QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Luật Thống
kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống
kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 94/2022/NĐ-CP
ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc
hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm
trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương;
Căn cứ Nghị định số 62/2024/NĐ-CP
ngày 07 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều, phụ lục của
Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7
năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của
Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê
quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng
sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Nghị định số 89/2022/NĐ-CP
ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Thủ
tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng
cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ
tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 143/QĐ-BKHĐT ngày 20 tháng
02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ủy quyền cho Tổng cục
trưởng Tổng cục Thống kê ký quyết định ban hành phương án điều tra thống kê được
phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 1345/QĐ-BKHĐT ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Kế hoạch điều tra thống kê năm 2025 của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống
kê.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Phương án Điều tra lao động và việc làm thực hiện từ năm 2025.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 2. Giao Tổng cục Thống
kê xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết; thiết kế mẫu và phiếu điều tra; chỉ đạo
tổ chức và hướng dẫn thực hiện cuộc điều tra theo đúng quy định của Phương án
điều tra.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng
cục Thống kê, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để báo cáo);
- Văn phòng Bộ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(để phối hợp);
- Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Lưu: VT, TCTK(10b).
|
TUQ. BỘ TRƯỞNG
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Nguyễn Thị Hương
|
PHƯƠNG ÁN
ĐIỀU
TRA LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
(Kèm theo Quyết định số 1694/QĐ-BKHĐT ngày 05 tháng 8 năm 2024 của Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐIỀU TRA
1. Mục đích điều tra
Điều tra lao động và việc làm (viết gọn là Điều tra
LĐVL) là cuộc điều tra chọn mẫu trong chương trình điều tra thống kê quốc gia
được thực hiện nhằm mục đích:
- Thu thập thông tin về tình trạng tham gia thị trường
lao động của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sống tại Việt Nam làm cơ
sở để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lao động, việc làm,
thất nghiệp và thu nhập của người lao động. Kết quả điều tra giúp Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đánh giá, dự báo tình hình biến động của thị
trường lao động trên phạm vi cả nước, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,
xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch sản xuất
- kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động.
- Thu thập thông tin phục vụ tổng hợp chỉ tiêu Tỷ lệ
chi phí người lao động nhập cư phải trả để có việc làm ở nước ngoài so với thu
nhập trung bình của họ từ công việc đó ở nước đến lao động thuộc Bộ chỉ tiêu thống
kê phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs).
2. Yêu cầu điều tra
- Thực hiện điều tra đúng các nội dung quy định
trong Phương án điều tra.
- Bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều
tra theo quy định của Luật Thống kê.
- Quản lý và sử dụng kinh phí của cuộc điều tra
đúng chế độ hiện hành, sử dụng kinh phí tiết kiệm và hiệu quả.
- Kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu so sánh quốc
tế, phù hợp với khung tiêu chuẩn quy định về lao động, việc làm theo khuyến nghị
của Tổ chức Lao động Quốc tế.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ
ĐIỀU TRA
1. Phạm vi điều tra
Điều tra LĐVL được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương.
2. Đối tượng điều tra
Đối tượng điều tra là nhân khẩu thực tế thường trú
từ 15 tuổi trở lên tại hộ, bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang là
nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ; không bao gồm những người thuộc lực lượng
vũ trang cư trú trong các khu doanh trại.
3. Đơn vị điều tra
Đơn vị điều tra là các hộ dân cư (viết gọn là hộ).
Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ở chung và ăn chung.
Đối với hộ có từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hoặc không
có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, nuôi dưỡng; có hoặc không có quỹ thu - chi
chung.
III. LOẠI ĐIỀU TRA
Điều tra LĐVL là điều tra chọn mẫu với cỡ mẫu bảo đảm
các ước lượng thống kê cho cấp vùng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh
theo quý và cho cấp tỉnh theo năm.
Điều tra LĐVL áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng
hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Chọn địa bàn mẫu điều tra; Giai đoạn 2: Chọn hộ mẫu
tại mỗi địa bàn điều tra mẫu được chọn ở giai đoạn 1 theo phương pháp ngẫu
nhiên hệ thống.
Các địa bàn điều tra mẫu đã được chọn và sử dụng điều
tra trong năm 2024 sẽ tiếp tục được sử dụng để điều tra trong năm 2025 và các
năm tiếp theo. Tổng số có 4.911 địa bàn điều tra trong một quý. Mỗi tháng thực
hiện điều tra 1.637 địa bàn.
IV. THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN VÀ
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA
1. Thời điểm điều tra
Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01 của tháng điều
tra.
2. Thời kỳ điều tra
Thời kỳ điều tra là 07 ngày trước thời điểm điều
tra; ngoại trừ trường hợp tìm kiếm việc làm, thời kỳ điều tra là 30 ngày trước
thời điểm điều tra và tình hình tiếp cận các dịch vụ tài chính, thời kỳ điều
tra là 01 năm trước thời điểm điều tra.
3. Thời gian điều tra
Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn là 07 ngày
(không tính thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ), bắt đầu từ ngày 01 của tháng điều
tra,.
4. Phương pháp điều tra
Điều tra LĐVL áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp
sử dụng phiếu điện tử được cài đặt trên thiết bị điện tử di động thông minh
(CAPI) của điều tra viên (ĐTV). ĐTV đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin
và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điện tử.
5. Người cung cấp thông tin
Chủ hộ (hoặc người trưởng thành am hiểu về các
thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin về nhân khẩu
thực tế thường trú và tình hình đời sống của hộ; các nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên
sống tại Việt Nam là người cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động kinh tế của
họ.
V. NỘI DUNG, PHIẾU ĐIỀU TRA
1. Nội dung điều tra
Điều tra LĐVL thu thập thông tin về nhân khẩu học của
các thành viên hộ, thông tin về lao động, việc làm của các thành viên từ 15 tuổi
trở lên trong hộ; thông tin về đời sống của hộ, cụ thể:
a. Thông tin về thành viên trong hộ:
Đối với toàn bộ thành viên: Thông tin về
nhân khẩu học (họ tên, giới tính, tuổi);
Đối với người từ 05 tuổi trở lên:
- Tình trạng đi học, đào tạo;
- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật
cao nhất.
Đối với người từ 15 tuổi trở lên:
- Tình trạng hôn nhân;
- Tình trạng di chuyển;
- Chuyên ngành đào tạo và thời gian tốt nghiệp;
- Phân loại tình trạng hoạt động kinh tế;
- Công việc chính trong 7 ngày qua;
- Công việc trước khi tạm nghỉ;
- Số giờ làm việc, thu nhập nhận được;
- Tình trạng thiếu việc làm;
- Tình trạng thất nghiệp hoặc không hoạt động kinh
tế;
- Công việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ cho bản
thân và gia đình sử dụng.
- Thông tin về việc làm ở nước ngoài (nếu có);
b. Thông tin đánh giá về tình hình đời sống của
hộ:
- Đánh giá về thu nhập hộ;
- Nguyên nhân ảnh hưởng thu nhập, chi tiêu hộ;
- Trợ cấp của hộ.
2. Phiếu điều tra
Điều tra LĐVL sử dụng một loại phiếu điều tra để
thu thập thông tin về các thành viên trong hộ, trong đó bao gồm các thành viên
trong hộ từ 15 tuổi trở lên và đang sống tại Việt Nam.
VI. PHÂN LOẠI THỐNG KÊ SỬ DỤNG
TRONG ĐIỀU TRA
Điều tra LĐVL sử dụng các danh mục và bảng phân loại
thống kê sau:
- Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành
theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày
08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và những thay đổi đã được Tổng cục Thống kê cập
nhật đến thời điểm điều tra;
- Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết
định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ
tướng Chính phủ;
- Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục
quốc dân ban hành theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg
ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH
ngày 30/12/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Danh mục nghề nghiệp Việt Nam ban hành theo Quyết
định số 34/2020/QĐ-TTg ngày 26/11/2020 của Thủ
tướng Chính phủ;
VII. QUY TRÌNH XỬ LÝ VÀ BIỂU ĐẦU
RA CỦA ĐIỀU TRA
1. Quy trình xử lý thông tin
Dữ liệu điều tra từ phiếu điện tử được ĐTV đồng bộ
hằng ngày về hệ thống máy chủ thông qua đường truyền dữ liệu trực tuyến. Tại
đây, giám sát viên (GSV) các cấp thực hiện việc kiểm tra số liệu và nghiệm thu
số liệu trực tuyến theo quy trình kiểm tra, nghiệm thu số liệu được hướng dẫn
trong Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ của Điều tra LĐVL.
2. Biểu đầu ra của điều tra
Kết quả Điều tra LĐVL được tổng hợp phục vụ biên soạn
báo cáo phân tích quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm theo mẫu biểu do Tổng cục Thống
kê thiết kế đảm bảo tổng hợp các chỉ tiêu thống kê theo nội dung điều tra quy định
tại Mục V Phương án này.
VIII. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU
TRA
Điều tra LĐVL được thực hiện theo kế hoạch thời
gian như sau:
TT
|
Nội dung công
việc
|
Thời gian thực
hiện
|
1
|
Xây dựng phương án điều tra
|
Tháng 6-7/2024
|
2
|
Thiết kế và hoàn thiện phiếu điều tra
|
Tháng 6-8/2024
|
3
|
Thiết kế mẫu, chọn địa bàn điều tra
|
Tháng 6-10/2024
|
4
|
Xây dựng các loại tài liệu
|
Tháng 7-10/2024
|
5
|
Xây dựng mẫu biểu tổng hợp kết quả điều tra
|
Tháng 7-10/2024
|
6
|
Xây dựng/cập nhật các Phần mềm điều tra (bao gồm
xây dựng yêu cầu, kiểm thử và hoàn thiện phần mềm)
|
Tháng 8-12 năm trước
năm điều tra
|
7
|
Rà soát địa bàn điều tra
|
Trước ngày 05/12
năm trước năm điều tra
|
8
|
Cập nhật bảng kê hộ
|
Trước ngày 20/12
năm trước năm điều tra
|
9
|
Chọn hộ điều tra
|
Trước ngày 28/12
năm trước năm điều tra
|
10
|
Rà soát hộ được chọn điều tra hằng tháng
|
01 ngày trước thời
điểm điều tra
|
11
|
In tài liệu (nếu có)
|
Tháng 11-12 năm
trước năm điều tra
|
12
|
Tập huấn các cấp (nếu có)
|
Tháng 11-12 năm
trước năm điều tra
|
13
|
Thu thập thông tin tại địa bàn
|
Từ ngày 01-07 hằng
tháng
|
14
|
Kiểm tra, ghi mã phiếu điều tra
|
Từ ngày 01-15 hằng
tháng
|
15
|
Giám sát
|
Hằng tháng
|
16
|
Kiểm tra, nghiệm thu dữ liệu
|
Từ ngày 01-20 hằng
tháng
|
17
|
Tính quyền số suy rộng
|
Hằng quý, hằng nằm
|
18
|
Xử lý, tổng hợp số liệu
|
Trước ngày 22
tháng cuối quý
|
19
|
Biên soạn báo cáo phân tích kết quả ước tính phục
vụ họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội hằng quý, 6 tháng, 9 tháng, cả
năm
|
Trước ngày 28
tháng cuối quý
|
20
|
Tổng hợp kết quả chủ yếu hằng quý
|
Trước ngày 30
tháng đầu quý sau
|
21
|
Tổng hợp kết quả năm
|
Quý I năm sau
|
22
|
Kiểm tra biểu tổng hợp kết quả đầu ra năm
|
Tháng 01-04 năm
sau
|
23
|
Báo cáo kết quả chủ yếu
|
Tháng 6 năm sau
|
24
|
Tổ chức biên soạn, in, xuất bản và phát hành báo
cáo kết quả điều tra
|
Quý III năm sau
|
IX. TỔ CHỨC ĐIỀU TRA
1. Công tác chuẩn bị
a) Chọn mẫu; rà soát địa bàn điều tra; cập nhật
bảng kê hộ và chọn hộ điều tra
Địa bàn điều tra của Điều tra LĐVL là khu vực dân
cư được phân định ranh giới trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Hằng
năm, Tổng cục Thống kê thực hiện chọn mẫu địa bàn điều tra (ĐBĐT), hướng dẫn Cục
Thống kê cập nhật ĐBĐT, cập nhật bảng kê hộ.
Công tác rà soát địa bàn phải bảo đảm cập nhật các
thay đổi về mã, tên các thông tin định danh gắn với địa bàn; các thay đổi liên
quan quy mô, sự tồn tại của địa bàn trên thực tế (chia cắt, sáp nhập, giải tỏa
...).
Công tác cập nhật bảng kê hộ cần đặc biệt chú ý những
ngôi nhà mới xây có người ở, những ngôi nhà trước đây không có người ở nhưng hiện
đã có người đến cư trú, những ngôi nhà hiện không có người ở hoặc đã bị phá hủy,
những khu vực trước đây là vùng đất trống, đồi trọc, ruộng nương, rừng nhưng
nay đã có người ở,... thuộc phạm vi ranh giới ĐBĐT, nhằm cập nhật đầy đủ số hộ,
số người vào bảng kê hộ của ĐBĐT được chọn mẫu.
b) Tuyển chọn người cập nhật bảng kê hộ, điều
tra viên thống kê và giám sát viên
- Người cập nhật bảng kê hộ: Ở mỗi ĐBĐT thực hiện
tuyển chọn người am hiểu địa bàn, có tinh thần trách nhiệm thực hiện việc cập
nhật bảng kê hộ.
- ĐTV: Điều tra LĐVL là cuộc điều tra chuyên sâu,
do đó để bảo đảm yêu cầu chất lượng thông tin và ổn định lực lượng thu thập
thông tin, yêu cầu ĐTV là những người có kinh nghiệm điều tra thống kê, có
trình độ đào tạo từ trung học phổ thông trở lên, sử dụng thành thạo máy tính bảng
hoặc điện thoại thông minh để thực hiện điều tra thu thập thông tin sử dụng phiếu
điện tử.
- GSV: Là lực lượng thực hiện công việc giám sát
các hoạt động ĐTV và hỗ trợ chuyên môn cho GSV cấp dưới trong quá trình điều
tra thực địa. Có 03 cấp GSV: cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
c) Tập huấn nghiệp vụ điều tra
Tập huấn nghiệp vụ điều tra thực hiện ở 02 cấp, mỗi
cấp thực hiện tập huấn trong 02 ngày (trong đó 01 ngày hướng dẫn sử dụng thiết
bị điều tra phiếu điện tử và trang web điều hành tác nghiệp của của cuộc điều
tra).
- Cấp trung ương, thành phần tham gia tập huấn
gồm: GSV cấp trung ương và giảng viên cấp tỉnh.
- Cấp tỉnh, thành phần tham gia tập huấn gồm:
ĐTV; GSV cấp tỉnh và GSV cấp huyện.
Hằng năm, khi có sự thay đổi về GSV, ĐTV, hoặc có nội
dung nghiệp vụ bổ sung, đơn vị được giao chủ trì thực hiện công tác điều tra chủ
động tổ chức tập huấn cho đội ngũ GSV, ĐTV.
d) Tài liệu điều tra
Tài liệu điều tra bao gồm các tài liệu hướng dẫn
nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng phần mềm.
đ) Chương trình phần mềm
Chương trình phần mềm sử dụng trong điều tra bao gồm:
Phần mềm điều tra trên thiết bị điện tử (CAPI); phần mềm chọn mẫu hộ, phần mềm
quản trị hệ thống điều tra trên Trang Web điều hành tác nghiệp, phần mềm xử lý,
tổng hợp kết quả điều tra ...
2. Công tác điều tra thực địa
Tổng cục Thống kê (Cục Thống kê tỉnh, thành phố) chỉ
đạo, thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn, bảo đảm việc thu thập thông tin
được thực hiện tại hộ được chọn điều tra, đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng và
thời hạn quy định.
3. Công tác kiểm tra, giám sát
Hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào quá
trình điều tra tại địa bàn, kiểm tra và duyệt phiếu trên phần mềm giám sát. Quy
trình kiểm tra, giám sát được thực hiện như sau:
- Đối với GSV cấp huyện: Thực hiện giám sát,
kiểm tra và duyệt số liệu của các ĐTV được phân công phụ trách với các nhiệm vụ
chính sau:
+ Kiểm tra, đảm bảo ĐTV tiến hành thu thập thông
tin đúng hộ, đúng địa bàn, phỏng vấn trực tiếp và đúng đối tượng điều tra, tiến
độ điều tra;
+ Kiểm tra chất lượng thông tin, thông báo cho ĐTV
những thông tin trong phiếu cần kiểm tra, xác minh để hoàn thiện phiếu;
+ Duyệt toàn bộ phiếu điều tra tại các địa bàn được
phân công giám sát khi các ĐTV đã hoàn thành điều tra và hoàn thiện sửa lỗi;
+ Thông báo cho ĐTV những vấn đề nghiệp vụ cần lưu
ý hoặc trả lời những câu hỏi của ĐTV liên quan đến nghiệp vụ và kỹ thuật sử dụng
thiết bị điện tử thông minh;
+ Trao đổi với GSV cấp tỉnh về những vấn đề nghiệp
vụ phát sinh hoặc những vấn đề kỹ thuật sử dụng thiết bị điện tử thông minh
trong quá trình điều tra.
- Đối với GSV cấp tỉnh: Thực hiện giám sát,
kiểm tra và duyệt số liệu tại các địa bàn điều tra được phân công phụ trách với
các nhiệm vụ chính sau:
+ Kiểm tra tiến độ thực hiện điều tra hằng ngày của
ĐTV; tiến độ điều tra tại các ĐBĐT trong mỗi huyện được phân công phụ trách;
+ Kiểm tra chất lượng thông tin trên phiếu điều tra
khi chương trình kiểm tra báo lỗi liên quan đến phiếu điều tra và thông báo tới
GSV cấp huyện về những thông tin trong phiếu cần kiểm tra, xác minh lại; duyệt
số liệu toàn bộ địa bàn điều tra được phân công giám sát;
+ Thông báo cho GSV cấp huyện những vấn đề nghiệp vụ
cần lưu ý; trả lời những câu hỏi của GSV cấp huyện liên quan đến nghiệp vụ và kỹ
thuật sử dụng thiết bị điện tử thông minh;
+ Trao đổi với GSV cấp trung ương về những vấn đề
nghiệp vụ phát sinh hoặc những vấn đề kỹ thuật sử dụng thiết bị điện tử thông
minh trong quá trình điều tra.
- Đối với GSV cấp trung ương: Thực hiện giám
sát, kiểm tra và duyệt số liệu của các tỉnh được phân công phụ trách với các
nhiệm vụ chính sau:
+ Kiểm tra tiến độ thực hiện điều tra hằng ngày của
ĐTV thông qua các phiếu điều tra đã được GSV cấp tỉnh duyệt;
+ Kiểm tra chất lượng thông tin trên phiếu điều tra
khi chương trình kiểm tra báo lỗi phiếu điều tra của các hộ và thông báo tới
GSV cấp tỉnh về những thông tin trong phiếu cần kiểm tra, xác minh lại; duyệt số
liệu các tỉnh được phân công giám sát;
+ Thông báo cho GSV cấp tỉnh những vấn đề nghiệp vụ
cần lưu ý, trả lời những câu hỏi của GSV cấp tỉnh liên quan đến nghiệp vụ và kỹ
thuật sử dụng thiết bị điện tử thông minh.
4. Kiểm tra, ghi mã phiếu điều tra và xử lý
thông tin
a) Kiểm tra, ghi mã
Tổng cục Thống kê (Cục Thống kê tỉnh, thành phố) tổ
chức thực hiện việc kiểm tra, ghi mã ngay trong quá trình điều tra và sau khi
hoàn thành điều tra tại địa bàn và truyền dữ liệu về máy chủ theo quy định.
b) Nghiệm thu phiếu điều tra
- Cơ quan thống kê cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra và
nghiệm thu dữ liệu điều tra của tất cả các ĐBĐT được phân công trên phạm vi tỉnh,
thành phố.
- Cơ quan thống kê trung ương kiểm tra và nghiệm
thu dữ liệu điều tra cấp tỉnh.
c) Xử lý thông tin
Tổng cục Thống kê chỉ đạo, phân công các đơn vị trực
thuộc thực hiện kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ tổng hợp
và phân tích kết quả điều tra; thực hiện tính quyền số và tổng hợp kết quả đầu
ra.
X. KINH PHÍ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN VẬT
CHẤT CHO ĐIỀU TRA
Kinh phí Điều tra LĐVL do Ngân sách nhà nước bảo đảm
cho các hoạt động quy định trong Phương án này. Việc quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí được thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC
ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra thống
kê quốc gia; Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày
22/6/2022 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3
và Mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài
chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện
các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia và các quy định có
liên quan.
Tổng cục Thống kê có trách nhiệm hướng dẫn việc quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí điều tra theo đúng quy định của văn bản hiện
hành.
Trong phạm vi dự toán được giao, Thủ trưởng các đơn
vị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt cuộc Điều tra LĐVL
theo đúng nội dung của Phương án điều tra, văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thống
kê và các chế độ tài chính hiện hành.
Các điều kiện vật chất khác: Sử dụng cơ sở hạ tầng
sẵn có của ngành thống kê./.