Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 162/QĐ-BTNMT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Lê Minh Ngân
Ngày ban hành: 14/01/2025 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG SRÊPỐK

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 2138/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Trên cơ sở các thông tin, số liệu của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Srêpốk và Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Srêpốk, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu công bố: phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.

Làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nướckhoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

2. Nội dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

3. Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01 đến tháng 7 năm 2025).

(Chi tiết Kịch bản nguồn nước kèm theo Quyết định này)

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức, thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nướckhoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

2. Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

3. Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Srêpốk.

4. Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Srêpốk trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg CP. Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng;
- UBND các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng;
- Các Sở TN&MT, NN&PTNT, XD, CT các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam, NSMO;
- Báo TN&MT, TT Truyền thông TN&MT;
- Lưu: VT, VP, PC, TNN (10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Minh Ngân

 

KỊCH BẢN

NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG SRÊPỐK
(Kèm theo Quyết định số: 162/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Srêpốk được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050[1] và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050[2]; hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và thông tin, số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Srêpốk cung cấp.

Phạm vi xây dựng kịch bản trên toàn bộ lưu vực sông Srêpốk, được phân chia thành 10 (mười) tiểu vùng theo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kịch bản nguồn nước). Kỳ công bố Kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01 đến tháng 7 năm 2025).

Nội dung Kịch bản nguồn nước (lần đầu) thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, gồm những nội dung chính sau:

I. HIỆN TRẠNG NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG SRÊPỐK

1. Hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt

Tổng lượng mưa (TLM) từ tháng 8 đến tháng 12/2024 trên lưu vực sông Srêpốk phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN[3]) cùng kỳ từ 10% đến 30%. Đến tháng 12/2024, TLM trên lưu vực phổ biến cao hơn từ 10% đến 20%, đặc biệt tại Ea H’leo, M’Đrắk và Đắc Mil có TLM cao hơn từ 60% đến 100% so với TBNN cùng thời kỳ.

Tổng lượng dòng chảy trên lưu vực sông Srêpốk trong mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 12/2024, phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình thời kỳ (TBTK[4]) từ 12% đến 67%; riêng dòng chảy trên sông Ea Krông ở mức tương đương và cao hơn TBTK từ 20% đến 34%.

2. Hiện trạng nguồn nước dưới đất

Nước dưới đất trên lưu vực sông Srêpốk gồm 02 tầng chứa nước (TCN) lỗ hổng (qh, qp) có diện phân bố khoảng 1.236 km2 rải rác dọc theo các thung lũng sông thuộc các tiểu lưu vực Ia Đrăng, Ia Lốp, Hạ Ea H’leo, Thượng Ea H’leo, Hạ Srêpốk; 02 TCN trong đá bazan (tầng β(qp), β(n2-qp)) đang được khai thác chính, có diện phân bố khoảng 5.228 km2 trên các cao nguyên, thuộc các tiểu lưu vực Thượng Ea H’leo, Thượng Srêpốk, Thượng Ea Krông và Hạ Ea Krông Ana; 04 tầng chứa nước khe nứt nghèo nước trong các trầm tích lục nguyên hoặc đá biến chất với diện phân bố khoảng 6.700 km2 thuộc các tiểu lưu vực sông Hạ Srêpốk, Thượng Ea H’leo, Hạ Ea H’leo, Thượng Ea Krông, Hạ Ea Krông Ana và Thượng Ea Krông Nô.

Tổng trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác trên toàn lưu vực khoảng 2,1 tỷ m3/năm. Hiện nay, có khoảng 1.005 công trình, đang khai thác khoảng 729,51 triệu m³/năm (khoảng 34,9%) tập trung phần lớn trong tầng chứa nước trong đá bazan β(n2-qp) và chủ yếu để cấp nước cho sinh hoạt và tưới cho cây công nghiệp.

Mực nước dưới đất trong các TCN có biên độ dao động lớn theo mùa. Theo số liệu mực nước tại các công trình quan trắc trong các TCN chính trên lưu vực sông Srêpốk, mực nước trung bình tại các TCN chính trong tháng 10/2024 có diễn biến dâng nhẹ tại tầng β(qp), β(n2-qp) và hạ tại tầng chứa nước q, n; thống kê diễn biến mực nước tại các tầng chứa nước chính thời kỳ từ năm 2020 đến tháng 10/2024 như sau: mực nước tầng chứa nước q có xu hướng hạ khoảng 0,12 m/năm; mực nước tầng chứa nước β(qp) và tầng chứa nước β(n2-qp) có xu hướng dâng nhẹ khoảng 0,01- 0,08 m/năm.

Mực nước sâu nhất tại các giếng quan trắc TCN β(n2-qp) đo được thời điểm tháng 10/2024 tại Đắk Lắk khoảng 20,78m; Gia Lai khoảng 18,54m; Đắk Nông khoảng 15,43m đảm bảo nhỏ hơn so với ngưỡng giới hạn mực nước khai thác theo quy định (50m). Mực nước sâu nhất ghi nhận tại tầng β(qp) ở xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk 20,78 m.

3. Hiện trạng tích nước của các hồ chứa

3.1. Đối với các hồ chứa thủy điện

Trên lưu vực sông Srêpốk có khoảng 48 hồ chứa thủy điện với tổng công suất lắp máy 1.103 MW. Trong đó, có 04 hồ thủy điện lớn (Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpốk 3 và Srêpốk 4) có vai trò điều tiết chính cho vùng hạ du sông Srêpốk. Tính đến ngày 01/01/2025, lượng nước tích trữ tại 04 hồ nêu trên vào khoảng 1,06 tỷ m3 đạt khoảng 97% dung tích thiết kế, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 khoảng 1,1% và cao hơn 2,4% TBTK

Bảng 1. Lượng nước tích trữ tại các hồ chứa thủy điện lớn vào đầu mùa cạn (ngày 01/01/2025)

STT

Tên hồ chứa

MNDBT (m)

Mực nước hồ (m)

Dung tích hồ (triệu m3)

Dung tích toàn bộ

Dung tích ngày 01/01/2025

TBTK

1

Buôn Tua Srah

487,5

487,4

786,9

784,3

756,7

2

Buôn Kuốp

412

411,8

63,2

62,2

55,6

3

Srêpôk 3

272

270,3

219,0

190,9

199,5

4

Srêpôk 4

207

206,5

25,9

24,2

25,1

 

Tổng

 

 

1095.1

1061.6

1036.9

3.2 Đối với các hồ chứa thủy lợi

Trên lưu vực sông Srêpốk có khoảng 786 hồ chứa thủy lợi với dung tích toàn bộ[5] khoảng 1,05 tỷ m3. Trong đó, có 25 hồ có dung tích từ 5 triệu m3 trở lên, 68 hồ có dung tích từ 01 triệu m3 trở lên đến dưới 5 triệu m3, và còn lại khoảng 718 hồ chứa có quy mô dưới 01 triệu m3. Các hồ thủy lợi tập trung nhiều tại: tiểu vùng Thượng Ea Krông Ana có 267 hồ với tổng dung tích thiết kế khoảng 286 triệu m3, trong đó có các hồ chứa lớn như Krông Búk Hạ, Ea Rớt, Vụ Bổn; tiểu vùng Thượng Srêpốk có 164 hồ, tổng dung tích thiết kế khoảng 142,6 triệu m3, trong đó có các hồ chứa lớn như Ea Kao, Đắk Sắk, Đắk Dier.

Tại thời điểm ngày 01/01/2025, về cơ bản các hồ thủy lợi lớn trên lưu vực đã tích được từ 78% đến 100% so với dung tích thiết kế. Riêng hồ Ia Ring và hồ Plei Pai thuộc tiểu vùng Ia Lốp đã tích được từ 57% đến 60% so với dung tích thiết kế.

II. DỰ BÁO XU THẾ DIỄN BIẾN MƯA, DÒNG CHẢY, LƯỢNG NƯỚC TÍCH TRỮ TRONG CÁC HỒ CHỨA NƯỚC LỚN, QUAN TRỌNG; MỰC NƯỚC TRONG CÁC TẦNG CHỨA NƯỚC TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC

1. Hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương. Dự báo trong 06 tháng đầu năm 2025, ENSO có khả năng tiếp tục ở trạng thái trung tính. Nắng nóng trên khu vực có khả năng xuất hiện cục bộ từ khoảng cuối tháng 02 và tháng 3/2025, sau đó có khả năng gia tăng về cường độ và tần suất trong tháng 4, 5/2025. Cường độ nắng nóng và số ngày nắng nóng trên khu vực ở mức

2. Tổng lượng mưa trên lưu vực sông Srêpốk từ tháng 01 đến tháng 7/2025 phổ biến cao hơn TBNN, cụ thể: TLM từ tháng 01 đến tháng 3 có xu thế cao hơn TBNN; từ tháng 4 đến tháng 6, TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN nhưng có nơi TLM thấp hơn từ 5% đến 15% so với TBNN, riêng tháng 7, TLM có xu thế thấp hơn TBNN.

3. Nhận định dòng chảy các tháng mùa cạn

Tổng lượng dòng chảy trong mùa cạn từ tháng 01/2025 đến tháng 7/2025 có khả năng như sau: trên sông Krông Búk và trên sông Ea Krông phổ biến cao hơn TBTK từ 20% đến 90%, các sông khác phổ biến thấp hơn TBTK từ 10% đến 55%; lưu lượng dòng chảy về hồ Buôn Tua Srah cao hơn TBTK khoảng 13%, lưu lượng dòng chảy về hồ Krông Búk Hạ cao hơn TBTK khoảng 60%.

4. Mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất

Kết quả quan trắc mực nước tại 48 công trình quan trắc thuộc mạng quan trắc nước dưới đất quốc gia trên lưu vực sông Srêpốk cho thấy:

Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng phân bố dọc các thung lũng sông, thì biên độ dao động mực nước tương đối nhỏ, biến đổi trong khoảng từ 0,5 - 2,13m; đối với tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng trong đá bazan tại các tiểu vùng Thượng Srêpốk và Thượng Ea Krông Ana, mực nước tương đối ổn định, mực nước từ 5,24 - 34,72m (không vượt quá 50m đối với tầng chứa nước trong đá bazan, khe nứt theo quy định) và có xu hướng dâng nhẹ khoảng 0,01 - 0,35m/năm và đều nhỏ hơn giới hạn mực nước khai thác.

Hình 1. Diễn biến mực nước tầng chứa nước trong đá bazan giai đoạn 2020 - 2024 và dự báo đến tháng 6/2025.

Với hiện trạng và xu thế diễn biến mực nước trong các tầng chứa nước như đã nêu ở trên thì hoàn toàn đáp ứng việc tiếp tục duy trì lưu lượng khai thác hiện tại và có thể gia tăng công suất khai thác trong trường hợp cần thiết.

III. NHU CẦU KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC CỦA CÁC NGÀNH TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN

Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Srêpốk khoảng 1,65 tỷ m3, trong đó: tiểu vùng Thượng Ea Krông Nô khoảng 108 triệu m3, tiểu vùng Hạ Ea Krông Nô khoảng 43 triệu m3, tiểu vùng Thượng Ea Krông Ana khoảng 528 triệu m3, tiểu vùng Hạ Ea Krông Ana khoảng 111 triệu m3, tiểu vùng Thượng Srêpốk khoảng 276 triệu m3, tiểu vùng Hạ Srêpốk khoảng 75 triệu m3, tiểu vùng Thượng Ea H’leo khoảng 290 triệu m3, tiểu vùng Hạ Ea H’leo khoảng 20 triệu m3, tiểu vùng Ia Lốp khoảng 130 triệu m3 và tiểu vùng Ia Đrăng khoảng 66 triệu m3. Nhu cầu về nguồn nước của một số ngành sử dụng nước chính trên lưu vực như sau:

1. Nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp

Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp trên lưu vực trong mùa cạn 2025 khoảng 50,5 triệu m3. Tổng công trình cấp nước tập trung trên toàn lưu vực là 198 công trình với lượng nước khai thác khoảng 170.459 m3/ngày đêm. Trong đó, lượng khai thác từ nước mặt chiếm 15% và từ nước dưới đất chiếm 85%, cụ thể như sau:

- 52 công trình cấp nước tập trung khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với tổng lưu lượng khoảng 25.949 m3/ngày đêm (khoảng 5,5 triệu m3 trong mùa cạn).

- 146 công trình cấp nước tập trung khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất với tổng sản lượng khoảng 144.510 m3/ngày đêm (khoảng 30,3 triệu m3 trong mùa cạn), khai thác nhiều nhất trong tầng chứa nước qp. Riêng tỉnh Lâm Đồng không sử dụng nguồn nước dưới đất để cấp nước tập trung trên lưu vực sông Srêpốk.

2. Nhu cầu nước cho nông nghiệp

Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho nông nghiệp trên lưu vực sông Srêpốk khoảng 1,48 tỷ m3 và chủ yếu tưới cho các loại cây chủ lực như: lúa, cà phê, hồ tiêu, cao su.... Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp được đáp ứng bởi các hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện trong vùng, phần diện tích còn lại chủ yếu khai thác từ nguồn nước mưa và nguồn nước dưới đất.

3. Nhu cầu nước cho thủy điện

Sản lượng điện dự kiến trong mùa cạn năm 2025 của 10 nhà máy thủy điện[6] thuộc Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk đạt 1.306 triệu kWh, cao hơn khoảng 02% so với sản lượng điện cùng kỳ năm 2024 và thấp hơn khoảng 10% so với sản lượng điện TBTK. Theo đó, nhu cầu nước phát điện của 10 hồ chứa vào khoảng 6,9 tỷ m3, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm 2024 và giảm khoảng 9,2% so với TBTK.

Riêng hồ Buôn Tua Srah, trong mùa cạn năm 2025 có sản lượng điện dự kiến là 154,8 triệu kWh với nhu cầu nước khoảng 1,3 tỷ m3, tăng khoảng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm khoảng 3,7 % so với TBTK.

IV. TRẠNG THÁI CỦA NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG SRÊPỐK

Trên cơ sở thông tin, số liệu về hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của các hồ chứa quan trọng, nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong các tầng chứa nước dưới đất, dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông, có thể nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Srêpốk trong mùa cạn năm 2025 ở “Trạng thái bình thường”. Để đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp, các nhu cầu sử dụng nước khác và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng nhằm giảm thiểu rủi ro khả năng thiếu nước do việc khai thác, sử dụng nước không hiệu quả, lãng phí, việc đánh giá theo các vùng, các nguồn nước cụ thể như sau:

- Mức độ đáp ứng của 04 hồ chứa lớn trên lưu vực (Buôn Tua Srah, Krông Búk Hạ, Srêpốk 3 và Srêpốk 4) cho các nhu cầu khai thác, sử dụng nước (sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện…).

- Mức độ đáp ứng của nguồn nước trên 10 tiểu vùng (nằm ngoài phạm vi điều tiết của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn), bao gồm: Ia Đrăng, Ia Lốp, Thượng Ea H'leo, Hạ Ea H'Leo, Thượng Srêpốk, Hạ Srêpốk, Thượng Ea Krông Ana, Hạ Ea Krông Ana, Thượng Ea Krông Nô, Hạ Ea Krông Nô cho các nhu cầu khai thác, sử dụng nước.

1. Đối với 04 hồ chứa lớn

Hiện nay, các hồ Buôn Tua Srah, Krông Búk Hạ, Srêpốk 3 và Srêpốk 4 đang vận hành trong thời kỳ mùa cạn, các hồ tích được từ 87% đến 99% so với dung tích toàn bộ, mực nước đầu mùa cạn của 02 hồ Buôn Tua Srah, Krông Búk Hạ đều cao hơn mực nước quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk. Mức độ đáp ứng của các hồ chứa được đánh giá trong mùa cạn 2025 theo các trường hợp khai thác, sử dụng nước như sau:

- Trường hợp 1: Nhu cầu nước phục vụ phát điện của hồ Buôn Tua Srah với công suất dự kiến cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 3,7%, nhu cầu tưới hồ Krông Búk Hạ tương đương năm 2024.

Hình 2. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 02 hồ chứa lớn trên lưu vực sông Srêpốk (trường hợp 1)

- Trường hợp 2: Nhu cầu nước phục vụ phát điện của hồ Buôn Tua Srah với sản lượng tăng cao hơn 10% so với TBTK, nhu cầu tưới tương đương năm 2024.

Hình 3. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 02 hồ chứa lớn trên lưu vực sông Srêpốk (trường hợp 2)

Đồng thời, tại các hồ Srêpốk 3 và Srêpốk 4 đã tích được từ 87% đến 93% so với dung tích toàn bộ. Sản lượng điện dự kiến của nhà máy Srêpốk 3 và Srêpốk 4 trong mùa cạn 2025 cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 lần lượt khoảng 13,1% và 9%, nhu cầu nước cho phát điện cũng tăng 12,7% đối với hồ Srêpốk 3 và tăng khoảng 7,6% đối với hồ Srêpốk 4. Dự báo dòng chảy đến các hồ nêu trên trong các tháng mùa cạn năm 2025 có khả năng cao hơn khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, về tổng thể thì nguồn nước của 04 hồ chứa lớn Buôn Tua Srah, Krông Búk Hạ, Srêpốk 3 và Srêpốk 4 trong mùa cạn năm 2025 cơ bản đáp ứng được các nhu cầu cấp nước cho phát điện, sản xuất nông nghiệp tại địa phương và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk.

2. Đối với các tiểu vùng trên lưu vực sông

Trên cơ sở hiện trạng nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, hiện trạng cấp nước của hệ thống công trình thủy lợi, nhu cầu khai thác, sử dụng, dự báo diễn biến thời tiết, khí hậu trên lưu vực, nguồn nước trên 10 tiểu vùng thuộc lưu vực sông Srêpốk trong mùa cạn năm 2025 cơ bản ở trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình, hệ thống sông, suối nhỏ hẹp, độ dốc lớn nên khả năng giữ nước rất hạn chế và mùa khô kéo dài, lượng mưa ít, độ ẩm giảm mạnh, lượng bốc hơi lớn là các yếu tố bất lợi dẫn đến nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước mang tính cục bộ có thể xảy ra ở một số khu vực, đặc biệt là các khu vực có hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ, hồ chứa có dung tích nhỏ và các khu vực ngoài phạm vi cấp nước của hồ chứa phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước mưa, cụ thể như sau:

2.1. Tiểu vùng Ia Đrăng và tiểu vùng Ia Lốp

Các tiểu vùng Ia Đrăng và Ia Lốp có các sông, suối chính gồm: Ia Đrăng, Ia Mul, Ia Púch, Ia Kreng, Ia P'Nôn, Ia Lốp, Ia Drô, Ia Kô, Ia Glé, Ia Lô, Ia Muer. Hiện nay, trên các tiểu vùng có khoảng 15 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích toàn bộ 216,9 triệu m3. Đầu tháng 01/2025, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đã tích được xấp xỉ dung tích thiết kế. Trong đó, hồ Hoàng Ân tích được khoảng 6,8 triệu m3 (đạt 100% dung tích thiết kế), hồ Plei Thơ Ga tích được khoảng 10,5 triệu m3 (đạt 100% dung tích thiết kế), hồ Plei Pai tích được khoảng 12,7 triệu m3 (đạt 60% dung tích thiết kế và đã cấp nước tưới từ đầu tháng 12). Như vậy, về cơ bản đảm bảo được nhu cầu nước tại các khu vực nằm trong phạm vi điều tiết nước của các hồ chứa, hệ thống công trình thuỷ lợi.

Hiện nay, trên các tiểu vùng có hồ thủy lợi Ia Mơr (chưa có khu tưới), hồ Ia Ring gặp sự cố thấm thân đập từ tháng 11/2024, hiện giờ chưa khắc phục được dẫn đến phải xả nước liên tục qua tràn để hạ mực nước xuống dưới vị trí thân đập bị hư hỏng, do đó, còn gặp khó khăn trong việc tích nước, cấp nước dẫn tới nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các xã: Ia Tiêm, xã Dun, xã Kông Htốk huyện Chư Sê. Đồng thời, các khu vực nằm ngoài vùng tưới của các huyện Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pưh, Chư Sê, tỉnh Gia Lai cũng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước.

2.2. Tiểu vùng Thượng Ea Hleo và Hạ Ea Hleo

Các tiểu vùng Thượng Ea Hleo và hạ Ea Hleo có sông chính Ea Hleo và các phụ lưu chính gồm: Ea Môr, Ea Hôt, Ea H’Môt, Ea Khal, Ea Súp, Ea Te Môt và Đắk Ruê. Hiện nay, trên các tiểu vùng có khoảng 97 hồ thủy lợi với tổng dung tích toàn bộ khoảng 223,3 triệu m3. Tính đến đầu tháng 01/2025, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đã tích được xấp xỉ dung tích thiết kế như: hồ Ea Súp Thượng tích được khoảng 133,9 triệu m3 (91% dung tích toàn bộ), hồ Ea Súp Hạ tích được khoảng 09 triệu m3 (97% dung tích toàn bộ), vì vậy về cơ bản đảm bảo được nhu cầu nước tại các khu vực nằm trong phạm vi điều tiết nước của các hồ chứa, hệ thống công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các khu vực nằm ngoài vùng tưới tại các huyện Ea H'leo, Cư M'Gar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Buk, Krông Năng thuộc tỉnh Đắk Lắk.

2.3. Tiểu vùng Thượng Krông Ana và Hạ Krông Ana

Các tiểu vùng Thượng Krông Ana và Hạ Krông Ana là khu vực có dòng chính sông Krông Ana, được hợp lưu từ 3 hệ thống sông chính gồm: sông Krông Bông, sông Krông Pắk và sông Krông Buk. Hiện nay, trên các tiểu vùng có khoảng 365 hồ thủy lợi với tổng dung tích toàn bộ khoảng 140 triệu m3. Đây là tiểu vùng có hệ thống hồ chứa thủy lợi nhiều nhất trên lưu vực sông Srêpốk.

Tính đến đầu tháng 01/2025, các hồ chứa thủy lợi đã tích được xấp xỉ dung tích thiết kế, như hồ Ea Kuang tích được khoảng 5,5 triệu m3, hồ Vụ Bổn tích được khoảng 3,5 triệu m3, hồ Yang Reh tích được khoảng 4,5 triệu m3, hồ Buôn Triết tích được xấp xỉ 22 triệu m3, về cơ bản đảm bảo được nhu cầu nước tại các khu vực nằm trong phạm vi điều tiết nước của các hồ chứa, hệ thống công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các khu vực nằm ngoài vùng tưới tại các huyện, thị xã: Buôn Hồ, Krông Ana, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Bông, Krông Năng, Cư M'gar, M'Đrắk.

2.4. Tiểu vùng Thượng Krông Nô và Hạ Krông Nô

Các tiểu vùng Thượng Krông Nô và Hạ Krông Nô có các sông, suối chính gồm: Krông Nô, Da R' Mang, Đắk Me, Đắk Rpeul, Ea Pri Ne, Đắk Rí, Chur Tát, Đắk En, Đắk Huer, Đắk Kegui, Đắk Tar, Đắk KCal, Đắk Đro, sông Đa Sê. Hiện nay, trên tiểu vùng có khoảng 110 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 74,1 triệu m3. Trong đó, các hồ đã tích được từ 91% đến 99% so với dung tích thiết kế, vì vậy, đảm bảo được nhu cầu nước tại các khu vực nằm trong phạm vi điều tiết nước của các hồ chứa, hệ thống công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các khu vực nằm ngoài vùng tưới tại các huyện Krông Bông, Krông Ana tỉnh Đắk Lắk, các huyện Đắk Song, Krông Nô, Đắk Glong thuộc tỉnh Đắk Nông và tại các khu vực có nhiều công trình khai thác tài nguyên nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

2.5. Tiểu vùng Thượng Srêpốk và Hạ Srêpốk

Tiểu vùng Thượng Srêpốk và Hạ Srêpốk là khu vực có dòng chính sông Srêpốk, hợp lưu của sông Ea Krông Ana và sông Ea Krông Nô. Khu vực có mật độ các hồ chứa thủy lợi tương đối dày trên lưu vực với khoảng 199 hồ chứa thủy lợi có tổng dung tích khoảng 173,9 triệu m3. Tính đến đầu tháng 01/2025, các hồ chứa thủy lợi đã tích được xấp xỉ dung tích thiết kế như tại hồ Ea Kao tích được khoảng 17,4 triệu m3 (98% dung tích toàn bộ), hồ Buôn Joong tích được khoảng 17,3 triệu m3 (100% dung tích toàn bộ), hồ Đắk Sắk tích được khoảng 6,5 triệu m3 (100% dung tích toàn bộ), hồ Đắk Diêr tích được khoảng 5,2 triệu m3 (khoảng 95% dung tích toàn bộ), vì vậy, về cơ bản đảm bảo được nhu cầu nước tại các khu vực nằm trong phạm vi điều tiết nước của các hồ chứa, hệ thống công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các khu vực nằm ngoài vùng tưới tại các huyện Krông Ana, Cư M'gar, Buôn Đôn, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ thuộc tỉnh Đắk Lắk và các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Cư Jút, Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Nông.

V. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Srêpốk, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và các yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các tiểu vùng, tiểu lưu vực sông cơ bản ở Trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác bảo đảm đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố kịch bản vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Một số khu vực thuộc các huyện: Đắk Mil, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Glong, Cư Jút, Đắk Song của tỉnh Đắk Nông; các huyện Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông của tỉnh Gia Lai và các huyện, thị xã Buôn Hồ, Krông Ana, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Bông, Krông Năng, Cư M'gar, Ea Súp, Ea H'Leo, M'Đrắk, Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ nguyên nhân chính là do thiếu các công trình khai thác nước, công trình, hệ thống công trình thủy lợi, nguồn nước dưới đất hạn chế, nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa trong các tháng cuối mùa cạn.

Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Srêpốk trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.

2. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổ chức, chỉ đạo, đôc đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.

- Chỉ đạo rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng tiểu vùng trên lưu vực. Đặc biệt là các khu vực có nguồn nước dưới đất hạn chế, khu vực khó khăn để khai thác nguồn nước mặt (khu vực có địa hình có độ dốc lớn, bị chia cắt), khu vực thiếu các công trình tích trữ nước, hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp.

3. Đối với Bộ Công Thương:

Chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du các hồ chứa trên cơ sở tuân thủ quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.

4. Đối với Bộ Xây dựng: phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.

5. Đối với UBND các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng:

- Rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.

- Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các địa phương có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước.

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống dẫn nước từ các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí; đối với các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ chỉ điều tiết nước cho hoạt động tưới khi thực sự có nhu cầu.

- Tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước thuộc các huyện: Đắk Mil, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Glong, Cư Jút, Đắk Song của tỉnh Đắk Nông; các huyện Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông của tỉnh Gia Lai và các huyện, thị xã Buôn Hồ, Krông Ana, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Bông, Krông Năng, Cư M'gar, Ea Súp, Ea H'Leo, M'Đrắk, Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk, nghiên cứu, cần đầu tư, xây dựng hệ thống hồ chứa, đập dâng; cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi; xây dựng, nâng cao năng lực cấp nước của các nhà máy cấp nước tập trung để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân.

- Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm nhu cầu sử dụng nước tưới tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.

- Tăng cường giám sát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất, trong đó lưu ý việc khai thác nước dưới đất để tưới cho các cây công nghiệp; có giải pháp khai thác luân phiên nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất, tránh việc khai thác nước dưới đất quá mức gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

- Sớm hoàn thiện việc kiểm kê tài nguyên nước trong đó có nội dung kiểm kê các công trình khai thác nước dưới đất trên toàn bộ lưu vực sông (theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025); khẩn trương rà soát, phê duyệt kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trong đó xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các khu vực, các tầng chứa nước.

- Tăng cường điều tra, tìm kiếm, đánh giá các khu vực, nguồn nước dưới đất có tiềm năng bổ cập và khai thác để bố trí, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tích trữ nước mưa, nước mặt, bổ sung nhân tạo nước dưới đất để phục vụ cấp nước trong mùa khô./.

 

PHỤ LỤC

PHẠM VI XÂY DỰNG KỊCH BẢN
 (Kèm theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Srêpốk theo Quyết định số 162/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

 

TT

Tiểu lưu vực sông

Diện tích (km²)

Các huyện nằm trong tiểu vùng

1

Ia Đrăng

992,28

13 xã huyện Chư Prông, 03 xã huyện Đức Cơ, 02 xã TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai

2

Ia Lốp

1779,82

02 xã huyện Ea Súp thuộc tỉnh Đắk Lắk; 07 xã huyện Chư Prông, 08 xã huyện Chư Pưh, 05 xã huyện Chư Sê thuộc tỉnh Gia Lai

3

Thượng Ea H'leo

2537,25

11 xã huyện Ea H'leo, 02 xã huyện Cư M'Gar, 04 xã huyện Ea Súp, 01 xã huyện Buôn Đôn, 06 xã huyện Krông Buk, 01 xã huyện Krông Năng thuộc tỉnh Đắk Lắk; 01 xã huyện Chư Pưh thuộc tỉnh Gia Lai

4

Hạ Ea H'Leo

753,88

06 xã huyện Ea Súp, 01 xã huyện Buôn Đôn thuộc tỉnh Đắk Lắk

5

Thượng Srêpok

2627,58

01 xã huyện Krông Ana, 01 xã huyện Cư Kuin, 14 xã huyện Cư M'Gar, 05 xã huyện Buôn Đôn, 01 xã huyện Krông Buk, 19 xã TP. Buôn Ma Thuột, 01 xã TX. Buôn Hồ thuộc tỉnh Đắk Lắk; 04 xã huyện Đắk Mil, 03 xã huyện Đắk Song, 07 xã huyện Cư Jút, 03 xã huyện Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Nông

6

Hạ Srêpok

1642,29

01 xã huyện Buôn Đôn thuộc tỉnh Đắk Lắk; 06 xã huyện Đắk Mil, 01 xã huyện Cư Jút thuộc tỉnh Đắk Nông

7

Thượng Ea Krông Ana

2829,73

10 xã huyện Ea Kar, 01 xã huyện Lắk, 13 xã huyện Krông Pắc, 11 xã huyện Krông Bông, 01 xã huyện Krông Buk, 03 xã huyện Krông Năng, 03 xã huyện M'Drắk, 12 xã TX. Buôn Hồ thuộc tỉnh Đắk Lắk

8

Hạ Ea Krông Ana

1143,02

07 xã huyện Krông Ana, 10 xã huyện Lắk, 08 xã huyện Cư Kuin, 03 xã huyện Krông Pắc, 01 xã huyện Cư M'Gar, 02 xã huyện Krông Bông thuộc tỉnh Đắk Lắk

9

Thượng Ea Krông Nô

2975,17

01 xã huyện Lắk, 01 xã huyện Krông Bông thuộc tỉnh Đắk Lắk; 01 xã huyện Đắk Song, 01 xã huyện Krông Nô, 06 xã huyện Đắk Glong thuộc tỉnh Đắk Nông; 04 xã huyện Lạc Dương, 08 xã huyện Đam Rông thuộc tỉnh Lâm Đồng

10

Hạ Ea Krông Nô

948,98

01 xã huyện Krông Ana, 02 xã huyện Lắk thuộc tỉnh Đắk Lắk; 03 xã huyện Đắk Song, 09 xã huyện Krông Nô, 01 xã huyện Đắk Glong thuộc tỉnh Đắk Nông

 

Tổng

18,230

 

 

 



[1] Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ

[2] Quyết định số 2138/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ

[3] Thời đoạn từ năm 1991- nay

[4] Thời kỳ 2015-2024, hầu hết các công trình hồ chứa trên lưu vực sông đã đi vào vận hành, chế độ dòng chảy trên lưu vực cơ bản đã thay đổi theo chế độ vận hành điều tiết nước của các công trình hồ chứa.

[5] Có nhiều hồ chứa nhỏ không có dữ liệu dung tích hồ tương đương so với TBNN.

[6] bao gồm: Krông Nô 2, Krông Nô 3, Buôn Tua Srah, Chư Pông Krông, Buôn Kuốp, Hòa Phú, Đrây H’linh, Srêpốk 3, Srêpốk 4, Srêpốk 4A,

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 162/QĐ-BTNMT ngày 14/01/2025 công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Srêpốk do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


40

DMCA.com Protection Status
IP: 3.139.80.218
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!