Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 số 19/2023/QH15 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 19/2023/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 20/06/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023, trong đó có nội dung mới quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Theo đó, nhằm hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định như sau:

- Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản,… . Bao gồm những đối tượng sau:

+ Người cao tuổi;

+ Người khuyết tật;

+ Trẻ em;

+ Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

+ Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

+ Người bị bệnh hiểm nghèo;

+ Thành viên hộ nghèo.

- Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương được thực hiện như sau:

+ Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động, tự chịu trách nhiệm khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

+ Khi các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của các đối tượng người tiêu dùng này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương nếu chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng này cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 phù hợp với thẩm quyền theo quy định.

Xem chi tiết tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

 

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 19/2023/QH15

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2023

LUẬT

BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người tiêu dùng.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội.

4. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:

a) Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại;

b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

3. Thông tin của người tiêu dùng bao gồm thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng và thông tin khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

4. Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bao gồm:

a) Sản phẩm, hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;

b) Sản phẩm, hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng;

c) Sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.

5. Giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.

6. Cung cấp dịch vụ liên tục là việc cung cấp dịch vụ có thời hạn từ 03 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.

7. Bán hàng trực tiếp là việc tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tiếp cận người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bán, cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm các hình thức sau đây:

a) Bán hàng tận cửa là hoạt động bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng;

b) Bán hàng đa cấp là hoạt động bán hàng hóa thông qua mạng lưới cá nhân tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó cá nhân tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của cá nhân khác trong mạng lưới;

c) Bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên là hoạt động giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ sản phẩm, hàng hóa cố định, giới thiệu, cung cấp dịch vụ thường xuyên.

8. Giao dịch đặc thù bao gồm giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bán hàng trực tiếp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

9. Người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ.

10. Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế - xã hội.

Điều 4. Quyền của người tiêu dùng

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

2. Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.

3. Lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch; thỏa thuận các nội dung giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết.

4. Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

5. Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

6. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

9. Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

10. Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nghĩa vụ của người tiêu dùng

1. Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

2. Tiêu dùng không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình và của người khác.

3. Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật.

4. Thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

5. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

2. Quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

3. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được chủ động thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

4. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác.

5. Bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Điều 7. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và phát huy sự chủ động trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích, tôn vinh người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Tạo điều kiện thuận lợi huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nhân lực cho cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan, tổ chức có liên quan; khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa công tác tư vấn, hỗ trợ, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức, hướng dẫn kỹ năng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đa dạng hóa các kênh phân phối hiện đại, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

5. Đẩy mạnh hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Nâng cao đạo đức kinh doanh, hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và bền vững; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

7. Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, lưu thông, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công nghệ thân thiện môi trường hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao lợi ích của người tiêu dùng;

b) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ tiên tiến, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để sản xuất, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

c) Tham gia chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững của khu vực và thế giới.

Điều 8. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

1. Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:

a) Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;

b) Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

c) Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em;

d) Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

đ) Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

e) Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;

g) Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

2. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương được thực hiện như sau:

a) Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm;

e) Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều này phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm việc thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật;

b) Áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương;

c) Không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương quy định tại điểm c khoản 2 Điều này do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán;

d) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch;

đ) Xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc biện pháp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương;

e) Xây dựng, cập nhật, công khai cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương các nội dung quy định tại khoản này theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung đó.

Trách nhiệm quy định tại điểm này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp doanh nghiệp đó thực hiện giao dịch quy định tại Chương III của Luật này;

g) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh

1. Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này chỉ phải thực hiện các trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình bán, cung cấp cho người tiêu dùng;

b) Không được bán, cung cấp cho người tiêu dùng các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội;

c) Cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình bán, cung cấp cho người tiêu dùng;

d) Đổi hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa từ người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình bán, cung cấp không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng như thông tin mà mình cung cấp;

đ) Chấp hành quyết định thu hồi sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa do mình bán, cung cấp thuộc diện phải thu hồi; chịu chi phí để tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa phải tiêu hủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

e) Trách nhiệm khác theo quy định của Chính phủ.

2. Căn cứ vào quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

3. Căn cứ vào quy định của Luật này, quy định của Chính phủ và điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã, ban quản lý chợ, khu thương mại triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người tiêu dùng khi mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh;

b) Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng;

c) Ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng thông qua việc thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác có tính chất tương tự;

d) Ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

đ) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

e) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

g) Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;

h) Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

i) Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

k) Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;

l) Quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 của Luật này trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

m) Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp;

b) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp;

c) Kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; tổ chức hoạt động giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

d) Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ hoặc hình thức khác không phải là mua bán hàng hóa, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên giao dịch mua bán hàng hóa;

e) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như là điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ;

b) Hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng số mà không công khai tiêu chí lựa chọn;

c) Sử dụng biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội;

d) Sử dụng biện pháp ngăn cản đăng ký, hoạt động, đánh giá, hiển thị phản hồi của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

đ) Ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn mà không ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật cơ bản giúp nền tảng số vận hành bình thường hoặc buộc người tiêu dùng cài đặt phần mềm, ứng dụng kèm theo trên nền tảng số;

e) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 11. Yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng

1. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực được phân công.

3. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhận được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan nhà nước khác thì có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến cơ quan đó và thông báo cho người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan biết.

4. Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Điều 12. Hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa phải là thành viên của điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không được trái với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế.

3. Phạm vi hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tham vấn, trao đổi thông tin, tài liệu, tiếp nhận và giải quyết tranh chấp, xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 13. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam

1. Ngày 15 tháng 3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

2. Chính phủ quy định việc tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH ĐỐI VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 14. Bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng theo đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cảnh báo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng và thông báo về các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thi phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Việc ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp người tiêu dùng thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 16. Xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng

1. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng với các nội dung sau đây:

a) Mục đích thu thập thông tin;

b) Phạm vi sử dụng thông tin;

c) Thời hạn lưu trữ thông tin;

d) Biện pháp bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng.

2. Nội dung quy định tại khoản 1 Điều này phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có), tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin.

Điều 17. Thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thiết lập phương thức rõ ràng để người tiêu dùng lựa chọn phạm vi thông tin đồng ý cung cấp và bày tỏ sự đồng ý hoặc không đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, điểm b và điểm c khoản 3 Điều 18 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp thu thập thông tin đã được người tiêu dùng công khai hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Sử dụng thông tin của người tiêu dùng

1. Trước khi tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng thì phải thông báo lại và được người tiêu dùng đồng ý về việc thay đổi.

2. Việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng quy định trong Luật này bao gồm cả việc chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý, trừ các trường hợp sau đây:

a) Có thỏa thuận riêng với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi sử dụng ngoài những mục đích, phạm vi đã thông báo;

b) Để bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo yêu cầu của người tiêu dùng và chỉ trong phạm vi thông tin do người tiêu dùng đã đồng ý;

c) Để thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép thực hiện các hành vi sau đây:

a) Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh, chuyển giao thông tin đã được thu thập phù hợp quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ hoặc phân tích phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã có thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định tại Luật này;

b) Sử dụng thông tin của người tiêu dùng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có tính chất thương mại khác.

Điều 19. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng mà họ thu thập, lưu trữ, sử dụng và có biện pháp ngăn ngừa các hành vi sau đây:

a) Đánh cắp hoặc tiếp cận thông tin trái phép;

b) Sử dụng thông tin trái phép;

c) Chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin trái phép.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin bị thu thập trái phép, sử dụng sai mục đích, phạm vi đã thông báo.

3. Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện hệ thống thông tin bị tấn công và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 20. Kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ, chuyển giao, ngừng chuyển giao thông tin của người tiêu dùng

1. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ, chuyển giao hoặc ngừng chuyển giao thông tin của mình cho bên thứ ba.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc cung cấp cho người tiêu dùng công cụ, thông tin để tự thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 16 của Luật này hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 21. Cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho người tiêu dùng

Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

1. Cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về các nội dung sau đây:

a) Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, xuất xứ hàng hóa, thời hạn sử dụng, phí, chi phí, phương thức, thời hạn giao hàng, phương thức vận chuyển, thanh toán;

b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh;

c) Nhận xét, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh (nếu có);

2. Thực hiện ghi nhãn hàng hóa bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa theo quy định của pháp luật;

3. Niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá;

4. Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của sản phẩm, hàng hóa;

5. Cung cấp hướng dẫn sử dụng; chính sách bảo hành theo quy định tại Điều 30 của Luật này trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có bảo hành;

6. Minh bạch thông tin về thành phần, chức năng, lợi ích khác biệt đối với sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, dịch vụ được cung cấp dành riêng cho từng giới tính;

7. Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

Điều 22. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan (nếu có);

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

d) Thực hiện quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thông qua phương tiện truyền thông thì chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Xây dựng, phát triển, thực hiện giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng;

c) Từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để quấy rối người tiêu dùng;

d) Ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua người có ảnh hưởng thì người có ảnh hưởng có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Điều 23. Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

1. Hình thức hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Ngôn ngữ, hình thức của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp bằng văn bản phải được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu.

Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng.

3. Hợp đồng theo mẫu phải có các nội dung cơ bản sau đây:

a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);

b) Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp theo hợp đồng;

c) Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp, các thành phần cấu thành giá cuối cùng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu pháp luật có quy định phải công khai cấu thành giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

d) Phương thức, thời hạn thanh toán;

đ) Thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên bảo đảm tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

g) Trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng;

h) Trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng;

i) Trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;

k) Phương thức giải quyết tranh chấp;

l) Thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng.

4. Ngoài các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều này, hợp đồng theo mẫu phải tuân thủ quy định của pháp luật khác có liên quan,

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 24. Giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì việc giải thích được thực hiện theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Điều 25. Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được quy định các điều khoản sau đây:

1. Hạn chế, loại trừ trách nhiệm được pháp luật quy định của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật liên quan quy định trách nhiệm đó được hạn chế, loại trừ;

2. Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;

3. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi quy định của hợp đồng đã giao kết với người tiêu dùng;

4. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi điều kiện giao dịch chung mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng;

5. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số trách nhiệm;

6. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

7. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi giá trong quá trình cung cấp dịch vụ liên tục mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng;

8. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh giải thích hợp đồng, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp điều khoản của hợp đồng, điều kiện giao dịch chung được hiểu khác nhau;

9. Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua bên thứ ba;

10. Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ trách nhiệm khi tổ chức, cá nhân kinh doanh không hoàn thành trách nhiệm của mình;

11. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao trách nhiệm cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

12. Quy định về chế tài theo hướng bất lợi hơn cho người tiêu dùng do vi phạm hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng;

13. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh gia hạn hợp đồng đã thỏa thuận với người tiêu dùng mà không quy định trách nhiệm thông báo trước hoặc không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn gia hạn hay chấm dứt thực hiện hợp đồng;

14. Quy định người tiêu dùng phải đồng ý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng là điều kiện để giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

15. Quy định trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật về dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng.

Điều 26. Thực hiện hợp đồng theo mẫu

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lưu giữ hợp đồng theo mẫu đã giao kết cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực. Trường hợp hợp đồng do người tiêu dùng giữ bị mất hoặc hư hỏng thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu từ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng.

3. Hợp đồng theo mẫu phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để người tiêu dùng biết về nội dung của hợp đồng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết.

Điều 27. Thực hiện điều kiện giao dịch chung

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng điều kiện giao dịch chung có trách nhiệm công khai và phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

2. Điều kiện giao dịch chung phải quy định rõ thời điểm áp dụng và phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để người tiêu dùng biết về nội dung của điều kiện giao dịch chung.

3. Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với người tiêu dùng trong trường hợp điều kiện giao dịch chung đã được công khai để người tiêu dùng biết về điều kiện đó trước khi giao dịch.

Điều 28. Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có số lượng lớn người tiêu dùng mua, sử dụng thường xuyên, liên tục, có tác động trực tiếp, lâu dài đến người tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi sử dụng để giao kết với người tiêu dùng.

Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Điều này.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp được người tiêu dùng ủy quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

3. Việc xác định hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ, sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã xác lập với người tiêu dùng trong giao dịch cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

4. Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn cửa mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 29. Cung cấp bằng chứng giao dịch

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.

2. Trường hợp giao dịch trên không gian mạng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy cập, tải, lưu trữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 30. Bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện

1. Sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

a) Công bố công khai chính sách bảo hành. Chính sách bảo hành bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: thời điểm, thời hạn áp dụng, nội dung, phạm vi, phương thức thực hiện bảo hành và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

b) Thực hiện chính xác, đầy đủ trách nhiệm bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp;

c) Cung cấp cho người tiêu dùng văn bản tiếp nhận bảo hành hoặc hình thức tiếp nhận bảo hành tương đương khác, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thay thế linh kiện, phụ kiện thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện đó được tính lại từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh đổi sản phẩm, hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa đó được tính lại từ thời điểm đổi mới sản phẩm, hàng hóa;

d) Cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết phù hợp theo thỏa thuận giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thời gian thực hiện bảo hành;

đ) Đổi sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi hoặc trong trường hợp đã thực hiện bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ 03 lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;

e) Chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ nơi ở của người tiêu dùng hoặc nơi sử dụng sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi ở của người tiêu dùng hoặc nơi sử dụng sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện;

g) Chịu trách nhiệm về việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.

Điều 31. Trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho người tiêu dùng về việc tiếp nhận phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh, yêu cầu, khiếu nại đó.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa hoặc trực tiếp bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng có trách nhiệm xây dựng, công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có).

Quy định tại khoản này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, tất cả doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

1. Khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

a) Thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật theo quy định tại Điều 33 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;

c) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trước và sau khi thực hiện việc thu hồi; thực hiện việc thu hồi đúng nội dung đã báo cáo, thông báo và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc thực hiện để bảo đảm việc thu hồi đúng nội dung đã báo cáo, thông báo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở trung ương có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 33. Thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

1. Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật bao gồm:

a) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng;

b) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm B là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng;

c) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì áp dụng các quy định đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A.

2. Trường hợp phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A, tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực liên quan có trách nhiệm sau đây:

a) Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp và thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;

b) Công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho đến khi kết thúc việc thu hồi;

c) Thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử ở trung ương và địa phương nơi sản phẩm, hàng hóa đó lưu thông.

3. Trường hợp phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm B, tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.

4. Nội dung thông báo, công khai quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này bao gồm:

a) Mô tả sản phẩm, hàng hóa phải thu hồi;

b) Lý do thu hồi sản phẩm, hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa gây ra;

c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi sản phẩm, hàng hóa;

d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa;

đ) Nội dung khác có liên quan (nếu có) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

d) Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa;

đ) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng;

e) Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này cùng gây thiệt hại thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh đó phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

5. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 35. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

Tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại Điều 34 của Luật này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại;

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại;

3. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 36. Trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết

1. Trong trường hợp cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết tại thời điểm dịch vụ đó được cung cấp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thỏa thuận với người tiêu dùng để thực hiện một hoặc một số biện pháp khắc phục sau đây:

a) Cung cấp lại dịch vụ;

b) Tiếp tục cung cấp dịch vụ nhưng không thu tiền hoặc giảm giá đối với phần dịch vụ đã cung cấp;

c) Chấm dứt việc cung cấp dịch vụ và hoàn tiền cho người tiêu dùng;

d) Biện pháp khác theo thỏa thuận của các bên.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu các chi phí trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.

3. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng hoặc thuộc trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.

5. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH ĐỐI VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG GIAO DỊCH ĐẶC THÙ

Mục 1. GIAO DỊCH TỪ XA

Điều 37. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa

1. Khi thực hiện giao dịch từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin sau đây:

a) Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc của đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);

b) Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác đối với tổ chức kinh tế; mã số thuế cá nhân đối với cá nhân;

c) Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

d) Chi phí giao hàng (nếu có);

đ) Phương thức, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

e) Thời gian có hiệu lực của đề nghị thực hiện giao dịch;

g) Thông tin về các khoản phí, chi phí, thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung áp dụng trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng;

h) Chi tiết về công dụng, cách thức sử dụng, bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

i) Quyền của người tiêu dùng quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật này;

k) Quy trình xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết;

l) Quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

2. Trường hợp giao dịch được thực hiện thông qua điện thoại hoặc hình thức liên lạc, đàm thoại khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông tin ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.

3. Trường hợp giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật này, pháp luật về thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 38. Giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa

1. Khi giao dịch từ xa với người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm xây dựng công cụ và thực hiện biện pháp bảo đảm sau đây:

a) Cung cấp chính xác, đầy đủ nội dung hợp đồng để người tiêu dùng nghiên cứu trước khi giao kết hợp đồng;

b) Người tiêu dùng trao đổi, làm rõ nội dung hợp đồng và xác nhận đồng ý giao kết hợp đồng;

c) Người tiêu dùng xem lại và tải về hợp đồng đã có xác nhận ký kết của người tiêu dùng.

2. Nội dung hợp đồng bao gồm: các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này; tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của các bên.

Trường hợp có nhiều bên tham gia thực hiện hợp đồng, nội dung hợp đồng phải xác định rõ chủ thể, quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này, người tiêu dùng có quyền sau đây:

a) Thỏa thuận lựa chọn cách thức xử lý hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh;

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào dưới mọi hình thức để chấm dứt thực hiện hợp đồng, trừ chi phí đối với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng;

c) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc hủy bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật về dân sự.

4. Trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn trả cho người tiêu dùng khoản tiền đã thanh toán tương ứng với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa sử dụng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất do hai bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.

Trường hợp việc chấm dứt thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 39. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số;

b) Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật này, Mục 2 Chương này trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục.

3. Ngoài trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này, tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Xây dựng, công bố công khai quy chế hoạt động của nền tảng số trung gian cho người tiêu dùng, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch;

c) Cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trên nền tảng số trung gian khi người tiêu dùng giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh đó có yêu cầu;

d) Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp, đồng thời hiển thị đầy đủ, chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội;

đ) Hiển thị đầy đủ, minh bạch thông tin sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp, bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm, bao gồm: ngày, tháng, năm sản xuất; thời hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy; tiêu chuẩn kết quả cần đạt được trong cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

e) Chỉ định, công bố công khai đầu mối tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung thông tin trên nền tảng số trung gian; tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian;

g) Có biện pháp cho phép hiển thị ưu tiên đánh giá, phản ánh, kiến nghị của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tổ chức đánh giá tín nhiệm theo quy định của pháp luật;

h) Trực tiếp lưu trữ thông tin hoặc cung cấp giải pháp lưu trữ thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các giao dịch liên quan, cho phép người tiêu dùng truy cập, truy vết, tải, lưu trữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch trên nền tảng số trung gian mà mình quản lý;

i) Minh bạch hoạt động quảng cáo trên không gian mạng theo quy định của pháp luật trong trường hợp có hoạt động quảng cáo;

k) Cung cấp báo cáo về các hoạt động kiểm duyệt nội dung đã thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

l) Duy trì tài khoản báo cáo trực tuyến và cung cấp thông tin, dữ liệu cập nhật đến thời điểm được yêu cầu báo cáo để phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

m) Xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số trung gian của mình;

n) Chịu trách nhiệm với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước và nước ngoài bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam;

o) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này và có trách nhiệm sau đây:

a) Thiết lập kho lưu trữ quảng cáo có sử dụng thuật toán để hướng đến người tiêu dùng, nhóm người tiêu dùng cụ thể;

b) Đánh giá định kỳ hoạt động kiểm duyệt nội dung, việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng đến người tiêu dùng, nhóm người tiêu dùng cụ thể;

c) Đánh giá định kỳ việc thực hiện quy định xử lý tài khoản giả, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, các giải pháp tự động toàn bộ hoặc tự động một phần.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 Điều này.

Điều 40. Trách nhiệm công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng

1. Nội dung công khai thông tin cảnh báo bao gồm:

a) Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị xử lý bởi cơ quan nước ngoài có thẩm quyền và có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.

2. Trách nhiệm công khai các thông tin cảnh báo được quy định như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp, công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua hệ thống thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật;

c) Cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng bằng hình thức phù hợp, bảo đảm thuận tiện cho người tiêu dùng tiếp nhận thông tin. Việc công khai thông tin cảnh báo phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. CUNG CẤP DỊCH VỤ LIÊN TỤC

Điều 41. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam không có đại diện theo pháp luật tại Việt Nam thì phải chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam. Đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Không được yêu cầu người tiêu dùng thanh toán bất kỳ khoản tiền nào trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ không đúng hợp đồng hoặc trái quy định của pháp luật. Trường hợp cần sửa chữa, bảo trì hoặc vì lý do khác bắt buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ phải thông báo trước cho người tiêu dùng về thời gian ngừng cung cấp dịch vụ và thời gian cung cấp lại dịch vụ chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày ngừng cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp bất khả kháng.

4. Thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ như đã cam kết với người tiêu dùng.

5. Thực hiện quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật này trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục thông qua giao dịch từ xa.

Điều 42. Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục

1. Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải được lập thành văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng 01 bản.

2. Hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có nội dung quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này và các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);

b) Mô tả dịch vụ được cung cấp;

c) Thời điểm và thời hạn cung cấp dịch vụ;

d) Thông tin chính xác, đầy đủ về các khoản phí, chi phí, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung được áp dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;

đ) Thông báo cho người tiêu dùng về việc nộp phí để tiếp tục sử dụng dịch vụ theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hết hạn sử dụng dịch vụ;

e) Thông báo cho người tiêu dùng về thời điểm kết thúc hợp đồng theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc.

3. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục tại bất kỳ thời điểm nào và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng chỉ phải thanh toán đối với phần dịch vụ mà mình đã sử dụng.

Mục 3. BÁN HÀNG TRỰC TIẾP

Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng tận cửa

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hoạt động bán hàng tận cửa thông qua các hình thức sau đây:

a) Tự mình thực hiện;

b) Người lao động của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

c) Đại diện được thuê hoặc được ủy quyền.

2. Cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này khi bán hàng tận cửa có trách nhiệm sau đây:

a) Giới thiệu tên, số điện thoại, địa chỉ, trụ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về hoạt động bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cung cấp tài liệu chứng minh mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh;

b) Không được tiếp tục đề nghị bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi người tiêu dùng đã từ chối;

c) Giải thích cho người tiêu dùng đầy đủ, chính xác, rõ ràng về nội dung hợp đồng, thông tin mà người tiêu dùng quan tâm liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng của cá nhân bán hàng tận cửa quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 44. Hợp đồng bán hàng tận cửa

1. Hợp đồng bán hàng tận cửa phải được lập thành văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng 01 bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp hợp đồng bán hàng tận cửa được lập thành văn bản thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải dành tối thiểu 03 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng để người tiêu dùng cân nhắc lại việc quyết định thực hiện hợp đồng. Trong thời hạn này, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

3. Trường hợp hợp đồng bán hàng tận cửa được lập thành văn bản, khi ký kết hợp đồng, người tiêu dùng phải tự ghi ngày, tháng, năm giao kết.

Điều 45. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp

1. Tổ chức bán hàng đa cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Niêm yết công khai các tài liệu hoạt động tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức bán hàng đa cấp;

b) Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng;

c) Xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng;

d) Nhận lại hàng hóa và trả lại tiền theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp hoặc người tiêu dùng nếu yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng hóa và hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn và còn thời hạn sử dụng;

đ) Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo của tổ chức bán hàng đa cấp.

2. Cá nhân tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng;

b) Tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động;

c) Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 46. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

1. Tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp phải giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản.

2. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về ngôn ngữ, hình thức theo quy định của Luật này và pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp.

Điều 47. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên

1. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ không tại địa điểm giao dịch thường xuyên với tổng giá trị hơn 10 triệu đồng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi tổ chức bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trước khi thực hiện các nội dung sau đây: tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, địa điểm dự kiến tổ chức bán hàng, nội dung chương trình bán hàng, phương thức bán hàng, giá và sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

b) Niêm yết công khai thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh và sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm tổ chức bán hàng;

c) Duy trì thông tin liên hệ, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong và sau khi kết thúc bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

d) Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

đ) Nhận lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bán, cung cấp với điều kiện còn nguyên bao bì, nhãn hàng hóa, tem (nếu có), còn thời hạn sử dụng;

e) Giao hóa đơn, chứng từ mua bán, giao nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

g) Trường hợp hợp đồng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này được lập thành văn bản thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chuyển hợp đồng cho người tiêu dùng. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng, người tiêu dùng có quyền quyết định thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trước khi hết thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được yêu cầu người tiêu dùng đặt cọc, thanh toán hoặc thực hiện nội dung hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thông báo, theo dõi và kiểm tra việc bán hàng của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nội dung đã thông báo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI

Điều 48. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân kinh doanh; phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tư vấn, hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 49. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Tổ chức xã hội thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Nhà nước khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về hội, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 50. Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm:

a) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu;

b) Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

c) Tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan;

đ) Tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu;

e) Độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm do mình thực hiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; phản ánh, đánh giá mức độ tin cậy của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

g) Đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật;

h) Tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

i) Tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng.

2. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;

b) Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng hoặc vì lợi ích công cộng liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng;

c) Có thời gian hoạt động tối thiểu 01 năm kể từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện;

d) Có phạm vi hoạt động từ cấp huyện trở lên.

Điều 51. Quyền của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Được cơ quan quản lý nhà nước thông báo kết quả tiếp nhận, xử lý, bảo mật thông tin do mình cung cấp, kiến nghị.

4. Được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Gia nhập các tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về hội và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội và các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 52. Trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 53. Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này.

2. Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện hoạt động quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 50 của Luật này.

3. Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được từ chối tư vấn, hỗ trợ những khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng.

Chương V

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 54. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức sau đây:

a) Thương lượng;

b) Hòa giải;

c) Trọng tài;

d) Tòa án.

2. Không được thương lượng, hòa giải trong các trường hợp sau đây:

a) Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

c) Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.

3. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 55. Trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật.

Mục 2. THƯƠNG LƯỢNG

Điều 56. Yêu cầu và tiếp nhận thương lượng

1. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng theo quy định tại Điều 57 của Luật này.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng theo quy định tại Điều 57 của Luật này hoặc từ chối thương lượng mà không có lý do chính đáng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Điều 57. Trình tự, thủ tục thương lượng

1. Người tiêu dùng gửi yêu cầu thương lượng và thông tin, tài liệu liên quan (nếu có) đến tổ chức, cá nhân kinh doanh tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử hoặc thông qua phương thức liên lạc khác do tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công khai hoặc đang áp dụng.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

3. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật này, người tiêu dùng gửi yêu cầu hỗ trợ thương lượng và thông tin, tài liệu liên quan bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển yêu cầu của người tiêu dùng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu thương lượng.

5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và thông báo bằng văn bản kết quả thương lượng đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thương lượng.

6. Trường hợp từ chối yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 58. Trường hợp không tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hỗ trợ thương lượng

1. Người tiêu dùng là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hợp pháp.

2. Người yêu cầu hỗ trợ thương lượng không phải là người tiêu dùng hoặc người đại diện hợp pháp của người tiêu dùng.

3. Người tiêu dùng không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu để xác định chính xác tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc bằng chứng liên quan đến giao dịch.

4. Nội dung yêu cầu hỗ trợ thương lượng không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Yêu cầu hỗ trợ thương lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giải quyết.

Điều 59. Quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng

1. Trong quá trình thương lượng, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền sau đây:

a) Đồng ý hoặc từ chối tham gia thương lượng theo quy định của Luật này;

b) Lựa chọn thời gian, hình thức thương lượng;

c) Yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt thương lượng;

d) Yêu cầu giữ bí mật về việc thương lượng;

đ) Được tự do bày tỏ ý chí về nội dung thương lượng;

e) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trong quá trình thương lượng, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

a) Tiến hành thương lượng theo quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội, quyền, trách nhiệm công dân, văn hóa kinh doanh;

b) Trình bày đúng sự thật các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp;

c) Thực hiện kết quả thương lượng thành trên nguyên tắc trung thực, thiện chí;

d) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 60. Kết quả thương lượng

1. Kết quả thương lượng của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp kết quả thương lượng được lập thành văn bản, văn bản về kết quả thương lượng bao gồm các nội dung sau đây:

a) Các bên tham gia thương lượng;

b) Thời gian, địa điểm tiến hành thương lượng;

c) Nội dung thương lượng;

d) Kết quả thương lượng;

đ) Nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Trường hợp kết quả thương lượng được lập thành văn bản thì văn bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên thương lượng.

Mục 3. HÒA GIẢI

Điều 61. Trình tự, thủ tục hòa giải

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba để thực hiện việc hòa giải.

2. Trình tự, thủ tục hòa giải thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải.

Điều 62. Nguyên tắc thực hiện hòa giải

1. Bảo đảm khách quan, trung thực, thiện chí, bình đẳng, công bằng, tự nguyện; không được ép buộc, lừa dối.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải, các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 63. Tổ chức hòa giải

1. Tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:

a) Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Tổ chức hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại, pháp luật về hòa giải tại cơ sở, pháp luật về hòa giải tại tòa án;

c) Tổ chức khác có chức năng hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức hòa giải theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này có trách nhiệm công nhận, công bố Danh sách hòa giải viên đủ điều kiện theo quy định của Luật này và chỉ định các hòa giải viên tham gia thực hiện việc hòa giải theo yêu cầu của các bên.

Điều 64. Hòa giải viên

Hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:

1. Hòa giải viên theo quy định của pháp luật về hòa giải có liên quan;

2. Hòa giải viên thuộc tổ chức quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 63 của Luật này là công dân Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, có uy tín;

c) Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác có liên quan;

d) Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.

3. Trường hợp tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có người dân tộc thiểu số thì phải có ít nhất 01 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người sử dụng thông thạo tiếng của dân tộc thiểu số đó. Trường hợp không có hòa giải viên đáp ứng yêu cầu tại khoản này thì các bên tham gia hòa giải tự bố trí phiên dịch hoặc đề nghị hòa giải viên bố trí phiên dịch, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 65. Kết quả hòa giải

1. Khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành.

2. Văn bản về kết quả hòa giải thành đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 63 của Luật này phải có các nội dung sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải;

b) Các bên tham gia hòa giải;

c) Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải;

d) Nội dung hòa giải;

đ) Ý kiến của các bên tham gia hòa giải;

e) Kết quả hòa giải và giải pháp thực hiện;

g) Thời hạn thực hiện kết quả hòa giải thành;

h) Nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Văn bản về kết quả hòa giải phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hòa giải, có chữ ký xác nhận của cá nhân tiến hành hòa giải và đóng dấu xác nhận của tổ chức tiến hành hòa giải (nếu có).

Điều 66. Thực hiện và công nhận kết quả hòa giải thành

1. Các bên tham gia hòa giải có trách nhiệm thực hiện kết quả hòa giải thành trong thời hạn đã thỏa thuận trong văn bản về kết quả hòa giải thành.

2. Một trong các bên tham gia hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

3. Việc yêu cầu và công nhận kết quả hòa giải thành thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Mục 4. TRỌNG TÀI

Điều 67. Hiệu lực của điều khoản trọng tài

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận.

2. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Điều 68. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

Điều 69. Nghĩa vụ chứng minh

1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Mục 5. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI TÒA ÁN

Điều 70. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật này. Tòa án giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

3. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 71. Án phí đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Án phí đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án và quy định của Luật này.

2. Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đại diện cho người tiêu dùng theo ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí.

Điều 72. Công khai thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện

1. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng có trách nhiệm công khai thông báo thụ lý vụ án của Tòa án về việc khởi kiện trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý.

2. Việc công khai thông báo thụ lý vụ án được thực hiện bằng hình thức niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tối thiểu 15 ngày kể từ ngày niêm yết, đăng tải.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc vụ án, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm công khai kết quả giải quyết vụ án theo hình thức, thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 73. Tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện

1. Tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.

2. Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 74. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Điều 75. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, công nghệ thân thiện môi trường, thực hành kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế và thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan.

2. Tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Tổ chức hoạt động khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực được phân công quản lý.

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật này và quy định của luật khác có liên quan.

6. Quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

7. Xây dựng cơ chế phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan để triển khai các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền.

8. Yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổng hợp báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo thẩm quyền.

10. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền.

11. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 76. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 10 và 11 Điều 75 của Luật này trong lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 4 và khoản 9 Điều 75 của Luật này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền trong lĩnh vực được phân công quản lý.

Điều 77. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 9, 10 và 11 Điều 75 của Luật này theo thẩm quyền tại địa phương; phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 4 Điều 75 của Luật này;

b) Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tại địa phương;

c) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện thực hiện các nội dung liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

d) Tham gia hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo phân công, phân cấp hoặc hợp tác quốc tế với địa phương của các quốc gia có chung đường biên giới theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 10 Điều 75 của Luật này theo thẩm quyền tại địa phương;

b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương;

c) Kiểm tra hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc thẩm quyền quản lý tại địa phương;

d) Quản lý theo thẩm quyền đối với các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại các địa điểm này;

đ) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân hoạt động thương mại ngoài phạm vi chợ, trung tâm thương mại;

e) Báo cáo kết quả thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên;

g) Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan nhà nước cấp huyện.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này tại địa phương;

b) Kiểm tra hoạt động của các ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ trên địa bàn trong việc thực hiện nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nội quy của chợ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi chợ;

c) Quản lý, kiểm tra hoạt động của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh hoạt động tại địa phương ngoài phạm vi chợ, trung tâm thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

d) Tiếp nhận thông báo của tổ chức hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên và kiểm tra, theo dõi hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên trên địa bàn theo quy định của Luật này;

đ) Xử lý vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật;

e) Tuyên truyền, khuyến khích để cá nhân hoạt động thương mại trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại; tạo điều kiện để cá nhân hoạt động kinh doanh trong phạm vi chợ.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 78. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Bộ luật số 45/2019/QH14, Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 13/2022/QH15

1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 191 như sau:

“b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 5 Điều 317 của Bộ luật này;”.

2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 1 như sau:

“1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:”;

b) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 như sau:

“5. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”.

Điều 79. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 80 của Luật này.

Điều 80. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc áp dụng pháp luật được thực hiện như sau:

a) Giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Luật này thì các bên tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14. Trường hợp các bên có thỏa thuận mới về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch thì phải bảo đảm phù hợp với Luật này và áp dụng quy định của Luật này kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14;

b) Giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Luật này.

2. Đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã được công khai, áp dụng đối với người tiêu dùng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

a) Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và công khai để phù hợp với quy định của Luật này trước ngày 31 tháng 12 năm 2024;

b) Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phù hợp với quy định của Luật này trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 19/2023/QH15

Hanoi, June 20, 2023

 

LAW

ON PROTECTION OF CONSUMERS’ RIGHTS

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Protection of Consumers’ Rights.

Chapter I

GENERAL

Article 1. Scope

This Law provides for principles and policies for protecting consumers' rights; rights and obligations of consumers; traders' responsibility to consumers; consumer right protection activities by agencies and organizations; settlement of disputes between consumers and traders; state management of protection of consumers’ rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Consumers.

2. Traders.

3. Vietnamese Fatherland Front; socio-political organizations.

4. Socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations (hereinafter referred as “social organizations”) participating in protecting consumers’ rights.

5. Domestic and foreign agencies, organizations and individuals related to protection of consumers’ rights.

Article 3. Definitions

For the purposes of this Law, the terms below shall be construed as follows:

1. “consumer” means a person who purchases or uses products, goods and services to meet consumption or domestic needs of individuals, families or organizations and for non-commercial purposes.

2. “trader” means an organization or individual that performs one, more or all of stages of a process encompassing investment, production, sale of products and goods or supply of services on the market for profit-making purposes. Traders consist of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration.

3. “consumer information” includes consumers' personal information, information about their process of purchasing and using products, goods and services and other information related to transactions between consumers and traders.

4. “defective product or good” means a product or good which fails to ensure safety of consumers and which is likely cause damage to their lives, health or property but for which the defect was yet to be found at the time such product or good was supplied to consumers despite the fact that such product or good was manufactured in accordance with the standard or technical regulation in force. Defective products or goods include:

a) Mass-produced products or goods containing a defect originated from a technical design;

b) Singly produced products or goods containing a defect originated from the process of their manufacturing, processing, transport, storage and use;

c) Products and goods which have the potential to threaten safety during their use but fail to have no adequate instructions or warnings for consumers.

5. “remote transaction” means a transaction which is made online, by electronic means or other means that consumers cannot check or have direct contact with products, goods or services before participating in the transaction.

6. “continuous supply of services” means a supply of services which is provided for a term of 03 months or more or for an indefinite term.

7. “direct selling” means a trader proactively approaching consumers to introduce their products, goods or services so as to sell or supply them to consumers. It takes the following forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Multi-level marketing (hereinafter referred to as “MLM”), which involves selling goods through a network of participants at different levels wherein commissions, bonuses and other economic benefits are or may be paid to participants based on their personal sales and the sales made by other distributors below the participants;

c) Selling of goods at locations other than regular transaction locations, which involves introducing and selling products or goods or supplying services at locations other than fixed regular locations where products or goods are retailed or services are supplied.

8. “specific transactions” include remote transactions, transactions involving continuous supply of services and direct selling between traders and consumers.

9. “influencer” means an expert or a person who has reputation or publicity in a specific field, industry or profession according to the Government's regulations.

10. “sustainable consumption” means the efficient use of products, goods and services in a way that minimizes negative environmental and socio-economic impacts while meeting consumption or domestic needs of individuals, families and organizations.

Article 4. Rights of consumers

1. Have their life, health, honor, dignity, reputation, property, information, rights and other legitimate interests protected when participating in transactions or using products, goods and services provided by traders.

2. Be provided with invoices and documents related to transactions; timely, accurate and adequate information about products, goods, services, transaction details, origin of products, goods and services and about traders.

3. Select products, goods, services and traders according to their practical demands and conditions; decide whether to participate in transactions; agree with traders about transaction details; be provided with products, goods and services as agreed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Request traders to compensate for damage if products or goods contain defects or products, goods or services fail to conform to standards or technical regulations, fail to satisfy regulations on safety, measurements, quantity, weight, quality, uses or prices or other regulations as prescribed by law or are inconsistent with those registered, notified, announced, posted, advertised, introduced, agreed or declared by traders.

6. Participate in formulating policies and laws on protection of consumers’ rights.

7. File complaints, denunciations or lawsuits or request social organizations to file lawsuits to protect their rights in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

8. Be provided with counseling, assistance and guidance on knowledge and skills in consumption of products, goods and services.

9. Be enabled to select a healthy and sustainable consumption environment.

10. Be protected upon using public services in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

11. Exercise other rights as prescribed by law.

Article 5. Obligations of consumers

1. Inspect products and goods prior to their receipt as prescribed by law; select to consume products and goods of clear origin.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Adhere to conditions and guidelines for transporting, preserving and using products, goods and services; regulations on inspection, environmental protection and sustainable consumption as prescribed by law.

4. Promptly and accurately inform regulatory bodies, organizations and individuals concerned as any product, good or service circulated on the market is found failing to ensure safety, damaging or threatening to damage life, health, honor, dignity, reputation or property of consumers; notify traders’ acts which infringe upon the legitimate rights and interests of consumers.

5. Bear responsibility for providing inaccurate or inadequate information relating to transactions between consumers and traders as prescribed by law.

6. Assume other obligations as prescribed by law.

Article 6. Principles of protecting consumers’ rights

1. Protecting consumers’ rights is responsibility of the State, organizations, individuals and entire society.

2. Legitimate rights and interests of consumers are recognized, respected, guaranteed and protected as prescribed by law.

3. Consumers’ rights must be proactively protected in a timely, fair, transparent and lawful manner.

4. Consumer right protection activities do not infringe upon interests of the State, legitimate rights and interests of traders and other organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 7. State policies on protection of consumers’ rights

1. Enable consumers, other agencies, organizations and individuals to fully exercise their rights and obligations and encourage initiative in conducting consumer right protection activities; encourage consumers, other agencies, organizations and individuals to participate in protecting consumers’ rights and respect them for their participation.

2. Encourage and assist traders in science and technology research, application and development and innovation in support of their protection of consumers’ rights.

3. Enable agencies and organization in charge of protecting consumers’ rights and related agencies and organizations to mobilize resources for investment in infrastructure and development of human resources; encourage and promote private sector involvement in provision of counseling, assistance, dissemination of policies, laws, knowledge and guidance on skills in protecting consumers’ rights.

4. Protect consumers’ rights in association with promoting responsible business practices, diversifying modern distribution channels and building an independent and self-reliant economy.

5. Speed up international integration, expand international cooperation and share information and experience in protection of consumers’ rights.

6. Improve business ethics, create a safe, civilized, healthy and sustainable consumption culture; strictly and promptly handle acts of infringing upon consumers’ interests.

7. Boost sustainable production and consumption, including the following activities:

a) Encourage and promote investment, production, circulation, distribution, export and import of products, goods, services and eco-friendly technologies to aim for green and circular economy, thereby furthering consumers’ interests;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Proactively and responsibly participate in boosting sustainable production and consumption in the region and the world.

Article 8. Protecting rights of vulnerable consumers

1. Vulnerable consumer is a consumer who at the time of purchase or use of products, goods or services is likely to be subject to a variety of adverse impacts in terms of access to information, health, property, and dispute settlement. Vulnerable consumers include:

a) The elderly prescribed by regulations of law on the elderly;

b) Persons with disabilities prescribed by regulations of law on persons with disabilities;

c) Children prescribed by regulations of law on children;

d) Ethnics; persons living in ethnic minority areas, mountainous areas, islands, disadvantaged and extremely disadvantaged areas prescribed by law;

dd) Pregnant women or women raising a child under 36 months of age;

e) Persons having fatal diseases prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Vulnerable consumers' right shall be protected as follows:

a) Vulnerable consumers shall have their consumers’ rights protected in accordance with regulations of this Law and rights and priority policies protected under other relevant regulations of law;

b) Traders shall have the initiative and responsibility to implement the regulations enshrined in clause 3 of this Article;

c) If any vulnerable consumer makes a request for protection enclosed with evidence or document proving that he/she is a vulnerable consumer and his/her rights are infringed upon, the trader shall give priority to the receipt and processing thereof and shall not transfer such request to a third party, unless that third party has related obligations. In case of refuse to process the vulnerable consumer's request, the trader shall give a written response, specifying the legal grounds and non-conformity with the published policy as prescribed in clause 3 of this Article;

d) Traders shall compensate vulnerable consumers for any damage in accordance with civil legislation in case of delaying receiving or processing, refusing to give priority to receiving or processing or refusing to receive or process consumers’ requests as prescribed in point c of this clause;

dd) Consumer right protection authorities, socio-political organizations and social organizations shall give priority to receiving and processing requests of vulnerable consumers and instruct them to provide evidence and documents proving their rights are infringed upon;

e) Consumer right protection authorities, socio-political organizations and social organizations shall, within their jurisdiction, provide instructions, carry out inspection and supervision, and handle violations committed by traders during the fulfillment of their responsibility specified in clause 3 of this Article as prescribed by law.

3. Upon making transactions with vulnerable consumers, every trader bear the following responsibility:

a) Protect rights of vulnerable consumers during their process of purchasing and selling products and goods, and supplying services as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Not allowed to refuse to settle vulnerable consumers’ requests for protection specified in point c clause 2 of this Article for reasons of differences in language, writing, customs or practices;

d) Avoid stigmatization, discrimination and misuse of vulnerabilities for infringement on the legitimate rights and interests of vulnerable consumers during the process of conducting transactions;

dd) Formulate and promulgate procedures, methods or measures appropriate to each vulnerable consumer to guarantee rights to file complaints and make requests for dispute settlement and other rights of vulnerable consumers;

e) Formulate and update the regulations specified in this clause and make them publicly available to vulnerable consumers by posting them at the head office and business locations or on any websites and apps (if any) and provide their employees with training in such regulations.

The responsibility prescribed in this point does not necessarily lie with individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration; small enterprises, micro enterprises prescribed by law, unless such enterprises conduct the transactions specified in Chapter of this Law;

g) Other responsibility according to regulations of this Law and other relevant regulations of law.

Article 9. Protecting consumers’ rights with regard to transactions with individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration

1. Individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration as prescribed in this Law shall only bear the following responsibility:

a) Satisfy regulations on safety, measurements, quantity, weight, quality and uses of their products, goods or services sold or supplied to consumers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Provide accurate and sufficient information about their products, goods or services sold or supplied to consumers;

d) Replace goods for consumers or make refund and receive goods back from consumers in case the their products or goods sold or supplied fail to satisfy regulations on safety, measurements, quantity, volume, quality and uses as declared;

dd) Abide by decisions on product/goods recall if their products or goods sold or supplied are subject to recall; bear the costs of destruction of the products or goods in case they have to be destroyed under a competent authority's decision;

e) Other responsibility prescribed by the Government.

2. According to regulations of this Law and other relevant regulations of law, the Government shall elaborate on the protection of consumers’ rights with regard to transactions with individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration.

3. According to regulations of this Law, Government’s regulations and specific conditions of local authorities, People’s Committees of communes and management boards of markets and commercial zones shall implement specific measures to ensure satisfaction of regulations on safety, measurements, quantity, weight and quality of products, goods and services and protect other legitimate rights and interests of consumers upon purchasing and using products, goods and services of individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration.

Article 10. Prohibited acts in protection of consumers’ rights

1. Traders are prohibited from performing any of the following acts:

a) Deceiving or misleading consumers by providing false, incomplete or inaccurate information about one of the following details: products, goods or services which traders sell or supply; traders’ prestige, business capacity, capacity for supply of products, goods and services; details and characteristics of transactions between consumers and traders; photos, papers and documents of competent authorities certifying products, goods, services or traders;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Forcing consumers to buy products, goods and services against their will by the use of force, threat of force or other acts of similar nature;

d) Forcing consumers to pay for products, goods and services supplied without reaching an agreement with consumers in advance;

dd) Failure to compensate or refund consumers or replace products, goods or services when there is fault on traders’ part;

e) Failure to provide compensation or refund or replace products, goods or services for consumers as the products, goods or services are inconsistent with those registered, notified, announced, posted, advertised, introduced, agreed or declared by traders;

g) Swapping products, goods or services or cheating at delivery of goods or supply of services to consumers;

h) Failure to notify in advance or make publicly available to consumers the sponsorship by influencers in any shape or form to use image, advice or recommendation of these persons with a view to promoting trade or encouraging consumers to purchase or use products, goods or services;

i) Preventing consumers from inspecting products, goods and services, unless otherwise prescribed by law;

k) Requesting consumers to buy a product, good or service as a prerequisite for conclusion of a contract against the consumer’s will;

l) Specifying the prohibited clauses mentioned in Article 25 of this Law in contracts signed with consumers, standard form contracts and general trading conditions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Organization and individuals that perform MLM are prohibited from performing any of the following acts:

a) Requesting a prospective participant to deposit or pay a certain amount of money or purchase a certain quantity of goods in any way to be eligible to enter into an MLM contract;

b) Providing false or misleading information to consumers and individuals participating in MLM.

c) Operating the MLM network without obtaining the MLM registration certificate; introducing the MLM network before obtaining the MLM registration certificate;

d) Operating the MLM network with respect to services or other forms other than purchase or sale of goods, unless otherwise provided for by law;

dd) Developing the MLM network without actual goods sale and purchase transactions;

e) Engaging in any of the acts specified in clause 1 of this Article.

3. Traders establishing, operating and supplying digital platform services are prohibited from performing any of the following acts:

a) Forcing or preventing consumers from registering or using other intermediary digital platforms as a prerequisite for using services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Implementing any measure to prevent the display or to untruthfully display consumers' feedback or reviews on products, goods, services or traders on digital platforms, unless such feedback or reviews contradict regulations of law or social ethics;

d) Adopting any measure to prevent the registration, operation or review by or the display of feedback of social organizations participating in protection of consumers’ rights;

dd) Preventing consumers from removing built-in software or apps which do not affect basic technical features in support of normal operation of digital platforms or forcing consumers to install accompanying software or apps on digital platforms;

e) Engaging in any of the acts specified in clause 1 of this Article.

4. Organizations and individuals are prohibited from taking advantage of the protection of consumers’ rights so as to infringe upon interests of the State, legitimate rights and interests of other organizations and individuals.

5. The Government shall elaborate clause 2 of this Article.

Article 11. Requesting regulatory bodies to impose penalties for violations of law in relation to consumers’ rights

1. If any violation of the law on protection of consumers' rights and other regulations of law on protection of consumers' rights is found, consumers, organizations and individuals concerned reserve the right to request a competent authority in person or in writing to impose penalties as prescribed by law.

2. Every competent authority shall receive and process requests of consumers, organizations and individuals concerned according to its functions, tasks, powers and fields assigned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Consumers, related organizations and individuals shall provide information and evidence for violations of law committed by traders.

Article 12. International cooperation in protection of consumers’ rights

1. International cooperation in protection of consumers’ rights shall adhere to the principle of respect for the national independence, sovereignty and territorial integrity, non-interference in each other’s internal affairs, mutual respect and benefit and conformity with the Constitution and laws of Vietnam and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. If the Socialist Republic of Vietnam is not a signatory to a related treaty yet, the international cooperation in protection of consumers’ rights shall adhere to the principle of reciprocity without being contrary to the Constitution and laws of Vietnam, international laws and practices.

3. The international cooperation in protection of consumers’ rights shall involve consultation, exchange of information and documents, receipt and settlement of disputes, imposition of penalties for violations of consumer rights or other appropriate international cooperation activities in accordance with regulations of Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 13. Vietnam Consumer Rights Day

1. March 15 is the Vietnam Consumer Rights Day.

2. The Government shall prescribe the organization of activities in response to the Vietnam Consumer Rights Day.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 14. Satisfying regulations on safety, measurements, quantity, weight, quality and uses of products, goods and services sold and supplied to consumers

1. Traders must satisfy regulations on safety, measurements, quantity, weight, quality and uses of products, goods and services sold and supplied to consumers as registered, notified, announced, posted, advertised, introduced, agreed or declared by traders as prescribed by law.

2. Traders must warn about products, goods and services that are likely to threaten safety, adversely affect lives, health and property of consumers and notify precautions as prescribed by law.

Article 15. Protecting consumer information

1. Any trader that themself or authorize or hire a third party to collect, store, use, modify, update or destroy consumer information must ensure the safety and security of consumer information in compliance with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

2. If the trader authorizes or hires a third party to collect, store, use, modify, update or destroy consumer information must ensure the safety and security of consumer information, they must obtain consent from the consumer. The authorization or hiring of a third party must be made under a written agreement which indicates the scope and responsibility of each party for protecting consumer information in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

3. If a consumer conducts their transaction through a third party, the third party has the responsibility to protect consumer information in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

Article 16. Formulating principles of consumer information protection

1. Unless otherwise prescribed by law, any trader that collects, stores or uses consumer information shall formulate information protection principles which include the following elements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Scope of information use;

c) Information storage period;

d) Measures to protect information and ensure consumer information safety.

2. The principles specified in clause 1 of this Article must be publicly announced in a distinct position at the head office and business locations, and on any websites or apps (if any) so as for consumers to access prior to or at the time of information collection.

Article 17. Giving notification upon collection and use of consumer information

1. Before storing or using consumer information, traders must notify consumers clearly and publicly using a suitable method of the purpose and scope of information collection, scope of information use and information storage period and must obtain consent from the consumer, except for the case specified in clause 3 of this Article.

2. Traders must establish a mechanism for consumers to be able to choose information fields which consumers agreed to provide and express their consent, except for the cases specified in clause 3 of this Article, points b and c clause 3 Article 18 of this Law.

3. Traders are not required to discharge the obligation specified in clause 1 of this Article in the case of collecting information already disclosed by consumers or other cases prescribed by law.

Article 18. Using consumer information

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The use of consumer information prescribed in this Law also involves sharing, disclosing and transferring consumer information to a third party.

3. Traders must use consumer information accurately, in accordance with the notified purposes and scope and with the consumer's consent, except for the following cases:

a) There are separate agreements with consumers on the purposes and scope of use other than the notified purposes and scope;

b) They aim to sell or supply products, goods or service at the request of consumers and within the scope of information to which consumers give their consent;

c) They aim to fulfill obligations as prescribed by law.

4. Any trader that collects or uses consumer information shall establish a mechanism for consumers to choose between permitting and not permitting the following acts:

a) Sharing, disclosing or transferring information to any third party, unless the trader transfers information collected in conformity with this Law and other relevant regulations of law to a third party for storage or analysis in service of business activities by the transferor and the two parties has reached a written agreement that the third party has the responsibility to protect consumer information as prescribed in this Law;

b) Using consumer information to advertise or introduce products, goods or services or to carry out other commercial activities.

Article 19. Assuring safety and security of consumer information

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Stealing or illegally access information;

b) Illegally using information;

c) Illegally modifying, updating or destroying information.

2. Traders must receive and handle consumers’ feedback, requests and complaints related to the illegal collection of information or use of information for improper purposes or beyond the notified scope.

3. If an information system is attacked, causing a risk of threatening safety and security of consumer information, the trader or party storing relevant information must notify a competent authority within 24 hours after detecting the attack and implement necessary measures to assure safety and security of consumer information in accordance with regulations of law on cybersecurity, network information security and e-transactions, and other relevant regulations of law.

Article 20. Inspecting, modifying, updating, destroying, transferring and suspending transfer of consumer information

1. Consumers reserve the right to request traders to inspect, modify, update, destroy, transfer and suspend transfer of their information to third parties.

2. Traders must comply with consumers’ requests specified in clause 1 of this Article or provide consumers with tools or information so as for them to do so themselves as prescribed by law.

3. Traders must destroy consumer information when the storage period expires under point c clause 1 Article 16 of this Law or other relevant regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Traders have the responsibility to:

1. Provide accurate and adequate information about:

a) Products, goods and services, including measurements, quantity, weight, quality, uses, prices, origin, expiry dates, fees, costs, delivery methods, delivery dates, mode of transport, payment methods;

b) The traders;

c) Consumers' feedback and reviews (if any) on products, goods, services or traders;

2. Label goods in such a way to ensure truthfulness, clarity, accuracy and true reflection of the nature of goods as prescribed by law;

3. Display prices in accordance with regulations of law on prices;

4. Provide information about their ability to supply replacement parts and accessories of products and goods;

5. Provide instructions for use; warranty as prescribed in Article 20 of this Law in case products, goods and services come with a warranty.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Accurately and sufficiently notify consumers of standard form contracts and general trading conditions prior to trading.

Article 22. Responsibility of third parties for providing information about products, goods and services to consumers

1. If a trader provides information about their products, goods or services to consumers through a third party, the third party shall:

a) Provide accurate and adequate information about the products, goods or services supplied by the trader and related review and rating programs (if any);

b) Request the trader to provide information, documents or tools to prove the accuracy and adequacy of information about their products, goods or services;

c) Assume joint responsibility for providing inaccurate or inadequate information about the products, goods or services, unless it is proved that all measures have been implemented as prescribed by law to inspect the accuracy and adequacy of information about the products, goods or services;

d) Implement other relevant regulations of law.

2. If a trader provides information about their products, goods or services to consumers through the media, the media owner or media service provider shall:

a) Implement the regulations set out in clause 1 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Refuse to permit traders to use the media and services under their management to harass consumers;

d) Prevent the trader from using the media and services under their management to harass consumers at the request of the competent authority.

3. If a trader provides information about their products, goods or services to consumers through an influencer, the influencer shall:

a) Implement the regulations set out in clause 1 of this Article;

b) Give a prior notice to consumers that he/she is sponsored to provide information about products, goods or services.

Article 23. Contracts signed with consumers, standard form contracts, general trading conditions

1. Formats of contracts signed with consumers, standard form contracts and general trading conditions shall comply with regulations of civil law and other relevant regulations.

2. Language and forms of written contracts signed with customers, standard form contracts or general trading conditions must be clear and coherent.

The language used in contracts signed with consumers, standard form contracts and general trading conditions is Vietnamese. Parties may agree to use ethnic minority languages of Vietnam or foreign languages. In the event of any discrepancy between the Vietnamese version and the version using an ethnic minority language of Vietnam or a foreign language, the version that is more favorable to consumers shall prevail.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information about parties to the contract, including names, addresses, phone number or other contact method (if any);

b) Information about the product, good or service sold or supplied under the contract;

c) Measurements, quantity, volume, quality, uses and price of the product, good or service sold or supplied, components that constitute the final price of product, good or service if the law stipulates that the price of the product, good or service must be made publicly available;

d) Payment methods and deadline;

dd) Time, place and methods of selling or supplying about the product, good or service;

e) Parties’ rights and obligations in compliance with regulations of this Law and other relevant regulations of law;

g) Responsibility for protecting consumer information;

h) Cases of contract termination and liabilities arising from contract termination;

i) Force majeure events as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) Time of contract conclusion, contract term.

4. Apart from the basic contents mentioned in clause 3 of this Article, the standard form contract must comply with other relevant regulations of law.

5. The Government shall elaborate clause 2 of this Article.

Article 24. Interpretation of contracts signed with consumers, standard form contracts, general trading conditions

In the event that contents of a contract signed with a consumer, standard form contract or general trading conditions are interpreted in different ways, the interpretation shall be made in a manner favoring the consumer.

Article 25. Prohibited clauses specified in contracts signed with consumers, standard form contracts and general trading conditions

A trader must not specify the following clauses in contracts signed with consumers, standard form contracts and general trading conditions:

1. Limiting or excluding the trader’s liability prescribed by law to consumers, unless such responsibility is limited or excluded by relevant laws;

2. Limiting or excluding consumers’ rights to file complaints or lawsuits;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Permitting the trader to unilaterally change general trading conditions without providing provisions on the consumer's right to terminate contract;

5. Permitting the trader to unilaterally determine that the consumer has failed to discharge one or more liabilities;

6. Permitting the trader to determine or change the price at the time of delivering products or goods or supplying services, unless otherwise provided for by law;

7. Permitting the trader to change the price during continuous supply of services without providing provisions on the consumer's right to terminate contract;

8. Permitting the trader to interpret the contract or general trading conditions in case there is any confusion on interpretation of terms thereof;

9. Excluding the trader’s liability in case of products or goods sold or services supplied by a third party;

10. Forcing consumers to discharge their liability even if the trader has not discharged their liability;

11. Permitting the trader to hand over liability to third parties without the consumer’s consent, unless otherwise prescribed by law;

12. Specifying sanctions which are more unfavorable to consumers as a result of breach or termination of contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



14. Stipulating that the consumer’s consent for collection, storage or use of consumer information by the trader serves as a prerequisite for conclusion of contracts and general trading conditions, unless otherwise provided for by law;

15. Specifying a term which is contrary to the requirement of good faith under regulations of civil law, causing an imbalance in the parties’ rights and obligations to the detriment of the consumer.

Article 26. Performance of standard form contracts

1. The consumer must be given a reasonable period of time to review the standard form contract prior to conclusion.

2. The trader shall retain the standard form contract until its expiry. If the contract retained by the consumer is lost or damaged, the trader shall, within 07 working days from the date of receiving the consumer’s request, provide a copy of the contract.

3. The standard form contract must be publicly announced by the trader in a distinct position at the head office and business locations, and on any websites or apps (if any) so as for consumers to know contents of the contract or make a deposit or payment in advance before concluding the contract.

Article 27. Application of general trading conditions

1. Any trader employing general trading conditions shall make such general trading conditions publicly available and give consumers a reasonable period of time to review general trading conditions prior to trading.

2. General trading conditions must clearly specify the time of application and must be publicly announced in a distinct position at the head office and business locations, and on any websites or apps (if any) so as for consumers to become acquainted with the general trading conditions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 28. Control of standard form contracts and general trading conditions

1.  In case products, goods or services are regularly and continuously sold or supplied to a large number of consumers, thereby having direct and long-term impacts on consumers, before signing contracts with consumers, the trader is required to register their standard form contracts or general trading conditions with a consumer right protection authority.

According to socio - economic conditions and demands for consumer right protection from time to time, the Prime Minister shall promulgate or amend the List of products, goods and services required to have registration of standard form contracts and general trading conditions as prescribed in this Article.

2. Every consumer right protection authority shall participate in protecting consumers’ rights itself or at the request of any consumer or social organization in case it is authorized by the consumer to request a trader to cancel or modify the standard form contract or general trading conditions if it is discovered that such standard form contract or general trading conditions violate consumer’s rights.

3. The determination of legal consequences of the cancellation or modification of the standard form contract or general trading conditions under specific transactions established with consumers shall comply with regulations of civil law.

4. The industry and sector managing authority shall, within its jurisdiction, cooperate with the consumer right protection authority in controlling standard form contracts, general trading conditions as prescribed in this Article.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 29. Providing proof of transactions

1. Traders shall provide consumers with invoices, documents and papers related to transactions as prescribed by law or at the consumer’s request.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 30. Warranty on products, goods, parts and accessories

1. Products, goods, parts and accessories must be covered by warranty agreed upon by parties or compulsory warranty according to regulations of law.

2. If products, goods, parts and accessories are covered by warranty, the trader shall:

a) Publicly announce the warranty policy. It contains at least time and period of application, contents, scope and method of warranty and cases of exclusion of the trader’s warranty liability;

b) Accurately and fully discharge their liability to provide warranty on their products, goods, parts and accessories;

c) Provide consumers with a warranty certificate or equivalent document, clearly stating the warranty period. Warranty period of a product, good, part or accessory excludes the length of time over which it is actually under warranty.

If a part or accessory is replaced, the warranty period for such part or accessory begins to run again from the date of replacement.

If a product or good is replaced with a new one, the warranty period for such product or good begins to run again from the date of replacement.

d) Provide consumers with a similar product, good, part or accessory for temporary use or propose an appropriate solution which should be agreed upon by the consumer during the warranty period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Bear the costs of repairing or transporting products, goods, parts or accessories from the consumer’s place of residence or the place where the products, goods, parts or accessories are used to the place of warranty and vice versa.

g) Take responsibility for providing warranty on products, goods, parts and accessories of consumers even in case of authorizing or hiring another organization or individual to do so.

Article 31. Responsibility for receiving and handling consumers’ feedback, requests and complaints

1. Traders shall organize the receipt and handling of consumers’ feedback, requests and complaints.

2. Traders shall notify consumers of the receipt of their feedback, request or complaint within 03 working days from the date of receipt.

3. Any organization or individual that manufactures or imports products or goods or directly sells or supplies products, goods or services to consumers shall formulate and publicly announce the procedures for receiving and handling consumers’ feedback, requests and complaints in a distinct position at the head office and business locations, and on any websites or apps (if any).

This clause is not binding upon individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration, and all micro enterprises as prescribed by law.

Article 32. Liability for defective products and goods

1. When a trader discovers that their products or goods are defective, they have the responsibility to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Take necessary measures to protect consumers’ rights during the recall and handling of defective products or goods;

c) Submit reports to the consumer right protection authority and relevant regulatory body, both before and after the recall; carry out the recall according to the submitted reports and bear the costs incurred during the recall.

2. The consumer right protection authority of the province and specialized authority of the province where the recall of products or goods is carried out shall conduct inspection and supervision to make sure that the recall is carried out according to the reports, protecting consumers’ legitimate rights and interests and conforming to regulations of law.

If the recall is carried out within at least 02 provinces or central-affiliated cities, the central consumer right protection authority and relevant central regulatory body shall inspect and supervise it.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 33. Recall of defective products and goods

1. Defective products and goods consist of:

a) Defective products and goods of Group A causing damage to the life and health of consumers;

b) Defective products and goods of Group B causing damage to property of consumers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Upon discovery of any defective product or good of Group A, a trader has the responsibility to perform the following tasks themself or at the request of the consumer right protection authority or the industry and sector managing authority:

a) Promptly take any necessary measures to stop the supply of the defective product or good and recall it on the market;

b) Publicly announce the defective product or good and the recall thereof in a distinct position at the head office and business locations, and on any websites or apps (if any) of the trader until the recall is done;

b) Publicly announce the defective product or good and the recall thereof in at least 05 successive issues or on 05 successive days of a printed/online newspaper or radio/television station at central level and in the locality where such defective products or goods are circulated.

3. Upon discovery of any defective product or good of Group B, a trader has the responsibility to perform the tasks specified in points a and b clause 2 of this Article themself or at the request of the consumer right protection authority or the industry and sector managing authority.

4. The announcement specified in clauses 2 and 3 of this Article shall include the following:

a) Description of the products or goods to be recalled;

b) Reason for the recall and warnings of damage which may be caused by the defective product or good;

c) Time, location and form of the recall;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Other relevant contents (if any) aiming to protect consumers' rights.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 34. Providing compensation for damage caused by defective products and goods

1. Traders shall be liable to provide compensation in the event that their defective products and goods cause damage to the life, health and property of consumers even if they were unaware of or not at fault for the defects, except for the case specified in Article 35 of this Law.

2. Traders that are liable to provide compensation specified in clause 1 of this Article include:

a) Manufacturers of products and goods;

b) Importers of products and goods;

c) Organizations or individuals that attach trade names to their products and goods or use other trademarks or trade indications so that they are identified as manufacturers or importers of products and goods;

d) Organizations and individuals performing commercial intermediary activities for products and goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Other organizations and individuals that are responsible for products and goods in accordance with other relevant regulations of law.

3. If the traders specified in points a, b, c, d and e clause 2 of this Article are not identifiable, the traders specified in point dd clause 2 of this Article shall provide compensation for consumers, unless otherwise prescribed by law.

4. If multiple traders specified in clause 2 of this Article cause damage, they must take joint responsibility for providing compensation for consumers.

5. The provision of compensation shall comply with regulations of civil law and other relevant regulations of law.

Article 35. Exemption from liability for damage caused by defective products and goods

A trader specified in Article 34 of this Law shall be exempt from liability for damage in the following cases:

1. They prove that the state of scientific or technical knowledge at the time the product or good caused damage could not detect;

2. They have implemented all measures mentioned in Articles 32 and 33 of this Law and consumers receive adequate information but deliberately use the defective product or good causing the damage;

3. Other cases under regulations of civil law and other relevant regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. In case of failure to supply a service as registered, notified, announced, posted, advertised, introduced, agreed or declared at the time the service is supplied, the trader shall agree with the consumer to perform one or more remedial measures below:

a) Supply the service again;

b) Supply the service free of charge for the remaining period or discount the part of service provided.

c) Terminate the supply of service and refund the consumer;

d) Take other measures as agreed upon by the parties.

2. Traders shall bear all costs incurred from applying the remedial measures to the services not supplied as registered, notified, announced, posted, advertised, introduced, agreed or declared.

3. Every consumer reserves the right to claim compensation in case any service is not supplied as registered, notified, announced, posted, advertised, introduced, agreed or declared causing damage to the consumer.

4. A trader shall be cleared of liability for damage if they prove that the state of scientific or technical knowledge at the time the service is supplied to the consumer could not detect that the service is not supplied as registered, notified, announced, posted, advertised, introduced, agreed or declared or in other cases where they are cleared of liability for damage according to regulations of law.

5. The provision of compensation shall comply with regulations of civil law and other relevant regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



TRADERS' RESPONSIBILITY TO CONSUMERS FOR SPECIFIC TRANSACTIONS

Section 1. REMOTE TRANSACTIONS

Article 37. Traders' responsibility for remote transactions

1. Upon conducting a remote transaction, every trader shall provide consumers with the following accurate and sufficient information:

a) Name, address, phone number and other contact methods (if any) of the trader or their representative (if any) in Vietnam;

b) Number of enterprise registration certificate or enterprise ID number or another equivalent document in the case of a business organization; Taxpayer Identification Number in the case of an individual;

c) Measurements, quantity, weight, quality, uses, prices, origin, expiry dates of the product, good or service;

d) Delivery cost (if any);

dd) Payment methods and deadline; time, place and methods of selling or supplying the product, good or service; conditions and methods for replacement or return of the product, good or service;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Information about fees, costs, value-added tax, methods of calculation of fees or costs that may arise and general trading conditions applied during the supply of the product, good or service to consumers;

h) Detailed uses, instructions for use and warranty for the product, good or service;

i) Consumer’s right set out in clause 3 Article 38 of this Law;

k) Procedures for exchanging or returning the product, good or service or terminating the signed contract;

l) Procedures for receiving and handling consumers’ feedback, requests and complaints.

2. If a transaction is made by phone or other form of communication or conversation, the trader shall notify right at the outset their name, address and the purpose of the conversation.

3. If a transaction is made online, the trader shall comply with regulations of this Law, law on e-commerce and other relevant regulations of law.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 38. Concluding contracts in case of remote transactions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Provide accurate and adequate information about the contract so as for the consumer to review it prior to the conclusion;

b) The consumer shall discuss and clarify contents of the contract, and confirm that he/she agrees to conclude the contract;

c) The consumer review and download the contract bearing his/her signature.

2. A contract shall contain the information provided in clause 1 Article 37 of this Law; consumer’s name, address and phone number or other contact method (if any);

If there are multiple parties to the contract, the contract must clearly set out the subjects, rights and obligations of each subject.

3. If the trader provides inaccurate or insufficient information specified in clause 1 Article 37 of this Law, the consumer reserves the right to:

a) Agree to select a method for processing the contract with the trader;

b) Within 30 days from the date of contract conclusion, unilaterally terminate the contract and notify the trader. The consumer is not required to pay any cost in any shape or form in order to terminate the contract, except for the cost incurred in connection with the part of product, good or service used.

c) Request a competent authority to declare the contract invalid or rescind it pursuant to regulations of civil law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the contract is terminated causing damage to the consumer, the trader shall pay compensation in accordance with civil law.

Article 39. Traders' responsibility to consumers for online transactions

1. Online traders include:

a) Organizations and individuals trading products, goods and services via an information system which they establish themselves or via a digital platform;

b) Organizations establishing and operating intermediary digital platforms.

2. Online traders shall comply with the regulations specified in Articles 37 and 38 of this Law and Section 2 of this Chapter in the case of continuous supply of services.

3. Apart from the responsibility defined in clause 2 of this Article, organizations establishing and operating intermediary digital platforms shall:

a) Designate and publicly announce the contact point and authorized representative to cooperate with competent authorities in addressing issues related to the protection of consumers' rights;

b) Formulate and publicly announce operating regulations of intermediary digital platforms to consumers, clearly defining the responsibilities of the parties involved in transactions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Allow consumers to give their feedback and reviews on traders and their products, goods and services and fully and accurately display feedback and reviews, except for cases where such feedback and reviews contradict regulations of law or social ethics;

dd) Fully and publicly display information about products, goods and services sold and supplied by traders, including mandatory information shown on goods labels in accordance with regulations of law on goods labels, except for product-specific information, including date, month, year of manufacture; expiry date; lot number; chassis number, engine number; standards to be satisfied upon supply of products, goods and services;

e) Designate and publicly announce the contact point to receive and handle consumers' feedback, requests and complaints related to products, goods, services, and information on the intermediary digital platform; receive and handle consumers’ feedback, requests and complaints sent to the organization establishing and operating intermediary digital platforms;

g) Take any measure to prioritize the display of reviews, feedback and recommendations of social organizations participating in protection of consumers’ right or credit rating agencies in accordance with law;

h) Directly store information or provide solutions to store information about products, goods, services and related transactions, allowing consumers to access, trace, download, store and print invoices, documents and papers related to transactions on intermediary digital platforms under their management;

i) Make advertising activities publicly available online in accordance with law in the case of advertising activities;

k) Provide reports on content censorship activities carried out at the request of the competent authority;

l) Maintain online reporting accounts and provide updated information and data until requested to deliver the report to facilitate inspection and supervision by competent authorities in accordance with regulations of law;

m) Authenticate the identity of traders of products, goods and services on their intermediary digital platforms;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



o) Assume other responsibility according to regulations of this Law and other relevant regulations of law.

4. Organizations establishing and operating large digital platforms shall comply with the regulations defined in clause 3 of this Article and assume the following responsibility:

a) Set up an advertising archive using algorithms to target specific consumers and groups of consumers;

b) Periodically evaluate the content moderation and the use of algorithmic and advertising systems targeting specific consumers and groups of consumers;

c) Periodically evaluate the implementation of regulations on handling of fake accounts, use of artificial intelligence and fully or partially automated solutions.

5. The Government shall elaborate clause 4 of this Article.

Article 40. Responsibility for disclosing and removing warnings issued to consumers involved in online transactions

1. Warnings to be disclosed shall cover:

a) List of online traders that have incurred penalties for violating consumers’ legitimate rights and interests under regulations of this Law and other relevant regulations of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Responsibility for disclosing warnings:

a) Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall provide and disclose warnings issued to consumers involved in online transactions as specified in clause 1 of this Article within their power as prescribed by law;

b) Online traders that have incurred penalties for their violations under regulations of this Law and other relevant regulations of law shall provide information to competent authorities through the information and reporting system as prescribed by law;

c) Press agencies, socio-political organizations and social organizations participating in protection of consumers' rights shall disclose warnings issued to consumers involved in online transactions in an appropriate manner, enabling consumers to receive information. The disclosure of warnings shall comply with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

3. The Government shall elaborate this Article.

Section 2. CONTINUOUS SUPPLY OF SERVICES

Article 41. Traders' responsibility for to consumers for continuous supply of services

1. Traders providing continuous supply of services within Vietnam’s territory shall publicly announce their legal representative in Vietnam. If the trader providing continuous supply of services within Vietnam’s territory does not have a legal representative in Vietnam, they shall designate an authorized representative in Vietnam and publicly announce their authorized representative in Vietnam. The trader’s representative shall comply with regulations of law on protection of consumers' rights.

2. It is not permitted to request consumers to make any payment before the service is supplied, unless otherwise agreed upon by parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Traders shall regularly inspect quality of services they supply and ensure quality of services as committed to consumers.

5. The regulations set out in Articles 37 and 38 of this Law shall be complied with in case of continuous supply of services through online transactions.

Article 42. Contracts for continuous supply of services

1. A contract for continuous supply of service shall be made in writing and 01 copy shall be given to the consumer.

2. A standard form contract for continuous supply of service must be composed of the contents specified in clause 3 Article 23 of this Law and the following contents:

a) Name, address, phone number and other contact methods (if any) of the trader or their representative (if any) in Vietnam;

b) Description of the service provided;

c) Time and period of supplying the service;

d) Accurate and sufficient information about fees, costs, methods of calculation of fees or costs that may arise and general trading conditions applied during the supply of or service to the consumer;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Notify the consumer of the time of contract termination using the agreed method at least 07 working days before the expiry date of the contract;

3. Unless otherwise agreed upon by the parties, the consumer is entitled to unilaterally terminate the contract for continuous supply of service at any time and notify such the service provider. If the consumer unilaterally terminates the contract, he/she shall only pay for the part of service he/she has used.

Section 3. DIRECT SELLING

Article 43. Traders' responsibility for door-to-door sales

1. A trader shall perform door-to-door sales:

a) By themself;

b) By their employees;

c) By their hired or authorized representatives.

2. Any individual specified in clause 1 of this Article shall, upon performing door-to-door sales, assume the following responsibility:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Do not insist on the selling or supply of the product, good or service after being refused by the consumer;

c) Sufficiently, accurately and clearly explain to the consumer about contents of the contract and other information related to the product, good or service which the consumer is interested in.

3. Every trader shall take responsibility for the door-to-door sales by the individuals specified in clause 1 of this Article.

Article 44. Door-to-door sales contracts

1. A door-to-door sales contract shall be made in writing and 01 copy shall be provided to the consumer, unless otherwise agreed upon by the parties.

2. If the door-to-door sales contract is made in writing, there must be a cooling-off period of at least 03 working days from the date of contract conclusion during which the consumer considers executing the contract. During this period, the consumer is entitled to unilaterally terminate the signed contract and notify the trader.

3. If the door-to-door sales contract is made in writing, upon signing it, the consumer shall write the date, month and year of signature himself/herself.

Article 45. Responsibility of organizations and individuals that perform MLM

1. An MLM organization:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Adhere to its business rule and compensation plan;

c) Issue invoices for each supply of goods;

d) Take goods back and give refund at the request of any MLM participant or consumer if: (i) the request is made within 30 days from the date of receipt of goods, (ii) packaging, stamps and labels of the goods remain intact and (iii) the goods remain unexpired;

dd) Take responsibility for the MLM activities by MLM participants in case these activities are carried out at its head office, branch, representative office or business location or at the conferences, seminars or training events which it organizes.

2. An MLM participant shall:

a) Present his/her membership card before introducing or selling goods;

b) Comply with terms and conditions of the MLM contract and the MLM company’s business rule;

c) Not abuse his/her position, power or social position to encourage, request, lure or entice other persons to participate in MLM network or buy goods through the MLM model.

3. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An MLM organization and an MLM participant must enter into a written MLM contract.

2. An MLM contract must satisfy the conditions concerning language and form under regulations of this Law and law on MLM management.

Article 47. Traders' responsibility for selling goods at locations other than regular transaction locations

1. Unless the law provides otherwise, when selling a product, good or service at a location other than regular transaction location with a total value of more than 10 million dong, the trader shall:

a) Notify the People's Committee of the commune where the product, good or service is sold or supplied before notifying the following: name, address and phone number of the trader, expected location of sale, contents of the sales program, method of sale, prices and the product, good or service;

b) Publicly disclose information about the trader and the product, good or service at the location of sale;

c) Maintain contact and handle consumers’ feedback, requests and complaints during and after selling or supplying the product, good or service;

d) Provide adequate, truthful and accurate information about the product, good or service and activities by the trader;

dd) Take the product, good or service back within 30 days from the date of sale or supply provided that its packaging, label or stamp (if any) remains intact and it remains unexpired;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) If the contract for supply of the product, good or service specified in this Article is made in writing, the trader shall transfer it to the consumer.  Within 03 working days from the receipt of the contract, the consumer is entitled to decide to perform or unilaterally terminate the contract and notify the trader. After this deadline, the trader is not permitted to request the consumer to make any deposit or payment or perform the contract, unless otherwise prescribed by law.

2. People’s Committees of communes shall receive notifications, supervise and inspect the selling by traders by relying on the regulations set out in clause 1 of this Article.

3. The Government shall elaborate this Article.

Chapter IV

CONSUMER RIGHT PROTECTION ACTIVITIES BY VIETNAMESE FATHERLAND FRONT, SOCIO-POLITICAL ORGANIZATIONS AND SOCIAL ORGANIZATION

Article 48. Responsibility of Vietnamese Fatherland Front and socio-political organizations.

1. Vietnamese Fatherland Front has the responsibility to:

a) Disseminate the Communist Party’s policies and guidelines and the State’s policies and laws on protection of consumers’ rights to the people so that they become acquainted with and implement such.

b) Supervise the implementation of regulations of law on protection of consumers’ rights by regulatory bodies at all levels and traders; express social criticism of draft legal documents, plans, programs, projects and schemes of consumer right protection authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Implement the regulations set out in clause 1 of this Article;

b) Advise and assist their members and the People on the issues concerning protection of consumers’ rights.

Article 49. Social organizations participating in protection of consumers’ rights

1. Social organizations established and operating under regulations of law on associations are entitled to participate in protection of consumers’ rights.

2. Social organizations participating in protection of consumers’ rights include social organizations whose principles and purposes are to participate in protecting consumers' rights and other social organizations participating in protecting consumers' rights.

3. Social organizations participating in protection of consumers’ rights shall operate under regulations of this Law and other relevant regulations of law.

4. The State encourages social organizations to participate in protection of consumers’ rights. Social organizations participating in protection of consumers’ rights are assigned by the State to perform several tasks in protecting consumers’ rights and provided with state funding in accordance with regulations of law on state budget and law on associations and other relevant regulations of law.

Article 50. Activities by social organizations participating in protection of consumers’ rights

1. Activities by social organizations participating in protection of consumers’ rights include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Providing competent authorities with information about traders’ violations against laws;

c) Participating in contributing their comments on guidelines, policies, laws, plans, programs, projects and schemes on protection of consumers’ rights;

d) Propagating, disseminating and providing education about guidelines, policies and laws on protection of consumers’ rights and related guidelines, policies and laws;

dd) Participating in assisting in negotiating or mediating in disputes between consumers and traders under regulations of law upon request.

e) Independently reviewing, testing and publishing results of review or testing of quality of products, goods and services in accordance with regulations of law; reflecting and evaluating the reliability of online traders; informing and warning consumers about products, goods and services and take responsibility to the law for their information and warnings; requesting competent authorities to impose penalties for violations of the law on protection of consumers' rights;

g) Representing consumers to initiate civil lawsuits over the protection of consumers' rights upon request and with authorization in accordance with law;

h) Initiating civil lawsuits over the protection of consumers' rights themselves in the public interests when the conditions specified in clause 2 of this Article are satisfied;

i) Provide training to increase consumers’ awareness and knowledge.

2. A social organization participating in protection of consumers’ rights is entitled to initiate a civil lawsuit over the protection of consumers' rights itself in the public interests if it fully satisfies the following conditions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Its principles and purposes are to protect consumers’ rights or in the public interests related to consumers’ rights;

c) It has been operating for at least 01 year from the date of establishment to the date of exercising its right to initiate the lawsuit itself;

d) Its scope of operation covers a district or a larger area.

Article 51. Rights of social organizations participating in protection of consumers’ rights

A social organization participating in protection of consumers’ rights reserves the right to:

1. Participate in inspection activities related to protection of consumers’ rights at the request of competent authorities.

2. Cooperate with agencies and organizations in participating in protection of consumers’ rights.

3. Be notified of the status of information provided or requested and have it processed and kept confidential.

4. Be trained in skills in protecting consumers’ rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Participate in programs, projects, research topics, consulting, social criticism and assessment and other activities related to consumer right protection at the request of competent authorities.

Article 52. Responsibility of social organizations participating in protection of consumers’ rights

A social organization participating in protection of consumers’ rights has the responsibility to:

1. Comply with regulations enshrined in this Law and other relevant regulations of law.

2. Not to infringe upon interests of the State, legitimate rights and interests of traders during its participation in protection of consumers’ rights.

Article 53. Social organizations whose principles and purposes are to protect consumers’ rights

1. Social organizations whose principles and purposes are to protect consumers’ rights shall carry out the activities prescribed in clause 1 Article 50 of this Law.

2. Social organizations whose principles and purposes are to protect consumers’ rights are assigned by competent authorities to conduct the activities mentioned in points a, d, dd, e, g, h and i clause 1 Article 50 of this Law.

3. Social organizations whose principles and purposes are to protect consumers’ rights are not allowed to refuse to advise and assist in consumers’ legitimate complaints.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SETTLEMENT OF DISPUTES BETWEEN CONSUMERS AND TRADERS

Section 1. GENERAL

Article 54. Methods of settling disputes between consumers and traders

1. Disputes between consumers and traders shall be settled adopting the following methods:

a) Negotiation;

b) Mediation;

c) Arbitration;

d) Courts.

2. Negotiation or mediation will not be allowed in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Violating a prohibition by law or being contrary to social ethics;

c) Causing damage to interests of multiple consumers, except where the number of consumers suffering from damage is fully determined.

3. The methods of settling disputes between consumers and traders may be adopted in person, online or another manner under relevant regulations of law.

Article 55. Responsibility for providing information and documents during settlement of disputes between consumers and traders

1. Related agencies, organizations and individuals shall provide sufficient, accurate and timely information and documents at the request of competent authorities and social organizations participating in protection of consumers' rights during settlement of disputes between consumers and traders according to regulations of law.

2. Competent authorities and social organizations participating in protection of consumers' rights shall keep confidentiality of the information and documents provided as prescribed by law.

Section 2. NEGOTIATION

Article 56. Requirements and receipt of requests for negotiation

1. Consumers are entitled to request traders to enter into negotiation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If a trader fails to respond to a consumer’s request as prescribed in Article 57 of this Law or refuses to enter into negotiation without a plausible reason, the consumer is entitled to request a consumer right protection authority or social organization participating in protection of consumers' rights to assist him/her in conducting a negotiation as his/her legitimate rights and interests are infringed upon.

Article 57. Negotiation procedures

1. A consumer shall send his/her negotiation request, related information and documents (if any) to the trader at their head office, branch, representative office or business location, through website or another contact method published or applied by the trader.

2. The trader shall receive the negotiation request and enter into negotiation with the consumer within 07 working days from the date of receipt.

3. In the case specified in clause 3 Article 56 of this Law, the consumer shall send his/her negotiation request and related information and documents in person or by post or online to the consumer right protection authority or social organization participating in protection of consumers' rights.

4. Within 07 working days from the receipt of the consumer's request, the consumer right protection authority or social organization participating in protection of consumers' rights shall transfer it to the trader requested to conduct the negotiation.

5. The trader shall negotiate with the consumer within 07 working days from the receipt of the request and notify the result in writing to the consumer right protection authority or social organization participating in protection of consumers' rights within 05 working days from the end of the negotiation.

6. In case of rejecting the consumer’s request, the trader shall, within 07 working days from the receipt of the request, give a written response clearly stating the reason for rejection.

Article 58. Cases in which requests for assistance in negotiation are not received and processed

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The person requesting assistance in negotiation is not the consumer or the consumer’s legal representative.

3. The consumer fails to provide adequate information and documents so as to accurately identify the related organization or individual or evidence related to transactions.

4. Any issue in the request for assistance in negotiation is beyond the power of the consumer right protection authority or the purpose, scope or field of operation of the social organization participating in protection of consumers’ rights.

5. The request for assistance in negotiation has been settled by a competent authority or social organization participating in protection of consumers’ rights.

Article 59. Rights and responsibilities of parties during negotiation

1. During a negotiation, the consumer and the trader have the right to:

a) Agree or refuse to participate in the negotiation as prescribed by this Law;

b) Select the time and method of negotiation;

c) Request that the negotiation be suspended or terminated;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Have the freedom to express their opinions on the negotiation;

e) Other rights under regulations of this Law and other relevant regulations of law.

2. During a negotiation, the consumer and the trader have the responsibility to:

a) Conduct the negotiation as prescribed by law and in a manner which is appropriate to social ethics, rights and responsibilities of citizens and business culture;

b) Truthfully present facts of the dispute, provide information and documents related to the dispute;

c) Adhere to the agreement reached after the result of the negotiation on the principle of honesty and good faith;

d) Other responsibility according to regulations of this Law and other relevant regulations of law.

Article 60. Negotiation results

1. The result of negotiation between a trader and a consumer must be documented, unless otherwise agreed upon by the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Parties to the negotiation;

b) Time and place of the negotiation;

c) Issues to be negotiated;

d) Negotiation result;

dd) Other information as agreed upon by the parties in compliance with regulations of law.

3. If the negotiation result is documented, the document must bear signatures or fingerprints of the parties to the negotiation.

Section 3. MEDIATION

Article 61. Mediation procedures

1. Traders and consumers are entitled to select a third party to carry out mediation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 62. Principles of mediation

1. Objectivity, honesty, good faith, impartiality, fairness, voluntariness and self-determination are ensured.

2. Organizations and individuals carrying out mediation and parties to mediation must keep confidentiality of information relating to the mediation, unless otherwise agreed upon by the parties or prescribed by law.

Article 63. Mediation organizations

1. Organizations mediating in disputes between consumers and traders consist of:

a) Social organizations participating in protection of consumers’ rights;

b) Mediation organizations under regulations of law on commercial mediation, law on grassroots mediation and law on mediation at courts;

c) Other organizations having the functions of mediating in disputes between consumers and traders under regulations of law.

2. The mediation organizations specified in points a and c clause 1 of this Article shall recognize and publish the list of eligible mediators under regulations of this Law and designate mediators to participate in mediation at the request of parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Mediators in disputes between consumers and traders are composed of:

1. Mediators under relevant regulations of law on mediation;

2. Any mediator of the organizations specified in points a and c clause 1 Article 63 of this Law must be a Vietnamese citizen who fully satisfies the following conditions:

a) He/she has full capacity for civil acts;

b) He/she has good moral qualities, be honest and reputable;

c) He/she has skills in mediation, be knowledgeable about the law on protection of consumers’ rights and other relevant laws;

d) He/she is not facing a criminal prosecution or does not have an unspent conviction.

3. If the dispute between a consumer and a trader involves any ethnic, there must be at least 01 mediator who has the same ethnic group or is proficient in the language of that ethnic. If there is not any mediator satisfying the requirement in this clause, the parties to mediation shall arrange or request the mediator to arrange an interpreter, unless otherwise provided for by law.

Article 65. Mediation results

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The document on successful mediation in the cases specified in points and c clause 1 Article 63 of this Law shall contain the following information:

a) The organization or individual conducting mediation;

b) Parties to mediation;

c) Time and place of the mediation;

d) Issues under mediation;

dd) Opinions of parties to mediation;

e) Mediation result and solution for compliance thereof;

g) Time limit for complying with the successful mediation result;

h) Other information as agreed upon by the parties in compliance with regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 66. Complying with and recognizing successful mediation results

1. Parties to mediation shall comply with the successful mediation result within the time limit agreed upon in the document on successful mediation result.

2. One of the parties to mediation is entitled to request the Court to issue a decision to recognize successful mediation result.

3. The request for recognition and the recognition of successful mediation results shall comply with regulations of law on civil procedures.

Section 4. ARBITRATION

Article 67. Effect of arbitration clauses

1. Traders must notify arbitration clauses before entering into any contract and obtain the consumer's consent.

2. If the trader specifies an arbitration clause in the standard form contract or general trading conditions, the consumer is entitled to select another method of dispute settlement when a dispute arises.

Article 68. Procedures for settling disputes by arbitration

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 69. Burden of proof

1. Every consumer shall bear the burden to provide evidence and proof to protect his/her legitimate rights and obligations as prescribed by law, except for the case of proving the trader’s faults.

2. Every trader shall bear the burden to prove that they are not at fault for damage as prescribed by law.

Section 5. SETTLEMENT OF DISPUTES AT COURTS

Article 70. Civil cases of protection of consumers’ rights

1. Civil case of protection of consumers’ rights means a case in which the plaintiff is a consumer or a social organization participating in the protection of consumers' rights as prescribed in this Law. Courts shall handle civil cases of protection of consumers’ rights according to the procedures specified under the Code of Civil Procedure.

2. Any civil case of protection of consumers' rights which values less than 100 million dong shall be handled following simplified procedures without satisfying the conditions specified in clause 1 Article 317 of the Code of Civil Procedure.

3. Any civil case of protection of consumers' rights other than that specified in clause 2 of this Article shall be handled following simplified procedures when fully satisfying the conditions specified in clause 1 Article 317 of the Code of Civil Procedure.

Article 71. Court fees for civil cases of protection of consumers’ rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Any consumer who initiates a civil lawsuit over protection of consumers’ rights to protect his/her legitimate rights and interests or social organization participating in protection of consumers' rights which represents a consumer as authorized to initiates a civil lawsuit over protection of consumers’ rights is not required to pay any court fee advance.

3. Any social organization participating in protection of consumers' rights which initiates a civil lawsuit over protection of consumers’ rights in the public interests is not required to pay any court fee advance or court fee.

Article 72. Disclosure of information about civil lawsuits over protection of consumers’ rights initiated by social organizations participating in protection of consumers' rights

1. Any social organization participating in protection of consumers’ rights which initiates a civil lawsuit over the protection of consumers' rights in the public interests shall publicly disclose the Court’s notification of lawsuit acceptance within 07 working days from the date of acceptance.

2. The Court’s notification of lawsuit must be publicly disclosed at the head office and on any websites or apps (if any) of the social organization participating in protection of consumers’ rights for at least 15 days from the date of disclosure.

3. Within 07 working days from the end of the lawsuit, the social organization participating in protection of consumers’ rights shall publicly disclose the result according to the method and within the time limit specified in clause 2 of this Article.

Article 73. Damages in civil lawsuits over protection of consumers’ rights in the public interests initiated by social organizations participating in protection of consumers' rights

1. Damages and their beneficiaries in civil lawsuits over protection of consumers’ rights in the public interests initiated by social organizations participating in protection of consumers' rights shall comply with the Court’s verdicts and decisions.

2. In case of failure to determine the beneficiaries, damages in civil lawsuits over protection of consumers’ rights in the public interests initiated by social organizations participating in protection of consumers' rights shall be used to service general activities with the aim of protecting consumers’ rights according to the Government's regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



STATE MANAGEMENT OF PROTECTION OF CONSUMERS’ RIGHTS

Article 74. Responsibility for state management of protection of consumers’ rights

1. The Government shall perform uniform state management of protection of consumers’ rights.

2. The Ministry of Industry and Trade shall act as a conduit which assists the Government in performing uniform state management of protection of consumers’ rights.

3. Ministries and ministerial agencies shall, within their jurisdiction, implement consumer right protection activities in the fields under their management and cooperate with the Ministry of Industry and Trade in performing state management of protection of consumers’ rights.

4. People’s Committees at all levels shall, within their jurisdiction, perform state management of protection of consumers’ rights within their provinces.

Article 75. Responsibility of Ministry of Industry and Trade

1. Promulgate under its authority or submit to a competent authority for promulgation and organize the implementation of policies, laws, strategies, plans, projects, schemes, programs and activities at national level with regard to the protection of consumers’ rights; promote sustainable production and consumption in the direction of green and circular economy; encourage and promote investment, production, distribution, export and import of eco-friendly products and technologies, responsible business practices for the consumers' sake in accordance with the roadmap for international integration and implementation of relevant treaties.

2. Propagate, disseminate and provide education about knowledge and laws on protection of consumers’ rights; advise, support and raise awareness of protection of consumers’ rights; provide training for human resources and offer refresher courses to serve the protection of consumers’ rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Build a national consumer protection database.

5. Assign tasks to social organizations whose principles and purposes are to protect consumers’ rights as prescribed in clause 2 Article 53 of this Law and other relevant regulations of law.

6. Manage consumer right protection activities by social organizations participating in the protection of consumers' rights and mediation organizations in charge of protection of consumers' rights as prescribed by law.

7. Build a mechanism for cooperation with other Ministries and ministerial agencies concerned to carry out consumer right protection activities under its authority.

8. Request other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees to submit periodic and ad hoc reports on protection of consumers’ rights and submit consolidated reports to competent authorities.

9. Keep control of standard form contracts and general trading conditions under its authority.

10. Carry out inspection, handle complaints and denunciations and impose penalties for violations against regulations of law on protection of consumers’ rights under its authority.

11. Carry out international cooperation in protection of consumers’ rights.

Article 76. Responsibility of Ministries and ministerial agencies

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Preside over and cooperate with the Ministry of Industry and Trade in building and carrying out consumer right protection activities under their authority in the fields under their management.

Article 77. Responsibility of People’s Committees at all levels

1. Provincial People’s Committees have the responsibility to:

a) Fulfill the responsibility specified in clauses 1, 2, 3, 5, 6, 9, 10 and 11 Article 75 of this Law in the fields under their authority within their provinces; cooperate with the Ministry of Industry and Trade in fulfilling the responsibility specified in clause and 4 Article 75 of this Law;

b) Promulgate regulations on cooperation in state management of protection of consumers’ rights as well as receipt and handling of consumers’ feedback, requests and complaints within their provinces;

c) Provide professional guidance to district-level consumer right protection authorities so as for them to perform the tasks in relation of protection of consumers’ rights.

d) Participate in international cooperation in protection of consumers’ rights as assigned and decentralized or international cooperation with local authorities of bordering countries in accordance with regulations of law.

2. District-level People’s Committees have the responsibility to:

a) Fulfill the responsibility specified in clause 10 Article 75 of this Law under their authority within their districts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Inspect activities by social organizations participating in protection of consumers’ rights under their management in their districts;

d) Manage under their authority the markets and shopping malls in their districts to protect consumers’ rights when consumers purchase and use products, goods and services at such locations;

dd) Provide professional guidance to communal People’s Committees so as for them to take necessary measures to protect consumers’ rights when consumers purchase and use products, goods and services of individuals conducting commercial activities outside markets and shopping malls;

e) Submit reports on state management of protection of consumers’ rights in their districts on a periodic basis or at the request of superior competent authorities;

g) Promulgate regulations on cooperation in state management of protection of consumers’ rights at district-level regulatory bodies.

3. Communal People’s Committees have the responsibility to:

a) Fulfill the responsibility specified in point b clause 2 of this Article in their districts;

b) Inspect activities by management boards of markets and market merchants in their districts during their performance of the tasks in protection of consumers’ rights specified in market’s internal rules according to regulations of law. If there is no management board of markets and market merchants, the communal People’s Committee shall take measures to protect consumers’ rights within markets;

c) Manage and inspect activities by individuals who conduct commercial activities independently and regularly but who are not required to have business registration in their districts outside markets and shopping malls to protect consumers’ rights;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Impose penalties for violations against regulations of law on protection of consumers’ rights under their authority and regulations of law;

e) Propagate and encourage individuals to conduct commercial activities within markets and shopping malls; enable individuals to conduct commercial activities within markets.

Chapter VII

IMPLEMENTATION CLAUSE

Article 78. Amendments to some Articles of the Code of Civil Procedure No. 92/2015/QH13 amended by the Code No.45/2019/QH14, Law No. 59/2020/QH14 and Law No. 13/2022/QH15

1. Point b clause 3 of Article 191 is amended as follows:

“b) Carry out the acceptance procedures of the cases according to normal procedures or simplified procedures if the cases are eligible to be resolved according to the simplified procedures prescribed in clause 1 or clause 5 Article 317 of this Code;”.

2. Several clauses of Article 317 are amended as follows:

a) Introductory paragraph of clause 1 is amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Clause 5 is added after clause 4 as follows:

“5. The condition for application of simplified procedures to resolution of a civil case of protection of consumers' rights which values less than 100 million dong is specified in clause 2 Article 70 of the Law on Protection of Consumers' Rights.”,

Article 79. Effect

1. This Law comes into force from July 01, 2024.

2. The Law on Protection of Consumers' Rights No. 59/2010/QH12 amended by the Law No. 35/2018/QH14 shall cease to have effect from the effective date of this Law, save the case specified in point a clause 1 and clause 2 Article 80 of this Law.

Article 80. Grandfather clause

1. For any transaction between a trader and a consumer established before the effective date of this Law, the application of law shall be subject to the following provisions:

a) If the transaction between the trader and the consumer has yet to be conducted but its content and method are different from those specified in this Law, the parties shall keep conducting that transaction in accordance with the Law on Protection of Consumers' Rights No. 59/2010/QH12 amended by the Law No. 35/2018/QH14. If the parties have reach a new agreement on amendments to the content and method of the transaction, they must comply with regulations of this Law and apply regulations of this Law from its effective date.

If the transaction between the trader and the consumer is being conducted but its content and method are different from those specified in this Law, regulations of the Law on Protection of Consumers' Rights No. 59/2010/QH12 amended by the Law No. 35/2018/QH14 shall apply;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. For a standard form contract or general trading conditions publicly disclosed and applied to consumers before the effective date of this Law, the application of law shall be subject to the following provisions:

a) For the standard form contract or general trading conditions not subject to registration as prescribed by law, the trader shall complete the amendments to the content and form of such standard form contract or general trading conditions and publicly disclose them to make them conformable with regulations of this Law before December 31, 2024;

b) For the standard form contract or general trading conditions subject to registration as prescribed by law at the time this Law comes into force, the trader shall complete the registration of such standard form contract or general trading conditions in conformity with regulations of this Law before December 31, 2024.

This Law is adopted by the 15th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on this 20th of June 2023 during its 5th session.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Vuong Dinh Hue

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


222.866

DMCA.com Protection Status
IP: 52.15.191.241
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!