TỔNG
CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 79556/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế.
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2018
|
Kính gửi: Công ty CP công nghệ và thiết
bị hàn
(Đ/c: Tầng 24 Keangnam Landmark Tower đường Phạm Hùng - Q. Nam Từ Liêm - Hà Nội)
MST:
0105324298
Trả lời công văn số 181115/CV-TBH ngày 15/11/2018 của
Công ty CP công nghệ và thiết bị hàn, Cục thuế Thành phố Hà Nội có ý kiến như
sau:
- Căn cứ Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của
Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
+ Tại Điều 1 quy định phạm vi điều chỉnh:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự; thủ tục
xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác
định giá của giao dịch liên kết và kê
khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ
quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
2. Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của
Nghị định này là các giao dịch phát sinh trong hoạt
động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, trừ các giao
dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ
thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp
luật về giá.”
+ Tại Điều 2 quy định đối tượng áp dụng:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây nói chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
…”
+ Tại Khoản 3 Điều 4 hướng dẫn về giải thích từ ngữ
như sau:
“3. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất,
kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng
máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch
vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi,
thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình,
tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi
phí giữa các bên liên kết.”
+ Tại Điều 5 quy định về các bên có quan hệ liên kết
như sau:
“1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ
thuộc một trong các trường hợp:
a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc
điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp
vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như
sau:...
d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp
khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn
tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với
điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp
đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;...”
+ Tại Khoản 3 Điều 8 quy định cách xác định chi phí để
tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên
kết đặc thù:
“Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức
tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.
Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm
theo Nghị định này.”
- Căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số
41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều
của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính Phủ hướng dẫn kê khai
mẫu số 01 Thông tin quan hệ liên kết và giao dịch liên kết quy định:
“- Chỉ tiêu “Chi phí lãi tiền vay”: Ghi giá trị chi phí lãi vay tính vào chi phí tài chính trong kỳ.
…
+ Cột (6): Ghi tổng giá trị theo xác định tại Hồ sơ
xác định giá giao dịch liên kết, theo APA đối với giao dịch phát sinh với các bên liên kết và giá trị
ghi tại sổ kế toán đối với giao dịch
phát sinh với các bên độc lập.”
- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày
22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã
được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1
Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác
định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều
này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có
đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng
lần có giá trị từ 20 triệu đồng
trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh
toán không dùng tiền mặt...
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:...
2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh
doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng: hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã
đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi
vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được
ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.
Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn
điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được
tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
…”
Căn cứ các quy định trên và theo nội dung trình bày
trong công văn hỏi của đơn vị, Cục Thuế TP Hà Nội
trả lời nguyên tắc như sau:
1. Về hạch toán chi phí lãi vay
Trường hợp Công ty CP công nghệ và thiết bị hàn là đối
tượng nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các
bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thì
Công ty xác định chi phí lãi vay được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN theo
hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số
96/2015/TT-BTC. Trong đó chi phí lãi vay xác định theo nguyên tắc nêu trên là tổng
chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty (không phân biệt chi phí lãi vay
phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập).
Trường hợp Công ty không phát sinh giao dịch với các
bên có quan hệ liên kết thì việc xác định chi phí được trừ đối với chi phí vay
vốn sản xuất kinh doanh được thực hiện theo quy định tại văn bản quy phạm pháp
luật thuế TNDN nêu trên.
2. Về kiến
nghị của Công ty về tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay được trừ đối với doanh nghiệp
có giao dịch liên kết không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế TP Hà Nội.
Cục Thuế TP Hà Nội xin ghi nhận kiến nghị của Công ty để tổng hợp báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
phục vụ cho dự án sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan đến giao dịch
liên kết.
Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị
đơn vị liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 4 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty CP công nghệ và thiết bị hàn được biết và
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Pháp chế;
- Phòng Kiểm tra thuế số 4;
- Lưu: VT, TTHT (2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|