ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1684/KH-UBND
|
Quảng Bình,
ngày 14 tháng 9 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC
ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU
GIÁO, TIỂU HỌC TỪ NĂM 2017 ĐẾN NĂM 2020 TỈNH QUẢNG BÌNH
Thực hiện Quyết định số
1340/QĐ-TTg ngày 08 tháng 07 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc
trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình
xây dựng Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh với một số nội dung như sau:
I. KHÁI QUÁT
TÌNH HÌNH SỨC KHOẺ DINH DƯỠNG TRẺ EM
1. Thực trạng thiếu dinh dưỡng
ở trẻ em Việt Nam
Theo kết quả khảo sát của Viện
Dinh dưỡng Quốc gia năm 2014, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong
ba thập kỷ qua đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, tính từ năm 1985 đến năm
2014, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 51,5% xuống
còn 14,5 %. Tương tự, tỷ lệ thấp còi cũng giảm từ 59,7% xuống còn 24,9 %.
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ
này thì ở Việt Nam, hiện tại cứ 4 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp
còi (chiều cao thấp so với tuổi). Nguyên nhân có thể là do tỷ lệ thiếu vi chất
dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam vẫn còn cao: tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi
là 29,2%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 14,2%, thiếu kẽm (81,2%), thiếu vit
D (53,7% ở nông thôn, 62,1% ở thành phố). Đặc biệt, khẩu phần của trẻ cũng chỉ
đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D khuyến nghị, trong
khi đây là những vi chất quan trọng giúp trẻ tăng trưởng và khỏe mạnh. Tình trạng
thiếu hụt vitamin D và khẩu phần canxi thấp đang là những vấn đề ảnh hưởng đến
thể chất và sức khỏe của trẻ em Việt nam.
Tại Quảng Bình, năm 2015, tỉ lệ
suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 18,4%, thể thấp còi chiếm 30,5% và dự ước năm
2016, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 17,5% và thể thấp còi chiếm 29,3%.
2. Dinh dưỡng canxi và sức khỏe xương
Theo khuyến cáo của Viện Dinh
dưỡng (năm 2012), nhu cầu canxi cho trẻ 1-3 tuổi là 500mg/ngày và cho trẻ 4-6
tuổi là 600mg/ngày. Tuy vậy, nhu cầu canxi cũng có sự thay đổi tùy theo chế độ
ăn uống hàng ngày của trẻ.
Dinh dưỡng có ảnh hưởng rất
quan trọng tới tăng trưởng trẻ em. Đặc biệt, trong khẩu phần trẻ em nước ta,
các yếu tố dinh dưỡng rất cần thiết đối với quá trình tăng trưởng chiều cao là
canxi và vitamin D lại chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nguồn cung cấp canxi của cơ thể
gồm canxi từ thức ăn (như thực phẩm tự nhiên, thực phẩm được tăng cường canxi)
và việc uống canxi bổ sung. Những thực phẩm giàu canxi như sữa, phomát, sữa
chua, đậu nành; Các loại rau xanh (rau cải, rau bó xôi…); đậu khô, trái cây (nhất
là trái cây có múi như bưởi, cam); Các loại thức ăn nhiều đạm (cá hộp, thịt,
sò, ốc).
Sữa chứa
nhiều canxi và là nguồn canxi tối ưu cho bé phát triển chiều cao, có một bộ
xương vững chắc sau này. Thông thường với những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi,
bữa ăn của trẻ thường khá nghèo canxi (ít sữa). Phần lớn nguồn protein trong khẩu
phần đều từ các thực phẩm như thịt, giò, chả, trứng… chưa mang lại tính cân đối
và hợp lý cho khẩu phần, khiến việc hấp thu và sử dụng canxi cho cơ thể cũng bị
ảnh hưởng. Bữa ăn của trẻ thường nghèo canxi (ít sữa) nhất là đối với trẻ bị
suy dinh dưỡng thấp còi. Vì thế mức đáp ứng nhu cầu canxi của trẻ em nước ta mới
chỉ đạt ở mức xung quanh 60.3% và thấp hơn ở trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi (49%).
Như vậy có thể thấy, đối với trẻ em, sữa và chế phẩm từ
sữa là nguồn cung cấp protein và canxi quý giá.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng
của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng
ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Quảng
Bình góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
2. Các chỉ tiêu cụ thể
- Đến năm 2020, có 90% bố, mẹ,
người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của
những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.
- Đến năm 2020, có 100% số học
sinh mẫu giáo và tiểu học của các xã nghèo đặc biệt khó khăn được uống sữa theo
Chương trình Sữa học đường.
- Đến năm 2020, có 70% số học
sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương
trình Sữa học đường.
- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của
trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.
- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein
tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.
- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi,
vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy
dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.
- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy
dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.
- Đến năm 2020, chiều cao trung
bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái
so với năm 2010.
III. CÁC GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp cơ chế chính
sách
- Ban hành các chính sách khuyến
khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực,
sự bền vững của Chương trình Sữa học đường, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng
có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Thực hiện các chính sách khuyến
khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình Sữa học
đường theo quy định hiện hành.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động
các nguồn lực, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện Chương trình Sữa học
đường.
2. Công tác khảo sát thực trạng
suy dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học phục vụ đánh giá hiệu quả
- Tất cả trẻ em tại các trường
mầm non và tiểu học được khảo sát thể lực thông qua đo chiều cao và cân nặng, kết
quả được lưu và đối chiếu, so sánh với lần sau nhằm đánh giá hiệu quả của sữa học
đường cho từng độ tuổi.
- Cơ sở y tế đảm nhận nhiệm vụ
y tế trường học phối hợp với các giáo viên để thực hiện việc đo thể lực học
sinh một cách nghiêm túc và đảm bảo tính chính xác, các trường có nhân viên y tế
trường học thì phối hợp với giáo viên thực hiện nhiệm vụ này. Trạm Y tế xã, phường,
thị trấn chịu trách nhiệm giám sát và hướng dẫn quy trình thực hiện.
- Kết quả khảo sát được tổng hợp
báo cáo cho Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện để tổng hợp, đánh giá.
3. Công tác truyền thông, vận
động
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của
các cấp chính quyền về nhận thức vai trò, tầm quan trọng của Chương trình Sữa học
đường nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện Chương trình.
- Tăng cường công tác thông tin
giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, bố, mẹ, người chăm sóc
trẻ về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm
vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các
sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.
- Đa dạng loại hình, phương thức
truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng và vùng miền.
- Kết hợp truyền thông giáo dục
dinh dưỡng với giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.
4. Giải pháp chuyên môn kỹ
thuật
- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm
Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan
của Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ
năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ cho đội ngũ cán
bộ y tế, giáo viên tham gia Chương trình Sữa học đường trong quá trình uống sữa,
kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình cho trẻ em
uống sữa.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo
các nhà trường lồng ghép tuyên truyền vào các hội nghị, diễn đàn, gặp mặt phụ
huynh…về các nội dung, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về chương trình sữa học
đường.
- Xây dựng áp phích, tờ rơi…
tuyên truyền về Chương trình sữa học đường tại các huyện, thị xã, thành phố;
các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.
- Theo dõi, giám sát việc triển
khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình sữa học đường.
IV. KINH PHÍ
Từ nguồn xã hội hóa, nguồn tài
trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn
ngân sách theo các dự án của Bộ Y tế; nguồn ngân sách địa phương theo khả năng
cân đối.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức
triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh
Quảng Bình.
- Xây dựng và ban hành các quy
định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đảm bảo an toàn vệ
sinh thực phẩm dựa trên các quy định của Bộ Y tế tại địa phương.
- Đào tạo nâng cao năng lực cho
đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia chương trình; kết hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo tăng cường giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất trong hệ thống
trường học.
- Tăng cường theo dõi, giám sát
việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình Sữa học đường.
- Chỉ đạo Trung tâm chăm sóc sức
khoẻ sinh sản tỉnh làm đầu mối phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung
tâm y tế huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc thực hiện
Chương trình Sữa học đường và báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm; tổ chức tổng kết,
báo cáo kết quả thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020 .
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và
Đào tạo phối hợp với ngành Y tế tổ chức triển khai các hoạt động của Chương
trình Sữa học đường; chỉ đạo các trường học cho trẻ uống sữa đúng quy định.
- Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh
hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất trong hệ thống
trường học.
3. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng
và triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù cho trẻ em tại các huyện, thị xã,
thành phố trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các Phòng Lao động,
Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành Y tế,
ngành Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn triển khai có hiệu quả Chương trình Sữa học
đường.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông
Chỉ đạo các cơ quan truyền
thông trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông nâng
cao nhận thức cho các cấp chính quyền, cán bộ y tế, nhà trường và cộng đồng về
vai trò, tầm quan trọng của Chương trình Sữa học đường.
5. Sở Tài chính
Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của
Sở Y tế, các sở, ngành có liên quan và khả năng cân đối ngân sách địa phương,
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động của
Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục
và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vận động các nguồn tài
trợ trong và ngoài nước cho Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh):
Chủ động tham gia thực hiện
Chương trình Sữa học đường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao
nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em.
8. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
Chỉ đạo các đơn vị liên quan
trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Sữa học đường. Bổ
sung kinh phí và các nguồn lực khác tại địa phương cho các hoạt động của Chương
trình Sữa học đường.
Căn cứ nội dung Kế hoạch này,
các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời triển khai thực hiện và báo cáo kết
quả thực hiện định kỳ 6 tháng và hàng năm về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở: YT, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TC, KH&ĐT, TT&TT;
- Các Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KTTH, VX.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Tiến Dũng
|