Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 255/QĐ-VKSTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao Người ký: Lê Minh Trí
Ngày ban hành: 18/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 255/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM SÁT VIỆC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 24/11/2014;

Căn cứ Pháp lệnh về Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ngày 24/3/2022;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại. lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật và Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VKSND tối cao;
- Lưu: VT. Vụ 10.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

QUY CHẾ

KIỂM SÁT VIỆC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 255/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về hoạt động kiểm sát việc Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây viết tắt là việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).

2. Hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại của Tòa án và hoạt động kiểm sát việc giải quyết khiếu nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Quy chế này áp dụng đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Điều 2. Đối tượng kiểm sát, phạm vi kiểm sát

1. Đối tượng kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của các chủ thể sau:

a) Tòa án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án;

b) Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây viết tắt là người bị đề nghị); cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

c) Cơ quan đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.

2. Phạm vi kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đến khi có quyết định giải quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây viết tắt là Pháp lệnh số 01/2022).

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát

Khi kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Viện kiểm sát có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

2. Kiểm sát việc yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ;

3. Kiểm sát việc mở phiên họp, hoãn phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

4. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc;

5. Tham gia phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp; tham gia tranh luận trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên họp;

6. Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

7. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

8. Thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định pháp luật;

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên họp

1. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia các phiên họp quy định tại khoản 2 Điều 18 hoặc khoản 4 Điều 39 Pháp lệnh số 01/2022, có thể phân công Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên họp. Quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên họp được gửi cho Tòa án cùng cấp ngay sau khi ban hành.

Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên họp thì Viện trưởng trực tiếp hoặc ủy quyền cho một Phó Viện trưởng ký quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp.

2. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, Kiểm sát viên không thể tham gia phiên họp thì báo cáo Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền quyết định thay đổi Kiểm sát viên. Trường hợp không có Kiểm sát viên dự khuyết thì đề nghị Tòa án hoãn phiên họp theo quy định tại khoản 1 Điều 20, khoản 5 Điều 39 Pháp lệnh số 01/2022.

Điều 5. Kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm

1. Trong quá trình kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan khác thì Viện kiểm sát kịp thời thực hiện quyền kiến nghị khắc phục và phòng ngừa vi phạm theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh số 01/2022. Việc kiến nghị được thực hiện đối với từng vi phạm cụ thể hoặc tổng hợp vi phạm để kiến nghị chung.

2. Văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát ghi thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời kiến nghị và Viện kiểm sát đã kiến nghị phải theo dõi việc trả lời kiến nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Chương II

KIỂM SÁT VIỆC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 6. Kiểm sát thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án cùng cấp, công chức phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát các nội dung sau:

a) Thẩm quyền thụ lý của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Thời hạn Tòa án phải gửi thông báo thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh số 01/2022;

c) Nội dung của văn bản thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Trường hợp phát hiện việc thụ lý hồ sơ của Tòa án có vi phạm thì công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Điều 7. Lập hồ sơ kiểm sát

1. Công chức có nhiệm vụ lập hồ sơ kiểm sát, sao chụp, trích cứu đầy đủ tài liệu, chứng cứ bao gồm các văn bản của cơ quan đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cung cấp cho Tòa án, tập tài liệu do Tòa án ban hành và các tài liệu thể hiện hoạt động nghiệp vụ của Viện kiểm sát.

2. Hồ sơ kiểm sát được lập, sắp xếp, đóng dấu bút lục, thống kê tài liệu theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 8. Kiểm sát việc Thẩm phán yêu cầu bổ sung tài liệu

1. Công chức kiểm sát chặt chẽ việc Thẩm phán yêu cầu Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh xã hội bổ sung tài liệu theo các nội dung sau:

a) Thời hạn Thẩm phán ban hành văn bản yêu cầu bổ sung tài liệu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Căn cứ ban hành, nội dung văn bản yêu cầu bổ sung tài liệu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh số 01/2022;

c) Thời hạn Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh xã hội được yêu cầu phải gửi tài liệu bổ sung cho Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Trường hợp phát hiện việc Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu có vi phạm thì công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Điều 9. Kiểm sát Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Sau khi nhận được Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án, công chức kiểm sát các nội dung sau:

a) Thời hạn Thẩm phán ban hành quyết định theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 hoặc khoản 4 Điều 15 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Nội dung của quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh số 01/2022;

c) Thời hạn Tòa án phải gửi quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Trường hợp phát hiện Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án có vi phạm thì công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Điều 10. Kiểm sát việc hoãn phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi kiểm sát việc hoãn phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công chức kiểm sát chặt chẽ các nội dung sau:

a) Căn cứ, trường hợp hoãn phiên họp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 20; điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 21 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Thời hạn hoãn phiên họp quy định tại khoản 4 Điều 20 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Trường hợp phát hiện việc hoàn phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án có vi phạm thì công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Điều 11. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc

1. Khi nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công chức kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của người tiến hành, người tham gia vào việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ đối với các nội dung sau đây:

a) Đối tượng bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021;

b) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, các tài liệu trong hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Mục 3 Chương V Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

2. Thời gian nghiên cứu hồ sơ bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý của Tòa án cùng cấp đến khi Tòa án mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 12. Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và dự thảo đề cương hỏi, dự thảo văn bản phát biểu ý kiến để tham gia phiên họp

1. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, công chức xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ bảo đảm phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan vụ việc, trình lãnh đạo Viện kiểm sát. Ngoài phần mở đầu, báo cáo phải có các nội dung sau:

a) Nội dung vụ việc, quá trình giải quyết của Tòa án;

b) Nhận xét, đánh giá của công chức về các nội dung nêu tại khoản 1 Điều 11 Quy chế này. Quan điểm đề xuất của công chức về việc đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo phụ trách, lãnh đạo Viện kiểm sát.

2. Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và đề xuất quan điểm được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành và lưu vào hồ sơ kiểm sát.

3. Sau khi báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và có ý kiến của lãnh đạo phụ trách, lãnh đạo Viện kiểm sát, công chức xây dựng dự thảo đề cương hỏi; dự thảo văn bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp. Văn bản phát biểu được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Điều 13. Kiểm sát phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Tại phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Kiểm sát viên kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp về các nội dung sau:

1. Thời hạn Tòa án phải mở phiên họp theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh số 01/2022;

2. Thành phần, tư cách pháp lý của người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp theo quy định tại khoản 1 Điều 10, khoản 2 Điều 17, Điều 18 Pháp lệnh số 01/2022;

3. Việc bố trí, tổ chức phòng họp phải thân thiện, an toàn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh số 01/2022;

4. Việc quyết định thay đổi người tiến hành phiên họp theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh số 01/2022;

5. Căn cứ tạm dừng phiên họp theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 21 Pháp lệnh số 01/2022;

6. Việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục tại phiên họp theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 21 Pháp lệnh số 01/2022;

7. Tại phiên họp, Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ nội dung diễn biến phiên họp vào bút ký tham gia phiên họp. Bút ký tham gia phiên họp được lưu vào hồ sơ kiểm sát vụ việc.

Điều 14. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp

1. Sau khi những người tham gia phiên họp kết thúc tranh luận về việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 21 Pháp lệnh số 01/2022 về các nội dung sau:

a) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành và người tham gia trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Tính có căn cứ và hợp pháp đối với việc đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Quan điểm của Viện kiểm sát về việc đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trường hợp Viện kiểm sát đề xuất đưa người bị đề nghị vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải nêu quan điểm về thời hạn cai nghiện ma túy.

d) Những yêu cầu, kiến nghị của Kiểm sát viên đối với Thẩm phán tiến hành phiên họp (nếu có).

2. Văn bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên hoàn thiện nội dung văn bản phát biểu để gửi cho Tòa án cùng cấp và lưu vào hồ sơ kiểm sát.

Điều 15. Kiểm tra biên bản phiên họp

Sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên họp để kịp thời yêu cầu người tiến hành phiên họp ghi các sửa đổi, bổ sung vào biên bản và ký xác nhận nhằm bảo đảm biên bản phiên họp phản ánh đúng nội dung, diễn biến phiên họp theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh số 01/2022.

Điều 16. Báo cáo kết quả phiên họp

1. Sau khi kết thúc phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay kết quả phiên họp với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình. Trường hợp cần trao đổi hoặc trường hợp có kháng nghị thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải báo cáo ngay Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh về kết quả phiên họp. Báo cáo kết quả phiên họp được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

2. Báo cáo kết quả phiên họp được gửi theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu vào hồ sơ kiểm sát.

Điều 17. Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi kiểm sát quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án ban hành trước khi mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công chức có nhiệm vụ lập phiếu kiểm sát các nội dung sau:

a) Thời hạn Tòa án ban hành quyết định theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Căn cứ ban hành, hiệu lực của quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 16; khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh số 01/2022;

c) Hậu quả của việc tạm đình chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Đối với quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án ban hành tại phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công chức có nhiệm vụ lập phiếu kiểm sát các nội dung sau:

a) Nội dung và hiệu lực của quyết định theo quy định tại Điều 23, khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Hậu quả của việc tạm đình chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh số 01/2022;

c) Thời hạn Tòa án phải gửi quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh số 01/2022.

3. Trường hợp phát hiện quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình ban hành kiến nghị, kháng nghị.

Điều 18. Kiểm sát quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi kiểm sát quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án ban hành trước khi mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công chức có nhiệm vụ lập phiếu kiểm sát các nội dung sau:

a) Thời hạn Tòa án ban hành quyết định theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Căn cứ ban hành, hiệu lực của quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 16; khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Đối với quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án ban hành tại phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công chức có nhiệm vụ lập phiếu kiểm sát các nội dung sau:

a) Nội dung và hiệu lực của quyết định theo quy định tại Điều 23, khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Thời hạn Tòa án phải gửi quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh số 01/2022.

3. Trường hợp phát hiện quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình ban hành kiến nghị, kháng nghị.

Điều 19. Kiểm sát quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi kiểm sát quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công chức có nhiệm vụ lập phiếu kiểm sát các nội dung sau:

a) Nội dung và hiệu lực của quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 23, khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Thời hạn Tòa án phải gửi quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Trường hợp phát hiện quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình ban hành kiến nghị, kháng nghị.

Điều 20. Quyết định kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đưa, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đưa, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cùng cấp khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng là căn cứ để kháng nghị.

2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đưa, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cùng cấp là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định hoặc kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án trong trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Pháp lệnh số 01/2022.

3. Quyết định kháng nghị được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành và lưu vào hồ sơ kiểm sát.

4. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải gửi quyết định kháng nghị cho Tòa án nhân dân cùng cấp, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và những người có liên quan đến kháng nghị ngay sau khi ban hành.

Chương III

KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 21. Kiểm sát thông báo thụ lý đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án

1. Khi nhận được thông báo thụ lý đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị của Tòa án, công chức phải vào sổ thụ lý và lập phiếu kiểm sát các nội dung về thẩm quyền thụ lý đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị; thời hạn gửi thông báo thụ lý quy định tại khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Trường hợp phát hiện Tòa án thụ lý đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị có vi phạm thì công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Điều 22. Lập hồ sơ kiểm sát

Việc lập hồ sơ kiểm sát việc xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án được thực hiện tương tự theo quy định tại Điều 7 Quy chế này, bổ sung đơn của người khiếu nại, văn bản kiến nghị của cơ quan đề nghị, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (nếu có) và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để làm rõ lý do, căn cứ khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Điều 23. Kiểm sát việc mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

Khi nhận được thông báo của Tòa án về việc mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, công chức kiểm sát về thời hạn Tòa án gửi thông báo về việc mở phiên họp; thời hạn mở phiên họp theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Pháp lệnh số 01/2022. Trường hợp phát hiện vi phạm thì công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Điều 24. Nghiên cứu hồ sơ, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ, dự thảo đề cương hỏi và dự thảo văn bản phát biểu ý kiến tham gia phiên họp

1. Công chức nghiên cứu hồ sơ vụ việc để tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Pháp lệnh số 01/2022. Việc nghiên cứu hồ sơ cần tập trung xem xét tính có căn cứ và hợp pháp của đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị và các tài liệu, chứng cứ liên quan.

2. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, công chức xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ bảo đảm phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan vụ việc, trình lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình. Ngoài phần mở đầu, báo cáo phải có các nội dung sau:

a) Nội dung vụ việc, quá trình giải quyết của Tòa án;

b) Ý kiến của công chức nghiên cứu hồ sơ nhận xét, đánh giá việc tiến hành thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị của Tòa án từ khi thụ lý vụ việc đến trước khi mở phiên họp; ý kiến đánh giá về tính có căn cứ và hợp pháp của khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; đề xuất của công chức có chấp nhận hay không chấp nhận nội dung khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

c) Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiểm sát.

3. Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và đề xuất quan điểm được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành và lưu vào hồ sơ kiểm sát

4. Sau khi báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ, công chức xây dựng dự thảo đề cương hỏi; dự thảo văn bản phát biểu ý kiến tại phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị. Văn bản phát biểu được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Điều 25. Kiểm sát phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

Tại phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, Kiểm sát viên kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của người tiến hành phiên họp, người tham gia phiên họp về các nội dung sau:

1. Thành phần, tư cách pháp lý của người tiến hành phiên họp, người tham gia phiên họp; các trường hợp hoãn phiên họp; thay đổi người tiến hành phiên họp (nếu có) theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 39; điểm b khoản 3 Điều 40 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp quy định tại Điều 40 Pháp lệnh số 01/2022.

Điều 26. Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp

1. Trường hợp chỉ có khiếu nại của người bị đề nghị hoặc kiến nghị của cơ quan đề nghị thì Kiểm sát viên phát biểu những vấn đề sau:

a) Tính có căn cứ và hợp pháp của khiếu nại, kiến nghị;

b) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành, người tham gia thủ tục xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị trong quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị;

c) Quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết đối với quyết định bị khiếu nại, kiến nghị.

2. Trường hợp chỉ có kháng nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau:

a) Nội dung kháng nghị và căn cứ kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có); phân tích làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án;

b) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành, người tham gia thủ tục xem xét, giải quyết kháng nghị trong quá trình giải quyết kháng nghị;

c) Quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết đối với quyết định bị kháng nghị.

3. Trường hợp vừa có khiếu nại của người bị đề nghị, kiến nghị của cơ quan đề nghị, vừa có kháng nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau:

a) Tính có căn cứ và hợp pháp của khiếu nại, kiến nghị;

b) Nội dung kháng nghị và căn cứ kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có); phân tích làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án;

c) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành, người tham gia thủ tục xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

d) Quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết đối với quyết định bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

4. Văn bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên hoàn thiện văn bản phát biểu gửi cho Tòa án cùng cấp và lưu vào hồ sơ kiểm sát.

Điều 27. Báo cáo kết quả phiên họp

1. Sau khi kết thúc phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay kết quả phiên họp với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình.

2. Báo cáo kết quả phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, được gửi theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu vào hồ sơ kiểm sát.

Điều 28. Kiểm sát quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

1. Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị của Tòa án cùng cấp, công chức lập phiếu kiểm sát các nội dung sau:

a) Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh số 01/2022;

b) Nội dung và hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 42 Pháp lệnh số 01/2022;

c) Thời hạn Tòa án phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Pháp lệnh số 01/2022.

2. Trường hợp phát hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị của Tòa án có vi phạm thì công chức báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Chương IV

QUAN HỆ CÔNG TÁC, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, KIỂM TRA VÀ BÁO CÁO

Điều 29. Quan hệ công tác

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Khi kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh số 01/2022 và quy định của Quy chế này.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình. Trong vụ việc có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn; trường hợp các Kiểm sát viên có cùng ngạch thì lãnh đạo Viện kiểm sát phân công một Kiểm sát viên chịu trách nhiệm chỉ đạo.

Viện trưởng Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm tra, xử lý đối với vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

4. Việc phân công, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị, Viện kiểm sát được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, Viện kiểm sát đó.

Điều 30. Chế độ hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi quản lý.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tự tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức trong phạm vi quản lý.

Điều 31. Chế độ thông tin, báo cáo, thống kê

Chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân và Chế độ báo cáo, thống kê thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Điều 32. Chế độ kiểm tra

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra toàn diện hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kiểm tra toàn diện hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi thuộc thẩm quyền.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tự tổ chức kiểm tra hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Viện kiểm sát cấp mình.

4. Chế độ kiểm tra được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 33. Chế độ thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc

Việc thỉnh thị và trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 34. Chế độ quản lý, sử dụng, lưu trữ, bảo vệ bí mật hồ sơ

Chế độ quản lý, sử dụng, lưu trữ, bảo vệ bí mật hồ sơ trong hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của Nhà nước và của ngành Kiểm sát nhân dân.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35. Hiệu lực thi hành

Quy chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định ban hành.

Điều 36. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ có liên quan thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc những vấn đề mới cần báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật) để được chỉ đạo, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

3. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 255/QĐ-VKSTC ngày 18/07/2023 về Quy chế kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.426

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.29.162
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!