UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 253/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 24
tháng 08 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
SÁP
NHẬP THÔN, TỔ DÂN PHỐ GIAI ĐOẠN 2018-2020 TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của
Bộ trưởng Nội vụ Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố (viết tắt
là Thông tư số 04/2012/TT-BNV); Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của
Bộ Nội vụ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV
ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của
thôn, tổ dân phố (viết tắt là Thông tư số 09/2017/TT-BNV);
Căn cứ Kế hoạch 121-KH/TU ngày 01/02/2018 của Tỉnh ủy
Lào Cai về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp
hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;
Căn cứ Thông báo số 2269-TB/TU ngày 10/7/2018 của Tỉnh
ủy Lào Cai về chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố giai đoạn 2018-2020; Ủy ban
nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng Kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố giai đoạn
2018-2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế tổ chức và
hoạt động của thôn, tổ dân phố và Quy định về phân loại thôn, tổ dân phố thuộc
tỉnh Lào Cai;
- Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của
thôn, tổ dân phố trên địa bàn, từ đó phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn
tại, hạn chế nhằm tinh gọn bộ máy; nâng cao chất lượng của những người hoạt động
không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố;
- Từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, Chính
quyền, MTTQ và các đoàn thể ở thôn, tổ dân phố và khu dân cư, góp phần nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và hoạt động của hệ thống
chính trị tại cơ sở;
- Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trong việc đầu
tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các hoạt động của các tổ
chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
2. Yêu cầu
- Việc rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức thôn, tổ
dân phố để sáp nhập phải cụ thể, chính xác, khách quan làm cơ sở cho việc kiện
toàn bộ máy và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, đồng thời để cơ quan có
thẩm quyền quyết định thực hiện các chính sách liên quan đến thôn, tổ dân phố
cho phù hợp;
- Quá trình triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch
và việc xây dựng phương án sáp nhập thôn, tổ dân phố phải đảm bảo khoa học, thuận
lợi trong việc quản lý của chính quyền cấp xã, phù hợp với điều kiện tại địa
phương, tôn trọng phong tục tập quán và nguyện vọng chính đáng của nhân dân;
- Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố không làm thay đổi
địa giới hành chính cấp xã; các thôn, tổ dân phố sáp nhập phải có vị trí địa lý
liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển
kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân;
- Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố phải đảm bảo đúng
trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và được trên 50% số cử tri hoặc cử
tri đại diện hộ gia đình của các thôn, tổ dân phố liên quan nhất trí.
II. NỘI DUNG VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Thực trạng và phân nhóm thôn, tổ dân phố
a) Về thực trạng thôn, tổ dân phố (tính đến
30/6/2018): Tính đến 30/6/2018, tỉnh Lào Cai có 2.016 thôn, tổ dân phố
(trong đó 1.598 thôn, 418 tổ dân phố). Số thôn, tổ dân phố biên giới là 93 (83
thôn và 10 tổ dân phố), chiếm 4,61%. Kết quả đánh giá thực trạng thôn, tổ dân
phố theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV như sau:
- Tổng số thôn, tổ dân phố đạt chuẩn tiêu chí quy
mô hộ gia đình (có từ 200 hộ trở lên đối thôn và từ 300 hộ trở lên đối với tổ
dân phố) là 34 thôn, tổ dân phố (trong đó 31 thôn và 03 tổ dân phố chủ yếu
thuộc huyện Bảo Thắng) đạt 1,68%;
- Tổng số thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn tiêu chí
số hộ gia đình (có số hộ dưới 200 hộ đối với thôn và 300 hộ đối với tổ dân phố)
là 1.982 thôn, tổ dân phố, (1.567 thôn và 415 tổ dân phố) chiếm 98,31%;
Trong đó: số thôn, tổ dân phố có dưới 50% tiêu chí số hộ gia đình là 1.576
thôn, tổ dân phố (1.233 thôn và 343 tổ dân phố), chiếm 78,17%; Số thôn, tổ dân
phố biên giới là 93 (83 thôn và 10 tổ dân phố), chiếm 4,61%.
b) Phân nhóm thôn, tổ dân phố: Trên cơ sở thực
trạng quy mô số hộ gia đình và tiêu chí hộ gia đình được quy định tại Thông tư
số 09/2017/TT-BNV thì số thôn, tổ dân phố tỉnh Lào Cai được phân theo nhóm làm
cơ sở để xây dựng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố như sau:
- Nhóm 1: Thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ đạt
chuẩn so với quy định là 34 thôn, tổ dân phố.
- Nhóm 2: Thôn có từ 100 hộ đến dưới 200 hộ,
tổ dân phố có từ 150 hộ đến dưới 300 hộ (tương đương trên 50% số hộ theo quy định)
là 406 thôn, tổ dân phố.
- Nhóm 3: Thôn dưới 100 hộ gia đình, tổ dân
phố dưới 150 hộ gia đình (tương đương dưới 50% số hộ gia đình theo quy định) là
1.576 thôn, tổ dân phố.
(Có biểu số 01
kèm theo)
c) Lập sơ đồ thể hiện vị trí địa lý: Vị trí
địa lý các thôn, tổ dân phố được thể hiện chung trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng
đất của cấp xã (tổng số diện tích các thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã phải
đúng bằng diện tích đất tự nhiên của đơn vị hành chính cấp xã đó).
2. Xây dựng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố:
Căn cứ số lượng thôn, tổ dân phố được xác định tại điểm a, điểm b, mục 1 nêu
trên, cấp xã thực hiện xây dựng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố (cấp huyện tổng
hợp đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố chung của cấp xã).
a) Đối tượng
- Sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia
đình dưới 50% quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV (nhóm 3) vào thôn liền kề
thuận lợi nhất: sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố mới phải đảm bảo tối thiểu
50% tiêu chí về quy mô số hộ gia đình theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV (thôn từ
100 hộ trở lên, Tổ dân phố từ 150 hộ trở lên). Trường hợp đặc biệt không thể
sáp nhập được thì địa phương phải có báo cáo giải trình và có giải pháp, lộ
trình thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp);
- Khuyến khích và thực hiện sáp nhập những thôn, tổ
dân phố có quy mô số hộ gia đình có từ 50% chuẩn quy định trở lên (nhóm 2), đặc
biệt chú trọng các thôn, tổ dân phố liền kề với những thôn, tổ dân phố có quy
mô số hộ quá ít (nhóm 3), để đảm bảo đạt chuẩn về quy mô số hộ gia đình theo
quy định;
- Riêng các Tổ dân phố thuộc các phường của Thành
phố Lào Cai gồm: Cốc Lếu, Kim Tân, Pom Hán; Các cụm dân cư đã đạt mức độ đô thị
hóa mật độ cao thuộc các phường: Duyên Hải, Phố Mới, Bắc Cường, sau khi sáp nhập
tổ dân phố mới phải đảm bảo tiêu chí về quy mô số hộ gia đình theo Thông tư số
09/2017/TT-BNV (phải có từ 300 hộ gia đình trở lên).
b) Căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh, các địa
phương (cấp xã) xây dựng Đề án sáp nhập, thôn, tổ dân phố của từng xã, phường,
thị trấn với những nội dung cụ thể sau
- Thực trạng thôn, tổ dân phố (nêu ngắn gọn) về: Số
hộ, số khẩu, diện tích, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của
thôn, tổ dân phố, số lượng những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức....;
- Lý do, sự cần thiết sáp nhập;
- Dự kiến tên thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập;
- Vị trí địa lý, ranh giới thôn, tổ dân phố sau khi
sáp nhập;
- Tổng số hộ, số khẩu sau khi sáp nhập;
- Dự kiến kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở
khu dân cư và nhân sự bố trí người hoạt động không chuyên trách;
- Cơ sở hạ tầng KT-XH phục vụ hoạt động của thôn, tổ
dân phố sau sáp nhập;
- Dự kiến phân loại thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập.
Lưu ý: Đối với xã, phường, thị trấn có nhiều
thôn, tổ dân phố sáp nhập cùng đợt thì tổng hợp xây dựng đề án chung, nhưng mỗi
tổ chức thôn, tổ dân phố dự kiến sáp nhập được viết thành mục riêng.
3. Về lộ trình và tiến độ thực hiện sáp nhập
thôn, tổ dân phố
- Trên cơ sở rà soát thực trạng và đề nghị sáp nhập
thôn, tổ dân phố của các huyện, thành phố (Riêng huyện Sa Pa việc sáp nhập
thôn, tổ dân phố được thực hiện sau khi đề án thành lập Thị xã Sa Pa được cấp
có thẩm quyền phê duyệt), UBND tỉnh yêu cầu số thôn, tổ dân phố phải sáp nhập
và lộ trình thực hiện giai đoạn 2018- 2020 là 1.010 thôn, tổ dân phố:
+ Năm 2018 sáp nhập 515 thôn, tổ dân phố;
+ Năm 2019 sáp nhập 384 thôn, tổ dân phố;
+ Năm 2020 sáp nhập 111 thôn, TDP.
+ Số thôn, TDP thuộc huyện Sa Pa là: 50
thôn, tổ dân phố (thực hiện sau khi đề án thành lập thị xã Sa Pa được cấp có thẩm
quyền phê duyệt);
- Số thôn biên giới không thuộc diện phải sáp nhập
là: 66 thôn;
- Số thôn, tổ dân phố còn lại (khó khăn trong việc
sáp nhập) dự kiến sáp nhập sau năm 2020 là 450 thôn.
(Có biểu số 02
kèm theo).
* Khuyến khích các huyện, thành phố sáp nhập thôn,
tổ dân phố vượt số lượng nêu trên.
4. Quy trình và hồ sơ sáp nhập thôn, tổ dân phố
4.1. Về chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố:
Ngày 10/7/2018 Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành
Thông báo số 2269-TB/TU về chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố giai đoạn
2018-2020, giao cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố giai
đoạn 2018-2020.
4.2. Trình UBND tỉnh quyết định
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng
dẫn cấp xã xây dựng đề án sáp nhập và lập hồ sơ phân loại thôn, tổ dân phố, đồng
thời thực hiện các nội dung, quy trình, trình tự sáp nhập và phân loại thôn, tổ
dân phố theo quy định (hoàn thiện đề án, tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổ chức họp
HĐND cấp xã);
- Hồ sơ sáp nhập thôn, tổ dân phố gồm: Tờ trình của
UBND cấp huyện kèm theo biểu tổng hợp và hồ sơ của cấp xã (Tờ trình, đề án sáp
nhập, biên bản lấy ý kiến cử tri, Nghị quyết của HĐND, sơ đồ thể hiện vị trí địa
lý trước và sau khi sáp nhập) và phân loại thôn, tổ dân phố;
- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ thẩm định
và trình UBND tỉnh xem xét quyết định;
- Căn cứ nội dung Tờ trình của Sở Nội vụ, UBND tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh (Thường trực HĐND thỏa thuận) trước khi quyết định
sáp nhập.
5. Kiện toàn các tổ chức và bố trí những người
hoạt động không chuyên trách ở những thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập.
- Việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính
trị ở khu dân cư và việc bầu cử, miễn nhiệm, bổ nhiệm các chức danh những người
hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được thực hiện ngay sau khi Quyết
định sáp nhập thôn, tổ dân phố có hiệu lực. Quy trình thực hiện theo quy định của
Điều lệ từng tổ chức và các văn bản pháp luật hiện hành của Trung ương, của tỉnh;
- Nhân sự do cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cấp
xã lựa chọn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và theo tiêu chuẩn quy định. Ưu tiên
những người đang tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố trước khi sáp nhập.
6. Chế độ, chính sách đối với những người hoạt động
không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
phục vụ hoạt động tại khu dân cư
a) Chế độ, chính sách đối với những người hoạt động
không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: Thực hiện theo quy định hiện hành của
Trung ương và của tỉnh.
b) Cơ sở hạ tầng, vật chất và kinh phí hoạt động
của thôn, tổ dân phố:
- Thống nhất quy hoạch và sử dụng có hiệu quả các
nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập;
Ưu tiên bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ
dân phố phù hợp với tiêu chí về quy mô số hộ đạt chuẩn theo Thông tư số
09/2017/TT-BNV;
- Đảm bảo chuyển giao cơ sở vật chất và hoạt động của
thôn, tổ dân phố mới;
- Ưu tiên nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực huy động
xã hội hóa) trong việc đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa và cơ sở hạ tầng,
vật chất phục vụ hoạt động của cộng đồng dân cư tại các thôn, tổ dân phố sáp nhập.
III. KINH PHÍ
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch
sáp nhập thôn, tổ dân phố của cơ quan cấp huyện, cấp xã do ngân sách cấp huyện,
cấp xã đảm bảo;
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch
sáp nhập thôn, tổ dân phố của cơ quan giúp việc UBND tỉnh (Sở Nội vụ) do ngân
sách tỉnh đảm bảo.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ
- Chủ trì triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các huyện,
thành phố tổ chức thực hiện nội dung Kế hoạch, định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện
về UBND tỉnh;
- Thẩm định Đề án và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND
tỉnh cho ý kiến trước khi quyết định sáp nhập thôn, tổ dân phố của các huyện,
thành phố;
- Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên
quan tham mưu UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh quy định việc khoản chi phụ cấp
cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đảm bảo quy định
của pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối và bố trí nguồn
kinh phí thực hiện nội dung Kế hoạch;
- Hướng dẫn Sở Nội vụ và các huyện, thành phố lập dự
toán, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán kinh phí đảm bảo theo quy định của
pháp luật.
3. Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể
chính trị xã hội tỉnh và các sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan
- Chỉ đạo ngành dọc cấp dưới nhận thức đây là chủ
trương, quan điểm đúng đắn của Trung ương, của Tỉnh, từ đó có trách nhiệm tuyên
truyền, vận động nhân dân đồng thuận, tích cực xây dựng tổ chức và hoạt động của
thôn, tổ dân phố ngày càng chất lượng, hiệu quả, đặc biệt trong việc thực hiện
việc sáp nhập thôn, TDP;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm
quyền để hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiện toàn các tổ chức và lựa
chọn nhân sự để bầu cử, miễn nhiệm, bổ nhiệm các chức danh hoạt động không
chuyên trách và những chi hội ngành dọc (nếu có) ở thôn, tổ dân phố sau khi sáp
nhập;
- Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tham mưu cho tỉnh
quyết định các chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên
trách và kinh phí hoạt động của các tổ chức ở thôn, tổ dân phố.
4. UBND huyện, thành phố
- Chỉ đạo tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân trên
địa bàn nhận thức đây là chủ trương, quan điểm đúng đắn của Trung ương, của Tỉnh,
từ đó có sự đồng thuận, tích cực xây dựng tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân
phố ngày càng chất lượng, hiệu quả, đặc biệt trong việc thực hiện việc sáp nhập
thôn, tổ dân phố;
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn rà
soát, đánh giá thực trạng các điều kiện của thôn, tổ dân phố, từ đó xây dựng đề
án sáp nhập thôn, tổ dân phố đảm bảo quy trình, nội dung theo kế hoạch;
- Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tham mưu, đề xuất
UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành các chế độ, chính sách đối với những người
hoạt động không chuyên trách và kinh phí hoạt động của các tổ chức ở thôn, tổ
dân phố;
- Bố trí kinh phí hỗ trợ việc lập phương án, đề án
sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Đề xuất việc đầu tư, quản lý, sử dụng
cơ sở, vật chất... phục vụ hoạt động của tổ chức thôn, tổ dân phố đảm bảo hiệu
quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
5. Cấp ủy, chính quyền cấp xã
- Tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn
nhận thức đây là chủ trương, quan điểm đúng đắn của Trung ương, của Tỉnh, để
cùng thống nhất, đồng thuận, tích cực xây dựng tổ chức và hoạt động của thôn, tổ
dân phố ngày càng chất lượng, hiệu quả, đặc biệt trong việc thực hiện việc sáp
nhập thôn, tổ dân phố;
- Trực tiếp thực hiện việc rà soát, đánh giá thực
trạng các điều kiện ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn, đảm bảo chính xác, trung
thực, từ đó xác định những thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ quá thấp so với quy
định nhóm 3 (dưới 50% số hộ gia đình theo quy định), nhóm 2 (Từ 50% số hộ gia
đình theo quy định đến dưới 100% số hộ gia đình theo quy định) để xây dựng đề
án trình cấp có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập thôn, tổ dân phố và thực hiện
các công việc liên quan sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố, đảm bảo đúng nội
dung, trình tự, đúng đối tượng, yêu cầu và đúng quy định của pháp luật;
- Thực hiện việc phân loại thôn, tổ dân phố và thực
hiện các chế độ, chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân
phố trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố giai
đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số
158/KH-UBND ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Lào Cai về việc rà soát, đánh giá, xây
dựng phương án sáp nhập và thực hiện chính sách đối với thôn, tổ dân phố trên địa
bàn tỉnh Lào Cai. Yêu cầu các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan
tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- UB MTTQ và các đoàn thể CTXH tỉnh;
- Ban Tổ chức tỉnh ủy;
- Sở Nội vụ (03 bản);
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy các huyện, TP;
- UBND huyện, Thành phố;
- Lãnh đạo VP;
- Cổng TTĐT;
- Lưu VP, NC2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đặng Xuân Phong
|
- Huyện Bắc Hà tỷ lệ sáp nhập thôn, TDP theo kế hoạch
này chưa đạt 50%, yêu cầu huyện chỉ đạo tăng tỷ lệ sáp nhập cho đảm bảo mặt bằng
chung của các huyện, thành phố./.