers in 2025 which are determined based on implementation results accumulated by 2024, the objectives of the Resolution No. 18-NQ/TW, the Resolution No. 19-NQ/TW and the Decree No. 60/2021/ND-CP. Particularly, the rate of public staff members subject to downsizing is determined under the Decision on allocation of payrolls issued by the competent authority (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Each local authority shall formulate an estimate for targeted additional funding from central government budget to local government budget for implementation of social welfare policies issued by central authorities for the year 2025 as instructed in clause 4 Article 14 of this Circular. Regarding each policy, it is required to provide detailed explanations about grounds for determining beneficiaries and funding required (budget users in 2025 shall be identified on the basis of the number of beneficiaries estimated in 2024).

4. Regarding formulation of an estimate for budget for pay reform

In 2025, the mechanism for creating funds shall continue to be implemented in order to carry out pay reform in accordance with regulations. To be specific: Each local authority shall continue to implement the mechanism for cutting 10% of the amount of recurrent expenditures (excluding salaries, allowances, salary equivalents and other human-related costs); the increased amount of local government budget revenues (except revenues from land use levies, lottery sales, equitization and divestment from state-owned enterprises under its management; excluded amounts according to clause 2 Article 3 of the Resolution No. 34/2021/QH15 dated November 13, 2021 of the National Assembly, including 70% of the increase in local government budget revenues in 2024 compared with the 2024 estimate and 50% of the increase in local government budget revenues of the 2025 estimate in comparison with the 2023 estimate assigned by the Prime Minister; 50% of funds remained from reduction of expenditures on supporting recurrent operations in administrative sector and operations of public service providers according the local plan proposed in the Directive No. 17/CT-TTg dated May 22, 2024 of the Prime Minister; unused funds for pay reform in 2024; revenues retained according to regulations in 2025.

(The detailed report shall be made according to Form No. 02b enclosed with this Circular).

5. Estimates for local government budget deficit/budget surplus, and plans for borrowing and repayment of principal, interests and fees of the local government budget shall be formulated according to regulations of the Law on State Budget and its guiding documents.

Chapter IV

FORMULATION OF THREE-YEAR STATE BUDGET - FINANCIAL PLAN FOR THE 2025 - 2027 PERIOD

Article 23. Bases and requirements for formulation of three-year state budget - financial plan for the 2025 - 2027 period

Pursuant to regulations in the Law on State Budget, the Government’s Decree No. 45/2017/ND-CP, the Circular No. 69/2017/TT-BTC dated July 07, 2017 of the Minister of Finance, Laws on tax and tax administration, the Law on Fees and Charges, the Law on Public Investment, the Law on Public Debt Management, The Law on Management of Public Property, and relevant legal documents; the 10-year socio-economic development strategy for the 2021-2030 period, 5-year plans during the 2021-2025 period; Resolutions of the Central Committee of the XIIth National Assembly on apparatus simplification, downsizing and reform of public service providers; the Government’s Resolutions and Decrees No. 73/2024/ND-CP, No. 75/2024/ND-CP, No. 75/2024/ND-CP, No. 76/2024/ND-CP and No. 77/2024/ND-CP; principles, standards and norms of investment and development expenditures for the 2021-2025 period and principles, standards and norms of recurrent expenditures for the year 2022; the three-year state budget - financial plan for the 2024 - 2026 period reviewed and updated on March 31, 2024; agreements and arrangements for loans and foreign aids concluded and to be concluded and implemented during the 2025-2027 period; regulations on budgetary stabilization period; spending caps for the period of 2025 - 2027 which are updated and informed by regulatory financial, planning and investment bodies and the budget estimate in 2025 formulated according to Chapter III of this Circular, policies, regimes, programs, projects and tasks under the management for the 2021-2025 period that will be completed from 2026, ministries, central and provincial authorities shall formulate three-year state budget - financial plans for the 2025 - 2027 period according to regulations. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If there is a big increase or decrease in expenditures of ministries, central and provincial authorities during the 2025-2027 period compared to the 2025's estimate and expenditures estimated in 2024 (including additional estimates in the year); ministries, central and provincial authorities shall explain such increase/decrease and take measures for mobilizing more off-budget financial resources in order to ensure spending demands have to be met by equivalent funding sources.

3. Expenditure estimates for the 2025-2027 period shall be formulated according to regulations on policies on salaries, social insurance and social welfare policies mentioned at the Government’s Decree No. 73/2024/ND-CP, the Government’s Decree No. 75/2024/ND-CP, the Government’s Decree No. 76/2024/ND-CP and the Government’s Decree No. 77/2024/ND-CP and the approved roadmap for the 2025-2027 period (if any).

Article 24. Formulation of three-year plan for collection of state budget revenues for the 2025 - 2027 period

1. A three-year plan for collection of state budget revenues for the 2025 - 2027 period shall be formulated according to regulations in Article 23 of this Circular, and on the basis of:

a) Capability of developing the country's economy, specific industries, economic sectors and local areas during the 2025-2027 period in conformity with the 10-year socio-economic development strategy for the 2021-2030 period, and 5-year plans for the 2021-2025 period; the 2025’s revenue estimate; factors causing changes in investment capability, labor productivity, competitiveness, improvement of business environment, support, development of production and business by enterprises and commercial, export and import activities in each year; influencing factors of the international integration and change in policies of countries in the world, including global minimum tax regulations .

b) Factors that may increase, decrease or change state budget revenues due to adjustments to policies on collection of state budget revenues, supplementation and expansion of taxation bases, strengthening of management of state budget revenues in accordance with the Resolution No. 07-NQ/TW and the Resolution No. 23/2021/QH15; compliance with guiding documents on enforcement of the Law on Tax Administration No. 38/2019/QH14; implementation of the roadmap for tariff cuts under integration commitments; global minimum tax regulations; some corporate income tax policies for support and development of enterprises;  encouragement from informal economic sectors.

c) Effects of collection of state budget revenues from adjustments to public service prices and fees made according to the plan for proportioning of a full amount of costs in public service prices and fees according to regulations of law.

During the 2026-2027 period, the growth rate of domestic revenues (excluding revenues from land use levies, lottery sales, sale of state capital invested in enterprises, dividends, after-tax profits and difference between revenues and expenditures of the State Bank) and revenues from export and import is not lower than the growth rate of such revenues in 2025 according to point d, clause 1 Article 18 of this Circular. Depending on conditions and characteristics, local jurisdictions may have different rates of growth in state budget revenues that are appropriate to the economic growth rate of each.

2. Estimates for revenues from fees and charges during the 2025-2027 period shall be active and detailed, and specify each revenue from fees/charges (fees/charges collected and transferred the state budget) and only fees/charges transferred the state budget shall be included into the state budget revenue estimate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 25. Formulation of three-year plans for state budget expenditures for the period of 2025 - 2027 by ministries, central and provincial authorities

1. Three-year plans for state budget expenditures for the period of 2025 - 2027 by ministries, central and provincial authorities shall be formulated according to Article 23 and the 2025’s estimate formulated under guidelines in Chapter III of this Circular; such plans shall provide detailed explanations about objectives, tasks, programs, projects, policies and regimes that have expired/are newly approved by competent authorities with particular attention paid to implementation of the Resolution No. 18-NQ/TW, the Conclusion No. 62-KL/TW of the Politburo dated October 02, 2023, the Resolution No. 19-NQ/TW, the Conclusion No. 28-KL/TW, and the Conclusion No. 4--KL/TW and creation of funds for pay reform according to the Resolution No. 27-NQ/TW, the Decree No. 60/2021/ND-CP and the Circular No. 56/2022/TT-BTC, policies on salaries, pensions and benefits for revolutionary contributors, and social warfare policies promulgated in 2024.

2. During the formulation of state budget expenditure estimates for the year 2025, ministries, central and provincial authorities shall concurrently detail grassroots-level and new expenditures of their own in the budgetary year of according to Article 5 and Article 6 of the Circular No. 69/2017/TT-BTC of the Minister of Finance to serve as a basis for determination of these expenditures, and integrate demands for expenditures on investment and development, maintenance and operation into the expenditure plan for the 2025-2027 period.

3. Ministries and central authorities in charge of sectors and industries shall, in addition to formulation of the plan for state budget revenues and expenditures in each year of the period of 2025 – 2027 (with respect to the assignment directly carried out by ministries and central authorities), accurately calculate and determine total budget required for implementation of mechanisms, policies, programs, projects and tasks that have been promulgated by competent authorities or have expired in each year of the period of 2025 – 2027 nationwide (completion of national target programs, programs, projects and tasks for the 2021-2025 period), and provide detailed explanations for calculation bases (the Ministry of Planning and Investment shall propose investment funds covered by the state budget for performance of tasks of the Fund for Investment Support).

Article 26. Formulation of three-year state budget - financial plans for the 2025 - 2027 period by local authorities in provinces and central-affiliated cities

In addition to compliance with requirements for formulation of state budget revenue and expenditure plans for the three-year period of 2025 – 2027 under regulations of Article 24 and Article 25 hereof, the formulation of three-year state budget - financial plans for the 2025 - 2027 period by local authorities in  provinces and central-affiliated cities shall take into consideration the followings:

1. Provincial People's Committees shall direct Departments of Planning and Investment to prepare forecasts about socio-economic development within their provinces and cities during the 2025-2027 period and submit these forecasts to Departments of Finance to serve as a basis for formulation of three-year state budget - financial plans for the 2025 - 2027 period.

2. Based on the required amount of revenues, scope of collection of state budget revenues under the Law on State Budget and guiding documents thereof, estimates for state budget revenues in these provinces and cities in 2025, provincial People's Committees shall direct Departments of Finance to preside over and cooperate with Taxation Departments and Customs Departments and other relevant local agencies in formulating plans for collection of state budget revenues for the 2025-2027 period. To be specific:

a) Make a detailed analysis and assessment of effects causing increases, decreases or changes in state budget revenues due to adjustments to policies on collection of state budget revenues in line with socio-economic development and recovery objectives; assess impacts of epidemics and natural disasters on revenues; implement 5-year plans for the 2021-2025 period, guiding documents on the Law on Tax Administration No. 38/2019/QH14; carry out the roadmap for tariff cuts under integration commitments; and propose implementation of new policies for collection of state budget revenues prescribed in the Resolution No. 07-NQ/TW; meet requirements for fight against losses, recovery of tax arrears, prevention of transfer pricing and tax fraud.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. On the basis of the projection for sources of revenues within each province/city and local government budget revenues which have been decentralized, estimated additional funds from the central budget to the local government budget which are informed by competent authorities during the period of 2025– 2027; provincial People's Committees shall direct Departments of Finance to preside over and cooperate with Departments of Planning and Investment, district-level People’s Committees and other relevant local agencies in formulating local budget expenditure plans for the period of 2025 – 2027, ensuring priority given to allocation of sufficient funding for implementation of regimes, policies and tasks which have already been issued and expenditure commitments (even including particular policies decided by provincial People’s Councils); determining the demands for targeted additional funding from the central budget for implementation of centrally-adopted regimes and policies for each year of the period of 2025 - 2027; with respect to new expenditures in each year of the period of 2025 – 2027, allocating expenditures in order of priority to perform key local socio-economic objectives and tasks within capacity for available resources of each year of the period from 2025 to 2027.

4. Each local authority shall budget for expenditures on pay reform according to clause 9 Article 19 of this Circular.

5. Plans for budget deficit/budget surplus, borrowing of funds and repayment of debts of the local government budget in the period of 2024 - 2026 shall be formulated according to the Law on State Budget, the Government's Decree No. 45/2017/ND-CP and the Circular No. 69/2017/TT-BTC of the Minister of Finance, shall ensure that total outstanding debt of each local jurisdiction at the end of each year does not exceed the prescribed limit (specifying ODA loans taken for on-lending, issuance of local government bonds, other lawful financial sources).

Chapter V

IMPLEMENTATION

Article 27. Responsibilities of relevant ministries, central and local authorities

Responsibilities of ministries, central authorities and People’s Committees of central-affiliated cities and provinces shall comply with regulations of the Law on State Budget and its guiding documents, the Government’s Decree No. 45/2017/ND-CP dated April 21, 2017 and the Directive No. 17/CT-TTg dated May 22, 2024.

Article 28. Forms used for formulation and report on the state budget estimate in 2025 and the three-year state budget - financial plan for the 2025 - 2027 period

1. With respect to the budget estimate in 2025, forms stipulated in the Circular No. 342/2016/TT-BTC dated December 30, 2016 of the Minister of Finance (forms from 12.1 to 12.5 applicable to public service sectors) and forms No. 01, 02a, 02b and 03 issued together with this Circular shall be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The three-year state budget - financial plan for the period of 2025 – 2027 shall be formulated by using the forms from 01 to 06 and forms from 13 to 19, issued together with the Circular No. 69/2017/TT-BTC of the Ministry of Finance.

Article 29. Implementation clauses

1. This Circular shall enter into force from August 30, 2024 and be applied to formulation of the state budget estimate for the year 2025 and the three-year state budget - financial plan for the period of 2025 – 2027. Contents, procedures and period of formulation of the state budget estimate in 2025 and the three-year state budget - financial plan for the period of 2025 – 2027 shall comply with regulations of the 2015 Law on State Budget and relevant guiding documents.

2. During formulation of the state budget estimate in 2025 and the three-year state budget - financial plan for the period of 2025 – 2027, if there is any difficulty that may arise upon implementation, ministries, central authorities, economic corporations and state general companies shall be advised to send their feedbacks to the Ministry of Finance to seek immediate actions./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Vo Thanh Hung

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 49/2024/TT-BTC ngày 16/07/2024 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


28.287

DMCA.com Protection Status
IP: 3.140.196.5
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!