Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 161/QĐ-BTNMT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Lê Minh Ngân
Ngày ban hành: 14/01/2025 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Trên cơ sở các thông tin, số liệu của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hương và Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hương, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu công bố: phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.

Làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông Hương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nướckhoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

2. Nội dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

3. Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025).

(Chi tiết Kịch bản nguồn nước kèm theo Quyết định này)

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức, thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các thành phố Huế và Đà Nẵng trên lưu vực sông Hương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nướckhoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

2. Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các thành phố Huế, Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hương.

4. Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hương trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Ủy ban nhân dân các thành phố Huế và Đà Nẵng chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg CP. Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng;
- UBND các thành phố: Huế, Đà Nẵng;
- Các Sở TN&MT, NN&PTNT, XD, CT các thành phố: Huế, Đà Nẵng;
- Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam, NSMO;
- Báo TN&MT, TT Truyền thông TN&MT;
- Lưu: VT, VP, PC, TNN (10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Minh Ngân

 

KỊCH BẢN

NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số: 161/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hương được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050[1] và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050[2]; hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và thông tin, số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước quy mô lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hương cung cấp.

Phạm vi xây dựng Kịch bản nguồn nước trên toàn bộ lưu vực sông Hương và vùng phụ cận được phân chia thành 10 (mười) tiểu vùng theo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kịch bản nguồn nước). Kỳ công bố Kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025).

Nội dung Kịch bản nguồn nước (lần đầu) thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, gồm những nội dung chính sau:

I. HIỆN TRẠNG NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG

1. Hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt

Tổng lượng mưa (TLM) từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2024 trên lưu vực sông Hương phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN[3]), cụ thể: tháng 9, 11, 12 cao hơn so với TBNN từ 15% đến 90% và tháng 10 xấp xỉ TBNN.

Dòng chảy lưu vực sông Hương nhìn chung cao hơn so với trung bình thời kỳ (TBTK[4]) vào tháng 9, 11, 12 năm 2024 và thấp hơn so với TBTK vào tháng 10 năm 2024, cụ thể trên các sông chính như sau: sông Tả Trạch (đến hồ Tả Trạch) cao hơn TBTK khoảng 13%; sông Hữu Trạch (đến hồ Bình Điền) cao hơn TBTK khoảng 16%; sông Bồ (đến hồ Hương Điền) cao hơn TBTK khoảng 16%; sông A Sáp (đến hồ A Lưới) thấp hơn TBTK khoảng 3%.

2. Hiện trạng nguồn nước dưới đất

Nước dưới đất trên lưu vực sông Hương gồm: các tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ tứ (q, qh, qp) phân bố chủ yếu các tiểu vùng đồng bằng Bắc sông Bồ, đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương, đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận, khu vực hạ lưu của tiểu vùng Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; tầng chứa nước karst trong các trầm tích carbonat tuổi Devon (d) phân bố rải rác ở hạ lưu sông Hương; các tầng chứa nước khe nứt trong trầm tích lục nguyên, biến chất (p1-2, d1, o3-s) phân bố chủ yếu ở tiểu vùng thượng Sông Bồ, lưu vực sông Tả Trạch, lưu vực sông Hữu Trạch và rải rác ở các tiểu vùng còn lại.

Trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác trên lưu vực sông Hương khoảng 531 triệu m3/năm, trong đó hiện đang khai thác khoảng 0,51 triệu m3/năm (chiếm 0,1%) tập trung chủ yếu trong tầng chứa nước lỗ hổng (qh, qp) và tầng chứa nước karst trong trầm tích carbonat tuổi Devon (d) ở một số khu vực chứa nước tốt.

Theo số liệu quan trắc từ 11/2017 tháng 12/2024 đến nay cho thấy chiều sâu mực nước trong các tầng chứa nước lỗ hổng dao động trong khoảng từ 1,02m đến 2,16m (TCN qh) và từ 3,33m đến 4,83m (TCN qp) (nhỏ hơn giới hạn mực nước quy định không vượt quá 30 m) và có xu hướng ổn định, dâng nhẹ trong những năm gần đây.

3. Hiện trạng tích nước của các hồ chứa lớn, quan trọng

Trên lưu vực sông Hương hiện có 12 hồ chứa thủy điện và 106 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 16 hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 01 triệu m3.

- Lượng nước tích trữ tại 03 hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hương (Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền) đến ngày 01 tháng 01 năm 2025 đều đạt xấp xỉ MNDBT (riêng hồ Tả Trạch cao hơn MNDBT khoảng 0,42m) tương ứng với tổng dung tích khoảng 1.671 triệu m3, cao hơn TBTK khoảng 9,4 % và xấp xỉ năm 2024.

Bảng 1. Lượng nước tích trữ tại 03 hồ chứa lớn (ngày 01 tháng 01 năm 2025)

TT

Hồ chứa

MNDBT (m)

Mực nước hồ (m)

Dung tích hồ (triệu m3)

Dung tích toàn bộ

Dung tích hồ

TB thời kỳ (2015- 2024)

1

Bình Điền

85

85,00

423,7

423,7

350,9

2

Hương Điền

58

57,86

820,7

816,0

791,9

3

Tả Trạch

45

45,42

420,03

430,9

384,7

Tổng

 

 

1.664

1.671

1.527

- Các hồ thủy lợi có dung tích trên 01 triệu m3 15 hồ (trừ hồ Tả Trạch) tập trung chủ yếu ở 05 tiểu lưu vực sông thuộc vùng đồng bằng lưu vực sông Hương gồm: đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu với tổng dung tích toàn bộ khoảng 116,1 triệu m3.

Tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, dung tích trữ của các hồ chứa thuỷ lợi này cơ bản đạt từ 71 % dung tích thiết kế trở lên, một số hồ chứa lớn có dung tích từ 05 triệu m3 trở lên như: hồ Truồi (trên lưu vực sông Truồi) đạt 95%, hồ Khe Ngang (thuộc Đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Thương) đạt 88%, hồ Hòa Mỹ (Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế) đạt 100%, hồ Thủy Yên (trên lưu vực sông Bù Lu) đạt 71%, hồ Thọ Sơn (Đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương) đạt 100%, hồ Phú Bài 2 (Đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận) đạt 98%.

II. DỰ BÁO XU THẾ DIỄN BIẾN MƯA, DÒNG CHẢY, LƯỢNG NƯỚC TÍCH TRỮ TRONG CÁC HỒ CHỨA NƯỚC LỚN, QUAN TRỌNG; MỰC NƯỚC TRONG CÁC TẦNG CHỨA NƯỚC TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC

1. Hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương. Dự báo trong 06 tháng đầu năm 2025, ENSO tiếp tục có khả năng ở trạng thái trung tính.

Từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2025, nắng nóng gia tăng hơn về cường độ và tần suất. Nhiệt độ cao nhất trong các đợt nắng nóng có thể tăng lên ngưỡng từ 38 °C đến 40°C.

2. Tổng lượng mưa trên lưu vực sông Hương từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025 phổ biến có khả năng xấp xỉ TBNN: tháng 01 và từ tháng 4-8/2025 phổ biến xấp xỉ TBNN; tháng 02-3/2025 phổ biến cao hơn TBNN từ 5mm đến 15mm.

3. Nhận định xu thế diễn biến dòng chảy các tháng mùa cạn trên các sông Tả Trạch (đến hồ Tả Trạch), trên sông Hữu Trạch (đến hồ Bình Điền), trên sông Bồ (đến hồ Hương Điền) có khả năng thấp hơn so với TBTK từ 5% đến 10%.

4. Mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất

Trên cơ sở số liệu quan trắc mực nước từ năm 2017-2024 tại 16 trạm quan trắc thuộc mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia, mực nước dưới đất trung bình các tầng chứa nước lỗ hổng có khả năng tiếp tục xu hướng ổn định và dâng nhẹ so với trung bình thời kỳ 2017-2024, dao động trong khoảng từ 1,17m đến 1,77m (TCN qh) và từ 4,13m đến 4,51m (TCN qp).

Hình 1. Diễn biến mực nước tầng chứa nước Holocen (qh), Pleistocen (qp) vùng đồng bằng lưu vực sông Hương thời kỳ 2017-2024 và xu thế đến tháng 8 năm 2025

III. NHU CẦU KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC CỦA CÁC NGÀNH TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN

Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Hương trong 8 tháng đầu năm 2025 khoảng 619,8 triệu m3, phần lớn là khai thác, sử dụng nguồn nước mặt (chiếm tỷ lệ khoảng 99,8%), trong đó tiểu vùng khai thác lớn nhất là đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận chiếm khoảng 37%. Nhu cầu nước của một số ngành sử dụng nước chính trên lưu vực sông Hương như sau:

1. Nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp

Tổng nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp khoảng 52 triệu m3, trong đó tổng nhu cầu nước cho sinh hoạt khoảng 39,7 triệu m3. Tổng số công trình cấp nước sinh hoạt là 25 công trình (toàn bộ đều khai thác nước mặt) với tổng lượng nước khai thác khoảng 18,1 triệu m3 (tương đương 75.271 m3/ngày đêm), tập trung chủ yếu tại các tiểu vùng: đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương có 01 công trình; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận có 03 công trình; lưu vực sông Hữu Trạch có 02 công trình; lưu vực sông Tả Trạch có 03 công trình; lưu vực sông Truồi có 02 công trình; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế có 04 công trình; lưu vực sông Bù Lu có 01 công trình; lưu vực sông A Sáp có 09 công trình.

2. Nhu cầu nước cho nông nghiệp

Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho nông nghiệp từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025 khoảng 497,5 triệu m3, tập trung chủ yếu ở các tiểu vùng: đồng bằng Nam sông Hương chiếm 34,7%; vùng Đồng bằng Bắc sông Bồ chiếm 21,5%; vùng Ô Lâu và phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế chiếm 14,4%; vùng đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương chiếm 11,3%. Thời kỳ sử dụng nước gia tăng từ ngày 15 tháng 02 đến ngày 31 tháng 3 và từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 31 tháng 7 với tổng lượng nước khoảng 299,5 triệu m3.

3. Nhu cầu nước cho sản xuất thuỷ điện

Nhu cầu nước sản xuất thuỷ điện từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025 của 03 nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch khoảng 1,08 tỷ m3 (tương đương tổng sản lượng điện khoảng 276,2 triệu kWh), thấp hơn so với TBTK 2015-2024 (289,7 triệu kWh) khoảng 5%, thấp hơn so với cùng thời kỳ năm 2024 (306,6 triệu kWh) khoảng 10%.

IV. TRẠNG THÁI NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG HƯƠNG

Trên cơ sở thông tin, số liệu hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của 03 hồ chứa lớn, quan trọng (Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền); 15 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 01 triệu m3 trở lên; nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong các tầng chứa nước dưới đất; dự báo khí tượng, thủy văn trên các lưu vực sông[5] thì nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Hương trong mùa cạn năm 2025 ở “Trạng thái bình thường”. Để đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp, các nhu cầu sử dụng nước khác và các yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng[6] nhằm giảm thiểu rủi ro khả năng thiếu nước do việc khai thác, sử dụng nước không hiệu quả, lãng phí, việc tính toán, đánh giá theo các vùng, các nguồn nước, cụ thể như sau:

- Mức độ đáp ứng của 03 hồ chứa lớn Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền cho các nhu cầu sử dụng nước (sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện, du lịch, cảnh quan...) của các tiểu vùng: đồng bằng Bắc sông Bồ; đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận.

- Mức độ đáp ứng của nguồn nước các tiểu vùng nằm ngoài phạm vi điều tiết nước của 03 hồ chứa lớn nêu trên gồm: thượng sông Bồ; lưu vực sông Hữu Trạch; lưu vực sông Tả Trạch; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu; lưu vực sông A Sáp và một phần đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận.

1. Đối với 03 hồ chứa lớn

Mức độ đáp ứng của 03 hồ chứa được đánh giá theo các trường hợp khai thác, sử dụng nước như sau:

- Trường hợp 1: đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở hạ du và nhu cầu nước phục vụ phát điện dự kiến (từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025) thấp hơn so với trung bình thời kỳ 2015-2024 khoảng 5%.

Hình 2. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 03 hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hương (trường hợp 1)

- Trường hợp 2: đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở hạ du và nhu cầu nước phục vụ phát điện dự kiến (từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025) xấp xỉ so với trung bình thời kỳ 2015-2024.

Hình 3. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 03 hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hương (trường hợp 2)

- Trường hợp 3: đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở hạ du và nhu cầu nước phục vụ phát điện dự kiến (từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025) cao hơn so với trung bình thời kỳ 2015-2024 khoảng 5%.

Hình 4. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 03 hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hương (trường hợp 3)

Như vậy, với hiện trạng tích nước đầu mùa cạn và diễn biến nguồn nước của các hồ chứa Tả Trạch, Bình Diền, Hương Điền, kết hợp với chế độ vận hành của đập Thảo Long, về cơ bản thì nguồn nước bảo đảm yêu cầu mực nước tại đập Thảo Long[7] (duy trì trên 85% thời gian yêu cầu) và đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du. Tuy nhiên, nếu vận hành các hồ chứa, nhất là đập Thảo Long không hợp lý thì nguồn nước của 03 hồ chứa vẫn có khả năng không đáp ứng đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du trong các tháng mùa cạn năm 2025.

2. Đối với các tiểu vùng

Trên cơ sở tính toán, dự báo mưa, dòng chảy, nhu cầu sử dụng nước và hiện trạng, quy hoạch các công trình khai thác, sử dụng nước trên 07 tiểu vùng, nguồn nước cơ bản ở trạng thái bình thường, khả năng không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước diện rộng. Tuy nhiên, một số tiểu vùng vẫn còn có nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước mang tính cục bộ, bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy thì nguyên nhân chính là do năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác, công trình tích trữ nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc thiếu nước các khu vực này ảnh hưởng chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

2.1. Ô Lâu và phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế

Toàn vùng hiện có 34 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 06 hồ dung tích trên 01 triệu m3 (hồ Hòa Mỹ, Thiềm Lúa, Trằm Nãi, Trằm Giàng, Thôn Niêm, Mỹ Xuyên), đặc biệt có hồ Hòa Mỹ dung tích 9,67 triệu m3 cấp cho các xã: Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, huyện Phong Điền. Tiểu vùng được quy hoạch xây dựng hồ Ô Lâu Thượng với dung tích 96 triệu m3 để tạo nguồn cho hồ Hòa Mỹ, đập Cửa Lác và tưới ổn định cho vùng hạ du sông Ô Lâu.

Mặc dù nguồn nước cơ bản ở trạng thái bình thường nhưng các khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước bởi các hồ chứa vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu nước vào các tháng nửa cuối mùa cạn năm 2025 do khả năng thiếu hụt lượng mưa, cụ thể: 7 xã ven biển thuộc huyện Phong Điền (Phong Hòa, Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hải), 2 xã thuộc huyện Quảng Điền (Quảng Ngạn, Quảng Công) và xã Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà.

2.2. Các tiểu vùng: thượng sông Bồ, lưu vực sông Hữu Trạch, lưu vực sông Tả Trạch và lưu vực sông A Sáp

Hiện nay, vùng thượng sông Bồ không có hồ chứa thủy lợi; lưu vực sông Hữu Trạch có 08 hồ chứa thủy lợi và được quy hoạch 03 hồ chứa thủy lợi; lưu vực sông Tả Trạch có 04 hồ chứa thủy lợi (không xét hồ Tả Trạch) và được quy hoạch 05 hồ chứa thủy lợi; lưu vực sông A Sáp có 22 hồ chứa thủy lợi nhỏ và được quy hoạch 04 hồ chứa thủy lợi. Các hồ chứa thủy lợi hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của vùng nên một số khu vực vẫn có nguy cơ thiếu nước vào các tháng nửa cuối mùa cạn năm 2025 do khả năng thiếu hụt lượng mưa như các xã: Phong Mỹ và Phong Xuân, huyện Phong Điền; Hồng Kim, Sơn Thủy và Đông Sơn, huyện A Lưới…

2.3. Lưu vực sông Bù Lu

Trên lưu vực sông Bù Lu hiện có 02 hồ chứa thủy lợi, trong đó có hồ Thủy Yên với dung tích 8,75 triệu m3 cấp cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và sản xuất nông nghiệp của xã Lộc Tiến và Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. Tiểu vùng được quy hoạch thêm hồ Thủy Cam với dung tích 10,2 triệu m3 để cấp nước bổ sung cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và nông nghiệp thuộc các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. Năng lực của các hồ chứa hiện tại về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước nên một số khu vực vẫn có nguy cơ thiếu nước vào các tháng nửa cuối mùa cạn năm 2025 do khả năng thiếu hụt lượng mưa như xã Lộc Tiến và Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.

2.4. Đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận

Trên tiểu vùng có 12 xã ven biển ngoài phá Cầu Hai (gồm: thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An thuộc huyện Phú Vang và các xã Vinh Mỹ, Vinh Hưng, Vinh Hải, Vinh Giang, Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc) không thuôc phạm vi cấp nước từ các hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền và Hương Điền, khu vực này chưa có công trình thủy lợi nên thường có nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp vào các tháng mùa cạn.

V. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hương, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và các yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các tiểu vùng, tiểu lưu vực sông Hương cơ bản ở trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác bảo đảm đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực sông Hương vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Thiếu nước cục bộ vẫn có khả năng xảy ra tại một số tiểu vùng vào các tháng nửa cuối mùa cạn năm 2025, nguyên nhân chính là: (1) do thiếu các công trình khai thác nước, công trình thủy lợi đối với một số địa phương thuộc các tiểu vùng: thượng sông Bồ, Ô Lâu và vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, lưu vực sông Hữu Trạch, lưu vực sông Tả Trạch, lưu vực sông Bù Lu, lưu vực sông A Sáp; (2) do thiếu nguồn nước cấp đối với các địa phương ở khu vực đồng bằng ven biển ngoài đầm Cầu Hai và phá Tam Giang thuộc các tiểu vùng: Ô Lâu và vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (gồm 07 xã thuộc huyện Phong Điền và 02 xã thuộc thị xã Hương Trà); đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận (gồm 12 xã thuộc huyện Phú Lộc và Phú Vang).

Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Hương trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương[8]. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, chỉ đạo nghiên cứu nâng cao khả năng tích trữ, năng lực điều tiết đối với các hồ chứa Tả Trạch trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước.

3. Bộ Công Thương: chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du các hồ chứa trên cơ sở tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.

4. Bộ Xây dựng: phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.

5. Ủy ban nhân dân thành phố Huế:

- Rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.

- Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước, khai thác nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có nguy cơ xảy ra thiếu nước (tiểu vùng Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế, khu vực đồng bằng ven biển ngoài đầm Cầu Hai và Phá Tam Giang thuộc tiểu vùng Đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận, Lưu vực sông Bù Lu…).

- Chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng phương án khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất phục vụ sinh hoạt và các hoạt động sản xuất đối với các khu vực có nguy cơ bị thiếu nguồn nước mặt, đặc biệt đối với khu vực đồng bằng ven biển ngoài đầm Cầu Hai và phá Tam Giang.

- Kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào các sông, suối, bảo đảm chất lượng nguồn nước cho các nhà máy nước sạch, công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và cho hoạt động văn hóa, du lịch của thành phố Huế;

- Kiểm soát chặt chẽ việc vận hành đập Thảo Long đảm bảo ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt, phối hợp với các hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước, giao thông thủy ở hạ du và cải thiện cảnh quan, du lịch thành phố Huế và đảm bảo không gây ngập úng các vùng trũng sông Hương, sông Bồ phía thượng lưu; đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành đập Thảo Long đảm bảo các nhiệm vụ công trình, tránh thất thoát nguồn nước, giảm thiểu áp lực cấp nước và tăng hiệu quả phát điện cho các hồ chứa phía thượng lưu./.

 

PHỤ LỤC

PHẠM VI XÂY DỰNG KỊCH BẢN
(Kèm theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hương theo Quyết định số 161/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Phần diện tích lưu vực sông Hương thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm 10 tiểu vùng quy hoạch: đồng bằng Bắc sông Bồ; đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; thượng sông Bồ; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận; lưu vực sông Hữu Trạch; lưu vực sông Tả Trạch; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu; lưu vực sông A Sáp.

Sơ đồ phạm vi xây dựng kịch bản lưu vực sông Hương

STT

Tên vùng

Phạm vi hành chính (tỉnh/ huyện)[9]

Diện tích (km2)

1

Đồng bằng Bắc sông Bồ

+ 04 xã thuộc huyện Phong Điền: Phong Hiền, Phong An, một phần Phong Xuân, một phần Phong Sơn;

+ 08 xã thuộc huyện Quảng Điền: Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Phú, Quảng Phước và thị trấn Sịa;

+ 01 xã thuộc thành phố Huế: Hương Phong.

337

2

Đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương

+ 05 phường thuộc thị xã Hương Trà: Tứ Hạ, Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Vân, Hương Văn và 01 xã: Hương Toàn;

+ 13 phường trên phạm vi thành phố Huế: Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Đông Ba, Kim Long, Hương Long, Hương Sơ, Phú Hậu, An Hòa, Hương Hồ, Hương An, Hương Vinh.

260

3

Thượng sông Bồ

+ 01 xã thuộc huyện Phong Điền: một phần Phong Xuân;

+ 02 xã thuộc thị xã Hương Trà: một phần Bình Tiến, một phần Hương Bình và 01 phường: Hương Văn;

+ 05 xã thuộc huyện A Lưới: A Roàng, một phần Hương Phong, một phần Lâm Đớt, Hồng Hạ, một phần Hồng Kim.

576

4

Đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận

+ 16 phường thuộc thành phố Huế: Thuận An, Xuân Phú, Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Trường An, Thủy Xuân, Thủy Biều, Vỹ Dạ, Phú Hội, Phú Nhuận, An Cựu, An Đông, An Tây, Phú Thượng, Thủy Vân;

+ 04 xã thuộc thành phố Huế: Phú Thanh, Phú Dương, Phú Mậu, một phần Thủy Bằng;

+ 14 xã thuộc huyện Phú Vang: Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An, Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú Hồ, Phú Lương, Vinh Phú, Vinh Thái, Vinh Hà và thị trấn Phú Đa;

+ 05 phường thuộc thị xã Hương Thủy: Thủy Dương, một phần Thủy Phương, một phần Thủy Châu, Thủy Lương, Phú Bài và 03 xã: Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Phù;

+ 06 xã thuộc huyện Phú Lộc: Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền, Lộc Bổn, Lộc Sơn, Xuân Lộc.

627

5

Lưu vực sông Hữu Trạch

+ 01 xã thuộc thành phố Huế: Hương Thọ;

+ 03 xã thuộc thị xã Hương Trà: một phần Bình Tiến, Bình Thành, một phần Hương Bình;

+ 01 xã thuộc thị xã Hương Thủy: Dương Hòa;

+ 01 xã thuộc huyện Nam Đông: Thượng Quảng;

+ 01 xã thuộc huyện A Lưới: Hương Nguyên.

688

6

Lưu vực sông Tả Trạch

+ 01 phường thuộc thành phố Huế: một phần Thủy Bằng;

+ 03 phường thuộc thị xã Hương Thủy: một phần Thủy Phương, một phần Thủy Châu, một phần Dương Hòa và 01 xã: Phú Sơn;

+ 09 xã thuộc huyện Nam Đông: Hương Sơn, một phần Hương Xuân, Hương Phú, Hương Lộc, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Hương Hữu, Thượng Long, một phần Thượng Quảng và thị trấn Khe Tre;

+ 01 xã thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng: Hòa Bắc.

735

7

Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế

+ 11 xã thuộc huyện Phong Điền: Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hải, Phong Bình, Phong Chương, Phong Hòa, Phong Thu, Phong Mỹ và thị trấn Phong Điền;

+ 02 xã thuộc huyện Quảng Điền: Quảng Ngạn, Quảng Công;

+ 01 xã thuộc thành phố Huế: Hải Dương.

642

8

Lưu vực sông Truồi

04 xã thuộc huyện Phú Lộc: Lộc Hòa, Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc An và thị trấn Phú Lộc.

205

9

Lưu vực sông Bù Lu

04 xã thuộc huyện Phú Lộc: Lộc Bình, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô.

111

10

Lưu vực sông A Sáp

14 xã thuộc huyện A Lưới: một phần Lâm Đớt, Đông Sơn, một phần Hương Phong, Hồng Thượng, Phú Vinh, Hồng Thái, Sơn Thủy, Quảng Nhâm, A Ngo, một phần Hồng Kim, Hồng Bắc, Trung Sơn, Hồng Thủy, Hồng Vân và thị trấn A Lưới.

467

 

 



[1] Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ

[2] Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ

[3] TBNN là trung bình giai đoạn 1991 đến nay

[4] TBTK là trung bình giai đoạn 2015-2024, hầu hết các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hương đã đi vào vận hành, chế độ dòng chảy trên lưu vực cơ bản đã thay đổi theo chế độ vận hành điều tiết nước của các hồ chứa

[5] Số liệu các Bộ, ngành, địa phương cung cấp

[6] Số liệu các Bộ, ngành, địa phương cung cấp

[7] Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2029 của Thủ tướng Chính phủ

[8] Khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

[9] Theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 161/QĐ-BTNMT ngày 14/01/2025 công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hương do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


38

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.135.3
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!