ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/HD-UBND
|
Ninh Bình, ngày
11 tháng 5 năm 2023
|
HƯỚNG DẪN
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
VÀ QUYỀN HẠN CỦA PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN, THÀNH PHỐ
Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014
của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày
14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW
ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị
về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn
2022-2026 và Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ chính trị về quản lý
biên chế của hệ thống chính trị;
Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày
30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân
cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy ban nhân
dân tỉnh Ninh Bình hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây
gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), cụ thể như sau:
I. Vị trí và chức năng
Vị trí và chức năng của Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại Điều 3 Thông
tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội, cụ thể như sau:
1. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban
nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Lao động, tiền
lương trong khu vực kinh doanh và việc làm; giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm);
bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ
em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn theo quy định của
pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công
tác ở địa phương.
2. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội có tư cách pháp
nhân, có con dấu và tài khoản; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc
làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của Ủy ban nhân dân
cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp
vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại Điều 4 Thông tư số
11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội, cụ thể như sau:
1. Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện dự thảo quyết
định; quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn và hằng năm; chương trình, biện
pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực
quản lý nhà nước được giao; dự thảo văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thuộc
Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện dự thảo
các văn bản về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thuộc thẩm quyền ban hành
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân công.
3. Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy
hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được giao; theo dõi
thi hành pháp luật.
4. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước theo
quy định của pháp luật đối với tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các
hội và tổ chức phi chính phủ hoạt động trên địa bàn thuộc lĩnh vực lao động, người
có công và xã hội.
5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định
đối với các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ
việc làm, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở cung cấp dịch
vụ hỗ trợ bình đẳng giới, dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở
giới, cơ sở trợ giúp trẻ em trên địa bàn theo quy định của pháp luật và theo
phân công hoặc ủy quyền.
6. Quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt
sĩ trên địa bàn theo phân cấp.
7. Tiếp nhận hồ sơ và thực hiện xác định số lao
động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc đối với cơ quan,
đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý xin tạm
dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã
hội trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc
ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện; rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh sách
đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
8. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực lao
động, người có công và xã hội đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn
trên địa bàn.
9. Phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng phong trào
toàn dân chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng và các đối tượng chính
sách xã hội.
10. Kiểm tra theo ngành, lĩnh vực được phân công
phụ trách đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp
luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy
định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
11. Tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ;
xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và
chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp huyện.
12. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ
và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân
dân cấp huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
13. Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên
chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, thực hiện chế độ tiền lương, chính sách,
chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn,
nghiệp vụ đối với công chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật,
theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài
sản của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật và
theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân
cấp huyện giao hoặc theo quy định của pháp luật.
III. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH
ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hướng dẫn
này, nghiên cứu, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
theo đúng quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở
Nội vụ).
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh
hoặc khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, báo
cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để kịp thời
xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Nội vụ;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, các VP.
LQ_VP7_NV.2023
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Quang Ngọc
|