THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
31/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ ĐỔI
MỚI VÀ TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN
VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
Ngày 22 tháng 10 năm 2018, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược
phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,
trong đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới tư duy, mô hình tăng trưởng nhằm đưa nước
ta trở thành quốc gia biển mạnh, đưa kinh tế biển, các vùng biển, ven biển trở
thành động lực phát triển đất nước, đồng thời định hướng giải pháp sử dụng bền
vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Đánh giá sơ bộ sau 03 năm thực hiện
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện
nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Nghị
quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã được tổ chức quán triệt,
tuyên truyền sâu rộng. Các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển
khai và bước đầu đạt kết quả tích cực, cụ thể trong phát triển các ngành kinh
tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các
tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng
tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; đã từng bước hình thành các khu kinh tế,
khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa
trên lợi thế về điều kiện tự nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền
vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển
dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp
tác quốc tế về biển và đại dương.
Tuy nhiên, tình hình quốc tế, khu vực
và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều biến động khó lường. Dịch bệnh Covid-19
diễn biến phức tạp, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như hoạt động của các
ngành kinh tế biển, các địa phương có biển. Đây là nguyên nhân khách quan ảnh
hưởng đến việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Bên cạnh đó, tồn tại
một số nguyên nhân chủ quan khiến quá trình triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW
còn chậm như hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững
kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ; cơ chế điều phối liên ngành về phát
triển bền vững kinh tế biển chưa được hoàn thiện, vận hành và phát huy hiệu
quả; nguồn lực (con người, tài chính và khoa học - công nghệ) để hiện thực hóa
các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW còn
hạn chế; chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê các ngành kinh tế biển làm cơ sở
cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành.
Bối cảnh nêu trên đặt ra yêu cầu cần
phải đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Thủ tướng
Chính phủ chỉ thị:
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
biển cần nỗ lực cao, đổi mới sáng tạo, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt,
hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý dứt điểm, không để kéo dài các nhiệm
vụ được giao. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần lựa chọn, xác định các
dự án ưu tiên để tập trung đầu tư, tạo động lực thực sự cho phát triển bền vững
kinh tế biển. Đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa hợp tác công - tư nhằm huy
động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế biển nói chung và kết cấu hạ
tầng biển và ven biển nói riêng. Rà soát chính sách hiện hành trên cơ sở yêu
cầu thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn
lực cho phát triển bền vững kinh tế biển để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,
thực hiện nhanh việc chuyển đổi số các ngành kinh tế biển. Các địa phương có
biển vừa phát huy tinh thần “tự lực, tự cường” (nội lực), vừa tận dụng “ngoại
lực” cho phát triển; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành,
phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong các ngành/lĩnh vực kinh tế
biển, đặc biệt là 06 ngành kinh tế biển xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW,
đây là những ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn
để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
2. Các cơ quan liên quan tiếp tục
quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường
triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững
kinh tế biển được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đẩy mạnh việc thực hiện các
nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05
tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện
Nghị quyết số 36-NQ/TW (tập trung vào 42 đề án, dự án, nhiệm vụ đến năm 2025);
đồng thời, rà soát các Chương trình, Kế hoạch hành động đã ban hành đảm bảo phù
hợp với tình hình mới và bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng. Một số nhóm nhiệm vụ các ban, bộ, ngành và địa
phương cần tập trung triển khai nhằm cụ thể hóa 03 khâu đột phá xác định trong
Nghị quyết số 36-NQ/TW (thể chế; khoa học - công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ
tầng), tạo chuyển biến, động lực thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển
bền vững kinh tế biển Việt Nam; cụ thể như sau:
a) Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực
hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045
Tăng cường vai trò trong việc chỉ đạo
thống nhất, liên ngành các nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện Nghị quyết
số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP nhằm khắc phục những hạn chế của quản lý
đơn ngành như hiện nay; chỉ đạo ban hành quy định về cơ chế điều phối đa ngành
trong phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ
môi trường biển và hải đảo, trong đó quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của
mỗi ngành; chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá việc thực hiện phát
triển bền vững kinh tế biển làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện 02
Nghị quyết; chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thành lập
và tổ chức hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển
bền vững kinh tế biển tại địa phương.
b) Các bộ, ngành
- Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan
thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc
gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đảm bảo
chất lượng và đúng theo tiến độ đã được phê duyệt.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và
hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo quốc
phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa dữ
liệu và thống nhất quản lý sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi
trường biển và hải đảo quốc gia; tập trung xây dựng, phát triển đội tàu điều
tra, khảo sát, nghiên cứu biển; nghiên cứu việc thể chế hóa công tác điều tra
cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Nghiên cứu xây dựng và đưa vào hoạt
động Quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam với sự tham gia
rộng rãi của các thành phần kinh tế trong nước và các đối tác quốc tế.
Nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ
một số chính sách ưu đãi về phát triển bền vững kinh tế biển.
- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì,
phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên
quan xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc
gia về biển và hải đảo; Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định
hướng công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong bối
cảnh các thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển; Chương trình phát triển
khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học biển đến năm 2025.
- Bộ Giao thông vận tải:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có
liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo
việc tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và
vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không phục vụ
phát triển kinh tế biển; tham mưu đề xuất Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045 về hợp tác công - tư trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế
biển.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên
thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế phục
vụ phát triển bền vững kinh tế biển; trọng tâm là tuyến đường bộ ven biển Việt
Nam theo quy hoạch.
- Bộ Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có
liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch phát triển các đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với
hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh; thực hiện tốt hoạt động đầu tư xây
dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị ven biển, hải đảo.
Xây dựng, tổ chức triển khai thực
hiện tốt Đề án xây dựng, phát triển một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại
theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch
bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt quy
hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết hệ thống các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ
nguồn lợi thủy sản; xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ hoạt
động của Ban quản lý khu bảo tồn biển.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông mở
rộng phủ sóng thông tin di động 4G, 5G vùng ven biển và hải đảo; phối hợp với Bộ
Tài nguyên và Môi trường triển khai chuyển đổi số các hệ thống quản lý tài
nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vùng biển, hải đảo; thúc đẩy phát
triển các doanh nghiệp công nghệ số để xây dựng hệ sinh thái các nền tảng sản
phẩm, giải pháp số phục vụ kinh tế biển; phối hợp với các cơ quan liên quan xây
dựng các hệ thống thông tin cơ sở vùng biển, hải đảo ứng dụng công nghệ thông
tin - viễn thông.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề trình độ cao và đào
tạo chuyển đổi nghề cho nhân dân vùng ven biển phục vụ phát triển bền vững kinh
tế biển Việt Nam.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ
chế, chính sách thu hút nhân tài; từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý,
nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại
dương; hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo
nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài nguyên và Môi trường kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy ở
trung ương và địa phương có biển về quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về
biển và hải đảo theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ; phối hợp với các bộ, ngành để rà
soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác để phù hợp với tình
hình mới theo hướng một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao
cho một cơ quan thực hiện, đồng thời tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tập trung nguồn vốn và nghiên cứu,
tham mưu cấp có thẩm quyền hình thành một dòng vốn riêng hoặc một chương trình
riêng (tương tự Chương trình Biển Đông - Hải đảo) để triển khai các đề án, dự
án, nhiệm vụ quan trọng đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết số
36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP , ưu tiên bố trí kinh phí cho các dự án điều
tra cơ bản biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê
quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh; xây
dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê các ngành kinh tế biển.
Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ ban hành các chính sách ưu đãi về vốn, cơ chế chính sách khuyến khích các
thành phần kinh tế đầu tư vào 06 ngành kinh tế biển nêu trong Nghị quyết số
36-NQ/TW.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan trung ương có liên quan trình
cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên hàng năm để triển khai thực
hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ nhằm thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết
số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP .
- Các bộ quản lý 06 ngành kinh tế
biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và
các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công
nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới khẩn trương
xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo chất lượng và tiến độ để tích hợp
vào Quy hoạch không gian biển quốc gia.
c) Các địa phương có biển
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tại địa phương (nếu chưa có); tăng
cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và
hải đảo cho Sở Tài nguyên và Môi trường; xây dựng và thực hiện tốt các chương
trình/kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển của địa phương.
- Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện
nhiệm vụ lập quy hoạch của địa phương đảm bảo các quy hoạch được tích hợp quy
hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững kinh
tế biển, tăng cường liên kết vùng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tài
nguyên và Môi trường trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia,
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
- Tập trung, ưu tiên và sử dụng hiệu
quả các nguồn lực, trong đó có các nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện
các chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị
quyết số 26/NQ-CP ; trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ
tầng kỹ thuật kết nối, nâng cao hạ tầng xã hội nhằm tạo nền tảng phát triển
kinh tế biển; kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, hàm lượng
công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội
đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí ngân sách địa phương để thực hiện các
nhiệm vụ được giao cho địa phương tại Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số
26/NQ-CP theo phân cấp ngân sách và có các phương án huy động các nguồn lực tài
chính hợp pháp khác để thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển.
3. Tổ chức thực hiện
a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có biển và các tổ chức, cá nhân liên quan có
trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương theo dõi, đôn đốc,
tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này, định kỳ hằng năm
báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành
|