HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 100/NQ-HĐND
|
Đà Nẵng, ngày 14
tháng 12 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ
SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG,
KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021 - 2026, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thực hiện
dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số
59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Căn cứ Nghị định số
61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện
hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;
Sau khi nghe Tờ trình
số 191/TTr-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng
về ban hành các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành
phố Đà Nẵng; Báo cáo thẩm tra số 372/BC-BPC ngày 08/12/2023 của Ban Pháp chế Hội
đồng nhân dân thành phố và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành
phố tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều
1. Ban hành các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành
phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:
1. Về công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền và tổ chức
triển khai thực hiện.
a) Tăng cường công tác
thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ
sở; lựa chọn các hình thức phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn
vị, địa phương để thông tin, tuyên truyền như: tổ chức hoặc lồng ghép trong hội
nghị, hội thảo, hội thi (trực tiếp hoặc trực tuyến), lớp tập huấn, cuộc họp hoặc
giao ban định kỳ; tờ gấp, tờ rơi, sổ tay hướng dẫn; đăng tin, bài trên các
phương tiện thông tin đại chúng; thông báo trên nền tảng mạng xã hội, tuyên
truyền cổ động trực quan,...nhằm nâng cao nhận thức của công dân, cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện
dân chủ ở cơ sở; qua đó, công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham
gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của
Hiến pháp và pháp luật.
b) Phát huy tốt vai trò của
Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
về thực hiện dân chủ ở cơ sở đến với người dân.
c) Các cơ quan, đơn vị, địa
phương kịp thời ban hành các văn bản triển khai để chỉ đạo, hướng dẫn nội dung
quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ ở tất
cả các cấp, các ngành.
2. Nâng cao trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất
là người đứng đầu.
Nâng cao trách nhiệm của
các cơ quan, đơn vị, địa phương, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ
lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ cấp
thành phố đến quận, huyện, phường, xã, ở thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị
trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể:
a) Bảo đảm sự lãnh đạo của
các tổ chức đảng, quản lý của Nhà nước từ thành phố đến cơ sở, phát huy vai trò
nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp
trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
b) Đề cao vai trò, trách
nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở;
phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và
ban hành Quy chế thực hiện dân chủ làm cơ sở tiếp nhận góp ý, thực hiện việc đối
thoại và giải quyết, giải trình, trả lời kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị;
kịp thời báo cáo, chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn
đề không thuộc thẩm quyền giải quyết; tạo điều kiện và bảo đảm để Ban Thanh tra
nhân dân ở cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định
của pháp luật; xử lý người có hành vi cản trở cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoặc người có hành vi trả thù, trù
dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định; thực hiện các
biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực và bị xử lý theo
quy định của pháp luật nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở
cơ sở, cơ quan, đơn vị.
c) Tăng cường dân chủ phải
đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đấu tranh phòng, chống
quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao
động phải thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ được
giao; cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm các quyết định
của cấp trên. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch
công tác cụ thể; đánh giá đúng chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm,
gây nhũng nhiễu, phiền hà, né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức
trách, nhiệm vụ, quyền hạn trong giải quyết công việc, xử lý nghiêm việc chậm
trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát
việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Tập trung chỉ đạo, cụ
thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,
dân thụ hưởng”; đảm bảo phải công khai thông tin đầy đủ nội dung, hình thức và
thời điểm công khai theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và pháp luật
khác có liên quan để công dân được biết; đảm bảo các nội dung phải tổ chức đối
thoại, lấy ý kiến của Nhân dân trước khi cấp có thẩm quyền quyết định; đảm bảo
để công dân kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà Nhân dân đã bàn và quyết định;
đảm bảo các điều kiện để công dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ
sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm
bảo quyền thụ hưởng của công dân theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ
sở và pháp luật khác có liên quan.
b) Đẩy mạnh công tác tiếp
công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; kịp thời
xử lý, trả lời các ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân qua Cổng Góp ý
thành phố (Gopy.danang.gov.vn), Đường dây nóng 1022, bảo đảm đúng thời gian quy
định; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tiếp xúc và đối thoại giữa người đứng
đầu chính quyền với Nhân dân trên địa bàn; kịp thời giải quyết kiến nghị, phản
ánh của Nhân dân nhất là trong bối cảnh thực hiện thí điểm tổ chức mô hình
chính quyền đô thị khi không còn HĐND quận, phường.
4. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người
được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tăng cường công tác bồi
dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực
hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
5. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học
- kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết
khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng
chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.
a) Đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, điều hành hoạt động của các
cơ quan hành chính; tăng cường mở rộng áp dụng các tiện ích hỗ trợ người dân
trong việc thực hiện các dịch vụ công, tạo sự hài lòng cao nhất của người dân,
doanh nghiệp đối với các dịch vụ công mà các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành
phố cung ứng; hỗ trợ, khuyến khích các sáng kiến, cách làm mới liên quan đến cải
cách hành chính, chuyển đổi số góp phần xây dựng thành phố thông minh; đưa vào
sử dụng các ứng dụng thông minh hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đời sống người
dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
b) Sử dụng hòm thư điện tử,
các trang mạng xã hội,...để tiếp nhận ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân; ứng dụng
công nghệ thông tin, mã QRcode tại bộ phận một cửa để người dân tiếp cận thanh
toán tiện ích công, đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết các thủ tục
hành chính; hỗ trợ chi phí trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, về
phí dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính; cung cấp ví
điện tử để tạm thời miễn phí dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục
hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng; triển khai cấp
chữ ký số miễn phí cho người dân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện
tử; triển khai tiện ích hẹn giờ giao dịch hành chính; triển khai cài đặt và sử
dụng phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu đơn thư trên thiết bị Smart phone (App
mobile); thông báo các trạng thái hồ sơ dịch vụ công cho người dân qua zalo.
6. Nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Ban
Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và Ban Giám sát đầu tư
cộng đồng ở địa phương.
a) Củng cố, kiện toàn,
nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng
đồng, lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, có uy
tín trong cơ quan, đơn vị làm công tác thanh tra nhân dân. Các thành viên tham
gia Ban Thanh tra nhân dân phải ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ
nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định; có nghiệp vụ hoạt động,
được tập huấn cơ bản để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
b) Ban Thanh tra nhân
dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm, phân
công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện; tổ chức các hoạt
động kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật và kế hoạch đề ra; phát huy
vai trò, trách nhiệm đại diện cho công chức, viên chức, người lao động và Nhân
dân trong thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở; tiếp nhận, giải quyết kịp thời
hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công chức,
viên chức, người lao động và Nhân dân.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân
chủ ở cơ sở
a) Thường xuyên kiểm tra,
giám sát việc thực hiện dân chủ và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính;
nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong các lĩnh vực liên quan
đến quyền lợi và đời sống của Nhân dân; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại,
tố cáo của công dân.
b) Xử lý kịp thời những
hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; điều chuyển, thay thế những
cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí,
uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm người
đứng đầu có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động ở cơ sở, cơ
quan, đơn vị hoặc có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật. Đồng thời, kiên quyết xử lý những
hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp
của cán bộ, công chức và quyền làm chủ của Nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm
vụ của cơ quan, đơn vị.
c) Chú trọng phát huy dân
chủ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong tiếp
công dân, đối thoại để giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân phải lắng
nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân và tổ chức lấy ý kiến của các cấp,
các ngành có liên quan để giải quyết, đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng pháp luật,
thấu tình, đạt lý và minh bạch để người dân đồng tình, góp phần củng cố niềm
tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền.
8. Về khen thưởng, kỷ luật
a) Kịp thời biểu dương,
khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ
chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đưa tiêu chí thực hiện dân chủ ở cơ sở, cơ
quan, đơn vị là một trong những căn cứ để nhận xét, đánh giá kết quả làm việc của
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ và là một
trong những tiêu chí để xếp loại cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa
phương.
b) Cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động nếu có các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân
chủ ở cơ sở thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ.
Điều
2. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực
kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng biểu quyết thông qua.
Điều
3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, tổ chức
triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định pháp luật.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân,
các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng giám sát việc
thực hiện Nghị quyết này.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các
tổ chức chính trị - xã hội thành phố phối hợp giám sát việc tổ chức triển khai,
thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội
đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, kỳ họp thứ 15
thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2023./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- VP Chính phủ; VP Chủ tịch nước;
- Bộ Nội vụ;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP;
- Các cơ quan, tham mưu giúp việc Thành ủy;
- Các Ban của HĐND TP;
- Đại biểu HĐND TP;
- UBND, UBMTTQ VN thành phố;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn TP;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- VP UBND thành phố;
- Các quận ủy, huyện ủy, UBND quận, huyện;
- TT HĐND huyện Hòa Vang;
- HĐND các xã và UBND phường, xã;
- Báo ĐN; Đài PT-TH ĐN; Trung tâm THVN (VTV8);
- Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT, CTHĐ.
|
CHỦ TỊCH
Lương Nguyễn Minh Triết
|