ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/CT-UBND
|
Quảng Nam, ngày 04
tháng 02 năm 2016
|
CHỈ THỊ
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HƯỚNG TỚI
XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH
Thời gian qua, việc ứng dụng công
nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn
tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả, bước
đầu thiết lập được nền tảng về hạ tầng kỹ thuật, triển khai các phần mềm, cơ sở
dữ liệu dùng chung tại các cơ quan, đơn vị như quản lý văn bản và điều hành tác
nghiệp, một cửa điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…, góp phần đẩy mạnh
thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh
nghiệp. Một số kết quả quan trọng trong công tác ứng dụng CNTT như: tỷ lệ văn
bản điện tử trao đổi qua mạng ngày càng tăng, giảm dần văn bản giấy, từng bước
tạo thói quen làm việc qua mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt
được, công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn
tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế như: các ứng dụng CNTT còn mang tính nhỏ lẻ,
chưa liên thông, tích hợp; đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT còn thiếu; ứng
dụng CNTT chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt tại khu vực miền núi
và cấp xã; hạ tầng CNTT và truyền thông chưa hoàn thiện, còn thiếu và yếu; vấn
đề an toàn và bảo mật thông tin chưa được chú trọng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn
chế nêu trên, đồng thời triển khai thực hiện tốt Nghị quyết
số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Ủy ban nhân
dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành,
Hội, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP
ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trên cơ sở định hướng chiến
lược của địa phương, của ngành và kế hoạch hành động về xây dựng chính quyền
điện tử của tỉnh, các đơn vị xây dựng kế hoạch hành động về ứng dụng CNTT và triển
khai Chính quyền điện tử phục vụ công tác quản lý, điều hành, cải cách thủ tục
hành chính.
b) Triển khai vận hành, ứng dụng
có hiệu quả các hệ thống CNTT bao gồm phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu đã đầu
tư, xây dựng (bao gồm các hệ thống dùng chung do tỉnh triển khai như phần mềm
quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, một cửa điện tử, email công vụ, mạng
WAN, …và các phần mềm do đơn vị tự trang bị). Đánh giá hiệu quả của các hệ
thống CNTT, báo cáo các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai về Sở
Thông tin và Truyền thông để có giải pháp khắc phục. Trong đó, cần tập trung
triển khai vận hành tốt các hệ thống như sau:
- Sở Nội vụ: rà soát, cập nhật,
vận hành có hiệu quả hệ thống Quản lý cán bộ công chức, đảm bảo quản lý hồ sơ
cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
- Sở Tư pháp: vận hành có hiệu quả
phần mềm hộ tịch, đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống
khác phục vụ cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
- Sở Công Thương: khai thác, vận
hành sàn thương mại điện tử tỉnh phục vụ cho việc quảng bá giới thiệu sản phẩm,
doanh nghiệp của tỉnh trên mạng internet.
- Thanh tra tỉnh: triển khai phần
mềm Quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo đảm bảo hiệu quả, thông suốt.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: hoàn
thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, hồ sơ địa chỉ, có giải pháp chia
sẻ dữ liệu nền GIS để hỗ trợ các ngành ứng dụng GIS trong công tác quản lý.
c) Rà soát, lựa chọn các thủ tục
hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị để triển khai cung cấp trực
tuyến từ mức độ 3 trở lên, xây dựng danh mục và lộ trình cung cấp dịch vụ công
trực tuyến theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, Kế hoạch cung cấp dịch
vụ công trực tuyến của tỉnh theo Quyết định số 3605/QĐ-UBND ngày 07/10/2015 của
UBND tỉnh và tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
d) Thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng
CNTT của cơ quan, đơn vị do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm Trưởng ban để chỉ
đạo triển khai ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị.
e) Định kỳ hàng năm tổ chức tổng
kết, đánh giá kết quả triển khai ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị; báo cáo UBND
tỉnh thông qua Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Chính
quyền điện tử tỉnh đến năm 2020.
- Phối hợp với các Sở, Ban,
ngành, Hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng dự
án Chính quyền điện tử tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong tháng
3/2016 theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
- Rà soát, đánh giá hiệu quả các
hệ thống CNTT đã đầu tư xây dựng, có giải pháp liên thông, tích hợp giữa các hệ
thống, đảm bảo thống nhất, tập trung, thuận tiện cho việc truy cập, khai thác
thông tin của các đơn vị.
- Hướng dẫn các ngành, địa phương
xây dựng kế hoạch và triển khai ứng dụng CNTT có hiệu quả, phù hợp với tình
hình thực tế và yêu cầu về công tác quản lý của các đơn vị. Đôn đốc, hỗ trợ các
ngành, địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng CNTT
đã được phê duyệt theo đúng quy định và đảm bảo hiệu quả.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở
Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm cho hoạt động ứng
dụng, phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Văn phòng UBND
tỉnh, Sở Nội vụ triển khai thực hiện kết nối liên thông Hệ thống Quản lý văn
bản của tỉnh với Văn phòng Chính phủ và kết nối liên thông văn bản điện tử giữa
các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nội vụ triển
khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng CNTT
gắn kết với việc thực hiện cải cách hành chính.
- Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ lồng ghép nội dung ứng dụng CNTT trong việc xây dựng và áp dụng Hệ
thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO (ISO điện tử).
- Tham mưu kế hoạch triển khai
thuê dịch vụ CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh
theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy
định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
- Tăng cường công tác đảm bảo an
toàn, bảo mật thông tin và đào tạo nhân lực CNTT, đặc biệt là xây dựng đội ngũ
chuyên gia CNTT nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng và vận hành Chính quyền
điện tử của tỉnh.
3. Văn phòng UBND tỉnh: Chủ trì
trong việc kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ
và với các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tham
mưu ban hành quy định về sử dụng văn bản điện tử đối với các hồ sơ trình UBND
tỉnh.
4. Sở Nội vụ: Thực hiện
có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng
dụng CNTT. Đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong cơ chế một cửa,
một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ứng
dụng CNTT để thực hiện công tác thi tuyển, nâng ngạch công chức một cách minh
bạch, công bằng và xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý, đánh
giá cán bộ, công chức trên phạm vi toàn tỉnh.
5. Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh
- Truyền hình Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh tăng
cường tuyên truyền về ứng dụng CNTT, Chính quyền điện tử và các dịch vụ công
trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để người dân, doanh nghiệp biết
và khai thác.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông
chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND
tỉnh kiểm tra, đôn đốc, định kỳ hàng năm sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chỉ
thị này, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận:
- Văn phòng CP (b/c);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Nam, Đài PT-TH Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử
tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, NC, KTTH, KTN, TH, VX.
|
TM. ỦY
BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đinh Văn Thu
|