BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3885/LĐTBXH-BĐG
V/v triển khai thí điểm Mô hình Câu lạc bộ
nữ doanh nhân
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 9 năm 2018
|
Kính gửi: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh………………………
Căn cứ Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm
2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ
thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 304/QĐ-LĐTBXH ngày
22/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt danh sách
các đơn vị, địa phương triển khai các mô hình thuộc Dự án Hỗ trợ thực hiện các
mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Chương trình mục tiêu Phát triển hệ
thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội hướng dẫn triển khai thí điểm Mô hình Câu lạc bộ nữ doanh nhân với
các nội dung chính như sau:
I. MỤC ĐÍCH, PHẠM VI THỰC HIỆN, ĐỐI TƯỢNG CỦA MÔ
HÌNH CÂU LẠC BỘ NỮ DOANH NHÂN
1. Mục đích
Mô hình Câu lạc bộ nữ doanh nhân trong khuôn khổ Dự
án Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Chương trình
mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 được thành
lập nhằm mục đích tạo thêm kênh kết nối, hỗ trợ các nữ doanh nhân hợp tác, giúp
đỡ lẫn nhau, nỗ lực cùng phát triển, thực hiện kinh doanh đúng pháp luật; tăng
cường các cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm góp phần nâng cao năng
lực của các thành viên; tương trợ những khi khó khăn, hoạn nạn; tham gia thực
hiện các trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
2. Phạm vi thực hiện
Trong giai đoạn 2018 - 2020, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội sẽ hỗ trợ 10 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực
hiện thí điểm mô hình Câu lạc bộ nữ doanh nhân (Quyết định số 304/QĐ-LĐTBXH
ngày 21/3/2018 đính kèm).
3. Đối tượng
Các nữ doanh nhân có chung mục tiêu, nhu cầu, mong
muốn tự nguyện kết nối lại với nhau để hình thành Câu lạc bộ nữ doanh nhân.
II. Hoạt động của Câu lạc bộ nữ doanh nhân
1. Nguyên tắc hoạt động
- Câu lạc bộ hoạt động dựa trên nguyên tắc phi lợi
nhuận, phát huy và kết hợp năng lực các thành viên để phát triển hoạt động
chung của Câu lạc bộ.
- Các thành viên tham gia các hoạt động của Câu lạc
bộ trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, hợp tác, cùng nhau phát triển.
- Hoạt động của Câu lạc bộ được xây dựng dựa trên
sự đóng góp nội dung hoạt động của các thành viên. Các nội dung hoạt động của
Câu lạc bộ được chọn lựa trên một số tiêu chí: nội dung mang tính thiết thực,
hấp dẫn và sinh động; không có nội dung xuyên tạc và vi phạm pháp luật nhà
nước, an ninh quốc gia và hoạt động tôn giáo; khuyến khích các ý tưởng mới về
hình thức hoạt động.
- Câu lạc bộ sinh hoạt dưới hình thức nhóm họp trực
tiếp hoặc thông qua các hình thức thích hợp khác. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ
ít nhất 2 lần/năm và có thể sinh hoạt bất thường để giải quyết các vấn đề đột xuất,
cấp bách có liên quan. Địa điểm sinh hoạt Câu lạc bộ do Ban Chủ nhiệm quyết
định.
2. Các hoạt động chính của mô hình Câu lạc bộ
- Sinh hoạt Câu lạc bộ định kỳ theo chuyên đề nhằm
trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động kinh doanh; cập nhật các kiến
thức về luật pháp chính sách có liên quan; trao đổi về các xu thế kinh doanh,
các cơ hội, thách thức và bàn giải pháp tháo gỡ.
- Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tham quan học tập
các mô hình tốt trong và ngoài địa phương.
- Hỗ trợ, hướng dẫn các hội viên giới thiệu, quảng
bá sản phẩm tại Phòng hỗ trợ phụ nữ quảng bá sản phẩm đặt tại Trung tâm Dịch vụ
việc làm hoặc Trung tâm Công tác xã hội.
- Tập huấn nâng cao các kỹ năng mềm trong điều
hành, quản lý doanh nghiệp.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mô hình và
vai trò của doanh nhân nữ trong nền kinh tế, trong gia đình và ngoài xã hội.
- Tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện tại cộng
đồng; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
- Các hoạt động khác theo nhu cầu chính đáng và hợp
pháp của các hội viên.
- Nhân rộng mô hình ra các địa bàn, khu vực khác.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí triển khai từ nguồn kinh phí Chương
trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho Câu lạc bộ sinh hoạt tối đa là 30 triệu
đồng/năm. Ngoài ra, tùy điều kiện, tình hình thực tế, hội viên có thể tự nguyện
đóng góp theo mức thỏa thuận và Câu lạc bộ có thể huy động từ các nguồn tài
trợ, hỗ trợ hợp pháp khác.
- Việc quản lý, sử dụng kinh phí triển khai hoạt
động này được thực hiện theo Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ
Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương
trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và các
quy định hiện hành khác có liên quan.
2. Phân công thực hiện
a) Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội):
- Hướng dẫn triển khai, định kỳ kiểm tra, đánh giá,
tổng kết tình hình thực hiện Mô hình Câu lạc bộ.
- Xây dựng và phát triển các tài liệu tập huấn và
sản phẩm truyền thông về các nội dung có liên quan để phục vụ triển khai ở các
địa phương.
- Thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
tại địa phương thành lập, quản lý, tổ chức, thực hiện và duy trì hoạt động của
mô hình Câu lạc bộ (tùy theo tình hình thực tế của địa phương có thể phân công
cụ thể cơ quan chủ quản, thành phần Ban Chủ nhiệm, số lượng thành viên Câu lạc
bộ v.v.).
- Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm (phần Trung
ương hỗ trợ) và quản lý, thực hiện theo Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29
tháng 9 năm 2017 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện
Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.
- Căn cứ theo kế hoạch triển khai hoạt động đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng dự toán kinh phí hoạt động cho năm tiếp
theo và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Bình đẳng giới) trước
ngày 15/7 hằng năm để tổng hợp. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội sẽ thống nhất với Bộ Tài chính phương án phân bổ và bố trí kinh phí Trung
ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương thực hiện Mô hình.
- Phối hợp liên ngành nhằm tránh trùng lắp các hoạt
động, mô hình; tận dụng được các kênh hỗ trợ và nguồn lực, kỹ thuật, chuyên môn
cần thiết để phục vụ triển khai các hoạt động hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, nếu có thắc mắc gì, đề
nghị các cơ quan, đơn vị liên hệ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ
Bình đẳng giới, số điện thoại 024.3826.9551 hoặc 024.3825.3875) để phối hợp xử
lý./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà (để báo cáo);
- Lưu: VT, Vụ BĐG.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Phạm Ngọc Tiến
|