HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 153/NQ-HĐND
|
Lâm Đồng, ngày 09
tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG
QUA ĐỀ ÁN CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT ĐẾN NĂM 2025, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2035
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6
năm 2020;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24
tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến
quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày
05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao
thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025;
Căn cứ Quyết định số 704/QĐ-TTg
ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch
chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Quyết định số 1848/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 12 năm 2018 về
phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến
năm 2050;
Xét Tờ trình số 9011/TTr-UBND ngày
24 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết thông qua Đề
án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn
đến năm 2035; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến
thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa
bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (đính kèm nội
dung chính của Đề án).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai
thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh,
các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết theo quy định của
pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Lâm Đồng Khóa X Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và có
hiệu lực từ ngày thông qua./.
NỘI DUNG CHÍNH
CỦA
ĐỀ ÁN CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT ĐẾN NĂM 2025, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2035
(Kèm theo Nghị quyết số
153/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của
Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
1. Phạm vi
nghiên cứu
1.1. Phạm vi nghiên cứu chính là
địa bàn thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.115 ha, dân số
229.286 người (năm 2020).
1.2. Phạm vi nghiên cứu mở rộng
bao gồm thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần
huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam
Hà) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha, dân số khoảng 701.350
người (năm 2020).
2. Mục tiêu, quan điểm tiếp cận
và các yêu cầu chung
2.1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung: Xây dựng các giải pháp từ ngắn hạn tới dài hạn để từng bước hoàn chỉnh
hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông; phát triển nhanh vận tải
hành khách công cộng; tài chính bền vững để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ
giao thông vận tải; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; từng bước cải
thiện tình trạng ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025: Giảm thiểu tình
trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nút giao
thông trong các khung giờ cao điểm, dịp lễ, Tết.
- Đến năm 2035: Không còn tình trạng
ùn tắc giao thông, hoạt động giao thông an toàn, thông
suốt và quản lý, khai thác theo hướng đồng bộ, hiện đại và linh hoạt.
2.2. Quan điểm tiếp cận
- Phương án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao
thông và dịch vụ vận tải phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, du lịch,
đô thị theo hoạch định; giảm thiểu các tác động bất lợi từ hoạt động giao thông
vận tải; bao gồm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng
ồn, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, biến đổi khí hậu… góp phần tạo nên một thành
phố Đà Lạt phát triển bền vững, xanh, sạch, đáng sống và thông minh.
- Quản lý phát triển giao thông đô thị bền vững, đảm
bảo tính tổng thể, chiến lược, phù hợp với bối cảnh địa phương, liên ngành và đa
lĩnh vực. Triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển đô thị, hạ tầng, công
nghệ giao thông thông minh, kết hợp với tăng cường thể chế và chính sách nhằm
hướng tới 3 mục tiêu: (1) Tăng cường năng lực cung ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng
giao thông vận tải; (2) Quản lý kiểm soát nhu cầu đi lại của hành khách và vận
tải hàng hóa nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực (ùn tắc giao thông, tai nạn
giao thông, ô nhiễm môi trường, …), hướng đến hệ thống giao thông xanh, di chuyển
nhanh chóng, an toàn và hiệu quả; (3) Tăng cường nguồn thu ngân sách địa phương
để đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng và
dịch vụ giao thông vận tải.
2.3. Yêu cầu chung
Một là, nội
dung phân tích đánh giá hiện trạng hệ thống giao thông vận tải và tình trạng quá tải của
hệ thống giao thông thành phố Đà Lạt cần dựa trên thu thập
số liệu, khảo sát và phân tích để làm rõ các dạng và nguyên
nhân ùn tắc giao thông (để trả lời các câu hỏi như ùn tắc xảy ra ở đâu, vào những thời điểm nào, mức độ ùn tắc như thế
nào, đặc điểm dòng xe, đặc điểm hạ tầng và tổ chức giao thông hiện trạng?).
Hai là, dự báo tăng trưởng nhu cầu đi lại có xét đến các yếu tố phát triển kinh
tế - xã hội, đô thị hóa, phát triển du lịch…, khả năng mở rộng
mạng lưới đường bộ, phát triển hệ thống giao thông công cộng và đánh giá dự báo mức độ ùn tắc giao thông trong tương lai như là hệ quả của chênh lệch cung - cầu giao thông. Từ kết quả đó, đưa ra định hướng
chiến lược trong công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển giao thông đô
thị của thành phố Đà Lạt đảm bảo bao quát được các vấn đề trọng tâm liên quan đến giảm ùn tắc
giao thông, giao thông thông minh, thân thiện và bảo vệ môi
trường.
Ba là, các giải pháp đề xuất cần tập trung vào quy
hoạch hạ tầng - đô thị, phát triển mạnh mẽ hệ
thống giao thông công cộng và các tiện ích phục vụ cho giao thông công cộng
(bao gồm các bãi đậu xe, đỗ xe) đảm bảo nhu cầu đậu đỗ xe cho khách du lịch và
người dân địa phương, quản lý nhu cầu đi lại, tái tổ chức
giao thông theo mô hình đô thị thông minh, chiến lược tài chính và thể chế quản
lý nhà nước đạt hiệu quả cân bằng cung - cầu, qua đó cắt
giảm ùn tắc giao thông trong ngắn hạn và dài hạn.
Bốn là, các giải pháp đề xuất và danh mục các dự án công trình ưu tiên
đầu tư nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông cần được xác định cụ thể về
vị trí, quy mô, chức năng, chi phí đầu tư, thời điểm triển khai là cơ sở để
trình các cơ quan ban ngành và người dân xin ý kiến góp ý trước khi triển khai
ngoài thực tế.
3. Các nhóm giải pháp
3.1. Nhóm giải pháp phát triển
tích hợp đô thị, giao thông và du lịch
a) Cải thiện năng lực hệ thống
đường đô thị:
- Hoàn thiện khép kín hệ thống đường
vành đai thành phố Đà Lạt gồm các đoạn tuyến như sau: Đường Cam Ly - Ankoret -
Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thánh Mẫu - Mai Anh Đào - đường Vòng
Lâm Viên - đường tỉnh 723 - Hùng Vương - tuyến mở mới phía Đông Nam - An Sơn -
Y Dinh - An Tôn - đường Trúc Lâm Yên Tử kéo dài; tuyến Cam Ly - Phước Thành; đường
tránh Prenn - Xuân Thọ, đường nối Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ giúp giảm lưu lượng
giao thông trên đèo Prenn và Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm thành
phố Đà Lạt.
- Hoàn thiện kết nối hệ thống các tuyến
đường vành đai, liên kết đô thị của thành phố Đà Lạt các vùng phụ cận.
- Đường trục chính đô thị thành phố
Đà Lạt: Nâng cấp mở rộng đèo Prenn, đường nối chân đèo
Prenn - Trúc Lâm Yên Tử quy mô 4 làn xe, cải tạo đèo Mimosa đảm bảo lưu thông
cho phương tiện. Cải tạo, chỉnh trang các tuyến trục chính của thành phố Đà Lạt
(gồm 3 trục Đông Tây và 6 trục Bắc Nam theo Quy hoạch 704) đảm bảo phần xe chạy
tối thiểu 2 - 4 làn xe, hoàn thiện đường đô thị trục chính phía Tây (đường Trần
Văn Côi) và đường đường đô thị trục chính phía Đông từ đường Trạng Trình dọc
theo kênh Rạch tới đường Vòng Lâm Viên; hoàn thiện vỉa hè, hệ thống chiếu sáng,
thoát nước và cây xanh đường phố tạo cảnh quan đô thị.
b) Phát triển hệ thống giao
thông công cộng:
- Phát triển hệ thống giao thông công cộng đa cấp,
tích hợp đa phương thức và tái cấu trúc các tuyến xe buýt hiện hữu.
- Đến năm 2025: Nâng cao chất lượng các tuyến xe
buýt hiện hữu, mở mới 3 tuyến buýt trục tần suất cao trên các tuyến đường trục
chính đô thị Bắc - Nam và Đông - Tây
(tuyến Đèo Prenn - Bến xe Mai Anh Đào; tuyến Cam Ly - Đarahoa; tuyến Đèo Prenn - Bến xe Liên
Nghĩa). Xây dựng điểm trung chuyển xe buýt kết hợp với bãi gửi xe quy mô lớn tại
cửa ngõ phía Nam khu vực chân đèo Prenn (38,24 ha) phục vụ gửi xe cá nhân,
trung chuyển sang các tuyến giao thông công cộng trục chính đi vào trung tâm
thành phố.
- Đến năm 2035: Tái cấu trúc các tuyến buýt hiện hữu
hình thành 5 tuyến buýt gom (tuyến Bến xe Mai Anh Đào - Ngã ba Đarahoa; tuyến
Langbiang - Trúc Lâm Yên Tử; tuyến Bến xe Mai Anh Đào - Ga
Đà Lạt; tuyến Bến xe Mai Anh Đào - Cam Ly - Đèo Prenn; tuyến
Hoà Bình - Ga Đà Lạt - Cam Ly); 7 tuyến
buýt liên huyện kết nối các khu vực phụ cận (tuyến Trại Mát - D'Ran; tuyến
Đarahoa - Đạ Nhim; tuyến Cam Ly - Liên
Nghĩa; tuyến Liên Nghĩa - Bảo Lộc; tuyến Liên Nghĩa - D'Ran; tuyến Liên Nghĩa - Ka Đô - D'Ran; tuyến Liên Nghĩa - Đinh Văn) và 3 tuyến buýt phục vụ khách du lịch (tuyến Ga Đà Lạt
- Thiền viện Trúc Lâm - Đèo Mimosa; tuyến Ga Đà Lạt - Thung lũng Vàng; tuyến Ga Đà Lạt - Langbiang). Nâng cấp cải tạo
ga Đà Lạt (4,2ha) là ga trung chuyển trung tâm mạng lưới giao thông công cộng nội
đô và liên vùng; xây dựng bãi đỗ xe kết hợp điểm trung chuyển xe buýt tại Cam
Ly (3,18ha), ngã ba Đarahoa (36,69ha). Bổ sung các trạm dừng, nhà chờ xe buýt
khu vực trung tâm giúp tăng khả năng bao phủ của dịch vụ xe buýt. Định hướng
nâng cấp 3 tuyến buýt trục tần suất cao thành các tuyến xe điện mặt đất
(tramway) hoặc xe điện một ray (monorail) tăng cường đáp ứng nhu cầu đi lại của
người dân và du khách.
c) Các giải pháp chính sách giúp cải thiện chất
lượng dịch vụ, hỗ trợ phát triển dịch vụ giao thông công cộng: Khuyến khích
các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và vận hành hệ thống xe buýt thông qua
hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi ban đầu; ban hành chính sách ưu đãi mua sắm
phương tiện tiện nghi, sử dụng nhiên liệu sạch (xe điện hoặc CNG) và các chính
sách ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành khai thác.
d) Quy hoạch mô hình phát triển đô thị theo định
hướng giao thông công cộng (Mô hình TOD):
- Quy hoạch các điểm trung chuyển chính trong mạng
lưới giao thông công cộng khu trung tâm (ga Đà Lạt, bến xe Đa Thiện,…), tại các
điểm cửa ngõ thành phố (khu vực chân đèo Prenn, sân bay Cam Ly, ga Trại Mát,
ngã ba Đarahoa), phát triển các trung tâm đô thị lân cận (khu đô thị Liên
Khương, Cam Ly, Nam Ban, Finom, D’Ran) theo mô hình định hướng giao thông công
cộng, cho phép xây dựng mật độ cao, phát triển tập trung theo các quy mô/cấp độ
khác nhau nhằm tập trung nhu cầu sử dụng giao thông công cộng, thu hút đầu tư
tư nhân trong phát triển hạ tầng đô thị, công trình dịch vụ, thương mại.
- Trong phạm vi các khu vực phát triển theo mô hình
định hướng giao thông công cộng (TOD): Tập trung phát triển mật độ sử dụng đất
nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường kết nối mạng lưới giao thông
công cộng và thúc đẩy chuyển đổi phương thức từ phương tiện cơ giới cá nhân
sang giao thông công cộng.
- Ưu tiên triển khai xây dựng các khu vực đô thị
theo mô hình định hướng giao thông công cộng, gồm: Khu vực trung tâm thành phố
(ga Đà Lạt, sân bay Cam Ly và ga Trại Mát), khu vực phía Bắc (đô thị Lạc Dương,
bến xe Đa Thiện và bãi đậu xe Đarahoa), khu vực phía Nam (đô thị Đức Trọng,
chân Đèo Prenn và đô thị Finom), phía Đông (đô thị D’ran) và khu vực phía Tây
(đô thị Nam Ban và khu đô thị Cam Ly).
3.2. Nhóm giải pháp thay đổi đặc
tính nhu cầu giao thông (về mặt thời gian di chuyển, phương thức, tuyến đường
và địa điểm đến)
a) Giải pháp quy hoạch, quản
lý đỗ xe cá nhân và các dự án thí điểm mô hình bãi đỗ xe trung chuyển (gửi xe
cá nhân và chuyển sang sử dụng giao thông công cộng - Mô hình Park&Ride):
- Phân chia khu vực thành phố Đà Lạt thành 2 vùng:
Vùng lõi thành phố sẽ áp dụng các giải pháp quản lý đỗ xe nhằm hạn chế lượng xe
đi vào và đỗ xe; Vùng ngoài khu vực lõi sẽ áp dụng các giải pháp hỗ trợ và khuyến
khích phương tiện đỗ xe để chuyển sang sử dụng các phương thức vận tải công cộng.
- Tăng thu phí đỗ xe khu vực trung tâm, thực hiện
thu phí đỗ xe theo nhu cầu và thời gian, và tăng cường công tác xử phạt hành vi
đỗ xe trái phép.
- Cấm đỗ xe tại các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc
giao thông.
- Xem xét tổ chức và quản lý đậu, đỗ xe linh hoạt
(đỗ xe một bên đường, đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ) trên các tuyến đường có đủ
không gian nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và khách du lịch.
- Triển khai các bãi đỗ xe theo quy hoạch, bao gồm
bãi đỗ xe ngầm Nguyễn Văn Cừ (phía dưới công viên Ánh Sáng), bãi đỗ xe đa tầng
khu Hòa Bình, bãi đỗ xe ngầm công viên Trần Quốc Toản, công viên Yersin, công
viên trường Bùi Thị Xuân, bãi đỗ xe sân Golf Đồi Cù…và tổ chức đỗ xe trên các
tuyến đường có bề rộng phù hợp để hạn chế ùn tắc giao thông.
- Tại các điểm trung chuyển giao thông công cộng tại
khu vực cửa ngõ thành phố (khu vực chân đèo Prenn, sân bay Cam Ly, ga Trại Mát,
Ngã ba Đarahoa) và trung tâm thành phố (bến xe Đa Thiện, ga Đà Lạt,…), xem xét
triển khai bãi đỗ xe trung chuyển, cung cấp điểm gửi xe cá nhân cho người dân
và du khách trước và sau khi sử dụng dịch vụ giao thông công cộng.
- Ứng dụng công nghệ thông tin (hệ thống camera
giám sát; ứng dụng tích hợp thông tin, đặt chỗ, thanh toán đỗ xe) để tăng cường
hiệu quả khai thác, quản lý hạ tầng dịch vụ đỗ xe công cộng và giám sát xử phạt
hành vi đỗ xe trái phép.
b) Giải pháp phát triển
giao thông phi cơ giới (đi bộ, đi xe đạp điện):
- Tổ chức phố đi bộ 24/7 tại khu vực quảng trường
Lâm Viên, bao gồm cả đoạn đường Trần Quốc Toản, đoạn từ vòng xoay Thủy Tạ đến
đường Bà Huyện Thanh Quan.
- Tổ chức phố đi bộ cuối tuần tại khu vực chợ Đà Lạt.
- Cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng ưu tiên cho người
đi bộ tại các tuyến phố khu vực xung quanh hồ Xuân Hương, các tuyến đường dọc
suối Cam Ly, đường Tô Ngọc Vân, đường Hoàng Diệu, đường Ma Trang Sơn.
- Bố trí các trạm dịch vụ xe đạp điện công cộng
(e-bike sharing) trong khu vực trung tâm thành phố, kết hợp ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý, khai thác và vận hành.
c) Giải pháp quy hoạch hạ tầng
và dịch vụ vận tải phân phối hàng hóa, logistics:
- Xây dựng trung tâm logistic cấp vùng ở khu vực
sân bay Liên Khương với quy mô cấp II (dự kiến 100ha) phục vụ trung chuyển và
phân phối hàng hóa đi các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, kết hợp
với sân bay Liên Khương mở rộng để hình thành vận tải đa phương thức.
- Xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa nội đô
thành phố Đà Lạt tại khu vực Cam Ly, Thái Phiên, Nguyên Tử Lực, quy mô khoảng
10ha, phục vụ lưu trữ hàng hóa và phân phối hàng hóa đến các cửa hàng, siêu thị,
người dân sinh sống trong khu vực trung tâm thành phố.
- Tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa nhằm hạn
chế xung đột với luồng giao thông cơ giới cá nhân và giao thông phi cơ giới.
3.3. Nhóm giải pháp quản lý vận
hành hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải một cách thông minh, linh động và hiệu
quả
a) Giải pháp nâng cấp cải tạo
nút giao và tổ chức điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao:
- Lắp đặt đèn tín hiệu tại các nút
giao trọng điểm (nút Hải Thượng - Hai Bà Trưng - Hoàng Diệu; nút Ngô Quyền - La
Sơn Phu Tử - Nguyễn An Ninh; nút Hai Bà Trưng- La Sơn Phu Tử; nút Xô Viết Nghệ
Tĩnh - Nguyễn Công Trứ; nút Tản Đà - Hai Bà Trưng; nút Tản Đà - Phan Đình Phùng; nút Hoàng Văn Thụ - Mạc Đĩnh Chi - Đồng Tâm; nút
Thánh Mẫu - Mai Anh Đào; nút Nguyễn Đình Chiểu - Sương Nguyệt Ánh; nút Phan
Đình Phùng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - La Sơn Phu Tử; nút Thủy Tạ; nút giao Khe Sanh -
Hùng Vương - Trần Hưng Đạo, Nguyên Tử Lực - Trần Quốc Toản; nút
Đài phun nước) kết hợp lắp đặt camera giám sát được kết nối
với Trung tâm điều hành giao thông thông minh (được đề xuất).
- Trong dài hạn, nghiên cứu nâng cấp cải tạo một số
nút giao thông quan trọng thành dạng nút giao lập thể khi giải pháp điều khiển
bằng đèn tín hiệu và năng lực thông qua của nút giao không đáp ứng được lưu lượng
giao thông tăng cao trong tương lai.
- Điều tiết giao thông linh động trên đèo Prenn sau
khi đã được nâng cấp cải tạo thông qua hệ thống điều khiển làn đường linh động ứng
dụng công nghệ thông tin.
b) Giải pháp quản lý sự cố
giao thông:
- Xây dựng trạm cứu hộ, cứu nạn giao thông tại
các khu vực trọng điểm ở trung tâm và cửa ngõ của thành phố Đà Lạt.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thu thập,
phân tích dữ liệu, phát hiện và cảnh báo sớm nguy cơ va chạm giao thông.
- Tích hợp hệ thống quản lý sự cố và cảnh báo sự sớm
cố giao thông vào trung tâm điều hành giao thông thông minh.
c) Phát triển ứng dụng hỗ
trợ đi lại tích hợp (TravelOne Dalat):
- Ứng dụng này có chức năng cung cấp thông tin giao
thông trực tuyến thông qua ứng dụng di động, tìm đường khi đi bộ và khi sử dụng
các phương thức giao thông khác, hỗ trợ đặt chỗ, thanh toán dịch vụ đi lại đa
phương thức (bao gồm giao thông công cộng, xe khách, xe đạp công cộng, đỗ xe,
…).
- Thiết lập cơ chế và tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa
cơ quan quản lý, địa phương và các đơn vị vận hành để đảm bảo ứng dụng hỗ trợ
đi lại hoạt động một cách có hiệu quả.
d) Phát triển Trung tâm điều
hành giao thông đô thị thông minh Đà Lạt:
- Là trung tâm điều khiển giao thông thông minh có
khả năng tự động hóa cao, bao gồm điều khiển hệ thống đèn tín hiệu, hệ thống
camera giám sát giao thông, camera phát hiện và xử phạt vi phạm giao thông,
phát hiện sớm sự cố giao thông trực tuyến và hệ thống biển báo linh động.
- Có các chức năng: Mô phỏng tình trạng giao thông,
phân tích dữ liệu giao thông, đánh giá tình trạng ùn tắc, đưa ra các giải pháp
tổ chức giao thông, cảnh báo, phát hiện sớm sự cố, phân luồng giao thông từ xa,
điều khiển làn linh hoạt tại khu vực cửa ngõ, các tuyến giao thông trục chính
và đèo Prenn.
- Kết nối với ứng dụng hỗ trợ đi lại tích hợp.
- Kết hợp với hệ thống vô tuyến, đài phát thanh để
thông báo tình trạng ùn tắc giao thông đến người tham gia giao thông.
đ) Giải pháp khắc phục ùn tắc
giao thông nơi có trường học, trung tâm dịch vụ - thương mại, khu/điểm du lịch:
Tại các vị trí xảy ra ùn tắc cục
bộ như trường Tiểu học Mê Linh trên đường Bà Triệu, trường THCS & THPT Tây
Sơn trên đường Nhà Chung, trường Tiểu học Nguyễn Trãi, trường THPT Bùi Thị Xuân
và trường THCS Nguyễn Du trên đường Bùi Thị Xuân, trường Tiểu học Trưng Vương
trên đường Phan Đình Phùng, Thác Datanla, Thung lũng Tình Yêu, Vườn hoa thành
phố, Thác Cam Ly, khu vực chợ đêm Đà Lạt, Khu trung tâm Hòa Bình, Quảng trường
Lâm Viên, cần linh hoạt thực hiện các giải pháp sau đây:
- Bổ sung hệ thống biển báo giới hạn tốc độ và biển
cấm dừng đỗ trước khu vực trường học.
- Bố trí nhân lực hỗ trợ phân làn, phân luồng, điều
tiết giao thông vào giờ cao điểm/giờ tan trường, kết hợp điều tiết giao thông từ
xa thông qua giải pháp quản lý sự cố giao thông.
- Nghiên cứu cải tạo các điểm ra/vào khu vực trường
học và trung tâm thương mại dịch vụ, bố trí bãi đỗ xe, điểm đưa đón học sinh
tách biệt để hạn chế xung đột với dòng giao thông chính trên tuyến đường đi
ngang qua trường học hoặc trung tâm thương mại.
3.4. Nhóm giải pháp đảm bảo tài
chính bền vững
- Các giải pháp tài chính bền vững
bao gồm: Thu phí đỗ xe, thu lại
giá trị gia tăng từ đất và bất động sản khi triển khai các dự án phát triển đô thị theo mô hình định hướng
giao thông công cộng (mô hình TOD) và huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư mới hạ tầng giao
thông, hệ thống giao thông công cộng, giao thông xanh và nâng cấp, duy tu bảo
dưỡng ngăn chặn sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước có hạn.
- Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân bổ theo kế hoạch trung hạn,
đồng thời kết hợp nguồn thu bổ sung từ thu phí đỗ xe, nguồn thu từ các dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD để đẩy mạnh
đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng,
giao thông phi cơ giới, trung tâm điều hành giao thông đô thị thông minh, tổ chức
điều khiển đèn tín hiệu, quản lý giao thông và sự cố giao thông linh hoạt.
- Huy động tối đa nguồn vốn theo
các phương thức xã hội hóa và hợp tác công tư (PPP) để đầu tư công trình giao
thông đầu mối, bến, bãi đỗ xe, trung tâm logistics và phân phối hàng hóa nội
đô, ứng dụng hỗ trợ đi lại tích hợp.
3.5. Nhóm giải pháp hoàn thiện
thể chế quản lý nhà nước
- Giải pháp nâng cao ý thức
tham gia giao thông của người dân
+ Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp
hành pháp luật về giao thông, văn hóa giao thông của người địa phương và du
khách.
+ Tăng cường công tác thực thi pháp luật và áp dụng
các giải pháp công nghệ xử lý các hành vi vi phạm.
- Nâng cao chất lượng công tác lập
quy hoạch, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch.
- Các hệ thống hạ tầng, dịch vụ
thuộc lĩnh vực giao thông, du lịch và đô thị về nguyên tắc cần phải được tích hợp
thành một hệ thống liên hoàn để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người
dân và thu hút khách du lịch.
- Cần thiết lập cơ chế phối hợp
giữa các cơ quan sở ngành và địa phương để tạo ra sự đồng thuận trong các chính
sách và các vấn đề liên ngành như vấn đề liên thông dịch vụ, bù chéo, thu và
chi có hiệu quả các nguồn thu bổ sung.
- Xem xét mô hình tổ chức bộ máy
nhà nước để thực hiện Chương trình “Phát triển đô thị Đà Lạt bền vững”. Trong
đó, xác định các bên tham gia, vai trò và chức năng, cơ chế phối hợp; thành lập
Ban chỉ đạo chương trình bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận có trách nhiệm
bàn và quyết định về chương trình tổng thể, các định hướng
chính sách lớn (điều chỉnh quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư, các mô hình đầu
tư hợp tác đổi mới) và giám sát quá trình triển khai; thành lập Văn phòng
chương trình có nhiệm vụ quản lý triển khai, điều phối các hoạt động, dự án thuộc
chương trình.
- Bổ sung các chức năng kiêm nhiệm
quản lý giao thông công cộng cho các phòng ban trực thuộc Sở Giao thông
vận tải trong giai đoạn đến 2025. Giai đoạn sau 2025, xem xét thành lập Trung tâm quản lý giao thông công cộng theo quy định
của pháp luật.
4. Tiến độ thực hiện và nguồn vốn
thực hiện
4.1. Tiến độ thực hiện
- Giai đoạn ngắn hạn 2023-2025: Tập
trung vào các giải pháp trọng tâm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, tổ
chức tốt hoạt động vận tải, phát triển hệ thống giao thông công cộng, ứng dụng
giao thông thông minh giúp phân luồng và quản lý hiệu quả hệ thống giao thông
khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, cải tạo hạ tầng các nút giao,
điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp với thực tế và lưu lượng
phương tiện giao thông theo thời gian thực.
- Giai đoạn dài hạn từ 2026-2035: Tập
trung vào các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, nâng cấp
cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng và vận tải hàng hóa, tăng cường
ứng dụng giao thông thông minh, đa dạng hóa dịch vụ giao thông công cộng góp phần
hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
4.2. Dự kiến danh mục ưu tiên và tổng
kinh phí thực hiện Đề án
a) Dự kiến danh mục dự án ưu tiên (theo phụ lục
đính kèm).
b) Kinh phí thực hiện: Khoảng 3.793 tỷ đồng, bao gồm 1.348 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 2.445 tỷ
đồng nguồn vốn xã hội hóa, trong đó:
- Đến năm 2025: 1.214 tỷ đồng, trong
đó: 458 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 756,0 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa.
- Giai đoạn sau năm 2025: 2.579 tỷ đồng,
trong đó: 890 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 1.689 tỷ đồng nguồn vốn xã hội
hóa.
4.3. Nguồn lực thực hiện
- Đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ
tầng, giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới, trung tâm điều hành giao
thông đô thị thông minh, tổ chức điều khiển đèn tín hiệu, quản lý giao thông
linh hoạt và sự cố giao thông: Kết hợp sử dụng ngân sách
nhà nước được phân bổ theo kế hoạch trung hạn và nguồn thu bổ sung từ doanh thu
phí đỗ xe, nguồn thu từ các dự án phát triển đô thị định hướng giao thông công
cộng (mô hình TOD) áp dụng cơ chế nắm bắt giá trị gia tăng.
- Đối với các công trình giao thông đầu
mối, bến, bãi đỗ xe, trung tâm logistics và phân phối hàng hóa nội đô, ứng dụng
hỗ trợ đi lại tích hợp TravelOne Dalat: Huy động nguồn vốn theo các phương thức
xã hội hóa và hợp tác công tư (PPP).
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
THUỘC
ĐỀ ÁN CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT ĐẾN NĂM 2025, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2035
(Đính kèm Nội dung chính của Đề án kèm
theo Nghị quyết số 153/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm
Đồng)
1. Giai đoạn 2023 - 2025
TT
|
Công trình/Dự
án
|
Quy mô
|
Kinh phí (tỷ
VNĐ)
|
Tiến độ hoàn
thành
|
Tổng
|
Vốn NSĐP
|
Vốn xã hội hóa
|
I
|
Các dự án hạ tầng giao thông đường bộ
|
-
|
458,0
|
458,0
|
-
|
-
|
1.
|
Bổ sung một số nút giao thông lắp đặt đèn tín hiệu
trên địa bàn thành phố Đà Lạt: Hải Thượng - Hai Bà Trưng - Hoàng Diệu; Ngô
Quyền - La Sơn Phu Tử - Nguyễn An Ninh; Hai Bà Trưng - La Sơn Phu Tử; Xô Viết
Nghệ Tĩnh - Nguyễn Công Trứ; Tản Đà - Hai Bà Trưng; Tản Đà - Phan Đình Phùng;
Hoàng Văn Thụ - Mạc Đĩnh Chi - Đồng Tâm; Nguyễn Đình Chiểu - Sương Nguyệt
Ánh;
|
Mở rộng mặt đường, cải thiện vỉa hè, thoát nước
và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu
|
116,0
|
116,0
|
|
2025
|
2.
|
Nâng cấp mở rộng nút giao thông (không điều khiển
đèn tín hiệu) Lê Đại Hành - Trần Phú; Thánh Mẫu - Mai Anh Đào; Yersin - Nguyễn
Đình Chiểu - Sương Nguyệt Ánh; Phan Đình Phùng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - La Sơn
Phu Tử
|
Mở rộng mặt đường, cải thiện vỉa hè, thoát nước
|
100,0
|
100,0
|
|
2025
|
3.
|
Nâng cấp cầu Trần Quý Cáp
|
Cầu BTCT HL.93
|
42,0
|
42,0
|
|
2025
|
4.
|
Cải thiện cơ sở hạ tầng vỉa hè cho người đi bộ, tổ
chức phố đi bộ khu trung tâm
|
-
|
200,0
|
200,0
|
|
2025
|
II
|
Các dự án phát triển giao thông công cộng
|
-
|
202,0
|
|
202,0
|
-
|
1.
|
Đầu tư mua sắm 64 phương tiện hoạt động trên 3
tuyến xe buýt trục tần suất cao trên các tuyến trục chính đô thị Bắc-Nam và
Đông-Tây thành phố Đà Lạt
|
64 xe
|
192,0
|
|
192,0
|
2025
|
2.
|
Phát triển dịch vụ xe đạp điện công cộng khu vực
trung tâm và hạ tầng đi kèm
|
20 trạm
|
10,0
|
|
10,0
|
2025
|
III
|
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi
|
-
|
550,0
|
|
550,0
|
-
|
1.
|
Xây dựng các bãi đỗ xe trung chuyển chân đèo
Prenn (GĐ1)
|
38,24 ha
|
300,0
|
|
300,0
|
2025
|
2.
|
Xây dựng các bãi đỗ xe trung chuyển ngã ba
Đarahoa(GĐ1)
|
36,69 ha
|
250,0
|
|
250,0
|
2025
|
IV
|
Các đề án thành phần triển khai đề án chống ùn
tắc giao thông thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
|
-
|
4,0
|
|
4,0
|
-
|
1
|
Đề án nghiên cứu xây dựng và triển khai mô hình
và chính sách đầu tư phát triển, quản lý và vận hành hệ thống giao thông công
cộng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030
|
|
4,0
|
|
4,0
|
2025
|
Tổng cộng
|
-
|
1.214,0
|
458,0
|
756,0
|
-
|
2. Giai đoạn sau năm 2025
TT
|
Công trình/Dự
án
|
Quy mô
|
Kinh phí (tỷ
VNĐ)
|
Tiến độ hoàn
thành
|
Tổng
|
Vốn NSĐP
|
Vốn xã hội hóa
|
I
|
Các dự án hạ tầng giao thông đường bộ
|
-
|
725,0
|
725,0
|
-
|
-
|
1.
|
Nâng cấp, mở rộng đường Bùi Thị Xuân
|
1,63 km
|
100,0
|
100,0
|
|
2030
|
2.
|
Nâng cấp, mở rộng đường Triệu Việt Vương
|
2,52 km
|
245,0
|
245,0
|
|
2030
|
3.
|
Xây dựng mới đường trục chính đô thị phía Đông
(theo QH.704) từ đường Trạng Trình dọc theo kênh Rạch tới đường Vòng Lâm Viên
|
4,5km
|
200,0
|
200,0
|
|
2030
|
4.
|
Xây dựng mới đường Vòng Lâm Viên (theo QH.704)
|
3,2km
|
180,0
|
180,0
|
|
2030
|
II
|
Các dự án phát triển giao thông công cộng
|
-
|
359,0
|
79,0
|
280,0
|
-
|
1.
|
Đầu tư mua sắm 64 phương tiện hoạt động trên 5
tuyến buýt xe buýt gom khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt
|
64 xe
|
118,0
|
|
118,0
|
2030
|
2.
|
Đầu tư bổ sung 43 phương tiện hoạt động trên 7
tuyến xe buýt liên huyện thị
|
43 xe
|
92,0
|
|
92,0
|
2030
|
3.
|
Đầu tư mua sắm 35 phương tiện hoạt động trên 3
tuyến xe buýt du lịch
|
35 xe
|
70,0
|
|
70,0
|
2030
|
4.
|
Đầu tư xây dựng bổ sung hạ tầng trạm dừng/nhà chờ,
bến đầu cuối cho hệ thống xe buýt
|
-
|
79,0
|
79,0
|
|
2030
|
III
|
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi
|
-
|
1.380,0
|
|
1.380,0
|
-
|
1.
|
Xây dựng các bãi đỗ xe trung chuyển chân đèo
Prenn (GĐ2)
|
38,24 ha
|
617,0
|
|
617,0
|
2030
|
2.
|
Xây dựng các bãi đỗ xe trung chuyển ngã ba
Đarahoa (GĐ2)
|
36,69 ha
|
630,0
|
|
630,0
|
2030
|
3.
|
Xây dựng các bãi đỗ xe trung chuyển Cam Ly
|
3,18 ha
|
75,0
|
|
75,0
|
2030
|
4.
|
Xây dựng mới, nâng cấp các bãi đỗ xe khu vực
trung tâm (bãi đỗ xe công viên Ánh Sáng, khu Hòa Bình, công viên Trần Quốc Toản,
công viên Yersin, công viên trường Bùi Thị Xuân, sân Golf Đồi Cù)
|
1,5 ha
|
58,0
|
|
58,0
|
2030
|
IV
|
Các dự án tổ chức và điều khiển giao thông
|
-
|
99,0
|
80,0
|
19,0
|
-
|
1.
|
Xây dựng thí điểm Trung tâm điều hành giao thông
đô thị thông minh thành phố Đà Lạt
|
|
60,0
|
60,0
|
|
2030
|
2.
|
Thí điểm ứng dụng giao thông thông minh trong tổ
chức và quản lý giao thông (tích hợp camera, thiết bị giám sát giao thông, kết
nối nút giao lắp đặt đèn tín hiệu với Trung tâm điều hành Giao thông thông
minh, tổ chức làn đường linh động trên đèo Prenn, quản lý sự cố giao thông)
|
-
|
20,0
|
20,0
|
|
2030
|
3.
|
Phát triển ứng dụng hỗ trợ đi lại tích hợp
(TravelOne Dalat)
|
-
|
19,0
|
|
19,0
|
2030
|
V
|
Các đề án thành phần triển khai đề án chống ùn
tắc giao thông thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
|
-
|
16,0
|
6,0
|
10,0
|
-
|
1.
|
Đề án nghiên cứu các giải pháp tăng cường tổ chức
và quản lý giao thông đô thị, phát triển trung tâm điều khiển giao thông đô
thị thông minh thành phố Đà Lạt đến năm 2030
|
|
6,0
|
6,0
|
|
2030
|
2.
|
Đề án xây dựng hướng dẫn thiết kế điển hình và cơ
chế chính sách nhằm tích hợp dự án cải tạo đô thị hiện hữu, dự án phát triển
đô thị mới với các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, các công trình giao
thông đầu mối (mô hình TOD) trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến
năm 2035.
|
|
10,0
|
|
10,0
|
2030
|
Tổng cộng
|
-
|
2.579,0
|
890,0
|
1.689,0
|
-
|
Ghi chú: Quy mô, kinh phí nêu trên là số tạm
tính, số liệu cụ thể sẽ được thể hiện khi triển khai đầu tư các dự án theo quy
định pháp luật (các dự án chương trình khác để cụ thể hóa một số giải
pháp được lồng ghép trong các chương trình, dự án của Trung ương và địa
phương).