BỘ XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2603/BXD-KTXD
V/v áp dụng phụ cấp không ổn định
sản xuất vào xác định đơn giá nhân công xây dựng
|
Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2017
|
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ tại văn bản số 10251/VPCP-KGVX ngày 27/9/2017, trong đó
giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan làm rõ tình
hình thực tế áp dụng chế độ phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng và tác động của việc áp dụng chế độ này đối với việc
quyết toán và cân đối ngân sách nhà nước trong trường hợp được Chính phủ đồng
ý. Ngày 19/10/2017, Bộ Xây dựng đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến một số Bộ, cơ
quan có liên quan (bao gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ
Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lai
Châu, UBND tỉnh Ninh Bình). Sau khi trao đổi, lấy ý kiến một
số Bộ, cơ quan có liên quan, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng
Chính phủ như sau:
1. Tình hình thực tế áp dụng phụ cấp
không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng:
Phụ cấp không ổn định sản xuất là phụ
cấp mang tính ngành nghề để bảo đảm cho công nhân xây dựng có cuộc sống ổn định,
do đặc thù của ngành xây dựng là người lao động thường xuyên không có việc làm
liên tục. Chế độ chính sách liên quan đến việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản
xuất vào đơn giá nhân công xây dựng được chia thành các giai đoạn như sau:
1.1. Giai đoạn từ năm 1993 đến năm
2004: Chế độ phụ cấp không ổn định sản xuất được tính trong đơn giá nhân công
xây dựng để lập tổng mức đầu tư, dự toán các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn
nhà nước (căn cứ tại văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993 về giải quyết chế
độ tiền lương cho công nhân xây dựng; Thông tư số 03/2002/TT-BLĐTBXH ngày 09/1/2002
quy định phụ cấp không ổn định sản xuất được tính trong chi phí tiền lương để lập
dự toán công trình nhưng tối đa không quá 15% lương cấp bậc, chức vụ; Thông tư
số 07/2003/TT-BXD ngày 17/6/2003 hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng,
trong đó quy định đơn giá nhân công xây dựng được tính phụ
cấp không ổn định sản xuất theo mức tối thiểu bằng 10% tiền lương cơ bản).
1.2. Giai đoạn từ năm 2005 đến ngày
15/5/2015 (ngày có hiệu lực của Thông tư số 01/2015/TT-BXD về hướng dẫn xác định
đơn giá nhân công xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng): Chế độ phụ cấp không ổn định sản xuất không được quy định
trong Nghị định số 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương và
chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước cũng như các văn bản pháp luật
khác.
Như vậy, vướng mắc về chế độ phụ cấp
không ổn định sản xuất chỉ xảy ra trong giai đoạn từ năm 2005 đến ngày 15/05/2015.
Trong giai đoạn này, việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng căn cứ vào các
Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 và Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày
14/12/2009. Theo đó, nguyên tắc xác định giá nhân công xây dựng trong tổng mức
đầu tư, dự toán đầu tư xây dựng công trình và trách nhiệm
quản lý giá xây dựng công trình được quy định như sau:
(i) Giá nhân công xây dựng phải được
xác định phù hợp với mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh,
theo từng ngành nghề sử dụng. Giá nhân công xây dựng được tính toán căn cứ theo
khả năng nguồn vốn, khả năng chi trả của chủ đầu tư và các yêu cầu khác.
(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo
Sở Xây dựng căn cứ vào hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ
Xây dựng và tình hình cụ thể của địa phương để công bố hệ thống đơn giá xây dựng,
giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng, giá vật liệu,... để tham khảo trong
quá trình xác định giá xây dựng công trình.
Do đó, việc xác định giá nhân công
xây dựng thời điểm này ngoài hệ thống phụ cấp được Chính phủ quy định tại Nghị
định số 205/2004/NĐ-CP còn phải căn cứ vào mặt bằng thị
trường lao động, đặc thù ngành nghề và tình hình cụ thể của từng địa phương để
xác định cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người lao động ngành xây dựng.
Trong giai đoạn này Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản số 4508/LĐTBXH-TL
ngày 30/12/2005 trả lời văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993 vẫn còn hiệu
lực và Bộ Xây dựng hướng dẫn trả lời các địa phương và các Bộ khi xác định đơn
giá nhân công xây dựng để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng vẫn được tính
hệ số không ổn định sản xuất.
Trong giai đoạn này, hầu hết các tỉnh,
thành phố và các dự án xây dựng công trình điện, giao thông, dầu khí đều tính
phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng. Riêng đối với
công trình thủy điện, ngày 13/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP,
theo đó đã chấp thuận việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào chế độ tiền
lương của cán bộ, công nhân, nhân viên của 8 công trình thủy điện: Bản Vẽ, Bản
Chát, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Sê San 4, Pleikrông và Đồng Nai 5.
Đối tượng được thụ hưởng phụ cấp
không ổn định sản xuất là các cán bộ, công nhân, viên chức làm việc tại các
công trình xây dựng, các chế độ phụ cấp này nhìn chung đã góp Phần bảo đảm tiền
lương và thu nhập của người lao động để họ yên tâm làm việc,
phục vụ phát triển làm lợi cho nền kinh tế đất nước. Nhiều nhà thầu khảo sát,
thi công xây dựng trong giai đoạn này đến nay đã giải thể, chủ đầu tư và người
lao động có thể đã chuyển công tác hoặc không còn. Do đó, việc xuất toán Khoản
phụ cấp này trong chi phí nhân công đã quyết toán là không phù hợp với thực tiễn.
1.3. Giai đoạn từ ngày 15/5/2015 đến
nay: Chế độ phụ cấp không ổn định sản xuất được xác định trong đơn giá nhân
công xây dựng theo quy định tại Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 của Bộ
Xây dựng hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây
dựng.
2. Tác động của việc áp dụng chế độ
phụ cấp không ổn định sản xuất:
2.1. Các dự án chịu tác động của chế
độ phụ cấp không ổn định sản xuất:
Trong giai đoạn từ năm 2005 đến ngày
15/5/2015, đã có nhiều dự án đầu tư xây dựng áp dụng phụ cấp
không ổn định sản xuất vào xác định đơn giá nhân công xây dựng trong tổng mức đầu
tư, dự toán xây dựng công trình, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng sử dụng
vốn nhà nước. Trên cơ sở hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ
Xây dựng, hệ thống thang lương, bảng lương và phụ cấp lương quy định tại Nghị định
số 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ, cùng với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ
ban hành và hệ thống định mức dự toán do Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền
công bố; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng đơn giá xây dựng
công trình của tỉnh, thành phố để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công
trình thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh. Do đó, các dự án
chịu tác động của việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất trong đơn giá nhân
công xây dựng chủ yếu là các dự án sử dụng vốn nhà nước.
2.2. Tác
động của việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất đến quyết toán và cân đối
ngân sách nhà nước:
Căn cứ vào tình hình khảo sát thực tế
đơn giá nhân công xây dựng trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đánh giá tác động của
việc áp dụng chế độ phụ cấp không ổn định sản xuất đến quyết toán và cân đối ngân sách nhà nước theo các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn từ năm 2005 đến quý IV
năm 2012 (Thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ về
mức lương tối thiểu vùng về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao
động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động.
Giai đoạn này chi phí nhân công xây dựng
trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình được xác định trên cơ sở mức
lương tối thiểu vùng, các Khoản lương phụ, phụ cấp lương, hệ thống thang lương,
bảng lương theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ và mặt bằng
lao động phổ biến của từng địa phương. Đơn giá nhân công
xây dựng xác định theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng trong giai đoạn này vẫn thấp
hơn hoặc bằng đơn giá nhân công thị trường. Do đó, việc tính 10% phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng công trình của các địa
phương không tăng chi phí các dự án sử dụng vốn nhà nước.
- Giai đoạn từ năm 2013 đến ngày 15/5/2015:
Sự chênh lệch và gia tăng Khoảng cách giữa đơn giá nhân công xây dựng tính theo
lương tối thiểu vùng so với lương nhân công thị trường chỉ bắt đầu khi Chính phủ
ban hành Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012 và Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người
lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ
hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan
tổ chức có thuê mướn lao động.
Kể từ thời điểm
này, nếu xác định đơn giá nhân công xây dựng trên cơ sở lương tối thiểu vùng quy định tại hai Nghị định trên sẽ
làm tăng đơn giá nhân công xây dựng từ 17%-35% so với đơn giá nhân công xây dựng
xác định theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP.
Trước tình hình đó, ngày 02/4/2013 Bộ Xây dựng đã có văn bản
số 551/BXD-KTXD gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị khảo sát đơn giá nhân
công thị trường làm cơ sở so sánh với đơn giá nhân công
xây dựng xác định theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại các Nghị định nêu
trên để quyết định việc công bố các hệ số Điều chỉnh mức chi phí nhân công cho
phù hợp với từng khu vực của địa phương mình quản lý. Do vậy,
nếu dự án nào áp dụng lương tối thiểu của Nghị định số 103/2012/NĐ-CP và Nghị định
số 182/2013/NĐ-CP sẽ làm tăng tổng mức đầu tư của dự án nhưng mức tăng không lớn.
3. Kiến nghị Chính phủ:
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế
áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng và tác động
của việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất đến quyết
toán và cân đối ngân sách nhà nước nêu trên, Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi họp
ngày 19/10/2017, về cơ bản các Bộ đều đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng
(chi tiết như Biên bản kèm theo) và đề nghị báo cáo Chính phủ chấp thuận:
- Ban hành một Nghị quyết chấp thuận
việc áp dụng 10% phụ cấp không ổn định sản xuất vào xác định đơn giá nhân công
xây dựng trong giai đoạn từ năm 2005 đến ngày 15/5/2015.
- Nội dung Nghị quyết không hồi tố việc
áp dụng và không áp dụng chế độ phụ cấp không ổn định sản xuất đối với các dự
án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt và quyết toán trong giai đoạn từ năm 2005
đến ngày 15/5/2015 để đảm bảo tính liên tục, thống nhất trong các thời kỳ của
văn bản pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động làm việc trong các dự
án đầu tư xây dựng như người lao động làm việc trong các dự án về thủy điện đã
được Chính phủ chấp thuận tại Nghị quyết số 104/NQ-CP.
Trên đây là kiến nghị của Bộ Xây dựng
và các cơ quan liên quan về việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào xác
định đơn giá nhân công xây dựng giai đoạn từ năm 2005 đến
ngày 15/5/2015. Bộ Xây dựng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà (để b/c);
- Các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội;
- Lưu VT, Cục KTXD (G).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Phạm Khánh
|