Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ngày 19 tháng 4 năm 2022, Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả
nghiên cứu Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về môi trường kinh doanh
năm 2021 (Công văn số 0499/PTM-PC). Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức
Đam chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kết quả điều tra, đánh giá PCI
2021 và đề xuất giải pháp cải thiện các chỉ số liên quan tới môi trường kinh
doanh, phù hợp với các mục tiêu và giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày
10 tháng 01 năm 2022 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 02/NQ-CP).
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng
Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu chi tiết báo cáo PCI
2021 và đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh như sau:
I. Một số kết quả
về cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh nhìn từ đánh giá PCI 2021
Từ năm 2017, lồng ghép trong điều tra
PCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện khảo sát cảm nhận của
doanh nghiệp về mức độ chuyển biến trên một số lĩnh vực được đề cập tại Nghị
quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP. Theo đó, VCCI chỉ ra những nỗ lực
cải cách của Chính phủ thời gian qua đã đem lại thay đổi tích cực về môi trường
kinh doanh. Từ điều tra PCI 2021, VCCI ghi nhận được một số điểm có chuyển biến
tích cực, cụ thể là:
- Môi trường kinh doanh Việt Nam năm
2021 chuyển biến tích cực so với những năm trước đây; thể hiện qua tỷ lệ doanh
nghiệp đánh giá tích cực về những lĩnh vực quan trọng của môi trường kinh doanh
có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2017-2021.
- Doanh nghiệp đánh giá tích cực về sự
năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và ủng hộ sự
phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
- Chi phí không chính thức có xu hướng
giảm trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp.
- Cải cách thủ tục hành chính được
coi là nhiệm vụ trọng tâm ở các địa phương. Theo đó, các địa phương đã ứng dụng
mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ dịch vụ công trực tuyến; nhờ vậy góp phần
giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
II. Nhận diện một số vấn đề về
môi trường kinh doanh từ kết quả PCI 2021
Tại Công văn số
0499/PTM-PC ngày 19 tháng 4 năm 2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số kết quả về môi trường kinh doanh qua cảm nhận
của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước; phân tích một số tác động
của dịch bệnh COVID-19 tới doanh nghiệp. Theo đó, báo cáo PCI 2021 chỉ ra một số
vấn đề về môi trường kinh doanh có liên quan tới các mục tiêu, nhiệm vụ và giải
pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP đáng chú ý như sau:
- Chi phí không chính thức tiếp tục
có xu hướng giảm trên hầu hết các lĩnh vực, thủ tục liên quan đến doanh nghiệp,
nhưng vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu như đăng
ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp trả
chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng và cấp giấy
phép kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp cũng thường trả chi phí không chính
thức ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy, đất đai, thủ tục xuất
nhập khẩu.
- Hiệu quả giải quyết thủ tục hành
chính tiếp tục được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhất là việc ứng
dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công. Tuy vậy, một số
thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp,
đơn cử như các thủ tục trong lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và
xây dựng. Ngoài ra, các thủ tục về đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường
chưa đồng bộ và chưa tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư có công
trình xây dựng.
- Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có
điều kiện còn nhiều phiền hà cho doanh nghiệp. Những rào cản này thậm chí khiến
một bộ phận doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch
kinh doanh.
- Tiếp cận đất đai tiếp tục là lĩnh vực
gây trở ngại với doanh nghiệp, đáng chú ý là trên các khía
cạnh như các thủ tục hành chính thuế, chuyển nhượng đất đai phức tạp; quy hoạch
đất đai chưa phù hợp; tiếp cận thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi; thời
gian xử lý hồ sơ về đất đai kéo dài.
- Hiểu biết của doanh nghiệp về các
Hiệp định thương mại tự do còn hạn chế. Mặt khác, chất lượng xây dựng chính
sách và công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác,
tận dụng cơ hội tử các Hiệp định thương mại tự do chưa được chú trọng đúng mức.
- Về tác động của dịch COVID-19 đối với
doanh nghiệp, báo cáo PCI 2021 cho thấy chính sách của nhà nước và chuyển đổi số
là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng khả năng trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh cũng như mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian tới.
III. Đề xuất một số
giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh phù hợp với các mục tiêu và giải pháp
theo Nghị quyết số 02/NQ-CP
Theo kết quả của báo cáo PCI 2021, cộng
đồng doanh nghiệp cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2021 đã có những
chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Tuy vậy, vẫn còn nhiều rào cản
và trở ngại cần sớm được tháo bỏ. Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa
về môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số giải pháp sau
đây:
1) Kiến nghị các Bộ,
ngành, địa phương:
- Đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách;
thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sáng tạo của doanh
nghiệp; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia. Theo
đó, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần coi cải thiện môi trường kinh doanh,
nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và trực tiếp chỉ đạo
thực hiện nhiệm vụ này.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy
đủ các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết có liên quan của Chính phủ về cải
thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt
động thực thi nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quy định, chính sách; nhất là
trong thực thi các quy định, thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai,
điều kiện kinh doanh. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong
thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm
tra.
- Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa
thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; trong đó tạo cơ hội
thuận lợi cho các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng,...; gắn cải cách
thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử.
- Triển khai thực chất dịch vụ công
trực tuyến; không chỉ tăng số lượng các thủ tục hành chính kết nối điện tử mà cần
đảm bảo tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua nền tảng điện tử.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá thường xuyên về hiệu quả thực thi các
giao dịch điện tử trong tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, kết nối, chia sẻ, mở dữ
liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các
giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc
phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, trong đó bao gồm cả các giải
pháp về thúc đẩy chuyển đổi số. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi
số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ số, chuyển đổi số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tập
trung phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình,
thủ tục hành chính, tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
- Thúc đẩy triển khai các giải pháp hỗ
trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung các giải pháp tư vấn, đào
tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp,
tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi
số, tham gia chuỗi giá trị bền vững; ưu tiên đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng
bởi dịch bệnh COVID-19.
- Tăng cường năng lực của hệ thống
các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như: hệ thống dịch vụ phát triển kinh
doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng
chung hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Thường xuyên tổ chức đối thoại,
trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt
các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành, địa phương thì cần giải
quyết ngay, giải quyết đến cùng và xác định thời gian giải quyết cụ thể, rõ
ràng. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành, địa phương
thì kịp thời báo cáo và kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền liên quan; đồng
thời theo dõi, đóng góp và cập nhật kịp thời khi văn bản chính sách được điều
chỉnh.
- Hoàn thiện chính sách và nâng cao
hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng cơ hội từ các
Hiệp định thương mại tự do.
- Tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy,
hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp khi đủ điều kiện.
2) Kiến nghị các Bộ,
ngành:
- Nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục
ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản
hóa điều kiện kinh doanh. Đối với danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều
kiện; kiến nghị các phương án gồm: (i) Thu hẹp phạm vi của một số ngành nghề;
(ii) Đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả
hơn; (iii) Đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở
khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ
ràng. Mặt khác, tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện
kinh doanh nhằm tạo cơ hội kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và
thúc đẩy cạnh tranh; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư,
kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp
luật hiện hành.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ kiểm
soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện
kinh doanh mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra
văn bản quy phạm pháp luật.
- Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt
động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của
các quy định pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng,
môi trường. Theo đó, nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến
đầu tư, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trên cơ sở đó
xác định: (i) Các quy định đã không còn phù hợp với thực tế khách quan; (ii)
Các quy định không hợp lý; (iii) Các quy định không rõ ràng, cụ thể; (iv) Các
quy định chồng chéo, mâu thuẫn; (v) Các quy định khác nhau về cùng một vấn đề,...
và kiến nghị phương án bổ sung, sửa đổi phù hợp.
3) Kiến nghị Bộ Tài
nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ
các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành
chính đất đai. Trong đó, tập trung thực hiện ngay một số giải pháp sau:
- Hoàn thiện pháp luật về hệ thống
thông tin đất đai để đảm bảo thông tin được công khai đầy đủ, dễ tiếp cận và cập
nhật kịp thời; cho phép người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận bản đồ thửa đất
dưới nhiều hình thức, nhất là qua nền tảng số.
- Ứng dụng mạnh
mẽ công nghệ thông tin để triển khai dịch vụ công trực tuyến cho các giao dịch
về đất đai.
- Triển khai mạnh mẽ việc kết nối
liên thông điện tử để trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất
đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất
thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường
xuyên, liên tục để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực
hiện các thủ tục hành chính về đất đai; xử lý nghiêm và ngay những hành vi cố
tình gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết thủ tục hành
chính theo đúng các yêu cầu về thời gian được quy định.
- Đề xuất ban hành cơ chế cụ thể và độc
lập để người dân, doanh nghiệp có thể khiếu nại về vấn đề xảy ra tại cơ quan
đăng ký đất đai, cơ quan địa chính cũng như cơ quan đo đạc bản đồ.
4) Đề nghị các hiệp
hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp:
- Tích cực tham gia phản biện, đóng
góp chính sách. Chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất
các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu
quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, giảm chi phí và an toàn cho hoạt
động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các hiệp hội doanh nghiệp không
phân biệt trong nước, ngoài nước cần phối hợp, hợp tác hiệp lực; trao đổi, chia
sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất
các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh.
Trên đây là báo cáo của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư đề xuất giải pháp cải thiện một số vấn đề môi trường kinh doanh trên
cơ sở nghiên cứu kết quả điều tra, đánh giá PCI 2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Vũ Đức Đam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để p/h);
- VCCI (để p/h);
- Lưu: VT, QLKTTW.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|