ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/KH-UBND
|
Hưng Yên, ngày 12
tháng 01 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG (PAPI) TỈNH
HƯNG YÊN NĂM 2023
Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số
Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng
Yên ban hành Kế hoạch nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2023
như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ
tại Chỉ thị số 06/CT-CTUBND ngày 17/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hưng Yên, phấn đấu Chỉ số PAPI
của tỉnh Hưng Yên năm 2023 tăng bậc so với năm 2022.
b) Phát huy sự tham gia của mọi
tầng lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi
chính sách; nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ
máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch,
liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng
phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân.
c) Xác định cụ thể trách nhiệm
của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp để nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
cơ quan Nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong nỗ lực
cải thiện Chỉ số PAPI.
2. Yêu cầu:
a) Kế hoạch được triển khai đồng
bộ ở các cấp chính quyền; tập trung trọng điểm tại các xã, phường, thị trấn
trên địa bàn tỉnh. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện
nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội của các huyện, thị xã, thành phố; xác định cải thiện và nâng cao Chỉ số
PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn
vị; đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.
b) Tổ chức các hoạt động thực chất,
hiệu quả; kết hợp với các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính,
Dân vận chính quyền, xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; linh hoạt trong quá
trình thực hiện phù hợp với các điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, mỗi lĩnh vực.
c) Các cơ quan nhà nước phải đẩy
mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực
hiện tốt yêu cầu; thấu hiểu, chia sẻ và kịp thời giải quyết các vướng mắc, bức
xúc của Nhân dân, của tổ chức và cá nhân; đánh giá đúng thực trạng, xây dựng Kế
hoạch thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định Chỉ số PAPI của ngành,
địa phương mình.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức
thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị
gắn với các nội dung của Chỉ số PAPI:
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
trách nhiệm, quyền hạn được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương lập kế hoạch,
chủ động tổ chức thực hiện; phát huy được sự đồng thuận, tham gia, ủng hộ, cải
thiện đánh giá của người dân; góp phần cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh trên 8 lĩnh
vực Chỉ số PAPI đề cập như sau:
- Tổ chức các hoạt động, thực
hiện các phương thức phù hợp để người dân được tham gia tích cực và chủ động
vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; phát huy quyền làm chủ của người dân,
góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.
- Thực hiện đúng đủ việc công
khai, minh bạch trong việc ra quyết định theo quy định tại Pháp lệnh về thực hiện
dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị, phát giác,
thắc mắc của người dân; thực hiện giải đáp, xử lý, điều chỉnh kịp thời, đúng
quy định những ý kiến của người dân.
- Nâng cao trách nhiệm giải
trình với người dân; tăng cường hiệu quả các phương thức tương tác giữa chính
quyền và người dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tập trung giải quyết
có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Tích cực kiểm soát tham nhũng
trong chính quyền các cấp, trong các dịch vụ công ích, đặc biệt các lĩnh vực
thiết yếu tới đời sống dân sinh: Y tế, Giáo dục, tuyển dụng vào cơ quan nhà nước.
- Nâng cao chất lượng giải quyết
thủ tục hành chính ở các cơ quan hành chính nhà nước; đặc biệt chú trọng các thủ
tục hành chính: chứng thực, xác nhận, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, và các dịch vụ hành chính cấp xã.
- Nâng cao chất lượng các dịch
vụ công ích thiết yếu cấp cơ sở như: Y tế công lập, giáo dục bậc tiểu học; cải
thiện cơ sở hạ tầng căn bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của
người dân: điện lưới, nước sạch, giao thông, quản lý rác thải, an ninh trật tự...
- Nghiêm túc trong công tác quản
trị môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi
trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững.
- Nỗ lực hơn nữa trong công tác
quản trị điện tử; hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện tốt trách nhiệm phản hồi
đối với ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua cổng thông tin điện
tử.
b) Các cơ quan, đơn vị căn cứ
các nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Phụ lục gửi kèm theo Kế hoạch này chủ động
triển khai thực hiện.
2. Công tác
thông tin, tuyên truyền
a) Tăng cường các kênh truyền
thông, hình thức truyền thông, thời lượng truyền thông, tần suất truyền thông tới
cộng đồng, tới các khu vực dân cư, tới tận người dân. Khuyến khích các phương
thức truyền thông mới, phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ, xu hướng của từng
khối đối tượng và khu vực dân cư. Chủ động về thời điểm thông tin, nội dung
thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kịp thời, dễ dàng tiếp cận
thông tin chính thống; chỉ dẫn cách thức, địa điểm, thời gian tiếp cận thông
tin; hướng dẫn người dân xử lý thông tin.
b) Nội dung tuyên truyền cần tập
trung: hiểu biết về chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực gần gũi, sát với
đời sống người dân; quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong quá trình sinh sống,
học tập, làm việc tại địa phương; trách nhiệm tham gia các hoạt động và đóng
góp ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở; Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường,
thị trấn; các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được
tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện; trách nhiệm của
chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan và của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; phổ biến
những nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị trong vận hành chính quyền, thực
hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; những thành quả trong phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương; quan điểm, thái độ, quyết tâm và kết
quả tỉnh đã đạt được trong thực hiện an sinh xã hội, dịch vụ công, bảo vệ môi
trường, phòng chống tham nhũng, trách nhiệm giải trình của chính quyền...
c) Tuyên truyền tới đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động về mục đích, ý nghĩa và kết quả Chỉ số
PAPI của tỉnh năm 2022 và những năm qua; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên
nhân, trách nhiệm đối với các nội dung tại Chỉ số PAPI; từ đó xác định trách
nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân trong việc cải thiện, nâng
cao Chỉ số PAPI trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
3. Kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Kế hoạch
a) Tăng cường công tác kiểm
tra; chú trọng kiểm tra đột xuất, chỉ đạo hoặc kiến nghị khắc phục các tồn tại
có thời hạn cụ thể; tái kiểm tra việc khắc phục các tồn tại đối với các đơn vị
đã được kiểm tra trước đây; chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót trong
thực thi nhiệm vụ, đặc biệt ở cấp chính quyền cơ sở. Công tác kiểm tra việc thực
thi chính sách, thực thi công vụ thực sự đi sâu đi sát vào các nội dung cụ thể,
công việc cụ thể của các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở; có chế tài mạnh đối
với các sai phạm, thiếu sót, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực
thi công vụ và triển khai thực hiện Kế hoạch; chỉ đạo khắc phục hoặc kiến nghị
khắc phục các tồn tại có thời hạn cụ thể.
b) Chủ động phối hợp các cấp,
các ngành để đề xuất lồng ghép phù hợp nội dung cải thiện Chỉ số PAPI vào nội
dung kiểm tra của các đoàn công tác của cơ quan, đơn vị.
c) Các sở, ngành tỉnh được UBND
tỉnh giao triển khai thực hiện các nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PAPI chủ động, linh
hoạt trong hình thức kiểm tra, thời gian kiểm tra, phương thức kiểm tra đối với
các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách, quản lý; chú trọng địa bàn kiểm
tra trực tiếp tới tận UBND cấp xã, thôn, tổ dân phố.
d) UBND cấp huyện, UBND cấp xã
chủ động, tăng cường kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chấn chỉnh,
khắc phục kịp thời các thiếu sót, tồn tại trong thực hiện chức trách, thực thi
công vụ của các tổ chức, cá nhân trong cơ quan nhà nước. UBND cấp huyện sử dụng
kết quả kiểm tra và đưa nội dung thực hiện Kế hoạch vào tiêu chí xác định Chỉ số
PAPI năm 2023 của các xã, phường, thị trấn.
đ) Các sở, ban, ngành, đơn vị
thuộc UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra về nghiệp vụ chuyên ngành
theo ngành dọc thuộc lĩnh vực quản lý; tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh chấn chỉnh
kịp thời các sai phạm, thiếu sót về chuyên môn thuộc lĩnh vực phụ trách, quản
lý.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Giao các sở, ban, ngành tỉnh;
UBND cấp huyện, cấp xã:
a) Về việc thực hiện Kế hoạch
nâng cao Chỉ số PAPI năm 2023:
Trên cơ sở nội dung kế hoạch
này, cụ thể hóa, xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nâng cao Chỉ số
PAPI năm 2023. Kế hoạch phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thời điểm ban hành Kế hoạch chậm
nhất 15 ngày làm việc sau thời gian ban hành Kế hoạch PAPI trong năm đó của
UBND tỉnh, UBND cấp huyện.
- Nội dung đầy đủ nhiệm vụ theo
Kế hoạch của tỉnh, đảm bảo sản phẩm, phân công trách nhiệm, thời gian hoàn
thành cụ thể theo từng Quý để làm cơ sở xác định Chỉ số PAPI của đơn vị.
b) Về thực hiện chế độ báo cáo
các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI:
- Định kỳ báo cáo kết quả thực
hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để theo dõi, giám sát thực hiện và tổng hợp
báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Báo cáo gửi về Sở Nội vụ: 6 tháng
đầu năm trước ngày 10/6 (thời gian chốt số liệu tính từ ngày 01/11/2022 đến
ngày 31/5/2023); báo cáo năm trước 31/10/2023 (thời gian chốt số liệu tính từ
ngày 01/11/2022 đến ngày 31/10/2023).
- UBND cấp xã, các cơ quan, đơn
vị thuộc UBND cấp huyện báo cáo gửi về UBND cấp huyện (qua Phòng Nội vụ): 6
tháng đầu năm trước ngày 05/6; cả năm trước 25/10/2023.
c) Các sở, ban, ngành, Chủ tịch
UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về
việc thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và
hành chính công năm 2023, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành mình, cấp
mình, đơn vị mình.
d) UBND cấp huyện:
- Tổ chức thực hiện đầy đủ các
nhiệm vụ cụ thể do các Sở, ngành tỉnh chủ trì tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này;
tổng hợp kết quả thực hiện theo ngành, lĩnh vực gửi các Sở, ngành chủ trì.
- Thường xuyên đôn đốc, theo
dõi, kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công
vụ, tăng cường kiểm tra đột xuất tại địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc; chủ
động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hướng dẫn, đôn đốc, giám
sát, kiểm tra UBND cấp xã (bao gồm việc triển khai thực tế tại các thôn, tổ
dân phố trên địa bàn khu dân cư) trong việc triển khai thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở; đưa nội dung thực hiện Kế hoạch vào tiêu chí xác định Chỉ số
PAPI hằng năm của các xã, phường, thị trấn.
- Giải trình và chịu trách nhiệm
trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả khảo sát của PAPI tại các thôn,
tổ dân phố thuộc địa bàn dân cư do huyện, thị xã, thành phố quản lý.
2. Các đơn vị được UBND tỉnh
giao làm đầu mối tham mưu thực hiện các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản trị và
hành chính công tỉnh
Giao Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị chủ trì tham mưu, đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp các Chỉ số nội
dung, nội dung thành phần của Chỉ số PAPI (tại Phụ lục nhiệm vụ cụ thể kèm
theo Kế hoạch này) có trách nhiệm:
a) Chủ động triển khai thực hiện
nhiệm vụ theo thẩm quyền, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành,
đơn vị năm 2023.
b) Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên
môn đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị theo ngành dọc tại cấp
huyện, cấp xã; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thuộc
ngành, lĩnh vực phụ trách.
c) Xây dựng, triển khai kế hoạch
kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này đối với các cơ quan, đơn
vị thuộc lĩnh vực phụ trách, quản lý và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh
(qua Sở Nội vụ) để theo dõi, giám sát thực hiện theo quy định (Thực hiện trong
quý III năm 2023).
d) Chủ động xây dựng các quy chế
phối hợp công tác, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, chuyên đề; trao đổi thông tin
thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh triển
khai thực hiện các nội dung nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh
(Sở Nội vụ), chủ động tham mưu UBND tỉnh hoặc đề nghị các cơ quan liên quan
thành lập các đoàn công tác, các tổ công tác chuyên đề (nếu cần thiết).
đ) Xây dựng các biểu, bảng mẫu
báo cáo theo ngành, lĩnh vực; đề nghị các đơn vị liên quan, UBND các huyện,
thành phố, thị xã báo cáo định kỳ (nếu cần thiết). Chịu trách nhiệm tổng hợp kết
quả thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh đối với các nhiệm vụ được phân công vai
trò chủ trì tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ)
theo quy định.
3. Sở Nội vụ
a) Là cơ quan thường trực giúp
UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung nâng cao hiệu quả quản trị và hành
chính công của tỉnh. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình hình
thực hiện của các đơn vị, báo cáo UBND tỉnh theo quy định;
b) Lồng ghép nội dung bồi dưỡng,
tập huấn nâng cao nhận thức về Chỉ số PAPI vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức, viên chức hàng năm của UBND tỉnh và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập
huấn; tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết việc thực hiện nâng cao Chỉ số PAPI
nhằm phân tích, đánh giá những mặt được và những mặt còn yếu kém để có giải
pháp khắc phục.
c) Tăng cường công tác kiểm
tra, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và đề xuất
xử lý nghiêm cán bộ, công chức có biểu hiện và hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu
trong thực thi, cung cấp các dịch vụ công cho người dân.
d) Trên cơ sở kết quả Chỉ số
PAPI năm 2022, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tìm hiểu các mô hình, cách
làm hay ở các tỉnh, thành phố có xếp hạng Chỉ số PAPI cao, tham mưu UBND tỉnh
có giải pháp triển khai trên toàn tỉnh.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh
- Hàng năm xây dựng kế hoạch cụ
thể triển khai Kế hoạch này đến các tổ chức đoàn thể của tỉnh và theo dõi, đôn
đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện. Kịp thời có giải pháp khắc phục hoặc
kiến nghị UBND tỉnh khắc phục những tồn tại hạn chế, góp phần nâng cao Chỉ số
PAPI của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Phối hợp, thực hiện vai trò giám
sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền
cơ sở đối với người dân.
- Hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp phối hợp với UBND cùng cấp trong việc tổ chức tuyên truyền trong
nhân dân về 08 nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chỉ số PAPI gắn với tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tăng cường hiệu
quả của các thiết chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với
người dân; lồng ghép với công tác dân vận để người dân cùng phối hợp thực hiện.
Công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, tham gia
vào các chủ trương, chính sách của địa phương.
- Chỉ đạo các Ban chuyên môn phối
hợp chặt chẽ với UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ); vận động, hướng dẫn Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với UBND cùng cấp tổ
chức thực hiện Kế hoạch này.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên
Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền, phổ biến kế hoạch; đưa tin, bài phản ánh về kết quả triển khai thực
hiện để Nhân dân biết, giám sát./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Báo Hưng Yên, Đài PTTH Hưng Yên;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- CV: HCQTĐức;
- Lưu: VT, CVNCNH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Duy Hưng
|