ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1217/KH-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 22
tháng 02 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
SỐ 06/NQ-CP NGÀY 10/01/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
LINH HOẠT, HIỆN ĐẠI, HIỆU QUẢ BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP NHẰM PHỤC HỒI NHANH KINH TẾ
- XÃ HỘI
Triển khai Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023
của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả
bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; Quyết định số
176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ
phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch thực hiện với những nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Tạo tiền đề vững chắc để xây dựng và phát triển đồng
bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu
quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao
động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo kết nối thị trường lao
động trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong nước và thị trường lao động quốc
tế.
b) Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính
sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, có
khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập
quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện để người
học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc
học lên trình độ cao hơn. Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá
trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
a) Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông
nghiệp dưới 57%.
b) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt
tối thiểu 6,5%/năm.
c) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ
đạt trên 23,6%.
d) Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 1,2%/năm,
tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2%/năm; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành
thị ở mức dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 5%.
đ) Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm
xã hội đạt 22,54%.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Triển khai thực hiện chính sách pháp luật đồng
bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại
a) Rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi,
bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về bảo hiểm thất nghiệp,
chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho người lao động; quy
định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động
đào tạo nghề tại doanh nghiệp; kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy
luật của thị trường lao động và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của
người lao động và người sử dụng lao động.
b) Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế
hoạch của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao
động đối với các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; người lao động là dân
tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp
các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
c) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào
tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây
dựng xã hội học tập; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục
thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm
quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở
giáo dục nghề nghiệp.
d) Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát
triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh
tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045.
đ) Đầu tư phát triển hiện đại Trung tâm Dịch vụ
việc làm Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt,
hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ
và quản trị thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, đề xuất mô hình
liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào
tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành thị trường lao động và tháo gỡ
khó khăn để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về thị trường
lao động, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm, người sử dụng
lao động để tiếp cận cung lao động.
2. Phục hồi và ổn định thị trường lao động
a) Xây dựng kế hoạch, thống nhất quy trình, phương pháp
và tổ chức thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu phân tích dự báo thông
tin thị trường lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Phối hợp triển khai giải pháp số hóa, cập nhật thông
tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp
tỉnh và Trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký
doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội.
c) Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
phục vụ thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích, khai thác và dự báo về cung - cầu
lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị
trường lao động đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng.
d) Tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng công
nghệ thông tin trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, giải quyết
chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng phục vụ người
dân và doanh nghiệp.
3. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu
quả lực lượng lao động
a) Tăng cường đầu tư nguồn lực các chương trình, đề
án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất
các chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động
yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh
sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn tham gia thị trường lao động, có việc làm
bền vững. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề,
tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an,
thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ, cụ thể như sau:
- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nhân lực trong giáo dục
nghề nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển
kinh tế - xã hội địa phương để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử
dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ
năng nghề, đào tạo kỹ năng nghề tại nơi làm việc. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa
giáo dục nghề nghiệp.
- Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù
hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để tạo thuận lợi
phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, trong đó chú trọng hỗ trợ học nghề cho lao
động thuộc các đối tượng người hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số,
người khuyết tật, ... và lao động thất nghiệp, thiếu việc để tìm việc làm, hòa
nhập thị trường lao động.
- Nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở giáo dục nghề
nghiệp thông qua đánh giá hoạt động mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trôn
địa bàn tỉnh để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét tổ chức lại mạng lưới, cơ
cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ phù hợp, hiệu quả; nâng cao hiệu quả đầu tư;
tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, thực hiện kiểm
định chất lượng ngành nghề đào tạo nhất là các nghề trọng điểm; khuyến khích cơ
sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt chuẩn kiểm định chất lượng; ưu tiên
đầu tư Trường Cao đẳng Đà Lạt đạt trường chất lượng cao và một số nghề có thế mạnh
của tỉnh đạt trình độ tương đương các nước ASEAN-4.
- Tiếp cận và nâng cao năng lực chuyển đổi số của
cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giáo dục nghề nghiệp từ cơ sở đào tạo đến
cơ quan quản lý cấp huyện, tỉnh theo cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.
- Tích cực ứng dụng các nền tảng số triển khai dùng
chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến các trình độ trong cơ sở giáo dục nghề
nghiệp. Tham gia phát triển kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề
đào tạo, dùng chung toàn ngành và liên kết với quốc tế theo chỉ đạo của cơ quan
quản lý Trung ương.
- Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp
với tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn nghề theo các cấp độ và trình độ đào tạo
phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao
động. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp tất cả các nghề đào tạo trình độ
trung cấp, cao đẳng để phát triển chương trình đào tạo, khai thác, sử dụng
thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp. Thực hiện mô hình “nhà trường thông minh,
hiện đại”, “nhà trường xanh”.
- Xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo và thực
hiện chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam có tham chiếu các chuẩn
khu vực và quốc tế. Liên thông trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp dựa
trên mô đun, tín chỉ và các quy đổi tương đương, đáp ứng chuẩn đầu ra và khối
lượng học tập tối thiểu. Phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới,
ngành, nghề công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai và
các chương trình đào tạo người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức
vừa làm vừa học ở trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong đó, tích cực
triển khai đồng bộ xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức triển khai đào tạo
nhân lực đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia các nghề gắn với dịch vụ du lịch.
- Tích cực phát triển học nghề tại nơi làm việc;
chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động. Đẩy mạnh triển khai
liên kết nhà trường và doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp với thị trường lao
động. Tham gia thí điểm, triển khai một số mô hình đào tạo mới, nhất là đào tạo
những ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền
kinh tế số và phát triển bền vững, bao trùm trong giáo dục nghề nghiệp.
- Đổi mới, đa dạng phương thức kiểm tra, đánh giá,
có sự tham gia và thừa nhận của người sử dụng lao động trong các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp. Giáo dục toàn diện, chú trọng đến phát triển phẩm chất, bình đẳng giới,
hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ và
cá thể hóa người học.
b) Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
và thị trường lao động
- Xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thị trường lao động, trong
đó chú trọng 100% các nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng phối hợp với ít
nhất 01 doanh nghiệp phù hợp với nghề đào tạo.
- Định kỳ hàng năm tổ chức ít nhất một lần đối thoại
“3 nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào
tạo, cải tiến chính sách giáo dục nghề nghiệp và tăng sự gắn kết giáo dục nghề
nghiệp với doanh nghiệp. Phối hợp với các huyện, thành phố, hội nghề nghiệp,
khu công nghiệp, ... tổ chức hội nghị cung ứng nhân lực đáp ứng thị trường lao
động tại từng địa phương và người sử dụng lao động.
- Tăng cường gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh
nghiệp với trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm,...
nhằm kết nối thị trường lao động, hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp;
gắn kết đào tạo với đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề các
cấp. Khuyến khích doanh nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia đánh giá, công nhận kỹ
năng nghề cho người lao động nhằm khuyến khích người lao động không ngừng học
tập nâng cao kỹ năng nghề, phát triển cạnh tranh kỹ năng nghề nghiệp trên thị
trường lao động.
c) Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công
nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà
giáo về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn hướng nghiệp, khởi
nghiệp và các tổ chức khoa học - công nghệ về giáo dục nghề nghiệp. Hình thành trung
tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại trường cao đẳng chất lượng cao.
- Tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục nghề
nghiệp theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người
học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động. Gắn hoạt động đào
tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển
giao công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng;
gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với nhà trường và doanh nghiệp.
- Tích cực phối hợp hoạt động tư vấn hướng nghiệp
giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ
thông thông qua chương trình tư vấn nghề nghiệp với thị trường lao động, hoạt
động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, trải nghiệm nghề nghiệp tại doanh nghiệp
và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
cho người học và các hoạt động hỗ trợ người học khởi nghiệp, tự tạo việc làm,
xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp.
d) Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế
về giáo dục nghề nghiệp
- Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác giáo dục nghề nghiệp
của tỉnh với các nước, các tổ chức quốc tế phù hợp với chương trình hợp tác
giáo dục nghề nghiệp của quốc gia; đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, chương
trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt
động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh
viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
- Tích cực tham gia các cuộc thi, tổ chức, diễn
đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục
tiêu quốc gia và các chương trình, dự án, đề án liên quan khác.
3. Đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Thường xuyên phân tích và công bố dự báo thị
trường lao động theo ngành, nghề trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, làm cơ
sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về lao động
- việc làm, an sinh xã hội, cung cấp thông tin thị trường lao động cho người
lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo.
b) Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển
nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của
các ngành, lĩnh vực. Triển khai hiệu quả mô hình đào tạo tại doanh nghiệp; chú
trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy
trì việc làm cho người lao động.
c) Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để tăng cường
kết nối cung - cầu lao động qua nền tảng số.
d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính
sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ
sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của lao
động.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội tổ chức phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo Kế hoạch số
5206/KH-UBND ngày 20/8/2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Giáo dục hướng
nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn
2019-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục
thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và đảm bảo
quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo
dục nghề nghiệp.
b) Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao trong những ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tiệm cận trình
độ khu vực và quốc tế.
c) Xây dựng hoàn thiện chính sách, giải pháp nâng
cao kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là các kỹ năng
đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực của thị
trường lao động.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí
vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực lao động, việc làm,
phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Luật Đầu tư công.
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh triển khai các hoạt
động phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo và cách mạng công
nghiệp lần thứ tư.
c) Tổ chức phân tích, dự báo kinh tế - xã hội để làm
cơ sở cho việc dự báo, chuẩn bị nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề nông
nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật,
nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch.
b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
xây dựng và tổ chức các chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao
động nông thôn.
c) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển mô hình đào tạo nghề nông nghiệp kết hợp
với học văn hóa trung học phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học
sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ
quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở chủ động, kịp thời cung cấp thông tin
về lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo nhằm tạo sự quan tâm, đồng thuận và
huy động toàn xã hội tích cực tham gia công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
6. Sở Tài chính: Chủ trì tổng hợp, trình cấp có
thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các chương trình, dự
án trong lĩnh vực lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực theo quy định
của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước.
7. UBND các huyện, thành phố
a) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế
hoạch với các giải pháp, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; bố
trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Kế hoạch.
b) Phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục hướng
nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giáo dục phổ thông; nâng cao hiệu quả,
chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua nâng dần số lao động có việc
làm sau tư vấn; phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, cung ứng lao
động trên địa bàn; thực hiện chức năng kết nối thông tin giữa người lao động và
người sử dụng để giải quyết việc làm cho người lao động.
8. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Tiếp tục triển
khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm,
đào tạo nghề đối với người lao động và các đối tượng chính sách, góp phần giải
quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
a) Tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần của đoàn viên, người lao động, đặc biệt đoàn viên, người lao động có
hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số.
b) Tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là
công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nâng cao hiệu quả các hoạt động đối thoại,
thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
c) Xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua
học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công
nhân lao động.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, các sở,
ban, ngành; UBND các huyện, thành phố kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc
và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để
tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy
định./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- TT TU; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như mục IV;
- Lưu: VT, VX1;
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm S
|