ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 581/KH-UBND
|
An Giang, ngày 05
tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Căn cứ Quyết định số
1248/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030;
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế
hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang giai
đoạn 2021 - 2030 như sau:
A. THỰC
TRẠNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TRONG NHỮNG NĂM QUA
Tai nạn thương tích là một sự cố
xảy ra bất ngờ, đột ngột không biết trước. Theo tổ chức y tế thế giới “Tai nạn
thương tích là một sự kiện không định trước gây ra thương tích có thể nhận thấy
được”. Tai nạn thương tích ở trẻ em là một sự cố xảy ra bất ngờ, đột ngột đối với
trẻ em không được biết trước, tai nạn thương tích có thể dẫn đến tử vong hoặc
tàn tật suốt đời, để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.
Ở An Giang theo thống kê của
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong những năm gần đây tai nạn thương
tích xảy ra tuy có giảm theo thời gian, nhưng vẫn còn cao. Năm 2020, toàn tỉnh
có hơn 1.000 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, có 3 loại tai
nạn thương tích chính gây chết người và tàn tật ở trẻ em nhiều nhất là tai nạn
đuối nước, giao thông và té ngã.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng
trẻ em bị tai nạn thương tích là do công tác tuyên truyền vận động phòng chống
tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế; việc trang bị kiến thức về phòng chống
tai nạn thương tích trẻ em trong các tầng lớp nhân dân chưa được chú trọng, ý
thức chấp hành pháp luật và các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận
dân cư chưa nghiêm; mặt khác, do tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mêkông có hệ thống kênh
rạch chằng chịt, hàng năm đều bị ngập lụt, môi trường sông nước không an toàn với
trẻ em. Bên cạnh đó là nhận thức của trẻ em còn non nớt, chưa lường hết được
các mối nguy hiểm đe dọa, vấn đề an toàn cho trẻ em ở cả 3 môi trường gia đình,
nhà trường và xã hội, đặc biệt là môi trường gia đình chưa thật sự bảo đảm để
giảm thiểu các nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ em.
B. KẾ HOẠCH
PHÒNG, TRÁNH TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
I. MỤC
TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát
Kiểm soát, giảm thiểu tình hình
tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, đặc
biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông tạo môi trường an toàn phòng,
chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh
phúc của gia đình và xã hội.
2. Các mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu 1: Giảm tỷ
lệ tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích của trẻ em.
- Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn
thương tích đến năm 2025 xuống còn 100/100.000 trẻ em và 70/100.000 trẻ em vào
năm 2030.
- Giảm tỷ suất trẻ em bị tử
vong do tai nạn thương tích đến năm 2025 xuống còn 5/100.000 trẻ em và
4/100.000 trẻ em vào năm 2030.
- Hằng năm giảm từ 5 - 10% số
trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn thương tích giao thông đường bộ.
- Giảm 10% số trẻ em bị tử vong
do đuối nước đến năm 2025 và 20% vào năm 2030.
- 80% ngôi nhà thuộc các hộ gia
đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn đến năm 2025 và 95% vào năm 2030;
80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em đến năm 2025, đạt 90% vào năm 2030.
- 80% trường học đạt tiêu chuẩn
Trường học an toàn đến năm 2025, đạt 90% vào năm 2030
2.2. Mục tiêu 2: Truyền
thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng
đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em.
- 70% trẻ em, cha, mẹ và người
chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng, phòng chống tai nạn, thương
tích trẻ em đến năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.
- 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16
tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ đến năm 2025 và 95% vào
năm 2030.
- 65% trẻ em từ 6 đến dưới 16
tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước đến năm 2025 và 75% vào năm
2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn đến năm 2025 và 70% vào
năm 2030.
- 90% trẻ em sử dụng áo phao
khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử
dụng phao cứu sinh đến năm 2025 và 95% vào năm 2030.
2.3. Mục tiêu 3: Đào tạo
tập huấn về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ các cấp, các
ngành, đoàn thể có liên quan.
- 100% công chức, viên chức,
cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của
ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em.
- 70% cán bộ cấp xã, công chức,
viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ
em của ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở
cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống
tai nạn thương tích trẻ em đến năm 2025 và 90% vào năm 2030.
- 70% nhân viên y tế xã phường
thị trấn, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ
em bị tai nạn thương tích đến năm 2025 và 100% vào năm 2030.
- 100% cấp huyện, cấp xã trong
tỉnh triển khai thu thập thông tin, dữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em.
- Các huyện, thị xã, thành phố
trong tỉnh xem xét thí điểm và nhân rộng việc triển khai các kế hoạch hướng dẫn,
tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, an toàn trong
môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.
II. THỜI
GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI
- Thời gian: Từ tháng 9 năm
2021 đến tháng 12 năm 2030.
- Đối tượng: Là trẻ em dưới 16
tuổi trên địa bàn tỉnh An Giang.
- Phạm vi thực hiện: Thực hiện
toàn tỉnh, ưu tiên vùng có nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em cao.
III. NỘI
DUNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Tăng
cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến
thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các
ngành và toàn xã hội.
1.1. Phát triển các sản
phẩm truyền thông, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về phòng, chống tai
nạn, thương tích trẻ em phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc:
- Tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng các cấp: Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An
Giang, các mạng xã hội zalo, facebook, … loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã.
- Tổ chức các hoạt động truyền
thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về kiến thức phòng, chống tai nạn
thương tích cho trẻ em, xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em như: Triển lãm
tranh ảnh, hội thi, hội nghị, diễn đàn. Tuyên truyền thông qua mạng lưới cán bộ
làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, cộng tác viên khóm, ấp như: Tuyên
truyền nhóm nhỏ, sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em, vãng gia tại gia đình, cấp phát
tài liệu liên quan, …
Nhân bản các tài liệu truyền
thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em: Áp phích, sách mỏng, sổ tay,
tờ rơi, tranh, ảnh, …
Tuyên truyền trực quan ngoài trời:
Xây dựng cụm pano, đảm bảo mỗi điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích trẻ
em được lắp đặc các biển báo, cụm pano cảnh báo; xe hoa cổ động, khẩu hiệu,
băngrol, biển báo, …
Xây dựng góc truyền thông giới
thiệu về "Ngôi nhà an toàn" phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ
em tại UBND xã, phường, thị trấn; khóm, ấp; các trường mẫu giáo, mần non trên địa
bàn tỉnh.
1.2. Tổ chức, triển khai
các hoạt động truyền thông thường xuyên và chiến dịch truyền thông trực tiếp tại
cộng đồng, trường học, cơ sở giáo dục trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em:
- Tổ chức thường xuyên các đợt
chiến dịch truyền thông, giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc
biệt là tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước ở trẻ em, chiến dịch vận động sử
dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe máy; sử dụng áo
phao khi trẻ em tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông đường thủy.
- Tổ chức các cuộc thi với chủ
đề phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em với quy mô trên địa bàn toàn tỉnh
và được triển khai hàng năm và các đợt cao điểm như: Tháng hành động vì trẻ em,
tháng sinh hoạt hè, mùa nước lũ, … với nhiều hình thức phong phú.
- Duy trì các hội thi bơi lặng
cứu đuối cho trẻ em, tổ chức các lớp phổ cập bơi tại các trường, các địa phương
có nguy cơ cao và đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu
số trong các dịp hè hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Hướng
dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống
tai nạn, thương tích trẻ em. Thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo
dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng
đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.
Tăng cường cải tạo môi trường,
loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em thông qua việc nhân rộng
các mô hình an toàn như: Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an
toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Đẩy mạnh các can thiệp trực tiếp
giảm tai nạn, thương tích trẻ em trong đó ưu tiên triển khai các hoạt động can
thiệp phòng, chống các tai nạn, thương tích hàng đầu gây tử vong cho trẻ em bao
gồm: Đuối nước, tai nạn giao thông đường bộ, ngã, bỏng và súc vật cắn.
Tăng cường triển khai các hoạt
động phòng, chống đuối nước trẻ em; đảm bảo thực hiện các quy định an toàn
trong môi trường nước, các quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy.
Quan tâm công tác tư vấn, hướng
dẫn, giáo dục các kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ
em trong trường học, cộng đồng.
Tăng cường công tác tuyên truyền,
giáo dục, vận động và hướng dẫn nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt luật pháp,
chính sách và các quy định của Nhà nước về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ
em; tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại
chúng cho chính quyền địa phương, đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và
những người có liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em.
3. Nâng
cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công
tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể.
Tăng cường vai trò chỉ đạo của
của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em:
Định kỳ hằng năm, các cấp ủy Đảng cần lắng nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân
cùng cấp về kết quả triển khai thực hiện công tác chăm sóc trẻ em trong đó có
công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tăng cường vai trò trách nhiệm
của chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em
trong việc bố trí triển khai và bố trí nguồn lực để thực hiện.
Tăng cường vai trò điều phối,
phối hợp và nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch liên tịch giữa cơ quan nhà nước
các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, đơn vị, doanh nghiệp trên địa
bàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Tổ chức hội nghị, hội thảo
chuyên đề triển khai Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt
là tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước ở trẻ em cho cán bộ các Ban, ngành,
đoàn thể có liên quan các cấp.
Tổ chức các lớp tập huấn cung cấp
kiến thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, kỹ năng xây dựng
kế hoạch và triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích
trẻ em tại cộng đồng, kỹ năng giám sát các quy định về “Ngôi nhà an toàn”
phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước ở trẻ em cho đội ngũ
cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và mạng lưới cộng tác viên
khóm, ấp.
4. Rà
soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn,
tiêu chí về an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ
sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em.
Thường xuyên kiểm tra, thanh
tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn về phòng,
chống tai nạn, thương tích trẻ em để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Hoàn
thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.
Tăng cường công tác phối hợp
liên ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các Ban, ngành, đoàn thể
ban hành kế hoạch cần bám sát Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
của tỉnh.
Đổi mới, mở rộng, nâng cao chất
lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em. Đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin,
giáo dục, truyền thông bảo đảm tính thân thiện, có chất lượng, phù hợp với đặc
điểm của từng nhóm đối tượng, văn hóa, ngôn ngữ của từng địa phương, trong đó
chú trọng truyền thông cho trẻ em có nguy cơ cao, cha mẹ, người chăm sóc và cộng
đồng.
Tăng cường vai trò điều phối,
phối hợp và nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch liên tịch giữa cơ quan nhà nước
các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, đơn vị, doanh nghiệp trên
địa bàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
5. Xây
dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Hướng dẫn thực hiện và nhân rộng
tiêu chí Ngôi nhà an toàn, tiêu chuẩn Trường học an toàn về phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Theo dõi, kiểm tra,
đánh giá công nhận đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn phòng, chống
tai nạn, thương tích trẻ em.
Rà soát, hoàn thiện, hướng dẫn
thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn và nhân rộng
mô hình xã, phường, thị trấn đạt cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em.
Huy động sự tham gia của các cấp,
các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới,
gia cố, cải tạo các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Xây dựng mô hình an toàn phòng,
chống tai nạn thương tích trẻ em:
a) Mô hình “Ngôi nhà an
toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Duy trì mô hình điểm “Ngôi nhà
an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em (theo 33 tiêu chí của Quyết định
số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
tại 56/156 xã, phường, thị trấn; nhân rộng đến 100% xã, phường, thị trấn còn lại
trong toàn tỉnh. Tổ chức triển khai đến 100% hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi
các quy định xây dựng “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích cho
trẻ em. Các hoạt động cụ thể:
+ Khảo sát, chấm điểm theo 33
tiêu chí quy định tại Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 5 năm 2011 của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Xác định những tiêu chí chưa
đạt trong mỗi ngôi nhà, xác định nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em, hướng
dẫn gia đình cách loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em.
+ Cộng tác viên khóm, ấp thường
xuyên giám sát các hộ gia đình theo quy định về ngôi nhà an toàn phòng, chống
tai nạn thương tích cho trẻ em.
+ Vận động các hộ gia đình có
ngôi nhà chưa an toàn cho trẻ em cam kết xây dựng Ngôi nhà an toàn.
+ Hằng năm tổ chức đánh giá,
UBND xã cấp giấy chứng nhận hộ gia đình đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” theo
quy định.
b) Mô hình “Trường học
an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá
Trường học an toàn, tổ chức triển khai, nhân rộng cho các trường học trong tỉnh;
tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận các trường đạt tiêu chuẩn Trường
học an toàn cho trẻ em.
Cải tạo môi trường học tập, điểm
vui chơi, giải trí cho trẻ em trong trường học nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai
nạn thương tích cho trẻ em.
Tổ chức các hoạt động ngoại
khoá tập trung tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích
trẻ em, tổ chức các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn
thương tích cho trẻ em.
c) Mô hình “Cộng đồng an
toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Duy trì và nhân rộng đến năm
2025 đạt 70% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an
tòan” và đến năm 2030 có 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an
tòan”.
Triển khai các hoạt động chuyên
môn, kỹ thuật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng; phát
triển hệ thống sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, điều trị cho trẻ em bị tai
nạn thương tích tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Nghiên cứu; hướng dẫn trẻ
em, gia đình, cộng đồng sử dụng các trang thiết bị an toàn không gây tai nạn
thương tích cho trẻ em.
Rà soát, hoàn thiện các tiêu
chuẩn, các quy định về cộng đồng an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các quy định về cộng đồng an toàn cho trẻ em.
6. Các
can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích
trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng ngừa tai nạn giao
thông trẻ em, phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, phòng ngừa trẻ em tự tử.
6.1. Phòng, chống đuối nước
trẻ em
+ Tư vấn, giáo dục kiến thức, kỹ
năng về an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học, cộng đồng, cơ
sở nuôi dưỡng trẻ em; giám sát, trông giữ trẻ an toàn. Can thiệp loại bỏ nguy cơ
gây tai nạn đuối nước cho trẻ em; phòng, chống đuối nước trong thiên tai, bão
lũ. Nhân rộng các mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em, điểm giữ trẻ mùa lũ,
các hồ bơi di động tại các địa phương, đặc biệt mô hình dạy bơi an toàn.
+ Hướng dẫn các cơ sở dịch vụ
thể dục, thể thao liên quan đến hoạt động bơi, lặn bảo đảm an toàn phòng, chống
đuối nước trẻ em. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về an toàn
phòng, chống đuối nước trẻ em.
+ Nhà trường chủ động xây dựng
kế hoạch tổ chức dạy bơi cho trẻ em, học sinh; giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để
cán bộ, giáo viên có chuyên môn được tham gia dạy bơi hoặc tự tổ chức dạy bơi
cho trẻ em, học sinh vào dịp hè. Cùng với việc dạy cho trẻ kỹ năng bơi, giáo
viên cần cung cấp cho trẻ em, học sinh kỹ năng cứu hộ và kiến thức về an toàn
dưới nước.
6.2. Phòng, chống tai nạn
giao thông đường bộ cho trẻ em
Vận động toàn xã hội, cộng đồng,
người dân sử dụng các trang thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông
đường bộ như: Mũ bảo hiểm, dây đai an toàn, ghế ngồi an toàn. Cung cấp kiến thức,
kỹ năng, các quy định an toàn giao thông đường bộ cho cha mẹ, trẻ em tại trường
học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và cộng đồng. Nhân rộng các mô hình an toàn giao
thông đường bộ cho trẻ em, mô hình cổng trường an toàn, các mô hình can thiệp
giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em tại khu vực có tập
trung đông trẻ em. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định an toàn giao
thông cho trẻ em. Học sinh được học, được phổ biến, thảo luận Luật giao thông;
các quy định của các cấp về đảm bảo an toàn giao thông; học sinh, cha mẹ học
sinh cam kết không vi phạm về an toàn giao thông; có quy chế xử lý cán bộ, giáo
viên, học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông. Xung quanh trường học phải
có hệ thống tường rào, cổng chắc chắn và có người quản lý để học sinh không
chơi, đùa ngoài đường, gần kênh rạch, ...
6.3. Phòng, chống rơi, ngã
cho trẻ em
Rà soát và thực hiện các quy định,
tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn phòng, chống rơi, ngã cho trẻ em tại gia đình,
cộng đồng, trường học đặc biệt là tại các công trình xây dựng, chung cư, nhà
cao tầng. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí
an toàn phòng, chống rơi, ngã cho trẻ em nhất là tại các công trình xây dựng,
chung cư, nhà cao tầng.
6.4. Phòng, chống cháy, bỏng
cho trẻ em
Rà soát và thực hiện các quy định,
tiêu chuẩn, tiêu chí về phòng, chống cháy, bỏng cho trẻ em. Cung cấp, hướng dẫn
cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em kiến thức, kỹ năng về phòng, chống
cháy, bỏng, xử lý tình huống nguy hiểm và sơ cấp cứu khi bị cháy, bỏng. Kiểm
tra, thanh tra việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn an toàn về phòng, chống
cháy, bỏng tại gia đình, trường học và các công trình công cộng có trẻ em tham
gia hoạt động.
6.5. Phòng, chống động vật cắn
cho trẻ em
Nghiên cứu, rà soát các quy định
về phòng, chống động vật cắn đối với trẻ em, nhất là động vật nuôi trong gia
đình; cung cấp, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em các kiến thức,
kỹ năng về phòng, chống động vật cắn và sơ cấp cứu khi bị động vật cắn. Kiểm
tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống động vật cắn đối với
trẻ em tại gia đình và cộng đồng.
6.6. Phòng ngừa trẻ em tự tử
Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ,
nguyên nhân tự tử ở trẻ em. Rà soát, các quy định pháp luật, chính sách về cung
cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Cung
cấp, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em các kiến thức,
kỹ năng để phòng ngừa tự tử ở trẻ em; phát hiện sớm và theo dõi, hỗ trợ, các
trường hợp trẻ em có nguy cơ tự tử.
6.7. Phòng chống bỏng, điện
giật, cháy nổ cần tập trung
Có nội quy phòng, chống điện giật,
cháy nổ; các bảng điện phải có nắp đậy và để cao trên 1,6 m so với nền nhà,
phòng học; hệ thống điện trong lớp học, phòng học bộ môn, thư viện… phải đảm bảo
quy định về an toàn điện; có trang, thiết bị phòng, chữa cháy đặt ở nơi thuận
tiện cho việc sử dụng.
6.8. Phòng chống ngộ độc cần
tập trung
Trong khuôn viên của nhà trường,
cảnh quan đô thị, công viên, nơi vui chơi cho trẻ em, … không trồng những cây
có vỏ, lá, hoa chứa chất độc hại.
7. Kiện
toàn hệ thống sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm
an toàn tính mạng, giảm tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khỏe cho trẻ em
do tai nạn, thương tích.
Đảm bảo các điều kiện về cơ sở
vật chất tại các Trạm y tế cấp xã để thực hiện sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn và
điều trị giúp giảm tử vong, tàn tật và tổn thất về sức khỏe của trẻ, giảm thiểu
nỗi đau cho cha mẹ và gia đình.
Trạm y tế hướng dẫn người dân đến
các cơ sở y tế tuyến trên để phục hồi chức năng.
Tập huấn kiến thức liên quan đến
sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn và điều trị giúp giảm tử vong, tàn tật và tổn thất
về sức khỏe của trẻ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
Cung cấp kiến thức và hướng dẫn
một số kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu cho cha, mẹ người chăm sóc trẻ để
thực hiện trong một số trường hợp liên quan đến tai nạn thương tích thông thường.
8. Tăng
cường hợp tác, vận động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; sự tham gia của các cấp,
các ngành, đoàn thể, cộng đồng, người dân trong triển khai thực hiện Kế hoạch.
Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
và cam kết quốc tế trong phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và đảm bảo
các quyền trẻ em. Củng cố, tăng cường hợp tác quốc tế theo hướng đa phương hóa,
đa dạng hóa các mối quan hệ với các tổ chức Liên hợp quốc, song phương, đa
phương để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và kỹ năng quản lý phục vụ
công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Phối hợp với các tổ chức quốc tế
hỗ trợ các mô hình về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, chia sẻ kinh nghiệm
và học hỏi kinh nghiệm triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em. Tăng cường chia sẻ, học hỏi, trao đổi các kinh nghiệm, bài học về
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em với các quốc gia trong khu vực và trên
thế giới.
9. Tăng
cường công tác kiểm tra, thanh tra, theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch. Xây
dựng bộ chỉ tiêu theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, lồng ghép cơ sở dữ liệu
về tai nạn, thương tích trẻ em trong hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em. Ứng dụng
công nghệ thông tin trong thống kê, thu thập số liệu, chỉ tiêu về tai nạn,
thương tích trẻ em. Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tình hình tai nạn, thương
tích trẻ em.
Ngành Lao động - Thương binh và
Xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai, hướng dẫn việc thu thập thông tin và
xử lý số liệu về tai nạn thương tích tại cộng đồng cho cán bộ phụ trách công
tác y tế và bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở.
Thực hiện thường xuyên chế độ
thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo các chỉ số liên quan tới phòng, chống tai
nạn thương tích trẻ em hàng tháng, quý, 6 tháng và năm; đồng thời báo cáo các
trường hợp tai nạn thương tích trẻ em đột xuất tại cộng đồng thông qua mạng lưới
cộng tác viên khóm, ấp; cán bộ trẻ em trẻ em xã, phường, thị trấn.
Khảo sát, đánh giá đầu kỳ (năm
2021), khảo sát giữa kỳ (2025) và cuối kỳ (cuối năm 2030) làm căn cứ đánh giá
các mục tiêu đề ra, đồng thời tổng kết đánh giá thực hiện Kế hoạch.
Ngoài ra, ngành Lao động -
Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương
có liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ để đánh giá thực hiện kế hoạch.
IV. KINH
PHÍ
Ngân sách nhà nước được bố trí
trong dự toán chi ngân sách hằng năm của các cơ quan, đơn vị và địa phương theo
phân cấp ngân sách hiện hành; các chương trình, dự án, đề án có liên quan khác
theo quy định của pháp luật.
Huy động từ cộng đồng xã hội;
nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn
hợp pháp khác (nếu có).
Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế
hoạch này, các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động lập dự toán chi hằng năm
theo phân cấp ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì phối hợp với các ban
ngành liên quan và UBND cấp huyện hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng,
chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, rà soát
tăng cường việc thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn
thương tích trẻ em đặc biệt là phòng chống đuối nước trẻ em. Điều phối công tác
phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tổ chức các hoạt động truyền
thông nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em bằng nhiều
hình thức phong phú trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo, đài,
các mạng xã hội, các pano, áp phích, …; triển khai tư vấn, phổ biến kiến thức,
kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng
cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở; tăng cường
công tác tập huấn tuyên truyền đến các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em
kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là kiến thức
phòng, chống tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Phối hợp các cấp, các ngành triển
khai hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí cộng đồng an toàn và
xây dựng ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em theo Quyết định
số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng thời rà soát, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các
chính sách về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Tổ chức xây dựng nhân rộng các
mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, triển khai điểm giữ trẻ mùa
lũ, triển khai các hồ bơi di động phủ khắp tại 156 xã, phường, thị trấn, nhằm
giúp cho trẻ em có nơi để học bơi.
Phối hợp với các ngành liên
quan kiểm tra, thanh tra, theo dõi, thu thập số liệu, đánh giá kết quả việc thực
hiện Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết (năm 2025), hội nghị
tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch vào cuối năm 2030 và xây dựng Kế hoạch
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn tiếp theo.
2. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì phối hợp với các Sở,
ban, ngành liên quan triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ
em trong các hoạt động và thiết chế của ngành văn hóa, thể thao và du lịch
trong đó chú trọng việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em, hướng dẫn kỹ năng bơi an
toàn, kỹ năng bơi lặn cứu đuối, kiểm tra chương trình dạy bơi cho trẻ em. Nâng
cao năng lực cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch về phòng chống tai
nạn, thương tích trẻ em. Hướng dẫn các cơ sở dịch vụ thể dục thể thao liên quan
đến hoạt động bơi, lặn bảo đảm an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Thường xuyên kiểm tra, thanh
tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các cơ sở dịch vụ và hoạt động luyện
tập thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch. Lồng ghép nội dung phòng, chống
tai nạn, thương tích trẻ em trong công tác gia đình.
Hướng dẫn thực hiện quy định an
toàn tại bể bơi, hồ bơi công cộng, phương tiện đường thủy, các bến tàu, bến đò
vận chuyển hành khách.
Tổ chức thực hiện tuyên truyền,
lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em trong
các hoạt động chuyên môn của ngành bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú,
đa dạng.
3. Sở Y tế
Chủ trì phối hợp với các Sở,
ban, ngành có liên quan triển khai các mô hình về phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em của ngành; chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong
việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị vận chuyển cấp cứu, điều trị, phục hồi
chức năng cho trẻ em bị tai nạn thương tích được đưa đến cơ sở y tế; nâng cao năng
lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành y tế về
phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Lồng ghép phòng, chống tai nạn,
thương tích trong xây dựng Cộng đồng an toàn của ngành y tế. Thường xuyên theo
dõi, thu thập số liệu về tai nạn, thương tích trẻ em trong các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh.
4. Sở
Giao thông vận tải
Triển khai công tác phòng, chống
tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy cho trẻ em. Đảm bảo các tiêu chí, quy định
về phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em trong các công trình xây dựng cầu,
đường. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của
ngành giao thông vận tải về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Rà soát
hướng dẫn về tiêu chuẩn bảo đảm an toàn phương tiện đưa đón trẻ em, học sinh đến
trường. Phối hợp với Sở Giáo dục
- Đào tạo triển khai công tác
phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em trong trường học.
5. Sở
Giáo dục - Đào tạo
Triển khai công tác phòng chống
tai nạn, thương tích trẻ em và học sinh trong trường học. Xây dựng, nhân rộng
triển khai mô hình “Trường học an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích cho
trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp
về kiến thức phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Tăng cường công tác tuyên truyền,
giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong nhà
trường cho học sinh và cha mẹ học sinh trong các bậc học, cần chú trọng kiến thức,
kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông và đuối nước; giáo dục kỹ năng bơi an
toàn cho học sinh.
6. Công
an tỉnh
Triển khai công tác phòng, chống
tai nạn, thương tích trẻ em trong lực lượng của ngành, tăng cường công tác quản
lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Kiểm tra tuần tra, kiểm soát và xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy,
phòng cháy, chữa cháy, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, pháo, đồ chơi nguy hiểm và
các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.
Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích
trẻ em do ngành công an quản lý tại các địa phương.
7. Sở
Thông tin và Truyền thông
Triển khai cho các cơ quan
thông tin, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức phổ biến, tuyên truyền
thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Phát triển các ứng
dụng công nghệ thông tin, viễn thông, internet và trên các trang mạng xã hội, …
để truyền thông, phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật, chính sách về phòng
chống tai nạn thương tích trẻ em.
8. Sở Tài
chính
Phối hợp các cơ quan, đơn vị và
địa phương có liên quan, tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế
hoạch này trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm trên cơ sở lồng ghép với
các chương trình, dự án và các nguồn hợp pháp khác (nếu có) theo quy định về
phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.
9. Báo An
Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang
Đẩy mạnh tuyên truyền chủ
trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em. Nâng cao chất lượng, bố trí tin, bài, chuyên trang, chuyên
đề, chuyên mục, thời gian thời lượng quảng bá phù hợp cho các kênh, chương
trình, nội dung về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
10. Sở Xây
dựng
Rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí an
toàn cho trẻ em và thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành tiêu chuẩn,
tiêu chí an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các công trình
xây dựng, xây lắp, tại chung cư, nhà cao tầng.
11. Sở
Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn
Triển khai công tác phòng chống
tai nạn, thương tích trẻ em theo lĩnh vực của ngành, đồng thời phối hợp với các
Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện lồng ghép kế hoạch phổ cập bơi, phòng chống
đuối nước trẻ em vào các chương trình, kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh;
hướng dẫn và quản lý đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, vật nuôi, trồng trọt (cây
xanh, cây cảnh trang trí, ...) tại gia đình và cộng đồng để phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em.
12. Các Sở,
ban, ngành cấp tỉnh
Triển khai thực hiện Kế hoạch
theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị về phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em; hàng năm báo cáo việc thực hiện Kế hoạch cho Ủy ban nhân
dân tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
13. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh và các tổ chức
chính trị - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động lồng
ghép tham gia thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm
nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Giám sát việc
thực hiện pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn về phòng, chống tai nạn, thương
tích trẻ em tại địa phương.
14. Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn thực hiện triển khai Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030; chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã
hội phối hợp với các Phòng, ban, đơn vị ở địa phương xây dựng Kế hoạch, triển
khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh An Giang
giai đoạn 2021 - 2030 tại địa phương.
Chủ động đề xuất các giải pháp,
các mô hình về phòng, chống tai nạn, thương tích phù hợp với từng địa phương, đặc
biệt chú trọng triển khai xây dựng môi trường an toàn, thực hiện các giải pháp
kiểm soát, giảm tai nạn thương tích trẻ em. Hướng dẫn giáo dục kỹ năng phòng,
chống tai nạn thương tích trẻ em nhất là kỹ năng an toàn trong môi trường nước
và bơi an toàn cho trẻ em.
Tăng cường công tác kiểm tra,
thanh tra việc thực hiện kế hoạch tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời xử lý
nghiêm các trường hợp lơ là thiếu trách nhiệm trong việc triển khai Kế hoạch
phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại địa phương.
Định kỳ hàng năm, đột xuất báo
cáo số liệu, tình hình tai nạn thương tích trẻ em, kết quả thực hiện kế hoạch về
Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực
hiện Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại địa phương.
Bố trí ngân sách, nhân lực của
địa phương và vận động tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công
tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở địa phương.
Ủy ban nhân dân yêu cầu Thủ trưởng
Sở ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thị xã, thành phố nghiêm
túc triển khai thực. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc thì kịp
thời báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tham mưu đề xuất
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Website tỉnh và Văn phòng;
- Phòng: KGVX, TH;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Phước
|