VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 339/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 12 năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC
LÀM VIỆC VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2020
VÀ 11 THÁNG NĂM 2021; NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÁNG CUỐI NĂM 2021 VÀ GIAI ĐOẠN TIẾP
THEO
Ngày 08 tháng 12 năm 2021, tại
Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc
với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020
và 11 tháng năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp tháng cuối năm 2021 và giai đoạn tiếp
theo. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại diện lãnh đạo
các Bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền
thông, Nội vụ, Y tế, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban
Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Tổng Giám đốc,
các Phó Tổng Giám đốc BHXHVN và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXHVN. Sau khi
nghe Tổng Giám đốc BHXHVN báo cáo, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Minh
Khái và các đồng chí dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như
sau:
1. Đánh giá
cao BHXHVN đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ, nghiêm túc, thể hiện rõ những kết quả đạt
được, những tồn tại, khó khăn, thách thức; nguyên nhân; những nhiệm vụ, giải
pháp trọng tâm trong thời gian tới và các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ
quan tại cuộc họp rất sâu sắc, trách nhiệm, đóng góp nhiều giải pháp và giải
đáp các kiến nghị của BHXHVN.
2. Biểu dương
những kết quả công tác đạt được năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021 của BHXHVN.
Toàn ngành BHXH đã có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ giao, thể hiện ở một số kết quả nổi bật như:
a) Bám sát chủ trương, đường lối,
chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với
các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm
thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT); đặc biệt đã phối hợp trình cấp thẩm
quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính
sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng
bởi dịch bệnh Covid-19.
b) Tích cực triển khai Nghị quyết
số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đạt được nhiều
mục tiêu đề ra; độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, trong đó đối tượng
tham gia BHXH tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHYT
cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân.
c) Quản lý Quỹ BHXH bảo đảm an
toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và ổn định
kinh tế vĩ mô.
d) Công tác thanh tra, kiểm tra
được chú trọng, đổi mới phương thức, cách thức thực hiện, mang lại hiệu quả
tích cực, nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH.
đ) Đã có nhiều cố gắng trong việc
thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành
Trung ương, giảm đầu mối cấp Vụ, cấp phòng, các chức danh lãnh đạo các cấp ở cả
Trung ương và địa phương, giảm 2.168 biên chế (10% so với biên chế được giao
năm 2016) theo mục tiêu tại Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
e) Là một trong những cơ quan
đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch
vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết
thủ tục hành chính trên Trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng VssID- BHXH
số. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của BHXHVN đã hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt
động phòng chống dịch bệnh thời gian qua.
3. Tuy nhiên,
bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của BHXHVN vẫn còn những tồn tại,
khó khăn, thách thức, như: khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải
được rà soát, hoàn thiện, nhất là một số quy định tại các luật liên quan (BHXH,
BHYT, Việc làm, Thanh tra,…); tác động của dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó
khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và một số
chỉ tiêu về độ bao phủ; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH có xu hướng tăng; việc
giải quyết chế độ đối với người lao động trong trong trường hợp doanh nghiệp nợ
BHXH mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn vướng mắc;
tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT vẫn còn xảy ra; một số nơi
nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện
chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa đầy đủ, ý thức chấp hành chính sách
pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao.
4. Trong thời
gian tới, BHXHVN cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
a) Tiếp tục bám sát chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ để triển khai có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm.
b) Nhận thức sâu sắc, đầy đủ,
toàn diện về vai trò của an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường, “không hy
sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
An sinh xã hội phải lấy người dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể, là mục tiêu,
động lực, góp phần vào sự ổn định, lành mạnh của xã hội và phát triển của đất
nước. An sinh xã hội phải dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và
khắc phục rủi ro, có sự linh hoạt, bám sát thực tiễn trong quá trình thực hiện,
đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Nắm chắc diễn biến tình hình
(nhất là tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…) để tham mưu kịp thời cho các
cấp, các ngành xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.
c) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ,
cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực BHXH,
BHTN, BHYT; khẩn trương lập Tổ công tác để rà soát các vướng mắc pháp luật liên
quan đến quy định tại các Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư và đề xuất cơ
quan có thẩm quyền sửa đổi, nhất là các quy định tại Luật BHXH, Luật Việc làm,
Luật Thanh tra, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung
ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXHVN.
d) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển
người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời,
thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải
quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.
Triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động
bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo
thực hiện kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng thuộc diện được
hỗ trợ.
đ) Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ
máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng quy định
tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Kế hoạch số
07-KH/TW của Bộ Chính trị; quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XII), Nghị quyết 26-NQ/TW và Kế hoạch 10-KH/TW của Bộ Chính trị,
xây dựng đội ngũ cán bộ ngành BHXH có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất
trong nội bộ, kịp thời bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo khi khuyết thiếu.
e) Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành
vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ
BHXH, BHTN, BHYT. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định,
các khoản nợ đóng, chậm đóng.
g) Quản lý quỹ BHXH, BHTN, BHYT
an toàn, bền vững và hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vừa
đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước,
đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên lợi ích của ngành.
h) Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải
cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng
lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục
hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên
thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh
chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính
trên môi trường mạng.
i) Phối hợp chặt chẽ với cơ
quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền
thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt
nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
5. Về các kiến
nghị, đề xuất của BHXHVN
a) Về việc giao các Bộ, cơ quan
nghiên cứu, khẩn trương báo cáo, trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ
sung đồng bộ Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật liên quan phù hợp
với tinh thần các Nghị quyết của Trung ương về chính sách BHXH, BHYT: BHXHVN phối
hợp chặt chẽ với Bộ, cơ quan chủ trì trong quá trình xây dựng các dự thảo Luật;
các Bộ, cơ quan chủ trì có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ
các ý kiến của BHXHVN.
b) Về việc giao chỉ tiêu phát
triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo lộ trình giai đoạn 2021 - 2025 cho từng
tỉnh, thành phố: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với
BHXHVN và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất trình Chính phủ trong
tháng 12 năm 2021 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03 tháng
8 năm 2018 của Chính phủ.
c) Về việc cho phép BHXHVN trước
mắt tạm giữ cơ cấu tổ chức bộ máy như hiện nay theo Nghị định số 89/2020/NĐ-CP
ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ: Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của BHXHVN để
tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Về việc tiếp tục có chính
sách để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho khoảng 2,6 triệu đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc
nhóm đối tượng không được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT sau khi triển
khai Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ): Bộ Y tế chủ trì, phối hợp
với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện
theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tại Thông báo số
251/TB-VPCP ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.
đ) Về việc xem xét, ban hành
quy định về xử lý nợ BHXH, BHYT tồn đọng, kéo dài (không có khả năng thu hồi) của
doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn: Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Báo
cáo số 257/BC-UBXH15 ngày 18 tháng 10 năm 2021 để chủ trì, phối hợp với BHXHVN
và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý phù hợp, báo cáo Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2022.
e) Về việc đầu tư Quỹ BHXH tại
ngân hàng thương mại theo Điều 92 Luật BHXH: BHXHVN và các Bộ,
cơ quan liên quan thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản
số 653/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.
g) Về kiến nghị đối với các Bộ,
ngành, địa phương: Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương theo chức
năng nhiệm vụ được giao xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật
các kiến nghị của BHXHVN tại văn bản số 3975/BC-BHXH ngày 07 tháng 12 năm 2021
trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
BHXHVN hoàn thành tốt nhiệm vụ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt
thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ: LĐTBXH, NV, TC, TP, Y tế, TTTT;
- Thanh tra Chính phủ;
- Ngân hàng Nhà nước;
- Ủy ban Dân tộc;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT,
TH, PL, KGVX, TCCV, KSTT;
- Lưu: VT, KTTH.(2)
|
KT.BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|