Kính
gửi:
|
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Hậu Giang.
|
Thực hiện công văn số 1085/TTKQH-GS
ngày 30/5/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội, về việc chuyển chất
vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu
Giang gửi đến trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại Phiếu chất vấn số
28/PCVK3-GS, nội dung chất vấn như sau:
“Thực trạng hiện nay, qua theo dõi
mạng xã hội trong thời gian gần đây nhiều người trở nên ngán ngẩm trước sự xuất hiện tràn lan của hàng loạt clip quảng cáo vô số các sản
phẩm thực phẩm “thần y”, “thần dược” có khả năng trị bách bệnh, hoặc các sản phẩm
tiêu dùng thiếu, kém chất lượng, trang mạng lừa đảo...
Mặc dù gần đây Chính phủ đã có Nghị định 70/2021/NĐ-CP đã trực tiếp điều chỉnh một số hoạt động quảng
cáo. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy vẫn chưa phát huy hiệu quả cao, chưa ngăn
chặn được những quảng cáo sai sự thật.
Trước thực trạng trên, kiến nghị;
Đề nghị Bộ trưởng trả lời cử tri:
1. Trách nhiệm của Bộ trong việc
quản lý quảng cáo thiếu tính trung thực, ảnh hưởng
đến sức khỏe lòng tin của cử tri?
2. Giải pháp chấn chỉnh việc quảng
cáo, đăng tin không đúng sự thật, quá sự thật để thu lợi bất chính như thế nào?
3. Khi nào (năm nào?) mới chấn chỉnh
được thực trạng trên”.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và
Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
1. Trách nhiệm của
Bộ TTTT trong việc quản lý quảng cáo thiếu tính trung thực, ảnh hưởng đến sức
khỏe lòng tin của cử tri.
Hiện nay, việc quản lý quảng cáo trên
mạng có liên quan đến nhiều bộ, ngành như:
- Bộ TTTT thực hiện các nhiệm vụ về
quản lý quảng cáo trên mạng nói chung; tổ chức rà soát, phát hiện, ngăn chặn và
xử lý các quảng cáo vi phạm trên mạng.
- Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Công Thương quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc phạm vi quản lý; tổ chức rà soát, phát
hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm trên mạng thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Ví dụ,
xác định vi phạm quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh... thuộc
chuyên ngành của Bộ Y tế, Bộ TTTT phối hợp với Bộ Y tế để
xử lý, ngăn chặn quảng cáo vi phạm.
Trong thời gian qua, với trách nhiệm
quản lý quảng cáo trên mạng nói chung, Bộ TTTT đã chủ động triển khai các biện pháp
sau:
- Rà quét, phát hiện và xử lý các quảng
cáo vi phạm pháp luật về quảng cáo nói chung như: quảng cáo cho game cờ bạc,
buôn bán vũ khí, chất liệu gây nổ, tiền giả, hàng nhái, hàng giả, buôn bán động
vật hoang dã…, đặc biệt tập trung trên 2 nền tảng mạng xã
hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook và Google.
+ Đối với trường hợp xác định được
nhân thân đối tượng vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;
+ Đối với trường hợp không xác định
được nhân thân: Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng
cáo vi phạm; thực hiện chặn tên miền/website quảng cáo vi
phạm không hợp tác hoặc không xác định được nguồn.
+ Kết quả chặn gỡ
của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới (từ năm 2018 đến nay): Facebook đã gỡ
bỏ 484 fanpages, 72 tài khoản, 2.444 link quảng cáo có hoạt động vi phạm;
Google đã ngăn chặn 632 video quảng cáo vi phạm.
- Yêu cầu nhà phát hành quảng cáo
trong nước (báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp) và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động
quảng cáo xuyên biên giới; Triển khai các biện pháp để kiểm duyệt chặt chẽ nội
dung quảng cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm; không
hợp tác quảng cáo với các website/nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật đã được
công bố trên Cổng thông tin của Bộ TTTT. (Hiện nay Bộ đã công bố 25 website vi
phạm pháp luật không được gắn quảng cáo).
- Tiến hành thanh, kiểm tra việc tuân
thủ pháp luật trong hoạt động quảng cáo của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong 6
tháng đầu năm 2022, Bộ đã kiểm tra đột xuất 02 doanh nghiệp; tổ chức làm việc với
10 doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật;
thực hiện xử phạt hành chính 03 doanh nghiệp quảng cáo với tổng số tiền 45 triệu đồng; nhắc nhở 06 doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp bộ,
ban, ngành, nhất là với Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh các
nội dung quảng cáo vi phạm, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm “thần y”, “thần
dược” có khả năng trị bách bệnh... Tuy nhiên việc xử lý các sai phạm còn chậm
do các cơ quan chức năng của bộ, ban, ngành còn chưa chủ động rà quét, thẩm định
nội dung để xử lý và chuyển Bộ TTTT xử lý trên môi trường mạng.
2. Các giải pháp
chấn chỉnh việc quảng cáo, đăng tin không đúng sự thật, quá sự thật để thu lợi
bất chính.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ
TTTT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
- Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định
70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP về
quản lý quảng cáo xuyên biên giới như: Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho
các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo; tăng cường thanh, kiểm tra nhằm
phát hiện, xử lý vi phạm.
- Tiếp tục yêu cầu các nền tảng xuyên
biên giới rà quét, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Hiện nay, trên mạng xã hội Youtube
đang có tình trạng các quảng cáo có nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ nhưng sau đó
xuất hiện lại, nguyên nhân là do thuật toán của Youtube chưa lọc được các nội
dung vi phạm để không cho phép đăng tải nên việc gỡ bỏ các nội dung này còn khó
khăn. Bộ TTTT đang tích cực đấu tranh với Youtube để hạn
chế tình trạng này.
- Yêu cầu nền tảng quảng cáo xuyên
biên giới cung cấp giải pháp kỹ thuật để nhà phát hành quảng
cáo trong nước chủ động gỡ bỏ thông tin vi phạm.
- Xây dựng Quy chế phối hợp với các Bộ
quản lý chuyên ngành để phối hợp rà quét, phát hiện và xử
lý quảng cáo vi phạm thuộc lĩnh vực chuyên ngành;
- Chỉ đạo Sở TTTT địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để rà quét,
truy vết, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm;
- Đẩy mạnh tuyên truyền về các dấu hiệu
nhận biết để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các quảng
cáo liên quan thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hoạt động khám chữa bệnh.
3. Về thời điểm
chấn chỉnh được thực trạng trên.
Các giải pháp quản lý tổng thể khi được triển khai đồng bộ sẽ hạn chế đáng kể các vi phạm về quảng cáo nêu trên. Bộ TTTT đã xây dựng, trình Chính phủ
ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quảng cáo; Nghị định
15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn
thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử...để
bổ sung kịp thời các quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm
mới. Đồng thời tăng cường rà quét, thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý
nghiêm các vi phạm về quảng cáo; kết hợp với đấu tranh quyết liệt với các nền tảng
quảng cáo xuyên biên giới để tăng hiệu quả ngăn chặn gỡ bỏ các quảng cáo sai phạm.
Tuy nhiên do đây là lĩnh vực luôn đòi
hỏi sự sáng tạo và đổi mới về công nghệ nên các giải pháp xử lý triệt để thường chỉ có tác dụng trong những thời điểm nhất định và sẽ luôn phải
điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển. Trong khi đó thời gian xây dựng,
ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chế tài để xử lý cũng như việc đổi mới
công nghệ rà quét, phát hiện vi phạm về quảng cáo thường mất nhiều thời gian do
phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nên hiệu
quả xử lý sẽ có độ trễ nhất định.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ
TTTT, trân trọng gửi tới đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, Đoàn đại biểu Quốc
hội tỉnh Hậu Giang.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại
biểu./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang;
- Vụ Phục vụ hoạt động giám sát (VPQH);
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Các cục: PTTH&TTĐT, ATTT;
- Cổng TTĐT của Bộ (để đăng tin);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|